Gửi ông Bộ 4T: “Công dân tốt”

Mấy ngày nay, huấn từ của Đức Benedict 16 gửi các đức giám mục Việt Nam nhân chuyến Ad limina vừa qua đã được các cơ quan thông tấn báo chí một chiều, dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ 4T, sử dụng tối đa, nhắm đánh phá những ai yêu chuộng công lý và hoà bình, cách riêng các linh mục thuộc giáo xứ Thái Hà.

Câu nói của Đức Giáo hoàng được các cơ quan báo chí nhà nước sử dụng nhiều nhất là câu Đức Giáo hoàng nói với các giám mục: “Một người Công giáo tốt là một công dân tốt”.

Có những tờ báo bê nguyên cả câu này làm tựa cho bài báo để nhấn tới tính khẩn thiết các giám mục phải dạy cho các linh mục và giáo dân trở thành những công dân tốt.

Có những tờ báo sau khi trích dẫn câu này và một vài tư tưởng của vị chủ chăn trong Giáo hội, với thủ thuật cắt xén tinh vi, đã cố tình bịa đặt rằng “Huấn từ của Giáo hoàng không gợn chút mâu thuẫn nào với chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam”, làm như Giáo hoàng cũng ủng hộ các “chủ trương lớn của đảng” và Nhà nước Việt nam, giống y như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết có lần đã áp đặt trong vụ việc linh mục Nguyễn Văn Lý.

Ở đây, muốn hiểu thế nào là “công dân tốt” như Đức Giáo hoàng chỉ dạy, thì phải đặt câu nói này trong hệ tư tưởng và giáo lý của Hội thánh Công giáo mà ngay Đức Giáo hoàng cũng phải tuân giữ.

Vậy, thế nào là “công dân tốt” trong hệ tư tưởng và giáo lý của Hội thánh Công giáo?

Công đồng Vaticanô 2, trong Hiến Chế Mục Vụ, số 74 viết: “Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó, chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi công ích. Họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền, nhưng phải tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Tin Mừng”.

Cần để ý, ở đây, Công đồng nhấn mạnh, nếu có tôn trọng thì “tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên, luật Tin Mừng”, chứ không phải luật thiết định dù cho đó là luật do Quốc hội ban hành.

Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 1915 viết: “Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội. Các phương thức tham gia có thể thay đổi tuỳ từng nước, từng nền văn hoá. “Phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho các công dân được tham gia càng đông càng tốt vào việc nước trong sự tự do đích thực”.

“Cũng như mọi bổn phận luân lý khác, việc mọi người tham gia vào công trình công ích, cũng đòi hỏi các thành viên của xã hội hoán cải không ngừng. Phải kết án nghiêm khắc những thủ đoạn dùng để tránh né luật pháp và tránh né trách nhiệm đối với xã hội, vì chúng trái với những đòi hỏi của công bình. Cần chăm lo phát triển những định chế nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người”.

Giáo lý Công giáo, số 2242 khi nói về người công dân tốt còn khẳng định mạnh mẽ hơn: “Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin mừng. Khi những đòi hỏi của chính quyền nghịch với lương tâm ngay thẳng, Kitô hữu từ chối vâng phục chính quyền, vì phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng chính trị: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Thiết tưởng những gì Đức Giáo hoàng hướng dẫn cho các giám mục Việt nam, được các cơ quan thông tấn báo chí “lề phải” trích dẫn, không đi ra ngoài những gì Hội thánh đã dạy mà ngay cả Đức Giáo hoàng cũng phải tuân hành.

Không biết ông Bộ 4T, sau khi biết thế nào là “công dân tốt” theo nghĩa của Hội thánh Công giáo, thì có còn muốn các giám mục phải khẩn thiết dạy cho các linh mục và giáo dân trở thành những công dân tốt nữa hay không?

Theo nghĩa này thì ông Bộ 4T còn lâu mới là “công dân tốt”, có chăng chỉ là công dân có “tầu lạ” mà thôi.

26/8/2009