1. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận được “Đồng tiền tưởng nhớ” của Ukraine
“Đồng xu Bucha” với hình ảnh của nhà thờ Thánh Tông đồ Anrê được gọi là Đền thờ Tông đồ đầu tiên, nơi chôn cất 119 cư dân hòa bình trong thời kỳ chiếm đóng của Nga, đã được trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma.
Cổng thông tin “Moya Kyivshchyna” của Hội đồng thành phố Bucha đã cho biết như trên.
Ruslan Kravchenko, người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kyiv, đã trao tặng đồng xu kỷ niệm cho đặc sứ Vatican, là Đức Hồng Y Matteo Zuppi.
Kravchenko nhấn mạnh lòng biết ơn của mình đối với sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh. Ông nói thêm rằng ông rất vui khi nhìn thấy hình ảnh Đức Thánh Cha nhận đồng xu tượng trưng cho sự bất khuất của người Ukraine.
Đồng xu được đánh số 250 và có một trong những biểu tượng để tang của thành phố là nhà thờ Thánh Anrê Tông đồ, vị Tông đồ đầu tiên được Chúa gọi.
2. Thông cáo báo chí của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk về lễ tưởng niệm các nạn nhân thảm kịch Volhynia
Hôm thứ Ba 11 Tháng Bẩy, Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã đưa ra thông cáo báo chí sau đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.
“Chúng tôi tha thứ và cầu xin sự tha thứ”: Tưởng niệm các nạn nhân thảm kịch Volhynia tại nhà thờ chính tòa Lutsk.
Hôm Chúa nhật, ngày 9 tháng 7, tại Nhà thờ Chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Lutsk, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, cùng với Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, là Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, là Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gądecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ukraine, Đức Giám Mục Vitaliy Skomarovsky, và đại diện của các tôn giáo bạn với sự tham dự của hai vị Tổng thống Ukraine và Ba Lan, chúng tôi đã cử hành buổi cầu nguyện tưởng niệm các nạn nhân của bạo lực ở Volyn trong Thế chiến II nhân kỷ niệm 80 năm thảm kịch này.
Lễ tưởng niệm các nạn nhân bắt đầu bằng lời cầu nguyện hòa giải chung của đại diện các hệ phái Kitô giáo khác nhau với sự tham dự của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Andrzej Duda. Sau buổi cầu nguyện, các nguyên thủ quốc gia đã thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân của thảm kịch. “Cùng nhau, chúng ta vinh danh tất cả những nạn nhân vô tội của Volyn! Ký ức hợp nhất chúng ta! Cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy và Tổng thống Ba Lan cho biết
Sau lời cầu nguyện hòa giải, Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh đã cử hành Thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân.
Trong bài giảng thánh lễ, ngài nói:
“Chúng ta tập trung cầu nguyện ở trung tâm Lutsk. Lời cầu nguyện có giá trị thay đổi tâm hồn mỗi người chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas nhấn mạnh. Sau đó, ngài nêu ra ba dấu chỉ mà theo ý kiến của ngài là cần thiết để hoán cải và tha thứ thực sự. Dấu chỉ thứ nhất là tiếng khóc chân thành cho tất cả các nạn nhân của 80 năm trước, lên tới hàng chục nghìn người. “Xin Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cảm thấy những nạn nhân này gần gũi với chúng ta, ngay cả khi chúng ta không biết rõ tên của họ và không có mối liên hệ tâm linh với tất cả họ. Trong tình trạng này, khi chúng ta than khóc, lời cầu nguyện của chúng ta là chân thành,” ngài nói.
“Dấu chỉ thứ hai của sự hoán cải là sự tha thứ, và cầu xin sự tha thứ của nhau. Yêu cầu này là tâm điểm của các lời kêu gọi của các giám mục ở Ukraine và Ba Lan. Khi vết thương rỉ máu, chúng ta không còn sức lực để yêu thương, nên thường cứ làm tổn thương nhau. Chúng ta cần cầu xin sự tha thứ và chữa lành trong tâm hồn mình. Chúng ta cần phải yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta ân sủng như vậy”, vị đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Ukraine cho biết.
“Yếu tố thứ ba của sự hoán cải là khả năng yêu thương. Những vết thương trong quá khứ cản trở khả năng yêu thương của chúng ta hôm nay. Chúng ta còn có thể mang lại niềm an ủi nào lớn hơn cho các nạn nhân? Còn niềm vui nào lớn hơn chúng ta có thể dâng lên Chúa là Đấng Cứu Rỗi chúng ta? Chắc chắn, đây là tình yêu hoàn hảo mà Tông đồ Phaolô nói với chúng ta”, Đức Cha nhấn mạnh.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cũng nói vài lời nhấn mạnh đến mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm không chỉ liên kết những người khác quốc tịch mà còn cả người sống và người chết. Ngài lưu ý rằng chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu gìn giữ sự toàn vẹn của sứ điệp tông đồ và truyền thống, cảm nghiệm được trong khi cử hành Bí Tích Thánh Thể, thế giới hữu hình và vô hình kết hợp quanh bàn thờ Thiên Chúa như thế nào: trời và đất, các thiên thần và con người. Hôm nay, tại đây, xung quanh bàn tiệc thánh của Chúa ở Lutsk, với tư cách là những tín hữu, chúng ta nghe thấy trời và đất, người sống và người chết đồng thanh nói với nhau như thế nào: chúng ta tha thứ và cầu xin sự tha thứ!”
“Đây là mầu nhiệm kỳ diệu của Bí Tích Thánh Thể, liên kết người Ba Lan và người Ukraine, người sống và người chết, hướng lòng về thiên đàng. Chúng ta cảm thấy rằng chúng ta là một dân tộc của Thiên Chúa: người Công Giáo của cả hai nghi thức, người Chính thống giáo và Kitô hữu của các đức tin khác. Xung quanh bàn thờ, chúng ta cảm thấy một Chúa, một đức tin và một phép rửa. Cùng một thiên đường cho người Ba Lan và người Ukraine, cho những người thuộc các quốc gia và quốc tịch khác nhau,” Đức Tổng Giám Mục nói. “Thật đáng ngạc nhiên, kinh nghiệm mầu nhiệm về Bí tích Thánh Thể nói rằng những người đã khuất của chúng ta, bao gồm cả các nạn nhân của vụ thảm sát Volhynia, nói qua môi miệng của chúng ta: chúng tôi tha thứ và xin được tha thứ,” ngài nói.
“Và chúng ta ở đây trên trái đất, cầu nguyện cho những nạn nhân vô tội của những sự kiện khủng khiếp, cùng nhau, chúng ta hãy nói: Lạy Chúa, xin ban cho họ sự yên nghỉ vĩnh cửu, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi họ mãi mãi. Cầu mong họ được yên nghỉ. Amen.”
3. Biến cố Volhynia là gì?
Sau Hiệp ước Molotov–Ribbentrop vào năm 1939, và tiếp theo đó là cuộc xâm lược và phân chia lãnh thổ Ba Lan giữa Đức Quốc Xã và Liên Xô, Liên Xô đã xâm lược phần Volhynia của Ba Lan. Khu vực này nằm ở ngã ba biên giới Ba Lan, Ukraine và Belarus. Ở thời điểm năm 1939, khu vực này chủ yếu chỉ có người Ba Lan.
Khi liên minh tạm thời Đức-Xô được thành lập, Volhynia trải qua những biến động rất lớn. Trong quá trình di chuyển dân số của Đức Quốc xã và Liên Xô, hầu hết dân thiểu số người Đức ở Volhynia đã được chuyển đến những khu vực Ba Lan bị Đức Quốc xã sáp nhập.
Dân số còn lại, đã phải gánh chịu các vụ trục xuất và bắt giữ hàng loạt do mật vụ Nga thực hiện. Bên cạnh đó, còn có các hành động đàn áp người Ba Lan do Đức thực hiện, bao gồm cả việc trục xuất đến Đức để đưa đến các trại lao động cưỡng bức, và hành quyết hàng loạt, đến năm 1943, người dân tộc Ba Lan chỉ còn chiếm 10 đến 12% dân số Volhynia.
Trong cuộc xâm lược của Đức, khoảng 50.000–100.000 người Ba Lan (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) ở Volhynia đã bị Quân nổi dậy Ukraine tàn sát. Số nạn nhân Ukraine của các cuộc tấn công trả đũa của Ba Lan cho đến mùa xuân năm 1945 được ước tính là khoảng 2.000−3.000 người ở Volhynia.
Năm 1945, Ukraine thuộc Liên Xô trục xuất người dân tộc Đức khỏi Volhynia sau khi chiến tranh kết thúc, tuyên bố rằng Đức Quốc xã đã sử dụng người dân tộc Đức ở Đông Âu như một phần của kế hoạch xâm lược. Việc trục xuất người Đức khỏi Đông Âu là một phần trong quá trình di chuyển dân số lớn hơn sau chiến tranh.
Liên Xô đã sáp nhập Volhynia vào Ukraine sau khi Thế chiến II kết thúc. Năm 1944, những người cộng sản ở Volyhnia đã đàn áp người Công Giáo Ukraine. Hầu hết những người dân tộc Ba Lan còn lại đã bị trục xuất sang Ba Lan vào năm 1945. Kể từ khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990, Volhynia là một phần không thể thiếu của Ukraine.