John L. Allen Jr., chủ bút Crux, ngày 8 tháng 12 năm 2024, nhận định rằng Giữa sự hân hoan lan tỏa khắp Syria và trên toàn thế giới sau sự sụp đổ của chế độ Assad vào đêm thứ Bảy, một cộng đồng trong nước có lẽ không có tâm trạng lễ hội như vậy vào lúc này chính là cộng đồng thiểu số Ki-tô giáo ở Syria.
Trước khi Nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, các Ki-tô hữu chiếm khoảng 10 phần trăm dân số, tương đương khoảng 1.5 triệu người. Ngày nay, con số đó vào khoảng 300,000 người, nhiều người trong số họ đã rời đi do giao tranh liên miên và tình hình kinh tế trì trệ, tức là cùng lý do khiến hàng triệu người Syria khác phải chạy trốn. Tuy nhiên, những người khác đã rời bỏ Syria vì sự đàn áp và bạo lực của các nhóm thánh chiến cực đoan chiếm một phần đáng kể trong liên minh phiến quân.
Trong nhiều năm qua, nhận thức rộng rãi cho rằng các Ki-tô hữu tương đối ủng hộ Assad, không phải vì họ có bất cứ tình cảm đặc biệt nào đối với chế độ này và sự tàn bạo rõ ràng của nó, mà là vì ít nhất nó cũng ngăn chặn được những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Sau đây là cách ĐC Jean-Clement Jeanbart, người đã từ chức Tổng giám mục Melkite Hy Lạp của Aleppo ở Syria vào năm 2021, đã nói về mọi thứ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với Crux.
"Cá nhân tôi cho rằng Bashar al-Assad là một người tốt", ngài nói. "Tôi không muốn đưa ra phán đoán nào ngoài điều đó, nhưng tôi đã gặp ông ấy một vài lần và tất cả các đồng nghiệp, các giám mục đồng nghiệp của tôi, các linh mục và nữ tu, đều đánh giá cao ông ấy".
“Điều đó không có nghĩa là ông ấy là thiên thần”, ngài nói.
ĐC Jeanbart kể câu chuyện về một lần nhận được báo cáo về các thành viên trong đàn chiên của mình đang bị các chiến binh ISIS bao vây. Ngài đã gọi đến văn phòng của Assad ở Damascus và một đoàn xe bọc thép chở quân đã được điều động đến để giải cứu người dân của ngài. Trong bối cảnh đó, ngài cho biết, ngài thấy khó có thể gọi Assad là “quái vật”.
“Đôi khi có vẻ như tất cả các quốc gia trên thế giới đều chống lại Assad, nhưng chúng tôi cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác”, ĐC Jeanbart nói. “Thành thật mà nói, đây là tình hình. Tôi nghĩ [Assad] muốn cải cách. Hãy để ông ấy chứng minh ý định tốt của mình và hãy cho ông ấy cơ hội để xem ông ấy sẽ làm gì”.
Trên thực tế, nhiều Ki-tô hữu ở Syria từ lâu đã cảm thấy rằng giải pháp thay thế thực tiễn cho Assad không phải là một nền dân chủ thịnh vượng, đa nguyên, mà là một nền thần quyền Hồi giáo.
Nói rõ hơn, các lực lượng nổi dậy đã nói tất cả những điều đúng đắn trong cuộc tấn công hiện tại, cuộc tấn công đã lên đến đỉnh điểm với việc chiếm được Damascus. Lãnh đạo của Hayat Tahrir al-Sham, một nhóm Hồi giáo từng có liên hệ với al-Qaeda và ISIS nhưng hiện vẫn khăng khăng rằng mình độc lập, gần đây đã ca ngợi lịch sử Syria là "điểm gặp gỡ của các nền văn minh và văn hóa", hứa sẽ tôn trọng "sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo" của nước này.
Trong một Thánh lễ gần đây ở Aleppo chỉ vài ngày sau khi các chiến binh Hayat Tahrir al-Sham chiếm được thành phố, Tổng giám mục Công Giáo Armenia Boutros Marayati đã nói với những người theo ngài rằng ngài đã nhận được "lời đảm bảo" rằng "mọi thứ sẽ vẫn như trước, chỉ tốt hơn".
Tuy nhiên, không phải tất cả đều ngọt ngào và tươi sáng đối với các Ki-tô hữu ở Syria khi liên minh nổi dậy đã càn quét khắp đất nước.
In Defense of Christians (IDC), một tổ chức vận động có trụ sở tại Hoa Kỳ cho các Ki-tô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Trung Đông, cho biết họ đã nhận được báo cáo rằng các Ki-tô hữu đã trở thành mục tiêu của tội phạm và phá hoại tràn lan, và trong cuộc chiến giành Aleppo, một quả bom đã rơi xuống khu phức hợp Cao đẳng Terra Santa của Dòng Phanxicô. Không có thương vong, chỉ có thiệt hại cho tòa nhà, và không có lý do ngay lập tức để tin rằng các tu sĩ Phanxicô đã bị nhắm mục tiêu một cách có chủ đích.
Đối với các Ki-tô hữu Syria vốn đã lo lắng, những sự cố như vậy không làm vơi đi nỗi sợ hãi của họ. Kịch bản ác mộng là Syria có thể đi theo con đường của Iraq, nơi một nhà độc tài Ả Rập khác đã sụp đổ và bị thay thế bằng sự hỗn loạn và bất ổn, tạo ra một khoảng trống mà chủ nghĩa cực đoan đã phát triển mạnh mẽ và các Ki-tô hữu liên tục thấy mình ở trên tuyến đầu.
Một khía cạnh tích cực tiềm tàng của tình hình hoàn toàn mới do sự sụp đổ đột ngột của Assad tạo ra là bất cứ ai nắm quyền cũng sẽ không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nga hoặc Iran, vì họ là những người ủng hộ chính cho chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến của Assad. Thay vào đó, họ có thể tiếp cận các cường quốc phương Tây để được hỗ trợ, có lẽ đặc biệt là Pháp, xét đến lịch sử của Ủy trị Pháp sau Thế chiến thứ nhất và sự phản đối mạnh mẽ của Pháp đối với Assad.
Điều đó có thể giúp các cường quốc phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (người có thể tận dụng cơ hội để tỏ ra giống một chính khách, xét đến những khó khăn chính trị trong nước của ông) có thể sử dụng một số đòn bẩy để bảo vệ các cộng đồng thiểu số của Syria. Họ không chỉ bao gồm các Ki-tô hữu mà còn có cả người Druze và người Alawites, những người có khả năng là những người dễ bị trừng phạt nhất vì gia đình Assad xuất thân từ giáo phái này.
Việc bảo vệ sự hiện diện của Ki-tô giáo ở Syria là quan trọng vì lý do tâm linh, vì cộng đồng này đã tồn tại từ thời các tông đồ. Nhưng nó cũng có lợi ích về mặt địa chính trị và chiến lược, bởi vì một Syria không có người theo Ki-tô giáo sẽ có nhiều khả năng rơi vào sự kiểm soát của các nhóm thánh chiến cực đoan, làm mất ổn định thêm khu vực và, về vì vấn đề đó, cả thế giới.
Nói cách khác, có thể có lý do để hy vọng về triển vọng của Ki-tô giáo trong tương lai hậu Assad. Chỉ cần đừng mong đợi các Ki-tô hữu Syria tham gia ăn mừng ngày tàn của chế độ (Fin de Régime) ngay bây giờ.