DI THẢO SỐ 30: MỤC ĐÍCH CỦA SỨ BỘ ĐI PHÁP (*)

(Ngày 16 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức ngày 9 tháng 3 năm 1868)

Tôi Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Trong các tờ bẩm các năm trước cũng có phân nửa nói đến kế bủa lưới bốn mặt. Một là duy trì ba tỉnh trong; một là khiến họ không dám dòm ngó Bắc kỳ. Nhưng mà sự thế ngày càng sa đà, để đến ba tỉnh trong cũng bị họ bức lấy. Tâm sự trước đây của tôi, đối với cục diện, đã trôi theo thời gian, còn nói lại làm gì? Nay chỉ theo sau sự đã rồi mà gắng gỏi tìm cầu, thật cũng khó vậy!

Mấy chục năm nay, tôi bôn tẩu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến thiên xưa nay đem những điều đã đọc trong sách nghiệm ra việc đời. Dù trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện, thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình, cho nên không kể làphải uốn nắn để cầu học hỏi, cũng rất khổ tâm lắm (1). Ôi lòng dạ mưu mô của họ, chưa tóm thâu hết được thiên hạ là chưa thôi huống chi đối với nước ta. Nhưng cái kế họ đem ra thi hành, có khi hoãn khi gấp, không giống nhau đó thôi. gấp như người Pháp lấy A Nhĩ Cập, hoãn như người Anh lấy Ấn Độ. Nhưng theo tâm lý của họ thì hoãn là thượng sách mà gấp là hạ sách. Vì lấy gấp sẽ tốn nhiều tâm lực mà hoàn toàn thất nhân tâm, hoãn thì rỗi rãi như tằm ăn dâu, mà đắc nhân tâm một phần. Cho nên bốn trăm năm trở lại đây, họ đến nước nào, cũng thăm dò kỹ lưỡng tình hình nước đó trước để ứng dụng kế hoãn hay gấp.

Đem cái thế mạnh và binh lực nước họ mà đối với ta thì không phải họ không lấy gấp được, nhưng vì họ đã biết rõ tình thế nước ta. Lâu nay những cái thuật ta dùng để chống lại họ, họ đã tính toán cả rồi (Xin xem lại năm kế độc mà tôi đã bẩm trước). Họ tạm theo tình thế, khéo lợi dụng sức của ta mà thi thố từ từ cũng đủ rồi cần gì phải gấp? Phàm những quân cướp, có khi nhờ vào sự quy thuận của người ta, mà cũng có khi nhờ vào sự chống lại của người ta. Thuận hoặc chống thế nào họ cũng lợi dụng được một phía.

Năm Tự Đức thứ 15, thứ 16 trước đây (2), sở dĩ họ vội vã phát thuyền lên Kinh cầu hòa, vì họ đã biết rõ cuộc hòa của ta chưa ổn, cho nên muốn đem cuộc này câu ta, để lấy ba tỉnh trong ngày nay vậy.

Chính ta, ta cho là giữ bền hòa ước, mà chính họ, họ cho là ta âm thầm phá hòa ước. Họ có “thế” mà ta không, thì lời nói của người có “thế” bao giờ cũng đúng, còn kẻ không có “thế” thì không làm sao biện minh được. Nay họ đã lấy xong sáu tỉnh, rồi lại đến nói chuyện hòa với ta, là đã xem thấy sau lưng ta rồi vậy (Sự lý đoạn này rất dài, nếu nói ra có nhiều điều trở ngại). Không thế thì xưa nay làm gì có chuyện nước mạnh đi đến nói hòa với nước yếu? Ý họ là chỉ sợ ta hòa thật, chứ không sợ ta hòa giả. Họ muốn mượn sự hòa giả của ta, để làm bước đường tiến ra Bắc kỳ. Nếu ta hòa thật mà lại khéo xử sự với họ hợp tình thế làm cho họ không có cách nào để thắng ta nữa thì họ được có sáu tỉnh mà thôi, còn trông mong gì hơn?

Nếu sức ta đủ để chống lại họ, thì không cần hòa. Nay đã không thể chống được mà còn xin trả đất lại. Thử hỏi họ đưa nhân dân vượt trùng dương đến đây, ý họ muốn làm gì? Vì thế mà tôi bảo việc ấy là khó. Thế nhưng tình đời gặp bất bình thì kêu, mà kêu cũng phải dùng lời lẽ khéo léo mới khỏi nhục quốc thể.

Nay ta đến giảng thuyết với nguyên soái của họ thì sự việc còn nhỏ, chứ qua giảng thuyết với Triều đình nước Tây, thì sự việc sẽ lan khắp phương Tây. Nếu không thành, thì sự nhục quốc thể lại càng nặng, mà lại thêm bay tiếng không hiểu thời thế ra khắp thiên hạ. Sau ta dù có muốn giao thông với các nước khác, để đợi thời thế (Châu phê: Như thế thì rất khó) thì người ta cũng khinh mình cho là khó cộng sự mà không chịu thâm giao với mình (Điều này tuy nay chưa làm kịp nhưng không thể không làm). Như thế chẳng hóa ra ta bị cô lập ư? Đã cô lập rồi, thì sau này thời thế đổi thay dù có đuổi được một Tần này lại sinh ra một Tần khác, như năm trước trong bài Lục lợi từ, tôi đã bẩm ở điều thứ năm.

Nay xin: (Châu phê: Từ đây trở xuống mới là thật) khi đến Gia Định, nên nói rõ trước với nguyên soái rằng: Sứ bộ ta đi lần này, không phải chỉ vì xin trả lại ba tỉnh, mà còn muốn mời người khai hoang (Có cả hai khoản như vậy mới không nhục quốc thể) và mua sắm máy móc, để tỏ ý làm cho hai nước cùng chung thịnh lợi. Chỉ vì dân chúng Bắc kỳ xôn xao bất bình, nên Triều đình bất đắc dĩ mới đem nguyện vọng của họ đề bạt lên Tây triều. Nếu có thể thương thuyết để hai nước tốt với nhau thì quý hóa; còn nếu có chỗ quan ngại, cũng xin nguyên soái giúp đỡ cho một phen, châm chước cho nhiều khoản khác, để bản triều được tránh trách nhiệm với quốc dân. Nguyên soái thấy ta không có bụng cưỡng trách sinh sự, mà có ý phó thác chắc chắn, thì y sẽ yên tâm mà không tìm cách để ngăn trở ta. Đợi khi sứ bộ ta đến Tây triều rồi, ngầm tìm đường lối, xem chừng có thể xen vào được (Việc ngầm tìm này thì lấy hai khoản mượn người và mua máy móc mà che đậy để qua lại tránh tiếng tăm) thì cương quyết xin. Còn thế không thể được thì làm thinh. (Châu phê: Đoạn này chưa đúng), nhưng vẫn dựa vào nguyên soái. Y thấy ta không có tình tiết gì khác, thì cũng hồi tâm phần nào, và đề bạt lên Triều đình cho ta, ắt sẽ được việc ít nhiều.

Một mặt, sau khi nguyên soái đã về Tây, mà ta còn đợi ngày đi, thì nên đến nguyên soái mới, dò tình ý xem thế nào. Nếu ý có hơi lộ ra là nguyên soái trước sai, thì ta lại giao kết thân mật với y, mà xin kế hoạch của y (Châu phê: Có ý).

Một mặt, không nên nói lại với y về khoản Lăng Xu Bi trước đây (Châu phê: Phải), cũng không nên nhờ nó viết thư sợ lộ manh mối. Đợi khi đến Tây triều, sẽ ngầm tìm chú nó, cũng chưa muộn gì.

Một mặt, khi đến Tây triều rồi thì nên ngấm ngầm tìm các tay có thế lực trong viện Thứ dân, để thi hành kế hoạch.

Một mặt, nếu muốn dùng thuật tung hoành thì khi đến Tây triều, sau khi bày tỏ qua loa sự tình rồi, thì liền xin với quan Tây rằng: “Có một hai người trong sứ bộ muốn đi hết các nước, để rộng đường nghe thấy, không biết nên đi nước nào trước”, xem họ đối đáp như thế nào rồi sau sẽ đi.

Trong tờ bẩm năm trước, tôi có nói nên dùng chước tung hoành, là muốn thi hành trong tình thế thơi thả, chớ không thể tung ra thi hành trong lúc cấp bách. Nhưng khi đã đến nước họ rồi, thì hãy xem cơ hội có thể làm được thì làm, không thì thôi. Khoản này rất khó, tất phải có người kín đáo khéo nói, thuộc hết sự thế thiên hạ, mới nhân điều họ nói ra, mà biết những điều họ chưa nói. Hoặc là đề khởi những việc họ đã làm mà thăm dò ý hướng họ. Nếu cứ thật thà ngay thẳng mà nói ra, thì lại gây thêm chuyện.

Kế này phải thi hành thong thả mới được, chớ không thể một lúc một lần thành công ngay. Xin hợp hết tình hình ngoại giao trên thế giới trong 500 năm lại đây mà xem, thì mới rõ mối manh, chớ không phải một tờ một trang có thể nói hết được.

Các khoản trên này trừ khoản tung hoành ra còn tất cả đều là muốn cứu vãn sự cơ hiện nay trong muôn một. Nếu không khéo xử thì chẳng những không cứu vãn được, mà còn sinh ra nhiều việc nữa.

Các sự lý nói rõ ở đoạn trên, thật là nghìn khó muôn khó. Khi sang đến nước họ, mới biết sự thật. Ai cho là dễ thì thật không biết họ vậy. Thế nhưng, nếu trời có ý thầm giúp ta, mà xui ta đến vào lúc nước họ xảy ra biến cố (Châu phê: Ắt là có biến cố) thì phái bộ hãy nên ở lâu bên đó, gắng tìm đường lối (Châu phê: Đường lối nào) chắc sẽ được việc. Như vậy những điều tôi bảo là khó đó là bàn về tình thế bình thường bên ấy mà nói. Nếu gặp tình thế có biến cố xảy ra thì điều tôi bảo là khó ấy lại trở thành dễ. Đó là điều mà trong lòng tôi hết sức mong mỏi như vậy chứ không phải tôi nói vu vơ.

Các khoản nên làm kể trên tôi mới chỉ nói tiết mục đại khái mà thôi. Còn đến lúc ra làm phải tuỳ cơ ứng biến. Điều này đòi hỏi phải biết rõ lý thế bên ta bên họ (Châu phê: Hỏi y-tức Nguyễn Trường Tộ – có muốn đi theo mà giúp để thực hiện lời nói của mình không?) mà tuỳ theo đó ứng dụng đường lối cứng rắn hay mềm dẻo, bút mực không thể nói hết được.

Đấy là những mưu kế lặt vặt, tạm dùng trong lúc cấp bách mà thôi. Nếu muốn có kế sách lớn, thì phải đem cái tình hình của toàn thể nước ta ra mà kêu gọi tính tình nước nào đã chống chế được họ, thì mới có thể nói đến đâu làm đến đó được (Châu phê: Như thế thì thông với nước Anh? Hay là tính tình nước Anh chưa chắc). Nếu không thế, biết mà ngờ vực chển mảng không làm, sau hối hận càng thêm nặng, chẳng thà không biết còn hơn.

Nay kính bẩm lên đại thần sáu Bộ soi xét.

Nguyễn Trường Tộ ký.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/3 tờ 22-27; Hv 634/1 tờ 163-171; VHv 170 tờ 47b-50b.

(1) Ý nói đi theo các thừa sai nước ngoài, đi ra nước ngoài để học hỏi, là cần thiết, nhưng đã làm cho Triều đình dị nghị, nghi ngờ.

(2) Tháng 3-1862 (Tự Đức 15) tàu Pháp Fabin đến Cửa Thuận yêu cầu Triều đình Huế cử người vào Sài Gòn thương thuyết và ký Hòa ước 5-6-1862.

Tháng 4-1863 (Tự Đức 16) phái bộ Pháp và Tây Ban Nha đến Huế để làm lễ trao đổi các văn kiện phê chuẩn Hòa ước 5-6-1862.

(3) Hà Ba Lý: Aubaret.

(4) Langxubi?