1. Giao tranh ác liệt ở ngoại ô Bakhmut. Trực thăng yểm trợ cho quân Nga bị bắn rớt

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 24 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các lực lượng Nga đang tập trung nỗ lực chính vào các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Maryinka, là những nơi đã diễn ra 26 cuộc giao tranh trong 24 giờ qua.

Thứ trưởng Hanna Maliar đặc biệt lưu ý rằng, trong ngày qua, quân Nga đã pháo kích tàn bạo vào khu vực Zaporizhzhia đến 102 lần. 23 khu định cư ở vùng Zaporizhzhia đã bị ảnh hưởng.

“Đối phương đã tiến hành 102 cuộc tấn công trong ngày qua: ba cuộc không kích, bảy cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và 92 cuộc tấn công bằng pháo,” cô nói.

23 khu định cư đã bị đối phương tấn công thuộc về các quận Polohy và Vasylivka, tiêu biểu như Huliaipole, Orikhiv, Mala Tokmachka, Charivne, Stepove, Zaliznychne, và những nơi khác.

Đáp lại, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh trúng 3 sở chỉ huy quân xâm lược, 4 cụm vũ khí và khí tài quân sự, một kho đạn dược, 2 đơn vị pháo binh đang ở vị trí khai hỏa và 3 mục tiêu quan trọng khác.

Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành 15 cuộc tấn công vào các khu vực có binh sĩ và thiết bị quân sự của đối phương, trong đó có 3 cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Trong 24 giờ qua, 400 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3 xe tăng, 5 xe thiết giáp, 21 hệ thống pháo, 5 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Đặc biệt, một máy bay trực thăng yểm trợ cho quân Nga rút lui ở vùng ngoại ô thành phố Bakhmut đã bị bắn rơi.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 24 Tháng Năm, 204.760 quân Nga tại Ukraine đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.792 xe tăng, 7.424 xe thiết giáp, 3.339 hệ thống pháo, 570 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 327 hệ thống phòng không, 309 máy bay, 296 máy bay trực thăng, 2.871 máy bay không người lái, 1.015 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.146 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 440 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Việc chuyển giao F-16 cho Ukraine sẽ được thảo luận tại cuộc họp định dạng Ramstein tiếp theo

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Tướng Patrick Ryder cho biết, một cuộc họp định dạng Ramstein khác sẽ được dành cho việc tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, cung cấp đạn dược, cũng như thảo luận về việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16.

“Tại nhóm liên lạc này, giống như những nhóm khác, tất cả sẽ bắt đầu với việc Ukraine cung cấp thông tin tổng quan về tình hình an ninh hiện tại ở đó và nhu cầu cấp thiết nhất của họ là gì. Và vì vậy tôi hy vọng rằng hệ thống phòng không trên mặt đất sẽ tiếp tục là chủ đề thảo luận ưu tiên, cũng như đạn dược để bảo đảm, một lần nữa, rằng – họ có thể duy trì cuộc chiến. Và sau đó cũng sẽ có một cuộc thảo luận về huấn luyện F-16,” ông nói.

Ông cũng lưu ý rằng việc đào tạo phi công Ukraine sẽ diễn ra bên ngoài Ukraine, tại các địa điểm ở Âu Châu. Chúng tôi sẽ thảo luận “về thời điểm khóa đào tạo sẽ bắt đầu, những máy bay phản lực đó sẽ được cung cấp như thế nào, ai sẽ cung cấp chúng.”

3. Nga di tản dân thường ở Belgorod sau các cuộc tấn công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Evacuates Its Civilians in Belgorod After Attacks”, nghĩa là “Nga di tản dân thường ở Belgorod sau các cuộc tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Chín ngôi làng ở vùng Belgorod của Nga đã được di tản sau một loạt vụ tấn công hôm thứ Hai, và thống đốc cảnh báo những thường dân chạy trốn rằng chưa an toàn để quay trở lại.

“Việc làm sạch lãnh thổ của Bộ Quốc phòng cùng với các cơ quan thực thi pháp luật vẫn tiếp tục. Chúng tôi sẽ ngay lập tức thông báo cho cư dân và tôi sẽ công bố trên mạng xã hội của mình khi an toàn để quay trở lại,” Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết như trên.

Belgorod đã trải qua các cuộc xung đột ngắn kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine, nhưng các cuộc giao tranh gần đây trong khu vực được coi là một trong những cuộc giao tranh lớn nhất trong 15 tháng chiến tranh. Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết lực lượng an ninh Nga đã đụng độ với quân nổi dậy ở ít nhất ba địa điểm trong khu vực Belgorod bắt đầu từ thứ Sáu trước khi leo thang vào thứ Hai.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng chính quyền đã giết hơn 70 người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine được cho là đã vượt biên vào khu vực của Nga, nhưng Newsweek không thể xác minh độc lập thông tin này. Kyiv đã phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công và hai nhóm người Nga đã nói rằng họ chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công này và xác định là những người bất đồng chính kiến Nga.

Theo hãng tin AP, hãng tin RBK của Nga đưa tin rằng thị trấn Graivoron của Belgorod đã hứng chịu “đạn pháo dữ dội” vào đầu ngày thứ Hai, trong khi Kozinka gần đó bị tấn công bằng súng cối và hỏa tiễn sau đó. Theo AP, quân nổi dậy đi trên 10 xe thiết giáp và quân số không được tiết lộ đã được cho là chịu trách nhiệm về các vụ tấn công.

Gladkov sau đó cho biết một phụ nữ lớn tuổi từ Kozinka đã chết trong quá trình di tản, trong khi hàng chục dân thường được cho là bị thương trong các cuộc tấn công.

Theo Gladkov, các ngôi nhà và tòa nhà chính phủ đã bị máy bay không người lái tấn công trong cuộc giao tranh ở Belgorod, nơi được coi là trung tâm quân sự của lực lượng Putin.

Hai nhóm chống chính phủ Nga đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công—Quân đoàn tình nguyện Nga và Quân đoàn Tự do cho nước Nga—đã tuyên bố rằng họ đang chiến đấu bên phía Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết Kyiv tin rằng những người bất đồng chính kiến Nga đứng sau các cuộc tấn công.

“Đây là những người Nga yêu nước muốn thay đổi chế độ chính trị trong nước,” Maliar nói trên kênh truyền hình Ukraine.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov suy luận mà không có bằng chứng rằng những kẻ tấn công đến từ Ukraine.

“Tàn quân của những người theo chủ nghĩa dân tộc đã bị đẩy lùi về lãnh thổ Ukraine, nơi họ tiếp tục bị tấn công bằng hỏa lực cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn,” Konashenkov nói, theo hãng truyền thông nhà nước Nga Tass. “Hơn 70 phần tử khủng bố Ukraine, 4 phương tiện chiến đấu bọc thép và 5 xe bán tải đã bị tiêu diệt.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Nghiên cứu đáng tin cậy của các nhà báo độc lập Nga cho thấy rằng từ Tháng Giêng đến tháng 5 năm 2023, các tòa án quân sự Nga đã giải quyết 1.053 trường hợp binh sĩ vắng mặt không phép – nhiều hơn cả năm 2022.

Quân đội Nga đã đấu tranh để thực thi kỷ luật trong hàng ngũ của mình trong suốt các hoạt động ở Ukraine, nhưng các vấn đề của họ rất có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi buộc phải huy động lực lượng dự bị kể từ tháng 10 năm 2022.

Dữ liệu của tòa án cho thấy rằng hầu hết những người bị kết tội tự ý vắng mặt hiện đang bị trừng phạt bằng án treo, nghĩa là họ có thể được triển khai lại cho 'chiến dịch quân sự đặc biệt'.

Những nỗ lực của Nga nhằm cải thiện kỷ luật tập trung vào việc trừng phạt làm gương những binh lính bị kỷ luật và thúc đẩy lòng nhiệt thành yêu nước, thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến binh lính vỡ mộng.

5. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ đánh giá rằng Nhóm Wagner 'kiệt sức' không có khả năng chiến đấu ngoài Bakhmut

Lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner khó có thể tiếp tục chiến đấu bên ngoài Bakhmut theo một đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, được đưa ra trong bối cảnh các báo cáo gây tranh cãi về việc liệu thành phố đã bị chiếm giữ hay chưa.

Lãnh đạo của Wagner, Yevgeny Prigozhin, hôm thứ Bảy cho biết lực lượng của ông ta đã chiếm thành phố Bakhmut trong một tuyên bố bị lực lượng vũ trang Ukraine bác bỏ, và cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn. Kyiv thừa nhận phần lớn quân đội đang ở ngoại ô thành phố.

Hôm thứ Hai, lực lượng vũ trang Ukraine nói rằng “đối phương tiếp tục dẫn đầu các hành động tấn công” và rằng “cuộc chiến giành thành phố Bakhmut vẫn tiếp tục.” Kyiv trước đây đã nói rằng việc nắm giữ thành phố của họ đã bị giảm xuống một phần nhỏ ở phía tây nam Bakhmut xung quanh đường cao tốc TO504.

Nhóm lính đánh thuê Wagner có thể đã bảo vệ biên giới hành chính phía tây của thành phố trong khi các lực lượng Ukraine đang ưu tiên phản công ở vùng ngoại ô, tổ chức tư vấn cho biết trong bản cập nhật hôm Chúa Nhật.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa có thể sẽ cần thêm quân tiếp viện để giữ thành phố và các sườn của nó “với cái giá phải trả là các hoạt động ở các hướng khác”.

ISW nói rằng sau nhiều tháng chiến đấu trong đô thị, lực lượng Wagner đã gần đạt đến đỉnh điểm— là thời điểm mà họ không thể tiến xa hơn nữa—và “không chắc” rằng Wagner có thể tiếp tục chiến đấu bên ngoài thành phố “ở tình trạng cạn kiệt hiện tại.”

Lực lượng Wagner có lẽ đã gần đến đỉnh điểm khi họ chiến đấu trong thành phố nhưng vẫn có thể tiếp tục cuộc chiến nhờ sự hỗ trợ từ các lực lượng chính quy của Nga, ISW cho biết.

Blogger quân sự nổi tiếng và cựu chỉ huy Nga Igor Girkin nói rằng các lực lượng Nga đã “kiệt sức”, cũng như quân đội Wagner, những người mà ông nói đã dừng lại ở ngoại ô thành phố và “bò” đến biên giới của thành phố.

“Bây giờ chúng ta nên chờ đợi động thái quay trở lại từ đối phương,” anh ấy nói trong một bài đăng, trong đó anh ấy mô tả chiến thắng được tuyên bố là “Pyrrhic”, nghĩa là một chiến thắng mà tổn thất lớn đến mức cũng không khá gì hơn là thua, và “không xứng đáng với công sức và tiền bạc bỏ ra cho nó.”

Prigozhin đã nói rằng ông sẽ rút quân vào ngày 25 tháng 5, điều đó có nghĩa là các lực lượng thông thường của Nga sẽ “thậm chí khó có khả năng” theo đuổi các hoạt động tấn công, ISW cho biết.

“Hiện vẫn chưa rõ liệu Prigozhin có thực sự rút lực lượng của mình khỏi Bakhmut hay không,” tổ chức tư vấn cho biết, “nhưng một số blogger đang suy đoán rằng Prigozhin sẽ đưa Wagner vào một chiến tuyến 'quan trọng' khác vào cuối tháng.”

Newsweek đã gửi email cho dịch vụ báo chí của Wagner để bình luận.

6. Các nước Liên minh Âu Châu đã cung cấp 220.000 quả đạn pháo cho Ukraine

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu cho biết các nước thuộc Liên minh Âu Châu đã cung cấp 220.000 quả đạn pháo cho Ukraine theo một kế hoạch mang tính bước ngoặt được đưa ra cách đây hai tháng nhằm tăng cường cung cấp đạn dược cho Kyiv để giúp chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Theo Josep Borrell, các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu cũng đã cung cấp 1.300 hỏa tiễn theo kế hoạch và đang trên đà đạt được mục tiêu cung cấp 1 triệu viên đạn trong vòng một năm, mặc dù một số quốc gia Liên Hiệp Âu Châu đã tránh xác nhận mục tiêu đó là khả thi. Ông đã nói với các phóng viên:

Những ngày, tuần và tháng tới sẽ mang tính quyết định chiến lược trong cuộc chiến ở Ukraine.

Các chính phủ Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý kế hoạch đạn dược vào tháng 3 sau khi Kyiv cảnh báo rằng họ đang rất cần đạn pháo khi cuộc xâm lược của Nga trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao dữ dội, với hàng nghìn quả đạn được bắn ra mỗi ngày.

7. Ukraine cần bao nhiêu chiếc F-16 để thắng cuộc chiến? Không nhiều như bạn nghĩ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Many F-16s Does Ukraine Need To Win The War? Not as Many as You Think”, nghĩa là “Ukraine cần bao nhiêu chiếc F-16 để thắng cuộc chiến? Không nhiều như bạn nghĩ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Ukraine có thể chỉ cần vài chục máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất, phù hợp với con số phi công được đào tạo để vận hành chúng, để tạo ra sự khác biệt quyết định trong cuộc chiến trên không ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, các chuyên gia nói với Newsweek.

Ukraine từ lâu đã kêu gọi các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất, đây sẽ là sự nâng cấp đáng kể so với kho máy bay thời Liên Xô như MiG-29 và Su-27. Một số quốc gia, chẳng hạn như Ba Lan và Slovakia, đã tặng một số MiG-29 cho Ukraine, nhưng các chuyên gia gọi việc chuyển giao các máy bay MiG chỉ là sự tăng cường năng lực không quân của Ukraine, thay vì thay đổi cuộc chơi.

Chưa có quốc gia nào thực hiện bước nhảy vọt trong việc cung cấp những chiếc F-16 một động cơ, đa chức năng, mà các nhà phân tích cho rằng đây là lựa chọn máy bay khả dĩ nhất so với các lựa chọn khác, chẳng hạn như Gripen của Thụy Điển hoặc Rafale của Pháp. F-16 được nhiều lực lượng không quân phương Tây sử dụng, đó là một lý do khiến các chuyên gia cho rằng đây là lựa chọn tốt hơn so với các máy bay chiến đấu tương đương khác.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Kyiv đang tiến gần hơn đến mục tiêu của mình khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gia tăng những lời kêu gọi của ông về một “liên minh máy bay chiến đấu”.

Vào Tháng Giêng, Kyiv cho biết họ sẽ cần khoảng 200 chiếc F-16 để bảo vệ bầu trời của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia gợi ý rằng Ukraine có thể không cần nhiều như họ đã yêu cầu để tăng cường sức mạnh không quân của mình một cách có ý nghĩa.

“Với sự chênh lệch giữa các phi đội máy bay hiện tại, bất kỳ chiếc F-16 nào cũng sẽ tạo ra sự khác biệt,” theo Thiếu tướng Không quân đã nghỉ hưu Andrew Curtis. “Tuy nhiên, để mang tính quyết định, người Ukraine sẽ cần hàng chục chiếc F-16 hoạt động thành thạo”, cựu sĩ quan cấp cao của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh nói với Newsweek, đồng thời cho biết thêm điều này có vẻ khó xảy ra trong năm nay.

Mặc dù các tính toán xoay quanh việc có bao nhiêu phi công Ukraine được đào tạo có thể bay trên bầu trời, nhưng nếu Ukraine có từ 24 đến 30 chiếc F-16 thôi cũng sẽ “tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với năng lực của Ukraine”, David Jordan, đồng giám đốc Viện Hàng không và Vũ trụ Freeman tại King's College London nói với Newsweek.

Hai chục máy bay “có thể không giúp họ chiến thắng trong cuộc chiến trên không”, nhưng chúng sẽ mang lại cho Kyiv lợi thế trước lực lượng Nga nếu các phi công của Mạc Tư Khoa “thể hiện trình độ kỹ năng bay, chiến đấu và lập kế hoạch thấp hơn” như chúng ta thấy hiện nay.

Ukraine có khả năng cần tới 100 chiếc F-16, nhưng “chắc chắn phải có tới 60 chiếc để bắt đầu”, cựu Chỉ huy cấp cao của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh và Nguyên soái Không quân Greg Bagwell nói với Newsweek.

Tuy nhiên, lực lượng không quân của Kyiv sẽ cần nhiều máy bay hơn mức có thể chủ động bay cùng một lúc, các chuyên gia nhấn mạnh. Các máy bay chiến đấu không thể hoạt động liên tục mà không được bảo dưỡng, và việc Ukraine có thể sử dụng F-16 chủ yếu phụ thuộc vào số lượng phi công hiện có và mức độ đào tạo mà họ đã nhận được.

Cựu sĩ quan quân đội Anh Frank Ledwidge nói với Newsweek rằng các phi công Ukraine có thể lái máy bay F-16 trong vòng vài tháng, nhưng quân đội Kyiv sẽ mất nhiều thời gian hơn để tối đa hóa tác động mà bất kỳ nền tảng mới nào của phương Tây có thể có.

Tòa Bạch Ốc cho biết họ sẽ không chặn việc xuất khẩu F-16 của các nước Âu Châu hỗ trợ Ukraine, CNN đưa tin hôm thứ Sáu. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sau đó đã xác nhận trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima rằng Washington đang “khởi động một số nỗ lực mới chung với các đối tác của chúng tôi để đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-16”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và nhà lãnh đạo Hà Lan Mark Rutte đã đồng ý “xây dựng một liên minh quốc tế để cung cấp cho Ukraine khả năng chiến đấu trên không, hỗ trợ mọi thứ từ đào tạo đến mua máy bay phản lực F-16”, một phát ngôn viên của Phố Downing cho biết hồi đầu tháng 5.

Hôm thứ Bảy, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói rằng khi khóa huấn luyện diễn ra “trong những tháng tới, chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình để xác định thời điểm máy bay sẽ được chuyển giao, ai sẽ giao và số lượng chúng”.

Các báo cáo mới nổi hôm thứ Ba, trích dẫn nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Âu Châu, Josep Borrell, cho biết “việc đào tạo phi công cho F-16 đã bắt đầu ở một số quốc gia”, bao gồm cả Ba Lan. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ba Lan để xin bình luận qua email.

Nếu Kyiv nhận được máy bay phản lực do Mỹ sản xuất, họ “không có khả năng mạo hiểm với F-16 trong các hoạt động phản công hoặc tấn công, ít nhất là trong trường hợp đầu tiên,” Curtis nói. Ông nói thêm, chúng có thể được sử dụng để tăng cường khả năng hỏa tiễn đất đối không hiện có của Ukraine và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của đất nước khỏi các cuộc tấn công có chủ đích.

Các chuyên gia cho biết có một số phiên bản F-16 và Ukraine có thể sẽ nhận được một mẫu cũ hơn. Tuy nhiên, điều này có thể đi kèm với vũ khí tầm xa hơn, tiên tiến hơn, có thể bao gồm hỏa tiễn không đối không tầm trung AIM-120 hoặc hỏa tiễn chống bức xạ không đối đất AGM-88 HARM.

Bagwell cho biết thêm, có thể có sự đánh giá lại về số lượng F-16 mà Ukraine có thể nhận được sau khi các đợt chuyển giao đầu tiên được giao.

Các chuyên gia cho rằng, việc cung cấp F-16 sẽ đánh dấu cam kết lâu dài hơn trong việc trang bị cho các lực lượng vũ trang của Ukraine so với các gói viện trợ quân sự trước đây.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã đáp trả khả năng Ukraine nhận F-16 vào thứ Bảy, nói rằng điều này sẽ mang đến “rủi ro to lớn” cho các nước phương Tây có liên quan, theo truyền thông nhà nước Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận qua email.

8. Đại sứ quán Nga tại Na Uy đã chỉ trích chuyến thăm dự kiến của một hàng không mẫu hạm Mỹ tới Oslo là một hành động phô trương vũ lực “phi lý và có hại”.

Hàng không mẫu hạm USS Gerald R Ford dài 337 mét dự kiến cập cảng thủ đô Na Uy trong tuần này. Phát ngôn nhân Đại sứ quán Nga Timur Chekanov đã phản ứng trước diễn biến này.

Ông ta nói: “Không có vấn đề nào ở miền Bắc đòi hỏi một giải pháp quân sự, cũng như không có vấn đề nào cần sự can thiệp từ bên ngoài. Xét rằng Oslo thừa nhận rằng Nga không gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp nào đối với Na Uy, những màn phô trương vũ lực như vậy có vẻ phi lý và có hại.”

Hàng không mẫu hạm hạng nhất là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân với khả năng chuyên chở lên đến hơn 100.000 tấn.

Hải quân Hoa Kỳ đã thông báo vào đầu tháng 5 rằng con tàu đã rời Norfolk trong “lần triển khai chiến đấu đầu tiên”, sau đợt triển khai ngắn hơn hai tháng vào mùa thu năm 2022. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram nói với hãng tin NTB:

Việc một hàng không mẫu hạm mới hiện đang thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới vùng biển Na Uy là rất tích cực cho sự hợp tác của chúng tôi với người Mỹ.

Mối quan hệ giữa thành viên NATO là Na Uy và Nga - quốc gia Scandinavia có chung đường biên giới - đã xấu đi nghiêm trọng sau cuộc xâm lược Ukraine.

9. Reuters báo cáo rằng cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nói với hãng thông tấn nhà nước RIA rằng, vũ khí mà Ukraine nhận được từ những người ủng hộ phương Tây càng có sức tàn phá lớn thì nguy cơ “ngày tận thế hạt nhân” càng cao.

RIA dẫn lời Medvedev, nói rằng việc Kyiv phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công vũ trang ở khu vực biên giới Belgorod của Nga là “dối trá”.

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân.

10. Tòa Bạch Ốc yêu cầu trả tự do tức khắc cho phóng viên Mỹ bị giam ở Nga

Tòa Bạch Ốc nhắc lại rằng nhà báo Mỹ Evan Gershkovich “không nên bị giam giữ chút nào” sau thông tin nhà báo Wall Street Journal bị giam giữ trước khi xét xử ở Nga đã được gia hạn thêm ba tháng.

John Kirby của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói rằng ông biết tin tức về sự gia hạn giam giữ đó “Tôi không biết liệu Tòa Bạch Ốc có phản ứng chính thức về việc này hay không ngoại trừ việc nói rằng ông ấy nên không bị giam giữ gì cả.”

“Làm báo không có tội. Chúng tôi đã nói điều này trước đây. Anh ta cần được thả ra ngay lập tức. Đó vẫn là quan điểm của Tổng thống Biden. Đó vẫn là quan điểm của chính quyền. Và chúng tôi vẫn đang làm việc rất, rất chăm chỉ để xem liệu chúng tôi có thể đưa anh ấy về nhà với gia đình nơi anh ấy thuộc về hay không. Anh ấy không nên bị giam giữ, chắc chắn việc gia hạn giam giữ này là vô lý”, Tướng Kirby nói.

Bộ Ngoại giao kêu gọi Nga ngay lập tức thả anh ta và người Mỹ bị giam giữ khác, Paul Whelan. Phát ngôn nhân Matthew Miller gọi những cáo buộc chống lại Gershkovich là vô căn cứ.

Kirby cho biết Hoa Kỳ muốn tiếp cận lãnh sự với Gershkovich, mà người Nga đã từ chối hai yêu cầu trong tháng này. Ông nói những chuyến thăm này rất quan trọng để nói chuyện trực tiếp với Gershkovich và xem anh ấy thế nào.

“Thật khó để biết chính xác lý do tại sao họ từ chối nó. Đó có thể chỉ là ác cảm — bạn biết đấy, ác cảm với Hoa Kỳ, ác cảm với báo chí tự do, hoặc có thể có một lý do pháp lý nào đó mà họ đang cố gắng gán ghép,” Kirby nói.

Miller cũng thừa nhận rằng cha mẹ của Gershkovich đã có mặt ở Mạc Tư Khoa, nhưng cho biết Mỹ không giúp họ đến Nga vì Bộ Ngoại giao đang khuyến cáo công dân Mỹ không nên đến nước này.

Miller nói: “Cá nhân tôi chỉ có thể tưởng tượng việc nhìn thấy con mình bị giam giữ ở nước ngoài khó khăn như thế nào, đặc biệt là bị giam giữ một cách sai trái, và vì vậy tôi chắc chắn sẽ không chỉ trích bất kỳ phụ huynh nào muốn gặp con mình.