1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Shalom

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi đoàn sủng của Cộng đoàn Công Giáo Shalom và khích lệ các thành viên tiếp tục ngoan ngoãn vâng phục sự chỉ dẫn của Thánh Linh, gắn bó với các vị chủ chăn của Giáo hội và các vị lãnh đạo cần tôn trọng tự do lương tâm của các thành viên.

Cộng đoàn Công Giáo Shalom được thành lập cách đây 40 năm, ngày 09 tháng Bảy năm 1982, tại Giáo phận Fortaleza bên Brazil, do sáng kiến của ông Moysles Louro de Azevedo. Ông hiến dâng cuộc sống để góp phần vào việc loan báo Tin mừng cho người trẻ và những người xa lìa Giáo hội. Năm 1985, có bốn người trẻ đầu tiên gia nhập cộng đoàn sự sống. Năm sau đó, chị Maria Emmir Nogueira gia nhập và sau đó trở thành đồng sáng lập viên. Giáo quyền địa phương chính thức nhìn nhận cộng đoàn này và năm 2007, Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân cũng ban sắc lệnh công nhận cộng đoàn như một Hiệp hội quốc tế các giáo dân.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Kevin Farrell, Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cùng với Đức Hồng Y Odilio Scherer, Tổng giám mục Giáo phận São Paulo, Brazil.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha trả lời một số câu hỏi do các bạn trẻ nêu lên, và ngài ca ngợi cộng đoàn này, ngay từ đầu đã tỏ ra có tinh thần can đảm sáng tạo, cởi mở đón tiếp và có một đà tiến truyền giáo mạnh mẽ. Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em đã đặt việc cử hành thánh lễ, Chầu Mình Thánh Chúa, xưng tội ở trung tâm cuộc sống. Anh chị em đã đề cao việc giảng thuyết, âm nhạc, kinh nguyện chiêm niệm cá nhân và cộng đoàn. Đó thực là một sự phong phú theo tinh thần Công Giáo.”

“Cộng đoàn của anh chị em là Công Giáo, vì luôn tiến bước với các vị mục tử của Giáo hội, vâng phục, yêu mến và gần gũi các mục tử của mình. Đừng xa lìa các mục tử, vì nơi nào có mục tử thì có Chúa Giêsu. Đúng hơn, chúng ta như những mục tử của Chúa Giêsu”.

Nhắc đến sự tận hiến cuộc sống của các thành viên, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Sự dâng hiến bản thân, không từ bỏ vẻ đẹp của ơn gọi làm môn đệ Chúa, phải luôn tôn trọng tự do của con người, biết chờ đợi những thời điểm tăng trưởng khác nhau của mỗi người và đồng hành trong sự tế nhị và phân định trong việc chọn lựa bậc sống cần theo, trong sự chọn lựa đời sống cộng đoàn. Sự ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, kinh nghiệm và lắng nghe Giáo hội là Mẹ, sẽ dạy anh chị em luôn tránh bất kỳ hình thức xen mình nào vào lương tâm cá nhân của các thành viên.”

2. Quan chức Liên Hiệp Quốc: Có “quá nhiều bằng chứng” về vi phạm nhân quyền và tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine

Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Rosemary DiCarlo cho biết hiếm khi cộng đồng quốc tế thu thập được nhiều bằng chứng về tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền như khi điều tra việc Nga xâm lược Ukraine.

“Chúng tôi vô cùng lo ngại trước các cáo buộc vi phạm ở các vùng phía đông bắc Ukraine, bao gồm cả sau khi trục vớt hơn 400 thi thể từ các ngôi mộ ở Izium. Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang làm việc với chính quyền địa phương để điều tra vụ việc này và các cáo buộc khác về vi phạm và lạm dụng nhân quyền tại các khu vực thuộc Kharkiv gần đây nằm dưới sự kiểm soát của Nga”, DiCarlo cho biết trong một bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba.

Bà nói thêm rằng sau khi điều tra ở các khu vực Kyiv, Chernihiv, Kharkiv và Sumy, Ủy ban Điều tra Quốc tế Độc lập về Ukraine (do Hội đồng Nhân quyền ủy nhiệm) đã kết luận rằng “tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Ukraine. Trong số các phát hiện khác, ủy ban đã choáng ngợp bởi số lượng lớn các vụ hành quyết và các vi phạm khác do các lực lượng Nga thực hiện.

“Hiếm có khi nào, cộng đồng quốc tế thu thập được nhiều bằng chứng về vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh và các hành động tàn bạo khác như chúng đang xảy ra. Thật là bi thảm là chúng ta đã không thể ngăn chặn chúng. Nhưng sẽ thật đáng xấu hổ nếu chúng ta không bảo đảm được công lý cho nạn nhân và những người thân yêu của họ. Những người chịu trách nhiệm về sự xúc phạm đã xảy ra ở Ukraine, bất cứ họ đang ở đâu, họ vẫn phải có trách nhiệm giải trình.”


Source:CNN

3. Đại hội Lần thứ 13 của Hội đồng Giám mục miền nam Phi châu

Đại hội Lần thứ 13 của các giám mục miền nam Phi châu, gọi tắt là Imbisa, đã khai diễn hôm 24 tháng Chín vừa qua, tại phố Windhoek, thủ đô Namibia, với chủ đề chính: “Tái tạo sự dấn thân của Giáo hội với người trẻ tại các nước miền nam Phi châu, dưới ánh sáng Tông huấn “Christus vivit” của Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Tông huấn Christus vivit, Chúa Kitô đang sống, được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố năm 2019, đúc kết thành quả Thượng Hội đồng Giám mục giới, nhóm hồi tháng Mười năm 2018 trước đó về giới trẻ.

Hiện diện trong buổi khai mạc khóa họp, ngoài gần 60 giám mục đến từ chín nước vùng nam Phi châu, cũng có đại diện giới trẻ tại các nước này.

Đức Cha Lucio Andrice Muandula, Giám mục Giáo phận Xai-Xai bên Mozambique, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Imbisa đặc biệt chào mừng các giám mục trẻ được thụ phong trong ba năm gần đây. Tiếp đến, Đức Tổng Giám Mục Peter Brian Wells, người Mỹ, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam phi đã nhắc đến lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về đồng hành tính và chuyển lời chào mừng nồng nhiệt của Đức Thánh Cha gửi đến các giám mục tại miền nam Phi châu.

Phó Tổng thống Namibia, ông Nangolo Mbumba cũng lên tiếng tại buổi khai mạc và cám ơn Giáo Hội Công Giáo trong vùng vì đã hỗ trợ các nước trong cuộc tranh đấu giải phóng.

Các đại diện của Hội đồng Giám mục Mỹ, của Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là Secam, và đại diện của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, cũng lên tiếng tại khóa họp, sau phần chào mừng.

Giáo sư James Nyawo, người Zimbabwe trình bày những gợi ý đi từ Tông huấn Christus vivit của Đức Thánh Cha cho hai ngày họp, qua đó Đức Thánh Cha mời gọi trẻ trung hóa Giáo hội. Giáo hội cần cùng nhau tiến bước để có thể đi xa.