ĐẠI CHỦNG VIỆN NOG6I LỜI, Epworth, Iowa (21.2.2009) - Ðể chuẩn bị tâm hồn bước vào Mùa Chay, các chủng sinh, cùng với 15 soeurs và 4 cha Việt Nam hiện đang theo học Anh Văn (ESL), đã cùng nhau tĩnh tâm một ngày cuối tuần. Ðề tài chính cho ngày tĩnh tâm là Trở Về Với Chúa, do Cha Phêrô Võ Tá Ðề, SVD, Chánh Xứ Chúa Phục Sinh, St. Louis, Missouri hướng dẫn.

Chương trình dự định là tĩnh tâm một nơi khác ngoài khung cảnh quen thuộc của Ðại Chủng Viện, nhưng bão tuyết mùa Ðông phủ trắng đồng, đã cản bước các tâm hồn đầy thiện chí sẵn sàng vọng ngoại cho một ngày cuối tuần. Vào phút cuối Cha Giám luật, Lưu Mai Khiên, đã phải huỷ hẹn với hai xe buýt lớn và chỗ tĩnh tâm. Ai nấy đều ca:

Trời Ðông, bão tuyết, đi đâu?
Tĩnh tâm tại chỗ, càng sâu tình Ngài
.

Mở đầu chương trình bằng Kinh Sáng, do Cha Hoàng Cao Thăng hướng dẫn. Hình ảnh từ Thánh vịnh 51 với tâm tình thống hối đã nâng tâm hồn mọi người lên cùng Chúa. Kế đến, Cha Lưu Mai Khiên, giới thiệu Cha hướng dẫn tĩnh tâm, là người cũng đã tham dự lớp ESL tại Ðại Chủng Viện Ngôi Lời mùa Ðông 1981, hôm nay “trở về mái nhà xưa” với đề tài “Trở về với Chúa.”

Trở về với Chúa từ nhân,
Người đang mời gọi ân cần ngóng trông.
Bao ngày ta đã đi rông,
Về đây hưởng lấy tình nồng Chúa ban.
Ngồi chung với Chúa đồng bàn,
Rượu ngon Người rót đầy tràn cho ta.
Ân tình phúc lộc chan hoà,
Ðất Trời giao kết bao là hân hoan
.

Cha đã kỹ lưỡng dọn bài có phụ đề Việt ngữ để giúp cho các soeurs và cha Việt Nam đang trong chương trình ESL có thể lĩnh hội ý chính của ngày tĩnh tâm. Bình thường cha Ðề vẫn tóm ý bài chia sẻ với những câu hò lơ, nhưng trong hoàn cảnh đa văn hoá của Ðại Chủng Viện, cha đã không hò lơ, một chỉ để những câu hò trong phần phụ đề.

Cha lướt qua lịch sử mùa Chay trong Hội Thánh, ý nghĩa mùa Chay xưa và nay để dẫn người nghe vào tâm tình “Trở Về Với Chúa.” Ðể trở về, cần phải khước từ tội lỗi, hưởng lòng Chúa từ nhân qua Bí Tích Hòa Giải. Hình ảnh tội được diễn tả qua “hồ cá sấu” nguy hiểm và Chúa Thánh Thần là động lực chính giúp cho mỗi tội nhân bơi qua hồ cá sấu thiêng liêng, hoán cải.

Thánh Thần xin Chúa đổ tuôn,
Ơn Ngài soi dẫn suốt luôn ngày này.
Xin cho ai nấy đổi thay,
Cuộc đời hoán cải từ nay thực lòng
.

Cha giúp người nghe thay đổi ý niệm về “việc đền tội.” Rất nhiều người cho rằng đọc một vài kinh, hoặc ngay cả lần hai hay ba tràng hạt là đủ để đền tội. Cha cho biết đọc kinh không phải đền tội. Nếu đọc kinh là đền tội, thế thì cứ mỗi sáng hoặc mỗi tối chúng ta đọc kinh là làm việc đền tội hay sao? Cứ mỗi Chúa Nhật, chúng ta họp nhau đọc kinh là làm việc đền tội hay sao? Chắc hẳn không phải là thế! “Tội khi quân” là tội đáng chết, có khi bị “tru di tam tộc,” huống hồ phạm đến Chúa là Ðấng Cực Thánh, chắc hẳn là phải án chết. Thế thì, đọc kinh là để ca ngợi, chúc tụng và cảm tạ Chúa vì Chúa quá nhân từ tha thứ tội lỗi cho chúng ta, cho dẫu tội của chúng ta là tội đáng chết.

Một ý tưởng khác liên hệ đến Bí Tích Hòa Giải, là năng lãnh nhận, thay vì lười biếng hoặc khước từ. Một số người chủ trương: vì cứ xưng đi rồi phạm lại, tại sao phải xưng mãi? Chi bằng không cần xưng tội là xong! Cha dùng hình ảnh rửa chén bát sau mỗi bữa ăn. Biết rằng hôm sau chén bát sẽ bẩn trở lại, tại sao phải rửa hôm nay? Tại sao không để bẩn như vậy, rồi hôm sau sẽ dùng lại chén bát bẩn đó? Một cách tương tự, biết rằng ngày hôm sau sẽ đói trở lại, tại sao phải ăn hôm nay? Cho dẫu ngày hôm sau sẽ đói lại, nhưng cần phải ăn hôm nay, vì hôm nay đang đói, và qua tiến trình đói-no đó, con người lớn lên. Việc xưng tội cũng thế, cho dẫu biết rằng sẽ phạm tội trở lại trong tương lai, cần xưng tội, để qua những lần xưng tội đó, con người lớn lên trong đường thiêng liêng. Ðó là ý tưởng chúng ta cần có về việc siêng năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, đặc biệt trong mùa Chay, để “Trở Về Với Chúa.”

Trở về với Chúa từ nhân,
Hưởng lòng từ ái muôn phần sướng vui.
Ở chi trong tội ngập vùi?
Ðể rồi đau khổ ngậm ngùi bi ai?
Ai gồng gánh nặng hai vai,
Về đây hưởng phúc lâu dài yêu thương
.

Trở về để hưởng lòng từ ái bao la của Chúa, Ðấng luôn tha thứ và yêu thương “vô điều kiện” (unconditional love) như hình ảnh trong bài đọc Chúa Nhật ngày mai (Chúa chữa lành người bất toại). Ðừng nản lòng, đừng thất vọng vì tính yếu đuối con người cứ sa đi ngã lại. Ðiều quan trọng là cố gắng trở về. Ðể hỗ trợ ý tưởng này, cha hướng dẫn cho mọi người xem một khúc video dài 2 phút 40 trong đó (www.maniacworld.com/are-you-going-to-finish-strong.html), anh thanh niên tên Nick Vujicic không có tay, không có chân, khi ngã xuống, đã cố gắng vươn dậy, ngay cả 100 lần, mãi cho đến khi đứng dậy được... Chúa vẫn yêu thương đợi chờ chúng ta trở về và trở về. Video về anh Nick Vujicic kết thúc bài chia sẻ của cha hướng dẫn, để mọi người chuyển sang phần thảo luận trong từng nhóm nhỏ. Tất cả có 6 nhóm: 1 nhóm được cha SVD Mỹ hướng dẫn; 5 nhóm còn lại đều do các cha SVD Việt Nam: Cha hướng dẫn ngày tĩnh tâm, cha Giám luật, cha Hoàng Cao Thăng, cha Nguyễn Khả (cha giáo thần học) và cha Phạm Xuân Thu (Văn phòng Phát Triển). Giờ thảo luận kết thúc, chuyển sang ăn trưa.

Trở về với Chúa để nhận sự thứ tha (forgiveness) và hưởng tình yêu vô điều kiện của Chúa (unconditional love) và đó là bài chia sẻ ban chiều.

Lòng Cha độ lượng bao la,
Sao con không biết mãi đà chạy rông?
Về đây hưởng lấy tình nồng,
Cha ban cho cả, nhọc công đâu bằng
.

Khi trở về với Chúa qua Bí Tích Hòa Giải, để giao hòa với Chúa, với tha nhân, và với chính mình, sẽ tạo ra niềm vui (Joy). Cha hướng dẫn sắp chữ tiếng Anh (J-O-Y) Jesus, Others, You “Chúa Giêsu + Tha nhân + Bạn sẽ tạo nên niềm vui.” Ðồng thời tạo ra sự hiệp nhất (Unity), được cha đánh vần và sắp chữ như sau: U-N-I-T-Y nghĩa là You & I Together Yahweh = “Bạn và tôi cùng với Giavê sẽ tạo ra hiệp nhất.” Nếu chúng ta gần Chúa, sẽ gần với anh chị em đồng loại và tạo ra hiệp nhất. Hình ảnh này được diễn tả bằng một vòng tròn các soeurs, cha, chủng sinh nắm tay nhau; khi dang tay thật rộng, sẽ xa trung tâm (biểu tượng Chúa - qua cuốn Thánh Kinh), khi mọi người thu hẹp vòng tròn, vai sát vai, và gần trung tâm (Chúa - Thánh Kinh).

Tình yêu của Chúa cũng được diễn tả qua “Lá Thư của Chúa” (God’s letter). Trong đó Chúa nói Chúa sẽ lo lắng cho từng người một cách riêng. Các soeurs cảm thấy được an ủi khi xem một “slide” trong lá thư chiếu lên với sóng biển dập dồn và hàng chữ Chúa nói: “If you struggle with English, please think of many people who do not even know how to read or write their own language” (Nếu con đang đánh vật với Anh ngữ, xin con hãy nghĩ đến biết bao người không biết đọc và viết ngay cả tiếng của họ.” Chúa hằng quan tâm cho từng người và an ủi, vỗ về, đỡ nâng. Ðiều quan trọng là mỗi người có cảm nhận được hay không. Cũng để diễn tả tình yêu của Chúa như một người cha lo lắng cho con mình, cha hướng dẫn cho mọi người xem một video 4 phút 34 giây về cha con Hoyts (Dick & Rick): người cha Dick sẵn sàng tập luyện thể dục để tham dự các cuộc thi chạy, bơi, xe đạp, v.v…cho người con tàn tật (www.teamhoyt.com)

http://www.tangle.com/view_video.php?viewkey=8cf08faca5dd9ea45513.. Kèm theo trong video này là bài hát “My Redeemer Lives” của Nicole C. Mullen và video kết thúc với câu: “I can do all things through Him who strengthens me” (Tôi có thể làm mọi sự trong Ðấng làm cho tôi nên mạnh) (Phil 4:13). Video kết thúc bài chia sẻ ban chiều.

Kế đến, giờ thinh lặng và cũng là giờ cho những ai muốn lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Một số soeurs vui mừng vì có dịp lãnh nhận Bí tích bằng tiếng Việt với cha hướng dẫn trong môi trường đa văn hoá của Ðại Chủng Viện.

Kết thúc chương trình ngày tĩnh tâm là Thánh Lễ. Bài đọc I với thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 11:1-7) nói về đức tin và Phúc Âm nói về Chúa biến hình trên núi (Mc 9:2-13). “Rabbi, it is good that we are here” (Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm). Cha hướng dẫn nói ngài sung sướng có mặt trở lại trong “mái nhà xưa.” Câu Phúc Âm này cũng áp dụng cho 4 cha và 15 soeurs Việt Nam theo học Anh Văn tại Ðại Chủng Viện Ngôi Lời, một điều khó lòng hay chưa từng thấy bên Việt Nam hoặc có thể ngay cả tại Hoa Kỳ: các cha, các soeurs và chủng sinh sống chung trong một Ðại Chủng Viện [Ðương nhiên, các soeurs ở một nhà riêng trong khuôn viên Ðại Chủng Viện!]. Phải chăng đây là lãnh vực mới mà Dòng Ngôi Lời đã tiên phong dọ dẫm bước vào? Phải chăng đây là một giới tuyến mới trong khía cạnh truyền giáo? Dòng Ngôi Lời không chỉ giới hạn việc đào tạo, giúp đỡ cho thành viên của mình, nhưng muốn mở rộng ra cho các thành viên các Dòng, hoặc các Ðịa phận, nam cũng như nữ. Ðó là lãnh vực đức tin (bài đọc I) và cũng là lãnh vực truyền giáo cần được biến hình (Phúc Ấm). Xin mở ngoặc chỗ này (Phải chăng đây là lịch sử lặp lại? Mùa hè năm 1975-1976, Ðại Chủng Viện Ngôi Lời đã mở khóa học Anh Văn cho một số linh mục, tu sĩ nam nữ Việt Nam trong những ngày đầu đời tị nạn trên đất Hoa Kỳ)… Xin mọi người cầu nguyện cho chương trình mới này của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời.

Tạ ơn Chúa, ngày tĩnh tâm với đề tài “Trở Về Với Chúa” qua mau, dường như quên cả thời gian, mặc dầu bên ngoài vẫn tuyết rơi, giá lạnh, nhưng tình Chúa hâm nóng tâm hồn những người tham dự.

Chân thành cảm tạ Chúa ơi,
Làm sao con nói nên lời?
Tình Chúa thật quá tuyệt vời
Dìu con mọi bước trong đời
,

Ðại Chủng Viện Ngôi Lời, Epworth, Iowa (www.dwci.edu)