Lòng chợt từ bi bất ngờ

Yêu em, yêu thêm tình phụ,

Yêu em, lòng chợt từ bi bất ngờ.


Trịnh Công Sơn

Tình yêu là một trong những đề tài đã được nhắc nhở, bàn luận, chia xẻ, và tranh luận cả hằng ngàn năm nay rồi. Chúng ta ai cũng đã nghe từng nghe câu chuyện chàng tuổi trẻ Ađam và nàng thiếu nữ Evà yêu nhau. Sau khi được Thiên Chúa tạo dựng từ bùn đất, chàng tuổi trẻ ngày ngày lang thang, ca hát, đùa giỡn với những con thú vật đã được Thiên Chúa tạo dựng trong Vườn Địa Đàng. Tất cả mọi thứ chàng cần đến đều đã có sẵn trong khu Vườn. Nhưng, hình như vẫn còn một cái gì đó chàng cảm thấy thiếu, trống vắng. Chàng tuổi trẻ không hiểu nhưng Chúa biết. Chúa biết chàng thiếu thốn tình yêu. Ngài quyết định làm cho chàng ngủ say, và Chúa rút ra cái xương sườn của chàng thanh niên. Thế là Giavê Thiên Chúa tạo dựng nên người thiếu nữ Evà…

Nơi khu vườn vắng lặng, người thiếu nữ đang đi thơ thẩn lang thang một mình.

— Chị Hai.

Người con gái giật mình. Nàng ngơ ngác nhìn quanh quẩn,

— Chị Hai.

Một lần nữa tiếng gọi vang lên. Người thiếu nữ dương cao cặp mắt to tròn nhìn lên cành cây trước mặt. Nàng nhận ra hình dạng thân quen của chú bé rắn con nhập nhòe lẫn lộn trong đám lá xanh.

— Chị Hai.

Con rắn tiếp tục,

— Có phải Thiên Chúa nói, “Chúng con không được ăn hết tất cả mọi thứ trái cây trong Vườn hay không”?

Người con gái trả lời,

— Trái cây trong Vườn thì được ăn. Nhưng riêng trái của cây nằm ở giữa Vườn, Thiên Chúa nói, “Các con không được ăn, không được động tới, nếu không sẽ phải chết”.

Con rắn nói với người thiếu nữ,

— Không phải. Chẳng chết chóc chi hết, bởi Thiên Chúa biết ngày nào anh chị ăn trái cây đó, mắt anh chị sẽ mở ra, và anh chị sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác (Sáng Thế Ký 3:1-5).

Người thiếu nữ ngước nhìn cành cây. Trái chín mượt mà nhảy múa mời gọi. Nàng ngơ ngác ngẩng mặt nhìn lên, bầu trời trong xanh cao thẳm xa vời. Nàng đăm chiêu cúi mặt nhìn xuống, đất đen lung linh rộng mở. Nàng xa xôi nhìn về hướng trước mặt, cánh cửa khu Vườn rộng mở thênh thang.

Nàng nhìn lên, trái chín to tròn lơ lửng đong đưa. Mùi thơm của trái chín nương theo gió chiều ngào ngạt bay vào khứu giác của người thiếu nữ. Nàng giơ tay hái một trái gần nhất bỏ vào miệng. Chưa hết, nàng còn hái một trái khác mang lại cho chàng thanh niên.


Đàn ông trong tình yêu hình như có vẻ dại khờ. Ngay sau khi đã lỡ dại nghe lời con rắn xúi khôn xúi dại ăn trại cấm, nàng tuổi trẻ Evà hái những trái khác mang lại cho chàng. Không biết là nàng có khóc lóc, van xin chàng hãy chết đời đời kiếp kiếp với em hay không, nhưng theo như Kinh Thánh, chàng cầm lấy trái cấm, và chàng ăn. Một vài người nào đó có thể bàn tới bàn lui là tại chàng yêu nàng quá cho nên chàng không muốn sống xa nàng. Trong tình yêu, lý luận như vậy thì cũng được. Nhưng có nói chi đi nữa, câu chuyện cả hai bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng đã được Sáng Thế Ký viết lại rất rõ ràng. Chưa hết, Chúa còn sai một thiên thần cầm gươm lửa chặn ngay cửa. Thế là đường về bỗng dưng xa vời ngàn dặm! Thế là đời đời kiếp kiếp từ nay sẽ là làm lụng vất vả, đổ mồ hôi, xót con mắt mới có thức ăn. Bản án cho một câu chuyện tình đã được đóng dấu. Có hối hận, van xin Chúa rộng lòng thương ngó xuống thân phận hẩm hiu cũng không được. Đường về đã đóng kín. Vừa đi vừa quay đầu lại, cả hai đều nhìn thấy người cầm gươm lửa mặt hầm hầm đầy sát khí. Có cho vàng cũng chẳng dám quay lại. Chúa chưa phạt chết tươi là hên lắm rồi. Quay lại van xin, năn nỉ, ỉ ôi, lỡ may người cầm gươm lửa nổi giận, chém cho một nhát thì thật là uổng đời.

Nhân câu chuyện tình yêu của ông bà nguyên tổ, người viết muốn bàn tới một câu chuyện tình khác. Chuyện tình này, chúng ta ai cũng đã từng nghe qua và cảm nghiệm ít nhất là một lần trong cuộc đời của mình. Chuyện tình này có thể là một chuyện tình buồn, cũng có thể là một chuyện tình vui, tùy theo khía cạnh nhìn và cảm nghiệm riêng tư của mỗi cá nhân, người viết muốn nói đến chuyện tình của Thiên Chúa.

Chúng ta thường nghe nói, hoặc cũng đã từng được nhắc nhở: “Chúa là Tình Yêu”. Lật ra một cuốn sách Toán, nhan nhãn đó đây chúng ta sẽ bắt gặp hàng chữ (x=1). Ẩn số (x) đã được nhà toán học tìm ra bằng con số (1). Ứng dụng niềm tin vào toán học, hy vọng chúng ta sẽ nhìn thấy rõ ràng hơn tư tưởng người viết muốn bàn luận trong bài viết này, đó là Chúa là Tình Yêu hay là (Chúa=Yêu). Bởi Chúa là Yêu, cho nên trong tình yêu, Ngài yêu rất điên cuồng.

Chúa-yêu-thương-con-người là một trong những hình ảnh nổi bật được diễn tả trong dòng lịch sử ơn cứu độ. Và Chúa yêu con người rất điên cuồng. Với dung nhan mang tình yêu, tình yêu dại khờ, Chúa là một người tình nhân ái, từ bi, và vị tha.

Đi ngược lại dòng lịch sử ơn cứu độ, chúng ta sẽ thấy liền những điều người viết vừa nêu ra ở trên.

Trong Vườn Địa Đàng, thấy Ađam buồn vì thiếu vắng tình yêu, Chúa đích thân dựng nên Evà mang lại tận tay cho Ađam làm bạn. Chiều chiều, Chúa ghé xuống Vườn Địa Đàng thăm hỏi, chuyện trò với cả hai như một cặp tri kỷ.

Tình yêu như trái phá,

Con tim mù lòa,


(Trịnh Công Sơn).

Nhưng rất tiếc, có một chiều, Ngài ghé vào khu Vườn, Giavê Thiên Chúa không thấy người tình của Ngài nơi điểm hẹn. Ngài lo lắng,

— Con đâu rồi?

Yêu em, yêu thêm tình phụ

Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ.


Nói theo kiểu của Trịnh Công Sơn, khi yêu người ta sẽ sẵn sàng yêu cả những lỗi lầm của người mình yêu, bởi Mỵ Châu, cũng đã từng nói với Trọng Thủy,

Yêu nhau cau bẩy bổ ba,

Ghét nhau cau bẩy bổ ra làm mười.


Trong tình yêu, tấm lòng của người đang yêu thường thường rất là mềm yếu, đôi khi từ bi một cách lạ kỳ. Sau khi cả hai ông bà nguyên tổ chơi dại, cãi lại lời của Thiên Chúa, vì yêu, Chúa may quần áo cho hai ông bà mặc, một hành động rất là “người”, và bất ngờ với độc giả của Cựu Ước. Sau đó, Ngài mới mời cả hai nhanh chóng bước ra khỏi cõi ánh sáng.

Khi con cái của Ađam bắt đầu sinh sản đông đảo trên cõi trần gian, “Chúa thấy tội lỗi con người lan tràn trên khắp mặt đất, và suốt ngày tâm trí họ chỉ hướng về gian ác” (Sáng Thế Ký 6:5). Bởi thế, Chúa khiến một trận hồng thủy quét sạch tất cả mọi loài thụ tạo mà Ngài đã dựng nên. Nhưng vì yêu, Chúa không nỡ tiêu diệt hết con người. Gia đình ông Noah đã được Chúa ra tay gìn giữ. Qua Noah, lần đầu tiên trong dòng lịch sử ơn cứu độ, Chúa lập nên giao ước của riêng Chúa, đấng Tạo Hóa bất diệt cao sang, với con người thụ sinh thấp kém. Và Ngài nói, “Từ nay sẽ không còn Đại Hồng Thủy tàn phá trái đất nữa” (Sáng Thế Ký 9:11 ).

Vì yêu, chính Chúa đã ra tay giết chết tất cả con trai đầu lòng của người Ai Cập để giải thoát người tình của Ngài ra khỏi vòng nô lệ. Khi dân chúng chết đứng ngay tại bờ Biển Đỏ, và ngay đằng sau là vó ngựa của binh lính Ai Cập đang ào ào phóng tới, qua hai bàn tay của Môisen, Thiên Chúa oai hùng tách đôi Biển Đỏ thành hai bức tường, dựng nên con đường mòn khô ráo cho người tình của Ngài đi qua.

Trên con đường tiến về Đất Hứa, Chúa khiến cột may xuất hiện che chở người tình của Ngài qua khỏi những cơn nắng cháy da người trong sa mạc. Ban đêm thay vào cột mây là cột lửa soi sáng đường đi. Khi dân chúng khát nước, Chúa khiến Môisen khai mở vòi nước từ tảng đá cho người tình của Ngài qua cơn khát. Chúa cho Manna từ trời rơi xuống hằng ngày để người tình của Chúa có lương thực ăn no lòng. Thế nhưng, khi người tình của Chúa phản bội lại Ngài, không giữ giao ước đã được thiết lập, Chúa nhắm mắt làm ngơ để cho quân thù thống trị người tình của Chúa. Nhưng khi người tình của Ngài biết phục thiện, chạy đến với Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, và Chúa của Giacóp, vì yêu Chúa quay mặt nhìn lại người tình dại khờ. Thế là lại thêm một lần nữa, Thiên Chúa của yêu điên cuồng lại ra tay cứu vớt.

Chúa chăn nuôi con, con chẳng thiếu thốn chi.

Trên đồng cỏ xanh rì, Ngài để con nằm nghỉ.

Đến nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Ngài hướng dẫn co

Tâm hồn con, Ngài lo bồi dưỡng
(Thánh Vịnh 23).

Tất cả những điều này đã được Chúa thực hiện chỉ vì Chúa yêu. Chúa yêu người tình dại khờ của Chúa. Chúa trở nên điên khùng vì con người. Baby, I’m crazy for you!

Tình yêu của Chúa dành cho con người mãnh liệt vô cùng. Phải nói đúng là không thể dùng bất cứ một ngôn ngữ nào trên thế gian để diễn tả. Cha mẹ yêu con cái, có thể hy sinh miếng ăn ngon, cái áo đẹp, và ngay cả mạng sống của mình cho đàn con. Đây mới chỉ là tình yêu phụ mẫu tử. Riêng về tình yêu đôi lứa, sức mạnh của chữ yêu mạnh mẽ biết bao. Người ta yêu nhau, người ta cảm thấy nhu cầu cần có nhau trong đời sống rất mãnh liệt. Và nếu không đạt được tới mục đích này, một trong hai người còn lại rất dễ dàng đi đến tình trạng tuyệt vọng. Khi không gặp mặt được nhau, hai người sẽ than thở, rũ rượi như một con mèo hoang, đói, ốm nặng trong một ngày mùa đông mưa tuyết. Ngay cả đến lúc đã leo lên giường ngủ, họ vẫn dại khờ nhớ đến nhau.

Đêm qua ra đứng bờ ao.

Trông cá, cá lặn. Trông sao, sao mờ.

Buồn trông con nhện giăng tơ,

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?

Buồn trông chênh chếch sao mai,

Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?


Tình trạng rũ rượi như đười ươi không rửa mặt vào một buổi sáng sớm mùa thu sẽ nhanh chóng biến mất khi bóng dáng của nàng đang lấp ló đâu đó tại điểm hẹn. Hoặc bộ mặt sầu úa của nàng sẽ bừng lên sức sống mùa xuân khi nhận ra chàng đang từ xa xa lái xe “bim-mơ” đời mới tới gốc cây mà nàng đang đứng đợi.

Riêng tình yêu của Chúa đối với con người thì sao? Chúa là Yêu và bởi yêu con người một cách crazy cho nên Ngài yêu dữ dội vô cùng. Người con hoang đàng trong Tân Ước đã từng tung cánh chim theo tiếng gọi của thập phương, từ bỏ người cha già lên đường biệt tăm sau khi mở miệng đòi chia gia tài với người Cha.

Theo phong tục của người Do Thái, hành động đòi chia gia tài của cậu Út được hiểu như là một lời rủa, “Tại sao ông không chết đi để tôi được chia gia tài”? Giời a! Cậu Út hỗn tới cỡ như vậy mà ông già vẫn không có tới một lời than thở, chửi rủa hoặc đánh đập, “Mày, thằng bất hiếu”! Không, Chúa không làm như vậy. Chưa hết, sau khi cậu Út đã bỏ đi, tương tự như bên Việt Nam, ông già sẽ trở thành một đề tài đàm tiếu cho cả hàng xóm về thằng con bất hiếu, rằng ông không biết dậy con cho nên bị thằng con Út “đăng báo từ cha”. Ông già biết rằng sau khi cậu Út biến dạng nơi chân trời, những lời ong tiếng ve sẽ ngập tràn phố xá, hàng quán, chợ búa, “Nhà này vô phúc! Có thằng con không ra chi! Quân du thủ, du thực! Bố nó còn sống sờ sờ ra đó mà đòi chia gia tài! Chắc là nghiệp báo chi đây”! Thế đó, ông già biết trước danh dự của ông sẽ bị hàng xóm láng giềng chà đạp nếu ông không ngăn cản cậu Út bằng mọi cách. Không! Chúa không làm như vậy. Ngài chỉ im lặng chia hết của cải cho người con. Sau đó, chiều chiều Ngài ngồi nơi cửa sổ chờ đợi. Cặp mắt của người Cha dõi nhìn về cõi xa xa, mong đợi bóng dáng của cậu Út quay về lại mái nhà xưa. Mỗi lần bụi bốc cao nơi chân trời, lòng người Cha già lại thấp thỏm, hồi hộp, chờ đợi.

Và rồi cậu Út cũng đã trở về sau khi gia tài sự nghiệp đã tan theo mây khói. Chắc chắn chúng ta không ai có thể quên được hành động của người Cha già khi thấy bóng dáng của cậu Út đang thấp thoáng từ xa xa. Ông già ào ào chạy tới, chạy chớ không phải là thủng thỉnh đi tới. Ông phóng tới, nhưng không phải để hất hủi, xua đuổi, “Mày có ngon thì đi luôn đi! Sao còn vác cái mặt về đây làm chi”? Không, Chúa không làm như vậy, nhưng Chúa ôm lấy cậu Út, xỏ nhẫn vào tay cậu, và sai gia nhân trong nhà tổ chức dạ tiệc chào mừng ngày cậu Út trở về.

Từ trời cao, Thiên Chúa đã xuống thế mặc lấy xác phàm. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết Chúa trở nên điên cuồng vì con người biết bao! Bởi nếu Thiên Chúa không mặc lấy thân xác của con người, chúng ta sẽ không bao giờ có thể mường tượng hoặc là cảm nghiệm được Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho bạn và cho tôi. Qua ngôn ngữ loài người, Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Chúa là Cha, là Bố. Qua những cử chỉ hành động thương yêu ân cần thăm hỏi của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết một phần nho nhỏ về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu hiện hữu trước khi con người xuất hiện. Tình yêu này sẽ tồn tại cho đến muôn đời.

Valentine 2006

www.nguyentrungtay.com