John Calvin (1509–1564), sinh tại Pháp, là một nhà thần học trong Phong Trào Cải Cách Thệ Phản, và cùng với Martin Luther, là một trong những nhà cải cách có ảnh hưởng hơn cả. Ông là khuôn mặt chính của các giáo hội Cải Cách, mà hệ thống thần học thường được người ta gọi là chủ nghĩa Calvin. Căn cứ vào hậu cảnh, ông được coi là nhà tổ chức, chính khách, thần học gia và luật sư tài ba.

Tại Genève, thừa tác vụ của ông đã lôi kéo nhiều người tị nạn Thệ Phản và sau một thời gian đã biến thành phố này thành một lực lượng lớn trong việc phổ biến nền thần học Cải Cách. Ông cố gắng một cách có ý thức khuôn định tư duy của mình theo các đường hướng của Thánh Kinh, và ông khổ công trong việc truyền giảng và truyền dạy điều ông tin là chính Thánh Kinh truyền dạy, rằng ơn cứu rỗi hoàn toàn tùy thuộc ở Chúa Giêsu Kitô. Chủ đề thần học này ảnh hưởng lớn trên quan điểm của ông về Đức Mẹ.

Giống Martin Luther, dù rất kình chống thánh mẫu học Công Giáo, nhưng xét chung, ông có một cái nhìn tích cực đối với Đức Mẹ, và ông không theo một số quan điểm Thệ Phản về Đức Mẹ, từng trở nên thịnh hành sau thời Cải Cách.

Các tín lý về Đức Mẹ

Will Durant cho rằng “Điều đáng lưu ý là có rất nhiều truyền thống và học thuyết Công Giáo Rôma đã sống còn trong nền thần học của Calvin”. Thiên tài của Calvin không nằm trong việc sáng tạo ra các ý niệm mới mẻ mà nằm trong việc khai triển tư tưởng hiện hành tới kết luận hợp luận lý của nó” (1). Ông vay mượn của Martin Luther, Zwingli, Bucer, "nhưng đa số các lý thuyết Thệ Phản này đều phát xuất từ truyền thống Công Giáo, dưới hình thức êm dịu hơn” (2). Calvin đem lại cho chúng một sự giải thích mạnh mẽ hơn và bác bỏ chủ nghĩa nhân bản của Công Giáo (2).

Lời chỉ trích của Calvin đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và đối với Đức Mẹ nói riêng hết sức kịch liệt. Đối với Calvin, Đức Maria là một ngẫu thần trong Giáo Hội Rôma, và ngài làm giảm tính trung tâm và tầm quan trọng của Chúa Giêsu. Do đó, cuốn Giáo Lý Genève của ông không những đặt việc tôn kính Đức Maria ra ngoài vòng pháp luật mà còn trừng phạt các tác phong liên hệ như đeo tràng hạt, giữ ngày lễ các thánh, hay sở hữu di bảo (relic) các thánh (2). Về các di bảo của Đức Mẹ, Calvin dí dỏm nhận định rằng căn cứ vào tín điều Hồn Xác Lên Trời của Công Giáo, thì ai dám cho là mình có di bảo của Đức Mẹ (3).

Trọn đời đồng trinh

Trong cuốn Giáo Lý Genève, Calvin viết về Đức Maria rằng: căn cứ vào trình thuật trong các Tin Mừng và lời lẽ của Martin Bucer và Heirich Bullinger, Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu do quyền năng Chúa Thánh Thần, không có sự tham dự của bất cứ người đàn ông nào, nên ông tin chắc ngài đồng trinh trong suốt thời gian thai nghén. Ông bác bỏ ý tưởng cho rằng việc nhắc đến anh chị em của Chúa Giêsu trong Tân Ước là bằng chứng Đức Maria không trọn đời đồng trinh, vì ông cho rằng các từ ngữ này có nghĩa khá mềm giẻo (4). Cũng thế, ông cho rằng trong câu Mt 1:25 (“Ông Giuse không biết Đức Maria cho tới khi bà sinh con trai đầu lòng”), chữ “con đầu lòng” và cả giới từ “cho tới khi” cũng không mâu thuẫn với tín lý trọn đời đồng trinh (5).

Tuy nhiên, ông cho rằng ý kiến nói Đức Maria khấn trọn đời đồng trinh trong câu Lc 1:34 (“Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết người nam?”) là “không có cơ sở và hoàn toàn vô lý” vì theo ông, nếu ngài khấn như thế hóa ra ngài tự du mình vào lừa đảo khi thuận đi lấy chồng, và lừa đảo như thế là khinh miệt giao ước thánh thiêng của hôn phối (6). Dù vậy, Algermissen vẫn cho rằng, trong câu này Calvin tin là Đức Maria, nhờ được ơn đặc biệt, nên đã hướng về tương lai và từ khước mọi giao hợp với bất cứ người đàn ông nào (7). Lối giải thích này dựa vào một bác bỏ được Calvin trình bày trong cuốn chú giải của mình (8).

Mẹ Thiên Chúa

Một số thần học gia cho rằng đối với Calvin, Đức Maria xứng đáng được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa. Những người này trưng dẫn chú giải của ông về câu Lc 1:43 để chứng minh. Trong câu này, Bà Êlisabét chào mừng Đức Maria là “mẹ Chúa tôi”. Calvin cho rằng tước hiệu Chúa liên hệ tới thần tính, ông viết: “(Êlisabét) chào Maria là mẹ Chúa của bà. Tước hiệu này cho thấy sự thống nhất ngôi vị trong hai bản tính của Chúa Kitô; như thể bà muốn nói rằng Đấng hạ sinh trong lòng Maria vừa là người phàm hay chết vừa là Thiên Chúa hằng sống cùng một lúc… Danh hiệu Chúa này chỉ thuộc về Con Thiên Chúa ‘tự tỏ mình ra trong xác phàm’ (1Tm 3:16), Đấng nhận mọi uy quyền từ Chúa Cha, và được chỉ định làm Đấng Cai Trị cao cả nhất cả trời lẫn đất đến nỗi qua tác nhân của Người, Thiên Chúa thống trị mọi loài” (9).

Những người không coi đó là quan điểm của Calvin về Đức Maria, thì cho rằng Calvin không bao giờ minh nhiên nhắc đến Đức Maria như là Mẹ Thiên Chúa. Họ bảo rằng lời chú giải của ông về việc Êlisabét gọi Maria là mẹ Chúa của bà chỉ có thể có nghĩa rằng Đức Maria là mẹ Chúa khi Chúa còn trên dương thế mà thôi. Những người ủng hộ quan điểm này trưng dẫn lời chú giải của Calvin về câu Gioan 19:26 để chứng minh, theo đó, Calvin cho rằng mối liên hệ mẹ con giữa Đức Maria và Chúa Giêsu chấm dứt khi Chúa Giêsu qua đời. Theo cái nhìn này, lúc sắp qua đời trên Thánh Giá, Chúa Kitô đã đề cử Tông Đồ Gioan thay thế mình làm con Đức Maria, để từ đấy Người nhận lãnh địa vị đứng bên hữu Chúa Cha ở trên trời. Căn cứ vào lời Chúa Kitô nói với mẹ Người về Gioan: “này bà, đây là con trai bà”, Calvin chú giải rằng “Một số người nghĩ rằng Người không nói với Đức Maria ‘thưa mẹ’ mà là ‘thưa bà’ để khỏi gây thêm đau buồn cho trái tim của bà. Tôi không bác bỏ lối giải thích ấy; nhưng lối giải thích khác cũng không kém phần cái nhiên, đó là Chúa Kitô muốn chứng tỏ rằng vì nay Người đã hoàn tất cuộc sống phàm nhân, nên Người muốn trút bỏ cái thân phận Người từng sống xưa nay để bước vào vương quốc trên trời nơi Người sẽ thống trị cả các thiên thần lẫn loài người. Vì ta biết rằng Chúa Kitô vẫn luôn có thói quen nhắc cho tín hữu nhớ đừng nhìn vào xác thịt mình. Lời nhắc nhở đó càng cần thiết lúc Người lìa trần” (10).

Về điều trên, thiển nghĩ rất may Calvin chỉ dùng chữ “cái nhiên”, cho thấy đấy không phải là chủ trương dứt khóat của ông. Nếu không thì cả nền thần học của ông về Chúa Kitô hẳn phải xụp đổ tan tành. Thiên Chúa không thể chơi trò giả đò làm người chỉ cho tới lúc chết trên thập giá. Đức Kitô mãi mãi vừa là người vừa là Con Thiên Chúa. Kitô Giáo sẽ hoàn toàn vô nghĩa khi chối bỏ chân lý ấy. Cho nên, điều hợp lý hẳn phải là ý kiến đầu về thánh mẫu học của Calvin, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Vô nhiễm thai

John Calvin tin tín điều tội nguyên tổ cũng như tín điều người đứng đầu (headship, federal head), như được trình bày tại Rm 5:12-21 (“Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội”). Vì thế, đa số các nhà thần học Cải Cách nhất trí rằng Calvin không thừa nhận học lý vô nhiễm thai vì nó mâu thuẫn với các tín điều trên và với câu Rm 3:23 rằng mọi người đều có tội (11).

Cũng theo học lý người đứng đầu trên đây, cho dù Đức Maria có tội nguyên tổ, nhưng tội này không truyền qua Chúa Giêsu vì chỉ có người nam mới truyền được. Nhưng vì Chúa Giêsu được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần, chứ không bởi bất cứ người đàn ông nào, nên tội nguyên tổ không truyền qua Người được.

Thiển nghĩ một lý thuyết như thế cùng lắm chỉ có người thời Calvin mới “nghe” được, cái thời mà người ta nghĩ rằng đứa con chỉ là “sản phẩm” của người đàn ông, người đàn bà chỉ là người mang “hạt giống” của người đàn ông mà thôi. Bây giờ thì ai cũng rõ đó không phải là sự thật nữa.

Ơn cứu rỗi

Calvin xác tín rằng con người bé nhỏ, Thiên Chúa thì mênh mông. Không số lượng việc lành nào của tạo vật bé nhỏ có thể giật được ơn cứu rỗi cho mình, ơn này chỉ có Thiên Chúa mới ban cho họ được (12). Vì mọi cứu rỗi hoàn toàn tùy thuộc ý chí của Thiên Chúa và công trình cứu vớt của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, nên Calvin bác bỏ mọi ý niệm coi Đức Maria như người tham gia vào mầu nhiệm cứu rỗi (13). Ông tự hỏi tại sao một số người vẫn cho rằng một mình Chúa Giêsu Kitô chưa đủ. Ông coi việc này là sự ngang ngạnh không hơn không kém (14). Bởi thế, theo ông, việc tôn kính của người Công Giáo Rôma có tính ngẫu tượng, vì họ tôn kính Đức Maria như “đấng trung gian”, “niềm hy vọng của chúng con”, “sự sống của chúng con” và là “ánh sáng của chúng con”. Calvin cũng bác bỏ mọi lời cầu nguyện, khấn xin cùng Đức Maria. Ta nên cầu nguyện cho nhau khi còn ở trên dương thế, nhưng, theo Calvin, kêu cầu người chết không phải là ý niệm của Thánh Kinh (15). Một khi Thiên Chúa đã kết án ai, người ấy sẽ bị kết án. Thần học của Calvin không có chỗ dành cho luyện ngục, cũng không có chỗ ở giữa để được cứu rỗi đời đời. Do đó, Calvin cấm không được cầu nguyện cho người chết, vì số phận họ đã được niêm phong rồi (16). Kêu cầu Đức Maria để được cứu rỗi nguyên tuyền chỉ là phạm thượng, vì Thiên Chúa đã tiền định số lượng ơn thánh cần thiết cho mỗi cá nhân theo ý muốn tuyệt đối của Người (15).

Đầy ơn thánh

Calvin cũng bác bỏ ý niệm đầy ơn thánh hay đầy ơn phúc của Đức Maria, vì chỉ một mình Chúa Giêsu có được sự viên mãn của ơn thánh mà thôi. Về điểm này, thực ra quan điểm của ông không mấy khác quan điểm của Giáo Hội Công Giáo Rôma, vì Giáo Hội này tin rằng sự viên mãn tuyệt đối của ơn thánh chỉ có nơi Chúa Kitô mà thôi, trong khi các ơn thánh của Đức Maria chỉ là các ơn được Thiên Chúa ban cho ngài (17). Mặt khác, Calvin vốn gọi Đức Maria là kho tàng ơn thánh (18), vì ngài duy trì ơn thánh trong tâm hồn ngài không phải chỉ để cho riêng ngài dùng mà còn cho mọi người đã được ủy thác cho ngài dùng nữa. Ngài duy trì mọi sự trong tâm hồn, không phải cho riêng ngài, mà còn cho mọi người chúng ta. “Ngài duy trì trong tâm hồn ngài các giáo huấn có sức mở cửa thiên đàng và dẫn ta tới Chúa Kitô” (19). Thiên Chúa là Đấng ấn định thời gian để các giáo huấn kia được tỏ lộ (20).

Đấng bầu cử

Calvin coi ông mới thực sự là người bước chân theo Đức Maria, vì ông đã giải thoát ngài khỏi điều ông coi là vinh dự quá đáng bị người Công Giáo Rôma gán cho ngài, một vinh dự chỉ dành cho Chúa Giêsu Kitô mà thôi, và phải trả lại cho một mình Người vinh dự này (21). Calvin quả quyết rằng Đức Maria không thể là đấng bầu cử hay bào chữa cho các tín hữu vì ngài cũng cần đến ơn thánh Chúa như bất cứ phàm nhân nào khác (22). Nếu Giáo Hội Công Giáo ca tụng ngài là Nữ Vương Thiên Đàng, thì điều này chỉ là phạm thượng và mâu thuẫn với chính ý hướng của ngài, vì như thế ngài được ca tụng chứ không phải Thiên Chúa (23).

Việc tôn kính Đức Maria

Calvin có lòng tôn kính Đức Maria thực sự và coi ngài là mẫu mực của đức tin. “Cho đến nay, ta không thể hưởng được ơn phúc do Chúa Kitô đem lại cho ta mà không cùng một lúc nghĩ tới ơn phúc Thiên Chúa đã ban để trang hoàng và tôn vinh Đức Maria, khi muốn ngài trở thành mẹ của Chúa Con độc nhất”. Lòng tôn kính thực sự này trong trước tác của Calvin và trong cố gắng của ông muốn phát biểu các xác tín của ông về thánh mẫu cho các tín hữu thời ông, lúc ông chú giải các thư Thánh Kinh, hiện không được các hậu duệ Cải Cách sau ông hiểu và chia sẻ đầy đủ (20).

Vấn đề ảnh tượng

Một số các nhà cải cách Thệ Phản như Andreas Karlstadt, Huldrych Zwingli và John Calvin đã khuyến khích việc dẹp bỏ các ảnh tượng tôn giáo, căn cứ vào Điều Răn Thứ Nhất cấm thờ ngẫu thần và tạc tượng Thiên Chúa. Thành thử, các tượng ảnh đã bị các cuộc tấn công tự phát của các cá nhân hay các nhóm bạo động phá hoại. Erasmus từng mô tả việc này như sau trong một lá thư:

“Các thợ rèn và lao công đã tháo gỡ tranh ảnh khỏi các nhà thờ và tha hồ nhục mạ tranh ảnh các thánh và cả tượng chịu nạn nữa… Không một bức tượng nào được để lại cả trong nhà thờ, lẫn ngoài tiền đình hay cửa vòm hoặc đan viện. Các tranh tường thì bị tẩy bằng chanh. Bất cứ đồ nào cháy được đều bị ném vào lửa, còn những đồ vật khác thì bị nghiền thành từng mảnh. Không còn gì được trừ chỉ vì lòng tham tiền” (24).

Calvin không phải là người duy nhất ra lệnh phá hủy các tranh ảnh của Đức Maria và các thánh. Nhưng chính ông, vào năm 1535, đã ra lệnh phá hủy hầu hết mọi ảnh tượng của Đức Maria tại Genève. Vì ông coi việc tôn kính các tranh ảnh đạo, kể cả tranh ảnh của Đức Maria, là một lạc giáo, bất chấp việc Công Đồng Nixêa II, năm 787, đã đặc biệt khuyến khích việc trình bày ảnh tượng, coi như là một phần trong truyền thống giáo phụ xưa (25).

Ảnh hưởng của Calvin

Quan điểm của Calvin về Đức Maria được phản ảnh trong Tuyên Tín Helvetic Thứ Hai (Confessio Helvetica posterior, viết tắt là CHP) (26). Văn kiện này chủ yếu do Heinrich Bullinger (1504–1575), một mục sư và là người kế nghiệp Huldrych Zwingli, soạn thảo năm 1561. Văn kiện này được Frederick III chú ý, cho dịch sang tiếng Đức và phổ biến năm 1566. Chẳng bao lâu, nó được phổ biến rộng rãi tại Thụy Sĩ (Berne, Zurich Schaffhausen St. Gallen, Chur, Genève và nhiều thành phố khác). Nó cũng được phổ biến tại Tô Cách Loan (1566), Hung Gia Lợi (1567), Pháp (1571), Ba Lan (1578) và sau Sách Giáo Lý Heidelberg, nó được coi là tuyên tín được nhìn nhận nhất trong Giáo Hội Cải Cách.

Trong tuyên tín này, Đức Maria được nhắc đến nhiều lần. Chương 3 trích lời thiên thần nói với Trinh Nữ Maria: “Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên bà” như lời xác nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ba Ngôi Thiên Chúa. Bản La Tinh gọi ngài là “diva” để chỉ ngài như một người hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa. Trong chương 9, việc hạ sinh Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh được trình bày là thụ thai do Chúa Thánh Thần, không có sự can thiệp của bất cứ người đàn ông nào. Tuyên tín này chấp nhận ý niệm “Đồng Trinh Mãi Mãi” của Calvin, một ý niệm được truyền bá khắp các quốc gia tiếp nhận tuyên tín này (27).

Ghi chú
(1) Will Durant, The Reformation, The Story of Civilization: Part VI, Simon and Schuster, New York, [1957], 465
(2) Sách vừa dẫn
(3) Konrad Algermissen, John Calvin, in Marienlexikon, Regensburg, 1988, tr. 641
(4) Calvin. "Commentary on Matthew 13:55 and Mark 6:3". Harmony of Matthew, Mark, and Luke. Có tại http://www.ccel.org/ccel/calvin/calcom32.ii.xxxix.html#ii.xxxix-p19. Retrieved 2009-01-07. "Hạn từ ‘anh em’, mà ta nhắc tới trên đây, theo thành ngữ Hípri, được sử dụng để chỉ bất cứ thân nhân nào; và do đó, Helvedius tỏ ra ngu đần thái quá khi kết luận rằng Đức Maria hẳn đã có nhiều con trai, vì thỉnh thoảng người ta có nhắc tới’anh em’ của Chúa Kitô”
(5) Calvin. "Commentary on Matthew 1:25". Harmony of Matthew, Mark, and Luke. Có tại http://www.ccel.org/ccel/calvin/calcom31.ix.xv.html#ix.xv-p72. Retrieved 2009-01-07. "Ta hãy hài lòng với điều này là: không thể rút ra được một suy diễn công chính và có cơ sở vững chãi nào từ lời lẽ của soạn giả Tin Mừng, về điều xẩy ra sau việc sinh hạ của Chúa Kitô. 'Người được gọi là con đầu lòng'; nhưng gọi như thế chỉ duy một mục đích cho ta hay rằng Người được một trinh nữ sinh ra. Cũng có lời chép rằng 'Ông Giuse không biết đến bà cho tới khi bà sinh con trai đầu lòng của mình'; nhưng việc này chỉ giới hạn vào chính lúc đó mà thôi. Điều xẩy ra sau đó thì sử gia không cho ta hay biết. Đây vốn là thói quen rất quen thuộc của các soạn giả được linh hứng. Điều chắc chắn là không ai thắc mắc về điều này, ngoại trừ vì tò mò; và không ai ương ngạnh khư khư ôm lấy luận điểm của mình, ngoại trừ là người cực kỳ thích tranh cãi”.
(6) Calvin. "Commentary on Luke 1:34". Harmony of Matthew, Mark, and Luke. Có tại http://www.ccel.org/ccel/calvin/calcom31.ix.vii.html#ix.vii-p6. Retrieved 2009-01-07. "Lời phỏng đoán mà một số người rút ra từ những lời này (‘Điều này xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?’) rằng ngài đã đưa ra lời khấn giữ mình đồng trinh mãi mãi, quả không có cơ sở và hoàn toàn vô lý. Bởi nếu thế, ngài hẳn phạm tội lừa đảo khi để mình giao kết với một người chồng, và phỉ nhổ lên giao ước thánh thiêng của hôn nhân; mà việc ấy nguyên tuyền chỉ là chế nhạo Thiên Chúa. Dù những người suy phục giáo hoàng có tàn nhẫn bạo ngược bao nhiêu về đề tài này, họ cũng chưa bao giờ dám tiến xa đến độ cho phép người vợ được tự ý khấn giữ đức tiết dục. Vả lại, giả thiết rằng người Do Thái có hình thức sống đan viện là giả thiết vô công rỗi nghề và không có căn bản”
(7) Algermissen 641.
(8) Calvin. "Commentary on Luke 1:34". Harmony of Matthew, Mark, and Luke. Có tại http://www.ccel.org/ccel/calvin/calcom31.ix.vii.html#ix.vii-p6. Retrieved 2009-01-07. "tuy nhiên, đối với một luận bác khác, ta phải trả lời rằng trinh nữ có ý nói tới tương lai, và do đó tuyên bố rằng ngài sẽ không giao hợp với bất cứ người đàn ông nào”.
(9) Calvin. "Commentary on Luke 1:43". Harmony of Matthew, Mark, and Luke. Có tại http://www.ccel.org/ccel/calvin/calcom31.ix.viii.html#ix.viii-p22. Retrieved 2009-01-07.
(10) Calvin. "John 19:26". Commentary on John. Có tại http://www.ccel.org/ccel/calvin/calcom35.ix.vi.html#ix.viii-p22. Retrieved 2009-01-07.
(11) John Calvin, Works, Serm. de la proph. de Christ: op 35, 686.
(12) Durant 464
(13) “Về việc trinh nữ Maria và các thánh đã qua đời bầu cử, bạn hãy luôn trở lại nguyên tắc này là chúng ta không được dựng nên các đấng bào chữa trên Thiên Đàng, mà việc ấy là việc của Thiên Chúa, Đấng đã chỉ định Chúa Giêsu Kitô làm đấng chào chữa duy nhất cho mọi người” Ep 1438, Vol 14,21
(14) Nguyên văn iếng Pháp thời ấy: “Pure desfiance”
(15) Algermissen 1988 640
(16) Durant 462
(17) Algermissen 1988 641
(18) Nguyên văn tiếng Pháp thời ấy “thre sorie de grace”
(19) John Calvin, Calvini Opera Harmonie Evangelique, Ser IX, op 46 309
(20) Algermissen 1988 642
(21) John Calvin, Calvini Opera Ev Johann c II: op 47, 39
(22) John Calvin, Calvini Opera Serm, de la proph, de Christ: op 35, 686
(23) John Calvin, Calvini Opera Harm Ev ad Luc I, 34:op 45, 38
(24) Will Durant, Reformation, New York, 1957, 411
(25) Bäumer, 481
(26) Chavannes 425
(27) Chavannes 426