1. Giáo Hội tại Pháp phản đối dự luật hợp pháp hóa trợ tử

Hôm thứ Năm 8 tháng Tư, khi các Dân biểu tranh luận về dự luật hợp pháp hóa trợ tử, các giám mục Pháp đã lên tiếng phản đối đề xuất này.

Một dự luật nhằm thiết lập điều được gọi là quyền “tự do kết thúc cuộc sống” đã được tranh luận tại Assemblée Nationale, tức là Hạ Viện của Quốc hội Pháp, vào ngày 8 tháng 4.

“Giải pháp khi một người đối mặt với đau khổ không phải là giết họ, mà là xoa dịu nỗi đau và đồng hành cùng với họ,” Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris nói với France Inter.

Đức Cha Aupetit nhận xét chua chát rằng “thật là nghịch lý khi người ta hô hào ban cho quyền được chết trước thực tế là cái chết đang vây quanh chúng ta, ở đâu cũng có. Chúng ta nên chiến đấu cho sự sống mới phải”.

Nhà tài trợ của dự luật là Olivier Falorni, một thành viên trong nhóm Libertés et Territoires. Nhóm này được thành lập vào ngày 17 tháng 10, 2018 và gồm 16 Dân biểu. Từ tháng 7, 2020 nhóm này chính thức xác nhận mình đứng về phía đối lập với đảng cầm quyền.

Chính phủ Pháp, cho đến nay, đã không đưa ra quan điểm chính thức về dự luật này, mặc dù xem ra hầu hết các Dân biểu của đảng cầm quyền La République En Marche ủng hộ việc hợp pháp hóa trợ tử.

Các Dân biểu Quốc hội phản đối dự luật này đã đệ trình khoảng 3,000 sửa đổi liên quan đến dự luật, với ý định trì hoãn một cuộc bỏ phiếu cho đến khi thời gian dành cho dự luật trôi qua. Hầu hết các sửa đổi được đệ trình bởi các thành viên của nhóm Les Républicains.

Đức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich của Lille đã viết hôm 7 tháng 4 rằng “sự quan tâm, dịu dàng và hỗ trợ là những điều đồng bào của chúng ta cần. Bảo vệ người đau khổ bằng cách đồng hành với họ trong sự chăm sóc yêu thương không thể xem là một lựa chọn ngang hàng với việc giết hại họ”.

Ngài lưu ý rằng dự luật này đề nghị rằng lý do “chết vì tự nguyện sẽ được thêm vào trong danh sách các trường hợp chết tự nhiên. Đây là một thói quen chính trị xuyên tạc ý nghĩa của các từ ngữ của chúng ta.”

Mặc dù ở Pháp hành vi trợ tử cho đến nay vẫn là bất hợp pháp, nhưng luật năm 2005 cho phép các bác sĩ từ chối không sử dụng các phương pháp điều trị mà theo đánh giá chủ quan của họ là “không có tác dụng nào khác ngoài việc duy trì sự sống một cách giả tạo”.

Trong một nỗ lực nhằm đối phó với một dự luật muốn hợp pháp hóa trợ tử vào năm 2018, 118 giám mục Pháp đã ký một tuyên bố thúc đẩy việc chăm sóc cuối đời và giải thích sự phản đối của Giáo hội đối với việc tự sát dưới mọi hình thức.

“Dù chúng ta có niềm tin nào đi chăng nữa, thì cuối đời là khoảng thời gian mà tất cả chúng ta sẽ sống và vì thế đây là mối quan tâm mà chúng ta cần chia sẻ. Mọi người phải có khả năng suy nghĩ một cách bình tĩnh nhất, tránh xa những cạm bẫy của những cuồng nhiệt nhất thời và các áp lực.”
Source:Catholic News Agency

2. Bài Giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit cảnh giác rằng chúng ta sẽ bị phán xét nếu chúng ta không yêu mến tha nhân, và tỉnh bơ trước nỗi khốn cùng và sự sống chết của anh chị em mình.

Trong thánh lễ sáng Phục sinh với dòng Les Petites Sœurs Des Maternités Catholiques, tức là dòng Tiểu Muội Các Nữ Tu Của Các Bà Mẹ Công Giáo, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã trình bày những suy tư của ngài về mầu nhiệm Phục sinh và cách thế chúng ta sống mầu nhiệm ấy ra sao trong cuộc sống thường nhật.

Dòng Les Petites Sœurs Des Maternités Catholiques được thành lập tại Jallieu, vào ngày 2 tháng 2 năm 1930, với tôn chỉ phục vụ Cuộc sống, Tình yêu và Gia đình, đặc biệt là nâng đỡ các bà mẹ Công Giáo.

Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:

Thánh sử Gioan đã trình bày đức tin của mình như sau: “Môn đệ ấy đã thấy và đã tin.” Trước đó, cũng chính Thánh Gioan đã mô tả sự sống lại của Lagiarô. Anh Lagiarô ra khỏi ngôi mộ, toàn thân quấn đầy băng. Anh đã sống lại. Nhưng trong ngôi mộ của Chúa Giêsu, các tấm vải được trải phẳng phiu trên mặt đất như thể thân xác Chúa đã biến mất. Thánh Gioan hiểu rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, rằng Ngài không chỉ đơn thuần quay trở lại cuộc sống trước đây nhưng giờ đây là một cuộc sống mới.

Thánh Phêrô trong ngày Chúa sống lại cũng vội vã chạy đến mồ. Vị Tông đồ thấy ngôi mộ trống rỗng, và nhận ra sự vắng mặt của Chúa Giêsu. Các sách Phúc Âm đã không đề cập đến tâm trạng của thánh nhân vào lúc đó. Nhưng khi rao giảng về sự sống lại của Chúa Giêsu tại thành Sêsarê, Thánh Phêrô nói: “Chính Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Thẩm Phán xét xử kẻ sống và kẻ chết.” Khi Thánh Phêrô nói về sự phán xét kẻ sống và kẻ chết, thánh nhân làm như thế từ kinh nghiệm cá nhân của mình. Thánh nhân biết rằng sự phán xét này sẽ được thực hiện từ những lời của Chúa Kitô mà chính ngài đã nghe và đã suy gẫm trong ánh sáng của biến cố Phục sinh.

Hai cái sàng sẽ được sử dụng để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

“Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21:15)

Như Thánh Phêrô, khi nhìn vào cuộc đời và những nỗi khốn khổ của chúng ta được phơi bày dưới ánh sáng thiêng liêng, chúng ta sẽ phải thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Điều cần thiết là chúng ta có thể mạnh dạn nói điều đó trước Đấng là Sự thật.

“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).

Tôi đã cư xử như thế nào đối với những người anh em của mình? Nhất là những người bị coi thường, những người khốn khổ? Không chỉ những người đói, những người khát, là những người thường khiến con tim của chúng ta rung động; nhưng còn có những người thấp cổ bé họng, những người già, những người không công ăn việc làm, và các nạn nhân của các thảm họa.

Đây là hai cái sàng khủng khiếp. Nhận định này có thể đáng sợ. Nhưng thánh Phaolô đã nói với tín hữu Rôma: “Ai sống đức tin thì thoát khỏi sự luận phạt” (Rm 10).

Vì thế, trọng tâm của lễ Phục sinh là niềm tin rằng tình yêu mạnh hơn hận thù, và sự sống mạnh hơn cái chết. Chính niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Đức tin cho chúng ta hiểu được sự toàn năng của tình yêu.

Tôi tín thác vào Chúa Giêsu Kitô đến nỗi tôi biết rằng nếu tôi yêu mến Ngài và anh chị em tôi, thì Chúa sẽ biết cách nâng tôi lên cùng Thiên Chúa là Cha của Người.
Source:L'Eglise Catholique à Paris