ĐÓNG GÓP CHO GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM - VẤN ĐỀ NGHỊCH LÝ
Trong những năm gần đây, tín hữu Công giáo Việt nam trong nước cũng như tại hải ngoại biết được nhiều tin tức về những sinh hoạt tôn giáo, xã hội tại quê nhà cũng như quốc tế và Giáo hội hoàn vũ, phần lớn nhờ hệ thống internet. Phương tiện truyền thông mới mẻ này rất tiện lợi, vừa nhanh chóng, vừa không tốn kém chi nhiều, mà lại rất hữu hiệu. Thế nhưng, bên cạnh những ích lợi xem chừng không thể phủ nhận, internet lại gây nhiều phiền não không ít cho giới truyền thông chân chính cũng như cho những người đang mong chờ tin vì có những câu chuyện “có ít xít ra nhiều, chuyện không thành có, và nguợc lại, chuyện có thành không,” cũng như nhiều vấn đề khác do internet nảy sinh.
Trước một số biến chuyển về chính trị và tôn giáo tại Việt nam, internet đã được giới truyền thông tận dụng khai thác, và qua một số bài viết, nhiều tác giả đã nêu lên câu hỏi nhức nhối: “Các Giám mục Việt nam có hèn nhát hay thỏa hiệp?” Sự im lặng của Hội đồng Giám mục Việt nam trước các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo, tín ngưỡng làm nhiều người e ngại và đặt vấn đề với các bậc lãnh đạo tinh thần. Người ta đọc được trên internet những bài viết, thư ngỏ đặt thẳng vấn đề cụ thể với riêng một số Giám mục, thậm chí có câu hỏi nặng tính phê phán gay gắt. Xa lộ thông tin bỗng trở nên nặng nề do cách đặt vấn đề, sử dụng ngôn từ và những câu hỏi rất khó trả lời. Trước kia, những loại câu hỏi như thế không hề được công khai đặt ra cho các mục tử, là những bậc làm thầy, làm cha và giữ vai trò hướng dẫn, lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo tại Việt nam. Người bị hỏi, hoặc nghe đặt câu hỏi, nếu không giữ bình tâm có thể sẽ dễ dàng lên án, quẳng bài báo vào thùng rác, hoặc ấn nút “delete” email đó nếu đọc báo qua mạng lưới điện toán.
Tuy nhiên, những người viết thấy không thể đặt câu hỏi cách khác, vì đó chính là nội dung vần đề và câu hỏi lớn không có lời giải đáp, lên án cung cách ứng xử của Hội đồng Giám mục Việt nam (HĐGMVN) trước những biến chuyển tại quê nhà: chuyện pho tượng Đức Mẹ Sầu Bi tại Ninh Bình bị đập phá; phiên tòa bất công kết án linh mục Nguyễn Văn Lý của nhà cầm quyền Việt nam. Bên cạnh chuyện trong nước là những chuyến đi “mục vụ” và “gây quỹ” của một số Giám mục Việt nam tại Hoa Kỳ. Xin được chia sẻ phần nào những suy tư trước hai mặt “chống” và “thuận” của các vấn đề nêu trên.
Cho đến nay, phần lớn độc giả sử dụng internet đều biết chuyện cha Lý, một linh mục thuộc giáo phận Huế, đã bị chính quyền cộng sản bắt giam, đưa ra tòa xử và kết án 8 năm tù. Trước cha Lý đã có nhiều linh mục Công giáo bị đưa ra tòa, có người thậm chí đã bị xử tử hình (cha Trần Học Hiệu), một số bị giam giữ và chết trong tù (cha Vũ Đức Khâm), một linh mục về thăm Việt nam bị giết chết tại khách sạn ở Huế (Đức ông Đào Đức Điềm), một số bị quản chế (cha Chân Tín) và một số bị khống chế, bị đi tù, sau đó được thả, và đã vượt biên qua Thái Lan đầu năm 1989 (cha Nguyễn Hữu Lễ).
Điều đáng nói ở đây là khi linh mục Lý ra tòa, người ta đã chụp được bức hình cha bị một viên công an mặc thường phục bịt miệng không cho ngài phát biểu. Người xem không biết cha nói câu gì mà tên công an ‘giận quá mất khôn’ lấy tay bịt miệng cha Lý trước ống kính truyền hình cũng như các máy quay video bằng điện thoại cầm tay như thế. Bức hình này đã được ghi lại và đưa lên mạng thông tin trên toàn cầu, nơi mà tự do ngôn luận và quyền công dân được đề cao, đã gây tác động rất lớn trong giới báo chí (giống như bức hình tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn người đặc công cộng sản ngày nào). Đúng là một tấm hình bằng một ngàn chữ, đã cho thấy một chế độ vô nhân, dã man, đàn áp người dân, coi thường dư luận thế giới.
Câu chuyện tác động đến nhiều lớp người, trong và ngoài nước. Có nhiều ý kiến khác nhau trước cách hành xử của HĐGMVN.
Một nhóm người, tạm gọi là phe A thì thắc mắc: Tại sao cha Lý là linh mục Công giáo, dưới quyền giám quản của Đức cha Thể, Tổng Giám Mục Giáo phận Huế, mở rộng ra là linh mục thuộc Giáo hội Việt nam, mà sao các vị lãnh đạo trong Giáo hội, cụ thể là quý Đức cha, không ai lên tiếng bênh vực cho ngài? Đặc biệt khi nhìn tấm hình cha Lý bị bịt miệng, người ta thấy các đấng bậc cần phải lên tiếng tố giác cộng sản mạnh hơn nữa, vì dù sao đây là người con của mình, của Giáo hội Việt nam. Hơn nữa, đây không chỉ là người con bình thường, mà là một linh mục, là cánh tay nối dài của các Giám mục, do đó, cha Lý rất đáng được các Giám mục lên tiếng bênh đỡ...
Nhóm người khác, tạm gọi là phe B thì cho rằng, các Giám mục Việt nam không thể lên tiếng vì đây là một trường hợp cá biệt. Tuy cha Lý là linh mục Công giáo, và các Giám mục, đặc biệt Đức cha Thể lại “không thể” lên tiếng, vì cha Lý đấu tranh ra “ngoài quỹ đạo”của giáo phận. Khi hoạt động chính trị, và tuyên bố không thể vâng lời Đức Giám mục cai quản giáo phận, cha Lý đã tự đặt mình ra khỏi quyền tài phán xét xử của Đức cha coi sóc giáo phận. Hơn nữa, khi cộng sản bắt cha Lý, họ đâu có bắt cha vì ngài là linh mục Công giáo, họ bắt cha vì ngài đã hoạt động chống chính quyền: dám lập đảng phái, kêu gọi không tuân thủ chính sách nhà nước. Đây chỉ là lời bình của hai phe A và B. Nào ai biết các Đức cha nghĩ gì?
Tuy nhiên, bình tâm nhận xét thì phe nào cũng có lý do được coi là chính đáng để biện minh cho cách hành xử mà họ cho là đúng của mình. Đó là chưa kể còn nhiều lý do mà ta không biết đến, hay không thể kể ra vì “không thể nói,” thêm vào những toan tính do quyền lợi, danh vọng riêng tư mà cả hai bên đều có thể có để muốn các phe khác hành xử theo cung cách của mình. Nói tóm lại, nói hay không nói, nói thế nào, đó chính là vấn đề.
Chuyện kế tiếp là vấn đề ‘xin tiền, gây quỹ’ của các nhà dòng, các linh mục, các Giám mục Việt nam tại hải ngoại. Phe A cho rằng, các Giám mục Việt nam không có lý do để đi hải ngoại xin tiền con chiên Việt nam, dưới danh nghĩa là đi mục vụ. Người Việt tại hải ngoại cũng có nhiều khó khăn và căng thẳng với cuộc sống cơm áo gạo tiền nhưng nào ai biết, vì các Đức cha khi ra hải ngoại đến đâu cũng được đón rước linh đình, nhìn đâu cũng thấy vật chất đầy đủ, sang giàu; đâu ai biết họ đã phải trả giá thế nào, vất vả ra sao. Thêm vào đó, họ có nghĩa vụ phải đóng góp và xây dựng cho giáo xứ và Giáo hội địa phương nơi sinh sống. Hơn thế nữa, theo giáo luật, mỗi địa phận có chủ chăn của địa phận đó. Dù các Đức cha Việt nam đi thăm dân Chúa là cộng đồng người Việt nam đang định cư tại hải ngoại, nhưng nay họ thuộc quyền tài phán của địa phương, thì các Đức cha ở Việt nam không nên, nhất là lấy lý do làm mục vụ cho kiều bào, và không có quyền dẫm chân lên các Giám mục địa phương, nếu không thì tình hình sẽ đưa đến những căng thẳng không nên có, nếu không nói là bị nhiều tai tiếng, hoặc chia rẽ trong cộng đồng, gây hậu quả rất xấu.
Trái lại, phe B lại cho rằng, các Đức cha Việt nam, khi đi thăm người Công giáo Việt nam tại hải ngoại, đều có quyền xin đóng góp tiền bạc. Lấy ví dụ, một người cha trong gia đình, biết rằng con gái mình (tín hữu Việt nam) giờ đã lấy chồng (sống tại hải ngoại), nhưng không vì thế mà người cha (Giám mục trong nước) không thể đi thăm con cái (chu du hải ngoại) được sao? Hơn nữa, đây là vì hoàn cảnh cha mẹ cô gái gặp khó khăn, nên nếu cần đến sự giúp đỡ của con gái và con rể, nhất là khi thấy con mình nay khá giả hơn cha mẹ ở quê nhà, thì đã sao? Dù sao con gái mình cũng có nguồn gốc, bắt rễ từ quê hương Việt nam ra đi, giờ giúp cha mẹ anh chị em đang gặp khó khăn là điều rất nên làm, nếu không nói là có bổn phận, không được chối từ? Nếu không giúp cho quê hương, thì người dân nói chung và tín hữu nói riêng ở quê nhà còn khốn khó biết bao. Một lần nữa, chúng ta phải đối mặt với hai nan đề: xin tiền/gây quỹ hay không, đó là một vấn đề nữa cho các Giám mục Việt nam.
Trước hai vấn đề nêu trên, chúng ta thấy rõ hơn cái nghịch lý của Giáo hội, như trong một bài dịch được đăng gần đây trên VietCatholic bàn về Giáo hội của linh mục - hồng y Henri de Lubac: Giáo Hội - Một Nghịch Lý. "Xin cũng không ổn, mà không xin cũng không được. Nói hay không nói, chọn lựa thế nào cũng là vấn đề nan giải. Điều nghịch lý đầu tiên do chính Chúa Giêsu Kitô gây ra qua cuộc đời, sứ mệnh của Ngài. Chúa là Thiên Chúa toàn năng, tạo dựng muôn loài, mà cuối cùng hiến thân làm người rồi phải chết đau đớn nhục nhã vì loài người do chính mình tạo dựng. Nghịch lý của Giáo hội, một tổ chức vừa thánh thiêng lại vừa có cơ cấu chặt chẽ như một nhà nước quân chủ số một. Như một tổ chức bao gồm những người chân chính tốt lành, đồng thời không thiếu những kẻ tội lỗi núp bóng tôn giáo để hoạt động cho mục đích tư lợi của mình."
Nghịch lý này không phải bắt nguồn gần đây, nhưng đã bắt đầu từ ngày Đấng sáng lập, một mặt tuyên bố “Nước Thiên Chúa ở giữa anh chị em,” (Lc 17,21) nhưng lại cũng trả lời Phi-la-tô, “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18, 36a). Ngay Đấng Sáng Lập còn gây nghịch lý qua những lời của mình, thì làm sao những người xem ra “cuồng tín” khi đi theo Ngài, lại có một con đường nào khác: vừa có vẻ dửng dưng thờ ơ vừa sôi sục căm hận trước những biến cố của một chế độ vô nhân gây ra? Cũng như khi nói rằng các linh mục tu sĩ không được hoạt động đảng phái, thì người ta cũng thấy các linh mục tu sĩ ra ứng cử, đi bầu, bỏ phiếu chọn người hoạt động chính trị. Chính hành động bỏ phiếu đã là một cách bày tỏ chính kiến của mình. Lại thêm một nghịch lý trong cách ứng xử của người thời nay.
Như thế, nếu phải nhận định đánh giá một hành động nào của bất cứ ai, nhất là nhận định về cách ứng xử của các đấng bậc nhiều trách nhiệm, không phải là chuyện dễ dàng. Các vị trong nước thường cho rằng, những người ở nước ngoài được tự do, không bị kềm kẹp nên có thể phát bỉểu thoải mái, và phê bình tự do không sợ bị chụp mũ (nhẹ) hay bỏ tù (nặng), hoặc sẽ gặp nhiều khó khăn trong công ăn việc làm và những sinh hoạt. Những người tại hải ngoại khi lên tiếng phê bình không hề biết rằng (hoặc đã từng bị khốn khổ với cộng sản, nhưng nay sống ở nước ngoài lâu ngày nên quên) ngoài việc bị kềm kẹp, các vị đâu biết trong nước với những hạn chế thông tin, kỹ thuật và nhân sự thì làm sao có thể đấu tranh, lên tiếng cách “hùng hồn” và “ngon lành” như quý vị tại hải ngoại được?
Nếu lấy tiêu chuẩn ở Hoa Kỳ là một đất nước tự do và dân chủ vào bậc nhất hoàn vũ (đôi khi trở nên quá đáng) rồi phê phán các Giám mục, linh mục Việt nam thì có phần “xử ức” với người trong nước. Trường hợp này được ví von như người sống tại Mỹ, làm việc nhận lương Mỹ, nhưng ăn tiêu như đang sống tại Việt nam. Khi lấy tiêu chuẩn và đô-la Mỹ để sử dụng tiêu dùng ở Việt nam, Việt kiều (dù là giới lao động) có thể dễ dàng hào phóng và rộng rãi hơn đa số người lao động trong nước.
Sở dĩ bên ngoài dễ “ăn to nói lớn” cũng là nhờ có tự do và phần lớn vào internet. Khi việc kiểm duyệt không hề có, đăng bài vở lên các trang web cũng không phải khó khăn gì, thì phê phán ai mà chẳng được?
Trước đây, muốn viết một bài báo phê phán người này, nhân vật kia đâu phải là chuyện dễ dàng. Đăng báo thì bị duyệt xét, in ấn phải trả tiền. Mà viết cẩu thả hay chê bai không đúng đâu ai thèm đăng hay nhận in. Nói không đúng còn bị tẩy chay hay kiện tụng.
Ngày nay, trên internet ai cũng có thể post bài dễ dàng, đâu có ai kiểm duyệt? Người có thẩm quyền cho phép cũng hầu như không có. Cứ kiếm vài đồng bạn cùng ý hướng, hoặc cá nhân mình cũng có thể tạo được một trang web hay blog riêng, thế là tha hồ đăng bài, phê bình, nhận định và phóng bài mỗi ngày trên internet. Ai không đi cùng đường, không theo cách hành xử mình cho là đúng thì viết bài, đặt vấn đề… và gửi email đến tận hộp thư cho mà đọc. Cứ thế mà gửi thư, nhận định, thư ngỏ đến danh sách vài ngàn địa chỉ email cho thiên hạ đọc chơi…
Trình bày những suy tư như thế không phải để bênh vực các Đức cha Việt nam hay phê bình những người lên tiếng đúng đắn. Những người thao thức với quê hương, dân tộc và đạo lý đôi lúc phải đau lòng nói lên tiếng nói bức xúc, vì cho rằng các bậc lãnh đạo tinh thần, tôn giáo bên nhà ít nhiều đã bị “thuần hóa,” bị “mua chuộc.”
Nếu các vị lãnh đạo không dám lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội và tự do, dân chủ tôn giáo thì còn ai dám? Nếu không ai lên tiếng thì làm gì thế giới thấy được sự tàn ác vô luân và phản dân chủ của chính quyền cộng sản?
Điều đau lòng là qua những sự kiện trên, một số các trang web mang danh Công giáo bắt đầu chơi trò tố cáo, bút chiến và hạ “độc thủ” lẫn nhau. Là người Công giáo, trước những sự kiện trên, ai có thể bình tâm thờ ơ? Đâu rồi tình bác ái, đâu rồi lòng nhân ái, đâu rồi đức khiêm nhường, bài học của Thầy Chí Thánh Giêsu?
Rất cần phải lên tiếng, tuy nhiên, cách lên tiếng thế nào là điều quan trọng. Không phải cứ tố cáo, lên án và “ăn miếng trả miếng” với nhau qua những bài viết là giải quyết được mọi sự. Lấy ví dụ việc tổng thống Hoa Kỳ cho quân xâm lược I-rắc. Cho đến nay thì đa số dân chúng Mỹ thấy ông Bush đã sai lầm, và tổng thống Hoa Kỳ đã hành xử theo suy diễn rất chủ quan dựa trên thông tin tình báo sai lạc hoặc những mưu tính của giới tài phiệt.
Đặc biệt các Giám mục Hoa Kỳ, mặc dù có tiếng nói và chỗ đứng chính thức của mình (hơn tiếng nói của HĐGMVN đối với chính quyền cộng sản tại Việt nam), tuy đã nhiều lần phản đối chính sách can thiệp vào I-rắc của Mỹ, thế nhưng khi các ngài lên tiếng có mấy ai nghe hoặc được chính quyền Hoa Kỳ đón nhận? Đâu phải vì thế mà nói rằng các Giám mục Hoa Kỳ kém quá, không sử dụng đúng đắn vai trò ngôn sứ của mình?
Phải hỏi thực sự vai trò ngôn sứ ở đây đã được phát huy thế nào, tác dụng ra sao, và như thế thì có phải hoàn toàn là lỗi của các Giám mục? Hoa Kỳ hiện nay hợp pháp hóa việc phá thai, tuy Giáo hội Công giáo đã nhiều lần chống đối kịch liệt, lên tiếng bảo vệ quyền làm người, nhưng cũng phải bó tay tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ. Nghịch lý này đâu dễ giải quyết? Chẳng lẽ dân Công giáo Hoa Kỳ phải đứng lên tổ chức “thánh chiến” để đòi lại quyền “chống phá thai” mới là đúng đắn?
Trong tổ chức nhà nước hiện nay, có hai cơ chế khác biệt đồng hành song song: cơ chế dân sự và cơ chế tôn giáo. Trong mỗi cơ chế lại chia làm nhiều hình dạng biến thành muôn màu muôn vẻ của một xã hội loài người. Xã hội càng văn minh mở rộng, thì khả năng tiếp nhận những cơ chế khác biệt để sống chung hòa bình càng thể hiện rõ nét. Khi từ chối giúp đỡ cho các Giám mục, các linh mục để lo cho những người nghèo trong nước vì cho rằng đó là ta gián tiếp nuôi sống chế độ cộng sản, coi chừng chúng ta đang ngụy biện để trốn tránh nhiệm vụ và lời mời gọi của Tin Mừng.
Tuy nhiên, cũng đừng bỏ tiền phí phạm mua danh qua việc dâng cúng để những người quyên góp phá vỡ những công trình lâu đời chỉ để mang tiếng xây dựng nhà Chúa cho có nơi thờ phượng khang trang hơn, nhưng thực ra họ đang lãng phí tiền bạc để xây dựng những cơ sở từ “không thua ai” đến “không giống ai.” Cũng như không phải chỉ vì một vài đấng bậc “không ra gì” mà chúng ta tuyên bố bỏ đạo hay phủ nhận những giá trị cao vời mà biết bao đời cũng như bao nhiêu thánh nhân đã hy sinh cả xương máu để giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau. Chia rẽ hay gây mất tình đoàn kết bác ái là chúng ta đang rơi vào bẫy của cộng sản.
Không thể nín lặng và cần phải lên tiếng. Hải ngoại càng lớn tiếng tố cáo chế độ phi dân chủ với cộng đồng quốc tế, càng làm cho cộng sản phải e dè về những hành động phản dân chủ, phản dân hại nước của họ.
Riêng các đấng bậc phải đi quyên góp: họ như người cha có trách nhiệm với gia đình phải đi làm kiếm tiền nuôi nấng con cái, các người cha - Giám mục – sự cẩn trọng, thiển nghĩ, cũng cần thiết hơn so với những người cha đời trong cung cách ứng xử và thái độ chọn lựa của mình. Công minh mà nhận xét, khi phải đi hải ngoại chìa tay xin tiền, các Giám mục Việt nam cũng nhục nhằn lắm. Giống như một người cha trong gia đình đôi khi phải bỏ ý riêng, làm những điều trái ý hay những công việc không hề muốn để có điều kiện chăm sóc, nuôi nấng con cái, các Giám mục Việt nam cũng phải đau lòng hy sinh trước những chọn lựa của mình. Tuy vậy, xin các đấng bậc cũng thận trọng đừng để đánh mất dũng khí của con cháu các Thánh Tử Đạo, cũng như đừng “đơn sơ,” “vô ý” hoặc coi thường dư luận vì đã quen với vai trò làm “cha” của mình, rất không phù hợp với cách ứng xử ở một xã hội đề cao dân chủ, tôn trọng tự do cá nhân nhưng tuân thủ ý kiến của đa số.
Hành xử không khéo, vô tình các đấng bậc có thể đánh mất vai trò người cha, người lãnh đạo tinh thần trước một thế giới ngày càng tục hóa. Cha mẹ nào cũng cần ý thức rằng mình cũng là con người, cũng có những thiếu sót và nhiều lúc cần nghe những đóng góp của các con đã trưởng thành.
Mỗi thời mỗi khác, các Giám mục không chỉ trả lời trước cộng đoàn dân Chúa, nhưng phải đối đầu một thế lực trần thế ngày càng xa cách Tin Mừng, sự khôn ngoan cần thiết trước những người không chỉ phản Tin Mừng trong lý thuyết, nhưng họ còn căn cứ trên “hiến pháp” phi Kitô giáo, coi đó là luật lệ cao nhất của quốc gia mà họ thuộc về, cũng là điều phải lưu ý. Hơn nữa, các Đức cha còn phải trả lời trước lương tâm, trước Thiên Chúa là Đấng đã giao phó trách nhiệm bổn phận chăm sóc mục vụ thiêng liêng cho dân của Ngài.
Đàng khác, nếu muốn chê bai hoặc phê phán các Giám mục Việt nam là hèn nhát: xin nhẫn nại, và cảm thông với “Cái Vốn” của mình (theo chia sẻ của một người anh em) HĐGMVN và Giáo hội quê nhà chính là “Căn Nhà và là Cái Vốn Quý của mình” và hơn nữa… hãy nhìn lại mình!
Tại sao phải chờ đợi hàng giáo phẩm lên tiếng? Có phải do chúng ta mang một não trạng “giáo hội theo cơ cấu hình tháp” và vẫn bị nó trấn áp trong tư duy của mình?
Nếu ta thấy chính quyền cộng sản đàn áp đồng bào anh em ta, thì trong khả năng và hoàn cảnh có thể với những diễn đàn, tiếng nói nhân danh dân chủ, xin cứ việc lên tiếng, tranh đấu cho họ. Tại sao lại đặt vấn đề và đòi hỏi những người chưa hẳn có đồng quan điểm và cung cách đấu tranh với mình? Mà có thể họ cùng quan điểm, nhưng cách hành xử của họ có chiều kích và cách thể hiện khác, vì hoàn cảnh và những giới hạn nhất định của họ, không vì thế mà ta chụp mũ cho họ là hèn nhát, toa rập, hoặc thỏa hiệp với chính quyền vì quyền lợi riêng tư.
Những kết án này có quá nặng và sự thực được bao nhiêu? (Tiêu cực có thể có đối với một số phần tử, nhưng không phải vì một vài con người, đấng bậc mà chúng ta lên án tất cả những người đang khổ đau, vất vả chèo chống vì hoàn cảnh trong nước, nơi giáo phận, tại quê hương). Có thể và luôn luôn chúng ta cần nhớ lại để trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, “Ai thấy mình không có tội thì ném hòn đá trước đi.” (Ga 8, 7) trong câu chuyện của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Mà có thể biết đâu đấy, với những bài vở, tổ chức đòi hỏi dân chủ tự do cho quê huơng dân tộc, có chút nào “cái tôi” của mình, của phe/nhóm mình được thổi phồng, đánh bóng đang thấp thoáng hoặc chìm ẩn đàng sau?
Cần phải dũng cảm, không được phép thỏa hiệp với cái ác, cái xấu, nhưng không nhất thiết phải đi chung một con thuyền, cầm chung một sách lược mới là đấu tranh với sự ác.
Chúng ta cũng cần lưu ý khi phổ biến những bài viết có lời lẽ nặng nề, lên lớp của ta, cũng như những phản hồi vừa mang tính hăm dọa, vừa khinh mạn. Khi trình bày chính kiến của mình về điều mình bức xúc, thường dễ đưa đến ngộ nhận khi đánh giá lẫn nhau. Cuộc chiến không cần thiết này đã làm chia rẽ cộng đồng dân Chúa và làm suy yếu sức mạnh ngôi nhà Giáo hội mà chính chúng ta đang muốn xây dựng.
Có người con nào thấy cha mẹ mình (nếu thật sự có khiếm khuyết hoặc chưa hoàn hảo theo ý của mình!!!) lại công khai gửi Thư Ngỏ và Nhận Định cho bàn dân thiên hạ cùng đọc? Đó có phải là cung cách của người con thật sự quan tâm và yêu thương gia đình, dân tộc, đồng bào mình? Hạ thấp vai trò của cá nhân một vài Giám mục, hay cả một tập thể Hội đồng Giám mục Việt nam có phải là sự khôn ngoan?
Gia tài của chúng ta không có là bao, đại diện của chúng ta chẳng nhiều sức mạnh, mà chúng ta lại sẵn sàng đốn chân ghế mà chúng ta đang ngồi, phá ngôi nhà chúng ta đang ở?
Thế nhưng nỗi đau của những người phải lên tiếng cũng không nhỏ: đang khi họ không tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi phức tạp, lại cứ thấy các đấng bậc thong thả đi đi về về, lễ lạt quyên góp.
Gần đây lại có thông cáo đi tìm “linh mục thất lạc” sau khi tham dự lễ Khánh thành Nguyện đường tại Hoa Kỳ!!! Trả lời sao được? Nỗi đau hình như sâu hơn và câu trả lời cho phương cách hành động cho cả hai phía càng khó khăn hơn.
Lời ca của thánh Phanxicô Assisi vẫn rất thường được cất lên “tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết” có vang vọng trong tâm mình khi hành động? Cần lắm thay, những khoảnh khắc lắng đọng, bình tâm và cầu nguyện trong khiêm hạ, yêu thương trong hoàn cành phức tạp hiện nay.
Là những tín hữu Công giáo sống đức tin, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn cho những hành động của mình, để tất cả chúng ta nêu được tinh thần bác ái yêu thương mà Thầy Giêsu đã dùng chính cuộc đời Ngài rao truyền giảng dạy. Thiết nghĩ câu châm ngôn từ ngàn xưa vẫn rất thích hợp cho ngày nay: "In necessariis unitas, in non-necessariis (or, dubiis) libertas, in utrisque (or, omnibus) caritas." Trong những điều cần thiết, cần đoàn kết thống nhất, trong những điều không cần thiết (hay nghi ngờ), được tự do hành xử, nhưng trong tất cả, hãy có lòng bác ái yêu thương. Đó nên là phương châm cho hành động sống bác ái của người Công giáo chúng ta vậy.
(Maranatha 94)
Trong những năm gần đây, tín hữu Công giáo Việt nam trong nước cũng như tại hải ngoại biết được nhiều tin tức về những sinh hoạt tôn giáo, xã hội tại quê nhà cũng như quốc tế và Giáo hội hoàn vũ, phần lớn nhờ hệ thống internet. Phương tiện truyền thông mới mẻ này rất tiện lợi, vừa nhanh chóng, vừa không tốn kém chi nhiều, mà lại rất hữu hiệu. Thế nhưng, bên cạnh những ích lợi xem chừng không thể phủ nhận, internet lại gây nhiều phiền não không ít cho giới truyền thông chân chính cũng như cho những người đang mong chờ tin vì có những câu chuyện “có ít xít ra nhiều, chuyện không thành có, và nguợc lại, chuyện có thành không,” cũng như nhiều vấn đề khác do internet nảy sinh.
Trước một số biến chuyển về chính trị và tôn giáo tại Việt nam, internet đã được giới truyền thông tận dụng khai thác, và qua một số bài viết, nhiều tác giả đã nêu lên câu hỏi nhức nhối: “Các Giám mục Việt nam có hèn nhát hay thỏa hiệp?” Sự im lặng của Hội đồng Giám mục Việt nam trước các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo, tín ngưỡng làm nhiều người e ngại và đặt vấn đề với các bậc lãnh đạo tinh thần. Người ta đọc được trên internet những bài viết, thư ngỏ đặt thẳng vấn đề cụ thể với riêng một số Giám mục, thậm chí có câu hỏi nặng tính phê phán gay gắt. Xa lộ thông tin bỗng trở nên nặng nề do cách đặt vấn đề, sử dụng ngôn từ và những câu hỏi rất khó trả lời. Trước kia, những loại câu hỏi như thế không hề được công khai đặt ra cho các mục tử, là những bậc làm thầy, làm cha và giữ vai trò hướng dẫn, lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo tại Việt nam. Người bị hỏi, hoặc nghe đặt câu hỏi, nếu không giữ bình tâm có thể sẽ dễ dàng lên án, quẳng bài báo vào thùng rác, hoặc ấn nút “delete” email đó nếu đọc báo qua mạng lưới điện toán.
Tuy nhiên, những người viết thấy không thể đặt câu hỏi cách khác, vì đó chính là nội dung vần đề và câu hỏi lớn không có lời giải đáp, lên án cung cách ứng xử của Hội đồng Giám mục Việt nam (HĐGMVN) trước những biến chuyển tại quê nhà: chuyện pho tượng Đức Mẹ Sầu Bi tại Ninh Bình bị đập phá; phiên tòa bất công kết án linh mục Nguyễn Văn Lý của nhà cầm quyền Việt nam. Bên cạnh chuyện trong nước là những chuyến đi “mục vụ” và “gây quỹ” của một số Giám mục Việt nam tại Hoa Kỳ. Xin được chia sẻ phần nào những suy tư trước hai mặt “chống” và “thuận” của các vấn đề nêu trên.
Cho đến nay, phần lớn độc giả sử dụng internet đều biết chuyện cha Lý, một linh mục thuộc giáo phận Huế, đã bị chính quyền cộng sản bắt giam, đưa ra tòa xử và kết án 8 năm tù. Trước cha Lý đã có nhiều linh mục Công giáo bị đưa ra tòa, có người thậm chí đã bị xử tử hình (cha Trần Học Hiệu), một số bị giam giữ và chết trong tù (cha Vũ Đức Khâm), một linh mục về thăm Việt nam bị giết chết tại khách sạn ở Huế (Đức ông Đào Đức Điềm), một số bị quản chế (cha Chân Tín) và một số bị khống chế, bị đi tù, sau đó được thả, và đã vượt biên qua Thái Lan đầu năm 1989 (cha Nguyễn Hữu Lễ).
Điều đáng nói ở đây là khi linh mục Lý ra tòa, người ta đã chụp được bức hình cha bị một viên công an mặc thường phục bịt miệng không cho ngài phát biểu. Người xem không biết cha nói câu gì mà tên công an ‘giận quá mất khôn’ lấy tay bịt miệng cha Lý trước ống kính truyền hình cũng như các máy quay video bằng điện thoại cầm tay như thế. Bức hình này đã được ghi lại và đưa lên mạng thông tin trên toàn cầu, nơi mà tự do ngôn luận và quyền công dân được đề cao, đã gây tác động rất lớn trong giới báo chí (giống như bức hình tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn người đặc công cộng sản ngày nào). Đúng là một tấm hình bằng một ngàn chữ, đã cho thấy một chế độ vô nhân, dã man, đàn áp người dân, coi thường dư luận thế giới.
Câu chuyện tác động đến nhiều lớp người, trong và ngoài nước. Có nhiều ý kiến khác nhau trước cách hành xử của HĐGMVN.
Một nhóm người, tạm gọi là phe A thì thắc mắc: Tại sao cha Lý là linh mục Công giáo, dưới quyền giám quản của Đức cha Thể, Tổng Giám Mục Giáo phận Huế, mở rộng ra là linh mục thuộc Giáo hội Việt nam, mà sao các vị lãnh đạo trong Giáo hội, cụ thể là quý Đức cha, không ai lên tiếng bênh vực cho ngài? Đặc biệt khi nhìn tấm hình cha Lý bị bịt miệng, người ta thấy các đấng bậc cần phải lên tiếng tố giác cộng sản mạnh hơn nữa, vì dù sao đây là người con của mình, của Giáo hội Việt nam. Hơn nữa, đây không chỉ là người con bình thường, mà là một linh mục, là cánh tay nối dài của các Giám mục, do đó, cha Lý rất đáng được các Giám mục lên tiếng bênh đỡ...
Nhóm người khác, tạm gọi là phe B thì cho rằng, các Giám mục Việt nam không thể lên tiếng vì đây là một trường hợp cá biệt. Tuy cha Lý là linh mục Công giáo, và các Giám mục, đặc biệt Đức cha Thể lại “không thể” lên tiếng, vì cha Lý đấu tranh ra “ngoài quỹ đạo”của giáo phận. Khi hoạt động chính trị, và tuyên bố không thể vâng lời Đức Giám mục cai quản giáo phận, cha Lý đã tự đặt mình ra khỏi quyền tài phán xét xử của Đức cha coi sóc giáo phận. Hơn nữa, khi cộng sản bắt cha Lý, họ đâu có bắt cha vì ngài là linh mục Công giáo, họ bắt cha vì ngài đã hoạt động chống chính quyền: dám lập đảng phái, kêu gọi không tuân thủ chính sách nhà nước. Đây chỉ là lời bình của hai phe A và B. Nào ai biết các Đức cha nghĩ gì?
Tuy nhiên, bình tâm nhận xét thì phe nào cũng có lý do được coi là chính đáng để biện minh cho cách hành xử mà họ cho là đúng của mình. Đó là chưa kể còn nhiều lý do mà ta không biết đến, hay không thể kể ra vì “không thể nói,” thêm vào những toan tính do quyền lợi, danh vọng riêng tư mà cả hai bên đều có thể có để muốn các phe khác hành xử theo cung cách của mình. Nói tóm lại, nói hay không nói, nói thế nào, đó chính là vấn đề.
Chuyện kế tiếp là vấn đề ‘xin tiền, gây quỹ’ của các nhà dòng, các linh mục, các Giám mục Việt nam tại hải ngoại. Phe A cho rằng, các Giám mục Việt nam không có lý do để đi hải ngoại xin tiền con chiên Việt nam, dưới danh nghĩa là đi mục vụ. Người Việt tại hải ngoại cũng có nhiều khó khăn và căng thẳng với cuộc sống cơm áo gạo tiền nhưng nào ai biết, vì các Đức cha khi ra hải ngoại đến đâu cũng được đón rước linh đình, nhìn đâu cũng thấy vật chất đầy đủ, sang giàu; đâu ai biết họ đã phải trả giá thế nào, vất vả ra sao. Thêm vào đó, họ có nghĩa vụ phải đóng góp và xây dựng cho giáo xứ và Giáo hội địa phương nơi sinh sống. Hơn thế nữa, theo giáo luật, mỗi địa phận có chủ chăn của địa phận đó. Dù các Đức cha Việt nam đi thăm dân Chúa là cộng đồng người Việt nam đang định cư tại hải ngoại, nhưng nay họ thuộc quyền tài phán của địa phương, thì các Đức cha ở Việt nam không nên, nhất là lấy lý do làm mục vụ cho kiều bào, và không có quyền dẫm chân lên các Giám mục địa phương, nếu không thì tình hình sẽ đưa đến những căng thẳng không nên có, nếu không nói là bị nhiều tai tiếng, hoặc chia rẽ trong cộng đồng, gây hậu quả rất xấu.
Trái lại, phe B lại cho rằng, các Đức cha Việt nam, khi đi thăm người Công giáo Việt nam tại hải ngoại, đều có quyền xin đóng góp tiền bạc. Lấy ví dụ, một người cha trong gia đình, biết rằng con gái mình (tín hữu Việt nam) giờ đã lấy chồng (sống tại hải ngoại), nhưng không vì thế mà người cha (Giám mục trong nước) không thể đi thăm con cái (chu du hải ngoại) được sao? Hơn nữa, đây là vì hoàn cảnh cha mẹ cô gái gặp khó khăn, nên nếu cần đến sự giúp đỡ của con gái và con rể, nhất là khi thấy con mình nay khá giả hơn cha mẹ ở quê nhà, thì đã sao? Dù sao con gái mình cũng có nguồn gốc, bắt rễ từ quê hương Việt nam ra đi, giờ giúp cha mẹ anh chị em đang gặp khó khăn là điều rất nên làm, nếu không nói là có bổn phận, không được chối từ? Nếu không giúp cho quê hương, thì người dân nói chung và tín hữu nói riêng ở quê nhà còn khốn khó biết bao. Một lần nữa, chúng ta phải đối mặt với hai nan đề: xin tiền/gây quỹ hay không, đó là một vấn đề nữa cho các Giám mục Việt nam.
Trước hai vấn đề nêu trên, chúng ta thấy rõ hơn cái nghịch lý của Giáo hội, như trong một bài dịch được đăng gần đây trên VietCatholic bàn về Giáo hội của linh mục - hồng y Henri de Lubac: Giáo Hội - Một Nghịch Lý. "Xin cũng không ổn, mà không xin cũng không được. Nói hay không nói, chọn lựa thế nào cũng là vấn đề nan giải. Điều nghịch lý đầu tiên do chính Chúa Giêsu Kitô gây ra qua cuộc đời, sứ mệnh của Ngài. Chúa là Thiên Chúa toàn năng, tạo dựng muôn loài, mà cuối cùng hiến thân làm người rồi phải chết đau đớn nhục nhã vì loài người do chính mình tạo dựng. Nghịch lý của Giáo hội, một tổ chức vừa thánh thiêng lại vừa có cơ cấu chặt chẽ như một nhà nước quân chủ số một. Như một tổ chức bao gồm những người chân chính tốt lành, đồng thời không thiếu những kẻ tội lỗi núp bóng tôn giáo để hoạt động cho mục đích tư lợi của mình."
Nghịch lý này không phải bắt nguồn gần đây, nhưng đã bắt đầu từ ngày Đấng sáng lập, một mặt tuyên bố “Nước Thiên Chúa ở giữa anh chị em,” (Lc 17,21) nhưng lại cũng trả lời Phi-la-tô, “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18, 36a). Ngay Đấng Sáng Lập còn gây nghịch lý qua những lời của mình, thì làm sao những người xem ra “cuồng tín” khi đi theo Ngài, lại có một con đường nào khác: vừa có vẻ dửng dưng thờ ơ vừa sôi sục căm hận trước những biến cố của một chế độ vô nhân gây ra? Cũng như khi nói rằng các linh mục tu sĩ không được hoạt động đảng phái, thì người ta cũng thấy các linh mục tu sĩ ra ứng cử, đi bầu, bỏ phiếu chọn người hoạt động chính trị. Chính hành động bỏ phiếu đã là một cách bày tỏ chính kiến của mình. Lại thêm một nghịch lý trong cách ứng xử của người thời nay.
Như thế, nếu phải nhận định đánh giá một hành động nào của bất cứ ai, nhất là nhận định về cách ứng xử của các đấng bậc nhiều trách nhiệm, không phải là chuyện dễ dàng. Các vị trong nước thường cho rằng, những người ở nước ngoài được tự do, không bị kềm kẹp nên có thể phát bỉểu thoải mái, và phê bình tự do không sợ bị chụp mũ (nhẹ) hay bỏ tù (nặng), hoặc sẽ gặp nhiều khó khăn trong công ăn việc làm và những sinh hoạt. Những người tại hải ngoại khi lên tiếng phê bình không hề biết rằng (hoặc đã từng bị khốn khổ với cộng sản, nhưng nay sống ở nước ngoài lâu ngày nên quên) ngoài việc bị kềm kẹp, các vị đâu biết trong nước với những hạn chế thông tin, kỹ thuật và nhân sự thì làm sao có thể đấu tranh, lên tiếng cách “hùng hồn” và “ngon lành” như quý vị tại hải ngoại được?
Nếu lấy tiêu chuẩn ở Hoa Kỳ là một đất nước tự do và dân chủ vào bậc nhất hoàn vũ (đôi khi trở nên quá đáng) rồi phê phán các Giám mục, linh mục Việt nam thì có phần “xử ức” với người trong nước. Trường hợp này được ví von như người sống tại Mỹ, làm việc nhận lương Mỹ, nhưng ăn tiêu như đang sống tại Việt nam. Khi lấy tiêu chuẩn và đô-la Mỹ để sử dụng tiêu dùng ở Việt nam, Việt kiều (dù là giới lao động) có thể dễ dàng hào phóng và rộng rãi hơn đa số người lao động trong nước.
Sở dĩ bên ngoài dễ “ăn to nói lớn” cũng là nhờ có tự do và phần lớn vào internet. Khi việc kiểm duyệt không hề có, đăng bài vở lên các trang web cũng không phải khó khăn gì, thì phê phán ai mà chẳng được?
Trước đây, muốn viết một bài báo phê phán người này, nhân vật kia đâu phải là chuyện dễ dàng. Đăng báo thì bị duyệt xét, in ấn phải trả tiền. Mà viết cẩu thả hay chê bai không đúng đâu ai thèm đăng hay nhận in. Nói không đúng còn bị tẩy chay hay kiện tụng.
Ngày nay, trên internet ai cũng có thể post bài dễ dàng, đâu có ai kiểm duyệt? Người có thẩm quyền cho phép cũng hầu như không có. Cứ kiếm vài đồng bạn cùng ý hướng, hoặc cá nhân mình cũng có thể tạo được một trang web hay blog riêng, thế là tha hồ đăng bài, phê bình, nhận định và phóng bài mỗi ngày trên internet. Ai không đi cùng đường, không theo cách hành xử mình cho là đúng thì viết bài, đặt vấn đề… và gửi email đến tận hộp thư cho mà đọc. Cứ thế mà gửi thư, nhận định, thư ngỏ đến danh sách vài ngàn địa chỉ email cho thiên hạ đọc chơi…
Trình bày những suy tư như thế không phải để bênh vực các Đức cha Việt nam hay phê bình những người lên tiếng đúng đắn. Những người thao thức với quê hương, dân tộc và đạo lý đôi lúc phải đau lòng nói lên tiếng nói bức xúc, vì cho rằng các bậc lãnh đạo tinh thần, tôn giáo bên nhà ít nhiều đã bị “thuần hóa,” bị “mua chuộc.”
Nếu các vị lãnh đạo không dám lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội và tự do, dân chủ tôn giáo thì còn ai dám? Nếu không ai lên tiếng thì làm gì thế giới thấy được sự tàn ác vô luân và phản dân chủ của chính quyền cộng sản?
Điều đau lòng là qua những sự kiện trên, một số các trang web mang danh Công giáo bắt đầu chơi trò tố cáo, bút chiến và hạ “độc thủ” lẫn nhau. Là người Công giáo, trước những sự kiện trên, ai có thể bình tâm thờ ơ? Đâu rồi tình bác ái, đâu rồi lòng nhân ái, đâu rồi đức khiêm nhường, bài học của Thầy Chí Thánh Giêsu?
Rất cần phải lên tiếng, tuy nhiên, cách lên tiếng thế nào là điều quan trọng. Không phải cứ tố cáo, lên án và “ăn miếng trả miếng” với nhau qua những bài viết là giải quyết được mọi sự. Lấy ví dụ việc tổng thống Hoa Kỳ cho quân xâm lược I-rắc. Cho đến nay thì đa số dân chúng Mỹ thấy ông Bush đã sai lầm, và tổng thống Hoa Kỳ đã hành xử theo suy diễn rất chủ quan dựa trên thông tin tình báo sai lạc hoặc những mưu tính của giới tài phiệt.
Đặc biệt các Giám mục Hoa Kỳ, mặc dù có tiếng nói và chỗ đứng chính thức của mình (hơn tiếng nói của HĐGMVN đối với chính quyền cộng sản tại Việt nam), tuy đã nhiều lần phản đối chính sách can thiệp vào I-rắc của Mỹ, thế nhưng khi các ngài lên tiếng có mấy ai nghe hoặc được chính quyền Hoa Kỳ đón nhận? Đâu phải vì thế mà nói rằng các Giám mục Hoa Kỳ kém quá, không sử dụng đúng đắn vai trò ngôn sứ của mình?
Phải hỏi thực sự vai trò ngôn sứ ở đây đã được phát huy thế nào, tác dụng ra sao, và như thế thì có phải hoàn toàn là lỗi của các Giám mục? Hoa Kỳ hiện nay hợp pháp hóa việc phá thai, tuy Giáo hội Công giáo đã nhiều lần chống đối kịch liệt, lên tiếng bảo vệ quyền làm người, nhưng cũng phải bó tay tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ. Nghịch lý này đâu dễ giải quyết? Chẳng lẽ dân Công giáo Hoa Kỳ phải đứng lên tổ chức “thánh chiến” để đòi lại quyền “chống phá thai” mới là đúng đắn?
Trong tổ chức nhà nước hiện nay, có hai cơ chế khác biệt đồng hành song song: cơ chế dân sự và cơ chế tôn giáo. Trong mỗi cơ chế lại chia làm nhiều hình dạng biến thành muôn màu muôn vẻ của một xã hội loài người. Xã hội càng văn minh mở rộng, thì khả năng tiếp nhận những cơ chế khác biệt để sống chung hòa bình càng thể hiện rõ nét. Khi từ chối giúp đỡ cho các Giám mục, các linh mục để lo cho những người nghèo trong nước vì cho rằng đó là ta gián tiếp nuôi sống chế độ cộng sản, coi chừng chúng ta đang ngụy biện để trốn tránh nhiệm vụ và lời mời gọi của Tin Mừng.
Tuy nhiên, cũng đừng bỏ tiền phí phạm mua danh qua việc dâng cúng để những người quyên góp phá vỡ những công trình lâu đời chỉ để mang tiếng xây dựng nhà Chúa cho có nơi thờ phượng khang trang hơn, nhưng thực ra họ đang lãng phí tiền bạc để xây dựng những cơ sở từ “không thua ai” đến “không giống ai.” Cũng như không phải chỉ vì một vài đấng bậc “không ra gì” mà chúng ta tuyên bố bỏ đạo hay phủ nhận những giá trị cao vời mà biết bao đời cũng như bao nhiêu thánh nhân đã hy sinh cả xương máu để giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau. Chia rẽ hay gây mất tình đoàn kết bác ái là chúng ta đang rơi vào bẫy của cộng sản.
Không thể nín lặng và cần phải lên tiếng. Hải ngoại càng lớn tiếng tố cáo chế độ phi dân chủ với cộng đồng quốc tế, càng làm cho cộng sản phải e dè về những hành động phản dân chủ, phản dân hại nước của họ.
Riêng các đấng bậc phải đi quyên góp: họ như người cha có trách nhiệm với gia đình phải đi làm kiếm tiền nuôi nấng con cái, các người cha - Giám mục – sự cẩn trọng, thiển nghĩ, cũng cần thiết hơn so với những người cha đời trong cung cách ứng xử và thái độ chọn lựa của mình. Công minh mà nhận xét, khi phải đi hải ngoại chìa tay xin tiền, các Giám mục Việt nam cũng nhục nhằn lắm. Giống như một người cha trong gia đình đôi khi phải bỏ ý riêng, làm những điều trái ý hay những công việc không hề muốn để có điều kiện chăm sóc, nuôi nấng con cái, các Giám mục Việt nam cũng phải đau lòng hy sinh trước những chọn lựa của mình. Tuy vậy, xin các đấng bậc cũng thận trọng đừng để đánh mất dũng khí của con cháu các Thánh Tử Đạo, cũng như đừng “đơn sơ,” “vô ý” hoặc coi thường dư luận vì đã quen với vai trò làm “cha” của mình, rất không phù hợp với cách ứng xử ở một xã hội đề cao dân chủ, tôn trọng tự do cá nhân nhưng tuân thủ ý kiến của đa số.
Hành xử không khéo, vô tình các đấng bậc có thể đánh mất vai trò người cha, người lãnh đạo tinh thần trước một thế giới ngày càng tục hóa. Cha mẹ nào cũng cần ý thức rằng mình cũng là con người, cũng có những thiếu sót và nhiều lúc cần nghe những đóng góp của các con đã trưởng thành.
Mỗi thời mỗi khác, các Giám mục không chỉ trả lời trước cộng đoàn dân Chúa, nhưng phải đối đầu một thế lực trần thế ngày càng xa cách Tin Mừng, sự khôn ngoan cần thiết trước những người không chỉ phản Tin Mừng trong lý thuyết, nhưng họ còn căn cứ trên “hiến pháp” phi Kitô giáo, coi đó là luật lệ cao nhất của quốc gia mà họ thuộc về, cũng là điều phải lưu ý. Hơn nữa, các Đức cha còn phải trả lời trước lương tâm, trước Thiên Chúa là Đấng đã giao phó trách nhiệm bổn phận chăm sóc mục vụ thiêng liêng cho dân của Ngài.
Đàng khác, nếu muốn chê bai hoặc phê phán các Giám mục Việt nam là hèn nhát: xin nhẫn nại, và cảm thông với “Cái Vốn” của mình (theo chia sẻ của một người anh em) HĐGMVN và Giáo hội quê nhà chính là “Căn Nhà và là Cái Vốn Quý của mình” và hơn nữa… hãy nhìn lại mình!
Tại sao phải chờ đợi hàng giáo phẩm lên tiếng? Có phải do chúng ta mang một não trạng “giáo hội theo cơ cấu hình tháp” và vẫn bị nó trấn áp trong tư duy của mình?
Nếu ta thấy chính quyền cộng sản đàn áp đồng bào anh em ta, thì trong khả năng và hoàn cảnh có thể với những diễn đàn, tiếng nói nhân danh dân chủ, xin cứ việc lên tiếng, tranh đấu cho họ. Tại sao lại đặt vấn đề và đòi hỏi những người chưa hẳn có đồng quan điểm và cung cách đấu tranh với mình? Mà có thể họ cùng quan điểm, nhưng cách hành xử của họ có chiều kích và cách thể hiện khác, vì hoàn cảnh và những giới hạn nhất định của họ, không vì thế mà ta chụp mũ cho họ là hèn nhát, toa rập, hoặc thỏa hiệp với chính quyền vì quyền lợi riêng tư.
Những kết án này có quá nặng và sự thực được bao nhiêu? (Tiêu cực có thể có đối với một số phần tử, nhưng không phải vì một vài con người, đấng bậc mà chúng ta lên án tất cả những người đang khổ đau, vất vả chèo chống vì hoàn cảnh trong nước, nơi giáo phận, tại quê hương). Có thể và luôn luôn chúng ta cần nhớ lại để trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, “Ai thấy mình không có tội thì ném hòn đá trước đi.” (Ga 8, 7) trong câu chuyện của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Mà có thể biết đâu đấy, với những bài vở, tổ chức đòi hỏi dân chủ tự do cho quê huơng dân tộc, có chút nào “cái tôi” của mình, của phe/nhóm mình được thổi phồng, đánh bóng đang thấp thoáng hoặc chìm ẩn đàng sau?
Cần phải dũng cảm, không được phép thỏa hiệp với cái ác, cái xấu, nhưng không nhất thiết phải đi chung một con thuyền, cầm chung một sách lược mới là đấu tranh với sự ác.
Chúng ta cũng cần lưu ý khi phổ biến những bài viết có lời lẽ nặng nề, lên lớp của ta, cũng như những phản hồi vừa mang tính hăm dọa, vừa khinh mạn. Khi trình bày chính kiến của mình về điều mình bức xúc, thường dễ đưa đến ngộ nhận khi đánh giá lẫn nhau. Cuộc chiến không cần thiết này đã làm chia rẽ cộng đồng dân Chúa và làm suy yếu sức mạnh ngôi nhà Giáo hội mà chính chúng ta đang muốn xây dựng.
Có người con nào thấy cha mẹ mình (nếu thật sự có khiếm khuyết hoặc chưa hoàn hảo theo ý của mình!!!) lại công khai gửi Thư Ngỏ và Nhận Định cho bàn dân thiên hạ cùng đọc? Đó có phải là cung cách của người con thật sự quan tâm và yêu thương gia đình, dân tộc, đồng bào mình? Hạ thấp vai trò của cá nhân một vài Giám mục, hay cả một tập thể Hội đồng Giám mục Việt nam có phải là sự khôn ngoan?
Gia tài của chúng ta không có là bao, đại diện của chúng ta chẳng nhiều sức mạnh, mà chúng ta lại sẵn sàng đốn chân ghế mà chúng ta đang ngồi, phá ngôi nhà chúng ta đang ở?
Thế nhưng nỗi đau của những người phải lên tiếng cũng không nhỏ: đang khi họ không tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi phức tạp, lại cứ thấy các đấng bậc thong thả đi đi về về, lễ lạt quyên góp.
Gần đây lại có thông cáo đi tìm “linh mục thất lạc” sau khi tham dự lễ Khánh thành Nguyện đường tại Hoa Kỳ!!! Trả lời sao được? Nỗi đau hình như sâu hơn và câu trả lời cho phương cách hành động cho cả hai phía càng khó khăn hơn.
Lời ca của thánh Phanxicô Assisi vẫn rất thường được cất lên “tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết” có vang vọng trong tâm mình khi hành động? Cần lắm thay, những khoảnh khắc lắng đọng, bình tâm và cầu nguyện trong khiêm hạ, yêu thương trong hoàn cành phức tạp hiện nay.
Là những tín hữu Công giáo sống đức tin, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn cho những hành động của mình, để tất cả chúng ta nêu được tinh thần bác ái yêu thương mà Thầy Giêsu đã dùng chính cuộc đời Ngài rao truyền giảng dạy. Thiết nghĩ câu châm ngôn từ ngàn xưa vẫn rất thích hợp cho ngày nay: "In necessariis unitas, in non-necessariis (or, dubiis) libertas, in utrisque (or, omnibus) caritas." Trong những điều cần thiết, cần đoàn kết thống nhất, trong những điều không cần thiết (hay nghi ngờ), được tự do hành xử, nhưng trong tất cả, hãy có lòng bác ái yêu thương. Đó nên là phương châm cho hành động sống bác ái của người Công giáo chúng ta vậy.
(Maranatha 94)