Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã được hỏi về quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô cử Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám mục Bologna và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, làm đặc sứ của ngài trong sứ vụ hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.

Tổng thống Zelenskiy cho biết một tuần trước đó, vào hôm thứ Bẩy 13 Tháng Năm, ông đã triều yết Đức Thánh Cha và xin Tòa Thánh giúp đỡ tái lập hòa bình tại Ukraine. Ông cảm ơn Đức Thánh Cha về sáng kiến hòa bình mới này.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ âu lo rằng Nga “không tìm kiếm hòa bình”. Điều này được chứng minh qua 183 cuộc đàm phán thất bại

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng, trước ngày 24 tháng 2 năm 2022, Ukraine đã tổ chức 183 vòng đàm phán với Nga với sự tham gia của các nhà trung gian quốc tế, nơi mọi người đều thấy rằng Nga không hề muốn tìm kiếm hòa bình.

Người đứng đầu nhà nước cho biết như trên khi trả lời các phóng viên báo chí tại hội nghị thượng đỉnh G7 với chủ đề “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” với sự tham gia của các quốc gia G7, Ukraine và các đối tác.

“Vào thời điểm đó, trước ngày 24 tháng 2, Ukraine đã tổ chức hơn 180 vòng đàm phán với Nga – 183 vòng – dưới nhiều hình thức khác nhau để ngăn chặn hành vi xâm lược. Có những nhà trung gian quốc tế đáng kính trong các cuộc đàm phán đó, và tất cả họ đều thấy rằng Nga không tìm kiếm hòa bình. Lệnh ngừng bắn đã không được tôn trọng. Nó đã diễn ra trong 7 năm và hàng nghìn người đã thiệt mạng,” Zelenskiy nói.

Ông lưu ý rằng không có gì thay đổi kể từ đó, “ngoại trừ việc chúng tôi, tự bảo vệ mình, đã làm suy yếu đáng kể nước Nga.”

Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh: “Giờ đây, họ công khai muốn đóng băng chiến tranh – không phải vì hòa bình, mà vì mục đích tranh thủ thời gian, tiếp thêm sức mạnh và tấn công trở lại”.

Ông cũng lưu ý rằng tất cả mọi người trên thế giới đều cảm nhận được hậu quả hủy diệt của hành động xâm lược của Nga.

“Một số người đã phải chịu đựng giá lương thực hoặc năng lượng tăng đến chóng mặt. Một số người thấy rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa tại một nhà máy điện hạt nhân do Nga xâm lược, bức xạ sẽ đi theo gió đến vùng đất của họ. Một số người biết rằng nếu Nga thành công trong cuộc xâm lược lãnh thổ Ukraine, một người hàng xóm hung hãn nào đó cũng sẽ đến vùng đất của họ. Thế giới của chúng ta rộng lớn, nhưng tất cả chúng ta đều ở trong đó cùng nhau. Và đây là nguyên nhân chung của chúng ta – hòa bình,” Zelenskiy nói thêm.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 48 của các nhà lãnh đạo G7 đang diễn ra tại Nhật Bản. Những người tham gia xem xét các cách để bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả hậu quả của đại dịch coronavirus và sự gây hấn của Nga đối với Ukraine.

Boris Bondarev, cựu nhà ngoại giao Nga tại phái bộ Liên Hiệp Quốc của Mạc Tư Khoa ở Geneva, nói rằng không nên đàm phán với Putin vì không thể đàm phán và làm như thế sẽ mang lại cho ông ta một tư cách chính danh.

Sau tất cả các tội ác mà Putin và bọn đồng phạm đã gây ra, nhà nước Nga hiện nay không hề muốn hòa bình. Họ không còn cách nào khác ngoài quyết tâm duy trì chiến tranh bằng mọi giá. Thành ra, đàm phán với Putin là điều không thể.

“Putin đã bị nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh; chúng ta đã có lệnh bắt giữ này,” Bondarev nói, đề cập đến biện pháp của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC. “Bước quan trọng là các nước phương Tây sẽ tuyên bố Putin là bất hợp pháp, phủ nhận rằng ông ấy không phải là một tổng thống hợp pháp, không có tư cách điều hành đất nước này.”

“Như thế, đó có thể là lời tuyên bố rằng Putin là trở ngại duy nhất cho hòa bình – nền hòa bình thực sự – vì vậy ông ta phải bị loại bỏ, bằng cách này hay cách khác,” Bondarev, người đã từ chức tại phái bộ Liên Hiệp Quốc của Nga ở Geneva vào tháng 5 năm 2022, để phản đối cuộc xâm lược, đã đưa ra lập trường trên.