Sông, rạch, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tôm cá. Trong số các loại cá phải kể đến con lóc. Nếu hổ là chúa tể sơn lâm, thì lóc là bá sông rạch bởi nó bơi rất nhanh. Lóc nhảy cao, phóng xa, miệng rộng, phàm ăn, mau lớn, có trí nhớ khá và thích mạo hiểm. Mùa nước lớn, con lóc đi khắp đó đây và dường như nó nhớ đường đi, nước bước. Có người giải thích mũi nó thần kì lắm nên có thể đánh hơi vùng nước quanh nó và tìm cách vượt rào đến vùng nước mới. Vào mùa nước rút, lóc tìm cách vượt bờ mương ao đi tìm chỗ có nguồn nước tốt hơn. Nông dân chỉ cần làm cái hố chặn đường nơi mà thời nước lớn lóc thường đi lại (có nơi gọi là hố bẫy cá, nơi khác là nhậy, nơi khác là ụ bắt cá) Đêm đến con lóc vượt bờ phóng vào hố bị bùn lỏng dính thân, càng nhảy bùn dính càng nhiều; toàn thân nó như mặc giáp bùn dầy cộm, nặng hơn sức nặng của cá vì thế nó không thể nhảy cao được. Con lóc nhảy tới, nhảy lui, mệt lả. Sáng ra chủ nhà nhẹ nhàng nhặt cá cho vào giỏ. Con lóc trở thành nạn nhân của tài nhảy cao, phóng xa. Vào mùa nước rút, sáng sớm ra ruộng dọc theo nốt chân trâu thường nhặt được cá lóc. Đêm đến lóc nhớ con đường nó thường đi khi nước lớn, lóc nhoài mình theo đường nước cạn đó. Đường nước cạn cỏ mọc tốt, do lượng đất phù sa, phì nhiêu theo nước mưa tuôn xuống. Mức độ ẩm thấp cao ở vùng đường nước cạn là nơi thuận tiện cho các loại cỏ có cọng lớn, mạnh, phát triển nhanh. Trâu bò thích loại cỏ non xanh, giòn, nõn nà, mềm mại. Con lóc nhoài theo đám cỏ non, không may rớt vào lỗ chân trâu. Đầu chúi xuống đất, đuôi dựng thẳng lên trời. Sáng ra, lóc trở thành quà tặng cho người thức sớm, hoặc mồi hảo hạng cho đám chim, quạ. Thịt lóc tuyệt vời, thơm ngon, dai, ít xương. Lóc nổi tiếng nướng trui nhưng hấp với lá mướp còn tuyệt hảo hơn nhiều. Mắm lóc nấu chung với ba chỉ, nấu cơm chiều phải thêm vài nắm gạo nếu không ăn xong, có người tiếp tục liếm mép. Lóc khô được dân ba xị ca tụng là thầy của các món đưa cay bởi cái mùi lóc khô nướng thơm bắt mũi lại ngọt dịu của thịt cá. Lóc khô nấu với cà ghém, thêm chút thịt, cà chua, và kinh giới, bắt mùi đến độ bà già cũng bỏm bẻm cố nhai vài ba miếng. Lóc khô lại giữ được lâu không bị khét bởi mỡ lóc ảnh hưởng rất ít đến thịt của nó.

Lóc con được biết đến như là bầy 'rồng'. Bầy rồng nhiều đến mấy trăm. Chúng đi chung với nhau và được cha, mẹ bảo vệ. Bất cứ con vật gì đến gần đều bị lóc cha mẹ tấn công. Con chuồn chuồn xấu số đậu ngọn cỏ trên đường đám rồng đi qua; bất thình lình lóc cha từ sâu dưới nước phóng khỏi mặt nước, chuồn chuồn có cánh cũng không kịp tung bay. Lóc rất thương con, sẵn sàng hy sinh mạng sống bảo vệ con, vì thế dân câu nhắp thấy đàn rồng là coi như chắc chắn thế nào cũng bắt được cha mẹ nó. Chỉ cần bắt con nhái mắc lưỡi câu, nấp sau bụi cỏ, rê lưỡi câu qua bầy rồng dăm ba lần, lóc cha sẽ không bỏ lỡ cơ hội và người câu cũng không mất thời cơ. Mất cha mẹ, bầy rồng từ từ biến mất bởi các loại cá khác 'trả thù' trước đây chúng bơi hụt hơi vì cha mẹ rồng săn đuổi chúng làm mồi béo bở.

Dẫu lóc là anh hùng vô địch sông rạch, tung hoành ngang dọc nhưng lúc sa cơ, lỡ thế, lại trở thành nạn nhân cho kẻ bần. Trong số các sinh vật bơi trong nước, có lẽ con đỉa bị nhiều người khinh bỉ nhất. Thân hình đỉa tựa lá răm non, nhỏ dài màu xám đen. Bị đỉa cắn không sợ bằng nhìn đỉa bơi, bởi cách nó bơi làm cho toàn thân ớn lạnh, nổi gai ốc cùng mình. Dơ bẩn, khô hạn, đỉa cũng sống sót. Đỉa di chuyển bằng cách đo mình trong nước. Nó căng dài thân mình ra, đo tới trước rồi cong thân lại búng đuôi tới chỗ vừa đo, cứ mỗi lần như thế đỉa đi được một bước, dài vừa đúng thân hình nó. Một khi đỉa tìm được chỗ hút máu, dầu có chết đỉa cũng không nhả, vì thế câu ví 'dai như đỉa' chỉ người thích nhai đi, nhai lại cùng câu chuyện. Kẻ nói dai như đỉa thiếu rộng lượng, nghèo thứ tha. Khi nước trong ao hồ cạn thấp chính là cơ hội cho đỉa tung hoành. Đỉa thích hợp khi nước lớn cũng như lúc nước cạn. Đỉa bơi trong nước và trên cạn nó cũng co giãn để di chuyển như loại trùng hổ. Vì thiếu nước, lóc đói ăn, nước cạn, lắng gần bùn. Nắng hè làm cho nước ao hồ nóng hơn tạo điều kiện tốt cho rong dại phát triển. Đây chính là cơ hội cho đỉa tấn công con lóc. Lẩn trốn trong đám rong dại, con lóc đến trú nóng, đỉa âm thầm, nhẹ nhàng, búng thân bám chặt vào go cá (mang cá hút máu). Lóc cố vùng vẫy nhưng dai như đỉa; do đó lóc thành nạn nhân do hoàn cảnh. Đỉa hút máu, con lóc yếu dần đến khi không còn máu, chết do miệng đỉa. Anh hùng chết vì môi miệng kẻ bần cùng, ăn bám.

Lóc chết vì hết máu. Cơ thể sống nhờ máu và máu cần cơ thể để sinh tồn. Cả hai đều cần nhau. Khi bị thương, cơ thể mất máu, vì thế thương nhân cảm thấy khát nước, thèm nước. Mất hết máu, cơ thể chết lạnh. Máu ở ngoài cơ thể; máu chết, vón cục. Vì thế cơ thể và máu dù khác nhau nhưng sống nhờ nhau, hỗ trợ nhau và cần nhau. Cơ thể tạo ra máu, trong khi máu lại tăng sức cho cơ thể. Đức Kitô biết rõ điều đó nên Ngài ban cho con cái Ngài Mình và Máu cực thánh của chính thân Ngài. Khi ban như thế, Ngài tự nguyện hy sinh chết để cho Kitô hữu được sống. Chết bằng cách trên thể hiện trọn vẹn câu: chết cho người mình yêu. Điều này được chính Đức Kitô nói trong bữa Tiệc Li:

'Đây là Mình Ta, đây là Máu Ta, anh em hãy nhận lấy mà ăn, mà uống'.

Khi tiếp máu người ta cần loại máu thích hợp. Mình và Máu cực thánh Đức Kitô ban thích hợp cho mọi Kitô hữu ở tuổi trưởng thành. Tuổi trưởng thành là tuổi biết phân biệt lành dữ. Chọn lành, tránh dữ là điều kiện cần cho việc đón nhận Mình, Máu thánh Đức Kitô. Máu trong cơ thể con người mang không khí trong lành đến nuôi cơ thể; khi trở lại tim, máu mang theo khí dơ nhờ phổi thanh tẩy cơ thể. Mình Máu thánh Đức Kitô ban sinh lực, tăng sức mạnh tâm linh giúp Kitô hữu chống lại í nghĩ dơ bẩn, hành động tồi bại, chống lại cám dỗ, sa đọa, làm cho đời sống đức tin giầu ân sủng Chúa. Mình Máu thánh Đức Kitô trở thành lương thực trường sinh, ban sự sống đời đời cho Kitô hữu thành tâm tin vào sự sống lại của Đức Kitô. Bởi do lòng tin mà được chia sẻ sự sống lại với Đức Kitô. Bởi do lòng tin mà được hưởng thiên ân, đón nhận Mình Máu thánh Đức Kitô. Đây là thần lương cao trọng hơn manna Chúa ban cho Môisen nuôi đoàn dân lữ hành trên đường về Đất Hứa. Kitô hữu là người lữ hành về Đất Hứa. Mình Máu thánh là lương thực cần thiết trên đường lữ hành về nhà Cha trên trời, chung sống với Đức Kitô Phục Sinh. Thời xa xưa người ta dùng máu chiên bò làm lễ tế. Cùng tư tưởng đó người ta gọi Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa. Là Chiên Thiên Chúa bởi Ngài là Đấng vô tội, nhận tội nhân loại vào chính thân mình và đổ chính máu mình ra, chết thay cho người mình yêu.

Phục Sinh đổi mới cuộc sống Kitô hữu. Trước Phục Sinh Tiệc Li năm xưa là tiệc chia li, chia lìa, chia tay trước khi xảy ra tản mát, tán loạn, tháo chạy, lẩn trốn trong lo âu, sợ sệt, đen tối, không tương lai, không hi vọng. Sau Phục Sinh, Tiệc Li mang í nghĩa mới. Kitô hữu vui mừng, hân hoan, đón chào nhau bởi đây là tiệc mừng, tiệc đoàn tụ, họp mặt, giao hoà, tin tưởng, phó thác, tràn trề hi vọng và tưởng nhớ. Chính Đức Kitô phán:

'Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Ta.'

Khi ban Mình và Máu cực thánh cho Kitô hữu. Đức Kitô trao ban cho Kitô hữu toàn vẹn sự sống Ngài. Điều này thể hiện trên thập giá khi người lính cầm đòng đâm cạnh sườn Người. Kinh Thánh thuật lại không còn gì sót lại trong tim, chỉ còn một vài giọt nhũ tương màu hồng nhạt rịn ra. Không còn máu, không còn hơi thở, không còn sự sống; bởi Đức Kitô trao ban trọn vẹn cho người Ngài yêu mến. Nước mắt vắn dài Đức trinh nữ Maria nhỏ trên xác con lạnh giá một lần nữa xác nhận Đức Kitô thực sự trao ban trọn vẹn sự sống Ngài cho Kitô hữu. Ông Giuse được Philatô cho phép an táng Đức Kitô. Điều này cho biết chính quyền sở tại chính thức xác nhận Đức Kitô thực sự đã chết. Không thể sai lầm, chối cãi hay đặt vấn đề Đức Kitô thực sự chết hay chỉ ngất xỉu. Ngài thực sự chết; hết máu, xác lạnh, được an táng. Không ai chối cãi điều này; điều họ tranh biện là sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô. Đặt vấn đề về sự Phục Sinh của Đức kitô vì không tin vào lời nhân chứng. Không phải một chứng nhân thuật điều mắt thấy tai nghe, mà con số lên đến hàng ngàn. Môn đệ Đức Kitô gặp Ngài, chứng kiến Ngài về trời. Các bà phụ nữ gặp Ngài, vui mừng loan tin khắp nơi. Như thế nhân chứng sống động làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh đến từ nhiều tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Nếu chê lời chứng của dân nghèo, sao không tin vào lời chứng của người có chức quyền. Nếu chê lời chứng của người thất học sao không tin vào lời chứng của các bậc làm thầy. Nếu không tin vào lời chứng của tông đồ sao không tin vào lời chứng của các bà phụ nữ yêu mến Đức Kitô. Nếu không tin vào lời chứng của một cá nhân sao không tin vào lời chứng của đám đông dân chúng.

Kitô hữu tin vào sự sống lại của Đức Kitô bởi họ tin vào lời chứng của các tông đồ, của các bà phụ nữ. Kitô hữu hướng về tâm linh, nước trời, sự sống trường sinh. Lễ Mình Máu Thánh Đức Kitô cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa môn đệ Đức Kitô và môn đệ trần thế. Trần thế tin dựa vào khối óc; tin Đức Kitô chết trên thập tự nhưng không tin Ngài sống lại từ cõi chết. Môn đệ Đức Kitô tin dựa vào lời rao giảng của Đức Kitô và dựa vào lời chứng của các tông đồ. Họ không phải chỉ nói về Đức Kitô Phục Sinh mà còn dùng chính sự sống mình làm chứng cho điều họ rao giảng. Tin vào tông đồ Đức Kitô vì các ngài là nhân chứng, tai nghe Đức Kitô rao giảng; gặp Đức Kitô Phục Sinh, mắt chứng kiến Đức Kitô lên trời. Họ đi rao giảng và làm chứng và chết cho điều họ rao giảng.

Tin theo trần thế, họ thuộc về trần thế. Con người trần thế cũ vẫn tồn tại trong họ; không thay đổi mặc dầu họ nói về đổi mới, canh tân. Theo họ, đổi mới, canh tân là chạy theo thay đổi của khoa học kĩ thuật. Tin theo Đức Kitô thuộc về Đức Kitô, trở thành con người mới, lối sống mới, cách suy nghĩ mới, niềm tin mới. Đổi mới, canh tân mới là đổi mới, canh tân do ơn thần thiêng Đức Kitô Phục Sinh ban. Từ bỏ lối sống cũ để nhận lấy sự sống mới nơi Đức Kitô. Không phải tự họ có khả năng đổi mới mà chính là Thánh Thần Chúa thay đổi họ. Thánh Thần mà Đức Kitô ban sau khi Ngài về trời. Kitô hữu nhận khi chịu phép Thanh Tẩy và phép Thêm Sức. Nhờ Thánh Thần mà họ trở thành tạo vật mới trong Thánh Thần. Họ sống trong xã hội nhưng không thuộc về xã hội, mà trở thành muối men ướp xã hội, giúp con người xã hội nhận ra họ là môn đệ, chứng nhân Đức Kitô Phục Sinh qua dấu chỉ yêu thương nhau. Như thế con người mới là con người biết yêu thương, tha thứ, coi trọng và bảo vệ sự sống con người.

Có ba nguồn tài liệu loan báo về sự chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Nguồn tài liệu đầu tiên đến từ các tiên tri. Nguồn tài liệu thứ hai đến từ chính Đức Kitô. Ba lần Ngài nói với môn đệ cái chết và sự sống lại của Ngài. Nguồn tài liệu thứ ba đến từ các tông đồ và các bà phụ nữ. Họ là nhân chứng và làm chứng điều mắt thấy, tai nghe. Khi Đức Kitô tiên báo trước là Ngài sẽ chết và sống lại. Môn đệ Đức Kitô không hiểu. Sau khi Ngài sống lại từ cõi chết, họ nhớ lại điều Đức Kitô tiên đoán và những điều đó xảy ra đúng như những gì đã tiên đoán. Môn đệ ra đi rao giảng những điều đó và làm chứng về những điều đó. Đó là niềm tin của Kitô hữu.
TiengChuong.org