ĐẾN VỚI CHÚA BẰNG MỌI GIÁ

Cùng một sự việc, Chúa Giêsu làm một phép lạ chữa cho người bị bất toại mà hai thái độ cảm nhận khác hẳn nhau.

- Cảm nhận thứ nhất là của những người dân lành Do thái, họ cảm thấy hạnh phúc và sửng sốt thốt lên: “Chúng tôi chưa từng thấy bao giờ như vậy”(Mc 2,12). Họ chưa từng thấy điều gì? Đó là thấy người bại liệt nằm bất động trên giường, phải bốn người khiêng đến với Chúa Giêsu, khi không có chỗ len vào thì người ta dỡ mái nhà, ròng dây thả anh ta xuống trước mặt Chúa. Vậy mà chỉ một lời Chúa phán: “Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy, vác chõng mà về”. Lập tức người bại liệt đến mức chẳng ngồi dậy được mà bây giờ lại đứng lên “vác chõng mà về”. Thái độ của những người Do Thái thiện chí đó là hoàn toàn hợp lẽ tự nhiên vì họ chưa từng thấy bao giờ nơi các tiên tri cũng như các vĩ nhân;

- Cảm nhận thứ hai của những người luật sĩ thì trái ngược với những người dân “đơn sơ bé mọn”. Những người luật sĩ là đại diện cho tầng lớp lãnh đạo. Bước thứ nhất khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Hỡi con, tội con đã được tha”(Mc 2,5)Họ phân tích rất kỹ và lẩm bẩm rằng: “Ai có quyền tha tội? Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội”(Mc 2,7). Nhận xét của họ hoàn toàn đúng, và lẽ ra, với một nhận xét hoàn toàn đúng như vậy, thì bước thứ hai, họ thấy người bại liệt này đứng dậy vác chõng mà về. Họ phải tin rằng, cánh tay quyền năng của Chúa đã đặt trên con người ấy và họ nhận ra uy quyền của Đấng Mesia đang ở trước mặt họ.

Thế nhưng, những gì mà những người luật sĩ suy nghĩ, nhận thức với việc họ chấp nhận thì khác hẳn nhau. Đức Giêsu đưa cho họ một công thức, đó là “Tội con đã được tha và đứng dậy vác chõng mà về, đàng nào dễ hơn?”. Vì những người luật sĩ này chỉ quan sát bề ngoài cho nên Chúa đã cho họ thấy người bại liệt này đứng dậy vác chõng mà về. Nhưng bằng một công thức trước đó, Chúa đã tha đến tận căn. Vì xét cho bằng đúng, mọi bệnh nạn và nhất là cái chết của loài người ban đầu là do tội lỗi gây nên. Từ khi Adam và Eva phạm tội thì tội lỗi xâm nhập vào trái đất, mặt đất trở nên chúc dữ, con người phải chịu đau khổ và cuối cùng phải lãnh án chết. Như vậy, Chúa Giêsu muốn chữa đến tận căn. Bởi vì Người không chỉ chữa lành về thể xác nhưng còn chữa lành tâm linh. Nhờ lòng tin của mỗi người tìm đến với Chúa bằng mọi giá nhất là với những người Do Thái thiện chí. Những người này khi thấy đông người không vào nhà được, họ không nản lòng và dù có phải dỡ mái, ròng dây vất vả thả người bại liệt xuống với Chúa khó khăn là thế, họ vẫn quyết tâm làm. Bởi họ tin rằng, đến trước mặt Chúa họ sẽ được khỏi. Lòng tin của họ không những được khỏi về thể xác mà Chúa còn tha đến tận căn nguyên là tội nữa.

Từ hai thái độ khác hẳn nhau như trên dẫn đến hai đón nhận khác nhau. Những người thiện chí nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa. Lòng tin đơn sơ bé mọn của họ đã từng được Chúa Giêsu nguyện với Thiên Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã tỏ cho những kẻ đơn sơ bé mọn”(Mt 11,25). Còn những người luật sĩ, giới lãnh đạo, trí thức theo kiểu đó thì Đức Giêsu cũng dành cho họ một lời nguyện rằng “Cha đã dấu những kẻ khôn ngoan thông thái”(Lc 10,21). Giờ đây chúng ta cũng phải đặt đối diện mình, để lựa chọn xem từ nhận thức đến ý muốn của chúng ta đứng về phía nào, hoặc là nhận thức mà lòng muốn khác hẳn như giới luật sĩ, hoặc là đơn sơ bé mọn như những người thiện chí dân nghèo. Đơn sơ nhận ra cánh tay quyền năng của Chúa. Cả hai thái độ này, Chúa Giêsu đều có những trả lời thích hợp. Với những người luật sĩ, khi họ lẩm bẩm trong lòng, Đức Giêsu không lảng tránh mà ngài còn tiến tới hơn nữa: “Tại sao các ngươi lại lẩm bẩm trong lòng. Nói rằng tội con đã được tha và đứng dậy vác chõng mà về, đàng nào dễ hơn?”. Và Đức Giêsu đã thi thố quyền năng của Ngài trước mặt họ. Còn với những người đơn sơ bé mọn thì Đức Giêsu không cần phải giải thích. Ngài yêu thương và chữa lành mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền. Ngài giãi tỏa tình thương của Ngài trên con đường đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Bởi lẽ, những người ấy, họ đã mở lòng đón Chúa từ lâu.

Những phép lạ Chúa làm trên những người bé mọn đơn sơ trong đoạn Tin Mừng theo thánh Macco (Mc 2,1-12) đã cho chúng ta thấy, đến với Thiên Chúa không phải bằng khối óc mà còn hơn cả khối óc, trước hết phải bằng con tim. Đến với Chúa không phải chỉ bằng tri thức mà còn phải bằng tấm lòng yêu mến chân thành. Và vì vậy, những ai thành tâm thiện chí thì nhận ra chân lý dễ hơn là những người dùng tri thức ru ngủ mình trong bảo thủ. Bởi lẽ, thành kiến là một trong những bức tường làm cho người ta khó tiếp cận chân lý vì người ta nghĩ họ đã được đong đầy. Đã đong đầy rồi thì làm sao tiếp nhận thêm? Dĩ nhiên, chỉ nguyên cảm nhận của tấm lòng mà thiếu lý trí sẽ dễ mắc sai lầm, nhưng tấm lòng rộng mở được ánh sáng Chúa Kitô soi chiếu thì sao còn nghi ngờ, vì Chúa “là Đường, là Chân lý” (Ga 14,6)

Đến với Chúa, trước hết Chúa muốn chúng ta một tấm lòng rộng mở và Thánh Thần Chúa biết chúng ta cần gì. Tấm lòng khiêm nhường, rộng mở, đơn sơ bé mọn đến trước nhan Chúa đã được Chúa yêu thương. Chúng ta quan sát và thấy rõ những người giúp đỡ người bị bại liệt này đã không hề nói một câu nào. Thái độ làm việc của họ khi ròng dây thả người bại liệt xuống trước mặt Chúa đã đủ nói lên tất cả niềm khát mong của họ rồi, đã nói lên tất cả lòng tin của họ rồi. Họ không cần thêm một câu nài nỉ hay là trình bày gì nữa. Đức Giêsu lập tức chữa cho người bất toại kia.

Đến với Chúa, có nhiều người kể lể, có nhiều người phân tích, thậm chí có nhiều người mổ xẻ Chúa. Khi chúng tôi sang Mỹ, gặp một vị luật sư tân tòng mới trở lại đạo. Ông đã kể lại quá trình trở lại đạo của ông: “Hồi tôi ở Việt Nam, tôi bắt đầu học giáo lý để xin tòng giáo. Bất luận câu giáo lý nào tôi cũng hỏi thầy hay cha dạy giáo lý. ‘Tại sao lại như thế?’. Câu nào tôi cũng hỏi lý. Có những câu thì thầy và cha giải thích, có những câu các ngài không giải thích. Các ngài hỏi: ‘Tại sao ông cứ hỏi lý thế?’. Tôi trả lời: ‘Con hiểu được thì con mới tin chứ!’. Rồi khi tôi sang Mỹ, tiếp tục học giáo lý và tôi vẫn đặt ra những câu hỏi lý đó với các cha người Mỹ. Cha người Mỹ nói với tôi: ‘Ông cứ tin đi rồi ông sẽ thấy có lý. Ông đừng vặn lý trước khi ông tin’. Vì câu nói đó, từ bấy giờ tôi không vặn hỏi lý nữa, tôi giục lòng tin và khi tôi tin thì tôi thấy mình không cần phải đặt một câu hỏi lý nào nữa”. Chúng ta hiểu, bởi lẽ tất cả những lý lẽ của con người đứng trước một mầu nhiệm của Thiên Chúa đều trở nên khô cứng và chết lặng. Khi người ta không tin, người ta phải viện đủ mọi lý lẽ, người ta phải vận dụng đủ mọi phương pháp của con người để đối phó lại những gì mà người ta chưa hiểu. Vất vả và có thể nói tự dằn vặt mình, tự làm khổ mình. Nhưng khi người ta đã tin, người ta khám phá một chân trời mới và hạnh phúc từ đó ló rạng.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy hai thái độ với hai hiệu quả khác nhau. Những người không nói mà được ơn chữa bệnh là những người chỉ quan sát, cảm nghiệm sâu xa quyền năng và tôn vinh Thiên Chúa. Còn những người vận dụng tri thức và lý lẽ của loài người để khởi tố, để vặn lý thì cuối cùng họ không thu được gì mà họ ra về tay không, Thay vì cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện và hạnh phúc thì họ trở về trong trống vắng và uất hận.

Lạy Chúa Giêsu,
Không phải Chúa làm phép lạ
để chứng minh quyền năng
Chúa đến trong trần gian.
Nhưng Chúa làm phép lạ
để cho chúng con cảm nhận
tình thương của Chúa bao trùm trái đất.
Chúa không cần phải đấu lý với ai.
Chúa cũng không cần phải thanh minh dài lời.
Nhưng hạnh phúc cho những ai
cảm nhận được tình thương của Chúa.
Xin cho chúng con đứng về phía những người dân nghèo,
những người đang lao động khổ đau,
để chúng con trở thành đơn sơ bé mọn
và được cha trên trời tỏ cho những điều bí nhiệm.
Xin Chúa đừng để cho chúng con mệt mỏi với những lý lẽ
và cuối cùng bẽ bàng trở về tay không.
Xin Chúa chữa tật bệnh linh hồn chúng con
như Chúa đã chữa cho người bất toại kia,
để ngày hôm nay,
chúng con được chỗi dậy và vác chõng trở về nhà Cha. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc