1. Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy kiêm nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Libya

Hôm 18 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy kiêm nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Libya.

Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy năm nay 73 tuổi, sinh trưởng tại Hương Cảng, làm giáo sư Thần học tại Học viện Thánh Linh ở địa phương và đã dịch sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo ra tiếng Hoa. Ngài từng giữ nhiều nhiệm vụ trong dòng, kể cả làm Giám tỉnh từ năm 2001 đến 2006, và là thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế.

Tháng Mười Hai năm 2010, cha Hàn Đại Huy được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bổ làm Tổng giám mục Tổng thư ký Bộ Truyền giáo. Nhưng đến cuối tháng Chín năm 2017, ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp, mặc dù không xuất thân từ trường ngoại giao Tòa Thánh. Hồi tháng Mười năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục được thuyên chuyển tới đảo Malta và nay ngài kiêm nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Libya.

Quốc gia này có rất ít tín hữu Công Giáo, đa số là người nước ngoài. Địa phận Đại diện Tông tòa ở thủ đô Tripoli chỉ có khoảng 15.000 tín hữu Công Giáo, trong khi địa phận Tông tòa Bengasi chỉ có 530 tín hữu Công Giáo.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu lại với quý vị và anh chị em bài nói chuyện của Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy về 3 giai đoạn của Giáo Hội Công Giáo dưới chế độ hiện nay.

2. Hội đồng Giám mục Anh quốc lên tiếng về vấn đề trợ tử

Hội đồng Giám mục Anh quốc kêu gọi chính quyền đầu tư nhiều hơn vào việc tăng cường các biện pháp trị liệu chống đau, thay vì ban hành việc giúp tự tử.

Trong bài tường trình gửi đến Ủy ban Quốc hội Anh về y tế và trợ giúp xã hội, Đức Cha John Sherrington, đặc trách các vấn đề đạo đức sinh học thuộc Hội đồng Giám mục Anh, khẳng định rằng việc săn sóc sự sống con người phải là “một nghệ thuật trị liệu”, hòa hợp một mạng các quan hệ với sự cộng tác của các bệnh nhân, thân nhân, chuyên gia sức khỏe, các linh mục và toàn thể cộng đoàn, trong bối cảnh một sự chăm sóc nhìn nhận tình thương trường kỳ của Thiên Chúa đối với con người và bảo vệ sự sống cho đến lúc chết tự nhiên”.

Tại Anh quốc, hiện nay, ai khuyến khích hoặc giúp người khác tự tử sẽ bị phạt tới 14 năm tù, cho dù luật này ít khi được áp dụng, nếu bệnh nhân tự ý chọn lựa và người giúp đỡ có thể chứng minh là đã ngăn cản người ấy đừng tự tử.

Toan tính hợp thức hóa việc trợ tử tại Anh là hồi năm 2015, khi dự luật Marris bị bác bỏ tại Hạ viện, với 330 phiếu chống, và chỉ có 118 phiếu thuận.