Cỗ áo quan của Ðức cố Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị

Trong tang lễ đức cố giáo hòang Gioan Phaolô đệ nhị, hình ảnh nổi bật cùng mang ý nghĩa sâu đậm nhất vừa về đạo đức thần học lẫn đời sống của người qúa cố là cỗ áo quan của ngài.

Chiếc áo quan bao bọc thân xác của Ðức cố Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị bằng gỗ giữ y nguyên mầu thiên nhiên không sơn phết pha nhuộm chạm trổ.

Chiếc hòm đựng thân xác ngài lại đóng theo hình chữ nhật góc cạnh bằng phẳng thẳng đứng. Những góc mộng nối các góc đầu gỗ lại với nhau, và những mắt vết cùng đường gân của gỗ còn hiện hình nguyên trạng.
Trên mặt cỗ áo quan khắc hình cây Thánh Gía, chữ M và cuốn Phúc âm m62u đỏ đặt nằm bên trên.

Quan tài ngài được khiêng rước đặt trên nền đất có một tấm thảm lót bên dưới, trước bàn thờ dâng Thánh lễ và bên cạnh là một cây nến Chúa Phục sinh đang cháy tỏa ánh lửa.

Hình ảnh thật mộc mạc đơn sơ. Nhưng lại đánh động mạnh tâm hồn mọi người có mặt tại chỗ hôm tham dự Thánh lễ an táng ngài và những người xem qua màn ảnh truyền hình!

1. Người chết nối linh thiêng vào đời

Lời ca thấm nhuộm tâm tình suy tư thoát ra từ đáy tâm hồn của cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn: „Người chết nối linh thiêng vào đời!“ gợi nhớ lại đời sống cùng lời nói khi xưa của đức cố Thánh cha Gioan Phaolo đệ nhị nằm xuôi hai tay trong cỗ quan tài bằng gỗ mộc mạc.

Nhìn chiếc áo quan của ngài, do chính ngài mong muốn cho mình, gợi nhớ đến lời suy tư: Chết không phải là hết, là tan xương nát thịt biến mất hẳn vào hư vô! Nhưng người đã khuất núi vẫn còn hiện diện trong tâm tưởng người còn đang sống trên trần gian.

1.1. Hơn 26 năm đức cố Thánh Cha Gioan Phaolo sống là người mục tử hy sinh trọn sức lực thể xác lẫn tinh thần và dồn tất cả mọi thời giờ cho Giáo hội công giáo thế giới và nổi tiếng hầu như ai cũng nghe biết đến ngài. Nhưng khi qua đời lại chọn cho mình „chiếc giường – chiếc áo quan “ đơn sơ bằng gỗ mộc mạc.

Một gương mẫu đời sống hy sinh khiêm nhường không chỉ lúc còn sống mà cả lúc đã chết!

1.2. Hơn 26 năm là vị thủ lãnh đạo Công giáo hoàn cầu có quốc gia Vatican riêng. Nhưng khi khuất núi lại mong muốn được chôn trong trong lòng đất mẹ như tất cả mọi người, không muốn được đặt trong một lăng tẩm bằng đá cẩm thạch nổi trên mặt đất.

Một đời sống tâm niệm nhìn nhận mình là tạo vật của Ðấng Tạo Hóa: Từ đất bụi con đã được tạo thành. Và giờ đây con cũng trở về với đất bụi.

1.3. Hơn 26 năm là người kế vị Thánh Phero, thay mặt Chúa ở trần gian, có đủ mọi quyền hành tháo cởi, trói buộc cao cả. Nhưng khi chết lại mong muốn được khiêng đặt nằm trên nền đất trước bàn thờ Thiên Chúa.

Một đời sống không chỉ lúc còn sống, mà cả lúc xuôi hai tay nằm xuống cũng muốn hằng tuyên xưng: Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác đời con!

1.4. Hơn 26 năm phục vụ Giáo hội vì tình yêu Thiên Chúa và con người. Nhưng lúc chết lại chọn cho mình chiếc áo quan đóng theo một hình chữ nhật phẳng lì, không chạm trổ góc cạnh, sơn phết, không cờ quạt bông hoa bao phủ.

Một đời sống chân thành không muốn để mình bị những lớp hào nhoáng bóng bẩy che lấp, làm lu mờ xa Thiên Chúa và xa con người.

1.5. Hơn 26 năm là Giáo hoàng của Giáo hội được kính trọng, được tung hô vạn tuế. Nhưng lúc qua đời lại mong muốn chỉ có cây Thánh Gía Chúa Giêsu đóng gắn trên mặt ván và cây nến Chúa Giêsu Phục sinh duy nhất dựng bên cạnh chiềc quan tài của mình.

Một đời sống thấm nhuần đức tin vào Thánh giá và ánh sáng Chúa Phục sinh không chỉ tuyên xưng lúc còn sống, nhưng cả lúc chết cũng hằng trung tín với. Ánh sáng Chúa Phục sinh soi đường dẫn lối trong cuộc đời và cũng ánh sáng đó dẫn đưa trở về nhà Cha trên trời.

1.6. Hơn 26 năm đi tìm kiếm đến với con người, sống làm chứng cho tình yêu của Chúa. Nhưng lúc chết không muốn có một vòng hoa, một dòng chữ băng vải tưởng niệm nào chăng mắc xung quanh quan tài mình. Chỉ có cuốn Phúc âm của Chúa đặt nằm bên trên

Một đời sống dấn thân hoàn toàn cho Chúa khi còn sống cũng như lúc đã qua đời. Bầu khí không bông hoa đèn nến trướng vải có vẻ khô khan cứng lạnh. Nhưng những trang trí hình thức đó không cần thiết, không thêm gì cho tình yêu Chúa. Phúc âm mới là nền tảng cho đời sống ra khơi làm nhân chứng.

1.7. Hơn 26 năm thu hút hấp dẫn người trẻ khắp thế giới. Nhưng lúc qua đời chỉ có tấm hình Chúa Giêsu sống lại căng trên đỉnh đầu chiếc quan tài.

Một đời sống chỉ biết làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh (xx. Cv 1,22). Chính Chúa phục sinh gây lòng hào hứng phấn khởi cho người Trẻ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Vị Giáo hoàng chỉ là dụng cụ được Ngài dùng để sống và nói với người trẻ về Ngài.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo chết rồi mà vẫn muốn gần gũi, muốn sống tình liên đới với thiên nhiên, với con người như khi lúc còn sống. Sức sống chân thành nội tâm đó có sức cảm hóa thu hút lòng người. Ðây là một người, như xưa kia Chúa Giêsu đã nói với Nathanael, „ lòng dạ đơn sơ chân thành ngay thẳng“ ( Ga 1, 47)

2. Trong trái tim con người


„Những gì khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn người khác là (đài)kỷ niệm đẹp nhất của một người để lại.“ (Albert Schweitzer)

Trong di chúc để lại, đức cố Thánh Cha Gioan Phaolô viết: „ Cha không để lại tài sản nào cần thiết phải phân chia“.

Nhưng ngài đã để lại rất nhiều: Một gia sản tinh thần khổng lồ!

Những bài suy tư, những bài giảng, những thư ngài viết, những câu nói chân thành đạo đức tình người, những thông điệp tông huấn, cả những nụ cười, những lời nói vui đùa của ngài với hết mọi lớp người trong những cuộc gặp gỡ. Những lời của ngài để lại hướng dẫn chỉ đường và theo đó con người có thể phác họa một nếp sống đức tin vào Chúa và tình người với nhau.

Và ngài còn để lại một mẫu đài kỷ niệm tuyệt vời: Hình ảnh chiếc quan tài bằng gỗ đơn sơ mộc mạc, trong đó ngài nằm xuôi hai tay!

Hai kỷ niệm này ghi khắc sâu đậm mãi mãi trong tâm hồn con người.

Trăm nghìn triệu Bạn trẻ đến với ngài, muốn cùng thông cảm sự đau khổ lúc ngài trên giường bệnh hấp hối và ngày lễ an táng . Vì họ cảm thấy ngài và họ cùng liên kết trong tình nghĩa cha con. Họ cảm thấy mang nặng nợ với ngài

Xưa kia ngài đã đi tìm kiếm đến thăm họ. Giờ đây họ có nghĩa vụ tinh thần đến thăm ngài, đến tiễn đưa ngài.

Xưa kia ngài chỉ dẫn họ cách sống đức tin cách cầu nguyện ở những kỳ Ðại hội Giới trẻ thế giới. Giờ đây họ đến trước sân nhà ngài chắp tay đốt nến đọc kinh cho ngài.

Xưa kia ngài giơ vòng tay ra phía trước rộng mở đón chào họ. Giờ đây nghe đến tên ngài, nhìn thấy áo quan bao bọc ngài, họ dùng đôi bàn tay vỗ thành tiếng âm vang như muốn gào lên: Chúng con xin chào cha!

Xưa kia ngài hằng cổ võ tinh thần họ: các con Bạn Trẻ là tương lai của xã hội và Giáo hội! Giờ đây họ căng biểu ngữ viết lên tâm tình: Santo subito! Xin hãy tôn vinh phong thánh ngay cho đức thánh cha của chúng ta!

Ðức cố Thánh cha Gioan Phaolo đã đến với con người, với người trẻ bằng trái tim vui tươi niềm nở, đã nói với họ bằng ngôn ngữ tình yêu đơn giản dễ hiểu.

Bây giờ chết rồi, ngài cũng còn nói bằng ngôn từ dễ hiểu nhất: chiếc quan tài bằng gỗ đơn sơ mộc mạc đặt nằm trên nền đất.

Hình ảnh (đài) kỷ niệm này ghi khắc sâu đậm nhất trong lòng người hơn cả.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long