DI THẢO SỐ 24" KẾ LY GIÁN GIỮA ANH VÀ PHÁP (*)

(18 tháng 11 năm Tự Đức 19 tức 24 tháng 12 năm 1866)

Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Năm trước trong bài Lục lợi từ ở đoạn thứ năm tôi có nói: Nếu vạn nhất xảy ra việc gì, thì thế lực của người Anh ở phương Đông mạnh mẽ sẽ tranh hùng với người Pháp để bù lại chỗ thua thiệt trước kia. Việc đó sẽ xảy ra khi nào nước Pháp có nội loạn, bấy giờ họ sẽ cướp lấy mối lợi bên ngoài của Pháp. Hiện nay nước Pháp chia làm ba đảng.

Một đảng nói: Ba, bốn năm nay, vô cớ đi đánh nhau với quân Mặc Tây Ca (1) ở Tây Châu tiêu phí vô kể mà chẳng được cái gì cả để đến nỗi phí công vô ích. Đó là do lòng tham hay gây chuyện đánh nhau mà ra cả. Nay lại đóng thuyền hạm (2) toan muốn đi theo vết chân cũ vua bác(3) trước, khiến nước nào cũng rất ghét. Nếu cứ theo cái đà này thì nhà vua ắt sẽ bị mối họa đại loạn không thể lường được.

Một đảng khác cho rằng nhà vua làm nhiều việc độc đoán, không công bố các lẽ phải trái cho mọi người trong nước được biết, hơn nữa còn dần dần làm cho người trong nước mất tự do, bị nhiều điều bó buộc, không hợp với thể lệ của các nước phương Tây. Chi bằng phế bỏ mà đi theo phép lập Tổng thống như Hợp Chủng Quốc. Vì nước Pháp trước kia cũng đã có lệ ấy rồi.

Một đảng nữa cho rằng Giáo hoàng La Mã là cha chung của các nước. Đối với các nước phương Tây, nước Pháp được coi như là con cả của Giáo hoàng. Trong các công việc của Giáo hội, nước Pháp xưa nay vẫn đứng đầu. Năm trước ở La Mã có loạn, vua Pháp đã đem quân sang đánh giữ, nay không biết vì cớ gì lại rút về làm cho nước Pháp mất mặt với thiên hạ, không xứng với danh hiệu con cả.

Cả ba đảng này đều mưu việc phế lập, nhưng ý kiến bất đồng tất sinh mối loạn.

Lại 50 năm trước đây dòng nhà vua có người chạy sang nước Anh, hiện nay đang còn bên ấy. Người Anh cũng theo giúp đỡ để lấy tiếng là nước rộng rãi biết thu nạp người ngoài, điều đó cũng chưa biết được.

Mới đây Phổ Lỗ Sĩ đánh nhau với nước Áo Đại Lợi (4) mà người Nga lại đem quân đến đóng ở biên cảnh phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ toan muốn đánh hùa. Người Pháp thì lại muốn lập một người phương Tây làm vua Mặc Tây Ca (5), nếu việc không thành bị mọi người cười chê. Theo tình hình hiện nay như thế thì sự việc sau này chưa biết sẽ kết cuộc ra sao.

Tôi cho rằng nước họ tất có một phen đại loạn, mới phù hợp với lời bẩm trước kia của tôi rằng 10 năm có một kỳ khôi phục. Nếu có loạn thì không tránh khỏi việc họ lấy Gia Định đổi cho người Anh, bằng không người Anh cũng sẽ chiếm chỗ của Pháp, đúng như trong Lục lợi từ đã nói, mất Tần này thì sinh Tần khác. Vậy trong Triều đình sớm phòng trước để đợi sự biến xảy ra.

Khoảng tháng ba, tháng tư năm nay có một quan khâm sai người Tây đến thám sát ở Gia Định trở về tâu với vua Tây rằng: Sự thế ba tỉnh không có gì khả quan. Nay lại có người anh của vua Miên (6) gây loạn, cậy có chỗ hiểm yếu chống lại Pháp, quân Pháp phải chạy tháo thân, nhuệ khí sút kém. Mọi người đều nói rằng Tây soái tất sẽ bị tội phải triều về thôi!

Nay có một kế rất hợp với sự thế nhưng phải có người khéo ứng đối mới làm được. Năm trước Tây soái có viết thư nói với vua Xiêm La rằng tất cả những thuộc quốc của Xiêm La ở miền thượng du sông Khung (7) không được bắt họ cống nạp nữa, hãy để họ tự trị. Cũng như năm trước họ đã bắt ta không được nhận Cao Miên làm nước thuộc hạ. Người Xiêm đã biết cái kế môi hở răng lạnh. Nay tuy người Pháp và người Anh cùng ở trên đất Xiêm, nhưng người Xiêm có cảm tình nồng hậu với người Anh hơn. Nay nếu ta cho người đi đường tắt đến nói với vua Xiêm rằng: Ta và họ vốn là đồng bệnh. Nay người anh của vua Miên đang làm cho Pháp khốn đốn. Sao ta không ngầm giúp vào để cho người Pháp nguy khốn thêm? Thế mới có lợi cho cả họ và ta. Lại khéo dùng lời lẽ bảo vua Xiêm nói với quan người Anh rằng, nước Miên vốn là nước thuộc hạ của ta, lại có lợi lớn của biển hồ. Từ khi người Pháp chiếm cứ đến nay, họ đã làm cho nước Miên hao tốn rất nhiều. Ta vì nghĩa mà muốn cứu, nhưng thế lực người Pháp to lớn, nếu không có người Anh giúp sức thì Miên không thể chi trì nổi mà cuối sùng sẽ rơi vào tay người Pháp mất. Người Pháp đã có thiên nhiên hiểm yếu của Gia Định, nếu để họ chiếm trọn cả Cao Miên nữa thì chẳng lời gì cho Anh. Nay nếu Anh nhân lúc người anh vua Miên đang thắng mà ngầm cùng ta giúp Miên, sau khi thành sự lợi sẽ chia đôi. Vả lại, người Anh đã có quân lính người Đồ Bà cùng một chủng tộc với người Miên, nếu cho lẫn trộn với lính Miên người Pháp cũng không thể phân biệt được. Như thế không có gì trở ngại. Lại nói: người Pháp tham lam vô độ, sau này sẽ sinh bụng này khác. Nay nếu vua Xiêm làm cho Anh Pháp tách ra khỏi nhau thì đó cũng là một lợi lớn cho Xiêm. Nếu kế này được thi hành thì người Anh một là sẽ cùng người Xiêm chia nhau phần đất; hai là đóng căn cứ ở miền thượng du đợi lúc nào sơ hở thì tràn xuống phía Đông đánh chiếm sào huyệt Gia Định để bù lại chỗ thua thiệt ngày trước. Như vậy ắt người Anh sẽ nghe theo. Rồi sau đó ta cho người đến mật báo với người anh vua Miên (phải dùng lời lẽ khéo léo xúi người anh vua Miên) rằng Anh Pháp vốn có thù với nhau lâu đời. Nếu mượn kế làm cho Anh Pháp hiềm khích nhau thì mới hả cái hận người Pháp đã bảo hộ vua Miên. (…). Người Pháp bấy lâu đã có bụng nghi, không biết người nào ngầp giúp anh vua Miên mà dám hung hăng như vậy. Nay nghe tin này họ chắc chắn sẽ gây chuyện với người Anh. Hơn nữa người Pháp được biết người anh vua Miên muốn lấy lại sáu tỉnh thì sẽ không nghi ta ngầm giúp cho người anh vua Miên. Vì rằng người Pháp đã từng bị người anh vua Miên làm khốn đốn, bị tốn uy vũ rất nhiều, không biết tìm lối nào để lấp liếm cái sở đoản và chữa thẹn cho mình. Nay nghe có người Anh giúp sức, tuy có vài ba phần chưa tin nhưng họ cũng vội vàng ra đương đầu để biểu dương với thiên hạ bảo vệ tiếng tăm của mình. Nếu người Anh có đồng mưu thì sẽ nhận không chối và người Pháp sẽ gây hấn lớn với người Anh. Còn nếu người Anh không có đồng mưu thì sẽ mạnh bạo biện bác với Pháp. Người Pháp đã lỡ nói cũng sẽ không chịu nhận sai, thế tất sẽ có sinh sự xảy ra.

Hoặc là nói với người anh vua Miên rằng: “Người Pháp rất sợ người Anh, nay nếu nghe nói là người Anh ngầm giúp, một mặt thì mua khí giới của người Anh và bí mật mượn một người giỏi Anh văn làm các loại nhất ký hành sự và sắm các thức ăn dùng của người Anh. Có dấu chữ của người Anh rồi giả cách làm như thua chạy vứt bỏ vương vãi ra để cho người Pháp lượm được, hoặc thả cho trôi từ các thượng lưu sông để Pháp lượm được thì tất họ sẽ nghi trong lính Miên có người Anh, họ sẽ không dám hành quân đi sâu. Nếu không sớm dùng kế này thì dù có nhờ vào sự kiên cố mà thắng được thì cũng chỉ tạm thời thôi, vì người Pháp quá xấu hổ thành ra giận mà nuôi chí phục thù không thôi, sau này khó giữ được khỏi hoạn nạn”. Nếu người anh vua Miên dùng kế sách này làm cho Anh Pháp tách rời nhau thì ở đây công của Tây soái không thành tất sẽ phải về triều chịu tội. Và cái kế “con thỏ có ba hang” trước đây cũng không thi thố được. Vả lại ở phương Tây, thì người Anh hoặc sẽ nhân lúc nước Pháp có biến cố mà ra tay khống chế trước. Đó là cái lý thế tung hoành phải làm như vậy. Nhưng ta phải khéo biết cách ly hợp mới được. Ở nước Xiêm đã có nhiều người dân ta bên đó. Ở đấy họ rất được vua Xiêm tin dùng. Tôi cũng có quen biết, nếu muốn sang họ thì phải cải trang mà đi, giả làm người buôn bán, trước là thông ngõ ngách, dò xem ý họ thế nào, sau mới bí mật thổ lộ với vua Xiêm như thế, như thế thì Xiêm cũng như ta cùng một mối hận, tất sẽ cùng chung rửa hận. Nếu thấy khó thừa cơ hội được thì lặng lẽ trở về chỉ để một mình người anh vua Miên làm kế đó cũng được. Như việc đó mà không được thì cũng nên cùng người Pháp đắp đê trút nước về bên Miên, để tránh hoạn nạn cho ta, để trả thù vua Miên trước đây phụ ơn mà bỏ ta. Và nhân đó mượn uy chiêu dụ các dân ở thượng du sông Khung, như trong bải Khai hoang từ tôi đã bẩm để đợi khi nước Pháp có biến thì thừa thế mà lấy toàn bộ Cao Miên để làm sào huyệt phía Nam, vì khi ta hợp tác với người Pháp thì ta cũng đã có căn bản ở bên Miên rồi. Hai con đường như vậy không biết có được không?

Kính xin lục bộ đại thần soi xét.

Chú thích

(*) Bản văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 133a-138; Hv 634/4 tờ 27-37.

Viết tại Sài Gòn trước lúc lên tàu đi Pháp.

(1) Mặc Tây Ca tức Mêhicô, ý muốn nói đến cuộc chiến tranh tốn kém và vô ích do Napoléon III chủ trương ở Mêhicô (từ tháng 1-1862 đến tháng 3-1867).

(2) Thuyền hạm: Năm 1859, Napoléon III cho đóng chiếm hạm thiết giáp đầu tiên, trước cả Anh nữa, làm cho hải quân Pháp trở nên hùng mạnh.

(3) Vua bác: tức Napoléon Bonaparte, ý nói chủ trương bành trướng gây chiến tranh khắp nơi như Napoléon Bonaparte. Napoléon III là con cả của Louis Bonaparte, em ruột của Napoléon I.

(4) Chiến tranh Phổ-Áo xảy ra khoảng tháng 7-1866. Nga ủng hộ Phổ, Pháp thì lo ngại Phổ lớn mạnh bao trùm tất cả các dân tộc Đức, không muốn cho Phổ thắng Áo, nhưng Phổ đã đè bẹp Áo ngay trong trận đầu, Pháp muốn ra tay giúp Áo, nhưng bận ở Mêhicô.

(5) Vua Mặc Tây Ca: Pháp đã giúp cho Đại Quận Công (Gard duc) Maximilien, người Áo, lên làm vua ở Mêhicô từ 12-6-1864. Maximilien chỉ giữ được ngai vàng là nhờ sự hiện diện của quân đội Pháp. Tháng 3-1867, Pháp rút hết quân đội khỏi Mêhicô, Maximilien bị bắt và bị hành quyết tháng 6-1867.

(6) Anh vua Cao Miên là Poukombo bắt đầu khởi nghĩa từ tháng 5-1866 và đánh cho Pháp thua nhiều trận liểng xiểng. Tháng 7-1867, Pháp xua đại quân và đẩy lùi được Poukombo. Tháng 12-1867 Poukombo bị bắt và bị hành quyết.

(7) Sông Khung: Khung giang tức sông Cửu Long.