LÒNG TỰ TIN - HÀNH TRANG CHO NGÀN NĂM THỨ BA (Tiếp theo)

CHƯƠNG HAI : THIẾU TỰ TIN, NHỮNG TRIỆU CHỨNG

Trong chương một vừa rồi tôi đã quãng diễn sâu rộng thế nào là lòng tự tin, khi nào tôi tin vào tôi. Dưới nhiều hình thức và ở những giai đoạn khác nhau, tôi đã kết luận: Tự tin là một tiến trình, một con đường đòi hỏi chúng ta dấn bước đi tới :

Bước một : Tiếp thu thực tại, mở mắt nhìn để phân biệt tôi đang thấy gì. Đâu là sự kiện khách quan?

Bước hai : kiến giải thực tại, từ những sự kiện khách quan. Lối nhìn của tôi là gì? Dựa vào đâu tôi khẳng định như vậy?

Bước ba : Hóa giải xúc động và tình cảm do lối nhìn phát sinh hay gọi về những năng động vì nhu cầu có mặt trong hiện tại:

Xúc động nào đang có mặt?

Tôi làm gì để chuyển biến?

Tôi cần năng động nào?

Làm sao để gọi về năng động ấy?

Bước bốn : Xây dựng quan hệ

Tôi có khả năng diễn tả và bộc lộ nội tâm không?

Khi làm như vậy, tôi xây dựng thế nào những quan hệ giữa người với người không?

Bước năm: Chuyển biến quá khứ thành hành trang

Quá khứ ấy xây dựng đời tôi như thế nào?

Nếu quá khứ gây cản trở, tôi hành xử như thế nào?

Dù muốn dù không, khi khảo sát những bước đi lên ấy, để xác định những cách làm tự tin, tôi đã đồng thời đưa ra những nhận định thế nào là thiếu tự tin.

Trong cách trình bày, thay vì sử dụng tư tưởng nội dung, nghĩa là nêu lên những quan điểm trừu tượng, lý thuyết, tôi đã phát huy tư tưởng cấu trúc, bằng cách đề cao cách làm, tôi giới thiệu một phương pháp khảo sát, học tập, nghiên cứu. Xuyên qua đó, người độc giả thấy mình đang ở đâu. Trong mỗi giai đoạn, họ sẽ tự hỏi mình: tôi đã làm hay chưa? Nếu đã làm, tôi cần bổ túc, sửa sai, kiện toàn gì? Nếu chưa, tôi sẽ bắt tay vào việc thế nào?

Và sau khi làm được, họ sẽ có khả năng hướng dẫn kẻ khác cùng làm như mình.

Trong chương hai nầy, thay vì lặp lại chương một và thực hiện một cuộc đảo ngược 180 độ, tôi dùng phương pháp "định bệnh" nghĩa là khảo sát, rà soát những triệu chứng.

Khi định bệnh như vậy, chúng ta sẽ đi từ những dấu hiệu thô thiển hiển nhiên và kết thúc với những đường nét tế vi, chấm phá.

Triệu chứng thứ nhất :
    * Hẹn rày hẹn mai

    * Lương ương khó quyết định,

    * Nước lên trôn mới nhảy.
Khi xác định mục đích và mục tiêu hành động cho cuộc đời, tôi cần thắp sáng ngọn đèn ý thức, để soi chiếu ít nhất sáu vấn đề khác nhau:

Một : Phân tích hiện tình (điểm xuất phát)

Hiện tại, tôi ở trong hoàn cảnh hoặc tình huống nào?

Một cách đặc biệt, vấn đề của tôi là gì? Tôi cần gì?

Hai : Mục đích, mục tiêu (điểm đến)

Tôi muốn gì?

Giá trị hoặc nhu cầu tôi cần đeo đuổi là gì?

Đâu là điều quan trọng đối với tôi?

Mục đích tối hậu là gì?

Ba : Trở ngại còn được gọi là Bị động.

Để đạt đến mục đích hoặc mục tiêu, tôi đang có những khó khăn, trở ngại nào?

Tôi vượt qua được không, thế nào?

Bốn : Lợi điểm còn gọi là Năng động.

Tôi có năng động và động cơ nào thúc đẩy?

Tôi được gì, khi đạt mục tiêu?

Nếu chưa có sẵn năng động ấy, tôi đi tìm đâu? Trong tôi?

Ngoài tôi?

Nếu không có ở ngoài, tôi sẽ hành xử ra sao?

Năm
: Những bước cụ thể đi tới, lịch trình thực hiện.

Tôi phân chia, công việc thành những bước đi cụ thể như thế nào?

Khi nào tôi bắt đầu bước một.

Tôi hoàn tất bước sau cùng khi nào?

Sáu : Đánh giá.

Tôi dự trù đánh giá đợt một, để điều chỉnh khi nào?

Tôi đánh giá lần cuối khi nào?

Tôi sẽ đánh giá trên những tiêu chuẩn nào?
  • Tiêu chuẩn về những bước thực hiện?


  • Tiêu chuẩn về mục tiêu?


  • Tiêu chuẩn về năng và bị trong đó có quan hệ, nếu có nhiều người hợp tác trong một chương trình hoặc dự án?
Trong mỗi cách xử lý triệu chứng ở đây, hay là trong các triệu chứng khác sau nầy, chúng ta đánh sáng lòng tự tin bằng cách nhấn mạnh hai lãnh vực :
  • Tôi có giá trị, mục đích và ý nghĩa trong cuộc đời.


  • Tôi làm được, tôi có khả lực.
Bao lâu chưa tìm được giá trị cần đeo đuổi và khả lực nằm ở đâu, chúng ta chưa có điểm tựa vững chắc để khẳng quyết và mài nhọn lòng tự tin.

Hẳn thực, như lời người xưa đã dạy :

« Có đi mời biết đường dài

« Ở lâu mới biết con người phải chăng! »

Vậy tự tin là tự mình động viên mình, tìm cách biết mình và chủ động học tập để trở thành con người có giá trị và có khả lực. Lẽ đương nhiên, khi đi tới, tôi sẽ gặp những vấp ngã. Nhưng tôi rút tỉa bài học để thăng tiến bản thân.

Trái lại, khi không làm và ngồi chờ quả sung từ trời rơi vào miệng, đó là tình cảnh của người thiếu tự tin.

Triệu chứng thứ hai:
    * Tự cao tự đại,

    * Luồn cúi, nịnh bợ

    * Ba phải

    * Thay đổi như chong chóng

    * Lệ thuộc

    * Tự ti mặc cảm.
Triệu chứng loại một nằm ở khâu giá trị và mục đích của đời sống.

Triệu chứng loại hai nằm ở khâu ý thức về căn cước hoặc bản sắc đích thực của mình:Tôi là ai?

Tác giả E. Berne - người sáng lập "phương pháp phân tích những trao đổi" (12) - đã dùng lối nói "lập trường tâm lý" để mô tả thể thức một người xác định vị trí của mình so với người khác:
  • Tôi ở trên?


  • Tôi ở dưới?


  • Tôi đứng ngang hàng?
Thể theo lối nhìn của tác giả, không có vị trí xấu hoặc tốt, theo quan điểm đánh giá nhị nguyên. Đây là vấn đề ý thức về trách nhiệm làm người, phát xuất từ chỗ đứng của mình, trong môi trường gia đình và xã hội.
  • Khi tôi biết mình đang ở trên tôi có trách nhiệm sáng soi hướng dẫn về nguyên tắc và phương thức hành động cho người ở dưới. Đồng thời, tôi tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, nâng đỡ, cũng cố những gì thuộc về bản sắc của họ.


  • Khi tôi ở dưới, tôi học tập cho biết những qui luật hành động. Đồng thời tôi cũng tập luyện ăn nói làm sao cho « đúng người đúng lúc », nhất là khi diễn tả nhu cầu tình cảm.


  • Khi làm người anh chị em ngang hàng nhau, tôi chia sẽ, đồng hành và trao đổi...
Trong quan hệ giữa người với người, không ai "luôn luôn cố định" ở trên. Ví dụ, trong trường hợp thuyết minh một vấn đề, tôi được chỉ định ở trên. Sau đó vào giờ cơm, tôi không cần ở trên, đòi cho mình quyền "ăn trên ngồi trước". Tiếp theo đó, trong cuộc sống, nếu tôi cần một đồ dùng, tôi phải xin, tuân theo qui luật của đời sống, nếu đó là những đồ dùng của tập thể. Đối với tập thể, tôi đặt mình ở dưới.

Con người tự tin có một lối nhìn "xuôi chảy", hài hòa, tự nhiên như vậy. Trái lại, vì thiếu tự tin, tôi khư khư ôm lấy đặc ân đặc quyền và không tuân hành bổn phận và nhiệm vụ.

Trong tinh thần nầy, ở trên không có nghĩa là có mọi giá trị. Và khi ở duới tôi vẫn là một "người", một chủ thể. Tôi không bao giờ là đối vật, đối tượng hoặc nạn nhân, chính khi tôi đảm nhiệm những công việc được gọi là "hạ cấp" như quét nhà, lau chùi phòng vệ sinh. Thực ra không có gì là hạ cấp khi tôi biết tôi đang làm người phục vụ, trong lòng quê hương và đất nước. Trái lại, khi người dân, vì lý do lý lịch bị xếp loại hạng siêu công dân và hạng hạ công dân, hạng có quyền công dân và hạng bị mất quyền công dân, hạng có thành tích, hạng có vết nhơ, đó là tình trạng phản lại con người.

Hẵn thực, Tôi không bao giờ mất căn cước làm người.

Không ai có thể truất phế chức người của tôi.

Triệu chứng thứ ba:
    * Tâm thần bất ổn,

  • * Bùng nổ,


  • * Khép kín, sợ sệt,


  • * Mặt ngoài mặt trong xung khắc với nhau,


  • * Thiếu trung thực,


  • * Dồn nén.
Những ai mang những triệu chứng nầy đang thiếu khả năng hóa giải đời sống xúc động và tình cảm. Một là họ không ý thức một cách rõ ràng về cảm trạng của mình. Họ không mô tả một cách rõ ràng chính xác nội tâm của họ. "Khó chịu" có nghĩa đích thực là gì? "Hồi hộp" là hiện tượng sinh hóa hay là căng thẳng nội tâm ?

Lẽ đương nhiên, loại người nầy cần học tập phân biệt:
  • Sự kiện khách quan là gì?


  • Lối nhìn là gì?


  • Xúc động mang những tên gì?


  • Nhu cầu tình cảm cần đuợc diễn tả làm sao?


  • Không ý thức về tình cảm, làm sao biết mình?


  • Không biết mình, làm sao có khả năng đánh giá căn cước và khả lực đang có mặt, bằng cách nầy hay cách khác trong chính mình?


  • Không coi trọng mình đúng tầm, làm sao tự tin, nghĩa yêu thương vun bón chính mình?
Triệu chứng thứ bốn:
    * Ăn nói hồ đồ tỏ ra mình "biết một mà không biết mười".

    * Lời lẽ "rau muống" luộm thuộm, dài dòng, cầu kỳ, chơi trò "chữ nghĩa", nghĩa là không biết mình nói gì. Nói "không có sách", mách "không có chứng".

    * Ngôn từ chuởi bới, tố cáo, mạ lị kẻ khác...

    * Tiêu cực về mình, nói về mình như là nạn nhân, "bị kẻ khác ức hiếp, bắt bớ, thực dân".

    * Không dám từ chối, muốn "làm vừa lòng mọi người" nhưng sau đó chua cay.
Triệu chứng thứ bốn nầy xuất hiện ở khâu bộc lộ nội tâm, sử dụng phương thức diễn tả lối nhìn hoặc xúc động. Nói cách chung, trong triệu chứng nầy, lời lẽ thiếu chất lượng "chính xác". Ba cơ chế "vơ đũa cả nắm"; "thiên vị" và "xuyên tạc" luôn luôn có mặt tràn đầy, ở dưới mỗi lời phát biểu.

Bao lâu loại người nầy không học tập phân biệt một cách chính xác yếu tố nào là sự kiện, yếu tố nào là lối nhìn của chính mình, yếu tố nào là phê phán chủ quan về người khác... họ chỉ tạo nên những căng thẳng, xung đột trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi. Và kết quả cuối cùng là "gậy ông trở lại đập lưng ông".

Trong những cuốn sách trước đây (13), tôi đã đưa ra nhũng kỹ thuật giúp chúng ta rà soát lại lời ăn tiếng nói của mình. Hẵn thực, chánh ngữ nghĩa là ngôn ngữ chính xác, càng đưa chúng ta lại gần thực tại bao nhiêu, càng có giá trị bấy nhiêu. Có chánh ngữ mới có chánh tư duy, nghĩa là suy tư một cách đứng đắn. Và khi có tư duy đứng đắn, chánh kiến, nghĩa là lối nhìn trung thực, mới có cơ may xuất hiện. Sau hết, có lối nhìn trung thực, chúng ta mới thực sự có chánh tâm, nghĩa là biết yêu mình và yêu người, trong những quan hệ hằng ngày của chúng ta.

BÍ CHÚ:
    12) Berne E. - A.T. et psychothérapie - P. BP, Paris 1971.

    13) Nguyễn Văn Thành - Phát Huy Nhân Lực - TN 1998.

    - Đường Vào Nội Tâm - TN 1997.
(Còn tiếp)