Đóng góp có ý nghĩa nhất đối với học thuyết xã hội Công Giáo

Michael Sean Winters, một nhà bình luận khác của tuần báo The America, nhận định rằng thông điệp Đức Ái Trong Sự Thật là một đóng góp có ý nghĩa nhất của Đức Bênêđíctô cho học thuyết xã hội Công Giáo. Điều đáng nói là ngài đã chọn sắp xếp tư tưởng của ngài vào ngay dịp kỷ niệm năm thứ 40 ngày thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc của Đức Phaolô VI được ban hành, một thông điệp thường bị các nhà bảo thủ phê phán mạnh mẽ vì đã tỏ ra hoài nghi chủ nghĩa tư bản và đã không mập mờ bênh vực người nghèo. Điều đáng nói nữa là lần đầu tiên, Đức Thánh Cha đã minh nhiên nối kết các giáo huấn xã hội của Giáo Hội với các giáo huấn về hạn chế sinh sản và phá thai. Thực vậy, tĩnh từ “toàn diện” (integral) tìm thấy cùng khắp trong văn kiện và tĩnh từ này chưa bao giờ được nổi tiếng trong giới cấp tiến. Bởi thế, khi bạn nghe phe tả hay phe hữu lựa lọc, chia cắt bản văn, thì bạn nên nhớ rằng trong bản văn đó, quả ai cũng có phần và xét trong toàn vẹn tính trí thức của nó, ta thấy có điều gì đó cả phe tả lẫn phe hữu đều phải bất đồng.

Giống mọi trước tác khác của Đức Bênêđíctô XVI, “Đức Ái Trong Sự Thật” được lý luận một cách chặt chẽ, rất cô đọng về thần học, và phải được nghiên cứu về lâu về dài. Theo Winters, sau đây là một số điểm nổi bật.

Xét về trọng điểm, khuôn khổ nhân học của Đức Bênêđíctô đối với giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã được ngài trình bày trong mấy giòng sau đây: “Con người không phải là một nguyên tử mất hút trong một vũ trụ tình cờ: nhưng họ là tạo vật của Thiên Chúa, được Thiên Chúa quyết định phú ban cho một linh hồn bất tử và được Người yêu thương mãi mãi. Nếu con người chỉ là hoa trái của may rủi hay tất yếu, hoặc họ phải hạ thấp các khát vọng của mình xuống chân trời hữu hạn của thế giới họ đang sống, hoặc nếu mọi thực tại chỉ là lịch sử và văn hóa, và con người không có được một bản nhiên biết qui hướng về việc tự siêu việt chính mình trong cuộc sống siêu nhiên, thì người ta chỉ có thể nói tới lớn lên, hay biến hóa, chứ không phải phát triển” (số 29). Nhận định này quả đưa tới một nền nhân bản đích thực. Ngài trích dẫn Đức Phaolô VI như sau: “Sẽ không có nền nhân bản đích thực nào khác ngoài nền nhân bản biết mở cửa đón nhận Đấng Tuyệt Đối, và ý thức được ơn gọi đem lại cho sự sống nhân bản ý nghĩa đích thực của nó” (số 16). Thực vậy, lý do tại sao các hệ thống xã hội của ta, nền chính trị và kinh tế của ta phải bắt rễ nơi Thiên Chúa là vì chỉ có Thiên Chúa mới là nguồn gốc của mọi thứ hiệp hội kia, biết nói lên việc phải thế nào mới là nhân bản: “Dù xã hội ngày một trở nên hoàn cầu hóa hơn bao giờ hết, nó vẫn chỉ có thể làm ta trở nên láng giềng nhưng không làm chúng ta trở nên anh em. Tự nó, lý trí có thế nắm bắt được tính bình đẳng giữa mọi người và đem lại sự vững ổn đối với việc sống chung có tính công dân, nhưng nó không có khả năng tạo ra tình huynh đệ. Điều này chỉ có thể phát sinh trong ơn gọi siêu việt từ Thiên Chúa Cha, Đấng đã yêu thương ta trước, và qua Chúa Con đã dạy ta biết đức ái huynh đệ là gì” (số 19).

Theo Winters, có lúc giọng điệu của Đức Bênêđíctô XVI nghe sao mà gống Obama đến thế: “Cuộc khủng hoảng hiện nay buộc chúng ta phải đặt kế hoạch lại cho cuộc hành trình của mình, phải đặt để cho mình các luật lệ mới và phải khám phá ra các hình thức mới để cam kết dấn thân, phải bồi đắp các kinh nghiệm tích cực và phải bác bỏ các kinh nhgiệm tiêu cực. Trong tinh thần này, ta phải giải quyết các khó khăn của thời hiện tại với lòng tự tin chứ không phải chịu đựng” (số 21). Nhưng có lúc, ngài lại ủng hộ cái cảm xúc mà chắc chắn cả Obama lẫn các nhân viên của ông khó lòng đồng cảm được: “Xác tín cho rằng con người tự đủ cho chính mình và có thể thành công loại bỏ được sự ác đang hiện diện trong lịch sử, bằng chính hành động riêng của mình, đã từng dẫn con người tới việc lẫn lộn hạnh phúc và cứu độ với các hình thức nội tại của thịnh vượng vật chất và hành động xã hội. Còn nữa, xác tín cho rằng kinh tế phải tự chủ, phải thoát khỏi các ảnh hưởng có tính luân lý, đã dẫn con người tới chỗ lạm dụng diễn trình kinh tế một cách hoàn toàn phá hoại. Trong trường kỳ, các xác tín ấy đã dẫn các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị tới chỗ chà đạp lên tự do bản thân và tự do xã hội, và do đó hết khả năng đem lại công lý như lời họ hứa hẹn” (số 34).

Winters cho rằng Đức Thánh Cha có một khả năng lạ kỳ biết nhìn vào hoàn cảnh và đưa ra một nhận xét làm bạn phải vỗ trán mà ước ao phải chi mình viết ra được những lời như thế. Trong thông điệp này, Winters cho rằng đó là những lời sau đây: “Đừng ai quên rằng việc thương mãi hóa càng ngày càng nhiều đối với các trao đổi văn hóa ngày nay sẽ dẫn đến nguy cơ hai mặt. Thứ nhất, người ta sẽ nhận ra một thứ chủ nghĩa chiết trung văn hóa (cultural eclecticism) đôi khi được họ chấp nhận một cách không phê phán: các nền văn hóa nguyên tuyền được xếp bên cạnh nhau và một cách chủ yếu được coi tương đương như nhau và có thể thay thế cho nhau. Điều này dễ dàng đưa tới chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa vốn không phục vụ gì cho cuộc đối thoại văn hóa chân chính; trên bình diện xã hội, chủ nghĩa tương đối về văn hóa sẽ mang lại hậu quả này là tuy các nhóm văn hóa cùng hiện diện bên cạnh nhau, nhưng chúng vẫn tách biệt nhau, không hề có đối thoại đúng nghĩa và do đó, không có hội nhập thực sự vào nhau. Thứ hai, nguy cơ đối nghịch hẳn lại là nguy cơ san bằng văn hóa và chấp nhận hổ lốn (indiscriminate) mọi kiểu loại tác phong và lối sống. Theo cách này, người ta đã đánh mất tầm nhìn, không thấy ra ý nghĩa sâu sắc trong nền văn hóa của các quốc gia khác nhau, trong các truyền thống của các dân tộc khác nhau, những nền văn hóa và truyền thống họ thường dùng để định nghĩa về chính mình trong tương quan với các vấn đề căn bản của đời người. Điều có chung giữa chủ nghĩa chiết trung và chủ trương san bằng văn hóa là việc tách văn hóa ra khỏi bản nhiên con người. Như thế, các nền văn hóa không còn tự định nghĩa được mình trong một bản nhiên có thể vượt quá chúng, và con người cuối cùng bị rút gọn lại chỉ còn là những con số thống kê về văn hóa mà thôi. Khi điều ấy xẩy ra, nhân loại sẽ rơi vào các nguy cơ nô lệ và bị thao túng mới” (số 26). Theo Winters, nếu những giòng này không sáng chói, thì chả có điều chi sáng chói cả.

Cũng theo Winters, món ăn kinh tế quan trọng nhất có thể mang theo là điều Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng: đức tin dạy ta biết nhận định một cách hết sức nền tảng. Ngài viết: “Đức ái không phải là điều phụ thuộc được thêm vào, giống như một thứ phụ chương thêm vào một công trình đã được kết luận trong mỗi khoa riêng biệt: nó đem các khoa ấy vào cuộc đối thoại ngay từ lúc ban đầu. Các đòi hỏi của đức ái không mâu thuẫn với các đòi hỏi của lý trí” (số 30). Các nhóm doanh gia Công Giáo như Legatus (1) thường hay coi các đòi hỏi của đức ái như một thứ đạo đức thêm vào, chứ không như một điều phải tác động tới lối cư xử của họ đối với công nhân, đối với môi trường và đối với mọi người bị việc mưu cầu lợi nhuận của họ ảnh hưởng tới. Đức Giáo Hoàng phân biệt giữa người góp phần (stakeholders) và người góp vốn (shareholders) và ngài nhấn mạnh rằng trước nhất, các công ty phải xem sét tới phúc lợi của người góp phần, tức các công nhân, khu phố, các thế hệ tương lai, tất cả đều có quyền tinh thần đối với các quyết định của công ty.

Đức GH Bênêđíctô cũng có khiếu trong việc sử dụng một chữ thông thường và bơm cho nó một sức sống hết sức mới.”Một trong những hình thức nghèo khó sâu xa nhất mà một con người có thể cảm nhận được là sự cô lập. Nếu ta quan sát kỹ các hình thức nghèo khó khác, gồm cả các hình thức nghèo khó vật chất, ta sẽ thấy chúng đều phát sinh từ sự cô lập, từ việc không được yêu thương hay khó khăn không biết yêu thương. Nghèo khó thường phát sinh do việc khước từ tình yêu Thiên Chúa, bởi khuynh hướng căn bản và đáng buồn của con người chỉ muốn thu mình vào chính mình, nghĩ mình tự là đủ cho chính mình, hay mình chỉ là một sự kiện vô nghĩa, phù du, một “kẻ xa lạ” giữa một vũ trụ tình cờ” (số 53). Các tĩnh từ “căn bản và đáng buồn” cho thấy các ảnh hưởng sâu sắc của Thánh Augustinô vẫn còn hiện diện và tác động tới Đức Bênêđíctô và Giáo Hội.

Điều cần, theo Winters, là phải đọc đi đọc lại thông điệp hết sức cô đọng này. Ông cho rằng ngay những người chỉ trích Đức Bênêđíxctô cũng phải ca ngợi tính sâu sắc trong tư duy của ngài, trong việc thăm dò, tìm kiếm sự thật, trong phong cách diễn tả đầy thú vị và giá trị thần học nơi các trang ngài viết. Ngài trình bày cho ta một cái nhìn về điều một xã hội và một nền kinh tế được nền nhân bản Kitô giáo sinh động hóa phải như thế nào. Xã hội và nền kinh tế ấy chắc chắn khác với cái xã hội và nền kinh tế ta đang sống.

Công lý kinh tế

Linh mục J. Rees, Dòng Tên, cựu chủ bút tuần báo The America, và hiện là nhà nghiên cứu lão thành tại Trung Tâm Thần Học Woodstock của trường ĐH Georgetown, có viết một nhận định trên tờ Neesweek về thông điệp mới của Đức Bênêđíctô XVI. Theo cha Rees, thông điệp mới này mời gọi ta triệt để suy nghĩ lại khoa kinh tế học để không những nó được điều hướng bởi lợi nhuận mà còn bởi “một đạo đức học lấy con người làm trung tâm”.

“Lợi nhuận hữu ích nếu được dùng như một phương thế hướng tới một mục đích”, Đức Giáo Hoàng viết như thế trong Đức Ái Trong Sự Thật, nhưng “một khi lợi nhuận trở thành mục tiêu độc chiếm, khi nó phát sinh từ các phương thế bất chính, không lấy ích chung làm mục tiêu sau cùng, liều mình nó sẽ hủy hoại chính sự thịnh vượng và tạo ra nghèo khó”.

Ngài cho rằng: “Thối nát và bất hợp pháp, bất hạnh thay, đang hết sức hiển nhiên trong tác phong của giai cấp kinh tế và chính trị tại cả các quốc gia giầu lẫn các quốc gia nghèo”. Ngài thêm rằng: “các nhà tài chánh phải tái khám phá ra nền tảng đạo đức thật sự trong sinh hoạt của họ, để đừng lạm dụng các phương tiện tân tiến mà phản bội lại quyền lợi của người dành dụm”.

Giống như Đức Phaolô VI mà thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc được ngài kỷ niệm, Đức Bênêđíctô XVI quan tâm tới “gương mù quá lộ liễu về tình trạng bất bình đẳng”. Cả hai vị giáo hoàng đều hy vọng rằng phát triển kinh tế sẽ “đem lại sự lớn mạnh thật sự, có lợi cho mọi người và thực sự sống còn được”. Ngài tỏ ra thất vọng mà nhìn nhận rằng: “Thịnh vượng của thế giới tăng trưởng một cách tuyệt đối, nhưng các bất bình đẳng thì càng ngày càng gia tăng”.

Ngài quả quyết: “Phẩm giá của cá nhân và các đòi hỏi của công lý buộc rằng các lựa chọn kinh tế không được khiến cho các bất bình đẳng về thịnh vượng gia tăng một cách quá độ và không thể chấp nhận được về phương diện luân lý, và chúng ta phải tiếp tục đặt ưu tiên cho mục tiêu làm cho ai cũng có công ăn việc làm ổn định’.

Trong thông điệp, Đức Bênêđíctô cũng kêu gọi phải để sự thật hướng dẫn đức ái. “Đức ái đòi phải có công lý: tức biết nhìn nhận và tôn trọng các quyền lợi chính đáng của cá nhân và các dân tộc. Công lý phải được áp dụng vào mọi giai đoạn của sinh hoạt kinh tế, vì việc này luôn liên hệ tới con người và các nhu cầu của họ… Đặt các tài nguyên, việc cung cấp tài chánh, việc sản xuất, việc tiêu thụ và mọi giai đoạn khác vào chu kỳ kinh tế nhất thiết sẽ đem lại các hệ quả luân lý. Do đó, mọi quyết định kinh tế đều có một hậu quả luân lý”.

Ngài cho rằng từ ngày thông điệp của Đức Phaolô VI được công bố đến nay, ta thấy xuất hiện việc hoàn cầu hóa. Nhưng tiếc thay, “xã hội càng trở nên hoàn cầu hóa hơn, thì nó càng chỉ làm ta thành người láng giềng, chứ không thành anh em”. Đối với Đức Bênêđíctô, “phát triển con người thực sự, trước hết, tùy thuộc việc thừa nhận rằng loài người là một gia đình duy nhất cùng làm việc với nhau trong hiệp thông, chứ không phải chỉ là một nhóm chủ thể tình cờ sống cạnh nhau”. Mục tiêu của một phát triển như thế là “trước hết và trên hết, phải cứu con người khỏi đói khát, thiếu thốn, bệnh tật và mù chữ kinh niên”.

Trong một giọng điệu giống cán bộ nghiệp đoàn, Đức Bênêđíctô biện luận rằng “hạ thấp mức bảo vệ vốn dành cho các quyền lợi của công nhân, hay từ bỏ các cơ cấu phân phối của cải để gia tăng thế cạnh tranh của một quốc gia trên thị trường quốc tế, sẽ gây trở ngại cho việc đạt được sự phát triển lâu bền”.

Đúng hơn, mục tiêu phải là việc làm xứng đáng cho mọi người, “nghĩa là một công việc có thể nói lên phẩm giá yếu tính của mọi người đàn ông và đàn bà trong bối cảnh xã hội đặc thù của họ: một công việc được tự do chọn lựa, có thể hữu hiệu kết hợp mọi công nhân vào việc phát triển cộng đồng của họ; một công việc giúp các công nhân được tôn trọng và thoát khỏi bất cứ hình thức kỳ thị nào; một công việc giúp các gia đình có thể thoả mãn các nhu cầu của họ và cung cấp việc học cho con cái họ, và con cái họ không buộc phải bước vào lao động; một công việc cho phép công nhân được tự do tổ chức với nhau, và làm cho tiếng nói của họ được nghe; một công việc có chỗ để họ tái khám phá ra gốc gác của họ trên bình diện bản thân, gia đình và tâm linh; một công việc bảo đảm cho bất cứ ai về hưu có được một tiêu chuẩn sống xứng đáng”.

Đức Giáo Hoàng không đồng ý với những người tin rằng nền kinh tế phải thoát khỏi qui định của chính phủ. Ngài viết: “Xác tín cho rằng nền kinh tế phải được tự chủ, tránh khỏi mọi ‘ảnh hưởng’ có tính luân lý, từng dẫn con người tới chỗ lạm dụng diễn trình kinh tế một cách hoàn toàn có tính phá hoại. Xét về lâu về dài, các xác tín đó từng dẫn các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị tới chỗ chà đạp lên quyền tự do của bản thân và của xã hội, và do đó, không có khả năng đem lại công lý như lời đã hứa”.

Đức Bênêđíctô cũng ủng hộ “một trật tự chính trị, tài phán và kinh tế có thể gia tăng và hướng dẫn việc hợp tác quốc tế để phát triển mọi người trong tình liên đới; quản lý nền kinh tế hoàn cầu; làm sống lại các nền kinh tế đang gặp khủng hoảng; tránh bất cứ tệ hại thêm nào đối với cuộc khủng hoảng hiện nay và sự bất quân bình lớn hơn có thể sẽ xẩy ra; đem lại một giải giới toàn diện và đúng lúc, an toàn thực phẩm và hoà bình; bảo đảm việc bảo vệ môi sinh và điều hòa vấn đề di dân: để thực hiện tất cả những điều này, điều cấp bách là phải có một thẩm quyền chính trị thế giới thực sự, như vị tiền nhiệm của tôi là Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII từng chỉ ra mấy năm trước đây”.

Dù nhìn nhận vai trò của thị trường, Đức Bênêđíctô vẫn nhấn mạnh rằng “học thuyết xã hội của Giáo Hội đã không ngừng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công bằng phân phối và công bằng xã hội đối với nền kinh tế thị trường”. Ngài nhiệt liệt ủng hộ “việc tái phân phối của cải” khi nói tới vai trò của chính phủ. Ngài viết: “Các bất quân bình trầm trọng sẽ phát sinh khi hoạt động kinh tế, vì chỉ được quan niệm như một cỗ máy tạo của cải, nên đã tách rời khỏi hoạt động chính trị, vốn được quan niệm như phương thế mưu cầu công bằng qua việc tái phân (của cải)”.

Linh mục Rees cho rằng: mặc dù Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới các nền tảng thần học trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, nhưng nếu dựa vào các nhận xét trên đây, người ta sẽ thấy ngài nghiêng về phía tả đối với hầu hết các nhà chính trị tại Mỹ. Có nhà chính trị nào dám nói đến việc tái phân của cải hay không, hay nói tới các cơ cấu quản trị quốc tế với thẩm quyền điều hòa nền kinh tế? Có ai mạnh mẽ yêu cầu gia tăng tỷ lệ GDP dành cho ngoại viện hay không? Có ai dám kêu gọi việc chấp nhận “những lối sống mới trong đó việc mưu tìm cái chân, cái thiện, cái mỹ cũng như việc hiệp thông với người khác vì ích chung phải là các yếu tố xác định ra các lựa chọn tiêu thụ, các dành dụm và đầu tư chăng” ?

Đức Giáo Hoàng tin rằng nếu người ta hiểu được tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi con người nhân bản và kế hoạch thần thánh của Người đối với chúng ta, thì các tín hữu sẽ biết thừa nhận bổn phận của họ “phải hợp nhất các cố gắng của họ với mọi người có thiện chí, với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác và với những người vô tín ngưỡng, để thế giới của chúng ta này có thể vâng theo một cách có hiệu quả kế hoạch thần thánh của Người: là sống như một gia đình dưới con mắt quan phòng của Đấng Hóa Công”.

(1) Legatus là một tổ chức có hội viên, dành cho các nhà lãnh đạo ngành doanh thương Công Giáo, để học hỏi, sống và loan báo đức tin trong sinh hoạt kinh doanh, nghề nghiệp và bản thân…