Tukwila. Mùa chay năm nay đến với toàn thể Cộng Đoàn dân Chúa giáo xứ CTTĐVN dù còn trong tình hình dịch bệnh, nhưng suốt Mùa Chay giáo xứ vẫn có những buổi nguyện ngắm trong tuần vào những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Đặc biệt vào trưa thứ Sáu suốt mùa chay có buổi Suy Niệm Chặng Đàng Thánh Giá một cách trọng thể với sự hiện diện của đông đảo giáo dân tham dự. Ngày lễ kính Thánh Giuse Bạn Đức Maria giáo xứ có buổi tĩnh tâm do linh mục Giuse Đinh Văn Nghị thuyết giảng trong 2 ngày với chủ đề: Thánh Giuse là mẫu gương cho các gia đình sống trong mùa đại dịch Corona Virus. Qua 5 tuần Mùa Chay, cùng với Giáo Hội bước vào Chúa Nhật Lễ Lá bắt đầu cho Mùa Thương Khó của Chúa còn gọi là Tuần Thánh với những nghi thức phụng vụ của những ngày Tam Nhật Thánh để bước vào ngày đại lễ mừng Chúa Phục Sinh với các diễn tiến như sau:

Xem Hình

Thứ Năm Tuần Thánh Lễ Tiệc Ly. Tưỏng cũng nên biết tại tiểu bang Wasington vào giữa tháng 3 nam 2021, không còn thực hiện việc giới hạn số giáo dân tham dự các Thánh Lễ trong các nhà thờ. Do vậy, Tòa Tổng Giám Mục Seattle cũng đã có thông báo cho giáo dân muốn tham dự Thánh Lễ tại các giáo xứ kể từ giữa tháng 3 không còn cần phải ghi danh nữa. Tuy nhiên vẫn còn phải tuân giữ các phương thức để bảo đảm an toàn sức khỏe chung cho mọi người như giữ giản cách xã hội 6 feets, mang khẩu trang và khuyên bảo những ai cảm thấy có triệu chứng đáng nghi ngờ về dịch bệnh thì không nên tham dự Thánh Lễ.

Trở lại phần Thánh Lẽ Tiệc Ly: Chiều thứ Năm giáo xứ có 2 Thánh Lễ lúc 5 giờ và 7 giờ 30. Người viết tham dự Thánh lễ lúc 7:30 pm.

Đúng 7 giờ 30, Ca Đoàn hát bài ca Nhập lễ, quý linh mục cùng nghi đoàn cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn Thánh. Thánh Lễ được cử hành đồng tế do cha chánh xứ chủ tế và quý cha trong giáo xứ cùng đồng tế. Sau bài ca nhập lễ là nghi thức giới thiệu các loại dầu do 3 vị đại diện nâng từng bình dầu và trịnh trọng đặt vào bàn để các loại dầu với phần giới thiệu:

Dầu dự tòng- OS (OS: Olerum Sanctum hay Oleum Catechumenorum) Dầu dự tòng được xức cho những người sắp được rửa tội, những người sắp sửa theo Đạo. Dự tòng nghĩa là chuẩn bị theo Chúa nên anh chị em dự tòng cần được Chúa nâng đỡ, cần được sức mạnh của Chúa để can đảm bước vào một đời sống mới, để đi theo Chúa trên con đường thập giá, bước theo đường lối của Chúa nên cần có sức mạnh của Chúa.

Dầu bệnh nhân- OI (OI: Oleum Infirmorum). Trong kinh bảy phép bí tích thì có nói đến phép xức dầu thánh là có ý nói đến xức dầu bệnh nhân. Dầu bệnh nhân dùng để xức cho người bệnh, người có nguy cơ chết, cho dù lúc này còn khỏe. Ngày xưa, chỉ có những người sắp chết thì mới được chịu phép xức dầu thánh, gọi là xức dầu cuối cùng. Ngày nay thì gọi là xức dầu bệnh nhân, xức cho những người trở bệnh khi còn tỉnh táo. Vì nếu để đến lúc sắp chết thì người bệnh không còn biết gì và lúc bấy giờ không biết họ có muốn lãnh nhận bí tích xức dầu nữa hay không. Phép xức dầu bệnh nhân không những nâng đỡ cho bệnh nhân về phần hồn mà còn chữa về phần xác nữa. Và thậm chí nếu Chúa muốn có thể chữa lành cho bệnh nhân. Có những anh chị em bác sĩ chê rồi, đưa về nhà chờ chết, nhưng nhờ bí tích xức dầu bệnh nhân thì người đó lại tìm được sức khỏe. Chính vì thế nên gia đình phải lo lắng để các thành viên đau yếu trong gia đình mình để họ được chịu phép xức dầu bệnh nhân khi họ còn tỉnh táo, còn hiểu biết, đừng để khi bất tỉnh nhân sự rồi mới đi mời Cha sở Cha phó thì lúc bấy giờ trễ rồi không còn có ích cho bệnh nhân đó nữa.

Dầu thánh hiến- SC (SC: Sanctum Chrisma)

Dầu thánh hiến là loại dầu quan trọng nhất, dầu này được thánh hiến chứ không phải chỉ được làm phép như là dầu dự tòng và dầu bệnh nhân. Dầu thánh hiến để lại ấn tín thiêng liêng cho người lãnh nhận như trong bí tích rửa tội, bí tích thêm sức hay bí tích truyền chức thánh. Dầu thánh hiến cũng được dùng trong nghi lễ cung hiến bàn thờ hay là cung hiến nhà thờ.

Nghi thức giới thiệu các loại Dầu vừa dứt, cha chủ tế ngỏ lời chào mừng cộng đoàn dân Chúa hiện diện, ngài nói: hôm nay cùnng với quý cha trong giáo xứ, chúng ta cùng nhau qui tụ trong ngôi Thánh Đường thân yêu này để mừng Lễ Tiệc Ly mở đầu cho những ngày Tam Nhật Thánh. Xin cho một tràng pháo tay để cùng chaò đón nhau ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu ).

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa với bài tin mừng theo Thánh Gioan. Thánh Gioan giới thiệu câu chuyện việc Chúa Giêsu rửa chân cho các Môn Đê trong bữa ăn tối cuối cùng gọi là Tiệc Ly. Tin mừng có đoạn: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

Cha Trần Hữu Lân phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về Bí Tích Tình Yêu mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta qua nhiệm tích Thánh Thể để kết nối sự sống của con người với Chúa Kitô Phục Sinh.

Bài giảng kết thúc và Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Năm nay vì mùa đại dịch nên trong Thánh Lễ Tiệc Ly không có nghi thức rửa chân. Sau phần giáo dân đón nhận Mình Thánh Chúa một cách sốt sắng là cuộc kiệu Mình Thánh Chúa.

Cha chủ tế chủ sự cuộc Rước Kiệu Thánh Thể cùng với quý cha và đoàn nghi lễ hầu Mình Thánh Chúa. Mình Thánh Chúa được cung nghinh từ Cung Thánh và kiệu quanh khắp các khu vực Hội Trường có sự hiện diện của giáo dân tham dự Thánh Lễ. Sau một hồi kiệu quanh các khu vực, Mình Thánh Chúa được cung thỉnh về nhà chầu đặt bên cạnh cung thánh một cách trang trọng. Cha chánh xứ chủ sự giờ chầu chung do Thiếu Nhi Thánh Thể Đoàn Chúa Hài Đồng phụ trách hướng dẫn giờ chầu đến 9 giờ tối. Kế đến là giờ chầu được phân chia theo từng nhóm phụ trách mỗi phiên chầu nửa giờ do các Đoàn Thể cũng như các Giáo Đoàn phụ trách hướng dẫn giờ chầu kéo dài đến 12 giờ đêm. Cha chánh xứ bế mạc giờ chầu lúc 12 giờ đêm và cung thỉnh Mình Thánh Chúa vào Nhà Tạm đặt trong phòng Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Tưởng Niệm cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Từ 3 giờ chiều có buổi nguyện ngắm với phần suy niệm 15 Sự Thương Khó Chúa. Đến 4 giờ chiều là phần nghi thức Tháo Đinh và táng xác Chúa. Xác Chúa được hạ xuống từ cây Thánh Giá cao lớn và đặt vào quan tài theo nghi thức truyền thống của giáo dân Việt Nam như một nghi lễ Tẩm Liệm Xác Chúa. Xác Chúa được cung nghinh kiệu quanh qua khu vực gọi là Mồ Chúa được trang trí tarng trọng tại Hội Trường.

Chiều tối là nghi thức Tôn Kính Thánh Giá. Phần phụng vụ Tôn Kính Thánh Giá cũng được cử vào 2 giờ khác biệt để đáp ứng nhu cầu của giáo dân là lúc 5 giờ và 7 giờ 30.

Đúng 7 giờ 30, cha chánh xứ chủ sự cùng với nghi đoàn cung nghinh Thánh Giá tiến lên Bàn Thánh. Mở đầu phần phụng vụ là nghi thức đầy cảm động khi cha chủ sự sấp mình phủ phục xuống giữa nền cung Thánh trước bàn thờ trong một giây lát để cầu nguyện và tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa. Sau phút cầu nguyện trong thinh lặng của cha chủ sự cọng với sự tĩnh lặng của toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện đã tạo nên sự thánh thiêng của ngày Tưởng Niệm Chúa chịu chết để cứu chuộc nhân loại.

Phần phụng vụ Lời Chúa được bắt đầu với bài đọc I trích sách Ngôn Sứ I -sai –a có đoạn viết: Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,

người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.

Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản,

và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.

Bài đọc 2 trích thư gởi tín hữu Do Thái có đọan nói về Đức Kitô: Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

Bài Thương Khó khá dài được hát một cách trọng thể. Bài Thương Khó kết thúc, cha chủ sự đã có lời chia sẻ trong bài giảng khá ngắn gọn, ngài nhấn mạnh về cuộc khổ nạn đầy đau thương của Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết trong khổ hình đầy tủi nhục vì tôi lỗi của chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta cùng biết nhìn nhận tội lỗi của mình và ăn năn trở về với Chúa trong sự khiêm cung sau mỗi lần vấp ngả.

Sau bài giảng là phần cầu nguyện chung theo phụng vụ của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Toàn thể công đoàn dân Chúa hiện diện đều tập trung vào những lời cầu nguyện đặc biệt này một cách sốt sắng. Trong phụng vụ tưởng niệm Chúa Chịu Chết, giáo hội cầu nguyện chung cho tất cả 11 thành phần trong Giáo Hội Hoàn Vũ cũng như các thành phần trong xã hội trên toàn thế giới như: Cầu cho Hội Thánh- Cầu cho Đức Thánh Cha- Cầu cho hàng Giáo sĩ và Giáo dân- Cầu cho người Dự Tòng- Cầu cho mọi tín hữu được hiệp nhất- Cầu cho người Do Thái- Cầu cho người ngoài Kitô giáo- Cầu cho người Vô Thần- Cầu cho những nhà lãnh đạo Quốc Gia- Cầu cho những người đau khổ- Cầu cho các bệnh nhân trong đại dịch Corona Virus.

Lời nguyện chung kết thúc là đến phần Tôn Kính Thánh Giá. Cha chủ sự cùng với Thừa tác viên cung thỉnh Thánh Giá từ cuối nhà thờ tiến lên bàn Thánh. Thánh Giá từ từ tiến lên và dừng mỗi đoạn để giáo dân thờ lạy với lời tung hô của cha chủ sự: “Đây là gỗ Thánh Giá, chúng ta đến thờ lạy Ngài”. Khi Thánh Giá được dừng lại giữa cung thánh, chỉ có cha chủ sự chào kính Thánh Giá, năm nay vì còn trong tình hình đại dịch nên không có phần cho giáo dân hôn kính Thánh Giá.

Nghi thức phụng vụ Tôn Kính Thánh Giá của ngày thứ Sáu Tuần Thánh được tiếp nối qua phần cho giáo dân rước Mình Thánh Chúa và kết thúc của ngày tưởng niệm với sự im lặng để tưởng niệm giờ Chúa Chịu Chết.

Thứ Bảy tuần Thánh: Lễ Vọng Phục Sinh. Thánh Lễ Vọng Phục Sinh được cử hành đồng tế một cách trọng thể bắt đầu lúc 8 giờ 30 do cha chánh xứ chủ tế và quý cha trong giáo xứ đồng tế.

Đúng 8 giờ 30, cha chủ sự cùng với quý cha và nghi đoàn tiến về vị trí để bắt đầu nghi thức mở đầu là việc làm phép lửa và thắp Nến Phục Sinh. Nến Phục Sinh được cha chủ sự khắc hình Thánh Giá với những lời công bố theo từng cử chỉ khi kẻ đường dọc: Đức Kitô vẫn là một- kẻ đường ngang: Hôm qua và hôm nay là Alpha và Omega và ghi chữ số của năm 2021 vào các góc của của Thánh Giá và kết thúc với lời: Vạn tuế Đức Kitô- Đấng vinh hiển quyền năng- Vạn tuế Amen.

Sau phần nghi thức làm phép lửa và đốt Nến Phục Sinh. Nến Phục Sinh được đưa lên cung thánh để đặt vào vị trí trang trọng nơi cung Thánh. Nến phục Sinh di chuyển từ cuối nhà thờ và dừng lại từng đoạn với lời tung hô của cha chủ sự: Ánh sáng Chúa Kitô- Cộng Đoàn đáp: Tạ ơn Chúa.

Khi đến giữa bàn thờ, linh mục dừng lại, nâng Nến Phục Sinh lên với lời tung hô: Ánh Sáng Chúa Kitô- mọi người đáp: Tạ ơn Chúa.

Linh mục đặt Nến Phục Sinh vào đế đã đặt sẵn tại Cung Thánh

Các Thừa Tác Viên phụ trách dùng đèn cấy đốt từ nến phục sinh và chuyền đến cho mọi giáo hữu hiện diện được thắp nến lên như một biểu tượng cho việc ánh sáng của Chúa Kitô đến với mọi người. Nghi thức được tiếp nối qua phụng vụ Lời Chúa.

Phần phụng vụ Lời Chúa được tiếp nối qua các Bài Đọc trong cựu ước Mở đầu là Bài đọc I: trích sách Sáng Thế (St 1: 1-2. 2 ) kể lại câu chuyện Chúa dựng nên trời đất và cuối cùng là Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài có Nam có Nữ với lời phán: Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, hãy thống trị tất cả mọi loài …”Bài đọc II: trích Sách Xuất Hành (Xh 14,15 15-15,1) mô tả việc Chúa cho Mosê dẫn toàn dân Irael vượt giữa lòng biển để tránh quân Ai Cập truy bắt. Bài Đọc III: trích sách Tiên tri Isaia (Is 55: 1-11): với đoạn: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.” kế đến là Đọc IV: bài trích sách tiên tri Êdêkiel ( Ed 36, 16-17a. 18-28) nói lên ý nghĩa: "Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới". Kết thúc phần cựu ước, đèn trong nhà thờ được mở sáng lên và ca đoàn hát kinh Vinh Danh, bức màn che trên cung thánh được từ từ hạ xuống, hình ảnh Chúa Phục Sinh hiện tỏ tường cùng với tiếng chiêng trống ngân vang mở đầu dấu hiệu biều tỏ sự vui mừng của toàn thể dân Chúa trong giáo xứ đang hiện diện cùng nhau đón mừng Chúa Phục Sinh một cách long trọng. Phần vụ lời Chúa được tiếp nối với bài Thánh Thư của Thánh Phaolô ( Rm 6,3-11) gởi tín hữu Rôma: "Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa".

Bài Tin Mừng hôm nay thánh Mác-cô giới thiệu câu chuyện các bà phụ nữ ra thăm mộ Chúa với đoạn: Hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.

Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì ! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này ! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ, trong bài giảng ngài nhấn mạnh: tạ ơn Chúa đã ban cho giáo xứ chúng ta trải qua một mùa chay và những ngày Tam Nhật Thánh khá tốt đẹp. Qua những ngày này số giáo dân đã tham gia một cách sốt sắng các phần phụng vụ Thánh một cách đông đảo dù còn trong tình hình của muà dịch bệnh. Mừng Chúa Phục Sinh, xin cho mỗi người chúng ta cũng được đổi mới để sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn biết sống và thực hành Lời Chúa.

Sau bài giảng là phần ban các phép bí tích khai tâm cho một số anh chị dự tòng đã trải qua thời gian học hỏi căn bản giáo lý. Năm nay dù trong tình hình dịch bệnh, nhưng ban phụ trách giáo lý dự tòng cũng đã cố gắng để truyền đạt một số giáo lý căn bản làm nền tảng cho Đức Tin của anh chị em dự tòng đang muốn tìm hiểu giáo lý Công Giáo. Hôm nay có đến 13 anh chị trở thành Tân Tòng gia nhập vào gia đình Giáo Hội và Giáo xứ cùng một số các em nhỏ cũng được rửa tội trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh. Kết thúc phần ban các phép Bí Tích, cha chủ tế nói: hôm nay giáo xứ có thêm 13 anh chị Tân Tòng được gia nhập vào gia đình giáo xứ và giáo xứ cũng có thêm một số các em nhỏ là những thnàh viên mới của giáo xứ. Xin cho một tràng pháo tay và chúc mừng ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu )

Sau phần ban các phép Bí Tích cho các anh chị dự tòng và rửa tội cho một số em nhỏ, Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha chánh xứ ngỏ lời cám ơn các ban ngành, các giáo đoàn, hội đoàn, ca đoàn đã tham gia các công tác giúp cho việc tổ chức các chương trình của giáo xứ trong suốt mùa chay và những ngày Tam Nhật Thánh được tốt đẹp và mừng Phục Sinh đến toàn thể Cộng Đoàn dân Chúa hiện diện cũng như đang tham dự Thánh Lễ trên trực tuyến.

Đêm Vọng Phục Sinh có gần 2 ngàn giáo dân hiện diện trong đêm Canh Thức đón mừng Chúa Phục Sinh một cách sốt sắng.

Thánh lễ Vọng Phục Sinh kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ và kết thúc lúc 11 giờ 15 phút, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn với niềm vui của Chúa Phục Sinh.

Nguyễn An Quý.