Giao thừa Tết Ðinh Hợi 2007 tại Giáo Xứ Việt Nam Paris

Thánh lễ Giao Thừa đón xuân Đinh Hợi
Cũng như bất cứ người Việt Nam nào khác, người Việt Nam công giáo Paris, hàng năm hội họp lại để mừng tết nguyên đán. Tất cả các tục lệ Việt Nam đều được cử hành một cách nghiêm trang, đặc biệt là thánh lễ giao thừa.

20 giờ, tối thứ bảy 17.02.2007, tất cả các giáo hữu tụ họp tại giáo xứ, khởi đầu bằng phần canh thức. Chữ canh thức được diễn tả rất đầy đủ, bởi vì mọi người đều thức để mà đợi, đợi trong sự ôn lại tục lệ ngày tết, nhớ lại ông bà, đọc lại một vài trong sử quốc gia, trao đổi một số ý kiến dân tộc... có lẽ ít có đơn vị xã hội nào cử hành canh thức giao thừa một cách ‘văn vẻ như giáo xứ Balê’.

Sau phần canh thức là phần thánh lễ giao thừa. Nói là giao thừa, chứ thực ra không đúng là giao thừa, vì bắt đầu khoảng 20 giờ 30. Không kể những phần nghi lễ hoàn toàn công giáo, hai điểm rất độc đáo văn hóa Việt Nam. Đó là phần lời nguyện. Tất cả những lời nguyện đều hướng về tổ quốc, đều đượm tình dân tộc, như cầu cho quốc gia được bình an, cầu cho các nhà lãnh đạo biết lấy công ích quốc gia làm chuẩn đích thay vì tư lợi, cầu cho dân tộc được đoàn kết, thương yêu nhau... Rồi qua bài giảng, như là gia trưởng trong đại gia đình giáo xứ, Ðức Ông Giám Ðốc, vì thường là Ðức Ông Giám Ðốc chủ tế lễ này, nhắn nhủ cộng đoàn giáo xứ một cách rất khiêm tốn, nhưng không thiếu phần uy quyền về ngững vấn đề cộng đoàn, dân tộc.



Luật Sư Lê Đình Thông, Chủ Tịch HĐMV chúc tết
Kết lễ thường thường có hai phần rất ư là tết. Đại diện giáo dân, ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ chúc tuổi các cha, các tu sĩ, các bô lão quan viên và toàn thể cộng đoàn. Rồi lời đáp từ của một linh mục cao niên nhất. Rõ rệt là chữ thọ được coi trọng trong ngày tết. Tiếp theo là phần lì xì trong một bao giấy đỏ, một món tiền nho nhỏ được trao cho các hội đoàn thanh thiếu niên. Gọi là nhỏ, chứ thực ra tò mò, tôi hỏi mấy em thiếu nhi, mấy em bật mí rằng khoảng trên dưới trung bình 1.000 euros. Và để kết thúc thánh lễ, tôi để ý từ mấy năm nay, luôn luôn thấy hát bài cầu cho gia đình.

Lời chúc tết của ông chủ tịch thường vắn gọn, nhưng chan chứa văn hoá và văn thơ. Xin trích nguyên bản lời chúc tết của luật sư Lê Ðình Thông đọc vào giao thừa Ðinh Hợi, tối 17.02.2007 vừa qua như sau :

Kính thưa Đức Ông Giám Đốc Giáo xứ, quý Cha Tuyên Úy, quý Thầy Phó tế, quý Nữ tu, quý Ông Bà và các Bạn trẻ,

Cùng với Thánh lễ Giao Thừa, Cộng đoàn Giáo Xứ hân hoan đón nhận Hồng Ân Thiên Chúa trong năm kỷ niệm 60 thành lập, kể từ năm Đinh Hợi 1947 đến năm nay cũng là Đinh Hợi 2007. Trong vận niện lục giáp, thời điềm 60 trong lịch sử Giáo Xứ có một ý nghĩa đặc biệt : Trong ngũ hành, Đinh tượng trưng cho Hỏa là lửa thiêng : Thánh Thần Thiên Chúa ban cho cộng đoàn nhiều ơn ích thiêng liêng. Hợi tượng trưng cho sự sung túc. Trong suốt lịch sử 60 năm, Giáo Xứ đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, luôn vững vàng thẳng tiến. Đón mừng năm Hồng Ân Đinh Hơi 2007, Hội đồng Mục xin có hai câu đối :

Đinh Hợi giao hòa Hồng Ân hồn xác

Cộng đoàn hiệp nhất mở mang đạo đời

Hồng Ân năm nay còn thể hiện ý thơ của Tú Xương : Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà. Trong khói trầm hương linh thiêng của Thánh Lễ đầu năm, Hội đồng Mục vụ kính chúc Đức Ông Giám Đốc, quý Cha, quý Thầy Phó tế, quý Nữ tư được nhiều ơn lành hồn xác, quý Cụ nhiều sức khoẻ, quý Ông Bà thịnh vượng, các Bạn thanh niên thăng tiến việc làm, các cháu học hành tấn tới. Chúng tôi cũng không quên tất cả các bệnh nhân trong cộng đoàn đang trải qua những ngày khó khăn thử thách. Nguyện xin Thiên Chúa Tình yêu ban cho quý vị sớm được phục hồi sức khoẻ.

Chúng tôi xin kính chúc cộng đoàn bằng bài thơ Đường sau đây :

Đêm nay Giáo Xứ đón Hồng Ân,

Khấn nguyện ơn ban khắp Cộng đoàn :

Các cụ tăng thêm nhiều sức khoẻ,

Người đau bớt nhẹ ách cơ hàn.

Gia đình ấm cúng thêm nhiều phúc.

Tuổi trẻ chăm lo việc học hành.

Các bậc chăn chiên nhiều Thánh Đức,

Năm Đinh Hợi đến Tết Hồng Ân.

Xin cám ơn toàn thể quý vị.

Sau thánh lễ, mọi người đều được mời ra ‘ăn tết’. Trên một bàn dọn sẵn nào bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, nào kẹo mứt, nào trái cây, nào rượu nước, mọi người nâng ly uống với nhau một ly đầu xuân. Cũng lúc này, nhiều người trao cho nhau những gói quà được chuẩn bị từ trước, với lời lẽ và nghi lễ rất ư là tết ‘Xin biếu anh chị chút quà tết’ ! Bạn bè, con cháu, thân thuộc lợi dụng dịp này chúc tuổi nhau. Đôi khi cảm động đến khóc. Mấy năm nay, thường có mấy cặp đã học khóa chuẩn bị hôn nhân đến chúc tuổi tôi vào lúc này ‘chúng em xin chúc tuổi thầy cô’. Rồi một vài học trò cũ ngày xưa ở Việt Nam, trong đó thỉnh thoảng có vài linh mục cũng đến kính cẩn thưa ‘em xin chúc tuổi thầy’.

Ngày mồng một tết năm nay trùng vào chủ nhật cuối tuần, nhưng nhiều năm khác vào ngày thường trong tuần vẫn phải đi làm. Với một tinh thần ‘đáo giang tùy khúc, nhập gia tùng tục’, một ngày chủ nhật gần, trước hay sau tết, đã hoặc sẽ được chọn để ăn tết chung, qua một bữa tiệc TÂN NIÊN trọng đại và đông đủ cho toàn cộng đoàn. Bà con họ hàng nhiều khi dành chỗ đến cả năm ba bàn, để cùng gặp nhau trong ngày tết, cho con cháu ăn uống chung và nhận biết anh em !. Và trước, hoặc sau đó, các địa điểm mục vụ, các hội đoàn và đơn vị mục vụ đều lần lượt tổ chức mừng tết riêng. Thành ra ngoài tết chung của giáo xứ, còn tết của Villiers le Bel, tết của Marne la Vallée, tết của Cergy, tết của Ermont, Sarcelles..., tết của Thiếu Nhi, tết của nhóm Taxi, tết của Nhóm Trẻ, tết của các lớp Pháp văn...

Paris, mổng ba tết ÐINH HỢI

20.02.2007

Cộng đoàn mừng Xuân


Cộng đoàn mừng Xuân