DI THẢO SỐ 26: TỜ TRÌNH VỀ VIỆC KÝ HỢP ĐỒNG VỚI HỘI NƯỚC NGOÀI (*)
(Ngày 9 tháng 4 năm Tự Đức thứ 20 tức ngày 12 tháng 5 năm 1867)
Tôi Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.
Hiên nay giám mục đã tìm được hội khai hoang, đã từng đi lại bàn bạc. Xem ăn nói ý tứ và hành trạng lâu nay của họ thì khoản này cũng có thể thực hành lâu dài được, như tờ bẩm trước của giám mục đã tóm tắt đại lược. Nhưng lấy ý kiến riêng của tôi nghiên cứu sự thể trước sau, và những chi tiết lợi hại sẽ sinh ra sau khi thi hành như thế nào mà so sánh, thì những lời nói của họ ở trong thư từ cũng còn nhiều chỗ mập mờ chưa rõ ràng. Sở dĩ tôi xin Triều đình bàn bạc lại các lẽ, là để cho kỹ càng thêm. Hễ có chỗ nào còn nghi ngờ theo từng khoản thì hỏi lại cho rõ, đợi họ trả lời ra sao, rồi lại bàn định lại một lần nữa. Lúc đó sẽ mời họ đến mới ổn thỏa hơn.
Vả việc này quan hệ lâu dài, mới bắt đầu khó quyết định sự lợi hại một cách vội vàng, ắt phải thong thả xem thời cơ mới khỏi ân hận về sau. Nhưng cũng xin Triều đình trả lời sớm, để giám mục báo tin với họ cho họ yên tâm. Sợ những tụi Tây buôn ở Gia Định biết được, chúng dèm pha mà sinh khó khăn.
Nay tôi xin lấy kiến thức nông cạn chia ra từng khoản trình bày như sau:
Thứ nhất: Theo trong lời bẩm của họ, thì hoặc là họ tự kinh lý hết rồi ta lấy một phần. Hoặc Triều đình ta liệu lý hết rồi ta lấy chín phần. Xem hai đường ấy, dường như đều ổn cả. Xin phân biệt như sau:
Một là: Ta đã sẵn có đất đai, ta ở gần còn họ ở xa, cho nên trước lúc họ tìm được mỏ để khai thác phải có nhiều việc đưa đón tốn kém, ta không thể thoái thác được, mà cũng có nhiều việc lặt vặt khó tính toán. Tuy nói là do họ tự làm lấy, ta chỉ thỉnh thoảng giúp đỡ họ việc lớn, rồi tính việc lấy tiền công. Nhưng đến những việc nhỏ nhen, thì cũng khó bề mở miệng. Lại như được mỏ bình thường thì chẳng nói làm gì, nếu may mà gặp được mỏ lớn, lúc đó ta cũng khó bề nói lại, mà có thể nói nữa thì sợ xảy ra biến cố khác. Như thế thì in tuồng như lấy đất ta, của ta mà nuôi người nước ngoài, e không khỏi hối tiếc về sau ư?
Hai là: Các đồ khí nghệ trong tờ hợp đồng họ cũng không nói rõ đến lúc tính toán lãi lỗ có khấu trừ tiền hay không. Nếu họ tự xuất các đồ khí nghệ ấy làm vốn, mà không chiết trừ vào tiền lời, đến khi đủ hạn, do họ tự liệu, thì chả nói làm gì. Nếu cứ mỗi lần chiết tính mà khấu trừ, lấy riêng ra để mua thêm đồ mới và tu bổ đồ hỏng thì những đồ ấy giống như những đồ dùng chung cho cả hai bên. Hoặc mọi việc do ta tự biện lấy cũng thế. Nên tính toán cách nào cũng chưa nói rõ.
Ba là: Lâu nay họ làm với các nước khác, kỳ hạn có khi lâu đến 6, 7, 8 mươi năm, như thế sợ là quá lâu. Nếu ta tự liệu lấy, thì không cần kỳ hạn, nhưng nếu họ ăn chín phần hay là ăn một phần thì cũng phải ngắn hạn mới ổn. Nếu không thì lúc đầu ta cần làm chung với họ là cực chẳng đã, đến sau khi ta đã đủ sức tự lập rồi mà họ vẫn cứ ngồi dai ăn bám, thì sẽ tính sao? Cái khoản hợp đồng dài hạn này thật là khó xử. Không biết bây giờ họ có chịu đổi lại làm ngắn hạn hay không?
Bốn là: Nước ta còn nhiều đất cấm, mà những mạch quý cũng có khi dài đến hai ba ngày đường. Vả lại hướng của các mạch ấy chưa thể định trước, khó bề kiêng tránh. Nếu khi đã tìm được mỏ rồi mà gặp phải nơi đất cấm, không thể xuyên qua mà họ không chịu thôi thì liệu thế nào?
Năm là: Họ vốn là người Pháp lại có quyền thế vật lực. Nếu trong tờ hợp đồng không có quan to của họ ký chứng, đến sau hoặc có sự xích mích thì ta cũng khó tranh chấp với họ. Lúc đó quan họ cũng sẽ nói rằng: Lúc đầu tôi cũng không được biết đến nên nay cũng khó phân xử. Đấy là lấy trường hợp ta bị thua thiệt mà nói. Còn nếu họ bị thua thiệt thì tuy quan họ không ký chứng, nhưng thế nào cũng sẽ bênh vực dân họ mà làm khó dễ với ta. Đó cũng là chuyện tình đời không thể tránh được. Vậy trong tờ giao ước, có cần phải quan họ ký chứng hay không, tôi chưa biết thế nào là đúng. Trước đây Gia Định có bẩm hai người khai hoang, không biết vì ý gì khi chúng tôi bàn bạc với họ, họ có dặn rằng: “Trước khi công việc chưa nhất định không nên lộ cho nguyên soái biết”. Xem ý họ dường như có ý che giấu, không biết trong đó có mưu mô ngoắt ngoéo gì không? Có lẽ việc này có quan hệ đến việc xin làm chứng hay không nên làm chứng cũng chưa biết chừng.
Sáu là: Tôi đã dò hỏi thì họ nói các đồ dùng khi mới bắt đầu, ước chừng 5 vạn quan. Còn sau khi khai mỏi thì họ chưa nói. Nhưng tôi tưởng các đồ dùng trong khi khai mỏ, cũng không quá 7, 8 mươi vạn quan. Các khí cụ đó đều làm bằng đồng bằng sắt. Nếu dùng đúng phương pháp cũng chưa hẳn đã hư hỏng hết trong khoảng 8, 9 năm. Vả lại một khí cụ ấy cũng có thể thay đổi để dùng, đưa chỗ này qua chỗ khác, không phải khai một mỏ mà đã hết ngần ấy phí tổn được. Vì thế cho nên phí tổn lần đầu không thể ngoài một trăm vạn quan. Đến sau thời có thể lấy ít tiền lời mà chia cấp. Lại cũng có thể dần dần theo thể thức mà tự làm cái khác để dùng, không phải cứ mỗi năm mỗi xuất tiền vốn ra nữa. Như thế thì tổn phí di chuyển cũng không nhiều lắm. Vả lại, các mỏ cũng có nhiều ít, khó dễ khác nhau, nếu gặp chỗ nhiều mà dễ như mỏ bạc ở núi A Nhĩ Thái (phía Bắc nước Hung) mỗi năm sản xuất ước chừng được hơn hai trăm vạn đồng. Chỗ khác cũng có nhiều mỏ, đào lấy đã 200 năm, nay còn chưa hết. Mỏ sắt nước Anh mỗi năm sản xuất ước chừng được 30 triệu thạch. Than đá ở đó mỗi năm sản xuất ước chừng 80.000.000 thạch, còn càng ngày càng ra không hết. Đến như kim cương, phần nhiều sản xuất ở vùng cát sỏi xứ Đại A. Một khối nặng chừng ba cân rưỡi, giá đến 10.000.000 lạng bạc. Còn như vàng bạc, đến chỗ cửa hang, nhiều khi có khối lớn sáng choang hoặc có khối nặng đến 7 nghìn cân, đến 100 cân trở xuống chẳng hạn. Nếu trời cho đất cát của ta mà có hạng ngọc quý, ngũ kim ấy, thì khí dụng và chi phí chẳng qua hết một hai phần trong ức vạn, không nghĩa lý gì mà ta chỉ được một phần họ được những chín phần. Vả lại lâu đến một hai kỳ (1), chẳng hóa ra quá nặng ư? Vì thế cho nên, trong bài Khai hoang từ trước đây, tôi đã tính toán trước và xin mời gấp một vài người phương Tây, phân biệt các loài mỏ trước (dù mời người Tây cũng chớ nên lộ ý ra) rồi sau mới định là ta khai hay họ khai. Như vậy mới khỏi ân hận về sau. Về khoản khai hoang này, một mặt muốn hưởng lợi gấp, một mặt muốn cho họ biết vật đều có chủ thời không làm cũng không được. Nhưng nếu muốn được lợi gấp, mà không chậm đợi ba bốn năm để phân biệt lợi hại, thì có khi họ đã được ăn mà còn cười ta là dại thì làm thế nào? Các khoản quyền lợi tôi bẩm trong bài Khai hoang từ trước đã nói những cái được lâu dài về sau là như thế đó, chứ không phải nói những cái được lúc ban đầu mà thôi.
Bảy là: Nếu có bàn cãi nên thêm bớt như thế nào thì phải nói trước khi lập tờ giao ước, chưa bắt đầu vào việc, chứ nếu để sau mà nói đi nói lại, thì sinh nhiều khó khăn lớn. Chứng cớ rất nhiều, không thể kể hết. Nay tôi xin tạm kể một việc để xem.
Nước họ có một hội khai cảng ở Biển Đỏ. Năm trước vua nước Ai Cập cho không hội ấy một khoảnh đất cát hoang mà không nói rõ sau phải trả lại. Đến nay nước Ai Cập thấy họ kiếm được nhiều lời, muốn đòi đất lại. Vua Pháp liền nói: Nếu muốn lấy lại thì phải bồi phí tổn 9.000.000 quan. Đây là cái hại do lúc đầu thương lượng không nói rõ.
Nay hội ấy xin lấy chín phần, có vẻ quá nặng. Tôi đã nhiều cách tìm hỏi các hội, về việc mấy lâu nay chia lợi như thế nào, thì không kể người trong hội hay ngoài hội, đều không chịu nói rõ. Tôi thiết nghĩ rằng tuy là người ngoài hội, nhưng đã từng làm việc cho nước ngoài nhiều như hiện nay người nước Nhật Bản cũng mời họ đến mở xưởng đóng thuyền, theo những phương pháp mới. Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện cũng vậy. Nay một khi ta hỏi đến họ, ắt họ dự đoán sau này sẽ có đường lối như các nước kia, nên không chỉ đường, để nhân chỗ lầm của ta mà thi kế bí mật kiếm lợi. Sở dĩ tất cả mọi người của họ đều không chịu nói rõ, có lẽ là vì thế. Nếu không thế, thì phương Tây ba bốn trăm năm lại đây đã từng cung các nước khai mỏ, rất là nhiều, chả lẽ không có một hội nào lập điều lệ phân minh, chỉ đợi đến khi có vàng bạc rồi mới tha hồ xâu xé như bọn quỷ giành thức ăn dưới hội Vu Lan (2) ư? Mới đây có một người trong hội ấy, khi mới gặp giám mục, liền nói hội chúng hiện có bản in điều lệ cũ, hôm sau sẽ đưa cho xem. Hôm sau có hai người đến, đưa một miếng giấy viết; giám mục không nhận. Chúng lại trở về. Vài ngày sau lại đem đến một bản giấy viết, giám mục theo trong giấy dịch ra như thế. Giám mục không dám hỏi kỹ, sợ sinh điều quan ngại gì khác. Xem qua bọn chúng thì hình như có điều gì muốn giấu giếm. Tôi không biết rõ điều lệ của chúng. Mà nay tranh luận khinh trọng với hội chúng, đã không có quyền, lại nói mồm, không bằng cứ sợ chúng hiểu được ý tò mò của tôi, rồi sau này có cùng đi với chúng, chúng sẽ để ý che giấu, thì trong chỗ vô tình, khó mà dò được lòng kín của chúng. Tôi sở dĩ không dám hỏi kỹ chúng, chính vì lẽ đó. Cho nên phải đợi Triều đình cứ theo từng điều khoản mà hỏi chúng mới được.
Nhưng có một điều có thể ổn thỏa được là hội chúng đã nói rõ trứơc rằng: Đến khi tìm được mỏ rồi thì do ta tự liệu lý lấy cũng được. Nếu tìm không được thì họ về không, ta không tốn kém gì, lại như tìm được mỏ, thì không kỳ ta khai thác hay họ khai, cũng không trừ công phí ban đầu, chỉ tính từ khi khai quật về sau mà thôi. Như tìm được mà hội ấy tự liệu biện lấy thì cứ theo giao ước này. Nếu Triều đình ta dự biện thì theo giao ước kia, như thế mới phải. Vì trong lúc dò tìm cũng phải hai ba năm mới xong việc. Lúc bấy giờ nếu ta có người để tâm kín đáo cùng đi với họ cũng có thể xem xét dần dần mà phân biệt chọn lấy, tưởng cũng không đến hỏng việc. Nếu tìm không được mà về không thì ta chỉ mất công giúp đỡ mà thôi, dầu có tổn phí ít nhiều cũng vui lòng. Nhưng không tìm thì thôi chứ đã tìm thì tìm kỹ, tìm khắp, như thế thường thường tìm mỏ này lại gặp mỏ khác, như ở phương Tây phần nhiều người ta tìm mỏ than mà được bạc, tìm đồng lại được vàng. Vì mạch lạc các mỏ thường liên lạc với nhau, gần gũi nhau, cho nên chưa bao giờ có chuyện tìm mà không được cái gì cả. Như thế thì dù họ không vừa lòng, nhưng ta cũng nhân đó mà biết hết mạch đất để tìm vật dùng khác, món lợi khác.
Tám điều trên đây là theo trong tờ của hội ấy trình bày ra. Cách thứ nhất là mọi công việc đều do họ liệu lý, ta lấy một phần, cách này suy ra có những trở ngại về sau như thế đấy.
Nếu mọi việc đều do Triều đình trù liệu lấy, họ ăn một phần, trừ những chi phí công lao khó nhọc của người mình ra, thì các tờ bẩm trước đã nói rõ. Nay không nói lại nữa. Chỉ nói ta chịu thiệt với họ thì có ba điều:
Một là công tác phục dịch và chi phí của người nước ta đều theo lối tiết kiệm, còn họ thì tiêu dùng quá xa phí, ta cũng khó ngăn cản. Tục ngữ nói rằng: “Giữ núi ăn núi” đấy là thường tình không tránh khỏi được. Nay ta trừ tiền công cho họ rồi mới chia lời. Nếu họ có bụng hiểm, chỗ không cần dùng nhiều công nhân Tây, họ cũng phái đến nhiều người, ngồi mà chia lời, hoặc chỉ phái một hai người sành nghề rồi xen vào nhềiu người thợ vụng rẻ công thì ta biết đâu mà xét hỏi, e không khỏi như tệ thổi sáo gian ư (3)? Đấy là một điều khoản khó xử. Vì thế cho nên phải hỏi họ trước, mỗi mỏ chỉ cần dùng một người sành nghề, còn mấy người làm phụ, phải chia thứ bậc mà trả lương. Đến sau người mình đã tự làm lấy được không cần bày vẽ thì nên đem những người công nhân Tây đi khai mỏ khác mới ổn.
Hai là: Mọi việc do ta tự liệu biện, họ chỉ bày vẽ mà thôi. Tất cả đồ dùng và tiền công đều lấy ở tiền lời hết. Cứ như khoản họ tự liệu biện mà lấy 9 phần thì công phu, sức lực của người mình giúp đỡ, giá cả không bằng họ, vậy trong số tiền lời, phần tiền công của người mình thì được ít. Khoản này mà ta lấy chín phần thì họ ăn tiền công trong số tiền lời lại nhiều, làm sao mà công bình được. Hay là chỉ trong hai khoản này, một bên thì chỉ vẽ phương pháp, một bên thì đốc suất công việc, bên ta thì thêm vào, bên họ thì bớt đi, sao cho tiền công hai bên bằng nhau, để ngấm ngầm đề phòng họ. Đến ngày sau ta tự liệu biện lấy, thì dù họ có ăn tiền công nhiều, cũng không đến nỗi quá sai lệch.
Ba là: Họ chỉ nhọc mệt bảo ban buổi đầu vài năm mà thôi, tuy có khó nhọc nhưng cũng đã hưởng được nhiều rồi, đến sau ta dần dần có thể phụ việc hoặc tự làm lấy được, không phiền đến họ chỉ bảo, họ cũng ngồi không lấy tiền công. Hoặc gặp được mỏ lớn, họ cũng không dự vào công việc, mà họ cứ lấy một phần, mà lại lấy lâu dài e không khỏi nghiêng lệch ư? Khoản ấy bình tình mà nói, thì họ tuy sau được thong thả nhưng trước phải vất vả, lại có tổn phí đi tìm lúc đầu. Tổn phí bỏ ra đi tìm đó cũng vừa đủ tiền vốn, thì về sau họ được hưởng lợi lâu dài cũng hợp lý. Chỉ có bên nặng bên nhẹ chưa ổn mà thôi. Trong điều ước thì ở khoản này nên chỉ rõ ba đoạn: đầu, giữa và cuối, lần lượt và giảm bớt đi bao nhiêu phần, tưởng cũng hợp lý. Nhưng ở đoạn giữa khi đã được lợi lớn rồi, thì tổn phí lúc đầu đi tìm hết bao nhiêu, nên tính trả lại cho họ mới hợp tình lý.
Ba điều trên đây là chỉ chỗ thiên lệch trong ấy. Lấy hai đường so sánh mà xem, để tìm chỗ đúng thì hoặc giả bên họ đem người có tài ra chỉ vẽ, họ tự xuất tiền ra chi dùng, bên ta có người trước sau đốc suất, ta tự cấp phát lấy. Còn đồ khí dụng tốn bao nhiêu, hai bên chịu chung đến khi tính lời thì trong 10 phần ta lấy trước một phần thuê đất, còn lại 9 phần, lại chiết lấy trả tiền công cho những người làm lao động. Còn dư nữa thì chia cho đều, những người thầy thợ của họ thì ăn phần lời bên họ, quan viên ta thì có Triều đình định liệu. Như thế thì dù tiền công họ cao, họ ăn dùng xa xỉ, ta cũng không thiệt hại gì, mà hai bên cũng khỏi hiềm về nhiều ít. Hay là mọi việc do ta tự liệu lấy họ chỉ có người làm thợ thầy. Trong 10 phần, họ chỉ ăn một phần mà thôi, không được ăn tiền công riêng nữa. Như thế có lẽ hợp lý hơn. Hai điều khoản ấy, chưa biết ý họ thế nào. Còn khoản thứ ba, cứ tháng cấp tiền lương thì kể cũng ổn, họ chẳng qua là người làm mướn mà thôi, không có quyền gì, muốn làm muốn thôi đều quyền ở ta. Khoản này, trong tờ bẩm trước ở Gia Định, tôi đã nói rõ. Cũng như đoạn cuối trong bài Khai hoang từ đã bẩm dò thám trước để phân biệt lợi hại thì cũng một đường lối như vậy. Nguyên trước chúng tôi dò biết được rằng khai hoang cũng có lệ chia lời. Đấy là bọn Tây buôn ở Gia Định nói ra, mà không phải thiên lệch như kiểu ăn một phần hay ăn chín phần. Cho nên khi ở Kinh tôi bẩm về việc thuê thợ có 13 khoản khó, là muốn khỏi bị họ chiếm phần hơn. Nay ta ăn chín phần, thì mọi phí tổn về ta và cứ tháng cấp lương, tuy lúc đầu có nhiều điều khó như thế cũng còn hơn là ta chỉ ăn một phần. Nếu nay họ có thể thương thuyết lại được như thế nào, mà hai bên đều đựơc phải chăng, thì lúc đầu họ chịu khó nhọc vỡ hoang, ta lấy cái dễ, hưởng cái kết quả, thì cũng được. Vì nếu không có họ dẫn đường chỉ lối ta càng khó thành công. Cho nên phải mượn tài trí nước ngoài. Họ đem trí tuệ nghiên cứu hàng trăm năm mà đổi lấy tiền bạc vứt bỏ của ta thì tưởng cũng đã bẻ rồi. Như thế thì ta lấy cái lợi tự nhiên không hết của ta mà đổi lấy cái khôn khéo tích luỹ của họ, thì sao mà chả được? Nếu nay quả họ chịu thương lượng lại, để cho hai bên được quân bình, thì ta nên mở rộng hết cửa ngõ, để mau có lợi.
Ý kiến chúng tôi như thế, không biết phải chăng thế nào. Hoặc giả Triều đình còn có chỗ nào quan ngại, thì nên chia ra từng khoản hỏi họ, để họ thương lượng lại, nên hay không nên, hợp hay không hợp đều trình bày rõ, gửi đến lúc đó ta lại xét liệu và quyết định, rồi báo tin cho họ lên Kinh thì mới thỏa đáng.
Lại xin thưa thêm, hiện nay tôi đã biết được giá cả của nhiều thứ, lúc về sẽ xin bẩm rõ để Triều đình biết. Chỉ mua một vài hạng giá rẻ, từ hai ba nghìn quan trở xuống đem về, còn nữa đợi khi nào có dùng vào khai mỏ, theo số gửi mua cũng được. Ước chừng vào khoảng thượng hạ tuần tháng bảy mới về. Khi về tới Gia Định, chưa biết phương tiện của giám mục đi đường thuỷ đường bộ như thế nào. Còn tôi thì xin đi đường bộ về Kinh bẩm qua. Lại khi đi ven dọc núi sông, hễ chỗ nào tình thế có mạch lạc, tôi sẽ ghi nhớ kỹ, đợi sau đến thẳng chỗ đó tìm kiếm, khỏi phải trông ngóng thêm phí thì giờ.
Đấy là tôi có ý nhất cử lưỡng tiện, không biết được chăng? Nếu cho là phải thì xin tư trước cho quan kinh lược ba tỉnh trong, bảo tôi về Triều lĩnh bằng đi trước. Lại xin tư sức trước cho khắp cả nước biết, hễ ai tìm được mỏ mới, báo lên thì thưởng cho trước, đến sau khai khẩn được nhiều, lại thưởng thêm nữa. Nếu tìm được thì cắm tiêu trước, đợi khi hội chúng đến nơi thuê họ phân biệt thử đã, rồi thương lượng với chúng để chia ít nhiều phần lợi. Còn chỗ nào không có hình tích gì rõ ràng, thì cứ để mặc cho chúng đi tìm.
Lại xin tư cho các mỏ ở Tuyên Quang, Hưng Hóa, chọn lấy mỗi nơi một bao đất, hoặc có đá vôi, cũng nên đệ về, để đợi ngày sau thí nghiệm. Lại như các sự thế riêng, giám mục cũng đã nói với các quan to của họ, xem ngụ ý họ còn úp mở không nhất định, hình như họ cũng chưa chịu. Xin Triều đình xét kỹ và giao dịch cẩn thận để phòng biến cố khác. Hơn nữa ta với họ đều có một bộ tim ruột riêng, khó bề giúp đỡ nhau, chỉ có thể tung hoành mới xong việc được.
Kính bẩm lục bộ đường đại thần đại nhân soi xét.
Chú thích
(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/3 tờ 1-73; Hv 634/4 tờ 51-72.
Bài này được viết trong lúc Nguyễn Trường Tộ đang ở Pháp với giám mục Hậu (Gauthier). Giám mục Hậu đã thỏa thuận được với một Công ty khai mỏ để giới thiệu với Triều đình Huế. Nguyễn Trường Tộ phân tích lợi hại về các khoản trong hợp đồng để Triều đình lựa chọn.
(1) Mỗi kỳ 12 năm.
(2) Tức là hội rằm tháng bảy, cũng gọi là Tết Trung Nguyên.
(3) Do tích đời xưa ở Trung Quốc có một ông vua thích nghe thổi sáo thuê 300 người thổi sáo cùng một lúc. Do đó khi thổi có nhiều người thổi hay nhưng cũng có một số người thổi dở thậm chí có người không biết thổi cũng trà trộn vào kiếm ăn, không thể phân biệt được.
Nguồn: www.dunglac.net
(Ngày 9 tháng 4 năm Tự Đức thứ 20 tức ngày 12 tháng 5 năm 1867)
Tôi Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.
Hiên nay giám mục đã tìm được hội khai hoang, đã từng đi lại bàn bạc. Xem ăn nói ý tứ và hành trạng lâu nay của họ thì khoản này cũng có thể thực hành lâu dài được, như tờ bẩm trước của giám mục đã tóm tắt đại lược. Nhưng lấy ý kiến riêng của tôi nghiên cứu sự thể trước sau, và những chi tiết lợi hại sẽ sinh ra sau khi thi hành như thế nào mà so sánh, thì những lời nói của họ ở trong thư từ cũng còn nhiều chỗ mập mờ chưa rõ ràng. Sở dĩ tôi xin Triều đình bàn bạc lại các lẽ, là để cho kỹ càng thêm. Hễ có chỗ nào còn nghi ngờ theo từng khoản thì hỏi lại cho rõ, đợi họ trả lời ra sao, rồi lại bàn định lại một lần nữa. Lúc đó sẽ mời họ đến mới ổn thỏa hơn.
Vả việc này quan hệ lâu dài, mới bắt đầu khó quyết định sự lợi hại một cách vội vàng, ắt phải thong thả xem thời cơ mới khỏi ân hận về sau. Nhưng cũng xin Triều đình trả lời sớm, để giám mục báo tin với họ cho họ yên tâm. Sợ những tụi Tây buôn ở Gia Định biết được, chúng dèm pha mà sinh khó khăn.
Nay tôi xin lấy kiến thức nông cạn chia ra từng khoản trình bày như sau:
Thứ nhất: Theo trong lời bẩm của họ, thì hoặc là họ tự kinh lý hết rồi ta lấy một phần. Hoặc Triều đình ta liệu lý hết rồi ta lấy chín phần. Xem hai đường ấy, dường như đều ổn cả. Xin phân biệt như sau:
Một là: Ta đã sẵn có đất đai, ta ở gần còn họ ở xa, cho nên trước lúc họ tìm được mỏ để khai thác phải có nhiều việc đưa đón tốn kém, ta không thể thoái thác được, mà cũng có nhiều việc lặt vặt khó tính toán. Tuy nói là do họ tự làm lấy, ta chỉ thỉnh thoảng giúp đỡ họ việc lớn, rồi tính việc lấy tiền công. Nhưng đến những việc nhỏ nhen, thì cũng khó bề mở miệng. Lại như được mỏ bình thường thì chẳng nói làm gì, nếu may mà gặp được mỏ lớn, lúc đó ta cũng khó bề nói lại, mà có thể nói nữa thì sợ xảy ra biến cố khác. Như thế thì in tuồng như lấy đất ta, của ta mà nuôi người nước ngoài, e không khỏi hối tiếc về sau ư?
Hai là: Các đồ khí nghệ trong tờ hợp đồng họ cũng không nói rõ đến lúc tính toán lãi lỗ có khấu trừ tiền hay không. Nếu họ tự xuất các đồ khí nghệ ấy làm vốn, mà không chiết trừ vào tiền lời, đến khi đủ hạn, do họ tự liệu, thì chả nói làm gì. Nếu cứ mỗi lần chiết tính mà khấu trừ, lấy riêng ra để mua thêm đồ mới và tu bổ đồ hỏng thì những đồ ấy giống như những đồ dùng chung cho cả hai bên. Hoặc mọi việc do ta tự biện lấy cũng thế. Nên tính toán cách nào cũng chưa nói rõ.
Ba là: Lâu nay họ làm với các nước khác, kỳ hạn có khi lâu đến 6, 7, 8 mươi năm, như thế sợ là quá lâu. Nếu ta tự liệu lấy, thì không cần kỳ hạn, nhưng nếu họ ăn chín phần hay là ăn một phần thì cũng phải ngắn hạn mới ổn. Nếu không thì lúc đầu ta cần làm chung với họ là cực chẳng đã, đến sau khi ta đã đủ sức tự lập rồi mà họ vẫn cứ ngồi dai ăn bám, thì sẽ tính sao? Cái khoản hợp đồng dài hạn này thật là khó xử. Không biết bây giờ họ có chịu đổi lại làm ngắn hạn hay không?
Bốn là: Nước ta còn nhiều đất cấm, mà những mạch quý cũng có khi dài đến hai ba ngày đường. Vả lại hướng của các mạch ấy chưa thể định trước, khó bề kiêng tránh. Nếu khi đã tìm được mỏ rồi mà gặp phải nơi đất cấm, không thể xuyên qua mà họ không chịu thôi thì liệu thế nào?
Năm là: Họ vốn là người Pháp lại có quyền thế vật lực. Nếu trong tờ hợp đồng không có quan to của họ ký chứng, đến sau hoặc có sự xích mích thì ta cũng khó tranh chấp với họ. Lúc đó quan họ cũng sẽ nói rằng: Lúc đầu tôi cũng không được biết đến nên nay cũng khó phân xử. Đấy là lấy trường hợp ta bị thua thiệt mà nói. Còn nếu họ bị thua thiệt thì tuy quan họ không ký chứng, nhưng thế nào cũng sẽ bênh vực dân họ mà làm khó dễ với ta. Đó cũng là chuyện tình đời không thể tránh được. Vậy trong tờ giao ước, có cần phải quan họ ký chứng hay không, tôi chưa biết thế nào là đúng. Trước đây Gia Định có bẩm hai người khai hoang, không biết vì ý gì khi chúng tôi bàn bạc với họ, họ có dặn rằng: “Trước khi công việc chưa nhất định không nên lộ cho nguyên soái biết”. Xem ý họ dường như có ý che giấu, không biết trong đó có mưu mô ngoắt ngoéo gì không? Có lẽ việc này có quan hệ đến việc xin làm chứng hay không nên làm chứng cũng chưa biết chừng.
Sáu là: Tôi đã dò hỏi thì họ nói các đồ dùng khi mới bắt đầu, ước chừng 5 vạn quan. Còn sau khi khai mỏi thì họ chưa nói. Nhưng tôi tưởng các đồ dùng trong khi khai mỏ, cũng không quá 7, 8 mươi vạn quan. Các khí cụ đó đều làm bằng đồng bằng sắt. Nếu dùng đúng phương pháp cũng chưa hẳn đã hư hỏng hết trong khoảng 8, 9 năm. Vả lại một khí cụ ấy cũng có thể thay đổi để dùng, đưa chỗ này qua chỗ khác, không phải khai một mỏ mà đã hết ngần ấy phí tổn được. Vì thế cho nên phí tổn lần đầu không thể ngoài một trăm vạn quan. Đến sau thời có thể lấy ít tiền lời mà chia cấp. Lại cũng có thể dần dần theo thể thức mà tự làm cái khác để dùng, không phải cứ mỗi năm mỗi xuất tiền vốn ra nữa. Như thế thì tổn phí di chuyển cũng không nhiều lắm. Vả lại, các mỏ cũng có nhiều ít, khó dễ khác nhau, nếu gặp chỗ nhiều mà dễ như mỏ bạc ở núi A Nhĩ Thái (phía Bắc nước Hung) mỗi năm sản xuất ước chừng được hơn hai trăm vạn đồng. Chỗ khác cũng có nhiều mỏ, đào lấy đã 200 năm, nay còn chưa hết. Mỏ sắt nước Anh mỗi năm sản xuất ước chừng được 30 triệu thạch. Than đá ở đó mỗi năm sản xuất ước chừng 80.000.000 thạch, còn càng ngày càng ra không hết. Đến như kim cương, phần nhiều sản xuất ở vùng cát sỏi xứ Đại A. Một khối nặng chừng ba cân rưỡi, giá đến 10.000.000 lạng bạc. Còn như vàng bạc, đến chỗ cửa hang, nhiều khi có khối lớn sáng choang hoặc có khối nặng đến 7 nghìn cân, đến 100 cân trở xuống chẳng hạn. Nếu trời cho đất cát của ta mà có hạng ngọc quý, ngũ kim ấy, thì khí dụng và chi phí chẳng qua hết một hai phần trong ức vạn, không nghĩa lý gì mà ta chỉ được một phần họ được những chín phần. Vả lại lâu đến một hai kỳ (1), chẳng hóa ra quá nặng ư? Vì thế cho nên, trong bài Khai hoang từ trước đây, tôi đã tính toán trước và xin mời gấp một vài người phương Tây, phân biệt các loài mỏ trước (dù mời người Tây cũng chớ nên lộ ý ra) rồi sau mới định là ta khai hay họ khai. Như vậy mới khỏi ân hận về sau. Về khoản khai hoang này, một mặt muốn hưởng lợi gấp, một mặt muốn cho họ biết vật đều có chủ thời không làm cũng không được. Nhưng nếu muốn được lợi gấp, mà không chậm đợi ba bốn năm để phân biệt lợi hại, thì có khi họ đã được ăn mà còn cười ta là dại thì làm thế nào? Các khoản quyền lợi tôi bẩm trong bài Khai hoang từ trước đã nói những cái được lâu dài về sau là như thế đó, chứ không phải nói những cái được lúc ban đầu mà thôi.
Bảy là: Nếu có bàn cãi nên thêm bớt như thế nào thì phải nói trước khi lập tờ giao ước, chưa bắt đầu vào việc, chứ nếu để sau mà nói đi nói lại, thì sinh nhiều khó khăn lớn. Chứng cớ rất nhiều, không thể kể hết. Nay tôi xin tạm kể một việc để xem.
Nước họ có một hội khai cảng ở Biển Đỏ. Năm trước vua nước Ai Cập cho không hội ấy một khoảnh đất cát hoang mà không nói rõ sau phải trả lại. Đến nay nước Ai Cập thấy họ kiếm được nhiều lời, muốn đòi đất lại. Vua Pháp liền nói: Nếu muốn lấy lại thì phải bồi phí tổn 9.000.000 quan. Đây là cái hại do lúc đầu thương lượng không nói rõ.
Nay hội ấy xin lấy chín phần, có vẻ quá nặng. Tôi đã nhiều cách tìm hỏi các hội, về việc mấy lâu nay chia lợi như thế nào, thì không kể người trong hội hay ngoài hội, đều không chịu nói rõ. Tôi thiết nghĩ rằng tuy là người ngoài hội, nhưng đã từng làm việc cho nước ngoài nhiều như hiện nay người nước Nhật Bản cũng mời họ đến mở xưởng đóng thuyền, theo những phương pháp mới. Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện cũng vậy. Nay một khi ta hỏi đến họ, ắt họ dự đoán sau này sẽ có đường lối như các nước kia, nên không chỉ đường, để nhân chỗ lầm của ta mà thi kế bí mật kiếm lợi. Sở dĩ tất cả mọi người của họ đều không chịu nói rõ, có lẽ là vì thế. Nếu không thế, thì phương Tây ba bốn trăm năm lại đây đã từng cung các nước khai mỏ, rất là nhiều, chả lẽ không có một hội nào lập điều lệ phân minh, chỉ đợi đến khi có vàng bạc rồi mới tha hồ xâu xé như bọn quỷ giành thức ăn dưới hội Vu Lan (2) ư? Mới đây có một người trong hội ấy, khi mới gặp giám mục, liền nói hội chúng hiện có bản in điều lệ cũ, hôm sau sẽ đưa cho xem. Hôm sau có hai người đến, đưa một miếng giấy viết; giám mục không nhận. Chúng lại trở về. Vài ngày sau lại đem đến một bản giấy viết, giám mục theo trong giấy dịch ra như thế. Giám mục không dám hỏi kỹ, sợ sinh điều quan ngại gì khác. Xem qua bọn chúng thì hình như có điều gì muốn giấu giếm. Tôi không biết rõ điều lệ của chúng. Mà nay tranh luận khinh trọng với hội chúng, đã không có quyền, lại nói mồm, không bằng cứ sợ chúng hiểu được ý tò mò của tôi, rồi sau này có cùng đi với chúng, chúng sẽ để ý che giấu, thì trong chỗ vô tình, khó mà dò được lòng kín của chúng. Tôi sở dĩ không dám hỏi kỹ chúng, chính vì lẽ đó. Cho nên phải đợi Triều đình cứ theo từng điều khoản mà hỏi chúng mới được.
Nhưng có một điều có thể ổn thỏa được là hội chúng đã nói rõ trứơc rằng: Đến khi tìm được mỏ rồi thì do ta tự liệu lý lấy cũng được. Nếu tìm không được thì họ về không, ta không tốn kém gì, lại như tìm được mỏ, thì không kỳ ta khai thác hay họ khai, cũng không trừ công phí ban đầu, chỉ tính từ khi khai quật về sau mà thôi. Như tìm được mà hội ấy tự liệu biện lấy thì cứ theo giao ước này. Nếu Triều đình ta dự biện thì theo giao ước kia, như thế mới phải. Vì trong lúc dò tìm cũng phải hai ba năm mới xong việc. Lúc bấy giờ nếu ta có người để tâm kín đáo cùng đi với họ cũng có thể xem xét dần dần mà phân biệt chọn lấy, tưởng cũng không đến hỏng việc. Nếu tìm không được mà về không thì ta chỉ mất công giúp đỡ mà thôi, dầu có tổn phí ít nhiều cũng vui lòng. Nhưng không tìm thì thôi chứ đã tìm thì tìm kỹ, tìm khắp, như thế thường thường tìm mỏ này lại gặp mỏ khác, như ở phương Tây phần nhiều người ta tìm mỏ than mà được bạc, tìm đồng lại được vàng. Vì mạch lạc các mỏ thường liên lạc với nhau, gần gũi nhau, cho nên chưa bao giờ có chuyện tìm mà không được cái gì cả. Như thế thì dù họ không vừa lòng, nhưng ta cũng nhân đó mà biết hết mạch đất để tìm vật dùng khác, món lợi khác.
Tám điều trên đây là theo trong tờ của hội ấy trình bày ra. Cách thứ nhất là mọi công việc đều do họ liệu lý, ta lấy một phần, cách này suy ra có những trở ngại về sau như thế đấy.
Nếu mọi việc đều do Triều đình trù liệu lấy, họ ăn một phần, trừ những chi phí công lao khó nhọc của người mình ra, thì các tờ bẩm trước đã nói rõ. Nay không nói lại nữa. Chỉ nói ta chịu thiệt với họ thì có ba điều:
Một là công tác phục dịch và chi phí của người nước ta đều theo lối tiết kiệm, còn họ thì tiêu dùng quá xa phí, ta cũng khó ngăn cản. Tục ngữ nói rằng: “Giữ núi ăn núi” đấy là thường tình không tránh khỏi được. Nay ta trừ tiền công cho họ rồi mới chia lời. Nếu họ có bụng hiểm, chỗ không cần dùng nhiều công nhân Tây, họ cũng phái đến nhiều người, ngồi mà chia lời, hoặc chỉ phái một hai người sành nghề rồi xen vào nhềiu người thợ vụng rẻ công thì ta biết đâu mà xét hỏi, e không khỏi như tệ thổi sáo gian ư (3)? Đấy là một điều khoản khó xử. Vì thế cho nên phải hỏi họ trước, mỗi mỏ chỉ cần dùng một người sành nghề, còn mấy người làm phụ, phải chia thứ bậc mà trả lương. Đến sau người mình đã tự làm lấy được không cần bày vẽ thì nên đem những người công nhân Tây đi khai mỏ khác mới ổn.
Hai là: Mọi việc do ta tự liệu biện, họ chỉ bày vẽ mà thôi. Tất cả đồ dùng và tiền công đều lấy ở tiền lời hết. Cứ như khoản họ tự liệu biện mà lấy 9 phần thì công phu, sức lực của người mình giúp đỡ, giá cả không bằng họ, vậy trong số tiền lời, phần tiền công của người mình thì được ít. Khoản này mà ta lấy chín phần thì họ ăn tiền công trong số tiền lời lại nhiều, làm sao mà công bình được. Hay là chỉ trong hai khoản này, một bên thì chỉ vẽ phương pháp, một bên thì đốc suất công việc, bên ta thì thêm vào, bên họ thì bớt đi, sao cho tiền công hai bên bằng nhau, để ngấm ngầm đề phòng họ. Đến ngày sau ta tự liệu biện lấy, thì dù họ có ăn tiền công nhiều, cũng không đến nỗi quá sai lệch.
Ba là: Họ chỉ nhọc mệt bảo ban buổi đầu vài năm mà thôi, tuy có khó nhọc nhưng cũng đã hưởng được nhiều rồi, đến sau ta dần dần có thể phụ việc hoặc tự làm lấy được, không phiền đến họ chỉ bảo, họ cũng ngồi không lấy tiền công. Hoặc gặp được mỏ lớn, họ cũng không dự vào công việc, mà họ cứ lấy một phần, mà lại lấy lâu dài e không khỏi nghiêng lệch ư? Khoản ấy bình tình mà nói, thì họ tuy sau được thong thả nhưng trước phải vất vả, lại có tổn phí đi tìm lúc đầu. Tổn phí bỏ ra đi tìm đó cũng vừa đủ tiền vốn, thì về sau họ được hưởng lợi lâu dài cũng hợp lý. Chỉ có bên nặng bên nhẹ chưa ổn mà thôi. Trong điều ước thì ở khoản này nên chỉ rõ ba đoạn: đầu, giữa và cuối, lần lượt và giảm bớt đi bao nhiêu phần, tưởng cũng hợp lý. Nhưng ở đoạn giữa khi đã được lợi lớn rồi, thì tổn phí lúc đầu đi tìm hết bao nhiêu, nên tính trả lại cho họ mới hợp tình lý.
Ba điều trên đây là chỉ chỗ thiên lệch trong ấy. Lấy hai đường so sánh mà xem, để tìm chỗ đúng thì hoặc giả bên họ đem người có tài ra chỉ vẽ, họ tự xuất tiền ra chi dùng, bên ta có người trước sau đốc suất, ta tự cấp phát lấy. Còn đồ khí dụng tốn bao nhiêu, hai bên chịu chung đến khi tính lời thì trong 10 phần ta lấy trước một phần thuê đất, còn lại 9 phần, lại chiết lấy trả tiền công cho những người làm lao động. Còn dư nữa thì chia cho đều, những người thầy thợ của họ thì ăn phần lời bên họ, quan viên ta thì có Triều đình định liệu. Như thế thì dù tiền công họ cao, họ ăn dùng xa xỉ, ta cũng không thiệt hại gì, mà hai bên cũng khỏi hiềm về nhiều ít. Hay là mọi việc do ta tự liệu lấy họ chỉ có người làm thợ thầy. Trong 10 phần, họ chỉ ăn một phần mà thôi, không được ăn tiền công riêng nữa. Như thế có lẽ hợp lý hơn. Hai điều khoản ấy, chưa biết ý họ thế nào. Còn khoản thứ ba, cứ tháng cấp tiền lương thì kể cũng ổn, họ chẳng qua là người làm mướn mà thôi, không có quyền gì, muốn làm muốn thôi đều quyền ở ta. Khoản này, trong tờ bẩm trước ở Gia Định, tôi đã nói rõ. Cũng như đoạn cuối trong bài Khai hoang từ đã bẩm dò thám trước để phân biệt lợi hại thì cũng một đường lối như vậy. Nguyên trước chúng tôi dò biết được rằng khai hoang cũng có lệ chia lời. Đấy là bọn Tây buôn ở Gia Định nói ra, mà không phải thiên lệch như kiểu ăn một phần hay ăn chín phần. Cho nên khi ở Kinh tôi bẩm về việc thuê thợ có 13 khoản khó, là muốn khỏi bị họ chiếm phần hơn. Nay ta ăn chín phần, thì mọi phí tổn về ta và cứ tháng cấp lương, tuy lúc đầu có nhiều điều khó như thế cũng còn hơn là ta chỉ ăn một phần. Nếu nay họ có thể thương thuyết lại được như thế nào, mà hai bên đều đựơc phải chăng, thì lúc đầu họ chịu khó nhọc vỡ hoang, ta lấy cái dễ, hưởng cái kết quả, thì cũng được. Vì nếu không có họ dẫn đường chỉ lối ta càng khó thành công. Cho nên phải mượn tài trí nước ngoài. Họ đem trí tuệ nghiên cứu hàng trăm năm mà đổi lấy tiền bạc vứt bỏ của ta thì tưởng cũng đã bẻ rồi. Như thế thì ta lấy cái lợi tự nhiên không hết của ta mà đổi lấy cái khôn khéo tích luỹ của họ, thì sao mà chả được? Nếu nay quả họ chịu thương lượng lại, để cho hai bên được quân bình, thì ta nên mở rộng hết cửa ngõ, để mau có lợi.
Ý kiến chúng tôi như thế, không biết phải chăng thế nào. Hoặc giả Triều đình còn có chỗ nào quan ngại, thì nên chia ra từng khoản hỏi họ, để họ thương lượng lại, nên hay không nên, hợp hay không hợp đều trình bày rõ, gửi đến lúc đó ta lại xét liệu và quyết định, rồi báo tin cho họ lên Kinh thì mới thỏa đáng.
Lại xin thưa thêm, hiện nay tôi đã biết được giá cả của nhiều thứ, lúc về sẽ xin bẩm rõ để Triều đình biết. Chỉ mua một vài hạng giá rẻ, từ hai ba nghìn quan trở xuống đem về, còn nữa đợi khi nào có dùng vào khai mỏ, theo số gửi mua cũng được. Ước chừng vào khoảng thượng hạ tuần tháng bảy mới về. Khi về tới Gia Định, chưa biết phương tiện của giám mục đi đường thuỷ đường bộ như thế nào. Còn tôi thì xin đi đường bộ về Kinh bẩm qua. Lại khi đi ven dọc núi sông, hễ chỗ nào tình thế có mạch lạc, tôi sẽ ghi nhớ kỹ, đợi sau đến thẳng chỗ đó tìm kiếm, khỏi phải trông ngóng thêm phí thì giờ.
Đấy là tôi có ý nhất cử lưỡng tiện, không biết được chăng? Nếu cho là phải thì xin tư trước cho quan kinh lược ba tỉnh trong, bảo tôi về Triều lĩnh bằng đi trước. Lại xin tư sức trước cho khắp cả nước biết, hễ ai tìm được mỏ mới, báo lên thì thưởng cho trước, đến sau khai khẩn được nhiều, lại thưởng thêm nữa. Nếu tìm được thì cắm tiêu trước, đợi khi hội chúng đến nơi thuê họ phân biệt thử đã, rồi thương lượng với chúng để chia ít nhiều phần lợi. Còn chỗ nào không có hình tích gì rõ ràng, thì cứ để mặc cho chúng đi tìm.
Lại xin tư cho các mỏ ở Tuyên Quang, Hưng Hóa, chọn lấy mỗi nơi một bao đất, hoặc có đá vôi, cũng nên đệ về, để đợi ngày sau thí nghiệm. Lại như các sự thế riêng, giám mục cũng đã nói với các quan to của họ, xem ngụ ý họ còn úp mở không nhất định, hình như họ cũng chưa chịu. Xin Triều đình xét kỹ và giao dịch cẩn thận để phòng biến cố khác. Hơn nữa ta với họ đều có một bộ tim ruột riêng, khó bề giúp đỡ nhau, chỉ có thể tung hoành mới xong việc được.
Kính bẩm lục bộ đường đại thần đại nhân soi xét.
Chú thích
(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/3 tờ 1-73; Hv 634/4 tờ 51-72.
Bài này được viết trong lúc Nguyễn Trường Tộ đang ở Pháp với giám mục Hậu (Gauthier). Giám mục Hậu đã thỏa thuận được với một Công ty khai mỏ để giới thiệu với Triều đình Huế. Nguyễn Trường Tộ phân tích lợi hại về các khoản trong hợp đồng để Triều đình lựa chọn.
(1) Mỗi kỳ 12 năm.
(2) Tức là hội rằm tháng bảy, cũng gọi là Tết Trung Nguyên.
(3) Do tích đời xưa ở Trung Quốc có một ông vua thích nghe thổi sáo thuê 300 người thổi sáo cùng một lúc. Do đó khi thổi có nhiều người thổi hay nhưng cũng có một số người thổi dở thậm chí có người không biết thổi cũng trà trộn vào kiếm ăn, không thể phân biệt được.
Nguồn: www.dunglac.net