CON NGƯỜI CÓ LÝ TRÍ VÀ TỰ DO (4)

Trong bài ‘Niềm vui và hy vọng, Tổng hợp chuyến viếng thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam lần đầu tiên của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli,

Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam trên WHĐ ngày 03.05.2011, chúng tôi được đọc: “Được hỏi về hướng giải quyết khi có căng thẳng Đạo-Đời, Đức TGM mời gọi ngắm nhìn cách ứng xử của Đức Giêsu: “Trả cho Xêda những gì của Xêda, và trả cho Chúa những gì là của Chúa.” Chúa không làm cách mạng đánh đuổi người Rôma thì Giáo hội cũng thế. Chúa Giêsu tôn trọng chính quyền, nhưng đồng thời Ngài cũng xác định sự tự do của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo hội không làm chính trị, nhưng đem Lời Chúa đến cho mọi người. Và Lời Chúa soi sáng mọi sự.”

Theo ý kiến riêng, chúng tôi xin được phép xem Lời Chúa không chỉ là Thánh Kinh mà thôi, những gồm cả những Giáo huấn của Hội Thánh Công giáo như Giáo luật, Học thuyết xã hội…

I. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO.

Trích ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ Chương 8 có tựa đề ‘Cộng đồng chính trị’.

A.- Nhà nước và các Cộng đồng Tôn giáo.

Tự do Tôn giáo, một Quyền căn bản của Con người.

Công đồng Vatican II đã giao cho Giáo hội Công giáo nhiệm vụ thúc đẩy tự do tôn giáo qua Tuyên ngôn ‘Dignitatis Humanae’ (Phẩm giá Con người): “cá nhân và các cộng đồng có quyền được tự do về mặt dân sự lẫn xã hội trong các vấn đề tôn giáo”. Đây là điều này cần thiết để con người hành xử sự tự do mà Chúa muốn và ban cho mình không gặp phải một trở ngại nào, vì “sự thật tự nó có sức mạnh ép buộc chứ không dựa trên một uy quyền nào khác”. Do đó, Nhà Nước không được cưỡng bách con người hành động ngược với lương tâm của mình hay không được ngăn cản con người hành động hợp với lương tâm mình (số 421).

Sự tự do lương tâm và sự tự do tôn giáo “liên quan đến con người cả về phương diện cá nhân lẫn phương diện xã hội”. Quyền tự do tôn giáo phải được nhìn nhận trong trật tự pháp lý và được phê chuẩn như một quyền dân sự, nhưng tự nó không phải là một quyền vô hạn. Cần có những giới hạn chính đáng căn cứ theo những đòi hỏi của công ích, và được xác nhận bởi nhà cầm quyền dân sự, thông qua những chuẩn mực pháp luật phù hợp với trật tự luân lý. Cần có những chuẩn mực ấy vì “người ta cần phải bảo vệ hữu hiệu các quyền lợi của mọi công dân và phải giải quyết trong hoà bình các sự xung đột về quyền lợi; phải chăm lo thích đáng nền hoà bình chung thật sự, chỉ có khi mọi người cùng sống với nhau trong trật tự và công lý đích thực; sau cùng cần phải có sự bảo vệ thích đáng cho nền luân lý chung” (số 422).

Vì có liên hệ về mặt lịch sử và văn hoá với quốc gia, nên cộng đồng tôn giáo có thể được Nhà nước nhìn nhận một cách đặc biệt hơn. Nhưng sự nhìn nhận nầy không tạo nên sự kỳ thị đối với các tôn giáo khác ngay trong trật tự dân sự hay xã hội. Tầm nhìn được (số 423).

B.- Giáo hội Công giáo và Cộng đồng Chánh trị.

1. Tự trị và độc lập .

Dù cả hai đều xuất hiện trong các cơ cấu mang tính tổ chức thấy rõ bên ngoài, nhưng tự bản chất, hai bên vẫn rất khác nhau do cách định hình và do mục tiêu hai bên theo đuổi. Công đồng Vatican II đã long trọng tái xác nhận rằng “Cộng đồng chính trị và Giáo hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt riêng của mình”. Giáo hội được tổ chức theo những cách thức có thể giúp đáp ứng các nhu cầu tâm linh của các tín hữu, còn các cộng đồng chính trị đưa ra các mối quan hệ và định chế nhằm phục vụ mọi sự có liên quan tới công ích trên trần gian. Sự tự trị và độc lập này càng rõ hơn khi so sánh các mục tiêu của chúng.

Vì tôn trọng sự tự do tôn giáo, Cộng đồng chính trị phải bảo đảm cho Giáo hội có đủ không gian cần thiết để thi hành sứ mạng của mình. Về phần mình, Giáo hội không có thẩm quyền chuyên môn nào đối với các cơ cấu của cộng đồng chính trị: “Giáo hội tôn trọng sự tự trị chính đáng của trật tự dân chủ và không mang danh nghĩa nào để ủng hộ ưu tiên cho giải pháp này hay giải pháp kia, liên quan đến định chế hay hiến pháp”, và cũng không tham gia vào các chương trình chính trị, trừ khi có những điểm liên quan đến tôn giáo hay luân lý (số 424).

2. Hợp tác.

Sự tự trị của Giáo Hội và cộng đồng chính trị không đưa tới sự biệt lập, bất hợp tác vì, dù với danh nghĩa khác nhau, nhưng đôi bên đều phục vụ thiên chức vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội của cùng một con người. Thật vậy, hai bên, qua các cơ cấu mang tính tổ chức riêng mình, đều phải có những mục đích phục vụ con người, giúp con người thi hành các quyền của mình cách trọn vẹn, những quyền nằm trong chính con người vừa là công dân của một nước vừa là Kitô hữu, đồng thời giúp con người chu toàn các nghĩa vụ tương ứng của mình. Đôi bên cần làm cho việc phục vụ này hữu hiệu hơn “để mọi người cùng có lợi, nếu mỗi bên nỗ lực hơn nữa để hợp tác lành mạnh với nhau theo cách nào phù hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian” (số 425).

Giáo hội có quyền được pháp luật nhìn nhận căn tính đúng của mình vì sứ mạng Giáo hội bao gồm mọi thực tại của con người, nên cảm thấy mình “được gắn kết thật sự và sâu sắc với nhân loại và lịch sử của nhân loại”, và cần bày tỏ sự phê phán luân lý về thực tại ấy, mỗi khi Giáo hội thấy mình có bổn phận phải bênh vực các quyền căn bản của con người hay vì sự cứu độ các linh hồn. Bởi đó, Giáo hội phải được tự do phát biểu, giảng dạy và loan báo Tin Mừng; tự do thờ phượng chung; tự do tổ chức và cai quản trong nội bộ mình; tự do tuyển chọn, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các người thừa hành; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo, tự do tìm kiếm và sở hữu của cải đủ cho các hoạt động của mình; và tự do thành lập các hiệp hội không chỉ cho các mục tiêu tôn giáo mà còn cho các mục tiêu giáo dục, văn hoá, y tế và bác ái (số 426).

Để ngăn cản và làm giảm bớt các xung đột có thể có giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị, hai bên cần xác định những hình thức bền vững để hai bên tiếp xúc với nhau và những phương thế thích hợp để bảo đảm cho quan hệ giữa hai bên được hài hoà. Kinh nghiệm cho thấy Nhà nước thường xâm phạm lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, cản trở sự tự do hoạt động tới mức công khai bách hại Giáo hội, hay ngược lại, cho những trường hợp trong đó các tổ chức Giáo hội không có hành động tôn trọng thích đáng đối với Nhà nước (số 427).

II. GIÁO LUẬT.

Bộ Giáo Luật hiện hành được Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.01.1983 qua Tông hiến "Sacrae Disciplinae Leges". Trong đó, Quyển II qui định về Dân Chúa.

A.- Các tín hữu.

Danh từ tín hữu Công giáo được Bộ Giáo Luật định nghĩa nơi điều 204:

(1) Các tín hữu là những người, nhờ phép Rửa Tội, được hiệp thân với Đức Kitô, kết thành dân của Chúa và do đó, họ tham dự theo cách thế riêng vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Đức Kitô. Theo điều kiện của mỗi người, họ được kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội chu toàn trong thế giới.

(2) Giáo hội này, được thiết lập và tổ chức như một xã hội ở trong thế giới, tồn tại trong Giáo hội Công giáo, được cai quản do người kế vị Thánh Phêrô và do các Giám mục hiệp thông với Người.

B.- Các giáo sĩ và các giáo dân.

Điều 207: (1) Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo dân.

(2) Trong cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây ràng buộc thánh thiện khác, được Giáo Hội công nhận và phê chuẩn. Hàng ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.

C.- ‘Tính cách trần thế’ của người giáo dân.

Tất cả mọi thành phần Giáo hội đều phải tham gia vào chiều kích trần thế của Giáo hội, đó là điều chắc chắn, nhưng có nhiều cách thế khác nhau. Đặc biệt sự tham dự của người giáo dân có một hình thái thực hiện và chức vụ ‘riêng rẽ và đặc biệt’ theo như Công đồng Vatican II phân tích và được gọi đó là ‘tính cách trần thế’ cùng quả quyết: “Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân” và ề chính đó là nơi họ được gọi” (Aùnh Sáng Muôn Dân, số 31).

Tính cách trần thế là ở giữa trần thế, sống với đời sống của trần thế và sống cho trần thế, nghĩa là không phải sống bị lôi cuốn theo các chiều hướng xấu của trần thế, trái lại, để cải hóa trần thế theo tinh thần của Chúa Kitô, như Ngài đã căn dặn: "Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng của thế gian" (Mt 5: 16)

Tính cách trần thế này đặt nền tảng trên hai Chân lý thần học: mầu nhiệm sáng tạo và mầu nhiệm nhập thể cùng nhập thế của Thiên Chúa.

- Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền chế ngự tạo vật (Sáng thế 1: 26-31)

- Khi muốn cứu chuộc con người, Chúa đã muốn sinh ra làm người để sống hoàn toàn thân phận con người trong lịch sử của nó.

Vì thế, Công Đồng Vatican II quả quyết: “Tính cách trần thế của người tín hữu giáo dân không chỉ được định nghĩa theo quan niệm xã hội, mà theo ý nghĩa thần học. Tính cách trần thế phải hiểu theo ánh sáng của tác động tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó trần thế này cho con người cả nam lẫn nữ để họ tham gia vào việc tạo dựng, để họ giải thoát thọ tạo khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, để họ tự thánh hóa mình trong đờụi sống hôn nhân hay độc thân, trong gia đình, trong chức nghiệp và trong các hoạt động xã hội.” (đề nghị 4 của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1978 về Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân).

Trong Tông huấn về giáo dân, Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích thêm: “Sống và hành động giữa thế giới đối với các tín hữu giáo dân , không chỉ là một thực tại nhân sinh xã hội, mà còn là một thực tại chuyên biệt thần học giữa trần thế. Thiên Chúa muốn biểu lộ ý định của Ngài và thông ban cho họ Ơn gọi đặc biệt là ‘tìm nước Thiên Chúa bằng cách quản lý những thực tại trần thế mà họ phải sắp xếp theo ý Thiên Chúa…” (Tông huấn Người Tín hữu Giáo dân, số 15).

Bởi vậy, mọi tín hữu Đức Kitô đều phải sống nên thánh theo Ơn Gọi Chúa đã chỉ định và mình đã tự do tuyên nhận: Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân. Tất cả Kitô hữu sống đạo hợp thành Nhiệm Thể Đức Kitô hay Giáo hội.

E.- Linh mục là một Đức Kitô khác.

Linh mục là đã tín hữu Công giáo đáp Ơn Gọi từ Đức Kitô để nhận Bí tích Truyền Chức Thánh từ Đức Giám mục và trở thành thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo sĩ. Cha còn là một Mục tử, một Đức Kitô khác (Alter Christus) hay Đức Kitô thứ hai, mang sứ mạng Chúa Giêsu là cứu rỗi nhân loại qua sự dâng hiến hoàn toàn và vâng phục tuyệt đối ý Chúa Cha.

Hiện diện giữa giáo dân, và cho giáo dân, các linh mục, trước hết là thi hành trách nhiệm mục vụ. Các Cha là những mục tử của các tín hữu được giao phó, mang hình ảnh Chúa Kitô, Mục Tử duy nhất và là Đầu Giáo hội. Bởi thế, linh mục đã nhận từ Chúa bởi Bí tích Truyền Chức Thánh ‘một quyền năng’mà Thánh Phaolô giải thích (thí dụ, xem II Co 10,8 và 13,10). Nghị định của Vatican II về Thừa tác vụ và đời sống Linh mục để ‘liên kết những cố gắng của mình với của giáo dân’, ‘bằng chân thành nhận biết vai trò riêng của mình trong sứ vụ của Giáo hội’ (số 9), nhưng không quên nhắc lại chức năng đối với mọi người nhận lãnh Bí tích Rửa tội, ‘phi thường và bất khả miễn’. Linh mục là những thừa tác viên Lời Chúa (số 4) và các Bí tích, cách riêng là Giải tội và Thánh Thể (số 5) và có bổn phận ‘hướng dẫn Dân Chúa, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, tới Thiên Chúa là Cha’ (số 6). Ngoài ra, Giáo hội quy định ‘chức vụ Cha Sở chỉ có hiệu lực khi giao cho một Linh mục’.

Cùng với giáo dân, các linh mục có nhiệm vụ hoàn thành Nhiệm Thể Chúa Kitô. Văn kiện về thừa tác vụ và đời sống Linh mục mà chúng ta vừa ghi nhận biết bao yêu cầu về tính cách bất khả miễn cho nhiệm vụ của mục tử: ‘Tuy nhiên, với tất cả Kitô hữu, các linh mục là những môn đệ của Thiên Chúa mà nhờ Hồng Ân được Chúa gọi để tham gia Vương Quốc Ngài. Giữa tất cả các tín hữu, linh mục là anh em trong các anh em của mình, phần tử của Nhiệm Thể duy nhất Đức Kitô mà sự hình thành được giao phó cho mọi người ’.

Do đó, Giáo hội luôn là Mẹ nhân lành đã đưa ra các hướng dẫn trong Giáo Luật để các Linh mục theo đó hành động, đặc biệt hiện nay tại Việt Nam cũng như Trung quốc:

Điều 285: (1) Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc giáo sĩ.

(3) Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, giáo sĩ không được nhận làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

Tuy nhiên, như chúng ta biết: Trong cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 ngày 22.05.2011, có ba ứng cử viên là linh mục: Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu). Hai linh mục Cường và Hoàn đang là đại biểu khóa 12 (2007-2011). Linh mục Từ cũng từng là đại biểu các khóa 8, 9 và 10.

Dù được sự Đảng cử thì việc dân bầu chỉ còn chờ thời gian, ba linh mục này, cũng bắt chước các ứng cử viên khác, kể công dù chẳng thấy nói lời nào đáng giá để báo đăng và hứa hẹn những điều biết là mình không thể làm được. Do đó, trong dịp bầu cử năm nay, đồng bào đã lên tiếng nhiều về sự kiện này, nhất là linh mục Phan khắc Từ vì tình trạng không rõ rệt có gia đình hay không. Hãy can đảm như cố Giáo sư Nguyễn ngọc Lan hay nhiều vị đã xin vơ hiệu của việc chịu chức thánh.

Để kết luận, chúng tôi xin được trích ‘Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 gửi Toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam’ của Hội đồng Giám mục Việt Nam được công bố ngày 01.05.2011:

Chương IV: LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG HOÀN CẢNH NGÀY NAY

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).

33. Là công dân trong một đất nước, người Công Giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương. Đồng thời, chúng ta thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc Âm, khi thể hiện chức năng tiên tri bằng tiếng nói chân thành và có trách nhiệm, “thực thi yêu thương trong chân lý và thực thi chân lý trong yêu thương”. Theo ý nghĩa đó, Đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ các tín hữu Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Để thực hiện lời mời gọi này, các tín hữu cần thấu triệt giáo huấn của Giáo Hội về xã hội. Giáo huấn này sẽ soi sáng cho các tín hữu biết cách yêu mến quê hương, yêu thương mọi người không trừ một ai, quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa, xây dựng công bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo qua nẻo đường hiền lành và khiêm nhường, bao dung và tha thứ. Định hướng này sẽ mở đường cho những chương trình mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam, đặc biệt cho thiếu nhi, giới trẻ và di dân. Như Đức Kitô, Giáo Hội không bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi và bất công, nhưng đồng thời yêu thương hết thảy mọi người, với lòng nhân hậu xót thương của Thiên Chúa. Các tín hữu của Chúa Giêsu phải lấy việc lành mà vượt thắng lối sống bạo lực, ích kỷ, hưởng thụ và phóng túng (x. Rm 12, 9-21; 1 Pr 3, 15-16; 4, 3-4).”