Linh Mục An-tôn Trần Văn Kiệm
Nhà văn hóa, bạn vong niên của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
Nhớ ơn thầy cô, đó là đạo lí phổ biến lâu đời theo tinh thần tôn sư trọng đạo. Nếu thầy cô của chúng ta còn là một vị có những đóng góp xuất sắc cho xã hội, cho đất nước thì lại càng là niềm hãnh diện và là tấm gương sáng cho các môn sinh.
Trên thực tế, trong tâm khảm của bất cứ ai đã từng cắp sách tới trường đều lưu giữ hình ảnh và những tâm tình kính trọng, biết ơn cách đặc biệt đối với một số thầy cô của mình. Anh em đồng môn chúng tôi đã cùng nhau học tập dưới mái trường nhỏ bé thuở xưa ở miệt Phú Nhuận cũng thường nhắc nhở nhau về một trong số những vị thầy như thế.
Khi không có mặt thầy, môn sinh chúng tôi thường gọi thầy là thầy Kiệm. Khi có mặt thầy, chúng tôi gọi thầy là cha, bởi vì thầy là một linh mục Công Giáo. Tên đầy đủ của thầy là An-tôn Trần Văn Kiệm. Năm nay thầy đã 87 tuổi hạc, tức là thuộc bậc ‘đại phúc’, chỉ 3 năm nữa thầy sẽ thành tiên (thất thập cổ lai hi, bát thập như đại phúc, cửu thập như nhân tiên).
Thầy Kiệm sinh năm 1920 tại làng Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Thiếu thời, học chữ quốc ngữ ở trường xứ đạo và học chữ Hán ở nhà do thân phụ dậy. Thân phụ thầy Kiệm là học trò ông nghè Nguyễn Tư Giản (1823-1890) (1).
Hết tiểu học, thầy Kiệm được tuyển chọn vào Tiểu chủng viện. Thầy luôn chứng tỏ là một học sinh xuất sắc về đủ mọi môn: Toán, Lí, Hóa, Văn, cổ ngữ, ngoại ngữ và cả Âm nhạc.
Năm 1940-41, đậu Tú tài Pháp tại Hà Nội.
Năm 1945-46, tốt nghiệp Thần học tại trường Thần học Thượng Kiệm, Phát Diệm, rồi lãnh chức linh mục.
Năm 1947, thầy được cử đứng ra thành lập trường Trần Lục là trường trung học đầu tiên và duy nhất tại huyện Kim Sơn lúc bấy giờ.
Từ 1950 tới 1955, nhờ một linh mục người Bỉ là ‘Cố’ Jacques Houssa giới thiệu, thầy Kiệm nhận được học bổng du học Hoa Kì của Tổng giám mục New York là Đức hồng y Francis Spellman. Đức hồng y gửi thầy Kiệm về làm phó xứ thứ ba của giáo xứ Blessed Sacrament ở New Rochelle để tiện đi học.
Vốn sẵn thông minh lại chăm chỉ học tập, ngay năm 1951 thầy Kiệm đã lấy được Cử nhân Hóa học (BS) tại trường Iona.
Sau đó chuyển sang học Vật lí tại trường Fordham, được thụ huấn trực tiếp với Dr. Victor F. Hess là vị giáo sư đoạt giải Nobel về công trình khám phá ra tia vũ trụ (cosmic rays). Thầy Kiệm lấy Cao học Vật lí (MS) tại đây năm 1953.
Vì sở thích riêng, thầy lại chuyển sang New York University để học về Quantum Physics.
Trong thời gian du học tại Hoa Kì, thầy Kiệm có duyên may trở thành bạn vong niên với một nhân vật lịch sử, đó là cụ Ngô Đình Diệm, sau này cụ sẽ trở thành Thủ tướng và Tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa (sẽ trở lại việc này). Chính vì mối thâm giao với cụ Ngô, cho nên khi vừa nghe tin cụ được quốc trưởng Bảo Đại mời về chấp chính lần thứ hai vào giữa năm 1954, thầy Kiệm cảm thấy hết sức nôn nao. Thầy quyết định bỏ dở việc học đề hồi hương vì đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ. Đức hồng y F. Spellman rất qúy 2 ‘con cưng’ bảo lãnh của mình là thầy Kiệm và Lm. Nguyễn Đức Qúy cho nên Đức hồng y đã cho tổ chức bữa tiệc tiễn chân thầy Kiệm. Khách mời có Đại sứ Trần Văn Chương và Lm. Nguyễn Đức Qúy (sau này, khi lấy xong tiến sĩ Sinh học (PhD), Tiến sĩ Nguyễn Đức Qúy hồi hương phục vụ tại Viện Pasteur Sài Gòn. Cho tới gần đây, ông vẫn còn là nhân viên kì cựu trong Hội Chống Ung thư tại New Jersey).
Vừa về tới Việt Nam, thầy Kiệm nhận giảng dậy tại Đại học Khoa học Sài Gòn niên khóa 1955-56.
Từ 1956 tới 1973, thầy làm giáo sư Tiểu chủng viện Phát Diệm, Phú Nhuận. Trong khoảng thời gian này, thầy Kiệm đồng sáng lập và kiêm nhiệm chức hiệu trưởng trường Trung học Bác Ái ở thị xã Kiến Hòa (Bến Tre). Thầy cũng là tuyên úy cho các tín hữu Hoa Kì tùng sự ở Việt Nam, nhóm họp mỗi Chủ nhật tại nhà thờ Mai Khôi, đường Tú Xương, Sài Gòn.
Sau những năm dài làm công tác giáo dục, thầy Kiệm nhận đi phụ trách một họ đạo vùng Bà Rịa. Nhưng rồi biến cố tháng 4 năm 1975 đã đưa đẩy hàng trăm ngàn người Việt trôi dạt khắp nơi. Trước cảnh lạ nước lạ cái của đa số đồng bào khi mới đặt chân tới Hoa Kì, thầy Kiệm ra tay tích cực giúp đỡ đồng hương tị nạn suốt từ năm 1975 tới 1985. Khi tiến trình nhập cư đã ổn định, thầy Kiệm đi trông coi một cộng đoàn giáo dân gốc Việt Nam tại Seadrift thuộc vùng bờ biển Đông Nam tiểu bang Texas mãi cho tới nay, vì tuổi già sức yếu, thầy mới chịu về nghỉ hưu tại tiểu bang Georgia.
Cuộc đời phục vụ đạo, phục vụ văn hóa giáo dục của thầy Kiệm dài tới 60 năm, tính từ ngày thầy lãnh chức linh mục cho đến nay (2007). Và thầy đã phục vụ xuất sắc bởi vì thầy vừa có tài vừa có tấm lòng, vừa chăm chỉ miệt mài lại vừa sẵn sàng từ chối danh vọng của cải trần gian. Chính Thầy đã kể lại thầy có 2 cơ hội ‘tiến thân’. Cơ hội thứ nhất: ngay khi cụ Diệm chưa trở về chấp chính, ông Ngô Đình Nhu đã gửi thư sang Hoa Kì kêu gọi thầy về giúp chính phủ tương lai. Cơ hội thứ hai đem tới cho thầy tiền bạc và những mời gọi khác là hồi đó cuộc đại chiến thứ hai mới chấm dứt không lâu, các nước Âu châu đang gấp rút tái thiết xứ sở, họ cần rất nhiều sinh viên tốt nghiệp bất luận là ngành nghề nào. Vừa lúc ấy thầy Kiệm tốt nghiệp tại Hoa kì, biết tiếng Đức, lại có tên là Van Kiem khiến người Đức tưởng đây là người Đức gốc Hòa Lan, cho nên Bộ Ngoại giao Đức đã gửi cho thầy một lá thư mời thầy về phục vụ cho quê hương (Vaterland)! Nhưng thầy Kiệm đã từ chối cả hai cơ hội kể trên: ‘Cố nhiên tôi phải từ chối cả hai lời mời từ người Đức cũng như từ ông Nhu. Với bào đệ ông Diệm, tôi xác định mình đã làm linh mục thì trọn đời sẽ một lòng giảng đạo không làm chính trị, nhưng cố nhiên tôi sẽ làm thần dân tận tụy phục vụ tổ quốc’ (Xin xem L.m. An-tôn Trần Văn Kiệm. Có phải Hoa thịnh đốn đã đưa ông Diệm về làm Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam? Dunglac.net).
Sau đây chúng tôi đúc kết lại trong một số điểm để chứng minh thầy Kiệm đã thể hiện xuất sắc lời thầy xác định ‘một lòng giảng đạo’ và ‘làm thần dân tận tụy phục vụ tổ quốc’. Ngoài ra, thầy Kiệm còn lưu giữ mãi tình bạn hết sức cảm động đối với ông bạn vong niên của thầy là cố Tổng thống Ngô Đình Diệm mặc dù Tổng thống đã khuất bóng đến nay đã trên 40 chục năm.
MỘT LÒNG GIẢNG ĐẠO
Bất cứ vị linh mục Công Giáo nào cũng phải khấn hứa long trọng 3 lời khấn trong ngày lãnh chức linh mục, trong đó có lời khấn hứa vâng lời vị giám mục bản quyền. Tùy nhu cầu, vị giám mục có thể giao cho các linh mục những nhiệm vụ khác nhau. Song, dù được giao phó nhiệm vụ nào, các linh mục cũng tin tưởng rằng mình đang làm việc phung sự Thiên Chúa, đang làm việc cho Giáo Hội.
Mục vụ: Là linh mục, thầy Kiệm đã 5 lần được giao phó làm nhiệm vụ mục vụ ở các xứ đạo và một thời gian dài làm giáo sư Tiểu chủng viện: Vừa thụ phong linh mục năm 1947, thầy được cử về phụ trách giáo xứ Hướng Đạo, Giáo phận Phát Diệm (1947). Trong những năm du học tại Hoa Kì 1950-55, thầy Kiệm làm phó xứ Blessed Sacrament tại New Rochelle, Tổng giáo phận New York. Năm 1973-1975, trông coi một họ đạo gần thị xã Bà Rịa. 1975-1985, phụ trách giúp đồng hương tị nạn. Từ 1985 thầy quản nhiệm cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Seadrif, Texas cho tới ngày về nghỉ hưu. Ngoài ra thầy còn làm giáo sư Tiểu chủng viện Phát Diệm, Phú Nhuận một thời gian dài từ 1955 tới 1967.
Hết Lòng vì Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô: Tại Hoa Kì, ngoài việc chu toàn nhiệm vụ thông thường của một linh mục, thầy Kiệm vẫn thường xuyên viết bài cho các tờ Thời Điểm Công Giáo (Garden Grove), Thao Thức (New Orleans), Chính Nghĩa (San Jose). Nhưng đặc biệt thầy còn là một trong số không nhiều linh mục Việt Nam say mê nghiên cứu và phiên dịch Thánh Kinh, nhất là 4 sách Tân Ước. Vốn có khả năng đặc biệt về Hán, Nôm và một số sinh ngữ cũng như cổ ngữ Tây phương, thầy Kiệm đã miệt mài phiên dịch và chú giải Thánh Kinh. Năm 1993, đã hoàn thành bộ Thánh Kinh Tân Ước, gồm phần phiên dịch và phần chú giải hết sức công phu (Thánh Kinh Tân Ước của Lm.Trần Văn Kiệm là bộ Thánh Kinh đầu tiên tiếng Việt đã được Lm. Trần Công Nghị đưa vào mạng lưới điện toán toàn cầu ngay từ đầu năm 1996 http://vietcatholic.net/kiem/ và cũng đã giúp ấn loát và phát hành vào năm 1993). Năm 1995, thầy cho ra đời cuốn Con Đường Cứu Chuộc, rồi cuốn Chuyện Các Tông Đồ.
Xin đan cử cách phiên dịch Đoạn I Tin Mừng thánh Gioan của thầy Kiệm:
‘1 Từ thuở thái sơ đã có Đạo, Đạo đồng tại với Thiên Chúa, và Đạo chính là Thiên Chúa. 2 Ngài cùng với Thiên Chúa đồng tại từ thái sơ. 3 Do Ngài vạn vật được tạo thành, và không do Ngài thì không vật thụ tạo nào thành hình được. 4 Tại nơi Ngài phát ra sự sống, và sự sống ấy là ánh sáng của nhân loại, 5 thứ ánh sáng phát quang trong bóng tối, thứ ánh sáng bóng tối không thể áp đảo’.
Dùng cách dịch thuật đoạn Tin Mừng mang ý nghĩa quan trọng vào bậc nhất trên đây để làm thí dụ, người ta sẽ hiểu tại sao báo Thời Điểm Công Giáo đã nhận định về cuốn Phiên Dịch và Diễn Nghĩa Thánh Kinh của thầy Kiệm: ‘Có người nhận định rằng bản dịch này dùng nhiều chữ Hán, nhưng thiết tưởng đây là những chữ Hán chính xác để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của nguyên ngữ dùng trong Thánh Kinh, một số từ ngữ hơi lạ tai (vì không được dùng trong các bản dịch trước đây) nhưng được dùng một cách hợp lí, nếu chúng ta chấp nhận, dùng dần sẽ quen’ (Thời Điểm Công Giáo. Lời Nói Đầu. Số 32. Tháng 4.1995).
Mặc dù không đủ tư cách nhận xét về vấn đề phiên dịch Thánh Kinh, nhưng khi thử đọc lại cách phiên dịch đoạn trên đây do một vài dịch giả khác, chúng tôi có cảm tưởng cách dịch của thầy Kiệm vừa dễ hiểu vừa trang trọng hơn. Đặc biệt, chúng tôi tự nhiên cảm thấy rất thú vị bởi vì lần đầu tiên được đọc một bản dịch bằng chữ quốc ngữ dịch chữ Logos (The Word) là Đạo (hầu hết các dịch giả Viện Nam dịch là Lời; Tư Cao Thánh Kinh Học Hội (1968) dịch là Thánh Ngôn). Thầy Kiệm cho biết thầy dịch Logos là Đạo theo cách dịch của Hương Cảng Thánh Kinh Học Hội (1989) với ý là thánh sử Gioan hiểu Chúa Giêsu là Trí Óc Sáng Suốt của Thiên Chúa đã xuống thế làm người, làm Ánh Sáng soi cho muôn dân.
Thiển nghĩ, dịch ‘Từ thuở thái sơ đã có Đạo’ xem ra rất gần với Thái cực đồ thuyết (tức lí thuyết phát sinh vũ trụ) của Kinh Dịch: ‘Thị cố Dịch hữu Thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp’ (Hệ Từ thượng).
Và có lẽ nội dung chữ Đạo hết sức quan trọng này trong câu dịch ‘và Đạo chính là Thiên Chúa’ cũng tương tự nội dung của chữ Đạo trong lời phát biểu của các Giám mục Việt Nam nhân dịp mở ra Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Vatican năm 1998: ‘Có hai đặc điểm chính của Triết học và Tôn giáo Á châu, đó là trước hết, người ta có một cái nhìn tổng hợp, hài hòa về mọi thực tại, kể cả Thực Tại Tối Hậu, mà người ta gọi là Trời, Thiên, Đại ngã, Brahman hay Đạo…. Đây là một cái nhìn hài hòa, kết hợp Âm Dương, nội ngoại, siêu việt - nội tại…’ (Định Hướng số 16. Trang 86).
Như thế cho phép nhận xét thầy Kiệm muốn theo gương vị tiền bối kiệt xuất là Cụ Sáu Trần Lục của Phát Diệm quê hương thầy và thầy cũng có cùng một chí hướng với các vị linh mục giáo sư nổi tiếng khác như Gs. Bửu Dưỡng, Gs. Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Gs. Lê Văn Lý, Gs. Kim Định, Gs. Thanh Lãng, Gs. Hoành Sơn Hoàng Sĩ Qúy, Gs. Vũ Đình Trác, Gs. Thiện Cẩm, Gs. Vũ Kim Chính…trong việc tìm về với những giá trị của Việt tộc, của Á châu, nghiên cứu hoặc là đối chiếu tư tưởng Kitô giáo với những tư tưởng đặc thù của Á châu và phát huy, hội nhập làm cho đời sống tinh thần của chúng ta thêm sung mãn, hài hòa hơn.
TẬN TỤY PHỤC VỤ TỔ QUỐC
Nói chung, bất cứ người công dân bình thường nào làm tròn nhiệm vụ ở vị trí của mình đã có thể gọi được là tận tụy phục vụ tổ quốc, huống chi người công dân đó ở vị trí của một giáo sư, một hiệu trưởng và một tu sĩ như thầy Kiệm thì những nỗ lực phục vụ tổ quốc còn hữu hiệu hơn, có ảnh hưởng sâu rộng hơn. Ngoài những cống hiến đáng kể ấy, thầy Kiệm còn phục vụ tổ quốc bằng công trình nghiên cứu chữ Nôm hiếm hoi và rất đáng qúy.
Vì muốn giúp cho hậu sinh có cái chìa khoá mở vào kho tàng Hán Nôm còn nằm im lìm trong các thư viện Hà Nội, Vatican, Paris, Macao, London…thầy Kiệm biên soạn cuốn Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt (Giúp Đọc NVHV). Sách Giúp Đọc NVHV phát hành vào các năm 1989, 1997 và 1999, mỗi lần có bổ cứu thêm; với các chữ Nôm, Nho tự viết bằng tay. Mãi tới năm 2002, thầy Kiệm mới liên lạc được với hội Vietnamese Nôm Preservation Foundation do Gs. John Balaban thuộc Đại học North Carolina điều khiển và hội này nhờ Gs. Ngô Thanh Nhàn thuộc Đại học New York để cùng với các nhóm chuyên viên chữ Nôm khác in lại cuốn sách của thầy Kiệm với cách viết các chữ Nôm, Nho bằng điện toán.
Hiện nay cuốn Giúp Đọc NVHV đã được hiệu đính và tái bản tới lần thứ tư tại Việt Nam, do nhà xuất bản Đà Nẵng và Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm tại Florida, Hoa Kì cùng thực hiện.
Gần đây, thầy Kiệm vừa mới cho xuất bản tại Hoa Kì toàn bộ công trình biên khảo dưới nhan đề Từ Điển Văn Học Việt Nam (2007) gồm 2 Phần: Phần Thứ Nhất 1 cuốn, 254 trang; Phần Thứ Nhì 2 cuốn: cuốn 1, trang 255- 808; cuốn 2, trang 809-1375.
Phần I: Giúp tìm âm một từ Hán Việt hay một chữ Nôm chưa biết âm: Gồm bảng 1 kê ra những bộ gốc; bảng 2 gồm những bộ gốc thường gặp, viết trong các ô. Mỗi bộ có ghi số nét của bộ ở phía trước. Bên dưới mỗi bộ là các chữ viết cùng bộ xếp theo thứ tự các nét còn lại của chữ, tương tự cách sắp xếp của các tự điển Trung Hoa. Nhưng sách của thầy Kiệm tiện lợi hơn cho người biết chữ quốc ngữ vì thầy xếp các chữ theo thứ tự ABC.
Phần II (2 cuốn) giúp tìm nghĩa những chữ Nôm và Hán Việt đã biết âm (trang 255 tới 1375), kèm theo là các thí dụ.
Ngoài ra, công trình của thầy Kiệm còn cống hiến cho độc giả nhiều điều hữu ích khác như: Dậy cách thực tập viết sao cho ‘đúng cựa’ và thực tập cách tìm được âm của một chữ; cách đọc chữ Trung Hoa phanh âm tức là sau mỗi từ Hán Việt sẽ ghi cách đọc theo giọng Bắc Kinh và Đài Loan; cách phân biệt các dấu bổng trầm trong tiếng Việt và tiếng Trung Hoa. Thêm vào đó, bộ Từ điển còn giúp hiểu đúng nghĩa của những chữ đồng âm dị nghĩa. Thí dụ chữ kì có 32 nghĩa trong chữ Hán và có 4 nghĩa trong chữ Nôm. Chữ tư có 25 nghĩa trong chữ Hán và có 1 nghĩa trong chữ Nôm. Lấy một thí dụ cụ thể: Chữ ‘đồng’ trong ‘tơ đồng’ (Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du) viết với bộ mộc cho nên không thể hiểu là đồng kim loại, rau tần ô, con nít, ống rỗng ruột, con người, đồng ruộng, đồng bạc mà phải hiếu là cây ngô đồng (tơ đồng là dây lụa ở cây đàn làm bằng gỗ cây ngô đồng…).
Theo Lời Nói Đầu trong cuốn thứ nhất bộ Từ Điển Văn Học (2007), thì hi vọng thầy Kiệm sẽ còn cho ra mắt phần giới thiệu các tài liệu Hán Nôm có giá trị với những giải thích điển cố và những từ ngữ thông dụng vào các thề lỉ 18, 19 tức là ‘thời đại chữ Nôm’. Lại có thêm phần giới thiệu các nhân vật lịch sử, nhất là của Việt Nam, các nhà văn Trung Hoa và Việt Nam sáng tác bằng quốc ngữ trong thế kỉ 20. Sau hết là phần trình bầy nếp sống và triết lí bình dân của người Việt Nam dưới hình thức các phương ngôn, ngạn ngữ.
Với công trình biên soạn cuốn Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt và cuốn Từ Điển Văn Học Việt độc đáo này, thầy Kiệm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn hóa thuộc loại thủ bản, mang lại ích lợi to lớn về học thuật. Sau những giờ bận rộn với việc mục vụ, một linh mục có quyền nghỉ ngơi để lấy lại sức khoẻ, riêng thầy Kiệm một mình rút vào văn phòng và âm thầm miệt mài nghiên cứu để soạn sách. Nếu không phải là một người vừa có tài vừa phát tâm tận tụy phục vụ tổ quốc như thầy Kiệm, sẽ không đủ sức để hoàn thành một tác phẩm hiếm qúy như thế.
Hiện nay, mặc dù thầy Kiệm đã lên bậc đại lão, nhưng thầy vẫn còn đang dịch ra tiếng Anh những Kinh chuyện hiếm qúy của Việt tộc trong bộ Lĩnh Nam Chích Quái. Công trình này sẽ được Lm.Trần Cao Tường và một số họa sĩ thực hiện và phổ biến.
VỚI CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM, MỘT TÌNH BẠN ĐẦY CẢM ĐỘNG
Ngày 01 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chính do một nhóm tướng lãnh quân đội VNCH
cầm đầu nổ ra. Ngày hôm sau, họ giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Ngay sau đó bọn học sinh chúng tôi để ý thấy thầy Kiệm thay đổi rất nhiều. Dường như thầy đang trải qua một cơn chấn động lớn, vẻ mặt bơ phờ, xa vắng, chua cay. Bộ tóc của thầy vốn hơi quăn nay có vẻ biếng chải nên càng quăn thêm. Cúc cổ áo dài trắng của thầy thường không còn được cài kín, vẻ như bất cần đời! Ít lâu sau thầy mới chịu hé lộ một chút cho bọn học sinh chúng tôi biết rằng thầy lấy làm tiếc vì đã từng ủng hộ ứng cử viên tổng thống J. F. Kennedy mỗi khi có dịp tiếp xúc với các nhân viên Hoa Kì là tín hữu Công Giáo làm việc tại Sài Gòn. Thầy cho rằng Tổng thống Kennedy có trách nhiệm trong vụ lật đổ và thảm sát người bạn vong niên của thầy là Tổng thống Ngô Đình Diệm. Và năm tháng cứ trôi đi theo dòng lịch sử. Mãi mới gần đây trên Văn Nghệ Tiền Phong và trên Dunglac.net, độc giả khắp nơi mới được hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện về tình bạn vong niên hết sức cảm động giữa thầy Kiệm và cố Tổng thống Ngô Đình Diệm qua bài viết của thầy nhan đề: Có Phải Hoa Thịnh Đốn Đã Đưa Ông Diệm Về Làm Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam ?
Thầy Kiệm ví cụ Ngô như ‘một ngôi sao sáng, còn thầy chỉ là một hòn đá, ‘một cục thiên thạch’, nhưng hai vị có duyên gặp nhau trên xứ người, rồi trở thành đôi bạn tri kỉ vong niên.
Cụ Ngô sinh năm 1901, thầy Kiệm sinh 1920, cách nhau gần hai con Giáp, hai vị có duyên gặp nhau vì những lí do may mắn ngẫu nhiên: Cả hai đều tới Hoa Kì kể như đồng thời, thầy Kiệm tới trước một chút (1950), cụ Ngô tới sau (1951). Thầy Kiệm được gửi đi du học còn cụ Ngô là một chính khách sáng giá tới Hoa Kì để nghiên cứu tại chỗ chính thể và chính trường Hoa Kì, đồng thời đi tìm kiếm nhân tài trong số các sinh viên Việt Nam đang du học tại đây. Thêm vào, cả hai cùng được sự bảo trợ qúy báu của Đức hồng y F. Spellman, Tổng giám mục New York và họ sống không xa nhau, cách khoảng 60 miles: thầy Kiệm ở nhà thờ Blessed Sacrament, New Rochelle (sát bờ biển Đông Bắc thành phố New York); cụ Ngô lưu trú trong tu viện Maryknoll, Lakewood (trung bộ New Jersey). Thời đó, có rất ít người Việt sống ở Hoa Kì, đa số họ là những sinh viên du học, cho nên họ có ‘nhu cầu’ tìm gặp nhau, nhất là trong những dịp lễ tết và dễ dàng trở nên bạn bè. Riêng cụ Ngô vốn là một người Công Giáo thuần thành sẽ không mất nhiều thời giờ để tìm hiểu và kết bạn với một linh mục tuổi trẻ tài cao.
Sang năm 1951, thầy Kiệm nhận được điện tín từ Âu châu yêu cầu ra phi trường Idlewild để đón Giám mục Ngô Đình Thục (bạn đồng song của Đức hồng y F. Spellman) và bào đệ Ngô Đình Diệm. Thầy Kiệm cho đây là một vinh dự được nghênh đón 2 nhân vật, một đạo một đời, có tiếng tăm lẫy lừng thời ấy cho nên thầy vội vàng chuẩn bị xe và đóng bộ tươm tất nhất để ra phi trường. Bụng bảo dạ, thầy Kiệm tiên đoán 2 điều: một là Đức hồng y F. Spellman sẽ niềm nở tiếp đón Giám mục Ngô Đình Thục là bạn đồng song với Ngài hồi cả hai tòng học tại Roma; hai là vì cùng được Đức hồng y bảo trợ cho nên thầy Kiệm và cụ Ngô sẽ có nhiều dịp gặp gỡ và sống bên nhau. Hai tiên đoán của thầy Kiệm đều đúng.
Thật vậy, trong hơn hai năm cụ Diệm sống tại Hoa Kì, thầy Kiệm đã có nhiều dịp gặp gỡ, sống chung, giúp đỡ và làm bạn tâm tình với cụ.
Thầy Kiệm kể lại, mỗi lần cụ Diệm tới Manhattan tiếp chính khách tại khách sạn, cụ thường nhờ thầy đưa đón. Có khi thầy Kiệm móc tiền túi ra trả tiền khách sạn cho cụ vì biết cụ Diệm sống rất thanh bạch. Cụ Diệm còn nhờ thầy Kiệm giúp cho cả những việc nhỏ khác. Trong số những sinh viên bạn bè du học thời đó như các ông Huỳnh Văn Lang, Đỗ Vạng Lí, Bùi Công Văn, Bùi Kiến Thành, Nguyễn Thái, Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Văn Thơ, bà Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Hòa…(2) thì riêng ông Nguyễn Đình Hòa có thân phụ quen biết cụ Diệm, cho nên khi ông Hòa lập gia đình, cụ Diệm nhờ thầy Kiệm đưa đi mua quà tặng cho đôi tân hôn.
Một lần, vì muốn cho cụ Diệm được chút thay đổi thoải mái, thầy Kiệm mời cụ tới ở chơi cuối tuần với thầy. Cụ Diệm nhận lời ngay. Song vì thầy Kiệm sống chung với các linh mục giáo xứ không tiện tiếp đón khách riêng, thầy đã ngỏ lời xin các nữ tu Ursuline giúp đỡ. Các nữ tu Ursuline là những vị giàu lòng nhân ái và có học lực rất cao, đang điều hành ngôi trường College of New Rochelle bề thế. Họ sẵn lòng dành cho vị khách qúy của thầy Kiệm một căn phòng rộng rãi, khang trang, mời khách ăn ở 2 ngày cuối tuần. Mỗi bữa ăn có một vị nữ tu, là giáo sư, ân cần phục thị cụ Diệm và thầy Kiệm. Khi thầy Kiệm hỏi cụ có ngủ ngon giấc không thì cụ Diệm thành thật nói: ‘Bầu khí rất thanh tĩnh, giường ngủ rất êm ái thơm tho, nhưng họ cần gì mà phải thay chăn đệm mỗi tối, và khăn lau trong buồng tắm một ngày ba lần’!
Tình bạn giữa cụ Diệm và thầy Kiệm thân thiết đến nỗi hai vị có thể đem nói với nhau những ý nghĩ thầm kín và có cả những cú ‘sửa lưng’vui vui của một đàn anh đối với một đàn em. Trong giáo xứ, thầy Kiệm kết bạn với một tín hữu người Trung Hoa. Thầy giới thiệu người tín hữu này với cụ Diệm. Không lâu sau, người bạn Trung Hoa viết thiệp mời cụ Diệm và thầy Kiệm tới nhà dùng cơm. Thiệp mời khách tới nhà vào ‘đệ lục nhật’. Lúc đó vốn Hán học của thầy Kiệm còn giới hạn cho nên thầy thắc mắc tại sao người Công Giáo lại mời nhau dùng cơm vào ngày thứ sáu phải kiêng thịt. Cụ Diệm vui vẻ giải thích cho thầy rằng ‘đệ lục nhật’ của người Trung Hoa tức là ngày thứ bảy của ta. Có lần người ta hỏi quê quán của thầy Kiệm, thầy nói thầy là người làng Phát Diệm, thì cụ Diệm húc nhẹ cùi chỏ vào thầy rồi trả lời thay: ‘Cha Kiệm là người Phát Diễm đó’. Cụ nhắc cho thầy tục lệ kị húy của người Việt mình, đồng thời chỉ cho thầy biết tuy là viết một chữ Hán nhưng có thể đọc hai âm, vừa là Diệm vừa là Diễm.
Mặc dù học hành vất vả, nhưng cuối tuần thầy Kiệm vẫn dành thời giờ để liên lạc với cụ Diệm. Vì biết cụ hết sức ưu tư trước tình hình chính trị bế tắc, cho nên để giúp cho cụ được thư giãn đôi chút, thầy Kiệm đã mách cho cụ một cái thú chơi nghệ thuật lịch lãm, đó là thú chụp hình. Bởi thầy Kiệm vốn say mê môn chụp ảnh nghệ thuật. Thầy có đủ loại máy ảnh, lại được tự do xử dụng phòng tối của trường học giáo xứ. Hơn nữa, tại Đại học Fordam, khi muốn phân tích thành phần các thể chất, thầy Kiệm được các giáo sư dạy cho phương pháp dùng điện thế rất cao để chụp quang phổ (spectrum). Khi cụ Diệm đồng ý, thầy Kiệm đưa cụ đi mua máy ảnh, sách dậy chụp và rửa hình. Chuyện này khiến cho thầy Kiệm sau này đã lấy làm ân hận. Vì thầy dẫn đưa cụ Diệm vào cái thú chụp hình và chơi ảnh nghệ thuật cho nên khi cụ bị lật đổ, bọn phản loạn đã lục soát văn phòng của cụ và phao tin cụ ‘chơi hình khỏa thân’. Kì thực cụ Diệm chỉ có những tờ báo Photography chụp phong cảnh và người mẫu chứ không phải là loại báo ‘Playboy’.
Cũng vào giai đoạn này, khi có dịp thư thả tâm tình, thầy Kiệm nhiều lần hỏi thẳng cụ Diệm nhận xét gì về nhân vật Hồ Chí Minh. Thời còn là sinh viên Thần học tại Trường Lí Đoán Thượng Kiệm, Phát Diệm (tức trường Thần học Phát Diệm), thầy Kiệm đã từng sống chung với Luật sư Trần Văn Chương và ông Ngô Đình Nhu. Chính Đức giám mục Lê Hữu Từ đã tiếp nhận ông bà Luật sư Trần Văn Chương và ông bà Ngô Đình Nhu về ẩn náu tại Khu An Toàn Phát Diệm hồi 1945. Ngài gửi bà Chương và bà Nhu (con gái của ông bà Chương) tại tu viện Mến Thánh Giá Lưu Phương, còn hai ông Chương và Nhu thì phải ăn mặc như một thầy tu và sống chung với các sinh viên trường Thần học Thượng Kiệm. Lúc đó thầy Kiệm lấy làm lạ, sao cụ Diệm không về Phát Diệm cùng với ông Nhu, hay là ông Hồ Chí Minh vẫn muốn giữ cụ Diệm lại. Nay ở bên Hoa Kì, có dịp thuận tiện, thầy Kiệm lại đưa điều thắc mắc xưa ra để hỏi cụ Diệm. Thầy muốn biết ông Hồ và cụ Diệm đã đối xử với nhau thế nào và cụ Diệm nghĩ gì về ông Hồ. Nhưng thầy Kiệm chẳng được toại nguyện; thầy xác nhận không một lần nào ông Diệm bình luận với thầy hay bất cứ ai về ông Hồ.
Đến giữa năm 1953, tình bạn giữa cụ Diệm và thầy Kiệm bước sang giai đoạn mới: Khoảng trung tuần tháng 6 năm 1953, cụ Diệm gọi điện thoại báo cho thầy Kiệm biết tin Quốc trưởng Bảo Đại mời cụ về nước chấp chính. Theo thầy Kiệm nhận xét thì trước khi nổ ra trận Điện Biên Phủ (13.3.1954), dường như quần chúng và ngay cả nhiều chính khách Hoa Kì biết rất ít về đất nước và con người Việt Nam. Thậm chí có người còn hỏi thẳng thầy Kiệm nước Việt Nam ở chỗ nào trên bản đồ thế giới và phụ nữ Việt Nam đã biết mặc quần áo chưa?! Thầy Kiệm đem mối ưu tư này của mình giãi bầy cùng cụ Diệm thì cụ trả lời: ‘Được Mĩ bật đèn xanh, không phản đối việc tôi quy cố hương là đủ. Chắc rằng về nước nhà rồi, tôi sẽ còn cần họ tiếp sức mới hãn ngữ được đường tiến của Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và Hà Nội. Như vậy là bõ công tôi sống hơn hai năm ở Hoa Kì. Việc tôi trở về sẽ không do Hoa Thịnh Đốn quyết định, nhưng sẽ tùy thuộc công cuộc Hoàng đế Bảo Đại dàn xếp với Champs- Élysées có hanh thông hay chăng’. Và để trấn an thầy Kiệm cụ Diệm nói tiếp: ‘Sang Âu châu, gặp nhà vua rồi, nhìn thấy tiền đồ sáng tỏ hơn, tôi sẽ từ bên đó đánh điện cho cha rõ, để cha thông báo cho các anh chị em bên này yên lòng’.
Kế đó cụ Diệm rời tu viện Maryknoll, Lakewood, New Jersey để về nhà ông bà Bùi Công Văn phía Đông Bắc Central Park, Manhattan. Buổi tiễn chân cụ Diệm đi Âu châu có 5 người là ông bà Bùi Công Văn, Đỗ Vạng Lí, Bùi Kiến Thành và thầy Kiệm. Chính bà Bùi Công Văn phát hiện cụ Diệm không thắt cà vạt cho nên ông Bùi Kiến Thành (người thường biếu tiền cho cụ Diệm. Ông Thành là con cụ Bùi Kiến Tín) vội chạy đi mua cà vạt cho cụ Diệm (3).
Ngay hôm sau, từ Paris, cụ Diệm gửi cho thầy Kiệm điện tín nói: ‘Tout va bien’. Thế nhưng cuộc điều đình với Pháp của Quốc trưởng Bảo Đại không đem lại kết quả, cho nên cụ Diệm đã gửi thư cho thầy Kiệm cho biết cụ bỏ Pháp để sang tạm trú tại tu viện Saint André, Bruges, nước Bỉ.
Thầy Kiệm cố ý mô tả hoàn cảnh và diễn tiến buổi tiễn chân cụ Diệm rời Hoa Kì đi Âu châu đáp ứng lời kêu gọi lần thứ nhất của Quốc trưởng Bảo Đại để chứng minh cho hậu thế: cụ Diệm về chấp chính không phải là do Hoa Thịnh Đốn dàn dựng. (Điều này cũng được hồi kí của ông Bùi Diễm công minh xác nhận. Xin xem Chú thích số 4).
Trận Điện Biên Phủ nổ ra ngày 13.3.1954 giữa quân Pháp và quân CSVN. (Quân Pháp thua trận ngày 26.6 1954). Ngày 16.6.1954, Thủ tướng Bửu Lộc và chính phủ từ chức. Quốc trưởng Bảo Đại ra sắc lệnh số 38/QT ủy cho cụ Diệm lập chính phủ mới với toàn quyền dân sự và quân sự (5).
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ổn định được miền Nam. Ngày 23.10.1955, tổ chức trưng cầu dân ý phế bỏ Quốc trưởng Bảo Đại. Ngày 26.10.1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa.
Đúng vào thời kì khai mở nền Cộng Hòa này, thầy Kiệm bỏ trường New York University để về nước.
Đây là lúc chứng thực mối tình bạn thắm thiết giữa cụ Diệm và thầy Kiệm. Tục ngữ có câu: Giầu đổi bạn, sang đổi vợ. Cụ Diệm thì khác, nay đường đường là một vị nguyên thủ quốc gia, cụ vẫn không quên người bạn trẻ hồi còn bôn ba ở hải ngoại. Được tin thầy Kiệm đã về nước, cụ Diệm cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến tới Tiểu chủng viện Phát Diệm, Phú Nhuận, mời thầy vào Dinh Độc Lập. Tổng thống chỉ thị đón thầy Kiệm vào cổng chính, mở cả 2 cánh cửa. Các gia nhân đứng đón chào ngoài cổng đều mặc quốc phục, họ đưa thầy lên lầu phía trái, nơi Tổng thống cũng bận quốc phục đang ngồi. Nghi lễ đón bạn của Tổng thống bề ngoài xem ra rất trang trọng theo cổ tục, nhưng câu chuyện hàn huyên riêng tư giữa hai vị vẫn hoàn toàn thân mật không chút xã giao, khách sáo. Thầy Kiệm đã dám hỏi Tổng thống những câu hỏi hết sức riêng tư và nhậy cảm. Chẳng hạn như thầy hỏi Tổng thống tại sao truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, tại sao ‘giận’ Đức cha Lê Hữu Từ. Tổng thống trả lời: ‘Vì chính nhà vua muốn truất phế tôi sau khi tôi dẹp yên bọn theo Pháp phá hoại quốc gia và thành lập xong một chính phủ có đầy đủ sức hoạt động. Té ra nhà vua đã lợi dụng tôi như một con cờ thí nhận việc dọn đường phục bích mà thôi. Trước sau Hoàng thượng vẫn nuôi mộng một ngày sẽ trở lại Huế ngồi lên ngai cũ các vua Nguyễn. Tôi đã hứa khi được Hoàng đế mời về chấp chính thì mình sẽ vâng nghe các Thánh chỉ sáng suốt của Ngài. Nhưng Thánh chỉ đòi tôi rút lui vào lúc quốc sự còn ngổn ngang, thì nhất định là thiếu sáng suốt, làm sao tôi có thể phụng mệnh Thánh chỉ được’. Trả lời câu hỏi thứ hai của thầy Kiệm, Tổng thống nói: ‘Tôi đâu dám giận Đức Cha? Chỉ có Đức Cha giận tôi mà thôi. Khi tôi mời Ngài tránh nạn vào Nam, Ngài đã không chịu. Cha còn nhớ chăng? Cuối năm 1952, tôi có nhờ Cha biên thư cho Ngài mà căn dặn chấm dứt chương trình xây trường Louis Pasteur ở Hà Nội, để dùng tiền mua đất xây nhà ở Sài Gòn phòng biến. Ngài đã không nghe khiến cho địa phận Phát Diệm bây giờ lâm vào cảnh cơ cực ở vũng lầy Phú Nhuận. Tới giai đoạn Hiệp định Genève, tôi hết sức hô hào dân lành bỏ Bắc vào Nam, thì Ngài lại đòi tôi làm một việc mộng tưởng đầy máu xương, là giúp Ngài cố thủ tại Phát Diệm! Cha ơi! Tôi rất đau khổ vì mất một ông bạn cố tri, từng là ân nhân của tôi và cùng tôi xuất thân từ Quảng Trị!’
Thế rồi từ đó, trong suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa, thầy Kiệm đã rút lui vào hậu trường để ‘phục vụ Tổng thống Diệm với tư cách quan sát viên miễn phí’, bởi vì thầy ý thức rõ rệt những chuyện ‘đượm nặng mùi chính trị đảng phái, một linh mục như tôi cần tránh xa’. Mặc dù đã cố gắng thu mình vào hậu trường chính trị, nhưng với vai trò ‘quan sát viên’ tự nguyện cho Tổng thống, thầy vẫn có những dịp gặp gỡ Tổng thống hoặc là như một người bạn tâm tình hoặc là để tư vấn những chuyện có liên quan tới tôn giáo. Chẳng hạn như thầy Kiệm đã được Tổng thống mời tham dự cuộc họp vào ngày 15 tháng 8 năm 1963 cùng với một số chức sắc tôn giáo để bàn về chính sách của Hoa Kì và Vatican giữa lúc dầu sôi lửa bỏng. Nhưng thầy Kiệm, vốn chỉ là một nhà tu hành, không có phép mầu nào, không thể ‘hô phong hoán vũ’, đành bất lực nhìn người bạn thân thiết của mình tứ bề thọ địch rồi cuối cùng bị sát hại thảm thương.
Ngô Tổng thống, người bạn vong niên của thầy Kiệm đã ra người thiên cổ cách nay 44 năm, nhưng thầy Kiệm vẫn ôm mãi trong lòng tình bạn thắm thiết chân thành. Thầy lấy làm đau lòng vì cho rằng Ngô Tổng thống là người thành tâm yêu nước yêu dân, vậy ‘mà bình sinh gặp rất nhiều hạng người thuộc hắc đạo đã không biết nhận xét chân tướng của ông, và công trình xây dựng của ông, lại còn vu khống cho ông đủ mọi thứ tội ác, sau cùng đã giết ông một cách dã man’, mặc dù Tổng thống đã chịu đầu hàng để tránh cho dân và quân đội khỏi lâm cảnh chém giết lẫn nhau.
Nỗi đau của thầy Kiệm còn nhức nhối không nguôi vì thầy thấy tại hải ngoại cũng như trong nước, nhiều người cầm bút vẫn viết về Tổng thống một cách bất công. Thư viện khắp nơi chứa đầy những tài liệu hoàn toàn bất lợi cho Tổng thống. Tuy nhiên, bóng đêm không mãi mãi ngự trị. Trời cũng như người không mãi mãi phụ kẻ công chính. Tới nay, điểm lại, càng ngày càng có nhiều tác giả là những nhà chính trị, sử gia, nhà văn, nhà giáo, nhà báo, thẩm phán, luật sư, quân nhân....đã công khai nói lên sự thật, mạnh dạn làm chứng cho lẽ phải, rằng: Tổng thống Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc, công nhiều tội ít (6).
Thế cho nên dù không hề có tham vọng viết lịch sử như các bậc thức giả kể trên, nhưng thầy Kiệm phải cầm bút như một thôi thúc của tình bạn chân thành đối với Ngô Tổng thống để viết bài Có Phải Hoa Thịnh Đốn Đã Đưa Ông Diệm Về Làm Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam? Mục đích làm sáng tỏ việc Cụ Ngô về nước chấp chánh không do người Mĩ dàn dựng. Chỉ sau khi cụ Ngô đã ổn định được miền Nam, người Mĩ mới lộ liễu nhúng tay vào, rồi tìm cách lèo lái… và cuối cùng chấp thuận kế hoạch tai hại ‘thay ngựa giữa đường’! Bài viết này như một dấu ấn cuối cùng về tình bạn thắm thiết đầy cảm động giữa thầy Kiệm và cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Thời gian như bóng câu vút qua song. Trong khi tìm tài liệu để viết về thầy Kiệm kính yêu, chúng tôi được xem một bức hình của thầy chụp gần đây, bất giác cảm thấy bùi ngùi, nhớ lại hình dáng thầy vào những năm 60 tinh anh hoạt bát, mà nay đã gần cửu thập. Rồi lại liên tưởng đến‘những người muôn năm cũ’! Ôi mái trường xưa, các thầy, và bạn bè mến yêu, ai còn ai mất.
Sống trên cõi đời, mỗi người có một phận số khác nhau. Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng vậy, thầy Kiệm cũng vậy, ai ai cũng vậy. Khi xuôi tay nhắm mắt, tất cả những thứ người ta muốn chiếm hữu suốt cả cuộc đời đều phải bỏ lại, chỉ những gì tốt đẹp và hữu ích người ta đã cho đi, đã cống hiến thì sẽ còn lại mãi mãi mà thôi. Người đời sau sẽ nhớ tới Ngô Tổng thống như một nhà ái quốc chân chính, dám hi sinh mạng sống vì chính nghĩa. Lũ môn sinh chúng tôi và các nhà quan tâm tới nền học thuật nước nhà sẽ nhớ tới thầy Kiệm như là một tu sĩ ‘một lòng giảng Đạo’, như một nhà văn hóa, một công dân ‘tận tụy phục vụ tổ quốc’ bằng các nỗ lực phục vụ đạo đời, nhất là công trình biên soạn về chữ Nôm giá trị của thầy. Thầy Kiệm còn là mẫu mực về tình bạn trung thành, qúy trọng và giúp đỡ bạn lúc hàn vi, khiêm tốn lui vào bóng tối lúc bạn ở trên tuyệt đỉnh danh vọng, và không bao giờ bỏ rơi bạn khi bạn ngã ngựa, trái lại hết sức cố gắng làm cho hậu thế hiểu đúng về bạn hầu đem công chính trả lại cho bạn.
Trần Vinh
Mùa Lễ Tạ Ơn, tháng 11 năm 2007
CHÚ THÍCH:
1. Ông nghè Nguyễn Tư Giản sinh tại Bắc Ninh năm 1823, đậu tiến sĩ năm 22 tuổi dưới triều Thiệu Trị (1841- 1847), làm quan triều Tự Đức (1848-1883). Năm 1882, tiến sĩ đã từ quan về Phát Diệm mở trường dậy học theo lời mời của bạn là Cụ Sáu Trần Lục và qua đời tại đây năm 1890.
2. Ông Huỳnh Văn Lang về nước năm 1954, làm Tổng giám đốc Viện hối đoái Quốc gia VN, giáo sư Đai học Sư phạm, sáng lập kiêm chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Bách Khoa, sáng lập một số công ti, tác phẩm Nhân Chứng Một Chế Độ đoạt giải nhất Văn Bút VN 1972. Ông Đỗ Vạng Lí là viên chức cao cấp; theo cuốn hồi kí Công Và Tội của Nguyễn Trân, Xuân Thu xuất bản, trang 399 thì có lẽ chính là ông đã được Tổng thống Ngô Đình Diệm cử làm Đại sứ tại Hoa Thịnh Đốn thay thế ông Đại sứ Trần Văn Chương bị cất chức, nhưng HTĐ muốn cản trở nên không chấp nhận việc trình ủy nhiệm thư của ông (trong hồi kí viết là Đỗ Văn Lý, có lẽ là một sai sót?). Ông Bùi Công Văn là nhân viên của Đài Tiếng Nói Hoa Kì VOA (Voice Of America). Ông Búi Kiến Thành là chuyên gia tài chánh và kinh tế ở Hoa Kì, Pháp và Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Linh, Giáo sư, Tổng giám đốc Việt Tấn Xã. Bác sĩ Nguyễn Văn Thơ, Tổng trưởng Giáo dục VNCH trong Nội các Nguyễn Cao Kỳ năm 1965. Bà Nguyệt Minh, Nghị sĩ VNCH, bà cũng là phu nhân của Bác sĩ Nguyễn Văn Thơ. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa là Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn, giáo sư Đại học tại Hoa Kì. Sự hiểu biết của chúng tôi ở đây có hạn chế, xin các vị tiền bối lượng thứ cho.
3. Cách đây khoảng 20 năm, thầy Kiệm đi Virginia thăm ông bà Bùi Công Văn lần chót, thầy vẫn thấy trong album gia đình họ Bùi còn lưu giữ tấm hình cụ Ngô chụp sánh bước với thầy khi hai vị đi dạo gần nhà ông bà Bùi Công Văn. Tấm hình này do chính ông Bùi Công Văn xin cụ Ngô cho phép chụp.
4. Hồi cuối thánh 6.1954, tại Cannes, ông Bùi Diễm hỏi Quốc trưởng Bảo Đại: ‘Thưa Ngài, Ngài thấy ông Diệm thế nào?. Quốc trưởng Bảo Đại trả lời: ‘Ông Diệm cũng có thể là một giải pháp, nhưng theo anh, ông Diệm có được Mỹ ủng hộ không?’ Ông Bùi Diễm hỏi lại: ‘Thưa Ngài, sao Ngài không hỏi thẳng người Mỹ?’
Cũng theo lời ông Bùi Diễm: ‘Vào cuối năm 1991, tôi có dịp trở lại thăm Cựu Hoàng Bảo Đại ở Ba lê. Trở lại chuyện cũ, tôi có hỏi ông về vấn đề này, thì ông trả lời rằng: vào thời kỳ đó, thái độ của Hoa Kỳ cũng không có gì rõ rệt cả, tuy nhiên ông quyết định chọn ông Diệm vì ông cho rằng trong số những nhân vật làm chính trị ở miền Nam lúc đó, ông Diệm rõ rệt là người ít dính líu đến người Pháp trong những năm về sau này, nên có thể dễ được người dân ủng hộ hơn những người khác….’ Khi nói về chuyện Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Ông Bùi Diễm thuật lại như sau: ‘…Tuy nhiên, trong dịp gặp lại tôi năm 1991, ông (Bảo Đại) không hề tỏ lời oán trách ông Diệm’. (Bùi Diễm. Gọng Kìm Lịch Sử. Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000. Trang 144 và Chú thích trang 146, 147).
5. Đoàn Thêm. Việc Từng Ngày. Xuân Thu xuất bản. Trang 148.
6. Các tác giả người Việt như các vị: Lm.Vũ Đình Hoạt, Ls.Lâm Lễ Trinh (Bộ trưởng), Gs.Tôn Thất Thiện (Tổng trưởng), Cựu Tổng giám đốc Viện hối đoái Huỳnh Văn Lang, Chính khách Nhị Lang, Ls.Nguyễn Văn Chức (Nghị sĩ), Kí giả Nguyễn Trọng, Ls. Trương Tử Phòng Phạm Kim Vinh (Xin đọc Việt Nam Tự Do - Từ Ngô Đình Diệm Đến Lưu Vong, Tủ Sách Phạm Kim Vinh, 1987. Đặc biệt xin đọc trang 218 và trang bìa sau của cuốn sách. Trong cuốn VN Máu Lửa Quê Hương Tôi. Văn Nghệ xuất bản, trang 527 và 529, ông Đỗ Mậu lại đưa ra chứng cớ Ls. Phạm Kim Vinh nhận định trái ngược về cùng một vấn đề), Nhà văn Hoàng Hải Thủy, Gs.Cao Thế Dung, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ (Tỉnh trưởng Thừa Thiên - Huế), Đại úy Đỗ Thọ (Đại úy 1963), Trung tá Nguyễn Văn Minh, Tiến sĩ Sử Hoàng Ngọc Thành, Gs.Thân Thị Nhân Đức, Gs. Nguyễn Lý Tưởng (Dân biểu), Thẩm phán Lữ Giang Nguyễn Cần, Thẩm phán Phan Thiết Nguyễn Kim Khánh, Nhà biên khảo Minh Võ, Ls.Trương Phú Thứ, Kí giả Vĩnh Phúc, Tiến sĩ Sử Phạm Văn Lưu, Tiến sĩ Sử Nguyễn Ngọc Tấn, Tiến sĩ Sử Nguyễn Kỳ Phong…
Trong nước, với những điều kiện cực kì khó khăn, vẫn có những tác giả viết về các nhân vật lịch sử cận đại khá công minh, chẳng hạn như tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang. Tên thật là Phan Kim Thịnh, nguyên Thư kí Tòa soạn Nguyệt san Quê Hương (Sài Gòn, 1960-1962), nguyên Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tạp chí Văn Học (Sài Gòn 1962-1975). Tác phẩm như: Trần Lệ Xuân - Giấc Mộng Chính Trường, Một Phù Thủy Làm Quân Sư Cho Ngô Đình Diệm, Bảo Đại Vị Vua Triều Nguyễn Cuối Cùng, Nam Phương Hoàng Hậu Cuối Cùng Triều Nguyễn, Thiệu - Kỳ - Một Thời Hãnh Tiến - Một Thời Suy Vong…
Các tác giả nước ngoài như: Tổng thống R.Nixon (No more Vietnams), Tướng M. Taylor (Swords and Plowshares), Kí giả Marguerite Higgins (Our Vietnam Nightmare), Tiến sĩ Ellen Hammer (A Death In November), Tiến sĩ Francis X.Winters (The Year of The Hare), Tiến sĩ Mark Moyar (Triumph Forsaken)…