TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC



VERBUM DOMINI



CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

VỀ LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ HỘI THÁNH



* * * * * *

PHẦN 1C

VIỆC GIẢI THÍCH THÁNH KINH TRONG HỘI THÁNH



Hội Thánh là khung cảnh căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh

29. Một chủ đề chính khác phát sinh từ Thượng Hội Đồng Giám Mục, mà giờ đây tôi muốn mọi người chú ý đến là việc giải thích Thánh Kinh trong Hội Thánh. Mối liên hệ nội tại giữa Lời Chúa và đức tin cho thấy rằng khoa chú giải Thánh Kinh chân chính chỉ có thể hiện hữu ở trong đức tin của Hội Thánh, là đức tin có khuôn mẫu trong lời ‘xin vâng’ của Đức Maria. Thánh Bonaventura nói rằng không có đức tin sẽ không có chìa khóa để mở cửa vào bản văn thánh: “Đây là kiến thức về Đức Chúa Giêsu Kitô, từ Người, như từ một mạch suối, chẩy ra sự chắc chắn và hiểu biết về tất cả Thánh Kinh. Cho nên, không ai có thể đạt được sự hiểu biết về chân lý ấy nếu không trước hết có đức tin được Thiên Chúa thông truyền cho trong Đức Kitô, là ngọn đèn, là cửa và là nền móng của tất cả Thánh Kinh”.[84] Và Thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn Thánh Augustinô, đã quả quyết rằng “văn tự, ngay cả văn tự của Tin Mừng, chỉ giết chết người nếu thiếu ân sủng bên trong của đức tin chữa lành”.[85]

Ở đây, chúng ta có thể nhắc lại một tiêu chuẩn căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh: khung cảnh căn bản để giải thích Thánh Kinh là đời sống Hội Thánh. Lời khẳng định này không có nghĩa là coi phạm vi Hội Thánh như một qui luật ngoại tại mà nhà chú giải phải tuân theo, nhưng đúng hơn là một điều chính bản chất của Thánh Kinh và cách tiệm tiến mà Thánh Kinh được thành hình qua thời gian đòi hỏi. “Các truyền thống đức tin đã tạo thành môi trưởng sống động trong đó sinh hoạt văn học của các tác giả Thánh Kinh xảy ra. Việc những tác giả này hội nhập vào môi trường ấy bao gồm việc tham gia vào cả đời sống phụng vụ lẫn đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, trong thế giới trí thức và thế giới văn hóa của họ, cùng những thăng trầm của lịch sử mà họ chia sẻ. Cũng một cách tương tự, việc giải thích Thánh Kinh đòi hỏi phải có sự tham gia toàn phần của các nhà chú giải vào đời sống và đức tin của cộng đoàn đức tin của thời đại họ”.[86] Vì thế cho nên “vì Thánh Kinh phải được đọc và giải thích dưới ánh sáng của cùng một Thánh Thần mà nhờ Ngài Thánh Kinh đã được viết”,[87] cho nên các nhà chú giải, các thần học gia và toàn thể dân Chúa phải tiếp cận nó theo thực chất của nó, Lời Chúa được chuyển đến chúng ta bằng những lời của loài người (x. 1 Th 2:13). Đó là một dữ kiện kiên định hàm chứa trong chính Thánh Kinh: “Không một lời tiên tri nào trong Sách Thánh được giải thích theo ý riêng. Vì không bao giờ một lời tiên tri được nói ra do ý muốn người phàm, nhưng do những thánh nhân của Thiên Chúa được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần mà nói ra” (2 Pr 1:20-21). Hơn nữa, chính đức tin của Hội Thánh nhận ra Lời Chúa trong Thánh Kinh; như Thánh Augustinô đã nói một câu đáng nhớ: “Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Hội Thánh Công Giáo đã không dẫn đường cho tôi làm như thế”.[88] Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho Hội Thánh, giúp chúng ta có khả năng giải thích Thánh Kinh một cách có thẩm quyền. Thánh Kinh là sách của Hội Thánh, và vai trò chính yếu của nó trong đời sống Hội Thánh nảy sinh ra việc giải thích nó một cách chính đáng.

30. Thánh Giêrônimô nhắc lại rằng chúng ta không bao giờ được đọc Thánh Kinh đơn thuần theo cách riêng của mình. Chúng ta gặp rất nhiều cửa bị đóng lại và sẽ rất dễ dàng bị sa vào lầm lạc. Thánh Kinh được viết bởi Dân Chúa cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông với Dân Chúa này mà chúng ta mới có thể thực sự đi vào tâm điểm của chân lý mà Chính Thiên Chúa muốn chuyển thông cho chúng ta như một “chúng tôi”. [89] Nhà đại thông thái (Thánh Giêrônimô), mà đối với ngài “không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”,[90] đã quả quyết rằng chiều kích Hội Thánh của việc giải thích Thánh Kinh không phải là một đòi hỏi bị áp đặt từ bên ngoài: Sách này là chính tiếng nói của Dân Thiên Chúa lữ hành, và chỉ ở trong đức tin của Dân này, mà chúng ta có thể nói là được điều chỉnh âm điệu để hiểu Sách Thánh. Một giải thích Thánh Kinh chân chính luôn luôn phải hoà hợp với đức tin của Hội Thánh Công Giáo. Vì thế, ngài đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt vào giáo lý truyền thống mà con đã được dạy, để con có thể giảng dạy theo giáo lý vững chắc và làm cho những kẻ dạy ngược lại phải thất bại”.[91]

Những tiếp cận bản văn thánh tách rời khỏi đức tin có thể đề ra cho chúng ta một số yếu tố đáng quan tâm ở mức độ cấu trúc và văn thể của bản văn, nhưng không tránh được việc chứng tỏ rằng những điều đó chỉ là những cố gắng sơ khởi và chưa đầy đủ về cấu trúc. Thực ra, như Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, khi nhắc lại nguyên tắc đã được khoa chú giải thánh kinh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết rằng: “đường vào sự hiểu biết chính xác các bản văn thánh chỉ được ban cho những ai có quan hệ với điều mà bản văn nói đến trên căn bản kinh nghiệm sống”.[92] Tất cả những điều ấy làm cho sự liên hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa chú giải Thánh Kinh được thêm rõ ràng. “Khi đời sống của độc giả trong Chúa Thánh Thần càng trưởng thành, thì khả năng hiểu biết về các thực tại được Thánh Kinh nói đến của họ cũng càng thêm tăng trưởng”.[93] Cường độ kinh nghiệm chân chính trong Hội Thánh chỉ có thể dẫn đến việc tăng trưởng sự hiểu biết trong đức tin đối với Lời Chúa; một cách hỗ tương, người ta phải nói rằng đọc Thánh Kinh trong đức tin cũng làm tăng trưởng chính đời sống Hội Thánh. Ở đây chúng ta có thể hiểu một cách mới mẻ lời xác quyết thời danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa tăng trưởng cùng với người đọc chúng”.[94] Việc lắng nghe Lời Chúa đưa vào và gia tăng sự hiệp thông Hội Thánh với tất cả những người đang đi trên đường đức tin.

"Linh hồn của thần học thánh"

31. "Đúng ra, việc nghiên cứu Sách Thánh phải chính là linh hồn của khoa thần học”.[95] Câu văn trích từ Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum này càng ngày càng trở nên thân thuộc hơn với thời gian. Người ta có thể nói rằng trong thời kỳ hậu Công Đồng Vaticanô II, khoa nghiên cứu thần học và chú giải thường nhắc đến cách diễn tả trên như một biểu tượng cho việc canh tân việc lưu tâm đến Thánh Kinh. Phiên Họp Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng thường nhắc đến câu nói thời danh này để diễn tả sự liên hệ giữa việc nghiên cứu lịch sử và việc chú giải về đức tin trong tương quan tới bản văn thánh. Trong viễn cảnh này, các Nghị Phụ vui mừng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu Lời Chúa trong Hội Thánh đã lớn mạnh trong những thập niên gần đây, và các ngài bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với nhiều nhà chú giải và nhà thần học là những người đã tiếp tục đóng góp cách thiết yếu vào việc hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của Thánh Kinh với một lòng tận tâm, dấn thân và hết khả năng, khi họ bàn đến những vấn đề phức tạp mà khoa nghiên cứu Thánh Kinh phải đương đầu với trong thời đại chúng ta.[96] Chúng ta cũng phải bày tỏ lời cám ơn chân thành với các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, là những người qua việc hợp tác chặt chẽ với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, tiếp tục cung cấp khả năng chuyên môn của mình trong việc cứu xét những vấn đề đặc thù phát sinh ra từ việc nghiên cứu Thánh Kinh. Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy cần phải nhìn vào tình trạng hiện tại của việc nghiên cứu Thánh Kinh và thế đứng của nó trong lãnh vực thần học. Sự hữu hiệu về mục vụ của hoạt động của Hội Thánh và đời sống tâm linh của các tín hữu lệ thuộc phần lớn vào thành quả của tương quan giữa khoa chú giải Thánh Kinh và thần học. Vì lý doi đó, tôi cảm thấy rất quan trọng để đưa ra một số suy niệm đã nảy sinh từ cuộc thảo luận về chủ đề này tại các phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Sự phát triển của việc nghiên cứu Thánh Kinh và Huấn Quyền Hội Thánh

32. Trước hết, chúng ta cần phải nhìn nhận những ích lợi mà khoa chú giải phê bình lịch sử và những phương pháp phân tích bản văn khác vừa được khai triển gần đây đã đem lại cho đời sống Hội Thánh.[97] Để hiểu về Thánh Kinh theo Công Giáo, việc lưu ý đến những phương pháp như thế là điều không thể thiếu được, và nó được liên kết với chủ nghĩa hiện thực về Nhập Thể: “Điều cần thiết này là kết quả của nguyên lý Kitô Giáo được hình thành trong câu 1:14 của Tin Mừng Thánh Gioan: Verbum caro factum est (Ngôi Lời đã thành nhục thể). Sự kiện lịch sử này là một bình diện cấu thành của đức tin Kitô Giáo. Lịch sử cứu độ không phải là khoa thần thoại, mà là lịch sử thật, và như thế nó phải được nghiên cứu bằng những phương pháp nghiên cứu có tính lịch sử đúng đắn”.[98] Việc nghiên cứu Thánh Kinh đòi hỏi phải có kiến thức về những phương pháp điều nghiên này và cách áp dụng thích hợp của chúng. Quả thật, tầm quan trọng của việc nghiên cứu này đã được đánh giá khá cao trong thời hiện đại, dù không cùng một mức độ như nhau ở khắp nơi, tuy nhiên truyền thống lành mạnh của Hội Thánh vẫn luôn chứng tỏ lòng yêu quí việc nghiên cứu “văn tự”. Ở đây, chúng ta chỉ cần phải nhắc đến nền văn hóa đan viện là nền tảng tối hậu cho nền văn hóa Âu Châu; tại gốc rễ của nó là việc quan tâm đến Lời Chúa. Lòng ao ước Thiên Chúa bao gồm việc yêu mến Lời Ngài trong mọi chiều kích: “bởi vì trong lời Thánh Kinh, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Ngài, nên chúng ta phải học cách thấu suốt những bí mật của ngôn ngữ, để hiểu nó trong cấu trúc và cách diễn đạt của nó. Cho nên, vì cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, bất cứ khoa học thế tục nào dẫn đến việc hiểu ngôn ngữ một cách tốt hơn đều trở thành quan trọng”.[99]

33. Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, là cơ chế có nhiệm vụ “cung cấp việc giải thích Lời Chúa cách chân chính, dù dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu”,[100] đã can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình liên quan đến lập trường đúng đắn trong việc đưa những phương pháp mới của ngành phân tích lịch sử vào (khoa chú giải Thánh Kinh). Tôi đặc biệt nghĩ đến các Thông Điệp Providentissimus Deus của ĐTC Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của ĐTC Piô XII. Vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của tôi đã nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện ấy nhân dịp kỷ niệm 100 năm và 50 năm ngày chúng được lần lượt công bố.[101] Sự can thiệp của ĐTC Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Thánh Kinh của Công Giáo khỏi những công kích của chủ thuyết duy lý, tuy nhiên, không tìm cách ẩn náu nơi một nghĩa thiêng liêng tách rời khỏi lịch sử. Không lùi bước trước những phê bình khoa học, Hội Thánh chỉ thận trọng trước “những định kiến tự cho là dựa trên khoa học, nhưng trên thực tế đã lén lút làm cớ cho khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó”.[102] Ngược lại, ĐTC Piô XII đã phải đương đầu với những công kích từ những người đề ra một loại chú giải gọi là chú giải huyền nhiệm, bác bỏ bất cứ hình thức tiếp cận khoa học nào. Thông điệp Divino Afflante Spiritu thận trọng tránh bất cứ gợi ý nào về một sự phân đôi giữa “chú giải khoa học” dùng cho khoa hộ giáo và “chú giải thiêng liêng để dùng trong nội bộ”; đúng hơn, Thông Điệp này đã xác nhận cả “ý nghĩa thần học của nghĩa từ chương (nghĩa đen), được định nghĩa có phương pháp” lẫn sự kiện là “chính việc xác định nghĩa thiêng liêng này… cũng thuộc phạm vi khoa học chú giải”.[103] Bằng cách này, cả hai văn kiện đều bác bỏ “sự phân chia giữa con người và Thiên Chúa, giữa nghiên cứu khoa học và tôn trọng đức tin, giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng”.[104] Sự quân bình này sau đó đã được tài liệu năm 1993 của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh tiếp tục duy trì: “trong công việc giải thích của họ, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng điều họ đang giải thích chính là Lời Chúa. Công tác chung của họ không được hoàn thành nếu họ chỉ xác định được các nguồn văn, vạch ra được các thể văn hay giải thích được các thủ tục văn chương. Họ chỉ đạt đến mục tiêu thực sự trong công việc của họ khi đã giải thích được ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh như Lời Chúa dành cho thời nay”.[105]

Việc chú giải Thánh Kinh theo Công Đồng: một chỉ thị cần phải đón nhận

34. Dựa trên bối cảnh này, người ta có thể thấy rõ hơn những nguyên tắc quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh cho phù hợp với khoa chú giải Thánh Kinh Công Giáo do Công Đồng Vaticanô II đề ra, nhất là trong Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum: “Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh ký thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ”.[106] Một đàng, Công Đồng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu các văn thể và hoàn cảnh lịch sử như những yếu tố căn bản để hiểu ý nghĩa mà các thánh ký có ý nói đến. Đàng khác, vì Thánh Kinh phải được giải thích trong cùng một Thánh Thần mà trong đó Thánh Kinh đã được viết, nên Hiến Chế Tín Lý vạch ra ba tiêu chuẩn nền tảng để lượng giá chiều kích thần linh của Thánh Kinh: 1) bản văn phải được giải thích với sự chú tâm đến tính thống nhất của toàn thể Thánh Kinh; ngày nay tiêu chuẩn này được gọi là chú giải theo qui điển (canonical exegesis); 2) trình thuật phải lấy từ Truyền Thống sống động của toàn thể Hội Thánh; và cuối cùng, 3) phải tỏ ra tôn trọng nguyên tắc loại suy đức tin. “Chỉ khi nào cả hai mức độ của phương pháp học, pháp phê bình lịch và thần học, được tôn trọng, người ta mới có thể nói về một chú giải thần học, một chú giải xứng đáng với Sách này”.[107]

Các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nói rất đúng rằng hoa quả tích cực nảy sinh từ việc sử dụng những nghiên cứu theo khoa phê bình lịch sử hiện đại là điều không thể chối cãi được. Trong khi ngành chú giải học viện hiện nay, kể cả của các học giả Công Giáo, có rất nhiều khả năng trong lãnh vực phê bình lịch sử và những phát triển mới nhất của nó, nhưng phải nói rằng cần phải có một chú tâm tương tự dành cho bình diện thần học của các bản văn thánh, để chúng được hiểu sâu xa hơn, phù hợp với ba yếu tố đã được đề ra bởi Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum.[108]

Nguy hiểm của thuyết nhị nguyên và khoa chú giải bị tục hóa

35. Trên bình diện này, chúng ta phải nhắc đến nguy cơ trầm trọng hiện nay của tiếp cận Thánh Kinh theo thuyết nhị nguyên. Việc phân biệt giữa hai mức độ tiếp cận Thánh Kinh không hề có nghĩa là tách biệt chúng hay đặt chúng đối lập với nhau, cũng không đơn thuần là đặt chúng cạnh nhau. Chúng chỉ hiện hữu cách hỗ tương mà thôi. Tiếc thay, đôi khi một sự tách biệt vô ích đã tạo ra một chướng ngại giữa khoa chú giải và thần học, và điều này “xảy ra cả ở những mức độ cao nhất của đại học”.[109] Ở đây, tôi muốn nhắc đến các hậu quả đáng lo ngại nhất mà chúng ta cần phải tránh.

a) Trước hết và trên hết, nếu công trình chú giải chỉ giới hạn ở mức độ thứ nhất mà thôi, thì Thánh Kinh chung cuộc chỉ là một bản văn thuộc về quá khứ: “Người ta có thể rút ra những hậu quả luân lý từ đó, họ có thể học lịch sử, nhưng một Sách như thế chỉ nói về quá khứ, và việc chú giải không còn tính thần học thực sự nữa, mà trở thành lịch sử học thuần túy, lịch sử về văn chương”.[110] Rõ ràng, một tiếp cận có tính rút gọn như thế không bao giờ có khả năng giúp chúng ta hiểu được biến cố Mặc Khải của Thiên Chúa qua Lời Ngài, đã được truyền lại cho chúng ta trong Truyền Thống sống động và trong Thánh Kinh.

b) Việc thiếu một khoa chú giải về đức tin liên quan đến Thánh Kinh không phải chỉ kéo theo một sự trống vắng; thay vào chỗ nó của sẽ không tránh được việc xen vào một cách chú giải khác, một chú giải duy nghiệm (positivistic) và tục hóa chung cuộc dựa trên xác tín rằng Thiên Chúa không can thiệp vào lịch sử con người. Theo cách chú giải này, khi nào xem ra có một yếu tố thần linh hiện diện, thì đều phải giải thích bằng những cách khác, phải hạ mọi sự xuống yếu tố nhân loại. Điều này dẫn đến những cách giải thích chối từ lịch sử tính của yếu tố thần linh.[111]

c) Một chủ trương như thế chỉ tỏ ra phương hại đến đời sống Hội Thánh, vì nó làm cho người ta hoài nghi mọi mầu nhiệm nền tảng của Kitô Giáo và lịch sử tính của chúng -- thí dụ như việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể và việc phục sinh của Đức Kitô. Như thế, người ta đã áp đặt một cách chú giải triết học, là chú giải chối bỏ việc Thiên Chúa có thể bước vào và hiện diện trong lịch sử. Việc chấp nhận cách chú giải này trong các nghiên cứu thần học không tránh được việc phát sinh một sự lưỡng phân rõ ràng giữa một khoa chú giải chỉ giới hạn ở mức độ thứ nhất và nền thần học có khuynh hướng tâm linh hóa ý nghĩa của Thánh Kinh, một khuynh hướng không tôn trọng lịch sử tính của Mặc Khải.

Tất cả những điều trên không những chỉ có ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống tâm linh mà còn cả trên sinh hoạt mục vụ nữa; “như một hậu quả của việc thiếu mức độ thứ nhì về phương pháp, một hố phân chia sâu thẳm được mở ra giữa nghành chú giải khoa học và lectio divina (đọc lời Chúa). Điều này phát sinh ra sự thiếu mạch lạc trong việc soạn bài giảng.[112] Cũng cần phải nói rằng sự lưỡng phân này có thể tạo ra sự lẫn lộn và thiếu ổn định trong việc đào luyện trí thức cho các ứng viên của các thừa tác vụ trong Hội Thánh.[113] Tóm lại, “nơi nào việc chú giải không phải là thần học, Thánh Kinh không thể là linh hồn của thần học, và ngược lại, nơi nào thần học không chủ yếu là việc giải thích Thánh Kinh của Hội Thánh, nền thần học ấy sẽ mất căn bản”.[114] Vì thế, chúng ta cần xem xét cẩn thận hơn nữa những chỉ dẫn mà Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đã cung cấp cho chúng ta về phương diện này.

Đức tin và lý trí trong việc tiếp cận Thánh Kinh

36. Tôi tin rằng điều mà ĐTC Gioan Phaolô II đã viết về vấn đề này trong Thông Điệp Fides et Ratio của ngài có thể đưa đến một sự hiểu biết đầy đủ hơn về khoa chú giải Thánh Kinh và liên hệ của nó với toàn thể khoa thần học. Ngài viết rằng chúng ta không nên đánh giá thấp “sự nguy hiểm cố hữu trong việc cố gắng tìm ra chân lý của Thánh Kinh bằng cách chỉ sử dụng một phương pháp, mà coi thường nhu cầu cần một cách chú giải có tính toàn diện hơn, là cách giúp nhà chú giải, cùng toàn thể Hội Thánh, đạt đến một ý nghĩa đầy đủ hơn của bản văn. Những ai dấn thân trong việc nghiên cứu Thánh Kinh phải luôn nhớ rằng những phương pháp chú giải khác nhau đều có căn bản triết học riêng của chúng, là điều mà chúng ta cần phải lượng giá cẩn thận trước khi áp dụng vào các bản văn thánh”.[115]

Suy tư sáng suốt này giúp chúng ta nhận ra làm cách nào một phương pháp chú giải Thánh Kinh chắc chắn có thể phát huy mối liên hệ thích đáng giữa đức tin và lý trí. Thực ra, cách chú giải Thánh Kinh bị tục hóa chính là sản phẩm của một cố gắng có hệ thống của lý trí để loại bỏ bất cứ tình trạng nào có khả năng cho rằng Thiên Chúa có thể bước vào cuộc đời chúng ta và nói với chúng ta bằng những lời của loài người. Như thế trong trường hợp này, chúng ta cũng cần phải mời gọi người ta mở rộng phạm vi của lý trí.[116] Đó là lý do tại sao khi áp dụng các phương pháp phân tích lịch sử, người ta phải tránh sử dụng những tiêu chuẩn ngay từ đầu đã không chấp nhận Mặc Khải của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Tính thống nhất của hai mức độ hoạt động trong việc giải thích Thánh Kinh giả thiết chung cuộc phải có sự hoà hợp giữa đức tin và lý trí. Một đàng, nó đòi hỏi phải có một đức tin, nhờ duy trì một liên hệ đúng đắn với lý trí ngay thẳng, không bao giờ thoái hóa thành duy tín (fideism), mà trong trường hợp Thánh Kinh sẽ trở thành chủ nghĩa cơ bản (fundamentalistm). Đàng khác, nó còn đòi hỏi một lý trí, khi điều nghiên những yếu tố lịch sử hiện diện trong Thánh Kinh, được đánh dấu bởi sự cởi mở và không bác bỏ ngay từ trước bất cứ điều gì vượt ra ngoài giới hạn riêng của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, tôn giáo của Ngôi Lời nhập thể chỉ tỏ ra hợp lý một cách sâu sắc với bất cứ ai thành tâm đi tìm chân lý cùng ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình và của lịch sử.

Nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng

37. Một đóng góp quan trọng vào việc phục hồi chú giải Thánh Kinh cách đầy đủ, như Thượng Hội Đồng Giám Mục đã công bố, cũng có thể phát sinh từ việc tái chú tâm đến các Giáo Phụ và tiếp cận chú giải Thánh Kinh của các ngài.[117] Quả thật, các Giáo Phụ trình bày cho chúng ta một nền thần học vẫn còn giá trị ngày nay vì ở tâm điểm của nó là việc nghiên cứu Thánh Kinh như là một tổng thể. Các ngài trước hết và chính yếu là “những nhà chú giải Thánh Kinh”.[118] Gương của các ngài có thể “dạy các nhà chú giải hiện đại một tiếp cận tôn giáo thực sự với Thánh Kinh, và cũng thế, một cách giải thích luôn luôn hoà hợp cùng tiêu chuẩn hiệp thông với kinh nghiệm của Hội Thánh, đang lữ hành trong lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.[119]

Trong khi hiển nhiên là không có những công cụ triết học và lịch sử mà các nhà chú giải hiện đại có thể sử dụng, truyền thống Giáo Phụ và trung cổ vẫn có thể nhận ra những nghĩa khác nhau của Thánh Kinh, bắt đầu với nghĩa văn tự, là “nghĩa được truyền đạt bởi những chữ trong Thánh Kinh và khám phá ra bởi khoa chú giải Thánh Kinh, theo những qui luật của việc giải thích lành mạnh”.[120] Thí dụ như Thánh Tôma Aquinô nói rằng “mọi nghĩa của Thánh Kinh đều dựa trên nghĩa văn tự”.[121] Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng trong thời các Giáo Phụ và thời trung cổ, mọi hình thức chú giải Thánh Kinh, kể cả hình thức văn tự, đều được xúc tiến dựa trên căn bản đức tin, mà không cần phải phân biệt chút nào giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Về điều này, người ta có thể nhắc tới hai câu thơ thời trung cổ diễn tả sự liên hệ giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh:

"Littera gesta docet, quid credas allegoria,

Moralis quid agas, quo tendas anagogia".


(Nghĩa văn tự nói về việc làm; nghĩa ẩn dụ nói về đức tin;

Nghĩa luân lý nói về hành động; nghĩa loại suy nói về số phận chúng ta).[122]

Ở đây, chúng ta ghi nhận sự thống nhất và sự liên hệ hỗ tương giữa nghĩa văn tựnghĩa thiêng liêng, mà nghĩa thứ hai này còn được phân chia thành ba nghĩa khác liên quan đến nội dung của đức tin, với đời sống luân lý và với ước vọng cánh chung của chúng ta.

Tóm lại, trong khi ghi nhận giá trị và sự cần thiết, cũng như các giới hạn, của phương pháp phê bình lịch sử, chúng ta học được từ các Giáo Phụ rằng khoa chú giải Thánh Kinh chỉ “thực sự trung thành với chủ ý của chính các bản văn thánh khi nó không những đi vào trung tâm của việc thành hình chúng để tìm ra thực tại đức tin được diễn tả trong đó, mà còn tìm cách nối kết thực tại này với kinh nghiệm đức tin trong thế giới ngày nay của chúng ta”.[123] Chỉ trong viễn tượng này, người ta mới có thể nhận ra rằng Lời Chúa đang sống động và đang nói với mỗi người trong thực tại của đời sống mình. Theo nghĩa này, định nghĩa về nghĩa thiêng liêng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, như được hiểu bởi đức tin Kitô giáo, vẫn hoàn toàn có giá trị: là “nghĩa được diễn tả bởi bản văn thánh khi đọc dưới tác động của Chúa Thánh Thần trong phạm vi mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô và đời sống mới phát sinh từ mầu nhiệm ấy. Phạm vi này thực sự hiện hữu. Trong đó, Tân Ước nhìn nhận sự nên trọn của Thánh Kinh. Cho nên người ta được phép đọc lại Thánh Kinh dưới ánh sáng của phạm vi mới này, là phạm vi của đời sống trong Chúa Thánh Thần”.[124]

Nhu cầu phải siêu vượt “văn tự”

38. Như vậy, trong việc tái khám phá ra ảnh hưởng hỗ tương giữa các nghĩa khác nhau của Thánh Kinh, điều chủ yếu là phải hiểu chắc việc bước từ văn tự qua tinh thần. Đây không phải là một bước tự động, bộc phát; nhưng đúng hơn, văn tự cần phải được siêu vượt: “Lời Chúa không bao giờ chỉ đơn thuần được coi ngang hàng với chữ viết của bản văn. Muốn đạt đến Lời ấy cần một sự tiến triển và một tiến trình hiểu biết được hướng dẫn bởi tác động nội tâm của toàn thể bản văn, và do đó nó cũng phải trở thành một diễn tiến cần cho đời sống”.[125] Ở đây, chúng ta cũng thấy lý do tại sao tiến trình giải thích chân chính không bao giờ thuần túy là một tiến trình tri thức mà còn là một tiến trình sống, đòi hỏi một sự dấn thân hoàn toàn vào đời sống Hội Thánh, là đời sống “theo Thần Khí” (Gal 5:16). Như thế, tiêu chuẩn đưa ra ở mục Số 12 của Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum trở nên rõ ràng hơn: sự siêu việt này không thể xẩy ra đối với một đoạn văn riêng rẽ, trừ khi đoạn văn này được nhìn đến trong tương quan với toàn thể Thánh Kinh. Thực ra, mục đích mà chúng ta cần phải tiến đến là một Lời duy nhất. Một tiến trình như thế bao hàm một diễn biến sâu xa, vì sự chuyển đổi xảy ra trong quyền năng của Chúa Thánh Thần không tránh được việc can thiệp vào sự tự do của mỗi người. Thánh Phaolô đã sống cuộc chuyển đổi này một cách trọn vẹn trong chính cuộc đời ngài. Qua chính lời ngài: “Chữ viết thì giết chết, nhưng Thần Khí thì ban sự sống.” (2 Cor 3:6), ngài đã diễn tả bằng những thuật ngữ triệt để ý nghĩa của tiến trình siêu vượt văn tự này và đạt đến việc chỉ hiểu nó theo toàn thể [Thánh Kinh]. Thánh Phaolô đã khám phá ra rằng “Thần Khí tự do có một danh hiệu, và sự do ấy có một tiêu chuẩn nội tại: ‘Chúa là Thần Khí và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đấy có tự do’ (2 Cor 3:17). Thần Khí tự do không đơn thuần chỉ là một ý tưởng riêng của nhà chú giải, một cái nhìn riêng của nhà chú giải. Thần Khí ấy là Đức Kitô, và Đức Kitô là Chúa chỉ đường cho chúng ta”.[126] Chúng ta biết rằng đối với cả Thánh Augustinô, sự vượt qua này vừa cảm động vừa giải thoát; ngài đã đi đến việc tin rằng Thánh Kinh -- mà thoáng nhìn ngài cho là quá rời rạc và có nhiều chỗ quá thô thiển -- nhưng chính nhờ tiến trình siêu vượt văn tự mà ngài đã học được từ Thánh Ambrôsiô việc giải thích tiên trưng (typological interpretation), trong đó toàn thể Cựu Ước là một con đường dẫn tới Đức Chúa Giêsu Kitô. Đối với Thánh Augustinô, việc vượt quá nghĩa văn tự làm cho chính chữ viết trở thành đáng tin cậy, và cuối cùng giúp ngài tìm được câu trả lời cho nỗi băn khoăn thầm kín nội tâm và lòng khao khát chân lý của ngài.[127]

Tính thống nhất nội tại của Thánh Kinh

39. Trong việc vượt qua văn tự sang tinh thần, trong truyền thống vĩ đại của Hội Thánh, chúng ta cũng học nhìn vào tính thống nhất của toàn thể Thánh Kinh, được đặt nền tảng trên sự thống nhất của Lời Chúa, là điều thách thức cuộc sống chúng ta và không ngừng mời gọi chúng ta hoán cải.[128] Ở đây, lời của Hugh thuộc (tu viện) Thánh Victor vẫn là một hướng dẫn chắc chắn: “Tất cả các Sách Thánh chỉ là một Sách, và Cuốn Sách duy nhất ấy là chính Đức Kitô, nói về Đức Kitô và được nên trọn trong Đức Kitô”.[129] Dĩ nhiên, nếu chỉ nhìn theo lịch sử hay văn chương, thì Thánh Kinh không phải là một cuốn sách duy nhất, nhưng là một tuyển tập của những bản văn được soạn thảo trong vòng một ngàn năm hay hơn, và ngay từng sách riêng biệt cũng không dễ thấy một sự thống nhất nội tại; trái lại, chúng ta thấy nhiều sự trái ngược tỏ tường giữa chúng. Đây đương nhiên là trường hợp Thánh Kinh Do Thái mà các Kitô hữu gọi là Cựu Ước. Nhưng còn hơn thế nữa, khi là Kitô hữu, chúng ta coi Tân Ước và các bản văn của nó như một thứ chìa khóa để chú giải Thánh Kinh Do Thái, và như thế giải thích nó như con đường dẫn đến Đức Kitô. Cách chung thì Tân Ước không sử dụng từ “Thánh Kinh” (x. Rom 4:3; 1 Pr 2:6) mà “các Sách Thánh” (x. Mt 21:43; Ga 5:39; Rom 1:2, 2 Pr 3:16), tuy nhiên chúng vẫn được nhìn trong tổng thể của chúng như Lời duy nhất được Thiên Chúa dùng để nói với chúng ta.[130] Điều này chứng tỏ rằng chính con người Đức Kitô đã ban sự thống nhất tất cả “các Sách Thánh”, trong tương quan với một “Lời” duy nhất. Bằng cách này, chúng ta có thể hiểu được những lời của Số 12 trong Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, là điều nói đến tính thống nhất nội tại của toàn bộ Thánh Kinh như một tiêu chuẩn quyết định cho một chú giải đúng về đức tin.

Tương quan giữa Tân Ước và Cựu Ước

40. Trong bối cảnh thống nhất của các sách Thánh Kinh trong Đức Kitô, các thần học gia cũng như các mục tử cần phải ý thức về mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trước hết, hiển nhiên là chính Tân Ước nhìn nhận Cựu Ước như Lời Chúa và do đó chấp nhận thẩm quyền của các Sách Thánh Kinh của dân Do Thái.[131] Tân Ước gián tiếp nhìn nhận chúng bằng cách sử dụng cùng một ngôn từ và thường hay trích dẫn nhiều đoạn trong các Sách Thánh Kinh ấy. Nó trực tiếp thừa nhận chúng bằng cách dẫn chứng nhiều phần trong đó làm căn bản cho lý luận của mình. Như thế, một lý luận trong Tân Ước được đặt nền tảng trên Cựu Ước có một giá trị dứt khoát, vượt trên giá trị của những lý luận hoàn toàn nhân bản. Trong Tin Mừng thứ Tư, Chúa Giêsu nói rằng “[Lời] Thánh Kinh không thể hủy bỏ” (Ga 10:35). Thánh Phaolô thì nói rõ một cách đặc biệt rằng Mặc Khải của Cựu Ước vẫn có giá trị đối với các Kitô hữu chúng ta (x. Rom 15:4; 1 Cor 10:11).[132] Chúng ta cũng quả quyết rằng “Chúa Giêsu thành Nadarét là một người Do Thái và Đất Thánh là quê mẹ của Hội Thánh”.[133] Gốc rễ của Kitô giáo được tìm thấy trong Cựu Ước, và Kitô giáo liên tục rút chất dinh dưỡng từ những gốc rễ này. Do đó, học thuyết lành mạnh của Kitô giáo luôn luôn chống lại tất cả những hình thức mới của thuyết Marcion, là những chủ thuyết có khuynh hướng, bằng nhiều cách khác nhau, đặt Cựu Ước đối nghịch với Tân Ước.[134]

Hơn nữa, chính Tân Ước cũng tự nhận là mình phù hợp với Cựu Ước và công bố rằng trong mầu nhiệm cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, các Sách Thánh Kinh của Dân Do Thái đã tìm được sự nên trọn hoàn hảo của chúng. Tuy nhiên, cần phải nhận xét rằng quan niệm về việc nên trọn của Thánh Kinh là một quan niệm phức tạp, vì nó có ba chiều kích: một chiều kích căn bản về tiếp tục với Mặc Khải Cựu Ước, một chiều kích gián đọan và một chiều kích về nên trọn và siêu vượt. Mầu nhiệm Đức Kitô luôn có ý tiếp tục việc thờ phượng bằng hy lễ của Cựu Ước, nhưng xảy ra một cách hoàn toàn khác, theo một số lời tiên tri và như thế đạt được một sự hoàn hảo mà trước kia chưa bao giờ đạt được. Chính Cựu Ước đầy những căng thẳng giữa hai bình diện định chế và tiên tri. Mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô hoàn toàn đúng với các lời tiên tri và tiên trưng của các Thánh Kinh Do Thái, dù bằng một cách thế người ta không lường trước được; nhưng nó lại có những khía cạnh rõ ràng của một sự gián đoạn đối với các định chế Cựu Ước.

41. Những suy nghĩ này cho thấy tầm quan trọng độc đáo của Cựu Ước đối với các Kitô hữu, đồng thời đưa ra sự mới mẻ của cách giải thích theo Kitô học. Từ thời các Tông Đồ và trong Truyền Thống sống động của mình, Hội Thánh từng nhấn mạnh đến tính thống nhất của kế hoạch Thiên Chúa trong hai Giao Ước, qua việc sử dụng cách tiên trưng; cách thức này không hề có tính độc đoán, nhưng là thực chất đối với những biến cố được các bản văn thánh thuật lại và như thế liên hệ với toàn thể Thánh Kinh. Tiền trưng học “phân biệt trong các tác phẩm của Thiên Chúa trong Cựu Ước những hình ảnh biểu hiện trước điều Ngài thực hiện trong thời viên mãn nơi con người của Con Ngài nhập thể”.[135] Như thế, các Kitô hữu đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Trong khi cách giải thích tiên trưng cho thấy nội dung khôn lường của Cựu Ước theo quan điểm Tân Ước, chúng ta đừng quên rằng Cựu Ước vẫn duy trì được giá trị Mặc Khải của chính nó, như chính Chúa chúng ta đã tái khẳng định (x. Mc 12:29-31). Vì thế, “Tân Ước phải được đọc dưới ánh sáng Cựu Ước. Việc dạy giáo lý Kitô Giáo thời sơ khai luôn luôn sử dụng Cựu Ước (x. 1 Cor 5:6-8; 1 Cor 10:1-11)”.[136] Vì lý do ấy mà các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nói rằng: “Sự hiểu biết về Thánh Kinh của người Do Thái được chứng tỏ là hữu ích đối với Kitô hữu trong việc hiểu và nghiên cứu Thánh Kinh của chính họ”.[137]

Như Thánh Augustinô đã từng ghi nhận cách khôn ngoan rằng “Tân Ước tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ lộ trong Tân Ước”.[138] Cho nên, điều quan trọng là trong cả hai khung cảnh mục vụ và học viện, phải làm sáng tỏ sự liên hệ mật thiết giữa hai Giao Ước, cho phù hợp với câu nói của Thánh Grêgôriô Cả: “Điều gì Cựu Ước đã hứa, Tân Ước đã làm cho thành hữu hình; điều gì sách trước đã công bố một cách tiềm ẩn, thì sách sau công bố công khai như đang hiện diện. Vì lý do đó mà, Cựu Ước là tiên tri của Tân Ước; và sách chú giải tốt nhất về Cựu Ước chính là Tân Ước”.[139]

Những đoạn “tối nghĩa” của Thánh Kinh

42. Trong khi thảo luận về sự liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước, Thượng Hội Đồng cũng xét đến những đoạn trong Thánh Kinh mà vì những sự tàn bạo và vô luân đôi khi chứa đựng trong đó, nên thành tối nghĩa và khó hiểu. Ở đây, trước hết và trên hết, chúng ta phải nhớ rằng Mặc Khải Thánh Kinh bắt nguồn cách sâu xa trong lịch sử. Kế họach của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách tiệm tiến và được hoàn thành cách từ từ, qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, và bất kể sự chống đối của con người. Thiên Chúa đã chọn một dân tộc và kiên nhẫn làm việc để hướng dẫn và giáo dục họ. Mặc Khải thích hợp với trình độ văn hóa và luân lý của thời xa xưa và vì thế diễn tả các sự kiện và phong tục, như gian lận và lừa đảo, và các hành động tàn bạo và giết người tập thể, mà không trực tiếp lên án tính vô luân của những điều như thế. Điều ấy có thể được giải thích theo phạm vi lịch sử, nhưng nó có thể làm cho nhiều độc giả hiện đại sửng sốt, nhất là nếu họ không kể đến nhiều việc làm “đen tối” được diễn ra qua nhiều kỷ nguyên và cả trong thời đại chúng ta nữa. Trong Cựu Ước, lời rao giảng của các ngôn sứ đã mạnh mẽ đương đầu với mọi loại bất công và bạo lực, bất kỳ là cách tập thể hay cá nhân, và vì thế trở thành cách Thiên Chúa huấn luyện dân Ngài để chuẩn cho Tin Mừng. Cho nên, thật là một sai lầm khi bỏ qua những đoạn Thánh Kinh mà chúng ta coi là có vấn đề. Thay vào đó, chúng ta nên ý thức rằng việc giải thích đúng đắn những đoạn văn đó đòi phải có một trình độ chuyên môn, thụ giáo nhờ được huấn luyện để giải thích những bản văn theo phạm vi văn chương lịch sử và trong viễn cảnh Kitô giáo, là viễn cảnh có chìa khóa chú giải tối hậu của nó là “Tin Mừng và giới răn mới mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã đem lại trong mầu nhiệm vượt qua”.[140] Tôi khuyến khích các học giả và các mục tử hãy giúp tất cả các tín hữu tiếp cận những đoạn văn này bằng một giải thích có thể làm cho ý nghĩa của chúng được xuất hiện dưới ánh sáng của mầu nhiệm Đức Kitô.

Kitô hữu, người Do Thái và Thánh Kinh

43. Sau khi đã cân nhắc sự liên hệ mật thiết giữa Tân Ước và Cựu Ước, giờ đây đương nhiên là chúng ta quay sang mối dây đặc biệt nối kết giữa các Kitô hữu và người Do Thái đã phát sinh từ sự liên hệ ấy, một mối dây mà chúng ta không bao giờ được bỏ qua. ĐTC Gioan Phaolô II, khi nói về người Do Thái, đã gọi họ là “những ‘anh em thân yêu’ của chúng ta trong đức tin của Ábraham, Tổ Phụ chúng ta”.[141] Việc nhìn nhận sự kiện này không hề có nghĩa là coi thường những trường hợp gián đoạn mà Tân Ước quả quyết liên quan đến những định chế của Cựu Ước, càng không coi thường sự nên trọn của Thánh Kinh trong mầu nhiệm của Đức Chúa Giêsu Kitô, được nhìn nhận là đấng Mêsia và Con Thiên Chúa. Cũng thế, sự khác biệt sâu xa và tận gốc này không hề ám chỉ một sự thù nghịch giữa hai bên. Ngược lại, thí dụ của Thánh Phaolô (x. Rom 9-11) cho chúng ta thấy rằng “thái độ tôn trọng, quí mến và yêu thương đối với dân Do Thái là thái độ duy nhất thực sự của Kitô hữu trong hoàn cảnh hiện nay, là một phần mầu nhiệm trong kế hoạch hoàn toàn tích cực của Thiên Chúa”.[142] Quả thật, Thánh Phaolô nói về người Do Thái rằng: “đối với ơn tuyển chọn, họ được yêu thương vì tổ tiên họ’ vì hồng ân và ơn kêu gọi của Thiên Chúa không thể thu hồi được” (Rom 11:28-29).

Thánh Phaolô cũng dùng hình ảnh đáng yêu của cây ôliu để diễn tả sự liên hệ rất mật thiết giữa Kitô hữu và người Do Thái: Hội Thánh của Dân Ngoại giống như một nhành ôliu dại được tháp vào cây ôliu tốt là Dân của Giao Ước (x. Rom 11:17-24). Nói cách khác, chúng ta rút chất dinh dưỡng từ cùng một rễ thiêng liêng. Chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em là những người trong những lúc nào đó của lịch sử đã có những liên hệ căng thẳng, nhưng hiện nay đang quyết tâm bắc các nhịp cầu thân hữu vững bền.[143] Như ĐTC Gioan Phaolô II đã nói trong một dịp khác: “Chúng ta có nhiều điều giống nhau. Cùng nhau, chúng ta có thể làm được nhiều việc cho hòa bình, công lý và một thế giới huynh đệ và nhân đạo hơn”.[144]

Một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng Hội Thánh rất coi trọng cuộc đối thoại của mình với người Do Thái. Bất cứ nơi nào thích hợp, nên tạo cơ hội để gặp gỡ và trao đổi, chỗ công cộng cũng như riêng tư, và nhờ đó cổ võ việc tăng trưởng trong sự hiểu biết lẫn nhau, trong sự quí mến và hợp tác với nhau, cũng như trong việc nghiên cứu Thánh Kinh.

Giải thích Thánh Kinh theo chủ nghĩa cơ bản

44. Việc chúng ta lưu tâm đến những bình diện khác nhau trong chủ đề chú giải Thánh Kinh, giờ đây, giúp ta xét đến một đề tài đã từng được đề cập đến nhiều lần trong Thượng Hội Đồng: đó là chủ đề giải thích Thánh Kinh theo chủ nghĩa cơ bản.[145] Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, trong tài liệu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh, đã đưa ra một số hướng dẫn quan trọng. Ở đây tôi muốn đặc biệt bàn về những tiếp cận không tôn trọng tính xác thực của bản văn thánh, nhưng cổ võ những cách giải thích chủ quan và độc đoán. Chủ nghĩa “duy văn tự” (literalism) được cổ võ bởi tiếp cận cơ bản thực sự tiêu biểu cho việc phản bội cả nghĩa văn tự lẫn nghĩa thiêng liêng, và mở đường cho nhiều hình thức thao túng khác nhau như phổ biến những cách giải thích Thánh Kinh chống Hội Thánh. “Vấn đề căn bản đối với cách giải cơ bản là: chối từ không chịu kể đến đặc tính lịch sử của Mặc Khải Thánh Kinh, nên nó tự làm cho mình không có khả năng chấp nhận chân lý trọn vẹn về chính sự nhập thể. Còn về những liên hệ với Thiên Chúa, chủ nghĩa cơ bản tìm cách tránh né bất cứ sự gần gũi nào giữa Thiên Chúa và nhân loại… vì lý do đó, nó có khuynh hướng coi bản văn thánh như đã được Chúa Thánh Thần đọc từng chữ. Nó không thừa nhận rằng Lời Chúa đã được trình bày trong ngôn ngữ loài người và những cách diễn tả bị lệ thuộc vào nhiều thời kỳ khác nhau”.[146] Mặt khác, Kitô giáo nhận ra trong những lời này chính Lời Thiên Chúa, là Ngôi Lời, Đấng bày tỏ mầu nhiệm của mình qua sự phức tạp này và thực tại của lịch sử nhân loại.[147] Câu trả lời thật cho một tiếp cận cơ bản chính là “cách giải thích Thánh Kinh đầy đức tin”. Cách giải thích này, “được thực hành từ thời xa xưa trong Truyền Thống Hội Thánh, tìm chân lý cứu độ cho cuộc đời từng cá nhân Kitô hữu và cho Hội Thánh. Nó nhìn nhận giá trị lịch sử của truyền thống Thánh Kinh. Chính vì giá trị của truyền thống như một nhân chứng lịch sử, cách đọc này tìm cách khám phá ra ý nghĩa sống động của Thánh Kinh đối với đời sống các tín hữu ngày nay”,[148] trong khi vẫn không coi thường sự trung gian nhân loại của bản văn được linh hứng và các văn thể của nó.

Đối thoại giữa các mục tử, các thần học gia và các nhà chú giải

45. Một cách chú giải chân chính của đức tin mang theo với nó một số hiệu quả quan trọng đối với sinh hoạt mục vụ của Hội Thánh. Thí dụ, chính các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục đã để nghị có một liên hệ làm việc gần gũi hơn giữa các mục tử, các thần học gia và các nhà chú giải Thánh Kinh. Các Hội Đồng Giám Mục nên cổ võ những cuộc gặp gỡ như thế với “mục tiêu đẩy mạnh sự hiệp thông lớn lao hơn trong việc phục vụ lời Chúa”.[149] Hợp tác loại này sẽ giúp mọi người chu toàn công việc của mình một cách hữu hiệu hơn vì ích lợi của toàn thể Hội Thánh. Đối với các học giả cũng vậy, đường hướng mục vụ này bao gồm việc tiếp cận bản văn thánh với ý thức rằng đó là một sứ điệp mà Chúa muốn nói với chúng ta vì phần rỗi của chúng ta. Theo những lời của Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, “các nhà chú giải Công Giáo và những người khác hoạt động trong lãnh vực thần học thánh nên chuyên cần hợp tác với nhau, dưới sự cảnh giác của Huấn Quyền thánh. Nhờ dùng những kỹ thuật thích hợp, họ nên cùng nhau bắt đầu nghiên cứu và giải thích các bản văn thánh một cách nào đó để càng nhiều thừa tác viên lời Chúa có thể phân phát chất dinh dưỡng của Thánh Kinh cho dân Chúa một cách hiệu quả. Chất dinh dưỡng này soi sáng tâm trí, củng cố ý chí và đốt lòng mọi người bằng tình yêu Thiên Chúa”.[150]

Thánh Kinh và đại kết

46. Ý thức rằng Hội Thánh đặt nền móng trên Đức Kitô là Lời nhập thể của Thiên Chúa, nên Thượng Hội Đồng Giám Mục muốn nhấn mạnh đến tính trung tâm của việc nghiên cứu Thánh Kinh trong cuộc đối thoại đại kết nhằm diễn tả trọn vẹn sự hợp nhất của tất cả các tín hữu trong Đức Kitô.[151] Chính Thánh Kinh chứa đựng lời cầu nguyện cảm động của Chúa Giêsu với Chúa Cha xin cho các môn đệ được nên một, ngõ hầu thế gian có thể tin (x. Ga 17:21). Tất cả những điều này chỉ có thể củng cố xác tín của chúng ta rằng nhờ cùng nhau lắng nghe và suy niệm Thánh Kinh, chúng ta cảm nghiệm được một sự hiệp thông thật, dù chưa trọn vẹn;[152] “như vậy, cùng nhau tham gia việc lắng nghe Thánh Kinh thúc đẩy chúng ta đến đối thoại trong bác ái và giúp sự tăng trưởng trong cuộc đối thoại về chân lý”,[153] Cùng lắng nghe Lời Chúa, tham gia lectiona divina (đọc Lời Chúa), để lòng mình được đánh động bởi sự tươi mát khôn lường của Lời Chúa, là Lời không bao giờ ra cũ, thắng tật bịt tai trước những lời không hợp với ý kiến hay thành kiến riêng của mình, lắng nghe và học hỏi trong sự hiệp thông của các tín hữu ở mọi thời đại: tất cả những việc ấy tạo thành con đường đi đến hợp nhất trong đức tin như một đáp trả đối với việc nghe Lời Chúa”.[154] Lời của Công Đồng Vaticanô II thật là rõ ràng về điều này: “trong chính việc đối thoại [đại kết], Thánh Kinh là dụng cụ tuyệt hảo trong bàn tay toàn năng của Thiên Chúa để đạt đến sự hiệp nhất mà Ðấng Cứu Thế tỏ bày cho mọi người“.[155] Do đó, nên có sự gia tăng về nghiên cứu, thảo luận và cử hành Lời Chúa đại kết, trong khi vẫn tôn trọng những quy luật hiện hành và sự khác biệt của các truyền thống.[156] Những cử hành này đẩy mạnh mục đích của đại kết, và khi được thi hành một cách thích hợp, chúng có thể tiêu biểu cho những giờ phút cầu nguyện sốt sắng chân chính để xin Thiên Chúa làm cho ngày tất cả chúng ta sẽ có thể ngồi chung một bàn và uống chung một chén mau đến. Tuy nhiên, trong khi thật đáng ca ngợi và chính đáng để cổ võ những buổi cầu nguyện như thế, nhưng phải thận trọng đừng để các tín hữu coi những buổi cầu nguyện này như thay thế cho việc cử hành Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật hay các lễ buộc.

Trong công việc nghiên cứu và cầu nguyện này, chúng ta bình thản nhìn nhận những bình diện vẫn còn cần được thăm dò một cách sâu xa hơn và những bình diện mà chúng ta vẫn còn khác biệt, như sự hiểu biết về chủ đề ai là người có thẩm quyền giải thích [Thánh Kinh] trong Hội Thánh và vai trò quyết định của Huấn Quyền.[157]

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh đến những lời tuyên bố của các Nghị Phụ về đề tài quan trọng trong công cuộc đại kết, những bản dịch Thánh Kinh ra các ngôn ngữ khác nhau. Thực ra chúng ta biết rằng dịch một bản văn không chỉ là một công việc thuần tuý máy móc, nhưng theo một nghĩa nào đó, nó thuộc về công trình giải thích. Về phương diện này, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II đã nhận xét rằng “bất cứ ai nhớ lại những cuộc tranh luận sôi nổi về Thánh Kinh đã ảnh hưởng đến những chia rẽ ra sao, nhất là tại Tây Phương, đều có thể hiểu rõ giá trị của bước tiến quan trọng mà các bản dịch chung này tiêu biểu”.[158]. Cổ võ những bản dịch Thánh Kinh chung là một phần trong nỗ lực đại kết. Ở đây tôi xin cám ơn tất cả những ai đã tham gia vào nhiệm vụ to lớn này và khuyến khích họ trong việc theo đuổi công tác của mình.

Các hậu quả đối với việc nghiên cứu thần học

47. Một hậu quả khác phát sinh từ việc chú giải Thánh Kinh đầy đủ về đức tin có liên quan đến những liên hệ cần thiết của nó với việc đào luyện về chú giải và thần học, nhất là trong việc đào tạo các ứng viên linh mục. Phải thận trọng để đảm bảo rằng việc nghiên cứu Thánh Kinh phải thực sự là linh hồn của khoa thần học vì Thánh Kinh được chấp nhận như Lời Chúa ngỏ với thế giới, với Hội Thánh và với đích thân mỗi người chúng ta ngày nay. Điều quan trọng là các tiêu chuẩn ấn định trong Số 12 của Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum phải được thực sự lưu ý đến và trở thành đối tượng cho một nghiên cứu sâu sắc hơn. Phải tránh vun trồng một quan niệm cho rằng việc nghiên cứu có tính cách uyên bác phải được coi như là trung lập đối với Thánh Kinh. Đó là lý do tại sao cùng với việc học các nguyên ngữ mà trong đó Thánh Kinh đã được viết, và những phương pháp giải thích thích đáng, các sinh viên còn cần phải có một đời sống thiêng liêng thâm sâu, để nhận thức rằng người ta chỉ có thể hiểu được Thánh Kinh khi sống nó mà thôi.

Trong viễn cảnh này, tôi tha thiết đề nghị rằng việc nghiên cứu Lời Chúa, kể cả truyền khẩu lẫn văn bản, luôn được xảy ra trong một tinh thần Hội Thánh sâu xa, và việc đào luyện ở đại học phải lưu ý đến những can thiệp thích đáng của Huấn Quyền, là cơ chế “không cao hơn Lời Chúa, nhưng đúng hơn là đầy tớ của Lời Chúa. Huấn Quyền này chỉ dạy những điều đã được truyền lại cho nó. Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn Quyền nhiệt tình lắng nghe, cung kính giữ gìn và trung thành trình bày Lời ấy”.[159] Như vậy, phải cẩn trọng để các giáo huấn truyền đạt một sự thừa nhận rằng “Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền Hội Thánh liên kết và phối hợp chặt chẽ với nhau đến nỗi một trong ba thực thể không thể đứng vững được nếu không có hai thực thể kia”.[160] Tôi hy vọng rằng trong tinh thần trung thành với giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, việc nghiên cứu Thánh Kinh, được đọc trong sự hiệp thông của Hội Thánh hoàn vũ, sẽ thực sự là linh hồn của những nghiên cứu thần học.[161]

Các thánh và việc giải thích Thánh Kinh

48. Việc giải thích Thánh Kinh vẫn chưa đầy đủ nếu không bao gồm việc lắng nghe những người đã thực sự sống Lời Chúa, là các thánh.[162] Quả thật, "viva lectio est vita bonorum" (bài đọc sống động chính là đời sống của những người lành).[163] Việc giải thích Thánh Kinh sâu sắc nhất phát sinh từ chính những người đã để mình được Lời Chúa uốn nắn qua việc lắng nghe, đọc và chăm chú suy niệm Lời Chúa.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà các dòng linh đạo vĩ đại trong lịch sử Hội Thánh đã phát sinh từ một liên hệ dứt khoát với Thánh Kinh. Một thí dụ tôi nghĩ đến Thánh Antôn tu viện trưởng, đấng đã cảm động khi nghe những lời này của Đức Kitô: “Nếu các con muốn nên trọn lành, hãy đi, bán hết mọi sự con có và cho người nghèo, con sẽ có một kho tàng trên trời; rồi hãy đến mà theo Thày” (Mt 19:21).[164] Gây ấn tượng không kém là câu hỏi được Thánh Basiliô Cả đặt ra trong Moralia: "Cái gì là dấu đặc thù của đức tin? Là lòng xác tín hoàn toàn và không do dự rằng những lời được Thiên Chúa linh hứng là chân thật… Điều gì là dấu đặc thù của các tín hữu? Là thích nghi đời sống của họ với cùng một lòng xác tín hoàn toàn đối với ý nghĩa của những lời trong Thánh Kinh, không dám thêm hay bớt bất cứ một điều gì”.[165] Thánh Bênêđictô, trong Qui Luật của ngài, gọi Thánh Kinh là “qui luật hoàn hảo nhất đối với đời sống con người”.[166] Còn Thánh Phanxicô Assisi, mà chúng ta học được từ Tôma thành Celanô, “khi nghe rằng các môn đệ của Đức Kitô không được có vàng, bạc tiền của, cũng như không được mang theo bao bị, bánh, gậy đi đường, giầy dép cùng hai áo khoác… ngài được hân hoan trong Chúa Thánh Thần, lập tức la lên: ‘đây chính là điều tôi muốn có, đây chính là điều tôi xin, đây chính là điều tôi mong mỏi được thi hành với hết lòng tôi!’”.[167] Thánh Clara thành Assisi hoàn toàn chia sẻ cảm nghiệm của thánh Phanxicô: Bà viết “Hình thức sống của Dòng Chị Em Hèn Mọn là điều này: tuân giữ Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.[168] Thánh Đa Minh cũng thế, “khắp nơi, ngài luôn tỏ ra mình là người của Tin Mừng, trong lời nói cũng như việc làm”.[169] và muốn các tu huynh của ngài cũng là “những người của Tin Mừng”.[170] Thánh Têrêxa thành Avila Dòng Camêlô, đấng trong các tác phẩm của ngài luôn dùng hình ảnh Thánh Kinh để giải thích những cảm nghiệm huyền bí của mình, nói rằng chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho Bà rằng “mọi sự dữ trên thế gian đều phát sinh từ việc không biết rõ ràng các chân lý của Thánh Kinh”.[171] Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã khám phá rằng ra tình yêu là ơn gọi riêng của mình là nhờ chăm chú đọc Thánh Kinh nhất là Chương 12 và 13 của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô;[172] cũng vị thánh này đã mô tả sức hấp dẫn của Thánh Kinh: “chỉ cần thoáng đọc Tin Mừng, tôi đã lập tức được hít thở hương vị của cuộc đời Chúa Giêsu và biết mình phải chạy ở bên nào”.[173] Mỗi vị thánh như một tia sáng chiếu ra từ Lời Chúa: chúng ta có thể nghĩ đến Thánh Inhaxiô thành Loyola trong cuộc tìm kiếm chân lý của ngài cũng như trong việc ngài phân biệt các thần khí; Thánh Gioan Boscô, trong đam mê giáo dục giới trẻ của ngài; Thánh Gioan Maria Vianey trong ý thức về sự cao cả của thiên chức linh mục như một hồng ân và một trách nhiệm của ngài; Thánh Piô thành Pietrelcina trong việc phục vụ như một công cụ của lòng thương xót Chúa; Thánh Josemaria Escrivá trong việc giảng dạy về ơn gọi nên thánh phổ quát; Á Thánh Têrêxa thành Calcutta, nhà truyền giáo của lòng bác ái của Thiên Chúa đối với những người nghèo nhất trong những người nghèo, rồi các vị tử đạo của chủ nghĩa Quốc Xã và Cộng Sản, đại biểu bởi Thánh Têrêxa Bênêđicta Thánh Giá (Edith Stein), một nữ tu Dòng Camêlô, và Á Thánh Aloysiô Stepinac, Hồng Y Tổng Giám Mục Zagreb.

49. Như thế, sự thánh thiện được linh hứng bởi Lời Chúa, một cách nào đó, thuộc truyền thống tiên tri, trong đó, Lời Chúa dùng chính cuộc sống của vị ngôn sứ để phục vụ mình. Theo nghĩa này, sự thánh thiện trong Hội Thánh cấu thành một cách giải thích Thánh Kinh mà chúng ta không được coi thường. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng các thánh ký, cũng là cùng một Thánh Thần Đấng thúc đẩy các thánh dâng hiến đời các ngài cho Tin Mừng. Bằng cách cố gắng học từ gương của các ngài, chúng ta bắt đầu đi trên con đường chắc chắn hướng về một bài chú giải Lời Chúa sống động và hiệu quả.

Chúng ta đã thấy những chứng nhân trực tiếp cho mối dây liên kết giữa sự thánh thiện và Lời Chúa trong Phiên Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ Mười Hai, khi mà bốn vị thánh mới được phong vào ngày 12 tháng Mười tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đó là: Gaetano Errico, linh mục và người sáng lập Tu Hội Truyền Giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; Mẹ Maria Bernarda Bütler, sinh quán Thụy Sĩ và là một nhà truyền giáo tại Ecuador và Colombia; Nữ Tu Alphonsa Vô Nhiễm Nguyên Tội, vị hiển thánh đầu tiên sinh tại Ấn Độ; và nữ tín hữu trẻ người Ecuador là Narcisa de Jesús Martillo Morán. Bằng cuộc sống của mình, các ngài đã làm chứng cho thành quả bất diệt của Tin Mừng của Đức Kitô trước mặt thế gian và Hội Thánh. Nhờ lời chuyển cầu của những vị thánh được tôn phong vào dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa này, chúng ta hãy xin Chúa biến chính đời sống của chúng ta thành “thửa đất tốt” trong đó Đấng Gieo Giống Thần Linh trồng Lời Người, để cho Lời ấy trổ sinh trong chúng ta nhiều hoa quả thánh thiện, “gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần” (Mt 4:20).

=============

Chú Thích

84 Breviloquium, Prol.: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.

85 Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 106, art. 2.

86 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), III, A, 3: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3035.

87 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 12.

88 Contra epistulam Manichaei quam vocant fundamenti, V, 6: PL 42, 176.

89 Cf. BENEDICT XVI, General Audience (14 November 2007): Insegnamenti III 2 (2007), 586-591.

90 Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24, 17.

91 Epistula 52:7: CSEL 54, p. 426.

92 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2988.

93 Ibid., II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2991.

94 Homiliae in Ezechielem I, VII, 8: PL 76, 843D.

95 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 24; cf. LEO XIII, Encyclical Letter Providentissimus Deus (18 November 1893), Pars II, sub fi ne: ASS 26 (1893-94), 269-292; BENEDICT XV, Encyclical Letter Spiritus Paraclitus (15 September 1920), Pars III: AAS 12 (1920), 385-422.

96 Cf. Propositio 26.

97 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), A-B: Enchiridion Vaticanum 13, Nos. 2846-3150.

98 BENEDICT XVI, Intervention in the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 492; cf. Propositio 25.

99 ID., Address to Representatives of the World of Culture at the “Collège des Bernardins” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 722-723.

100 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

101 Cf. JOHN PAUL II, Address for the Celebration of the Centenary of the Encyclical Providentissimus Deus and the Fiftieth Anniversary of the Encyclical Divino Affl ante Spiritu (23 April 1993): AAS 86 (1994), 232-243.

102 Ibid., 4: AAS 86 (1994), 235.

103 Ibid., 5: AAS 86 (1994), 235.

104 Ibid., 5: AAS 86 (1994), 236.

105 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), III, C, 1: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3065.

106 No. 12.

107 BENEDICT XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493; cf. Propositio 25.

108 Cf. Propositio 26.

109 Propositio 27.

110 BENEDICT XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493; cf. Propositio 26.

111 Cf. ibid.

112 Ibid.

113 Cf. Propositio 27.

114 BENEDICT XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493-494.

115 JOHN PAUL II, Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 55: AAS 91 (1999), 49-50.

116 Cf. BENEDICT XVI, Address to the Fourth National Ecclesial Congress in Italy (19 October 2006): AAS 98 (2006), 804-815.

117 Cf. Propositio 6.

118 Cf. SAINT AUGUSTINE, De libero arbitrio, III, XXI, 59: PL 32, 1300; De Trinitate, II, I, 2: PL 42, 845.

119 CONGREGATION FOR CATHOLIC EDUCATION, Instruction Inspectis Dierum (10 November 1989), 26: AAS 82 (1990), 618.

120 Catechism of the Catholic Church, 116.

121 Summa Theologiae, I, q. 1, art. 10, ad 1.

122 Catechism of the Catholic Church, 118.

123 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2987.

124 Ibid., II, B, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3003.

125 BENEDICT XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “ Collège des Bernardins ” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 726.

126 Ibid.

127 Cf. ID., General Audience (9 January 2008): Insegnamenti IV, 1 (2008), 41-45.

128 Cf. Propositio 29.

129 De Arca Noe, 2, 8: PL 176, 642C-D.

130 Cf. BENEDICT XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “ Collège des Bernardins ” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 725.

131 Cf. Propositio 10; PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 748-755.

132 Cf. Catechism of the Catholic Church, 121-122.

133 Propositio 52.

134 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001), 19: Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 799-801; ORIGEN, Homily on Numbers 9, 4: SC 415, 238-242.

135 Catechism of the Catholic Church, 128.

136 Ibid., 129.

137 Propositio 52.

138 Quaestiones in Heptateuchum, 2, 73: PL 34, 623.

139 Homiliae in Ezechielem I, VI, 15: PL 76, 836B.

140 Propositio 29.

141 JOHN PAUL II, Message to the Chief Rabbi of Rome (22 May 2004): Insegnamenti XXVII, 1 (2004), p. 655.

142 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001), 87: Enchiridion Vaticanum 20, No. 1150.

143 Cf. BENEDICT XVI, Farewell Discourse at Ben Gurion International Airport in Tel Aviv (15 May 2009): Insegnamenti, V, 1 (2009), 847-849.

144 JOHN PAUL II, Address to the Chief Rabbis of Israel (23 March 2000): Insegnamenti XXIII, 1 (2000), 434.

145 Cf. Propositiones 46 and 47.

146 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), I, F: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2974.

147 Cf. BENEDICT XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “ Collège des Bernardins ” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 726.

148 Propositio 46.

149 Propositio 28.

150 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 23.

151 It should be recalled, however, that with regard to the so-called deuterocanonical books of the Old Testament and their inspiration, Catholics and Orthodox do not have exactly the same biblical canon as Anglicans and Protestants.

152 Cf. Relatio post disceptationem, 36.

153 Propositio 36.

154 Cf. BENEDICT XVI, Address to the Eleventh Ordinary Council of the General Secretariat of the Synod of Bishops (25 January 2007): AAS 99 (2007), 85-86.

155 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 21.

156 Cf. Propositio 36.

157 Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

158 Encyclical Letter Ut Unum Sint (25 May 1995), 44: AAS 87 (1995), 947.

159 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

160 Ibid.

161 Cf. ibid., 24.

162 Cf. Propositio 22.

163 SAINT GREGORY THE GREAT, Moralia in Job XXIV, VIII, 16: PL 76, 295.

164 Cf. SAINT ATHANASIUS, Vita Antonii, II: PL 73:127.

165 Moralia, Regula LXXX, XXII: PG 31, 867.

166 Rule, 73, 3: SC 182, 672.

167 THOMAS OF CELANO, First Life of Saint Francis, IX, 22: FF 356.

168 Rule, I, 1-2: FF 2750.

169 BLESSED JORDAN OF SAXONY, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, 104; Monumenta Fratrum Praedicatorum Historica, Rome, 1935, 16, p. 75.

170 ORDER OF FRIARS PREACHER, First Constitutions or Consuetudines, II, XXXI.

171 Vita, 40, 1.

172 Cf. Story of a Soul, Ms B, 254.

173 Ibid., Ms C, 35v.