1. Thêm một linh mục bị bắt cóc tại Nigeria

Một linh mục tại Nigeria lại bị bắt cóc vào ngày 19 tháng Năm vừa qua, và thuộc một chuỗi dài các linh mục nạn nhân của nạn bắt cóc từ lâu nay tại nước này.

Nạn nhân là cha Jude Kingsley Maduka, chánh sở giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Ezinachi-Ugwaku, thuộc bang Imo ở miền đông nam Nigeria. Theo cha Iwuanyanwu, Chưởng ấn Giáo phận Okigwe sở tại, cha Maduka bị bắt cóc trong khi viếng thăm nhà nguyện mới được xây cất ở làng Ogii.

Trước đó bốn ngày, một linh mục khác cũng thuộc Giáo phận Okigwe đã bị bắt cóc, đó là cha Michael Ifeanyi Asomugha, cha sở giáo xứ thánh Phaolô ở Osu. Cha bị bắt cóc trên đường trở về nhà, sau khi tham dự một lễ truyền chức phó tế. Bọn bắt cóc đã đặt một tảng đá lớn trên đường để chặn xe của vị linh mục. Khi xuống xe để đẩy tảng đá thì cha bị bọn cướp tấn công và bắt đi. Em của cha lái xe đã tẩu thoát được và báo động. Cha Michael chỉ được trả tự do sau đó vài ngày, nhờ sự quan tâm của gia đình. Việc chặn đường bằng những chướng ngại vật là phương pháp bọn bắt cóc thường sử dụng.

Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng đưa tin trên đây, đồng thời còn thuật lại nhiều vụ bắt cóc khác, không những các linh mục nhưng cả các nữ tu cũng là nạn nhân. Tệ nạn bắt cóc người để đòi tiền chuộc mạng ngày càng thịnh hành tại Nigeria. Ngoài các băng đảng cướp, người ta cũng tố cáo những người Fulani chuyên chăn nuôi súc vật cũng nhúng tay vào các hoạt động tội phạm này. Chúng di chuyển tự do, tránh sự kiểm soát của nhà chức trách, khiến người ta nghi ngờ có sự đồng lõa của các quan chức chính quyền địa phương.

2. Belarus, Vatican thảo luận về khủng hoảng Ukraine

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Sergei Aleinik đã gặp Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa thánh Ante Jozic vào ngày 22 tháng 5, cơ quan truyền thông BelTA của nhà nước Belarus đã cho biết như trên.

Các bên đã thảo luận về sự hợp tác giữa Belarus và Tòa thánh. Đặc biệt chú ý đến cuộc đối thoại liên tôn.

Các bên cũng trao đổi quan điểm về tình hình trong khu vực, bao gồm cả những nỗ lực nhằm nối lại đối thoại về những cách khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các bên khẳng định sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực trên nhiều lĩnh vực và đối thoại cởi mở, tôn trọng lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm.


Source:Belta

3. Báo chí Á Căn Đình: Tòa Thánh bắt đầu chuẩn bị chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại quê hương

Nhật báo Clarin ở Buenos Aires đưa tin: Tòa Thánh bắt đầu âm thầm nghiên cứu và chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quê hương Á Căn Đình vào năm tới, trên nguyên tắc vào những tháng đầu năm tới. Ngoài chuyến đi Á Căn Đình, Đức Thánh Cha cũng sẽ viếng thăm Uruguay và miền nam Brazil, có thể là tại thành phố Sao Paulo và Đền thánh Đức Mẹ Aparecida.

Báo Clarín nói rằng nguồn tin từ Giáo triều Roma xác nhận tiến trình chuẩn bị này bắt đầu tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh và công bố ngày giờ cũng như các chi tiết khác trước cuối năm nay.

Hồi tháng Ba năm nay, trong vài cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài muốn về thăm Á Căn Đình, nhân dịp kỷ niệm mười năm Giáo hoàng. Từ đó, tiến trình nghiên cứu và chuẩn bị được khởi động. Ngài tiết lộ là đã có dự án thăm Á Căn Đình vào cuối năm 2017, theo lộ trình giống như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm hồi năm 1987, nghĩa là thăm cả Chile và Uruguay trong hành trình tông du, nhưng rồi dự án này không thành, vì tháng Mười Hai năm 2017 có cuộc bầu cử tại Á Căn Đình. Các vị Giáo hoàng không viếng thăm các nước đang ở trong tiến trình bầu cử. Tháng Giêng thì không thích hợp, vì đó là tháng nghỉ hè ở Á Căn Đình. Vì thế, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Chile và Peru trong năm 2017.

Trong những năm gần đây, Phủ Quốc vụ khanh khuyên Đức Thánh Cha không nên đến Á Căn Đình, vì có thể bị coi là ủng hộ chế độ đảng trung tả của Tổng thống Nestor Kirchner (2003-2007) và sau đó của bà Cristina Kirchner (2007-2015), và tất cả những gì ngài nói hay không nói đều có thể là nguyên cớ gây ra tranh luận, trong khi Đức Thánh Cha muốn góp phần hiệp nhất những người đồng hương.