Tôi được yêu nên tôi hiện hữu

Năm 2010 là năm kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 750 của Meister Eckhard, một nhà thần bí học và triết gia thời danh thuộc Dòng Đa-minh, Hội „Meister-Eckhard“ đã tổ chức vào ngày Chúa Nhật 14.3.2010 một cuộc hội thảo tại đại học München/Đức quốc với chủ đề: „Meister Eckhard im Original. Fakten, Bilder und Legenden nach 750 Jahren“ – Đại sư Eckhard với con người đích thực của ông. Các sự kiện, các hình ảnh và các huyền thoại sau 750 năm. Qua đó, một tài năng nổi bật trong quá khứ của nhân loại nói chung và của Giáo Hội Công Giáo nói riêng lại được làm sống động trước các cử tọa ngày nay.

Thầy Dòng Đa-minh Meister Eckhard sống vào khoảng từ năm 1260 đến năm 1328 sau công nguyên và là một đại diện quan trọng nhất của khoa thần bí học Kitô giáo vào thời trung cổ. Các tác phẩm nổi danh của ông vẫn mang đầy tính cách thời sự và được nhiều người yêu chuộng. Chính nhà thần học Công Giáo Alfred Delp (1907-1945) đã đọc tác phẩm của ông ngay trước khi bị chế độ Hitler xử tử. Các tư tưởng của Meister Eckhard cũng đã đóng vai trò quyết định trong cuộc sống thiêng liêng của nữ triết gia người Pháp Simone Weil(1). Tuy là một người gốc Do-thái, nhưng bà hoàn toàn sống theo tinh thần Kitô giáo.

Theo giáo sư Dietmar Mieth thuộc đại học Tübingen/Đức quốc, chủ tịch Hội „Meister-Eckhard“, thì tuy tư tưởng của đại sư Eckhard được mỗi người tiếp nhận một cách khác nhau tùy quan điểm cá nhân của đương sự, nhưng trọng tâm tư tưởng của vị đại sư luôn vẫn là một, đó là xây dựng một khoa Kitô học (Christologie) khả dĩ tiếp nhận được đối với tất cả mọi người. Qua đó, ông đã khởi xướng và phát triển một sự tri thức sâu sắc về sự tự do của con người. Trước cuộc hội thảo mấy ngày, bà Gisela Kornrumpf, một nhà nghiên cứu chữ viết tay thuộc đại học München, đã thành công trong việc xác định được tác giả của một bài giảng về Thư I của thánh sử Gioan từ một mảnh da thú có ghi chép phần thứ nhất trong khoảng hai phần ba bài giảng đó. Và chính mảnh da thú được ghi bài giảng trên còn sót đã chứng minh cho thấy chính Meister Eckhard là tác giả của bài giảng, và ông đã viết bài giảng ấy vào khoảng một phần tư tiền bán thế kỷ XIV.

Các bản văn của Meister Eckhard bằng tiếng Đức và tiếng La-tinh được lưu truyền lại cho đến ngày nay, đó là các bài giảng, các sách khảo luận, các bài giáo án và các bản viết tay, v.v…, rất đa dạng và vấn đề xuất bản gây tranh cãi của chúng vẫn chưa chấm dứt. Các bài giảng số 2 „Intravit Jesus in quoddam castellum“ – „Đức Giêsu vào thành“, và số 52: „Beati pauperes spiritu“ – „Phúc cho người có tinh thần nghèo khó“, có thể được coi là những tác phẩm nổi danh nhất và đang được tàng trử tại thư viện quốc gia của Tiểu bang Bayern/Đức quốc. Ngoài ra, còn có nhiều loại sách của Meister Eckhard được in bằng đủ cỡ to nho khác nhau với những hình chạm trổ bằng màu sắc sảo do các Nữ Tu làm chủ quyền. Trong số đó, có một số rất lớn, vào khoảng 11.000 bản viết tay, được coi là của Meister Eckhard xuất phát từ Nữ Tu Viện Thánh Quirin ở Tegernsee.

Điều kiện để hiểu được các bài giảng của Meister Eckhard

Tuy nhiên, với những ai muốn hiểu được các bài giảng của ngài, Meister Eckhard có những lời khuyên như sau:

1. Không tranh cãi,

2. Luôn tìm kiếm sự thiện hảo tối thượng, đó là Thiên Chúa,

3. Luôn biết bằng lòng với chính mình và cố đạt tới điều Thiên Chúa muốn nơi mỗi người,

4. Luôn coi mình là người tập sự,

5. Luôn biết „từ bỏ“ chính mình và tự quản lý được chính mình.

Người ta cũng kể lại rằng có lần kia một nữ trí thức lên tiếng ca ngợi Meister Eckhard và cho rằng những bài giảng của vị đại sư rất xứng đáng để ngài giữ một ghế giáo sư tại đại học Paris (Pháp), một đại học rất nổi danh vào thời bấy giờ, tương tự như nhà thần học Thomas Aquinô, một người đã có mặt tại đai học Paris ba lần: lần thứ nhất trong tư cách là sinh viên, còn hai lần sau với tư cách là giáo sư thần học. Tuy nhiên, khi nghe thế, vị đại sư đã trả lời rằng một chân lý được thể hiện ra qua cuộc sống cụ thể thì có giá trị hơn là một chân lý được thể hiện ra qua ghế giáo sư tại đại học. Ngoài ra, theo sách Biên niên Thư mục của thư viện München, người ta còn tìm thấy một câu phát biểu thời danh khác của Meister Eckhard, khi ông nói rằng không phải cục than cháy đỏ, nhưng là một cái gì đó không phải cục than đang cháy đỏ trong tay. Điều ấy muốn nói rằng người ta cần thu hút và thuyết phục được kẻ khác không phải bằng những dáng vẻ loè loẹt hào nhoáng bên ngoài, nhưng bằng chính sự tri thức chân chính, tư cách và các phẩm chất nội tâm sâu sắc và chân chính của mình.

Trong bài phát biểu kết thúc cuộc tọa đàm, giáo sư Mieth nhấn mạnh rằng trọng tâm của tư tưởng đại sư Eckhard là sự tự do. Chúng ta biết rằng theo quan niệm thời trung cổ, sự tự do có nghĩa là sống không có sự sở hữu riêng, không nắm giữ quyền hành và không chiếm giữ của cải. Dĩ nhiên, sự sở hữu riêng ở đây được hiểu là sự sở hữu vật chất, tức sống không lệ thuộc và dính bén vào của cải vật chất. Ở Âu châu vào cuối thế kỷ XIII, khi chọn cuộc sống tu trì, người ta tuyên khấn sống đồng trinh, vâng lời và „không có sở hữu riêng“. Ở Đức, trong cuộc chiến tranh của từng lớp nông dân nổi dậy vào giữa các năm 1524 đến 1526 chống lại sự áp bức của từng lớp quý tộc và đòi hỏi quyền tự do, người ta đã đề xướng chủ trương: Con người cần phải được giải thoát khỏi sự lệ thuộc do chính mình gây ra.

Sự sở hữu vật chất được chính thức loại bỏ vào năm 1525 qua một trong những Điều khoản được gọi là „Điều khoản Memmingen“(2).

Theo giáo sư Mieth, người ta cũng cảm nhận được rằng trong các biên bản ghi lại cuộc đối thoại giữa các cấp chính quyền và từng lớp nông dân vào lúc bấy giờ, Thiên Chúa được coi là lý do và là nền tảng của quyền tự do mà từng lớp nông dân đòi hỏi. Trong ngôn ngữ người ta cũng cần phải tạo điều kiện để cho Ngôi Lời Thiên Chúa xuất hiện. Điều đó muốn nói rằng, vấn đề được đề cập tới ở đây có tương quan với Lời Tựa của bản Phúc Âm theo thánh Gioan: „Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời“ (Ga 1,1). Sự mặc khải, Ngôi Lời và ngôn ngữ có tương quan chặt chẽ với nhau, vì thế, vấn đề được nói đến ở đây là khả năng truyền bá đến người khác (die Durchlässigkeit). Nhưng sự truyền bá lại dẫn tới sự trầm lắng, vì sự truyền bá một ý tưởng như thế không phù hợp với quan niệm của xã hội đương thời. Nếu chúng ta trình bày ngôn ngữ là sự liên tục mang tính cách thời gian, thì ở đây người ta phải chân nhận rằng sự liên tục ấy không thể tồn tại. Thứ tự do mà đại sư Eckhart chủ trương thì người ta có thể diễn giải như là người hướng dẫn, dĩ nhiên như là một „người hướng dẫn do tôi thiết đặt“, nghĩa là hướng đi của mỗi người thì phải do người ấy tự chọn lựa và tự quyết định lấy. Đại sư Eckhart còn đi xa hơn nữa, đến nỗi ông đối xử với những thương gia và hàng quý tộc theo quan niệm và cách tư duy của họ, chứ ông không áp dụng theo bất cứ khuôn khổ hay tiêu chuẩn nào, và ông đã khám phá ra trong những chiều kích này một sự tinh tế mới và đặc thù của sự tự do.

Còn giáo sư Gotthard Fuchs cho rằng theo quan niệm của đại sư Eckhart, Thiên Chúa, con người và vũ trụ lệ thuộc vào nhau tương tự như sự khám phá và lý do. Vì thế, trong bài thuyết trình của ông về đề tài „Lebendiger Eckhart“ (Eckhart sống động), giáo sư Gotthard Fuchs cho rằng ở đây vấn đề của nhà thần bí học thuộc Dòng Đa-Minh là sự cảm nghiệm về sự loại bỏ các biên giới ngăn cách, là một sự siêu việt hóa khỏi tương quan nhân quả.

Giáo sư Fuchs kết thúc bài thuyết trình của ông với câu phát biểu của triết gia Franz von Baader (1765-1841), một câu phát biểu mang ý nghĩa ngược lại với câu định đề của triết gia René Descartes: „Cogito, ergo sum“: „Tôi tư duy, nên tôi hiện hữu“; đó là: „Cogitor, ergo sum“: „Tôi được tư duy, nên tôi hiện hữu“.

Câu phát biểu của Franz von Baader vừa được giáo sư Fuchs nhắc lại như trên đã mang lại cho các tham dự viên buổi hội thảo hôm ấy nhiều suy tư mới. Vì thế, nhiều người khi ra về đã phát triển thêm tư tưởng và biến đổi một cách tương tự như thế từ câu nói: „Amo, ergo sum“: „Tôi yêu, nên tôi hiện hữu“ đổi thành: „Amor, ergo sum“: „Tôi được yêu, nên tôi hiện hữu“.

Thật vậy, mỗi người tự rung cảm nhận chân được rằng vì Thiên Chúa Tạo Hóa yêu thương tôi, nên Người mới dựng nên tôi, nên Người mới để cha mẹ tôi sinh ra tôi trên cõi đời này. Điều đó muốn khẳng định rằng sự hiện hữu của tôi được bao bọc bởi tình yêu, trước hết bởi tình yêu Thiên Chúa, nguồn mạch mọi tình yêu chân chính, và tiếp đến bởi tình yêu của cha mẹ tôi, của gia đình tôi, của làng xóm và bởi tình yêu của xã hội đồng loại.

Vâng, nếu sự hiện hữu của tôi không nằm trong chương trình sáng tạo của Tạo Hóa và nếu tôi không được cha mẹ tôi cũng như xã hội đồng loại chấp nhận, nghĩa là nếu tôi không được yêu thương, thì tôi đã không thể hiện hữu được, ít là cho tới ngày nay. Và vì thế, câu nói: „amor, ergo sum“: „Tôi được yêu, nên tôi hiện hữu“ đã gây được nhiều chú ý và nhiều suy nghĩ không kém câu định đề muôn thủa của triết gia Descartes „Cogito, ergo sum“ – „tôi tư duy, nên tôi hiện hữu“. Và đó là sự thật khách quan.

Dĩ nhiên, điều đó không có ý phủ nhận ý nghĩa chân chính của câu: „Amo, ergo sum“: „Tôi yêu, nên tôi hiện hữu“, hay nói theo tinh thần Kitô giáo: Tôi yêu, nên tôi là môn đệ Đức Kitô, tôi yêu nên tôi mới thực sự là người Kitô hữu chân chính (x. Ga 13,35). Cả hai câu: „tôi yêu, nên tôi hiện hữu“ và: „tôi được yêu, nên tôi hiện hữu“ đều ẩn chứa phong phú tính chất nhân bản; hay nói đúng hơn, đều ẩn chứa phong phú tinh thần Kitô giáo.

____________________

1. x. Lm Nguyễn Hữu Thy: Những Tuyệt Tác Tiêu Biểu trong Lịch Sử Triết Tay, Trier 2010, trang 355.

2. Mười hai Điều khoản Memmingen là những phản kháng và đồng thời là những kiến nghị của từng lớp nông dân đệ trình lên chính quyền thành phồ Memmingen thuộc miền Nam Đức quốc trong chiến tranh Nông Dân 1524-1526.