Một nghiên cứu mới khẳng định rằng bằng cách nhấn mạnh chủ đề về hôn nhân và gia đình trong 13 chuyến viếng thăm khu vực này từ năm 1979 đến năm 1996, Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị đã góp phần thúc đẩy tỷ lệ sinh trên khắp Mỹ Châu Latinh, dẫn đến việc có thêm một phần tư triệu ca sinh nở.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Notre Dame phát hiện ra rằng mặc dù mục đích trực tiếp của chuyến đi của Đức cố Giáo Hoàng không phải là tăng tỷ lệ sinh sản, nhưng thông điệp của ngài vẫn củng cố các chuẩn mực văn hóa hiện có ở Mỹ Latinh, gây ra sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê trong tỷ lệ sinh tại 16 quốc gia mà ngài đến thăm.
Lakshmi Iyer, giáo sư kinh tế tại Notre Dame, cho biết: “Những kết quả này cho thấy mọi người thực sự lắng nghe những gì Đức Giáo Hoàng muốn nói”. “Và các chủ đề mà ngài đề cập thực sự quan trọng”.
Điều quan trọng là, kết quả cũng cho thấy rằng Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị không chỉ rao giảng cho các tín hữu trong những chuyến viếng thăm này, mà tác động có thể đo lường được của những lời dạy của ngài thực sự lớn nhất ở những gia cư không theo Công Giáo, giàu có và có trình độ học vấn cao. Những tác động cũng lớn hơn ở những quốc gia thế tục hóa gần đây hơn.
Một bài báo mới thể hiện những phát hiện này, có tựa đề “Tôn giáo và nhân khẩu học: Ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng đến khả năng sinh sản”, lập luận rằng ngoài những lý do kinh tế và văn hóa thông thường được đưa ra cho tỷ lệ sinh giảm trên toàn thế giới kể từ những năm 1950, các chuẩn mực xã hội và cụ thể là các giá trị tôn giáo cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
Tuyên bố rằng sự lãnh đạo tôn giáo có thể có tác động đáng kể đến tỷ lệ sinh không phải là mới. Để trích dẫn một trường hợp nổi tiếng, vào năm 2008, Thượng phụ Ilia Đệ Nhị đã đề nghị đích thân làm lễ rửa tội cho đứa con thứ ba và những đứa con tiếp theo của tất cả các cặp kết hôn trong nhà thờ. Kể từ đó, ngài đã chủ trì một loạt lễ rửa tội hàng năm giúp nâng tỷ lệ sinh của Georgia từ dưới mức thay thế lên đến 2,1 trẻ em trên một phụ nữ, có nghĩa là đất nước này hiện đang tăng dân số.
Nghiên cứu mới của Notre Dame là một trong những nghiên cứu đầu tiên đưa ra mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng và tỷ lệ sinh. Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy kết quả trái chiều, với một nghiên cứu năm 2017 tuyên bố rằng các biện pháp tránh thai đã giảm nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 dẫn đến sự gia tăng ngắn hạn về khả năng sinh sản, trong khi một nghiên cứu năm 2020 về Ý phát hiện ra rằng thông điệp của Đức Giáo Hoàng về gia đình đã làm giảm phá thai nhưng không có tác động đến khả năng sinh sản, mà chỉ cho thấy có sự chuyển dịch từ phá thai sang các biện pháp tránh thai.
Từ năm 1979 đến năm 1996, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đi khắp Mỹ Châu Latinh trong 16 chuyến đi, nhiều lần tuyên bố đây là “Lục địa của Hy vọng”. Nghiên cứu của Notre Dame phát hiện ra rằng trong vòng hai đến năm năm sau mỗi chuyến đi đó, có thêm 220.000 đến 251.000 ca sinh nở diễn ra tại 13 quốc gia được phân tích trong nghiên cứu.
Kết quả cho thấy thông điệp ủng gia đình của Đức Giáo Hoàng đã giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm đáng kể về tỷ lệ sinh trên toàn châu lục.
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng người Mỹ Latinh đã lắng nghe Đức Giáo Hoàng Ba Lan trên mọi phương diện, theo những cách khiến tỷ lệ sinh tăng hoặc giảm. Khi Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh việc ủng hộ hôn nhân và phản đối phá thai và biện pháp tránh thai, số ca sinh nở sau chuyến đi đã tăng lên. Tuy nhiên, khi ngài nhấn mạnh việc phản đối quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân, tỷ lệ sinh thực sự đã giảm.
Đối với Iyer, những phát hiện này là sự xác nhận rằng nhân khẩu học không hoàn toàn giống với thời tiết, nghĩa là một sức mạnh của thiên nhiên mà về cơ bản nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Thay vào đó, nó là sản phẩm của các quyết định cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi sự lãnh đạo đầy cảm hứng.
“Người đưa tin là ai là điều quan trọng,” Iyer nói. “Cần phải là người có thể củng cố những gì quan trọng đối với văn hóa. Bạn có thể thay đổi các chuẩn mực xã hội bằng cách để một nhà lãnh đạo chủ chốt nhắc nhở mọi người về những gì được coi là hành vi tốt và có thể chấp nhận được trong xã hội cụ thể đó.”
Mười ba quốc gia được nghiên cứu trong nghiên cứu này là Bolivia, Brazil, Colombia, Cộng hòa Dominica, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Haiti, Mexico, Nicaragua, Paraguay, Peru và Trinidad và Tobago, và các phát hiện chỉ ra sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê trong tỷ lệ sinh sản trong vòng hai đến năm năm sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng ở hầu hết các quốc gia, với tác động ròng là lớn nhất ở El Salvador.
Source:Crux