Muốn thắng bất cứ cuộc chiến tranh nào, bạn cũng cần phải biết rất rõ ba điều sau đây: 1) Bạn đang tham chiến; 2) kẻ thù của bạn là ai; và 3) dùng vũ khí hay chiến lược nào để đánh bại kẻ thù này.

1. Chúng ta đang tham chiến

Nếu bạn không biết rằng toàn bộ nền văn minh của ta đang gặp khủng hoảng, thì chắc hẳn bạn đang du hành miệt mài trên cung trăng. Tuy nhiên, rất nhiều tâm trí ngày nay xem ra đang tha thẩn trên cung trăng, hoàn toàn không biết gì tới cuộc khủng hoảng, nhất là những người được mệnh danh là “trí thức”, những người được người ta trọng vọng coi là đi trước thời cuộc. Người ta không biết phải nói ra sao khi đọc một bài ở trang bìa tờ Time gần đây nhằm trả lời các câu hỏi: Tại sao mọi sự đang trở nên tốt hơn? Tại sao đời sống hiện nay lại tốt đẹp đến thế? Tại sao mọi người cảm thấy thoả mãn như thế đối với phẩm chất cuộc sống? Tờ Time không bao giờ tra vấn các giả thuyết này, chỉ thắc mắc không biết tại sao âm nhạc trên con tầu Titanic lại êm dịu đến thế.

Đọc kỹ bài báo, mới hay mọi khía cạnh được nhắc đến về đời sống, mọi lý do làm cho đời sống tốt hơn đều là kinh tế. Con người ta giầu có hơn. Chấm hết.

Có lẽ tờ Time cũng chỉ là một thứ Playboy có quần áo. Bởi đối với các tay chơi, thế giới chỉ là một nhà điếm vĩ đại. Đối với cả hai tờ báo ấy, sự vật chỉ mỗi ngày một tốt đẹp hơn thôi.

Đối với thứ triết lý con heo đó, ta có một luận bác đầy khoa học: các dữ kiện thống kê cho thấy tự tử, chỉ số bất hạnh rõ rệt nhất, trực tiếp tỷ lệ thuận với giầu có. Bạn càng giầu, gia đình bạn càng giầu, và xứ sở bạn càng giầu, bạn càng muốn cho nổ tung bộ óc.

Số tự tử nơi thiếu niên hiện đã gia tăng 5000% kể từ “những ngày hạnh phúc” của thập niên 1950. Nếu tự tử, nhất là tự tử nơi thế hệ đang tới, mà không phải là chỉ số của khủng hoảng, thì chẳng còn gì khác là chỉ số ấy cả. Đêm tối đang buông xuống. Điều mà Chuck Colson gọi là “Thời Đại Đen Tối Mới” đang ló dạng. Và cái Tân Thế Giới Can Đảm (The New Brave World) của nó thực ra chỉ là một Giấc Mơ Hèn Nhát Xưa. Ta thấy rõ điều đó vào lúc này đây, lúc kết thúc “thế kỷ diệt chủng” mà khi mới sinh người ta vốn đặt tên cho là “thế kỷ Kitô Giáo”.

Đã có nhiều tiên tri cảnh báo chúng ta về điều đó: Kierkegaard, cách nay 150 năm, với cuốn The Present Age; Spengler, cách nay 100 năm, với cuốn The Decline of the West; Aldous Huxley, cách nay 70 năm, với cuốn The Brave New World; C. S. Lewis, cách nay 40 năm với cuốn The Abolition of Man; và nhất là các vị giáo hoàng thân yêu của chúng ta: Lêô XIII, Piô IX, Piô X và trên hết Gioan Phaolô Cả, con người vĩ đại nhất thế giới, con người vĩ đại nhất của thế kỷ tồi tệ nhất. Ngài có nhiều đảm lược hơn cả Ronald Reagan. Vì Reagan dám gọi Họ là “đế quốc tội ác”, còn ngài, ngài gọi Chúng Ta là “nền văn hóa sự chết”. Đúng thế, đó chính là nền văn hóa của chúng ta mà cũng là nền văn hóa của ngài, trong đó có Ý Đại Lợi, với sinh xuất thấp nhất trên thế giới. Ba Lan thì hiện đang “chen vai thích cánh” với toàn bộ Âu Châu khác về tỷ lệ diệt chủng bằng phá thai.

Nếu Thiên Chúa của sự sống không phản ứng lại thứ văn hóa sự chết này bằng phán xét, thì Thiên Chúa đâu còn là Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không tôn trọng máu của hàng trăm triệu nạn nhân vô tội thì Thiên Chúa của Thánh Kinh, Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa của trẻ mồ côi và các góa phụ, Đấng bảo vệ kẻ không biết tự bảo vệ, chỉ còn là thứ thần thoại do con người tạo ra, một thứ truyện thần tiên không hơn không kém.

Nhưng Thiên Chúa há không thứ tha đó sao?

Đúng là Người hay tha thứ, nhưng kẻ không ăn năn nào có tiếp nhận sự tha thứ. Làm sao một người duy tương đối về luân lý lại chịu tiếp nhận tha thứ vì đối với anh ta, đâu có chi để tha thứ ngoại trừ việc mất thể diện, đâu có chi để phán xét ngoại trừ chủ nghĩa phán xét? Làm sao cứu được một người Biệt Phái hay một tâm lý gia nổi đình đám?

Nhưng Thiên Chúa há không xót thương đó sao?

Người không hề xót thương Moloch, Baal, Ashroth (1) và những người Canaan phụng sự chúng, những người “khiến con cái mình chịu lửa thiêu đốt” (làm hy lễ). Có lẽ Thiên Chúa của bạn biết xót thương trong trường hợp này chăng, vị Thiên Chúa trong mơ tưởng của bạn, vị Thiên Chúa trong “sở thích tôn giáo” của bạn, chứ không phải vị Thiên Chúa đã được mặc khải trong Thánh Kinh.

Nhưng há đây không phải là vị Thiên Chúa của Thánh Kinh từng được mặc khải trọn vẹn và sau hết trong Tân Ước hơn là trong Cựu Ước đó sao? Trong một Chúa Giêsu dịu dàng và hiền từ hơn là một Giêhôva đầy giận dữ như thần chiến tranh đó sao?

Nghĩ một cách tương phản như thế là lạc giáo: đó là cách nghĩ của lạc giáo Ngộ Đạo, Manikêu, Marcion, cũng bất tử như những tên quỉ linh hứng cho nó. Vì “Ta với Cha Ta chỉ là một”. Sự trái ngược giữa một Chúa Giêsu nhân từ và một Chúa Giavê thịnh nộ thực sự đã bác bỏ chính yếu tính của Kitô Giáo: đó là bản sắc chúa Kitô như Con Thiên Chúa. Ta nên nhớ cả thần học lẫn sinh học: Cha nào Con nấy.

Nhưng Thiên Chúa há không phải là một người yêu hơn là một người gây chiến đó sao?

Không, Thiên Chúa là một người yêu và là một người gây chiến cùng một lúc. Câu hỏi trên quên không hiểu tình yêu là gì, không hiểu tình yêu mà Thiên Chúa vốn là, là gì. Yêu là gây chiến với giận ghét, phản bội, ích kỷ và mọi tình yêu đối với kẻ thù. Yêu là chiến đấu. Hãy hỏi bất cứ cha mẹ nào. Yêu kiểu Yuppie (2), như yêu con chó cưng (puppy-love) (3), thì có thể chỉ là “xót thương” hay “cảm thương” như kiểu thời thượng ngày nay ưa nói; chứ tình yêu của người cha hay tình yêu của người mẹ chính là chiến tranh.

Thực thế, mọi trang sách của Thánh Kinh đều có gươm giáo, từ Sáng Thế 3 tới Khải Huyền 20. Con đường từ Thiên Đàng Đánh Mất tới Thiên Đàng Tìm Lại là con đường đẫm máu. Ở mọi tâm điểm của câu truyện đều có cây thánh giá, một biểu tượng của tranh đấu nếu có. Chủ đề chiến trận thiêng liêng không bao giờ vắng bóng trong Thánh Kinh, cũng như không bao giờ vắng bóng trong cuộc sống cũng như trước tác của các vị thánh. Nhưng chủ đề ấy ít khi hiện diện trong các giảng khóa của nền giáo dục “Công Giáo” tại phần lớn các quốc gia. Người ta có thói quen ngỡ ngàng hay im lặng trước chủ đề ấy, như sợ bước vào một thế giới khác. Mà đúng là họ đã bước vào một thế giới khác thật. Họ đã vượt qua thế giới êm ái đầm ấm, vượt qua những chiếc áo lông của thứ tâm lý học giả dạng tôn giáo, và bước vào một thế giới trong đó họ gặp gỡ Chúa Kitô Vua, không phải Chúa Kitô Cưng Mèo (Christ the Kitten). Họ vừa từ mặt trăng trở về!

Nền văn hóa sự chết do đâu mà có? Nó phát xuất ngay tại đây. Hoa Kỳ vốn là tâm điểm của văn hóa sự chết. Hoa Kỳ vốn là siêu cường văn hóa duy nhất của thế giới.

Nếu điều trên chưa làm bạn ngỡ ngàng, thì xin bạn đọc tiếp. Bạn có biết người Hồi Giáo gọi Hoa Kỳ ra sao không? Họ gọi Hoa Kỳ là “Thằng Satan Vĩ Đại”. Và thiển nghĩ họ nói không sai. Dù Hoa Kỳ vốn có một nền tảng công chính nhất, hợp luân lý, đầy khôn ngoan, hợp Thánh Kinh và hợp hiến nhất trên thế giới. Hoa Kỳ là một trong những nước có tinh thần tôn giáo hơn hết trên thế giới. Ở Hoa Kỳ, Giáo Hội phong phú và tự do.

Đúng vậy. Giống như Do Thái xưa. Và nếu Thiên Chúa còn yêu Giáo Hội của Người tại Hoa Kỳ, chẳng chóng thì chầy, Người sẽ làm nó ra nhỏ bé, nghèo nàn và chịu bách hại, như Người từng làm cho Israel xưa, có thế Người mới duy trì nó sống động. Nếu Người thương yêu ta, Người sẽ tỉa xén ta, và làm ta đổ máu, vì máu tử đạo sẽ là hạt giống của Giáo Hội một lần nữa. Một mùa xuân thứ hai sẽ bừng nở, nhưng không thể không có máu. Nó không bao giờ xuất hiện mà lại không có máu, không có hy sinh và đau khổ. Việc ta tiếp nối công trình của Chúa Kitô, nếu nó đúng là công trình của Người chứ không phải là thứ giả mạo đầy tiện nghi, không thể có được nếu không có Thánh Giá.

Ở đây, không ai cho rằng nền văn minh Tây Phương sẽ yểu mệnh. Đó chỉ là chuyện tầm phào. Ở đây chỉ muốn nói tới các linh hồn sẽ phải chết đời đời. Hàng tỷ những Ramons, những Vladimirs, những Janes, những Tiffanies, những Nguyễn, những Lee sẽ sa hỏa ngục. Đây mới là nội dung của cuộc chiến tranh này: không phải việc Hoa Kỳ sẽ biến thành một nước cộng hòa chuối (banana republic), hay ta sẽ quên mất Shakespeare, hay liệu một kẻ khủng bố hạch nhân nào đó sẽ thiêu cháy hàng nửa nhân loại, nhưng là liệu con cái ta và con cái của con cái ta có được thấy Chúa đời đời hay không. Đó mới là chuyện đối nghịch giữa “Hollywood và Hoa Kỳ”. Mà ta cần phải bừng tỉnh để ngửi thấy mùi thối rữa của linh hồn. Biết mình đang có chiến tranh chính là điều kiện đầu tiên để ta thắng cuộc chiến. Biết kẻ thù là bước thứ hai của việc này.

2. Kẻ thù của ta

Ai là kẻ thù của ta?

Không phải người Thệ Phản. Cả gần nửa thiên niên kỷ qua, nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng kẻ thù của ta chính là người Thệ Phản lạc giáo, và giải quyết vấn đề này bằng cách gửi thân xác họ ra trận tiền, còn linh hồn họ thì xuống hoả ngục (cùng một chiến lược như thế đang diễn ra tại Bắc Ái Nhĩ Lan). Dần dần, ánh sáng mới ló rạng: Người Thệ Phản không phải là kẻ thù của ta, họ là “anh em ly khai của ta”. Họ sẽ cùng ta chiến đấu.

Cũng không phải người Do Thái Giáo. Gần 2 thiên niên kỷ qua, nhiều người trong chúng ta vốn nghĩ điều đó, và làm những điều không hợp tinh thần Chúa Kitô chút nào đối với “các cha chú của ta trong đức tin” đến nỗi ta gần như làm cho người Do Thái Giáo không nhận ra Thiên Chúa của họ, Thiên Chúa chân thật, nơi chúng ta.

Không phải người Hồi Giáo, những người thường trung thành với nửa Đức Kitô của họ hơn là ta trung thành với cả Chúa Kitô của ta, những người thường sống cuộc sống một cách có Thiên Chúa bằng cách tuân theo Thánh Kinh hữu ngộ và vị tiên tri hữu ngộ của họ hơn là ta sống theo Thánh Kinh vô ngộ và vị tiên tri vô ngộ của ta.

Điều ấy cũng đúng đối với người Mormons, người chứng nhân Giêhôva và người Quakers. Kẻ thù của ta cũng không phải là những “người tự do” (liberals). Vì một đàng, kiểu nói này hầu như cứng ngắc một cách vô nghĩa. Đàng khác, nó là kiểu nói chính trị, chứ không tôn giáo. Bất cứ điều gì tốt xấu nơi chủ nghĩa tự do chính trị đều không phải là nguyên nhân cũng chẳng phải là thuốc chữa cho sự sa sút tâm linh hiện nay của chúng ta. Cuộc chiến tranh thiêng liêng không được quyết định bởi việc tăng hay giảm tiền trợ cấp xã hội.

Kẻ thù của ta không phải là những người kỳ thị bài Công Giáo, những người luôn tìm cách đóng đinh ta. Những người này đều là những người ta đang cố gắng cứu vớt. Họ là bệnh nhân của ta, chứ không phải căn bệnh của ta. Lời ta dành cho họ chính là lời của Chúa Kitô: “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Ta nói điều đó về những người cộng sản Trung Hoa toàn trị, những người đang cầm tù và bách hại người Công Giáo, và về những người khủng bố Hồi Giáo Suđăng đang nô dịch và sát hại người Công Giáo. Họ không phải là kẻ thù của ta, mà là bệnh nhân của ta. Ta là các ý tá của Chúa Kitô. Bệnh nhân có thể nghĩ y tá là kẻ thù của họ, nhưng các y tá biết rõ hơn họ.

Kẻ thù của ta cũng không phải chính nền truyền thông của văn hóa sự chết, chẳng phải những Ted Turner hay Larry Flynt, Howard Stern hay Disney hoặc Time-Warner. Cả họ nữa cũng là các nạn nhân, người bệnh, dù họ đang đánh phá các bệnh viện, chuốc độc các bệnh nhân khác. Nhưng những người chuốc độc này cũng vẫn là bệnh nhân của ta. Các nhà tranh đấu cho đồng tính luyến ái, các nữ phù thủy duy nữ, và cả các chuyên viên phá thai cũng thế. Nếu ta là các tế bào của Nhiệm Thể Chúa, ta sẽ đi vào cống rãnh để lượm lặt những người đang hấp hối về thiêng liêng và hôn kính những người đang phỉ nhổ ta. Nếu ta không đi vào cống rãnh thể lý, ta sẽ đi vào cống rãnh thiêng liêng, vì ta sẽ đi vào bất cứ nơi nào có nhu cầu.

Kẻ thù của ta nhất định không phải là những người lạc giáo ngay trong lòng Giáo Hội, những “người Công Giáo ngồi quán cà phê”, “những người Công Giáo kiểu Kennedy”, những người Công Giáo theo lối “tôi làm theo ý tôi”. Họ cũng là các bệnh nhân của ta, dù họ là những tên phản bội hợp tác với kẻ thù (Quislings). Họ vẫn là nạn nhân của kẻ thù ta, không phải là kẻ thù của ta.

Kẻ thù của ta cũng không phải là các thần học gia trong các phân khoa thần học tự gọi là Công Giáo nhưng đã bán linh hồn để lấy 30 đồng tiền bạc học bổng và thích được đồng bạn vỗ tay hơn là ca ngợi Thiên Chúa. Cả họ nữa cũng là bệnh nhân của ta.

Kẻ thù của ta cũng không phải là một số linh mục và giám mục xấu xa, làm ứng viên cho Cối Đá của Chúa Kitô, những tên biệt phái tân thời. Họ cũng là các nạn nhân, cần được chữa lành.

Vậy kẻ thù của ta là ai?

Có hai câu trả lời. Mọi vị thánh và giáo hoàng trong suốt lịch sử Giáo Hội đều đưa ra hai câu trả lời như nhau, vì hai câu trả lời này phát xuất từ Lời Chúa ghi trên giấy tắng mực đen của Tân Ước và trên da thịt của Chúa Giêsu Kitô. Ấy thế nhưng, ít người biết đến chúng. Thực thế, ngày nay, câu trả lời thứ nhất hầu như không bao giờ được nhắc đến. Người ta ít khi nhắc đến nó trong các bài giảng hay giảng khóa của một thần học gia. Kẻ thù của ta là ma quỉ. Là các thiên thần sa ngã. Là các thần xấu xa.

Chúa Giêsu Kitô từng nói: “Đừng sợ những ai giết thân xác anh em và sau đó không còn quyền lực gì khác trên anh em nữa. Tôi sẽ cho anh em hay nên sợ ai. Anh em nên sợ người có quyền hủy diệt cả thân xác lẫn linh hồn anh em trong hoả ngục”

Còn Thánh Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên, thì nói rằng: “Như con sư tử rống, Ma Quỉ rảo khắp thế gian tìm cách hủy hoại các linh hồn. Hãy chống lại nó, hãy vững mạnh trong đức tin”. Thánh Phaôlô cũng viết: “Ta chiến đấu không phải chống lại xác thịt và máu huyết, nhưng chống lại vương quốc và quyền lực sự ác ở nơi cao trọng”.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cũng nói thế. Ngài là người được một thị kiến về thế kỷ 20 mà lịch sử đã chứng minh là đúng. Ngài thấy Satan, ngay từ khởi đầu thời gian, được phép chọn một thế kỷ trong đó hắn sẽ làm điều tồi tệ nhất, và hắn đã chọn thế kỷ 20. Vị giáo hoàng có tên và trái tim của một sư tử này đã bị nỗi kinh hoàng của thị kiến làm tê cứng đến phát ngất. Khi tỉnh dậy, ngài đã soạn ra lời kinh cho toàn thể Giáo Hội sử dụng trong thế kỷ 20. Lời kinh này rất phổ biến và được đọc sau mỗi Thánh Lễ, cho đến thập niên 1960: đúng vào lúc Giáo Hội bị một thảm họa chưa từng có, một thảm họa chưa được đặt tên, nhưng các sử gia sau này thế nào cũng sẽ đặt tên cho nó, thảm họa này một lúc quét hết một phần ba linh mục, hai phần ba nữ tu, và làm cho chín phần mười con em ta không còn biết gì về thần học; một thảm họa đã biến đức tin của cha ông ta thành niềm hoài nghi của những người bất đồng, biến rượu nho của Tin Mừng thành nước lạt thếch của khoa tâm lý khoác lác.

Việc phục hồi Giáo Hội, và do đó, phục hồi thế giới cần phải được bắt đầu với việc phục hồi lời kinh và thị kiến của Đức Lêô, vì đó là thị kiến của mọi vị giáo hoàng, của mọi vị thánh và của chính Chúa Kitô: thị kiến về một Hoả Ngục thật sự, một Satan thật sự, và một trận chiến thiêng liêng thật sự.

Kẻ thù thứ hai còn đáng sợ hơn kẻ thù thứ nhất. Có một cơn ác mộng còn khủng khiếp hơn cơn ác mộng bị Ma Quỉ săn đuổi, bắt giữ và hành hạ. Đó là cơn ác mộng thành ma quỉ. Nỗi kinh hoàng ở bên ngoài linh hồn bạn đã đủ khủng khiếp rồi; làm thế nào chịu được cảnh phải giáp mặt với nỗi kinh hoàng ở ngay bên trong linh hồn?

Nhưng nỗi kinh hoàng trong linh hồn bạn là gì? Là tội lỗi. Mọi tội lỗi đều là việc của Ma Quỉ, dù hắn vẫn thường dùng xác thịt và thế gian làm khí cụ. Tội lỗi là mời Ma Quỉ vào nhà. Và ta đã làm việc mời mọc ấy. Đó là lý do duy nhất tại sao hắn thực hiện được việc làm xấu xa của hắn; Thiên Chúa sẽ không để nó làm được chi nếu không có sự thoả thuận tự do của ta. Và đó là lý do tại sao Giáo Hội yếu đuối và thế giới đang lâm chung: vì ta không phải là người thánh.

3. Vũ khí

Và thế là ta bàn tới điều cần thiết thứ ba: vũ khí nào sẽ thắng cuộc chiến và đánh bại kẻ thù của ta. Vũ khí ấy chính là các vị thánh.

Bạn có thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xẩy ra cho thế giới nếu ta có thêm 12 Mẹ Têrêxa nữa? Và chuyện gì sẽ xẩy ra cho thế giới vào ngay giờ này đây nếu có 12 độc giả sẵn sàng dành hết 100% trái tim mình cho Chúa Kitô, tuyệt đối không giữ lại gì cho riêng mình?

Không, không ai có thể tưởng tượng được điều đó... , nhưng ai cũng có thể làm được điều ấy. Ai cũng có thể trở nên một vị thánh. Tuyệt đối không ai và không có gì có thể ngăn cản được bạn. Đó là sự lựa chọn tự do của bạn. Câu nói của William Law trong cuốn Serious Call quả là thích hợp ở đây: “Nếu nhìn vào thẳm cung tâm hồn mình một cách trung thực nhất, bạn phải công nhận rằng chỉ có một lý do và một lý do duy nhất khiến bạn không làm thánh là bạn hoàn toàn không muốn điều đó”.

Tại sao phần lớn chúng ta lại không muốn điều đó? Tại ta sợ phải trả giá đắt. Nhưng giá này là giá nào? Thi hào T.S. Eliot định nghĩa đời sống Kitô Giáo là “Một điều kiện hoàn toàn đơn sơ / Đáng giá không ít hơn / Mọi sự”. Giá ở đây chính là mọi sự: một trăm phần trăm. Vì cuộc tử đạo ở đây “mắc mỏ” hơn cuộc tử đạo bằng dây thừng hay đao phủ: nó là cuộc tử đạo của cuộc sống hàng ngày, chết cho mọi dục vọng và kế sách, bao gồm cả kế sách làm thế nào để trở nên một vị thánh. Một tấm chi phiếu để trống dành cho Chúa. Hoàn toàn tuân phục, hoàn toàn “xin vâng” như câu nói của Đức Maria. Cái câu đơn giản ấy đã đem lại gì hơn 2000 năm qua? Câu ấy đã đem Thiên Chúa xuống cứu vớt trần gian. Và điều ấy, Người muốn nó cứ thế tiếp tục.

Nếu ta làm được điều Đức Maria đã làm, thì mọi việc tông đồ của ta sẽ xuông xẻ: mọi hoạt động của ta bất kể hoặc truyền giáo, hoặc dạy giáo lý, làm cha, làm mẹ, giảng dạy, học hành, làm y tá, kinh doanh, làm linh mục hay giám mục, tất cả đều sẽ xuông xẻ. Như câu trả lời của một vị linh mục khi đức cha giáo phận hỏi phải làm gì để gia tăng con số ơn gọi: Thưa Đức Cha, là Đức Cha được phong thánh.

Theo Tiến Sĩ Peter Kreeft 1/11/2011
(http://www.integratedcatholiclife.org/2011/11/dr-kreeft-how-to-win-the-culture-war/#printpreview)

Ghi chú
(1) Moloch, thần mặt trời của người Canaan. Trong các thế kỷ 8 đến 6, người Do Thái từng hiến tế con đầu lòng cho Moloch tại Thung Lũng Hinnom. Baal là một trong 7 thủ lãnh của hoả ngục. Cựu Ước nhắc đến Baal như là ngẫu tượng chính của người Phênixi. Astaroth là ngẫu tượng của Canaan, đông cung thái tử của hỏa ngục
(2) Yuppie, viết tắt của young urban professional, là chữ dùng chỉ thành viên của giai cấp thượng trung lưu trong cỡ tuổi 20 và 30. is a term that refers to a member of the upper middle class or upper class in their 20s or 30s.
(3) Puppy-love: tình yêu của những cặp nam nữ trẻ lúc mới quen nhau, chưa thực sự là tình yêu, mà chỉ là quyến luyến, mù quáng đôi khi.