DI THẢO SỐ 18: VỀ VIỆC HỌC THỰC DỤNG (*)
(23 tháng 7 năm Tự Đức 19, tức 1 tháng 9-1866)
Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.
Tôi trộm thấy mấy lâu nay Triều đình lo gấp về việc tự cường, mở rộng đường ngôn luận, đặt ra đề mục mới, khiến cho trong nước tài nghệ gì cũng không bỏ, một điều hay gì cũng không để sót. Dụng tâm đó của Triều đình chẳng những là cần yếu mà còn thiết thực nữa. Tuy nhiên ngoài việc khoa cử thường lệ chưa thấy có ngành nào khác hưởng ứng để đáp lại lòng mong muốn của Triều đình. Chính là vì việc bồi dưỡng nhân tài chưa được liệu trước.
Tháng trước, tôi đã có một tập trình bày về “Ngôi vua là quý, chức quan là trọng”. Đó là những cái rất căn bản. Những điều phúc lợi trong nước đều do đó mà ra. Thực là một cái mấu chốt quan trọng của sự thăng trầm xưa nay, của sự thịnh suy giữa ta và người. Bản lĩnh học thuật của tôi là nắm cho được cái đó.
Nay tôi xin đệ thêm một tập nói rõ về việc học tập bồi dưỡng nhân tài tức con đường rộng lớn để đi đến giàu mạnh. Những điều tôi nói trong đây tựa hồ nhữ bỏ cũ theo mới, tôn người hạ mình. Nhưng “mắng Phật tức yêu Phật”, vậy xin thấu cho nỗi khổ tâm của tôi ở đây, mà rộng lòng tha thứ.
Trộm nghĩ, nhân nghĩa đạo đức là bản tính của con người, dù người dã man cũng không thể bỏ những tính đó mà giữ được nước, dù giặc cướp cũng không thể bỏ ngoài trí hiểu biết sáng suốt ấy mà khuất phục được đồng bọn. Thế nhưng bàn về nhân nghĩa thường thường thấy rằng người ta hay bị cái lợi làm cho trí não hôn mê, đó là vì không có tài nghệ để tự bồi dưỡng cái sở học. Cho nên mới thấy lợi quên nghĩa. Lòng ham muốn mà thắng thì bỏ mất đạo lý. Người xưa nói: “Kho lẫm đầy rồi mới biết lễ tiết. Cơm áo đủ rồi mới biết vinh nhục”. Nếu bị cái nghèo đó thúc bách thì lo kế sống cũng không xong, còn hơi đâu mà bàn lễ nghĩa. Cho nên Mạnh Tử nói: Nhân là phải dựa vào của cải. Khổng Tử nói: Tín thì trước hết phải đủ ăn. Xét thậm ý ấy thì trước hết phải giàu có rồi mới nói đến giáo dục. Có tài nghệ mới thành công. Vì rằng có giỏi tài nghệ mới hiểu thấu lý lẽ của người và vật để bồi dưỡng cái căn bản đạo đức. Cho nên chính cái “thành chính tu tế” (1) chỉ thành tựu được sau khi đã cách vật trí tri (2) mà công phu cách trí ấy là do học tập.
Người xưa nói: Một “vật” gì mà không biết thì nho sĩ lấy làm xấu hổ, chứ không nói một “chữ” mà không biết. Là vì thực ra trời đất người và ta đều là vật cả. Người xưa biết rõ phép cầu đạo thì nói: Gần thì cầu lấy ở bản thân, xa thì cầu lấy ở vật. Như vậy học tập ở bản thân, học ở vạn vật, học cái tài nghệ tức có thể sáng tỏ đạo lý.
Người ta sinh ra ở đời, nền móng của đức nghiệp phải xây dựng từ khi còn ít tuổi. Vì vậy, đời xưa khi mới bắt đầu dạy học thì dạy cho sáu nghề (3). Tức là khi đã có đức có nhân để làm chỗ y cứ rồi mới dạy cho học. Cũng gọi là “du nghệ” bởi vì nói nghề tức là có thuỷ có chung. Đời xưa sở dĩ gọi là đại thánh, là vì người đó biết mở mang các vật để phục vụ nhân sinh. Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế sáng chế dụng cụ, đến Nghiêu Thuấn thì biết sắp đặt các nghề thợ, sửa sang nhà cửa, Đại Vũ trị thuỷ phân chia nước vào ruộng, Thang Vũ đánh dẹp mở mang cơ nghiệp, Chu Công (4) thu góp những cái hay của đời trước đặt ra điển lễ, Thái Công (5) biết đặt ra chính phủ (6). Thời ấy chưa ai nói đến chữ “văn chương” cả. Từ Tam Đại (7) về sau làm vua thì như Ngũ Bá (8) và đến Tần, Hán, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh những nhà sáng nghiệp mở mang cũng chưa từng thấy dùng kẻ văn học ra làm quan làm tướng. Còn như Quản Trọng (9) giỏi nội chính, Tiên Chẩn (10) có tài dùng binh. Tô, Trương (11) thông thạo thuật tung hoành. Tiêu, Tào (12) ít chữ nghĩa, cho đến Trương Lương, Đặng Vũ (13), Khổng Minh (14), Phòng, Đỗ, Quách Tử Nghi (15) v.v… cũng chưa có ai nhờ câu văn chương chữ nghĩa mà nên danh cả. Đời Chu có Hiểm Doãn, Hán có Hung Nô, Đường có Đột Quyết đều là những Bắc địch (16), Tây nhung (17) cả. Lúc bấy giờ những nước đó cường thịnh mà ở sát Trung Quốc nhưng vẫn không thể xâm lấn chia cắt lâu được. Bởi vì lúc bấy giờ có nhiều người tài giỏi nghề hay để sử dụng.
Nay xem các sách binh thư, luật dịch, phương dược khí nghệ (18) đều từ trước đời Đường và sau Ngũ Đế (19) truyền lại thì đủ biết chuyên môn thời ấy như thế nào. Về sau, Tống, Minh lại chuyên về văn học làm thế nước yếu kém để đến phải mất cho Nguyên, Thanh. Tuy có thể do vận hội xui nên nhưng cũng do thiếu người tài giỏi giúp đỡ. Ở phương Tây cũng vậy, đồng thời với Đường, Hán Tống thì La Mã là một triều thất thống, vũ công vang lừng bốn bể, uy linh rung chuyển ba phương, họ có nhiều chế tác kỳ dị lưu truyền mãi đến nay. Nhưng từ trung thế kỷ về sau vì những người cầm vận mệnh chỉ lo yến hội mua vui làm trọng, kẻ làm quan thì lấy văn từ làm bậc thang tiến thân. Đã một thời bao nhiêu quân tử ra đời đều chuyên chuộng chữ nghĩa văn chương, viết sách làm luận để tự cao lập dị dần dần bỏ mất cái học thực dụng, đến nỗi nước Tây Bắc tràn qua đánh phá mà tan thành từng nước nhỏ.
Đến nay người phương Tây vẫn lấy đó làm răn. Cho nên khi chọn quan họ không hề đặt ra một khoa văn chương nào cả. Trừ Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly và nước ta ra, không có nước nào lấy văn chương để chọn nhân tài. Đó cũng vì thơ phú không đuổi được giặc, nghìn lời không được một kế sách, cho nên thay đổi đi mà lấy những điều tạo hóa hành sự làm cái học thực dụng, vì tạo vật là bậc thầy vĩ đại của muôn dân. Phàm những việc làm của tạo vật đều là thực dụng, như bốn mùa thay đổi muôn vật hóa sinh, khí bốc lên, nước rơi xuống, mặt trời, mặt trăng, loài chim, loài cá, động vật, thực vật ở trên mặt đất, sự vận động, sự kinh doanh của loài người… tất cả mọi cái sinh sinh hóa hóa mà ta thấy đều là sự vật thực tế cả. Chúng ta là những người của tạo vật, mà lại không theo những hiện tượng tự nhiên đã dạy bày, không tập những hình dạng cụ thể đó, không học những quyền lực kỹ xảo đó, không nghiên cứu đồ số vận động của hành tinh, không biết khai thác kho tàng quý báu trên núi, dưới biển, không dùng những đức tính quý báu dồi dào mà trời đã ban cho. Tất cả những khí lực tài chất của tạo vật sinh ra, những cơ nghiệp lâu dài tạo vật để lại, lại đem gởi cả vào những văn từ suông rỗng vô dụng mà không nghĩ đến cách tác thành những gì tạo vật để lại, không biết khéo dùng những gì tạo vật ban cho. Đến khi sự thế cấp bách xảy đến thì lại than trời rằng: Sao trời làm cho ta bần cùng khốn khổ. Thế chẳng hóa ra làm nhục tạo vật đó sao! Vì vậy cho nên học tập tài nghệ là bắt chước theo các cách thức của tạo vật, như người đời xưa thấy hoa bòng bong xoay tròn mà bắt chước chế ra xe, thấy mặt trăng khuyết mà bắt chước chế ra cung, lấy hình dạng của các vật mà chế ra chữ viết, nghe gió thổi mà đặt ra âm nhạc, bắt chước hình ngôi sao mà chế ra đồ dùng, xét địa thế xây dựng nhà cửa, mọi khuôn mẫu chế tác đều như thế cả. Hiện nay các nước phương Tây tất cả những khí cụ kỳ lạ, không có một cái gì là không dựa vào sức tự nhiên của trời đất để làm. Do đó nhà cơ học có nói rằng: Sự tinh xảo của những máy móc lớn nhất cũng giống như người dã man lấy que gỗ dùi đất gieo hạt. Có điều người ta không xét thì không biết đó thôi. Cho nên phàm những việc học tập đều là học những cái mà tạo hóa dạy cho, phàm những tri thức đều là sức hiểu biết những cái mà tạo hóa hình thành, phàm những công việc làm đều là nhân những cái mà tạo vật đã tạo ra, phàm những cái có được đều là hưởng những cái tạo hóa đã để lại. Thế mới gọi là con người hoàn thành công việc của trời vậy. Từ xưa đến nay mọi việc trong thiên hạ không có cái gì không suy nghĩ mà biết, không học mà hay cả, dù thánh nhân cũng học không biết chán, huống hồ người thường. Học những gì thực tế thì sẽ có thực dụng, học những cái vụn vặt thì chỉ được cái vụn vặt, trồng đậu được đậu, đó là lẽ tự nhiên, không ai có thể làm trái với đạo lý được. Cho nên nếu chúng ta muốn lấy cái học tự kỷ (20) mà cho là vẻ vang thì cũng chỉ được những sự vẻ vang như lễ nhượng đầu môi chót lưỡi mà cũng cho là đẹp. Còn những cái ăn mặc, thú vui tiêu khiển là tất cả chữ nghĩa văn chương thì làm sao chúng ta có thể tận dụng được cái kỳ diệu của trời đất!
Người phương Tây cũng là người, họ đâu có thể vượt ra ngoài trời đất mà học, thế sao cái học của họ được công hiệu. Như tôi đã bẩm trong bài nói về: “Ngôi vua, chức quan” là do họ biết lấy những thực tế của tạo vật ra mà học. Cho nên trong âm thầm họ được mặc khải để làm nên cái diệu dụng của trời đất, để giúp tạo hóa những cái mà tạo hóa chưa kịp làm. Người nước ta không phải con dân của tạo vật đó sao, thế mà bây giờ lại thấp hèn làm vậy! Những điều tôi trình bày ở đây không phải là muốn bỏ hết cái cũ mà mưu cầu cái mới. Nhưng phải lấy cái hay của mình có sẵn, còn phải gồm cả những cái hay của thiên hạ mới sáng tạo ra. Như thế những cái mới thiên hạ có mình cũng có và những cái mình sẵn có thì thiên hạ không có. Lấy hai điều biết mà địch lại một điều biết như ở đoạn giữa của bài Lục lợi từ tôi đã trình bày. Như thế ai dám khinh rẻ nước mình?
Nay xin Triều đình đặt ra nhiều đề mục giao về cho các quan địa phương truyền hỏi bất kỳ người nào, bất luận lương hay giáo, ai tìm được thực lý, thực sự thì theo đầu đề viết thành bài nạp lên. Hàng tháng các quyển ấy được đưa về Kinh một lần để khảo duyệt. Bất kỳ quyển nào giúp ích cho việc cần gấp thì được ban thưởng và khuyến khích, rồi sức cho người ấy y theo quyển mà thi hành. Nếu việc làm phù hợp với lời nói và có ích cho việc công của nước nhà thì chiếu theo khoa mà bổ dụng. Nếu như có ích cho việc tư trong dân gian thì được cấp bằng để tự chế tạo ra mà phát hành. Nếu như quan địa phương có ý kỳ thị người nào mà giấu bài đi thi người ấy được phép lên tận Kinh tố cáo. Những đề mục đó xin kê ra như sau.
1. Xin cho các trường quốc học, tỉnh học, các trường tư và các bài thi Hương thi Hội đều chú trọng vào tình hình hiện tại, như luật lịch (21), binh quyền, các chính sự về công hình lại lễ (22) tất cả đều được nói thẳng, không giấu giếm, có cái gì tệ hại, có cái gì hay ho, cái gì nên để lại, cái gì cần thay đi, những cái cần thiết trước mắt, những cái có thể phân tích tỉ mỉ xác đúng hợp thời, thì được coi là trúng cách (23), còn những chuyện cũ thì chỉ là thứ yếu.
2. Xin đặt các khoa hải lợi. Những người biết làm muối theo cách thức mới, tìm ra các phương pháp chài lưới ghe thuyền đăng đó đánh cá, nuôi cá, ướp cá v.v… hay hơn các phương pháp cũ thì sẽ xét mà ban thưởng.
3. Xin đặt ra khoa sơn lợi. Ai tìm được khoáng sản mới như những mỏ kim loại và ai nghĩ ra phương pháp dò tìm như thế nào, phương pháp luyện kim như thế nào, phương pháp khai quật như thế nào, lại nghĩ ra những cách hay để săn bắt tê giác, voi, để tìm của quý, để lấy gỗ rừng và các nguồn lợi của núi rừng hoặc căn cứ vào địa phương gần chỗ mình ở vẽ được đầy đủ hình thế những hang sâu rừng thẳm cao nguyên… đo đạc được xa gần, rộng, hẹp, cao, sâu hiểm yếu ghi chú rõ ràng từng khoản một, rồi đệ nạp lên trên, trên sẽ tuỳ mức độ xét lợi ích lớn nhỏ để ban thưởng.
4. Xin đặt ra khoa địa lợi. Phàm những nơi có đất hoang, không kỳ ở rừng núi, hoặc ở bãi biển, hoặc ở doi sông cát bồi, hoặc ở ao hồ lầy lội, một mặt có ai nghĩ ra phương pháp hay để khai phá bồi đắp đề phòng được hậu hoạn, một mặt có ai xét thổ nghi ở đấy trồng thử các giống cây như dâu, đay, lúc, đậu mà được tốt tươi khác thường thì cũng tuỳ theo lợi ích mà ban thưởng.
5. Xin đặt ra khoa thuỷ lợi. Khoa này ích lợi rất lớn. Có ai nghĩ được phương pháp mới như về đào kênh, đắp đập, hoặc giữ nước để phòng hạn, hoặc tiêu nước để chống úng, hoặc dẫn nứơc từ xa về tưới ruộng, hoặc tìm được mạch nước sâu để lấy nước uống, nếu dùng thử thấy kết quả, phương pháp đó có thể truyền bá thì ban thưởng nhiều để đền bù công lao (như ở Tứ Tuyên (24) thường bị thuỷ tai. Nếu ai nghĩ cách trừ diệt được mối họa đó, thì nên dùng gấp để làm lợi cho dân).
6. Xin cho làm những đồ khí mãnh thường dùng hàng ngày xem có ai nghĩ ra cách chế tạo, dựa theo cái cũ mà chế ra cái mới, vừa tiện lợi mà giá không cao hơn vật phẩm thường.
7. Xin nghĩ đến các thức ăn uống xem có ai với vật thường dùng nghĩ ra cách làm cho nhiều thêm hoặc để lâu không hư hỏng mà mùi vị lại thơm ngon hơn trước, hoặc là tìm được những vật nào xưa nay chưa từng dùng để ăn mà lại có thể ăn được như các loại thức ăn cứu đói.
8. Xin nghĩ đến các vị thuốc có nhiều ở nước ta. Hơn nữa khí chất của nó thích hợp với tính chất của người nước ta. Nếu ai lấy được vị thuốc nào giống như của Trung Quốc, nghĩ cách tinh chế ra giống như vị thuốc Bắc, và nếu ai lấy được các vị thuốc tục truyền cũng như các vị thuốc mà các dân tộc thiểu số thường dùng, tìm cách trồng và bào chế được thì không kỳ nhiều ít đưa ra xét nghiệm thấy xác đúng sẽ cho biên vào bản thảo để ban hành.
Ba khoản nói trên là đồ khí mãnh, thức ăn uống và vị thuốc đều nên phân biệt thưởng cấp, cho phép người tìm chế ra được hưởng lợi để thù lao cho họ.
9. Xin cho những ai đi ra nước ngoài mà lấy được các thứ thổ sản, chọn những thứ thích hợp thổ nghi nước ta, đưa về trồng trọt xét thấy quả thực có sinh lợi thì cũng thưởng như người tìm ra vị thuốc.
10. Xin cho những nhà buôn trong dân gian biết góp vốn lập hãng buông mà tiền vốn đến 100 vạn, hiện có xác thực thì ban thưởng cho họ. Do góp vốn hay là vốn riêng của một nhà đóng được thuyền lớn hay là mua được thuyền thì bất luận kiểu loại gì mà có thể đi sang Đại Thanh (25) hoặc ra nước ngoài buôn bán cũng ban thưởng cho họ.
11. Xin cho trong dân gian những ai lập các hội cứu tế như các loại hội cứu hỏa, hội bảo hiểm thuyền buôn, hội khơi cảng thu thuế, hội thay nhà nước sửa chữa xây dựng cầu cống đường sá nhà cửa, hoặc xuất tiền cho nhà nước vay để hàng năm lấy lợi, hoặc quyên tiền cho nhà nước để lập ra các nhà nuôi trẻ mồ côi, nuôi người nghèo khổ bệnh tật, và tự nguyện đứng ra quản lý những việc ấy, hoặc khi nhà nước có việc khẩn cấp có thể cho vay tiền từ một vạn trở lên, đều xét theo công lao sự việc lớn nhỏ mà phân biệt ban tước phẩm, hoặc tặng cờ biển để khen ngợi.
12. Xin không kể người nào hễ biết tiếng nước ngoài như Y Pha Nho, Anh Cát Lợi thì xếp vào hạng 2, tiếng Trảo Oa, Trung Quốc thì xếp vào hạng 3, tiếng những nước gần biên giới phía Tây nước ta như nước Miên, Lào, thì xếp vào hạng 4, biết tiếng Pháp thì xếp vào hạng nhất. Nếu qua khảo hạch được đúng thì lấy danh hiệu là Hành nhân (26), Tú tài mà châm chước miễn nhiêu dịch cho họ hoặc vài năm trọn đời. Nếu ai tinh thông các sách về máy móc kỹ thuật của phương Tây có ích cho việc thực dụng thì dịch ra, theo bản đồ vẽ lại hoặc một bộ, hai bộ, ba bộ không hạn chế, những sách dịch ra lấy 1.000 trang làm tiêu chuẩn, đệ nạp lên Bộ rồi cùng với Tây soái duyệt xét không sai thì ban cho là Cử nhân tại gia.
13. Xin cho các chỗ đất công ở ngoài Kinh thành nếu có nhà giàu nào xuất tiền nhà ra xây nhà ngói cho thuê, còn nhà tranh thì dỡ hết đi, thì sẽ tuy theo nhiêu hay ít mà ban thưởng. Còn tiền cho thuê thì trích 2/10 cho vào công ích. Khoản này có nhiều trở ngại lớn, có nhiều lợi hại, Triều đình cũng đã hiểu rõ, tôi không dám nói thêm.
14. Xin cho lập viện dục anh, viện dạy trẻ, đây là một ngành hoạt động trong đạo giáo, các nước phương Tây chỗ nào cũng có. Nay nếu nước ta thiết lập được thì viết thư cho nước Tây cho phép các hội bên ấy được đến làm công tác cứu tế. Xưa, chính sách nhân hậu của Văn Vương (27) lấy việc này làm đầu. Nước ta hiện nay đang bận nhiều việc lớn chưa thể thực hiện hết, và cũng khó chọn được những người chịu ra làm việc này. Nhưng thiết nghĩ, nếu bỏ phí mất một người tức phí mất một phần của đất nước. Nay nếu có chỗ nuôi dạy khiến chúng được sống còn và nên đức tính tốt, còn hơn xây mấy đợt phù đồ (28). Như vậy viện dục anh vừa dạy chữ Tây nghề Tây, vừa dạy chữ Nam, nghề Nam, song song cả hai, nam nữ đều học cho đến tuổi trưởng thành. Các hội khác cũng làm như thế. Triều đình là cha mẹ của muôn dân. Đã là cha mẹ thì thấy cái gì có ích cho con cái, mà thế có thể làm được thì không kỳ xa gần đây kia đều phải nghĩ cách lấy về nhà. Như vậy, nếu được chuẩn y thì mỗi tỉnh lập một viện và lấy các giám mục làm quản lý. Việc đó tôi xin lo liệu. Viện dục anh có ích cho trẻ con rất nhiều.
Các điều kể trên là tôi chỉ chọn những điều tầm thường dễ làm để dẫn tới nhiều tác dụng to lớn sau này. Đó chỉ là toát yếu mấy đề cương lớn mà thôi. Còn các đề mục nhỏ trong đó không thể nói hết từng cái một (Dùng năm sáu trăm trang giấy cũng chưa thể viết hết). Nếu Triều đình muốn đưa ra vấn đề nào, tôi xin lần lượt trình bày rõ từng điều một. Ngay như khoản tình hình chính sự hiện tại cũng đã rất nhiều, mà cũng có thể thay đổi dần dần. Điều này thật là cần gấp, thật là trọng yếu. Còn như các công trình to lớn, các máy móc tinh xảo, sau này cũng sẽ dần dần làm một vài cái để xưởng suất cho dân. Đại phàm sự yêu hay ghét, theo hay bỏ của kẻ dưới đều do sự khuyến khích thưởng phạt của bề trên chứ không phải vì Đông Tây mà khác tính nhau. Hễ bề trên quý trọng chỗ nào thì dưới dân tranh nhau hướng đến chỗ đó. Ngày nay, cái mà nước mình quý trọng đó là Nho. Mà Nho thì quý trọng ở chỗ nhiều văn chương chữ nghĩa. Nếu như lấy cái công phu bền bỉ dùi mài chữ nghĩa văn chương mà học cả cái phong phú vô vàn của tạo vật thì sẽ được biết bao nhiêu điều quý báu. Bởi vì, vạn vật chia ra nhiều môn loại, môn loại nào cũng có cái kỳ diệu đáng quý của nó. Chonên người ta bảo rằng mỗi vật đều có một thái cực. Nếu chia ra từng môn, từng loại mà học thì trong một nước có nhiều cái đáng quý, như thế chẳng hơn là chỉ quý có một cái độc nhất sao? Vả lại tính tình người ta không giống nhau, mỗi người có một sở trường để thích ứng với sự vật. Nay ta chỉ dùng một loại sở trường thì những người có những sở trường khác còn hy vọng gì nữa mà đem hết sức ra làm?
Nhìn chung lại người phương Tây họ tuỳ theo tính chất của con người mà bắt chước nhiều sự thực của tạo hóa, lấy chỗ sở đắc để di dưỡng tính tình, mà quy về đạo đức. Cho nên người dân cũng được nhiều thành tựu để đáp ứng trăm công việc. Nước ta thì chỉ quý trọng Nho sĩ, cho nên dân cũng chỉ biết theo con đường học Nho mà thôi. Nay nếu cho dân biết rõ ràng Triều đình cũng quý cả nhiều nghề khác, thì sẽ không mấy năm, dân chúng cũng sẽ cống hiến được nhiều nghề cho Triều đình.
Nay kính bẩm.
Lục bộ thượng thư, liệt vị đại nhân soi xét.
Chú thích
(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 108-111
Hv 634/1 tờ 171-190; Hv 135 tờ 55-74; NAM PHONG 122 trang 45-50.
Về niên hiệu, thì Hv 634/1 chỉ ghi: “Tự Đức 19”, trong lúc Hv 189/1 ghi rõ hơn: 23 tháng 7 năm Tự Đức 19. Còn Hv 135 và NAM PHONG 122 ghi “Tháng 9 năm Tự Đức 24”.
Theo chúng tôi, bản văn này được viết ngày 23 tháng 7 năm Tự Đức 19 (tức 1-9-1866) như vậy Hv 189/1 ghi nhận là phù hợp với thực tế. Bởi vì ở đầu bài có nói: “Tháng trước (tiền nguyệt) tôi đã có một tập về Ngôi vua là quý”, và bài “Ngôi vua là quý” đề tháng 4 năm Tự Đức 19.
Bản Hv 135 và NAM PHONG 122 có thể đã được chép từ một bản được sao lại tháng 9 năm Tự Đức 24. Ở đầu bài này, thay vì nói “tháng trước” (tiền nguyệt), thì đã nói “ngày trước” (tiền nhật).
(1) “Thành chính tu tề”: Thành: thành ý, ý phải thành thực; chính: chính tâm, lòng phải ngay thẳng; tu: tu thân, sửa mình cho tốt; tề: tề gia, sắp xếp việc nhà cho tốt.
(2) Cách vật trí tri: cũng nói là cách trí, tức là nghiên cứu suy cho đến cùng, hiểu thấu mọi lý lẽ của sự vật.
(3) Sáu nghề (lục nghệ): lễ: lễ nghi; nhạc: âm nhạc; xạ: bắn cung; ngự: tập cỡi ngựa; thư: tập học đọc, viết sách, bài; số: toán học.
(4) Chu Công: Chu Công Đán.
(5) Thái Công tức Thái Công Vọng tên là Khương Thượng đời Chu.
(6) Cửu phủ: Chín kho của cải tiền tệ của nhà nước do chín chức quan coi, là những Thái phủ, Ngọc phủ, Nội phủ, Ngoại phủ, Tuyền phủ, Thiên phủ, Chức nội, Chức kim, Chức tề.
(7) Tam đại: Hạ, Thượng, Chu.
(8) Ngũ bá: Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, Tương Công nước Tống, Trang Công nước Sở, Mục Công nước Tần.
(9) Quản Trọng (Tề)
(10) Tiên Chẩn (Xuân Thu)
(11) Tô: Tô Tần (đời Chiến Quốc); Trương: Trương Nghị (đời Chiến Quốc)
(12) Tiêu: Tiêu Hà (Hán); Tào: Tào Tham (Hán).
(13) Trương Lương (Hán), Đặng Vũ (Hán).
(14) Khổng Minh (Tam Quốc)
(15) Phòng Huyền Linh (Đường); Đỗ Như Hối (Đường); Quách Tử Nghi (Đường)
(16) Bắc địch: Bắc chỉ giống người man rợ ở phía Bắc Trung Quốc, theo quan niệm của phong kiến Trung Quốc.
(17) Tây nhung: chỉ giống người chưa khai hóa ở phía Tây Trung Quốc.
(18) Binh thư: sách quân sự; luật lịch: sách thiên văn; phương dược: sách thuốc; khí nghệ: khí cụ, kỹ nghệ.
(19) Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn.
(20) Cái học tự kỷ là cái học cục bộ, chủ quan xoay quanh bản thân con người, lấy con người làm trung tâm mà đo lường vũ trụ. Người xưa nói: “Nhân thân tiểu thiên địa”. Nghĩa là con người là một vũ trụ nhỏ, cứ suy từ con người thì biết hết.
(21) Luật lịch: thuộc về thiên văn, khí tượng, lịch.
(22) Công hình đại lễ: thuộc về bộ máy thống trị bộ Công, bộ Hình, bộ Lại, bộ Lễ của Triều đình phong kiến ngày xưa.
(23) Trúng cách: thi đỗ.
(24) Tứ Tuyên: 4 thừa tuyên ở miền Bắc. Thừa tuyên tương đương một tỉnh.
(25) Trung Quốc đời Thanh.
(26) Hành nhân: người biết tiếng nước ngoài và phiên dịch được cho các đoàn sứ bộ.
(27) Văn Vương: Tức là Chu Văn Vương thời Tam Đại Trung Quốc.
(28) Phù đồ: tháp thờ Phật. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Dầu xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”.