Bông Hồng Xanh phát học bổng tại giáo họ Bombo, Phước Long, GP. Ban Mê Thuột
Một ngày Chúa nhật đẹp trời, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đã thăm và phát học bổng tại giáo họ Bombo, thuộc giáo xứ Đăk Nhau, hạt Phước Long, giáo phận Ban Mê Thuột. Ở Sài Gòn, ai mà không biết bài hát” Tiếng chày trên sóc Bombo” nên chúng tôi gọi là chuyến đi này là “Chuyến Cắc cùm cum!”
Chuyến đi này, chúng tôi hồi hộp lạ thường vì từ Tết đến nay, nhóm mới có điều kiện để đi xa, mà là nơi chưa đến bao giờ nên không dự đoán được tình hình quần chúng thế nào. Quãng đường 180 cây số, từ Sài Gòn đi hết tỉnh Bình Dương đường vừa rộng vừa đẹp, nhưng qua đến địa phận tỉnh Bình Phước thì hỡi ơi, đường chật hẹp khó đi, xe phải vật lộn với những con dốc, rồi đầy ổ voi ổ gà. Chưa hết, có những đoạn đường thấp hơn vạt đất đỏ hai bên đường đến ba mét. Tuy vậy cảnh trông vừa lạ vừa có cái đẹp hoang dại của rừng.
Trước khi vào Sóc Bombo, chúng tôi ghé vào ăn trưa ở nhà một vị trong Ban hành giáo họ đạo, là chủ một cây xăng. Dù đã dặn kỹ lưỡng là chúng tôi chỉ ăn cơm rau dưa nhưng vị này cứ đãi thịnh soạn làm chúng tôi rất ngại. Khi thấy có món “gỏi măng cụt” mấy bạn trong đoàn “mắt sáng rỡ” vì lạ còn tôi cứ nghĩ ngợi: đi công tác xã hội mà ăn uống thế này thì làm sao giống nhóm mười hai tông đồ của Chúa được?! Để làm gỏi măng cụt người ta chọn quả còn xanh ương, rồi đem gọt vỏ, ngâm nước cho nhựa màu nâu ra hết. Cắt mỏng rồi đem trộn với cà rốt, hành ngò và các gia vị khác. Cứ hai ký-lô măng cụt thì được một đĩa. Xin “trang trọng” giới thiệu!
Chúng tôi đến họ đạo dự lễ vào lúc 14 giờ chiều. Nhà nguyện sóc Bombo ẩn sau lùm cây nếu nhìn từ cổng vào. Vách gỗ, mái tôn, nền lát gạch tàu thế mà trong nhà nguyện có đủ chặng đàng Thánh giá, bảng đáp ca, hình ảnh…nghĩa là đã tươm tất. Nhìn số người đến dự lễ ngồi kín bốn dãy ghế làm chúng tôi rất ngạc nhiên, phía cuối còn có một số ghế “ngồi thêm”. Thế mới biết, không có gì là lạ khi Tòa Giám Mục đã ký giấy cho họ đạo Bombo này được nâng lên hàng giáo xứ, chỉ còn chờ phép của chính quyền (!) là trở thành giáo xứ Bombo.
Xem hình phát học bổng
Thật bất ngờ, cha không đến, thế là ông trùm chánh của họ đạo làm nghi thức phụng vụ “một cách nhuần nhuyễn” và mọi người nghiêm trang, sốt sắng như có Chúa đang đứng ở đó vậy, thật đáng quí! Cũng thông cảm cho cha chánh và cha phó, giáo xứ Đắk Nhau có trên 8.000 giáo dân, bao gồm cả ba giáo họ là Bombo, Đắk Niên và Bình Minh, thế nên ngày Chúa nhật, cũng có lúc việc mục vụ không suông sẻ.
Trước khi những phần học bổng được trao đi, tôi đứng giữa cộng đoàn nói vài lời làm quen với giáo họ. Nhìn những khuôn mặt vui của các em thiếu nhi người dân tộc xen lẫn người Kinh dưới hàng ghế chăm chú lắng nghe làm tôi xúc động. Giàn giáo lý viên trông đều người, vui vẻ, trẻ khỏe, quà của chúng tôi tặng giao lưu các bạn trẻ này là vở và bánh, đơn sơ thế thôi!
Trong khi tôi trao học bổng thì các bạn trong nhóm cùng GLV phát bánh kẹo, một số mùng mền. Vì phải chia cho các em trong sóc của người dân tộc ở xa, nên một nửa số học bổng tôi phải đưa cho người đại diện mang về. Tôi không thích cách này lắm nhưng ở đây có thói quen, có quà là chia đều! Khi công việc phân chia đã xong, các em học giáo lý bình thường. Nhìn các em ngồi trên những chiếc ghế dài thô sơ được nối vào nhau, không có bàn để ghi chép cũng chẳng có chỗ dựa lưng…thấy mà “chạnh lòng thương”. Trời mưa thì ướt át chắc là dính cát dính đất lem nhem lắm. Một ông trùm nói với chúng tôi: “Có ghế ngồi là “ngon” lắm rồi, lúc trước còn phải ngồi dưới đất nữa kìa!”. Tôi đáp lời: “Chịu thương chịu khó một chút mai mốt lên thiên đàng được ngồi ghế massage, ở phòng máy lạnh”. Ai đó trong đoàn ngắt lời: “Thiên đàng thì cần gì máy lạnh máy nóng!”. Thế là mọi người cười vui.
Chúng tôi rời giáo họ, đi thêm 10 km để ghé thăm hai cha ở nhà thờ chính. Nhà thờ rộng nhưng vẫn còn vẻ khó nghèo. Vùng này có mười khu người Kinh, có bảy, tám sóc đồng bào dân tộc. Đặc biệt có nhà cộng đồng, còn gọi là nhà nhóm của một sóc, rộng khoảng 30 đến 40 mét vuông, để người già và trẻ em đọc kinh. Hiện nay, nơi đây có khoảng mười mấy nhà nhóm như vậy.
Ở vùng này người Kinh thường sinh sống bằng việc làm rẫy, trồng cây khoai mì và trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm và buôn bán nhỏ. Người dân tộc thì không biết buôn bán, họ thường trồng điều và làm mướn khi có ai thuê làm công việc vườn tược như nhổ cỏ… Ông trùm cho biết vào dịp Trung Thu, Ban hành giáo tổ chức phát bánh kẹo cho các em, dịp Noel cha xứ cũng chia đi những phần quà, nhưng ngày Tết thì người nghèo không có gì vì…đông quá!
Cha xứ tiếp chúng tôi bằng bình nước trà nóng khi tiết trời hơi lạnh. Trông cha xứ có vẻ phong trần, bận rộn, ít tuổi hơn tôi mà tóc đã “hai line”. Ở vùng đèo heo hút gió của GP Ban Mê Thuột này, cái xe ô tô bốn chỗ nhỏ gọn mà cha tự lái đã giúp cha nhanh nhẹn trong việc mục vụ, thế nên, giáo dân đông như thế mà ai gọi sức dầu lần cuối cha cũng vẫn đáp ứng; đám tang của giáo dân nào có lễ an táng ở nhà thờ. Xe ô tô là phương tiện cũng hợp lý thôi vì giáo xứ cách Tòa Giám Mục rất xa, ngay cả quí ông trong Ban hành giáo của giáo họ mỗi lần đi tĩnh huấn ở TGM Ban Mê Thuột thì phải qua quãng đường 200 cây số! Đúng là vùng sâu vùng xa!
Thế nhưng vì những lý do chung mà lễ cưới mỗi tháng dâng một lần, có khi là năm bảy đôi, có khi hơn chục đôi. Thật tuyệt vời khi tháng 7/2011 vừa qua, có 230 em lãnh nhận bí tích Thêm Sức và được Rước lễ lần đầu, số lượng đông như thế vì ở đây cứ hai, ba năm mới tổ chức một lần.
Còn nhiều điều để nói về giáo xứ đông dân này nhưng xin hẹn lần sau.
Đến 18giờ 00 xe mới lăn bánh trở về. Chiếc xe như đơn độc trên con đường vắng không có ánh đèn, hai bên là rừng làm chúng tôi lo lắng; bây giờ mà có cướp trong rừng ra chặn xe thì chắc chắn là không có “người Samari nhân hậu” đâu!. Đi qua những con đường đau khổ, đến Đồng Xoài chúng tôi mới thở phào và dùng bữa tối. 23 giờ 00 đêm, xe mới về đến Sài Gòn. Anh tài xế cười toe toét khi tôi cho thêm tiền “tip”. Tiền trả thêm có khi là vì “nhân hậu” có khi là “bổn phận”, vì tính ra anh đi cùng chúng tôi từ 6 giờ 00 sáng đến 23 giờ 00 là 17 tiếng đồng hồ rồi. Ở lại một đêm giữa rừng thì đỡ mệt hơn nhưng chi phí cho đoàn tám người thì khá tốn kém nên chúng tôi giảm bớt chi phí cho lần làm quen đầu tiên.
Tính đến tháng tám, nhóm Bông Hồng Xanh chỉ có được một chuyến đi này và một số học bổng THPT cho một số em khó khăn, hiếu học ở vùng ven quanh Sài Gòn. Nếu được trợ giúp thêm, chúng tôi sẽ đi tiếp, còn không thì xin đành lỗi hẹn với những giáo điểm mà chúng tôi đã nghe giới thiệu.
Cảm ơn Chúa về một chuyến đi an lành vì hiện nay, tại Việt Nam, mỗi ngày có đến bốn mươi người “bước ra khỏi nhà mà không trở về” vì tai nạn giao thông.
Chuyến đi này, chúng tôi hồi hộp lạ thường vì từ Tết đến nay, nhóm mới có điều kiện để đi xa, mà là nơi chưa đến bao giờ nên không dự đoán được tình hình quần chúng thế nào. Quãng đường 180 cây số, từ Sài Gòn đi hết tỉnh Bình Dương đường vừa rộng vừa đẹp, nhưng qua đến địa phận tỉnh Bình Phước thì hỡi ơi, đường chật hẹp khó đi, xe phải vật lộn với những con dốc, rồi đầy ổ voi ổ gà. Chưa hết, có những đoạn đường thấp hơn vạt đất đỏ hai bên đường đến ba mét. Tuy vậy cảnh trông vừa lạ vừa có cái đẹp hoang dại của rừng.
Trước khi vào Sóc Bombo, chúng tôi ghé vào ăn trưa ở nhà một vị trong Ban hành giáo họ đạo, là chủ một cây xăng. Dù đã dặn kỹ lưỡng là chúng tôi chỉ ăn cơm rau dưa nhưng vị này cứ đãi thịnh soạn làm chúng tôi rất ngại. Khi thấy có món “gỏi măng cụt” mấy bạn trong đoàn “mắt sáng rỡ” vì lạ còn tôi cứ nghĩ ngợi: đi công tác xã hội mà ăn uống thế này thì làm sao giống nhóm mười hai tông đồ của Chúa được?! Để làm gỏi măng cụt người ta chọn quả còn xanh ương, rồi đem gọt vỏ, ngâm nước cho nhựa màu nâu ra hết. Cắt mỏng rồi đem trộn với cà rốt, hành ngò và các gia vị khác. Cứ hai ký-lô măng cụt thì được một đĩa. Xin “trang trọng” giới thiệu!
Chúng tôi đến họ đạo dự lễ vào lúc 14 giờ chiều. Nhà nguyện sóc Bombo ẩn sau lùm cây nếu nhìn từ cổng vào. Vách gỗ, mái tôn, nền lát gạch tàu thế mà trong nhà nguyện có đủ chặng đàng Thánh giá, bảng đáp ca, hình ảnh…nghĩa là đã tươm tất. Nhìn số người đến dự lễ ngồi kín bốn dãy ghế làm chúng tôi rất ngạc nhiên, phía cuối còn có một số ghế “ngồi thêm”. Thế mới biết, không có gì là lạ khi Tòa Giám Mục đã ký giấy cho họ đạo Bombo này được nâng lên hàng giáo xứ, chỉ còn chờ phép của chính quyền (!) là trở thành giáo xứ Bombo.
Xem hình phát học bổng
Thật bất ngờ, cha không đến, thế là ông trùm chánh của họ đạo làm nghi thức phụng vụ “một cách nhuần nhuyễn” và mọi người nghiêm trang, sốt sắng như có Chúa đang đứng ở đó vậy, thật đáng quí! Cũng thông cảm cho cha chánh và cha phó, giáo xứ Đắk Nhau có trên 8.000 giáo dân, bao gồm cả ba giáo họ là Bombo, Đắk Niên và Bình Minh, thế nên ngày Chúa nhật, cũng có lúc việc mục vụ không suông sẻ.
Trước khi những phần học bổng được trao đi, tôi đứng giữa cộng đoàn nói vài lời làm quen với giáo họ. Nhìn những khuôn mặt vui của các em thiếu nhi người dân tộc xen lẫn người Kinh dưới hàng ghế chăm chú lắng nghe làm tôi xúc động. Giàn giáo lý viên trông đều người, vui vẻ, trẻ khỏe, quà của chúng tôi tặng giao lưu các bạn trẻ này là vở và bánh, đơn sơ thế thôi!
Trong khi tôi trao học bổng thì các bạn trong nhóm cùng GLV phát bánh kẹo, một số mùng mền. Vì phải chia cho các em trong sóc của người dân tộc ở xa, nên một nửa số học bổng tôi phải đưa cho người đại diện mang về. Tôi không thích cách này lắm nhưng ở đây có thói quen, có quà là chia đều! Khi công việc phân chia đã xong, các em học giáo lý bình thường. Nhìn các em ngồi trên những chiếc ghế dài thô sơ được nối vào nhau, không có bàn để ghi chép cũng chẳng có chỗ dựa lưng…thấy mà “chạnh lòng thương”. Trời mưa thì ướt át chắc là dính cát dính đất lem nhem lắm. Một ông trùm nói với chúng tôi: “Có ghế ngồi là “ngon” lắm rồi, lúc trước còn phải ngồi dưới đất nữa kìa!”. Tôi đáp lời: “Chịu thương chịu khó một chút mai mốt lên thiên đàng được ngồi ghế massage, ở phòng máy lạnh”. Ai đó trong đoàn ngắt lời: “Thiên đàng thì cần gì máy lạnh máy nóng!”. Thế là mọi người cười vui.
Chúng tôi rời giáo họ, đi thêm 10 km để ghé thăm hai cha ở nhà thờ chính. Nhà thờ rộng nhưng vẫn còn vẻ khó nghèo. Vùng này có mười khu người Kinh, có bảy, tám sóc đồng bào dân tộc. Đặc biệt có nhà cộng đồng, còn gọi là nhà nhóm của một sóc, rộng khoảng 30 đến 40 mét vuông, để người già và trẻ em đọc kinh. Hiện nay, nơi đây có khoảng mười mấy nhà nhóm như vậy.
Ở vùng này người Kinh thường sinh sống bằng việc làm rẫy, trồng cây khoai mì và trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm và buôn bán nhỏ. Người dân tộc thì không biết buôn bán, họ thường trồng điều và làm mướn khi có ai thuê làm công việc vườn tược như nhổ cỏ… Ông trùm cho biết vào dịp Trung Thu, Ban hành giáo tổ chức phát bánh kẹo cho các em, dịp Noel cha xứ cũng chia đi những phần quà, nhưng ngày Tết thì người nghèo không có gì vì…đông quá!
Cha xứ tiếp chúng tôi bằng bình nước trà nóng khi tiết trời hơi lạnh. Trông cha xứ có vẻ phong trần, bận rộn, ít tuổi hơn tôi mà tóc đã “hai line”. Ở vùng đèo heo hút gió của GP Ban Mê Thuột này, cái xe ô tô bốn chỗ nhỏ gọn mà cha tự lái đã giúp cha nhanh nhẹn trong việc mục vụ, thế nên, giáo dân đông như thế mà ai gọi sức dầu lần cuối cha cũng vẫn đáp ứng; đám tang của giáo dân nào có lễ an táng ở nhà thờ. Xe ô tô là phương tiện cũng hợp lý thôi vì giáo xứ cách Tòa Giám Mục rất xa, ngay cả quí ông trong Ban hành giáo của giáo họ mỗi lần đi tĩnh huấn ở TGM Ban Mê Thuột thì phải qua quãng đường 200 cây số! Đúng là vùng sâu vùng xa!
Thế nhưng vì những lý do chung mà lễ cưới mỗi tháng dâng một lần, có khi là năm bảy đôi, có khi hơn chục đôi. Thật tuyệt vời khi tháng 7/2011 vừa qua, có 230 em lãnh nhận bí tích Thêm Sức và được Rước lễ lần đầu, số lượng đông như thế vì ở đây cứ hai, ba năm mới tổ chức một lần.
Còn nhiều điều để nói về giáo xứ đông dân này nhưng xin hẹn lần sau.
Đến 18giờ 00 xe mới lăn bánh trở về. Chiếc xe như đơn độc trên con đường vắng không có ánh đèn, hai bên là rừng làm chúng tôi lo lắng; bây giờ mà có cướp trong rừng ra chặn xe thì chắc chắn là không có “người Samari nhân hậu” đâu!. Đi qua những con đường đau khổ, đến Đồng Xoài chúng tôi mới thở phào và dùng bữa tối. 23 giờ 00 đêm, xe mới về đến Sài Gòn. Anh tài xế cười toe toét khi tôi cho thêm tiền “tip”. Tiền trả thêm có khi là vì “nhân hậu” có khi là “bổn phận”, vì tính ra anh đi cùng chúng tôi từ 6 giờ 00 sáng đến 23 giờ 00 là 17 tiếng đồng hồ rồi. Ở lại một đêm giữa rừng thì đỡ mệt hơn nhưng chi phí cho đoàn tám người thì khá tốn kém nên chúng tôi giảm bớt chi phí cho lần làm quen đầu tiên.
Tính đến tháng tám, nhóm Bông Hồng Xanh chỉ có được một chuyến đi này và một số học bổng THPT cho một số em khó khăn, hiếu học ở vùng ven quanh Sài Gòn. Nếu được trợ giúp thêm, chúng tôi sẽ đi tiếp, còn không thì xin đành lỗi hẹn với những giáo điểm mà chúng tôi đã nghe giới thiệu.
Cảm ơn Chúa về một chuyến đi an lành vì hiện nay, tại Việt Nam, mỗi ngày có đến bốn mươi người “bước ra khỏi nhà mà không trở về” vì tai nạn giao thông.