CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN - C

Dcr 12: 10-11; Tv 63; Gl 3: 26-29; Lc 9: 18-24

Bài Phúc âm hôm nay có vẻ như một bài kiểm tra trong lớp học. Thầy giáo đặt câu hỏi và học sinh hăm hở đưa tay trả lời. Chúng ta nghe câu Chúa Giêsu hỏi: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Câu trả lời ngay: “Ông Gioan Tẩy Giả”, “Elia”, “Một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.

Chúng ta nghe các câu trả lời, nhưng các bạn có biết phản ứng của các gương mặt của những người trả lời ra sao không? Chắc những người này đã kéo đoàn hò reo đi theo một thủ lĩnh với đầy tham vọng và đắc ý. Họ đang đi với một thủ lĩnh đang rao giảng và được dân chúng ủng hộ. Họ chỉ có suy nghĩ đơn giản là coi Thầy họ ngang hàng với Gioan Tẩy Giả, Elia, hay một ngôn sứ? Các môn đệ đang nghĩ họ đang tiến đến vinh quang. Có thể đúng thật, nhưng không phải loại vinh quang như các ông đang nghĩ.

Trong lớp, khi học sinh không trả lời đúng câu hỏi, thì Thầy giáo đặt lại câu hỏi theo cách khác. Đó là việc Chúa Giêsu làm. Chúa Giêsu lại đặt câu hỏi chú trọng vào các ông, mong rằng các ông sẽ trả lời đúng kinh nghiệm của các ông về Thầy họ. “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô, thủ lĩnh của nhóm, đôi khi cũng không trả lời đúng câu hỏi được. Nhưng, lần này, Phêrô có vẻ trả lời đúng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Gương mặt của Phêrô trong lúc trả lời trông ra sao? Có vẻ tôn kính, hay kính sợ? Hài lòng vì mình trả lời đúng? Phêrô trả lời đúng, nhưng ông ta hiểu sai về phong cách Chúa Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Các môn đệ, kể cả Phêrô, còn phải tìm hiểu nhiều về Chúa Giêsu là ai. Vì thế khi thầy giáo bảo các học sinh im lặng có nghĩa là các em còn phải học hỏi nhiều. Cũng vậy, đối với các tông đồ, Chúa Giêsu muốn các ông luôn học hỏi về Ngài. Và các buổi học sau Chúa Giêsu dạy cho các ông về tin mừng Ngài đem đến. Là “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Sau đó Chúa Giêsu bắt đầu hành trình đi Giê-ru-sa-lem. (Chúng ta sẽ nghe đoạn này phúc âm thánh Luca tuần tới). Ngài dạy các ông nhiều lần nữa trong lúc các ông đồng hành với Thầy lên thành thánh. Trên đường đi các ông sẽ nghe Thầy dạy dỗ; Thầy sẽ tranh luận với các lãnh đạo tôn giáo, và các ông sẽ trông thấy Thầy chữa bệnh và tha thứ cho người tội lỗi. Suốt mùa Hè cho đến tháng 11, chúng ta sẽ cùng đi với các ông, và sẽ nghe các câu chuyện Phúc âm trên đường lên Giê-ru-sa-lem.

Các môn đệ sẽ hiểu biết thêm Chúa Giêsu là ai. Nhưng cuối cùng, các ông sẽ ngỡ ngàng và bị khủng hoảng vì sự đau khổ của Chúa Giêsu và các ông sẽ bỏ chạy mất. Là Thầy các ông, Chúa Giêsu không bỏ rơi các ông. Ngài sẽ chịu đau khổ và chịu chết, nhưng, như Thầy đã nói với các ông là đó không phải là kết thúc câu chuyện “Đến ngày thứ ba” Thầy sẽ chỗi dậy. Lúc bấy giờ, các ông chưa hiểu Thầy muốn nói gì trên con đường vinh quang các ông đang đi. Nhưng, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục dạy dỗ các ông, cho đến khi Ngài trở về với Chúa Cha. Rồi Chúa Giêsu sẽ gởi Thánh Thần xuống trên các ông, vì ngay đoạn đầu Phúc âm chúng ta đã nghe Gioan Tẩy Giả nói: "Đấng đến sau ông sẽ “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3:16)

Các môn đệ cần phải hiểu các phép lạ Chúa Giêsu làm, và sự hoan hô của đám đông, không đáp đúng câu hỏi của Chúa Giêsu. “Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?” Tháng vừa qua, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa. Nhưng, thử hỏi chúng ta có biết gì nhiều hơn các môn đệ trong lúc các ông đi theo Chúa Giêsu lên Giê-ru-sa-lem không? Hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta chút ánh sáng để hiểu biết thêm về việc làm môn đệ của Ngài là thế nào, và tôi muốn nói sang đề tài khác. Tôi cũng như một học sinh đang gặp một bài học khó hiểu. Tôi đợi đến giờ chơi để ra khỏi lớp.

Đối với môn đệ của Chúa Giêsu, không có niềm vui sâu đậm nào mà không có bóng dáng ơn Chúa Thánh Thần. Nói vậy không có nghĩa là đối với người môn đệ, đường lên Giê-ru-sa-lem là một hành trình vui vẻ đâu. Hôm nay Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết là ai muốn theo Ngài có thể phải trả một giá đắt là sẽ bị chết. Nếu theo Chúa Giêsu là lên đường thắng cuộc, thì chúng ta nên kết luận rằng thắng cuộc là do bởi sự cố gắng của chúng ta. Chúng ta làm việc nhiều, cố gắng nhiều và chúng ta thắng cuộc. Nhưng, ngược lại, khi chúng ta theo chân Chúa Giêsu, chúng ta nghiệm lại sự yếu đuối, và thất bại như các môn đệ đã gặp. Và rồi, chúng ta lại tìm thấy sự vui vẻ mới, và chúng ta kiên trì trong đau khổ, và điều đó do bởi Chúa Thánh Linh của Đấng đã hứa là Ngài sẽ chỗi dậy vào ngày thứ ba phải không?

Chúng ta hiểu ngay vì sao bài Phúc âm hôm nay liên hệ đến bài đọc thứ nhất của ngôn sứ Zacaria.

Đối với nhiều người, ngôn sứ viết về người chịu khổ là một điều khó hiểu. Mặc dù chúng ta không hiểu ngôn sứ có ý gì, nhưng các Kitô Hữu tiên khởi hiểu đoạn văn này ám chỉ Chúa Kitô. Ngôn sứ Zacaria có thể viết về một số người tốt và huy hoàng trong quá khứ, và ngay cả đến bây giờ, đã bị chịu khổ hình vì họ giúp đỡ người khác. Tiếc thay số các thánh chịu chết vì đạo rất nhiều. Không ai có thể biết được người nào đại diện Thiên Chúa, và theo đường Thiên Chúa có thể dắt đến đỉnh tối cao đó.

Zacaria diễn tả Thiên Chúa là “Thần Khí ơn huệ và khấn nguyện” đối với những người chống đối lại. Và rồi, như một tấm màn được vén lên, những người đó sẽ trông thấy sự dữ họ đã làm (chúng sẽ nhìn lên Ta, người chúng đã đâm, chúng sẽ khóc than như người ta khóc than người con một…”) và họ sẽ thay lòng đổi dạ và trở về với Thiên Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa sẽ như “suối mở ra… để tẩy rửa tội lụy và uế nhơ”.

Hãy trở về với lớp học chúng ta. Chúng ta tập ăn năn như các môn đệ một cách máy móc, không như đức tin mà chúng ta đã tuyên xưng. Chúng ta chỉ trả lời “xin vâng” trên môi hay “Thầy là Đức Kitô” mép thôi nhưng lại không chấp nhận lối sống của Đấng Kitô, vì chúng ta chọn sự khai thác hơn là phục vụ; chọn sự lấy lòng hơn ngay thẳng; chọn sự tích lũy hơn là chia sẻ; chọn quyền uy hơn bình đẳng; chọn lên án hơn là tha thứ.

Chúng ta thấy rõ là Chúa Giêsu đã nói là làm môn đệ của Ngài không phải là việc làm bán thời gian: Chỉ là vào ngày Chúa Nhật ở nhà thờ và đôi khi hãy làm vài việc thiện trong cả tuần. Vác thánh giá không phải là hành động trong ngày thứ Sáu Tuần thánh, nhưng phải luôn vác khi nào chúng ta cảm thấy có năng lực. Và cũng không phải hy sinh vì danh thánh Chúa Giêsu là việc dành riêng cho các thánh Tử đạo mà thôi. Trái lại, Chúa Giêsu đòi hãy hy sinh mạng sống mình vì danh Ngài hàng ngày. Vì thế, trong suốt đời theo làm môn đệ Chúa. Và việc vác thánh giá không chỉ dành riêng cho một số ít người, nhưng tất cả chúng ta, các môn đệ đều phải làm để theo Chúa Giêsu.

Bài Phúc âm hôm nay bắt đầu “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình”. Việc cầu nguyện là điểm chính trong phúc âm thánh Luca, và thường xảy ra trước một việc quan trọng. Thí dụ: trước khi Chúa Giêsu chịu phép rửa (3:21); trước khi Chúa Giêsu chọn mười hai tông đồ (6:12); Phêrô tuyên xưng đấng Kitô trước khi Chúa Giêsu tiên báo sự đau khổ của Ngài (9:18); trước khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ đọc kinh “Lạy Cha” (11:2) v.v… Thánh Luca thường viết Chúa Giêsu đi một mình để cầu nguyện.

Người đọc Phúc âm thánh Luca cần phải học hỏi để trở nên môn đệ Chúa không chỉ do lời dạy của Chúa Giêsu, hay là người đó có lòng đạo đức tốt mà thôi. Nhưng thật ra, chúng ta học cầu nguyện nơi Chúa Giêsu vì Ngài luôn cầu nguyện; đó là hành trang của chúng ta trên đường đi theo Ngài, ngay cả khi chúng ta cùng chịu đau khổ vì Ngài tại Giê-ru-sa-lem. Ai lại muốn theo Thầy khi nghe thầy bảo hãy chịu đau khổ? Ai lại muốn khi làm môn đệ thì phải luôn chịu hy sinh? Ở Brooklyn, người ta thường trả lời vấn nạn này bằng câu “hãy thử xem”.

Nhưng, Phúc âm thánh Luca (và sách Công vụ Tông đồ) hứa với chúng ta là chúng ta không đi một mình chúng ta trên đường đời. Chúng ta, những người đã nhận Bí tích Rửa tội, đã được Chúa Thánh Linh cho chúng ta năng lực và xức dầu chúng ta để hàng ngày giúp chúng ta làm việc bổn phận. Có lẽ vì thế mà thánh Luca nói Chúa Giêsu năng cầu nguyện để nhắc chúng ta luôn cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện, mắt chúng ta sẽ được mở ra, và chúng ta sẽ cảm nhận được Chúa Giêsu và Chúa Thánh Linh đang cùng đồng hành với chúng ta trên đường đi Giê-ru-sa-lem.

Chuyển ngữ FX. Trọng Yên, OP