DI THẢO SỐ 32: VỀ VIỆC TỔ CHỨC CHO SỨ BỘ ĐI PHÁP (*)
(Ngày 19 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 12 tháng 3 năm 1868)
Tôi Nguyễn Trường Tộ xin đem những việc phải chuẩn bị để phái bộ đi Tây bẩm rõ như sau:
Tôi trộm nghĩ: Xưa nay bất luận nước nào, hễ có sứ bộ đi ra nước ngoài, điều quan trọng là làm sao biểu dương uy thế, bảo toàn thể diện cho nước mình và không nhục mệnh vua. Vì sứ thần thay mặt cho nước, một người tức là một nước vậy. Nếu có việc gì không hợp thể thống, sẽ khiến người ngoài để tâm dòm ngó khinh nhờn. Huống chi hiện nay các nước trên thế giới đều giao thông liên lạc với nhau, nước nào cũng đem tài sức quyền thế tranh hơn với nước khác. Nếu có việc làm gì không cẩn thận thì báo chí sẽ loan tin khắp thế giới, mọi người đều nghe thấy, quan hệ không phải là nhỏ. Vả lại thói đời giống với mình thì vui mừng, khác với mình thì chế giễu. Cho nên vua Hạ Vũ ngày xưa, vào trong nước của những người trần truồng, thì cởi áo mà đi. Sở dĩ bỏ tập quán cũ của mình là muốn thuận tình người khác, để mong cho được việc. Năm trước người Xiêm La đi sứ sang Pháp, lúc đến đất Pháp, thấy nước họ rất mực phồn hoa, bèn đem hết đồ triều phục mặc vào mà đi. Khi vào sứ quán rồi, trước này yết kiến vua Pháp, họ giả bộ trong phòng hỏa hoạn rồi kêu rằng đồ triều phục bị cháy hết. Người Tây phải sắm lại triều phục cho họ. Khi họ về nước rồi, người Pháp biết là giả dối, nhưng chả làm gì được. Trí lự của người Xiêm là như vậy.
Sứ bộ ta đi Tây lần này, cách ăn ở, hễ đến đâu, phải làm như thế nào, tôi sẽ nói trước với quan chính sứ, bàn bạc phải chăng, tạm theo tục họ, để tránh sự chê cười. Còn như áo quần, đồ dùng, cần phải tề chỉnh sạch sẽ. Vì người Tây ghét nhất là ăn mặc bẩn thỉu. Trừ lễ phục ra, áo lót mình mỗi người ít nhất cũng phải 40 bộ, mỗi ngày mỗi thay đổi. Khăn mặt phải dùng vải Tây trắng, ít nhất mỗi người cũng phải có 30 chiếc. Những hòm rương mang theo cũng phải bóng nhoáng. Nếu chưa có thứ tốt thì khi đến Gia Định mua cũng được. Nếu dùng những thứ ta thường dùng như tráp đựng trầu chẳng hạn, thì thật trông không được mắt tý nào.
Còn những đồ tặng vật kỷ niệm, xin chớ đem nhiều đồ sành sứ. Vì những thứ ấy của nước ta rất thô sơ. Nên mua nhiều trà ngon và các thứ hàng Tàu, chuyên chở đã dễ, lại cũng dễ giả. Còn một vài đồ sành sứ, xin mua thứ rất tốt, không nên đem những thứ thô kệch như lần trước, đã lòi sự vụng về, lại tốn tiền chở. Và các loại vật dụng của công, nên chọn những loại rất nhẹ mới tốt. Vì không kể đi tàu thuỷ hay hỏa xa, mỗi người cũng chỉ được mang theo 60 cân mà thôi, còn ngoài ra đều phải trả tiền cước. Nếu chở nhiều đồ nặng thì phí tổn rất nhiều, mà cũng không ích gì.
Về những người hầu hạ cũng không nên đem theo nhiều. Vì từ Gia Định trở đi, không kể ở nhà trọ hay ở thuyền, đều có người Tây phục dịch. Ta chỉ cần một số rất ít để sai bảo mà thôi. Nếu một thuộc viên lại có một người hầu riêng, thì ở xe, ở thuyền, hay ở nhà trọ, người ấy cũng phải trả tiền như thuộc viên. Tiền phí tổn đi về của một người ít nhất cũng phải một vạn quan. Nhưng nếu người đi theo hầu hạ quá ít, mà bị họ chê cười, mất thể diện, không đi không được, thì dù tốn bao nhiêu cũng không nên tiếc, để giữ thể diện. Nay trái lại nếu đem nhiều người, thì lại mất thể diện, và bị họ chê cười, vì phương Tây không có tục ấy. Cho nên cần phải giảm bớt.
Lại nữa, các người trong sứ bộ phải xét chọn người nào thật cần phải đi, mới phái đi. Nếu không cần lắm, hoặc giảm đi cũng không trở ngại gì thì nên giảm. Năm trước sứ bộ ta đi Tây, trừ tiền mình phải chịu, còn ra quan Tây khoản đãi sứ bộ tốn hết gần 45.000 đồng. Nay đi lần này, đều do mình tự liệu lấy cả, trừ khi đến nước Tây hoặc được khoản đãi ra, còn dọc đường ta đều phải chịu hết. Vì thế nên ít người là tốt, càng ít càng tốt. Vả lại sứ bộ chỉ dùng để đối đáp, chớ không phải để đánh chác gì. Lần trước các nước nghe sứ bộ ta đi đến hơn 60 người, đều lấy làm quái lạ, không thể hiểu nổi. Lần này định đi bao nhiêu người, những người nào nên kể rõ họ tên chức phẩm, viết thư vào Gia Định đệ trước qua Tây, để cho họ biết trước mới được.
Lại còn tục đi chân đất, người Tây cũng cho là rất xấu. Xin đều phải đi giày, giày Tàu, giày Tây, thứ gì cũng được, miễn đừng để chân không là tốt. Ngoài ra còn phải dùng bít tất trắng để bao chân. Mỗi người ít nhất phải có 4, 5 đôi giày, còn bít tất phải hai, ba mươi đôi để thay đổi luôn mới được.
Lại như lần này khứ hồi phàm những chỗ trên đường đi qua như thuộc địa nước Anh, đã qua thăm lãnh sự Pháp, thì cũng phải qua thăm các quan sở tại người Anh. Đấy là lý phải như thế.
Lại như năm trước sứ bộ ta đi Tây, đã được vua nước Ai Cập qua khoản đãi 4, 5 ngày. Vua Ai Cập với ta xưa nay vốn không quen biết, sở dĩ làm thế là muốn vui lòng vua Pháp mà thôi. Nay nếu sứ bộ ta có đi ngang qua đó, cũng nên có phẩm vật gì biếu tặng mới hợp lẽ. Còn như việc ăn ở đi lại, tất cả tập quán các nước như thế nào, tôi cũng đã bẩm rõ và xin nén lòng chịu khó tạm theo tục lệ người ta, mới khỏi chướng tai chướng mắt người, như thế mới bảo trọng được thể diện nước mình. Còn sự thành công là ở trời. Tuy nhiên bảo toàn thể diện khéo được lòng người, thì cũng là một cách để thành công.
Khoản này hoàn toàn do ở mình, chớ không thể đổ lỗi cho người khác. Vì thế nên tôi chẳng trốn tránh mà nói ra, nghe ra như có phần vị kỷ nhưng chính là sự thế phải như vậy. Nếu người ta chê cười một người, cũng như chê cười một bộ phận của cả nước, huống hồ chê cười sứ bộ thì sự nhục quốc thể lại chẳng lớn hơn sao?
Vì thế tôi kính bẩm lên quan bộ Lễ soi xét.
Nguyễn Trường Tộ ký
Chú thích
(*) Bản văn chữ Hán: Hv 189/3 trang 32-36; Hv 634/1 trang 148-155; Hv 135 trang 123-129. NAM PHONG 120 trang 17-18.
(Ngày 19 tháng 2 năm Tự Đức 21, tức 12 tháng 3 năm 1868)
Tôi Nguyễn Trường Tộ xin đem những việc phải chuẩn bị để phái bộ đi Tây bẩm rõ như sau:
Tôi trộm nghĩ: Xưa nay bất luận nước nào, hễ có sứ bộ đi ra nước ngoài, điều quan trọng là làm sao biểu dương uy thế, bảo toàn thể diện cho nước mình và không nhục mệnh vua. Vì sứ thần thay mặt cho nước, một người tức là một nước vậy. Nếu có việc gì không hợp thể thống, sẽ khiến người ngoài để tâm dòm ngó khinh nhờn. Huống chi hiện nay các nước trên thế giới đều giao thông liên lạc với nhau, nước nào cũng đem tài sức quyền thế tranh hơn với nước khác. Nếu có việc làm gì không cẩn thận thì báo chí sẽ loan tin khắp thế giới, mọi người đều nghe thấy, quan hệ không phải là nhỏ. Vả lại thói đời giống với mình thì vui mừng, khác với mình thì chế giễu. Cho nên vua Hạ Vũ ngày xưa, vào trong nước của những người trần truồng, thì cởi áo mà đi. Sở dĩ bỏ tập quán cũ của mình là muốn thuận tình người khác, để mong cho được việc. Năm trước người Xiêm La đi sứ sang Pháp, lúc đến đất Pháp, thấy nước họ rất mực phồn hoa, bèn đem hết đồ triều phục mặc vào mà đi. Khi vào sứ quán rồi, trước này yết kiến vua Pháp, họ giả bộ trong phòng hỏa hoạn rồi kêu rằng đồ triều phục bị cháy hết. Người Tây phải sắm lại triều phục cho họ. Khi họ về nước rồi, người Pháp biết là giả dối, nhưng chả làm gì được. Trí lự của người Xiêm là như vậy.
Sứ bộ ta đi Tây lần này, cách ăn ở, hễ đến đâu, phải làm như thế nào, tôi sẽ nói trước với quan chính sứ, bàn bạc phải chăng, tạm theo tục họ, để tránh sự chê cười. Còn như áo quần, đồ dùng, cần phải tề chỉnh sạch sẽ. Vì người Tây ghét nhất là ăn mặc bẩn thỉu. Trừ lễ phục ra, áo lót mình mỗi người ít nhất cũng phải 40 bộ, mỗi ngày mỗi thay đổi. Khăn mặt phải dùng vải Tây trắng, ít nhất mỗi người cũng phải có 30 chiếc. Những hòm rương mang theo cũng phải bóng nhoáng. Nếu chưa có thứ tốt thì khi đến Gia Định mua cũng được. Nếu dùng những thứ ta thường dùng như tráp đựng trầu chẳng hạn, thì thật trông không được mắt tý nào.
Còn những đồ tặng vật kỷ niệm, xin chớ đem nhiều đồ sành sứ. Vì những thứ ấy của nước ta rất thô sơ. Nên mua nhiều trà ngon và các thứ hàng Tàu, chuyên chở đã dễ, lại cũng dễ giả. Còn một vài đồ sành sứ, xin mua thứ rất tốt, không nên đem những thứ thô kệch như lần trước, đã lòi sự vụng về, lại tốn tiền chở. Và các loại vật dụng của công, nên chọn những loại rất nhẹ mới tốt. Vì không kể đi tàu thuỷ hay hỏa xa, mỗi người cũng chỉ được mang theo 60 cân mà thôi, còn ngoài ra đều phải trả tiền cước. Nếu chở nhiều đồ nặng thì phí tổn rất nhiều, mà cũng không ích gì.
Về những người hầu hạ cũng không nên đem theo nhiều. Vì từ Gia Định trở đi, không kể ở nhà trọ hay ở thuyền, đều có người Tây phục dịch. Ta chỉ cần một số rất ít để sai bảo mà thôi. Nếu một thuộc viên lại có một người hầu riêng, thì ở xe, ở thuyền, hay ở nhà trọ, người ấy cũng phải trả tiền như thuộc viên. Tiền phí tổn đi về của một người ít nhất cũng phải một vạn quan. Nhưng nếu người đi theo hầu hạ quá ít, mà bị họ chê cười, mất thể diện, không đi không được, thì dù tốn bao nhiêu cũng không nên tiếc, để giữ thể diện. Nay trái lại nếu đem nhiều người, thì lại mất thể diện, và bị họ chê cười, vì phương Tây không có tục ấy. Cho nên cần phải giảm bớt.
Lại nữa, các người trong sứ bộ phải xét chọn người nào thật cần phải đi, mới phái đi. Nếu không cần lắm, hoặc giảm đi cũng không trở ngại gì thì nên giảm. Năm trước sứ bộ ta đi Tây, trừ tiền mình phải chịu, còn ra quan Tây khoản đãi sứ bộ tốn hết gần 45.000 đồng. Nay đi lần này, đều do mình tự liệu lấy cả, trừ khi đến nước Tây hoặc được khoản đãi ra, còn dọc đường ta đều phải chịu hết. Vì thế nên ít người là tốt, càng ít càng tốt. Vả lại sứ bộ chỉ dùng để đối đáp, chớ không phải để đánh chác gì. Lần trước các nước nghe sứ bộ ta đi đến hơn 60 người, đều lấy làm quái lạ, không thể hiểu nổi. Lần này định đi bao nhiêu người, những người nào nên kể rõ họ tên chức phẩm, viết thư vào Gia Định đệ trước qua Tây, để cho họ biết trước mới được.
Lại còn tục đi chân đất, người Tây cũng cho là rất xấu. Xin đều phải đi giày, giày Tàu, giày Tây, thứ gì cũng được, miễn đừng để chân không là tốt. Ngoài ra còn phải dùng bít tất trắng để bao chân. Mỗi người ít nhất phải có 4, 5 đôi giày, còn bít tất phải hai, ba mươi đôi để thay đổi luôn mới được.
Lại như lần này khứ hồi phàm những chỗ trên đường đi qua như thuộc địa nước Anh, đã qua thăm lãnh sự Pháp, thì cũng phải qua thăm các quan sở tại người Anh. Đấy là lý phải như thế.
Lại như năm trước sứ bộ ta đi Tây, đã được vua nước Ai Cập qua khoản đãi 4, 5 ngày. Vua Ai Cập với ta xưa nay vốn không quen biết, sở dĩ làm thế là muốn vui lòng vua Pháp mà thôi. Nay nếu sứ bộ ta có đi ngang qua đó, cũng nên có phẩm vật gì biếu tặng mới hợp lẽ. Còn như việc ăn ở đi lại, tất cả tập quán các nước như thế nào, tôi cũng đã bẩm rõ và xin nén lòng chịu khó tạm theo tục lệ người ta, mới khỏi chướng tai chướng mắt người, như thế mới bảo trọng được thể diện nước mình. Còn sự thành công là ở trời. Tuy nhiên bảo toàn thể diện khéo được lòng người, thì cũng là một cách để thành công.
Khoản này hoàn toàn do ở mình, chớ không thể đổ lỗi cho người khác. Vì thế nên tôi chẳng trốn tránh mà nói ra, nghe ra như có phần vị kỷ nhưng chính là sự thế phải như vậy. Nếu người ta chê cười một người, cũng như chê cười một bộ phận của cả nước, huống hồ chê cười sứ bộ thì sự nhục quốc thể lại chẳng lớn hơn sao?
Vì thế tôi kính bẩm lên quan bộ Lễ soi xét.
Nguyễn Trường Tộ ký
Chú thích
(*) Bản văn chữ Hán: Hv 189/3 trang 32-36; Hv 634/1 trang 148-155; Hv 135 trang 123-129. NAM PHONG 120 trang 17-18.