Chuyện phiếm ngày tết: MỪNG TẾT CON CỌP

Làng An Lạc chúng tôi có một hội viên viễn cư, mỗi năm ông mỗi về thăm làng một lần. Đó là Ông Từ Hoè. Đó là dịp tết. Các cụ còn nhớ ông Từ Hoè thân yêu của chúng tôi chứ. Ông và chúng tôi có duyên từ kiếp trước, gặp nhau là mê nhau liền. Chúng tôi đã lập ra làng, bầu Cụ Chánh trọng tuổi nhất làm tiên chỉ. Ông ở làng được mấy năm thì người em kết nghĩa của ông từ trại tỵ nạn sang. Vì người em được chính phủ Canada bảo trợ và được đưa tới định cư ở miền tây nên ông Từ Hoè bỏ làng đi sang sống với chú em theo đúng lời kết nghĩa. Ông ra đi nhưng hứa mỗi tết mỗi về làng. Ông vẫn giữ chức trưởng ban tổ chức.

Ông Từ Hoè về làng từ ngày 23 tháng Chạp, tức là ngày cúng Ông Táo về trời. Mỗi lần làm cơm cúng ông Táo là ông cười hà hà: Chỉ có dân VN mình là hiếu thảo với Trời vì mỗi năm mỗi gửi đại sứ lên tết Trời và tường trình mọi việc trần gian, còn các dân khác thì chả có tục lệ tốt đẹp ấy. Họ đã không tết Trời thì chớ, họ lại còn xin qùa và bắt trời sai ông Santa Claus đem xuống trần gian.

Thấy chúng tôi gọi ngày cúng ông Táo là ngày 23 tháng Chạp, ông Từ Hoè bảo gọi như vậy là sai, không đúng truyền thống. Khi xưa cha ông chúng ta không nói ngày 23 tháng Chạp mà nói ngày 23 Tết, vì là ngày cả nước bước vào mùa tết. Ngày này từ vua tới quan đều niêm phong ấn tín rồi cất vào kho. Ăn tết xong, tới ngày mồng Bảy tết, ngày hạ cây nêu, bấy giờ vua quan mới làm lễ khai ấn để mở đầu một năm làm việc mới. Tổng cộng vua quan cho tới thứ dân đều ăn tết đúng 2 tuần lễ. Tết dân gian còn kéo dài hơn nữa vì sau ngày Mồng Bảy thì mới bắt đầu các lễ Hội Chùa Hương, lễ Hội Quan Họ Bắc Ninh. Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà.

Hai Cô Huế Cao Xuân và Tôn Nữ thì mê ông Từ Hoè như điếu đổ, coi ông như thánh sống. Ông Từ Hoè nhiều máu tếu, thấy hai cô thèm nghe chuyện nên ông hỏi: Hai cô có biết chuyện thằng bé viết thư xin em nơi ông già Santa Claus không ? Chả riêng gì hai cô mà cả làng ngớ ra, ông bèn thủng thẳng kể: Cứ cuối năm là trẻ con ở đây gửi thư cho ông già Santa Claus xin quà. Bữa đó ông nhận được thư của một thằng bé. Nó viết rằng nó là đứa con độc nhất trong nhà nên nó buồn lắm, nó xin ông già Santa Claus cho nó một đứa em. Ông liền trả lời: Ta rất sẵn lòng cho con một đứa em miễn là con gửi mẹ con lên đây với ta một đêm. Nghe đến đây thì cả làng cười bò ra. Cô Cao Xuân thì kêu lên: Gớm cái Bác này !

À, mà tôi chưa kể chuyện qùa tết của ông Từ Hoè. Ông mang từ miền trung Canada về đất Toronto này một thùng quà, nào bánh chưng của chú em Paul, nào cá chép đông lạnh của chính ông. Các cụ còn nhờ chuyện chú Paul này chứ. Vợ chồng chú đã nhập đạo Công Giáo, không những nhập đạo mà còn sống đạo rất dấn thân. Vợ chồng chú phụ trách trông coi những người vô gia cư đến ngủ nhờ qua đêm ở nhà thờ, sáng sớm vợ chồng chú đến thu dọn rồi cho họ ăn sáng. Ban đầu vợ chồng chú cho họ cà phê bánh mì, về sau thì cà phê bánh mì kẹp chả, rồi xôi đậu, rồi cơm chiên. Thét một hồi bây giờ không những người vô gia cư mà cả ông cha xứ cứ sáng sáng là đến xin vợ chồng chú cho ăn điểm tâm. Từ tết năm ngoái, vợ chồng chú gói bánh chưng. Bây giờ nhà thờ mê bánh chưng VN mới ghê chứ. Món ăn VN có bùa, các cụ thấy chưa. Năm nay Chú Paul gửi sang tết làng một cặp bánh chưng. Cặp bánh này đã được Ông Từ Hoè để trên bàn thờ.

Vì ông giữ chức trưởng ban tổ chức tết trong làng nên ông vừa lo bữa cúng ông Táo, vừa lo gói bánh chưng, vừa lo lập bàn thờ tổ.

Trong năm, cái thú tiêu khiển của ông là thú đi câu. Nghe ông tả đi câu thì ai cũng mê. Ông bảo ngày xưa đi câu ngồi trên bờ đã thấy sướng lắm. Này nha, khi bạn đã chọn được địa điểm thì bạn đặt ghế ngồi, lấy cần câu ra, móc mồi và ném dây. Dây có cột cục chì nên mồi câu đứng yên một chỗ chờ cá đến, cái phao nổi bập bềnh. Bây giờ là lúc chờ cácắn, là lúc sung sướng cực kỳ của bạn. Bạn ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, bạn lấy bình thủy rót cà phê nóng ra nhâm nhi, bạn phì phà điếu thuốc, bạn bắt đầu chuyện trò với mấy người ngồi câu chung quanh, ôi sao mà sướng thế. Rồi cá cắn câu, bạn giằng co với cá, rồi bắt con cá bỏ vào giỏ. Ôi sung sướng cách gì. Cuối ngày thế nào trong giỏ cũng có vài con lóc, con rô. Đấy là câu ngồi bờ kiểu ngày xưa. Bây giờ dân câu không ngồi bờ mà lội dưới nước. Còn sướng hơn trước. Ai cũng mặc thêm một cái quần cao su cao tới nách. Không phải tìm địa điểm gì cả. Cứ thấy chỗ nào đông dân câu là biết chỗ đó nhiều cá. Ngày xưa thì cá rô cá trê cá lóc, bây giờ thì cá bass, cá pike, cá chép. Con nào con nấy to tổ chảng. Hằng năm cứ mùa lễ Tạ Ơn của Canada là mùa câu cá bơn, tên tiếng Anh là cá flounder. Ngày nào đọc báo thấy tin ‘ Flounder Run’ thì ngày đó dân câu rủ nhau đi đông như hội. Flounder Run là ngày cá bơn từ xa chạy vào bờ để sinh đẻ.

Ông ODP nghe chuyện câu cá thì thích lắm. Ông cũng mê đi câu cuối tuần. Ông nhìn ông Từ Hoè rồi hỏi: Bạn có biết một câu danh ngôn về câu cá không ? Câu hỏi này tổng quát qúa làm sao mà ai biết được. Thấy cả làng ngớ ra hết thì ông ODP trả lời: Đó là câu: Cho người nào con cá là cho người đó một bữa ăn. Còn day người nào câu cá là cho người đó thức ăn cả đời. Ông Từ Hoè đáp ngay: Tôi có biết câu này, nhưng dân câu đã nói khác đi: “ Cho người đàn ông con cá là bắt người vợ mất công nấu một bữa ăn, còn dạy một người đàn ông câu cá là cho ông này cái cớ chính đáng để trốn vợ đi chơi trọn cuối tuần ”. Phe các bà có vẻ thích câu này quá, bà nào cũng gật gù khen là câu nói chí lý.

Ông Từ Hoè đã mang ba con cá chép về làng. Con cá to như cái rổ. Ông phải để chúng trong dạng đông lạnh. Một con ăn ngày cúng ông Táo để ông có cá cỡi về trời. Còn 2 con nữa thì ăn vào ngày Mồng Một Tết. Sở dĩ ăn cá chép ngày đầu năm vì tiếng Hán gọi cá là Ngư, đọc lên nghe như ‘dư’, tức là dư giả, ăn cá thì được dư giả cả năm, cũng như đĩa trái cây trên bàn thờ gồm trái mảng cầu, trái dưa và trái xoài, ngụ ý xin tổ tiên cho ‘ dư xài’. Cô Cao Xuân bèn lên tiếng: Em thấy trên đĩa trái cây ở bàn thờ thường bày 4 thứ lận: Mảng cầu, trái dừa, trái đu đủ, trái xoài, ngụ ý xin ‘ cầu vừa đủ xài’, sao Bác lại chỉ cúng tổ tiên có ba trái ? Ông Từ Hoè nói ngay: Cầu vừa đủ xài, tức là cầu chỉ vừa đủ ăn, thì cầu làm gì ! Phải cầu dư xài mới bõ công cầu chứ. Phải dư mới sướng chứ. Cô Cao Xuân liền chắp tay vái ông Từ Hòe: Cao kiến, cao kiến ! Em xin bái lậy sư phụ !

Sau bữa cúng Ông Táo thì ông Từ Hoè hoạch định việc nấu bánh chưng. Năm nào làng tôi cũng gói bánh và nấu chung một nồi. Ôi nồi bánh to qúa chừng. Ông Từ Hoè và ông ODP là tay vua, gói bánh không cần dùng khuôn, còn chúng tôi là tay mơ, dùng khuôn mà lúc lấy bánh ra, nhiều đồng vẫn méo xẹo. Chúng tôi bắt đầu gói bánh từ sáng sớm 30 Tết, qúa trưa thì nồi bánh đã đầy và bếp lửa được đốt lên. Ở xứ văn minh này, ta không nấu bánh chưng bằng rơm, bằng củi như bên nhà, mà dùng bếp ga. Ngọn lửa lúc nào cũng to và sức nóng lúc nào cũng lớn. Nồi bánh được dự tính sẽ chín xong trước giao thừa. Cụ Từ Hoè chỉ huy cơ mà. Cả làng vây quanh nồi bánh. Bao nhiêu thức ăn được bày ra. Ăn uống tự động. Nói cười râm ran. Đúng là vui như tết.

Cụ B.95 là người sung sướng nhất. Cụ bảo bầu không khí nấu bánh chưng này nó khơi dậytrong cụ bao nhiêu chuyện vui. Rồi cụ bảo thời gian đi nhanh quá. Mới ngày nào sang Canada mà nay đã 15 năm rồi. Mới ngày nào lão còn chưa biết gọi tên Canada của các cháu. Chị Ba Biên Hoà biết chuyện này nên kể thay cho cụ. Rằng khi cụ mới sang Canada năm 1995, cụ có 2 cháu. Bạn bè các cháu đến nhà chơi toàn bạn da trắng. Cụ không gọi được chúng bằng tên Canada nên cu đặt tên VN cho từng đứa. Con Elizabeth thì cụ gọi là con Bét, Con Evelyn là Lyn, thằng David là Vít, thằng Bernard là thằng Be. Nghe buồn cười qúa.

Chị Ba Biên Hoà kể chuyện gọi tên của Cụ B.95 xong thì quay vào Ông Từ Hoè xin ông bắt đầu chương trình giúp vui, kể chuyện Cọp chẳng hạn. Năm nay là năm con cọp thì phải nói chuyện cọp chứ. Ông Từ Hoè liền chỉ vào ông ODP: Xin bồ chữ ODP lên tiếng trước. Như có sẵn trong bụng, ông Từ Hoè kể ngay. Rằng nói về cọp thì nhiều chuyện lắm, nhưng có một chuyện mà ít người chú ý: Cọp là một đông y sĩ giỏi vô cùng. Chắc các bạn ngạc nhiên phải không ? Trong chuyện cổ tích về Chú Cuội nói rõ việc này mà. Rằng thuở đó chú vào rừng kiếm củi, một bữa chú gặp một ổ cọp con. Chú nghĩ nếu để những con cọp này lớn lên thì chúng sẽ sát hại dân lành nên cách hay nhất là phải trừ hậu họa, chú liền giết chết mấy con cọp con. Vừa khi đó chú nghe tiếng cọp mẹ đang về tới. Chú sợ qúa nên vội trốn lên cây. Cọp mẹ về thấy con bị chết hết liền thương khóc và gầm thép một hồi, rồi cọp mẹ ra bờ suối gặm một nắm lá cây đem về đắp cho con. Cọp con tự nhiện sống lại, rồi mấy mẹ con dắt nhau đi chỗ khác. Chú Cuội nhớ mặt cây thuốc nên đã bứng cây này về nhà trồng. Từ đó dân làng có ai chết đều đến xin chú cứu. Chỉ một nắm lá mà chú cứu sống được bao nhiêu người. Rõ ràng Cọp là một danh y, phải không nào ?

Ông H.O. bèn hỏi: Thế cái cây thưốc thần diệu đó tên là gì và bây giờ còn không. Ông ODP liền cười: Đáng lẽ thì cây thuốc này còn ở trần gian nhưng tại lỗi vợ chú cuội mà cây đó bây giờ đang mọc trên măt trăng. Thấy nhiều dân làng tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu gì cả, ông kể tiếp: Rằng ngày xưa không ai có nhà vệ sinh trong nhà. Có nhu cầu thì cả nhà ra vườn, chỗ nào thoải mái thì cho xả bầu tâm sự ở chỗ đó. Vợ chồng chú Cuội cũng vậy. Chú chỉ dặn vợ là phải kiêng cái gốc cây thuốc thần. Một bữa vợ chú quên lời dặn mà ngồi tè ngay vào gốc cây thuốc. Cây thần lần đầu tiên nhìn thấy sự lạ và lần đầu tiên bị ngạt vì hơi lạ nên nó sợ qúa, nó liền bay lên trời.

Cả làng phá ra cười. Ông Từ Hoè nói thêm: Rõ ràng tại phái nữ mà trần gian mất cây thuốc thần nha. Ông còn làm cho cả làng cười lớn hơn nữa khi ông luận về con cọp. Ông bảo tiếng VN khi tả bà vợ dữ thì có câu ‘dữ như cọp’, tả bà vợ la hét chồng thì có câu ‘cọp gầm, cọp rống’. Bà Hồ Xuân Hương gọi cửa khẩu của phái nữ là ‘hang hùm’, sách ghi rằng khi thấy ông Chiêu Hổ nổi máu dê định xàm xỡ thì bà đã cảnh cáo ngay: Này này chị bảo cho mà biết, chốn ấy hang hùm chớ mó tay. Bà Hồ Xuân Hương dùng chữ ‘hang hùm’ vừa lạ vừa bạo, phải không các cụ. Xưa nay tiếng văn chương gọi chốn đó là động thiên thai cơ mà.

À, nói tới bà Hồ Xuân Hương là nói tới văn chương. Xin cho tôi được lan sang chuyện văn chương một chút nha. Nhân năm Cọp, tôi xin nói về bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ. Bài thơ này tôi cho là hay tuyệt vì là lời của dũng sĩ một thuở dọc ngang nay thấy mình như con cọp trong cũi sắt sở thú. Tôi mê những câu này qúa:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày xưa chuyển động bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới

... Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngàn xưa...


Các bạn có thấy giọng thơ hùng tráng không ? Cọp xưng mình là ‘hùm thiêng’ nha. Bài này Thế Lữ đề tặng nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam. Nếu bây giờ mà tôi làm được một bài thơ như thế này thì tôi sẽ đề tặng Nhà Thơ Vũ Hoàng Chương. Các bạn có biết tại sao không ? Vì Vũ Hoàng Chương là một hổ tướng trong làng văn Miền Nam. Vũ Hoàng Chương dám chê thơ Tố Hữu trước mặt Tố Hữu. Các bạn biết Tố Hữu là ai rồi. Đây là một hung thần chỉ đạo văn thơ VC. Tôi nghe mấy bạn thân kể lại chuyện nhà thơ họ Vũ mó dế như thế này: Sau 1975, ông nhà văn Thanh Nghị từ bưng về Saigon và ngồi ghế chỉ đạo văn nghệ ở Miền Nam. Để lấy lòng lãnh tụ Tố Hữu, Thanh Nhị tổ chức một buổi tọa đàm tại nhà riêng, khách mời là những khuôn mặt lớn trong thi đàn. Khách danh dự là quan Tố Hữu từ Hà Nội vào. Chủ nhà mở đầu chương trình bằng mục bình bài thơ ‘Đời Đời Nhớ Ông’ của Tố Hữu viết năm 1953 khi nghe tin Xít Ta Lin chết. Trong bài thơ này có 2 câu mà ông cho là xuất thần:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông thương mười.


Thanh Nghi luận rằng: hai câu 14 chữ thì đã có 7 chữ thương, còn 7 chữ kia: cha, mẹ, chồng, mình, ông, một, mười, tất cả đều là những chữ tầm thướng. Ấy thế mà thi thần Tố Hữu đã ghép chúng lại và biến chúng thành hai câu xuất thần, tuyệt bút. Mấy nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận có mặt trong buổi tiệc cũng đều lên tiếng tán tụng 2 câu thơ, cho là hai câu tuyệt bút. Và nhà thơ Miền Nam Vũ Hoàng Chương được mời góp ý. Nhà thơ họ Vũ của chúng ta vốn người mảnh khảnh ăn nói nhỏ nhẹ. Ông chỉ xin góp đôi điều nhỏ mọn. Rằng thơ thì phải có hồn, thơ phải bắt nguồn từ sự thực. Hai câu thơ mà qúy vị tán tụng là hai câu tiếp nối những câu ở trên:

Yêu biết mấy nghe con tập nói,
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin


Vũ Hoàng Chương bảo rằng câu này không là sự thật, vì không có đứa bé nào mà câu nói đầu đời lại là Stalin cả. Từ chỗ không phải là sự thật này thì làm sao đẻ ra sự thật tiếp theo là thương ông những mười lần hơn. Bởi vậy hai câu thơ trên chỉ là hai câu thơ khéo chứ không phải là hai câu thơ thần. Lời phát biểu này là gáo nước lạnh tạt vào mặt mấy quan văn nghệ VC. Không thấy ai kể thêm bữa tiệc tung hô Tố Hữu đã kết thúc như thế nào. Chỉ biết rằng sau đó ít lâu thì nhà thơ miền Nam Vũ Hoàng Chương bị bắt đi tù cải tạo, giữa năm1976 thì được thả, ít lâu sau thì thi bá họ Vũ qua đời.

Thấy mọi người say mê nghe ông nói về cái khí phách của Vũ Hoàng Chương, ông Từ Hoè bàn tiếp: Tôi nghĩ ta phải gọi Vũ Hoàng Chương oai hùng như chính con cọp trong bài Nhớ Rùng của Thế Lữ. Ông là một mãnh hổ không hề biết sợ.Vũ Hoàng Chương có cái dũng của Phùng Quán:

“ Yêu ai cứ bảo là yêu, Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều, Cũng không bảo yêu thành ghét Dù ai cầm dao dọa giết,Cũng không bảo ghét thành yêu...”

Biết mình nói đã dài, ông Từ Hoè xin chấm dứt bài diễn văn. Ai cũng hít hà khen ông nói chuyện hấp dẫn qúa. Ông H.O. lên tiếng: Nhân chuyện văn chương chữ nghĩa, xin cho phép tôi ngưng chuyện con cọp để bàn sang chuyện ngôn ngữ mới ở VN. Rằng bản chất ngôn ngữ là biến đổi với thời gian. Tiếng Việt cách đây 100 năm khác với tiếng Việt bây giờ, nhất là tiếng Việt nói ở trong nước hiện nay. Tôi thấy việc này rất rõ khi đọc bài báo ở Saigon kể chuyện ngôn ngữ trao đổi ở cửa tiệm bán và sửa computer. Nếu không biết trước đây là ngôn nghữ nói về máy điện tóan thì nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là chuyện tục tĩu. Này nha, đây là lời ông khách nói với cô bán hàng:

- Cô ạ, tôi thấy cái phần mềm của cô không ăn khớp với cái phần cứng của tôi vì khi vừa đặt phần mềm của cô vào cái phần cứng của tôi thì sự cố đã xảy ra. Cái trung ương của tôi đột nhiên yếu hẳn đi và xìu xuống.
-Ấy chết, anh đừng nói vậy, phần mềm của em rất tốt, nhiều khách hàng đã khen mà. Em bảo đảm anh sẽ hài lòng
-Không đâu, thực sự có sự cố
-Thế em xin hỏi anh, anh có cài đặt và kích hoạt đúng mức không ?
-Có chứ, tôi làm đủ mọi thao tác mà
-Vậy xin anh cho em coi cái phần cứng của anh nào

Cụ B.95 nghe đến đây thì lên tiếng: Các bác ơi, các bác đang nói thứ tiếng gì vậy? Tôi nghe Bắc không ra Bắc, Nam không ra Nam, tôi chả hiểu gì cả. Chị Ba Biên Hòa đáp ngay: Dứt khoát không phải tiếng Nam, cũng không phải tiếng Bắc, đây là ngôn ngữ thương mại mà con cháu chúng ta đang nói hàng ngày, dưới sự chỉ đạo của Đảng. Xưa thì khẩn trương, đăng ký, nhất trí, tham quan, nay thì cài đặt, xử lý, phần cứng, phần mềm. Cứ đà này mai mốt cụ về lại Hà Nội thì cụ cần người thông ngôn.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì quan trọng, cụ B.95 cười hi hi: Mà sao bữa nay có ông Từ Hoè về, các bác không nói chuyện sợ vợ nữa à ?

Anh John lên tiếng ngay: Có chứ bác, bữa nay vui qúa, thay vì chuyện thời sự, cháu xin đọc mừng tuổi cả làng một bài thơ mới sưu tầm được. Chắc bài này sẽ là kim chỉ nam cho hội sợ vợ trong năm con cọp này. Tôi chỉ xin đọc một đọan ngắn:

Là đàn ông tức là mê rửa chén
Mơ lau nhà và háo hức lau xe
Là đàn ông là tựa cửa đợi vợ về
Nhanh nhảu chạy ra đỡ làn đỡ nón
Dìu nàng ngồi bằng bàn tay năm ngón
Hỏi nàng xem có dùng nước cam không
Rồi trong khi nàng chân co chân duỗi
Ta tung tăng vào bếp mở làn
Lấy các thứ bày ra bàn
Nước tương này xếp vào ngăn gia vị
Hành tím này xếp vào giỏ đồ khô
Đậu hủ này thì bỏ vào tô
Còn rau sống bỏ vào thau rửa sạch
. . .
Anh John còn đang định đọc tiếp thì Chi Ba Biên Hòa nói to: Nồi bánh chưng đã chín, xin dân làng chuẩn bỉ rỡ bánh. Không khí làng bỗng chốc sôi động hẳn lên. Thế mà đã gần giao thừa rồi. Ông Từ Hoè chỉ huy việc lấy bánh từ trong nồi ra, rồi vội vã quay vào chuẩn bị bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ được ông thiết lập giữa phòng khách. Ông thật chu đáo, bài vị giữa bàn thờ nền đỏ chữ vàng màu kim nhũ. Nét bút của ông thật chân phương. Ông ghi tên tổ tiên của mọi dân làng. Hai bên là hai cây nến hồng thật lớn. Trước mặt bài vị là lư hương, đĩa trái cây‘ cầu dư xài’, rồi hai cặp bánh chưng, một cặp của Chú Paul do ông Từ Hoè mang từ miền tây sang, một cặp vừa nấu trong nồi vớt ra.

Đúng giờ giao thừa, cụ Chánh tiên chỉ đứng giữa, dân làng vây chung quanh. Cụ trịnh trọng thắp hương vái tổ rồi lớn tiếng cầu xin cho quê hương Việt Nam hoà bình thịnh vượng, chóng hết nạn CS, toàn vẹn lãnh thổ, cho dân làng được an lạc và thương yêu nhau trọn đời. Sau đó cụ trao cho mỗi người 3 que hương. Ai cũng lâm râm khấn vái với lời tâm nguyện riêng.

Lễ nghi cúng tổ đã xong, bây giờ đến phần chúc tết. Cụ Chánh tiên chỉ được mời ngồi xuống để dân làng chúc tho, Cụ Chánh gạt đi. Thế là phần nghi lễ đã xong, Dân làng quay vào chúc tết lẫn nhau. Phần này thực là cảm động. Cụ B.95 nói không ra lời. Đến phần lì xì, Cụ Chánh mừng tuổi mỗi người một bao thư màu đỏ. Bao thư này là do ông ODP làm sẵn cho cụ. Trong bao thư mầu đỏ này không có tiền nhưng có một tấm giấy cũng màu đỏ, trên đó in 100 chữ PHƯỚC. Các cụ biết tấm thiệp 100 chữ này chứ. Cụ Chánh bảo: Có PHƯỚC là có tất cả. Giàu sang phú quý mà không có phước thì kể như không, quyền cao chức trọng mà không có phước thì kể như không, sống thọ 100 tuổi mà không có phước thì kể cũng như không.

Anh John lần đầu tiên có tấm thiệp in 100 chữ Phước thì thích lắm. Anh bảo chữ Phước thường dịch ra Anh văn là Happiness, nhưng có lẽ nên dịch là Blessing thì hay hơn. Người Bắc Mỹ ưa chúc nhau: God bless you. Được Thượng Đế chúc phước lành tức là được hết mọi sự. Lời chúc ấy gần đây được viết khác đi, như sau: Be blessed and be a blessing to others. Xin Ơn Trên chúc lành cho bạn,và bạn hãy là phước lành cho người khác nữa. Ơn Trên này có thể là Thiên Chúa, là Đức Phật, là Tổ Tiên.

Ông Từ Hoè thêm câu chót: Trong tiếng Phước có tiếng cười đấy nha.

Kính chúc độc giả năm mới đầy phước lành và đầy tiếng cười.

Trà Lũ
------------------------

Món quà đầu năm:

ĐẦY TIẾNG CƯỜI ĐẦY KIẾN THỨC

Nhà Xuất Bản HOA LƯ hân hạnh giới thiệu
2 sách mới của Nhà Văn TRÀ LŨ, tác phẩm thứ 11 và 12 vừa phát hành:

MIỀN ĐẤT AN LẠC

Những chuyện vui tươi dí dỏm nhất trong mấy năm qua


500 CHUYỆN CƯỜI

những chuyện tiếu lâm đông tây kim cổ chọn lọc,
khác với 300 Chuyện Cười đã xuất bản năm 2001

Giá sách và bưu phí mỗi cuốn:

-gửi trong Canada: 25 Gia kim ( hay 23 Mỹ kim)
- gửi từ Canada sang Hoa Kỳ: 28 Gia kim ( hay 26 Mỹ kim)
- gửi từ Canada đi các nước khác: 33 Gia kim ( hay 30 Mỹ kim)
Ngân phiếu xin đề: TRÀ LŨ, 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario M6S 2X8 Canada

Đây là hai viên thuốc tiên làm thư giãn cả tâm thần cả thể chất
Đây cũng là món quà trang nhã và đẹp nhất
để tặng thân nhân và bằng hữu nhân dịp Giáng Sinh và Năm mới.
Xin cho chúng tôi tên và địa chỉ.