DI THẢO SỐ 20: VỀ VIỆC LẤY LẠI BA TỈNH MIỀN ĐÔNG (*)

(19 tháng 9 năm Tự Đức 19, tức 27 tháng 10 năm 1866)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ kính bẩm:

Hôm trước ở Kinh nhân Hiệp biện đại nhân (1) và Hộ bộ đại nhân (2) nhiều lần bí mật hỏi tôi rằng ba tỉnh ngoài (3) có thể còn có cơ hợi nào khác nữa không? Tôi đã đến Gia Định dò thám kỹ sự thế hiện tại, thì thấy cũng có phân nửa giống như những ý kiến đêm hôm ấy tôi đã bẩm. Hiện nay, người Tây có một người tên là Di Minh nguyên xuất thân võ biền, năm trước anh ta đã học được tiếng ta, mười phần biết được sáu bảy; anh ta lại hơi biết tiếng quan thoại Trung Quốc nữa, xem được mặt chữ, gần đây khi thì anh ta làm thông ngôn, hoặc làm kinh doanh. Anh ta sống với dân mình cũng rất được cảm tình. Trong cuộc sống, anh ta tuy không thật phải là người tốt, nhưng anh ta cũng không có ý gì tranh chấp thù hằn với người mình. Năm nay ở Tây Ninh anh ta hay ngấm ngầm qua lại với các quản đội đến nỗi Tây soái sinh nghi và bắt giam lỏng anh ta ba tháng. Hiện nay anh ta ở chung một nhà với mấy người học trò học tiếng Tây của ta. Anh ta nghe tin tôi từ Kinh về, đã lén đến chỗ tôi bí mật trình bày mọi việc.

Theo anh ta nói thì hiện nay Tây soái tuy rất để ý mặt phía nam nhưng thế cũng còn trở ngại.

Một là năm trước Tây soái đã ký với vua Miên tờ ước bảo hộ, nhưng nay thì người anh của vua Miên (4) rất hận người Tây không chịu dâng nước cho y, đã ngầm theo cái kế của Dị Nhân đời Tần bỏ chạy ra ngoài rồi tụ binh đem về đánh nhau với Tây giết quan quân Tây hơn ba bốn chục người. Hơn nữa, dân Miên cũng nổi lên theo ông ta, vua Miên và lính Tây đánh nhau với quân của anh vua Miên ở thượng du Nam Vang bị thua phải bỏ chạy. Hiện nay Tây soái dần dần đưa quân lên Nam Vang, chưa biết sự thế sau này sẽ ra thế nào. Nhưng nếu phía Miên mà họ đồng mưu với nhau thì phía bảo hộ cũng không lẽ bỏ người giữa đường. Làm cái việc như Thành Hình đời Xuân Thu, người Tây sẽ không khỏi tốn thời gian, còn rảnh đâu mà mưu đồ việc khác? Thêm vào đó người Tây sang đây buôn bán không được, mắc nợ phải bỏ về, những người này sẽ đem những điều đó báo cáo với vua nước họ rằng: ở Gia Định mọi việc đều bế tắc, quan Tây chỉ lo lập công ở nước ngoài, trăm phương nghìn kế để làm sao tâng công cho được mà thôi đến nỗi khiến dân Tây bên này phải thất nghiệp không biết dựa vào đâu. Còn dân Nam thì bị bức bách mà sinh loạn. Nay xin vua Tây một là theo y lời của Hà Ba Lý (5) trước đây hoặc có thể đổi hoặc miễn. Nếu không thì xin trả lại cho người Tây số tiền mà họ đã mua tậu đất vườn ở Gia Định. Tất cả dân Tây ở đây đều có viết thư về Tây nói giống nhau cả. Và các quan lính Tây chống với Tây soái cũng đều cho lời nói của dân Tây là đúng. Hiện nay Tây triều lại có thuyết rằng: Nguyên trước tiên hoàng làm tờ giao ước vừa gặp lúc nước Tây đại loạn không có vua nên không đủ làm căn cứ. Thế thì việc vịn theo lời giao ước đó mà lấy ba tỉnh vốn không phải bản ý của vua họ. Chỉ vì sự thế đã lỡ rồi, không thể không theo, nhưng xét theo lẽ công bằng thì cũng hơi hối hận vì sự không đủ căn cứ ấy. Bức thư này do một thân nhân của anh ta làm quan ở Tây gởi cho anh ta. Hiện bức thư còn trong cặp của anh ta. Vả lại theo sự bàn luận của mọi người thì cũng phù hợp như vậy. Ở đây khó nói cặn kẽ tóc tơ được. Nay Triều đình nếu muốn nhân cơ hội này thì cho anh ta lên Kinh bẩm rõ đầu đuôi xem cái gì có thể làm được thì làm. Nhưng khi đến Kinh, anh ta chỉ nói là nghe Triều đình nhờ giám mục về Tây thuê người, anh ta nhân đây lên Kinh để xin công ăn việc làm. Đến đây mới có thể trình bày hết sự cơ phải trái. Nếu Triều đình ưng thuận, anh ta sẽ trở về Gia Định ngay, nói giả vờ rằng chưa có việc làm nào vừa ý. Bấy giờ hoặc anh ta sẽ trở về Tây. Hoặc sẽ viết thư cho bạn hữu, đợi đến lúc việc đã mười phần thỏa đáng, anh ta sẽ lên lại Kinh đô cùng với sứ giả của Triều đình sang Tây làm thông ngôn. Tiếng là nói về thăm, thực ra là đến đấy để xem mọi việc cho rõ ràng chân xác, nếu phù hợp như lời nói của anh ta thì sẽ đem việc đó mà xin vua họ. Khi sự việc đã nhất định rồi thì Tây soái cũng không làm gì được nữa. Đó là anh ta theo điều sở nguyện của những người đồng hương của anh ta là làm phúc cho nước khác, chứ không phải chỉ nhằm chống Tây soái. Sau khi xong việc, dù có thù lao ít ỏi anh ta cũng vui lòng. Nhưng khi chưa xong việc thì không dám xin gì cả chỉ cấp cho anh ta ăn uống mà thôi. Từ đầu đến cuối, khi làm việc phải giữ hết sức bí mật.

Trên đây là những điều anh ta nói ra, tôi chỉ trình bày sơ qua mà thôi. Theo thiển kiến của tôi thì tất cả những lời dài dòng đó cũng đồng một đường lối như đêm trước tôi đã bẩm với đại nhân.

Tôi là có hỏi Nguyễn Hoằng về tình thế những điều nghe thấy bên ngoài thì ông ta nói cũng gần giống như vậy. Tuy Tây soái có ý khác nhưng dân buôn bán ở Gia Định thì xôn xao không ngớt. Hơn nữa việc quan Tây và Tây soái ghen công lẫn nhau cũng đã thấu tận Tây triều và phát thành dư luận, khiến anh ta nghe biết được. Hơn nữa anh ta đã từng ngấm ngầm trái chống với Tây soái. Cho nên nếu anh ta lên Kinh thì dù Triều đình ưng hay không ưng cũng cần giữ cho anh ta khỏi bị nghi ngờ. Anh ta cũng khá thông hiểu binh pháp súng đạn và một vài nghề vặt. Nếu như dùng được việc gì thì cũng dễ sai khiến. Chắc chắn anh ta không dám phản nghịch lại ta vì sợ lộ ẩn tình của anh ta. Hơn nữa anh ta lại thông thạo tiếng ta thì việc gì cũng dễ hiểu khỏi cần thông ngôn nữa. Như thế rất dễ dùng hơn người khác.

Tôi thiết nghĩ, hiện nay ba tỉnh đã như ngọc chìm vực thẳm không có cách gì mò lên được, mà lại có người tự mình xin làm việc ấy, ta chẳng phải tốn kém nhiều thì hãy thử một lần nữa xem sao. Đó cũng là chuyện thường tình vậy. Việc này tôi chưa dám bảo đảm sẽ thành, nhưng biết mà không lẽ không nói. Chỉ mong Triều đình tự chọn, tôi đâu dám vì thấy việc khó làm mà không bẩm lên trên. Vì tâm lý con người ta, đối với việc muốn làm tuy còn ngại chưa chắc thành công hay không, nhưng thấy có mối manh có thể lần ra được thì cũng mừng thầm không nỡ bỏ qua. Huống chi đây là việc vì nước vì dân? Nếu như ưng chuẩn cho anh ta lên Kinh, nếu khi ấy tôi đã đi Tây rồi thì xin tư sức cho quan tỉnh Vĩnh Long ngầm sai hai học sinh biết nói tiếng Tây đến mật báo cho anh ta biết và nếu tiện thì đến ngay Vĩnh Long xuống tàu, khỏi cần phải qua Bình Thuận lãnh bằng đi đường bộ cũng được. Nhưng phải báo trước cho các quan ở Vĩnh Long, Bình Thuận biết. Anh ta còn nói rằng nếu như tư cho anh ta ra Bắc thì xin trong tờ tư hãy nói việc khác, nhất thiết không được nói rõ cho các quan khác biết được sự thực. Lại nữa những điều anh ta nói với tôi đầu đuôi mọi việc đều thấy có thể tin được cả. Khi mới đầu anh ta giả vờ như vô tình mà nói, tôi cũng làm như vô tình mà tiếp chuyện, nhưng dần dần vào tròng rồi, tôi mới nói: “Anh có thể làm việc ấy để thành người tốt, làm phúc cho anh em tôi được không?” Anh ta nói: “Cơ hội và đường lối là thế”. Nếu Triều đình cho phép anh ta được gặp mặt bẩm rõ, xem có thể làm thì làm, không thì thôi. Còn như nghi là có ai xúc xiểm để thử bụng ta như thế nào thì tôi dám chắc là không có điều đó.

Lại như Nguyễn Đức Hậu bẩm thì hiện nay ông ta đã tìm được hai người Tây cũng khá, một người coi việc lái tàu bè thì mỗi tháng phải 300 bạc, một người coi về máy nổ thì mỗi tháng 200 bạc, họ tình nguyện hết lòng chỉ bảo. Nếu việc thuê mướn người của tàu Mẫn Thỏa đã mãn hạn, mà thấy có thể đáp ứng yêu cầu của anh ta thì nhân lúc có tàu cập bến Vĩnh Long hãy báo cho anh ta biết để anh ta cho người đến làm giao kèo, rồi lấy giấy chứng của Tây soái. Như thế không biết có được hay không cũng xin bẩm luôn.

Nay kính bẩm.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 122-127; Hv 634/4 tờ 1-9.

(1) Hiệp biện đại nhân tức Trần Tiễn Thành.

(2) Hộ bộ đại nhân tức Phạm Phú Thứ.

(3) Ngoại tam tỉnh, tức 3 tỉnh Miền Đông, gồm Gia Định, Định Tường và Biên Hòa.

(4) Anh vua Cao Miên Cầm Bô (Poulo Kombo).

(5) Hà Ba Lý tức Aubaret.