Đức Hồng Y Charles Maung Bo, tổng giám mục Yangon, đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dân sự ở Miến Điện sau một cuộc tấn công của quân đội vào ngôi làng quê hương của ngài ở khu vực miền trung Sagaing.

Đức Hồng Y nói với Đài Á Châu Tự Do rằng ngài 'rất buồn' trước cuộc tấn công vào làng Mon Hla tỉnh Khin-U vào ngày 23 tháng 11 và giết chết một số thường dân, trong đó có một cậu bé bảy tuổi.

Trong số những người bị thiệt mạng cũng có 6 thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, là cánh vũ trang của Chính phủ Thống nhất Quốc gia bao gồm các đại biểu của Liên đoàn Dân chủ Quốc gia, bị lật đổ sau cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2 năm 2021.

Quân đội đã san bằng khoảng 200 tòa nhà, trong đó có một trường học và một nhà thờ được xây dựng bằng tiền quyên góp của Đức Hồng Y.

Các Kitô Hữu sống ở Mon Hla và các làng Chaung Yoe và Chan Thar gần đó được gọi là Bayingyi và là người gốc Bồ Đào Nha: họ đã sống dọc theo sông Chindwin và Mu từ đầu thế kỷ 17.

Cuộc tấn công vào thành phố Khin-U bắt đầu vào giữa tháng 11: ba cánh quân tiến vào từ phía tây và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà với sự hỗ trợ của các cuộc không kích.

Sau trận ném bom vào ngày 23 tháng 11, quân đội tiếp tục hành quân về phía nam, chiếm hết làng này đến làng khác. Tại ngôi làng Myin Daung, nơi bị binh lính xâm lược trong ba ngày, thi thể cháy thành than của một số thường dân được tìm thấy bên trong một cửa hàng sau khi binh lính rời đi.

Theo người dân, quân đội đã thiêu sống họ vì các thi thể được tìm thấy với hai tay bị trói sau lưng.

Trong khi đó, tại bang miền tây Rakhine, các tướng lĩnh đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng dân quân sắc tộc chính của khu vực, là Quân đội Arakan, trong những tuần gần đây. Các lực lượng dân quân sắc tộc, những người đã chống lại nhà nước Miến Điện kể từ khi đất nước giành được độc lập từ Đế quốc Anh, đã liên minh với Lực lượng Phòng vệ Nhân dân chống lại quân đội.

Lệnh ngừng bắn đã được ký kết để cho phép viện trợ và thuốc men được gửi đến người dân. Nó được môi giới bởi chủ tịch Quỹ Nippon của Nhật Bản, Yohei Sasakawa, một nhà ngoại giao có liên hệ với người đứng đầu chính quyền quân sự là Tướng Min Aung Hlaing, và là người đã tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn giữa Quân đội Arakan và quân đội Miến Điện vào tháng 11 năm 2020, trước cuộc cuộc bầu cử vừa qua.

Tuy nhiên, theo một số nhân vật kháng chiến, việc tạm dừng giao tranh sẽ giúp quân đội của chính quyền tái định vị ở Bang Chin và các khu vực Magwe và Sagaing, nơi giao tranh chưa bao giờ ngừng.

Tuần trước, người đứng đầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong, Tổng thống Duwa Lashi La, phát biểu tại hội nghị Reuters Next, đã so sánh tình hình ở Miến Điện với tình hình ở Ukraine, nói rằng cần phải có vũ khí phòng không để buộc quân đội phải ngồi yên tại bàn đàm phán.

Chế độ Miến Điện cho đến nay đã từ chối tham gia đối thoại với Chính phủ Thống nhất Quốc gia và Lực lượng Kháng chiến Nhân dân, mà họ coi là các tổ chức khủng bố.
Source:Asia News