Ngày 24-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chết ?
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:36 24/03/2023

CHẾT?
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Là người như bao nhiêu người, Chúa Giêsu cũng xót thương, cũng rung động trước nỗi mất mát của người thân, bạn hữu. Chúa thật sự xót thương, thật sự rung động trước cái chết của chàng trai Lazarô, bạn của Chúa.

Nhưng điều Tin Mừng muốn nói không chỉ ở việc Chúa xúc động. Vượt trên cái chết rất đỗi bình thường của Lazarô, là khẳng định quá phi thường của Chúa Giêsu: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”.

Có chắc là tin Chúa, chúng ta “không chết bao giờ”, bởi thực tế không ai là không chết? Biết bao nhiêu lần trong đời, chứng kiến cái chết của người thân, lòng ta se thắt lại?

Thực tế, chết là đau xót, là chia cắt, là mất mát. Lứa tuổi cao niên, chết vẫn thấy đời người dang dở, đang xuân thì mà chết thì còn dang dở biết bao nhiêu! Dù ta muốn làm điều gì đó để cứu người thân, thì đứng trước sự tấn công tàn bạo của cái chết, ta hoàn toàn bất lực, hoàn toàn vô vọng?

Cái chết của Lazarô, kẻ được gọi là “người Thầy yêu”, không chỉ làm hai chị của anh và những người quen biết khóc thương, mà còn khiến Chúa Giêsu, dù biết rằng sẽ cho anh sống lại, cũng “thổn thức và xúc động”. Điều đó càng làm nổi bật cái bi, cái khổ của nỗi chết.
Nếu chỉ suy nghĩ như thế thôi, lời của Chúa Giêsu: “Ai tin Ta…”, đúng là không xác đáng.

Nhưng không! Lời ấy phải được suy niệm bằng đức tin, vì là lời của ĐỨC TIN. Chúa không hề bảo rằng: “Ai suy nghĩ về Ta…”, mà lại nói rằng: “Ai tin Ta…”.

Điều quan trọng không nằm ở chỗ biết suy nghĩ, nhưng quan trọng là suy nghĩ trong đức tin.

Chỉ trong đức tin, ta mới có thể nhận ra, lời Chúa là lời ban niềm hy vọng. Đó là một hy vọng mãnh liệt vào sự sống phía sau cái chết, một sự sống “không chết bao giờ”.

Không ai sinh ra là để sống ở trần gian đời đời, nhưng sinh ra để rồi chết. Nếu không có đức tin, không mảy may biết một chút gì đến sự sống đời sau, cuộc đời thật bi đát.

Bởi cuộc sống trần gian như một chuyến đi. Ở cuối hành trình của cuộc đời mỗi người không phải danh vọng, địa vị, hưởng thụ, giàu sang, tiền rừng, bạc bể mà là cái chết. Chấm dứt tất cả.

Trong cái chết, con người ta cô đơn nhất. Dẫu có hai người sát cạnh nhau cùng chết, cũng khó có thể nói rằng: chết cùng, chết với. Mỗi người là một cái chết, rất tư riêng, không bao giờ hòa trộn, không bao giờ lẫn lộn.

Trong cái chết, con người ta trở thành nghèo nhất: bỏ lại tất cả, chỉ có hai bàn tay trắng. Rõ ràng bi đát, rất bi đát…

Nhưng người Kitô hữu có đức tin. Họ xác tín mạnh mẽ vào Đấng là Thiên Chúa đã làm người chia sẻ đến cùng kiếp sống con người của họ. Ngài đã chết thật, nhưng đã đi bước trước để dạy họ bài học của sự sống đàng sau cái chết: Ngài đã sống lại thật.

Sự sống đàng sau cái chết mới là sống thật, sống vĩnh cửu. Một sự sống không có sự chết. Đấng Phục Sinh ấy, hôm nay, trong Tin Mừng, đã nói một cách tường tận, thẳng thắn với bà Martha, cũng là nói với bạn và tôi: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”.

Tin vào Đấng tự mình phục sinh và hứa ban ơn phục sinh cho những ai tin, người Kitô hữu cảm nhận bình an giữa cõi tạm này. Đức tin giúp họ hiểu rằng, cái chết chỉ là sự biến đổi để trở về cùng Thiên Chúa.

Nhờ đức tin, chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc đời. Những cố gắng xây dựng cuộc đời sẽ cho ta hạnh phúc tương lai. Nếu hiểu như thế, cuộc đời không bi đát, nhưng đáng yêu.

Bạn và tôi có quyền hy vọng điều mà Chúa đã hứa: “Ai tin Ta sẽ không chết đời đời”!!

Đức tin là chìa khóa mở cửa cho niềm hy vọng của chúng ta.
 
Ngày 25/03: Hai Người Xin Vâng – Lễ Truyền Tin – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
03:14 24/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đó là lời Chúa
 
Chúa ban sự sống đời đời
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:34 24/03/2023

CHÚA BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Câu chuyện Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại từ cõi chết cho thấy: Chúa là sự sống lại và là sự sống đời đời. Loài người muốn sống thì hãy tin vào Chúa.

1. Sống. Sự sống vô cùng quý giá nên người ta bảo: Mạng sống hơn đống vàng. Ai cũng khao khát sống, sống lâu, sống khỏe. Người ta tìm mọi cách ăn uống, tập luyện, thuốc men để sống. Và Chúa Giêsu đã đến đem thần dược trường sinh bất tử khi Ngài công bố: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.” Thần dược đức tin.

2. Chết. Con người khao khát sống, thế nhưng ai cũng phải chết, không ai thoát được. Kể cả những người tin Chúa vẫn chết, thậm chí ngay cả chính Chúa Giêsu cũng đã chết. Vậy hiểu chuyện sống chết thế nào? Không chỉ sống chết thân xác, mà còn có sống chết tinh thần. Thế nên mới có những người còn sống mà như đã chết, bởi vì: Chết không phải đợi đến khi tắt thở, mà chết là ngay khi người ta vẫn còn thở nhưng tim đã ngừng tin yêu. Chết trong tội lỗi.

3. Sống lại. Chúa đã làm cho Ladarô sống lại. Chúa cũng đã sống lại từ cõi chết. Nhờ vậy, cái chết thân xác không phải là cánh cửa khép lại kết thúc đời người, mà lại là cánh cửa mở ra dẫn con người vào sự sống đời đời. Phận người không bị giới hạn vài chục năm sống nơi trần thế, mà trở thành vô biên trong sự sống vĩnh cửu. Điều cốt lõi là phải tin vào Chúa Giêsu - Đấng là sự sống lại và là sự sống.

Có lời kinh Mân Côi quen thuộc: “Ðức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.” Xin Chúa ban Thần Khí sự sống giúp chúng ta ra khỏi những nấm mồ của ích kỷ, lười biếng, thụ động, nguội lạnh… Xin Chúa tháo cởi các khăn vải là những đam mê tội lỗi đang quấn buộc cuộc đời chúng ta. Amen.
 
Lời đáp xin vâng mang lại sự sống đời đời
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
09:46 24/03/2023
Lời đáp xin vâng mang lại sự sống đời đời

(giảng lễ Truyền Tin)

CÂU CHUYỆN: ALPHA VÀ OMÊGA

Đến thăm Rôma, nếu được vào bên trong Vatican, du khách không thể bỏ qua một tác phẩm nghệ thuật mà người ta thường gọi là 'viên ngọc quý' của nghệ thuật thời văn nghệ phục hưng ở Âu Châu: Đó là nguyện đường SIXTINA bởi vì đã được xây cất và dâng tặng cho ĐGH Sixtô IV vào những thập niên cuối thế kỷ XV. Được gọi là “viên ngọc quý” của nền nghệ thuật văn nghệ phục hưng, bởi vì bốn bức tường và trần nhà là bộ tranh có nội dung Kinh Thánh, do các hoạ sĩ thời danh thực hiện. Nổi tiếng hơn cả là các bức tranh trên trần nhà do chính danh hoạ Michael Angelo thực hiện.

Trong suốt 7 năm ròng rã ngày đêm, Michel Angelo nằm trên những chiếc giàn gỗ, mắt nhìn lên trần, để vẽ lại những chương đầu trong sách Sáng Thế Ký. Thông thường, sau khi hoàn thành 1 tác phẩm, nhà nghệ sĩ nào cũng ký tên lên tác phẩm để tên tuổi của mình lưu truyền cho hậu thế. Thế nhưng, nhìn kỹ những bức tranh trên trần nhà nguyện Sixtina, không ai có thể tìm thấy bất cứ 1 dấu vết nào của danh hoạ M.Angelo. Thay vào đó, người ta chỉ đọc được 2 chữ ALPHA và OMEGA, nghĩa là Nguyên Thuỷ và Cùng Đích. Qua 2 chữ này, M.Angelo muốn dành tất cả danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng là Nguyên Thuỷ và là Cùng Đích của mọi sự. Tất cả cho Thiên Chúa. Tất cả vì Thiên Chúa!"

Mừng lễ Truyền tin hôm nay, cũng là ngày lễ khai mạc Tuần đền tạ của Giáo xứ Diệu Phúc chúng ta, chúng ta cùng với Đức Maria bước vào cuộc gặp gỡ sứ thần của Thiên Chúa để biết xin vâng trong cuộc đời trước những vui buồn sướng khổ kiếp nhân sinh. Mừng lễ Truyền Tin là nhớ lại mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa dành cho cả và nhân loại. Dẫu Adam và Eva, tổ tông chúng ta đã lỗi phạm, đã kiêu ngạo chống lại Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên mình, nhưng thay vì bị kết án chết, bị tiêu huỷ và sẽ khó lòng được cứu vãn, thì Thiên Chúa lại có phương cách để cứu độ, giải thoát con người chúng ta ngang qua việc chọn một người nữ. Ngang qua việc truyền tin của sứ thần Thiên Chúa, Đức Maria, Eva mới sẽ được thụ thai và sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Đức Giê-su Ki-tô.

Tuy nhiên, dẫu Thiên Chúa có cách để cứu độ hơn là giết chết, nhưng Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người, cụ thể cần sự đáp trả của Đức Maria. Thật sự mà nói, cả thế giới, hay nói rộng hơn muôn loài muôn vật đều ‘nín thở’ và ‘hồi hộp’ để chờ đợi lời thưa của Đức Maria. Quả thật, cả trời đời đều vui mừng khi nghe tiếng xin vâng được cất lên từ môi miệng của Đức Maria. Một lời xin vâng mang tính cứu độ. Một lời xin vâng cứu thoát muôn người. Vì nhờ lời xin vâng đó, Đức Maria sẽ mang Đấng cứu độ duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà muôn vật tạo thành và để cứu độ chúng ta. Một thôn nữ bình thường nay đã được truyền tin rằng sẽ là Mẹ Đấng Cứu Thế. Điều này Đức Maria không dám nghĩ, và có thể không bao giờ nghĩ tới, thế nhưng mà Thiên Chúa đã thương chọn lấy Mẹ và nhờ lời đáp xin vâng, Mẹ đã trở nên ‘vị đại ân nhân’ của nhân loại.

Ngang qua lời xin vâng của Đức Maria, chúng ta học được mẫu gương nào nơi Đức Maria để áp dụng vào đời sống của chúng ta?

Trước hết đó là lòng kính sợ Thiên Chúa

Thứ đến là sự khiêm nhường.

Lòng kính sợ Thiên Chúa.

Sách khôn ngoan nói: “Lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan" Lòng kính sợ Thiên Chúa nơi Đức Mẹ được biểu lộ ra trong nhiều trường hợp nhưng đặc biệt được biểu lộ ra một cách rõ rệt trong hai trường hợp này.

+ Trước hết vì lòng kính sợ Thiên Chúa cho nên Đức Mẹ không dám làm những gì mất lòng Người. Thí dụ như trong biến cố truyền tin hôm nay. Đức Mẹ chỉ chấp nhận lời đề nghị của sứ thần Grabriel khi biết chắc việc thụ thai là do quyền lực của Chúa Thánh Thần. Mẹ bối rối nhưng một niềm phó thác. Mẹ băn khoăn nhưng để mặc Thiên Chúa lo liệu. Mẹ lo lắng nhưng mọi sự Chúa sẽ làm. Khác với vua A-khát nơi bài đọc I, người đã không lắng nghe tiếng Chúa và không vâng lời nghe theo ngôn sứ của Chúa và kết cục đã chịu nhiều đắng cay muôn phần. Ngược lại, vì biết kính sợ Thiên Chúa, Đức Maria đã sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi cao cả với vai trò làm Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa. Thứ đến là Đức Mẹ luôn sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa: trong việc đưa Hài nhi Giêsu trốn qua Ai cập và trong việc đưa Chúa Giêsu trở về cùng với thánh Giuse; nhất là theo Chúa Giêsu lên đến đỉnh đồi Golgôtha. Một nỗi đau như lưỡi gươm thâu qua con tim, nhưng Đức Mẹ đã sẵn sàng xin vâng.

Đức tính đặc biết thứ hai của Đức Mẹ đó là lòng khiêm nhường.

Các nhà tu đức học đều coi "Khiêm nhường là đức nền tảng của mọi nhân đức". Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được biểu lộ rất rõ nét qua hai sự việc này: Đức Mẹ đã biết nhìn nhận thật rõ về con người của mình. Khác hẳn với Eva thuở xưa trong vườn địa đàng, tuy chỉ là con người mà cứ tưởng mình ngang tầm với Thiên Chúa. Đức Mẹ là Eva mới dù được Thiên Chúa đặc biệt ưu ái tuyển chọn lên bậc "quân vương" làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu thế nhưng Đức Mẹ vẫn chỉ xưng mình là một tôi tớ không hơn không kém. Mẹ đã mình chỉ là ‘phận nữ tỳ hèn mọn, Chúa đoái thương nhìn tới’ mà thôi. Mình chỉ là ‘cục đất sét’mà chính Thiên Chúa là Người thợ nặn lên mà thôi. Đức Mẹ nhìn nhận tất cả những gì mình có được đều là do Thiên Chúa.

Vâng tất cả là bởi Thiên Chúa.

"Thiên Chúa đã hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhường. Thiên Chúa đã ban đầy dư cho những kẻ nghèo, còn người giầu có thì Người đuổi về tay không.”

Phải có một lòng khiêm nhường thật thẩm sâu thì mới có thể thấy hết được những sự thật đó. Thái độ của Đức Mẹ khác hẳn với thái độ của Eva thuở xưa. Evà thuở xưa có được một chút quyền hành Thiên Chúa ban cho trong công việc canh giữ và làm chủ vườn điạ đàng đã tưởng mình là quan trọng, thậm chí có lúc còn tưởng là Thiên Chúa như muốn ghen tương với mình. Thật là kiêu ngạo. Vì thế, tội của tổ tông có thể được gọi là tội bất tuân phục. Vì tội bất phục tùng đó mà nhân loại phải vương lấy sự chết. Nhưng với sự vâng phục của Đức Giê-su, ngang qua lời xin vâng của Đức Trinh Nữ Maria, nhân loại lại được giải thoát khỏi chết muôn đời. Hay nói cách khác, Adam cũ mang lại sự đau khổ, sự chết, Adam mới là Đức Giê-su Ki-tô mang lại sự sống muôn đời. Eva cũ vì kiêu ngạo dẫn đến cái chết cho con người, nhưng Eva mới, là Đức Maria vì vâng lời trong thái độ khiêm tốn nên Thiên Chúa đã làm người để cứu độ và giải thoát con người khỏi chết muôn đời.

Về phần chúng ta, những người được thừa hưởng ân lộc của Thiên Chúa ngang qua lời đáp xin vâng của Đức Maria, như Đức Maria chúng ta cũng khiêm tốn đáp lời xin vâng trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của cuộc đời để Chúa ngự trị và đồng hành với chúng ta khắp mọi nơi và mọi lúc. Tuy nhiên, để có Chúa ngự trị đích thực trong tâm hồn, chúng ta được mời gọi sống thánh thiện, dám can đảm khước từ con người cũ, con người tội lỗi xấu xa, con người của sự bất hoà ghen ghét để biết yêu thương, bao dung và tha thứ cho anh chị em đồng loại. Trong tâm tình Mùa chay, nhất là trong tuần đại phúc của Giáo xứ, hơn ai hết, tất cả mọi người trong cộng đoàn giáo xứ cố gắng xét mình kỹ càng để trở về với Chúa và trở về với nhau. Quả thật, không thể trở về với Chúa mà không trở về với tha nhân được. Vì điều kiện để Chúa chúc phúc và ban bình an là ở chỗ chúng ta có thật lòng tha thứ và yêu thương anh chị em của chúng ta hay không. Thiết nghĩ, đây là lời đáp xin vâng đúng nghĩa và đẹp lòng Chúa nhất. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 
Truyền Tin Và Mệnh Lệnh Xin Vâng
Lm Giuse Trương Đình Hiền
09:50 24/03/2023
Truyền Tin Và “Mệnh Lệnh Xin Vâng”

(Lễ Truyền Tin - Acies 2023)



Cách đây 1 năm, Ngày lễ “Truyền Tin” – 25.3.2022, khi cuộc chiến Nga- Ukraina đang hồi đỉnh điểm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, gọi mời toàn thế Giáo Hội, đặc biệt, các Giám mục, hiệp thông với ngài hiến dâng toàn nhân loại, nhất là nước Nga và Ukraina, cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ. Năm nay, trong cuộc tiếp kiến ngày 22.3.2023 vừa qua, ngài lại tiếp tục gọi mời Giáo Hội “tận hiến cho Đức Mẹ” và ngài muốn đây phải là việc làm thường xuyên mỗi năm: “Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi phó thác chính nghĩa hòa bình cho Nữ Vương Hòa Bình. Vì thế, tôi muốn mời gọi mỗi tín hữu và cộng đoàn, đặc biệt là các nhóm cầu nguyện, canh tân việc tận hiến cho Đức Mẹ vào ngày 25 tháng 3 hàng năm, để Mẹ là Mẹ gìn giữ tất cả chúng ta trong sự hiệp nhất và bình an.”.

Tại sao Đức Thánh Cha lại chọn thời điểm “Lễ Truyền Tin” để cử hành cuộc “tận hiến” hai quốc gia đang chiến tranh đổ máu mà không là một thời điểm nào khác? Phải chăng, việc “tận hiến” nầy có liên quan đến cuộc “tận hiến” trong tiếng “Fiat” của Ngôi Hai khi nhập thể vào đời và của Đức Maria khi đón nhận sứ điệp truyền tin của thần sứ Gabrien?

Thật đúng như vậy ! Một cách nào đó, chúng ta đều cảm nhận được rằng: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô luôn bao gồm hai chiều kích: “Emmanuel” (Nhập Thể) và “Ecce Homo” (Tử nạn-Phục sinh); giây phút khởi đầu của việc Nhập Thể đã thấp thoáng bóng dáng của Tử nạn-Phục sinh. Nói cách khác, Thiên Chúa dấn thân vào một thế giới đang ngập tràn kiếp nạn thương đau, máu và nước mắt… để chữa lành và giải thoát, để phục sinh và mang lại hòa bình ! Và Đức Mẹ cũng thế, khi chấp nhận “để ý Chúa được nên trọn trên cuộc đời mình” bằng hai tiếng “xin vâng” của giây phút “truyền tin” là sẵn sàng chấp nhận “một lưỡi gươm đâm thấu cõi lòng” khi đứng bên thập giá vào chiều thứ Sáu !

Chân lý nầy càng thích hợp hơn cho cuộc chiến đấu khắc khổ của Mùa Chay đang diễn ra trong Phụng vụ để chuẩn bị cõi lòng dân Chúa, nhất là các anh chị em Dự tòng, cho cuộc đại tưởng-niệm-tái-diễn mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, một “Đức Kitô tàn tạ rách nát trước tòa Philatô” được giới thiệu như một “Ecce Homo”, là tâm điểm của mầu nhiệm Vượt Qua; nhưng đồng thời cũng một Đấng “Emmanuel”, trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Và giây phút nhiệm mầu, huyền diệu nầy được thực hiện tức khắc sau tiếng thưa chỉ với mấy lời đáp trả giản đơn của một người thôn nữ vô danh tiểu tốt ở làng Nadarét: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1,38); một biến cố đã được ngôn sứ Isaia loan báo như một “Tin vui” từ bao năm xa trước, khi dân Israel còn đắm chìm trong tối tăm mịt mù: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Quả thật, sứ điệp Truyền Tin đã mang đến cho chúng ta ý nghĩa của cuộc tự hạ thẳm sâu của Thiên Chúa; sự hạ mình của một Đấng Toàn Năng để trở nên “Đấng Cực thấp”, “tối thấp”, Đấng “Emmanuel” khi: “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,7); của một Đấng là “Ngôi Lời Thiên Chúa” (Ga 1,1) để trở nên “Lời đã làm người” (Ga 1,14); và còn hơn thế nữa, một “Ecce Homo”: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2,8). Đó chẳng phải là một gọi mời khiêm hạ hoán cải cốt lõi của Mùa Chay Thánh đó sao !

Cách riêng đối với các hội viên phong trào Legio Mariae, cho dù hoạt động hay tán trợ, cho dù Junior hay Senior, lễ Truyền Tin lại là dịp để nói lên “Lời Cam Kết” đặc biệt, lời cam kết của những người chiến sĩ đức tin, chiến sĩ tông đồ cùng “dàn trận” (Acies) để “một mất một còn” với thế gian, ma quỷ và xác thịt cùng với sự trợ giúp đặc biệt của Đức Maria; một sự cam kết được biểu lộ cách giản đơn nhưng quyết liệt qua lời tận hiến dâng mình: “LẠY NỮ VƯƠNG LÀ MẸ CON, TOÀN TH N CON THUỘC VỀ MẸ VÀ MỌI SỰ CỦA CON LÀ CỦA MẸ”.

Thế nhưng, chúng ta đừng quên: động lực cốt yếu cho hành vi “tự hạ thẳm sâu” của Chúa Con không bao giờ là một “mưu đồ chính trị” kiểu “Việt Câu Tiển cam tâm nếm phân cho Ngô Phù Sai”; hay một kiểu giả ngu giả dại bất đắc dĩ kiểu “lòn trôn của Hàn Tín” mà chính là thái độ “vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha”, một sự vâng phục của tình yêu trọn hảo. Điều nầy đã được minh thị trong Thánh vịnh 39 và được thư Do Thái đặt lên môi miệng Đức Kitô khi Ngài cất bước vào đời (Bđ 2): “khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10, 5-7). Đây lại là điều cốt thiết của việc chay tịnh Kitô giáo mà chúng ta nghe vang vọng suốt chặng đường Mùa Chay: phải “lên cao”, phải “đi xa”, phải từ bỏ ý riêng, dục vọng cá nhân, để uốn mình theo tiếng gọi của Lời Chúa, của luật Chúa; và đây là một hành trình vượt qua dài hơi, miên viễn… trong cuộc hành trình theo Đức Kitô, cuộc hành trình Tông Đồ; cuộc hành trình chỉ trọn vẹn, hoàn tất, khi cùng với Đức Kitô thân thưa lời cuối: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23,44) !

Cũng hoàn toàn như thế với Đức Trinh Nữ Maria: tiếng “fiat” của “buổi đầu Truyền Tin” chỉ được hoàn tất khi Đức Mẹ hoàn tất cuộc đời trần thế để được Thiên Chúa đón vào quê trời vinh quang; hay như chính Lời Đức Mẹ trả lời cho thiên sứ Gabriel: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Quả thật, như Tin Mừng đã ghi lại, Đức Mẹ đã chấp nhận “để Thiên Chúa thực hiện” công cuộc cứu độ của Ngài trên chính cuộc đời mình trong suốt những năm dài thơ ấu của Chúa Con, trong ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng; và sau cùng, chính Đức Mẹ đã tiến lên Đồi Sọ để cùng Con hiến dâng Hy lễ cuối cùng trên thập giá: Virgo Offerans (Trinh Nữ dâng hiến). Mùa Chay đang thôi thúc chúng ta theo chân Đức Mẹ tiến về đồi Canvê để sống trọn hảo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong tâm tình và thái độ hy sinh, dâng hiến nầy !

Thế nhưng, để có được một thái độ, một cuộc đời “xin vâng trọn hảo” như thế, Đức Mẹ đã âm thầm lặng lẽ chuẩn bị một “mảnh đất tâm hồn” tỉnh thức, lắng nghe trong suy niệm nguyện cầu. Mẹ đã cầu nguyện: không chỉ khi còn “tí tuổi đầu” đã chìm sâu nơi đền thánh, đã cầu nguyện khi nhận lãnh sứ điệp truyền tin, khi đi thăm bà chị họ Isave, khi lặng thầm bên máng cỏ Bê lem, khi lê những bước chân mệt nhọc trên đường trốn sang Ai Cập, khi thất thểu ba ngày tìm con lạc mất, và suốt ba mươi năm lặng thầm tần tảo bên con nơi mái nhà Nadarét; Mẹ đã cầu nguyện khi đón gặp con khi Ngài rao giảng Lời, đã cầu nguyện trong nỗi đau ngút ngàn khi đứng dưới chân Thập giá hay trong nỗi hân hoan ngập tràn bên các Tông Đồ của Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống… Vâng, mẫu gương “Người Trinh nữ cầu nguyện” (Virgo Orans) nào chẳng phải là dấu chỉ và lời gọi mời tha thiết của Mùa Chay đó sao !

Lễ Truyền Tin hay cuộc cử hành Acies diễn ra trong khung cảnh Mùa Chay Thánh; đây chính là cơ hội thuận tiện để anh chị em hội viên Legio Mariae hoạt động cũng như tán trợ, senior cũng như junior dấn thân cách cụ thể và thâm sâu cuộc tập luyện chiến đấu tiêng liêng nhằm trang bị cho mình những hành trang cần thiết và nhiệt khí tông đồ vững mạnh để cùng với Mẹ thực hiện tiếng “Xin Vâng” trọn hảo; như lời kinh Bế mạc mà chúng ta đọc mỗi ngày: “… để chúng con an tâm vững chí giữa những cơn đau khổ, những nỗi vất vả, những sự thất vọng ở đời, đức tin dũng cảm, khiến chúng con đảm đương và tiến hành không nghi ngại, những công cuộc lớn lao cho sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn…”. Vâng, ngày lễ “thiên sứ truyền tin cho Đức Mẹ”, hay lễ “Acies” của Legio, cũng chính là ngày mà mỗi người Kitô hữu chúng ta đều nhận được một tiếng gọi mời, một mệnh lệnh: hãy theo Mẹ sống xin vâng với trái tim thảo hiền. Amen.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thế nào là đồng hành chân chính?
Vu Van An
13:40 24/03/2023

Trên Blog https://catholicmissionarydisciples.com Marcel Lejeune, cho rằng nếu chúng ta lập một danh sách các từ Công Giáo thường dùng, thì chúng ta phải đặt từ “đồng hành” gần ở đầu danh sách ấy. Nó được sử dụng theo nhiều cách khác nhau và nhiều cách sử dụng khá mơ hồ. Ông hy vọng sẽ tìm hiểu sâu hơn một chút trong blog này về ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này đối với chúng ta trong tư cách những nhà truyền giáo và lãnh đạo Công Giáo.



Thuật ngữ đồng hành đã được phổ biến bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng ý tưởng đồng hành với những người khác đã là một phần trong truyền thống của Giáo hội ngay từ đầu. Ý tưởng căn bản là đi bên cạnh người khác về mặt thiêng liêng. Về phương diện thừa tác mục vụ, truyền giảng Tin Mừng và tư cách môn đệ, điều này có nghĩa là cùng đi với ai đó hướng tới mục tiêu thiêng liêng (thí dụ: hoán cải, thiên đàng, thánh thiện, v.v.). Nó không đi trước hay đi sau, mà đi bên cạnh. Điều này cho chúng ta biết khá nhiều về việc đồng hành không phải là gì.

Để đồng hành với một người khác, người ta KHÔNG phải chỉ là:

* một người bạn thân - mặc dù nó có mối liên hệ ở ngay cốt lõi của nó.

* một hướng dẫn viên du lịch - mặc dù người ta có thể cần giúp để vạch ra con đường phía trước.

* một giáo viên - mặc dù nó có sự thật cần được công bố.

* một cố vấn - mặc dù nó liên quan đến việc lắng nghe và hiểu biết.

* một vị giải tội - mặc dù nó liên quan đến sự trung thực, dễ bị tổn thương và tính chân thực.

* một người đi kèm [chaperone]- mặc dù nó giúp thiết lập ranh giới, khi thích hợp.

* một vị linh hướng - mặc dù nó liên quan đến sự tăng trưởng tâm linh.

* một nhà hộ giáo - mặc dù nó liên quan đến việc trả lời các câu hỏi.

Vậy, phải coi nó ra sao? Câu chuyện về đường Emmau (Lc 24) cho chúng ta một số bối cảnh. Trong đó chúng ta tìm thấy:

* Tất cả những người can dự (Chúa Giêsu và 2 môn đệ) đều tham gia vào cuộc đối thoại. Trong khi giúp dẫn dắt cuộc trò chuyện, Chúa Giêsu để hai người kia đặt chủ đề cho cuộc trò chuyện.

* Họ đi cạnh nhau và lắng nghe những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn của nhau, v.v. Hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách đi bên cạnh hai người đàn ông và bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi.

* Mối liên hệ/Tình bạn được xây dựng trên sự tín thác và thời gian ở bên nhau. Sau một thời gian, hai môn đệ (ít nhất) bị thu hút bởi Chúa Giêsu và mời ngài ở lại với họ lâu hơn.

* Mục tiêu là giúp những người khác tin vào Thiên Chúa, được hoán cải và giúp nhau trở thành môn đệ hoặc phát triển trong tư cách môn đệ. Chúng ta lưu ý: câu chuyện bắt đầu với “khuôn mặt của họ ủ rũ” và kết thúc với “trái tim họ bùng cháy”.

Khi bình luận về câu chuyện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng hai môn đệ cuối cùng đã quay trở lại Giêrusalem để tuyên bố Chúa Giêsu đã thực sự sống lại. Bằng cách để Chúa Giêsu cố ý đồng hành cùng những người này, kết quả là một sự hoán cải. Có một kết quả dứt khoát của đồng hành. Đây cũng là kết quả mà Giáo hội cần ngày nay:

“Chúng ta cần một Giáo hội có khả năng bước đi bên cạnh mọi người, làm nhiều việc hơn là chỉ lắng nghe họ; một Giáo hội đồng hành với họ trên hành trình của họ; một Giáo hội có khả năng hiểu được “đêm tối” ẩn chứa trong cuộc trốn chạy của rất nhiều anh chị em của chúng ta khỏi Giêrusalem; một Giáo hội nhận ra rằng những lý do tại sao người ta rời bỏ cũng chứa đựng những lý do tại sao cuối cùng họ có thể trở lại.Nhưng chúng ta cần biết cách can đảm giải thích bức tranh lớn hơn. Chúa Giêsu làm ấm lòng các môn đệ Emmau.

“Tôi muốn tất cả chúng ta ngày nay hãy tự hỏi: chúng ta có còn là một Giáo hội có khả năng sưởi ấm các trái tim không? Một Giáo hội có khả năng dẫn người ta trở lại Giêrusalem? Đưa họ trở về nhà? Giêrusalem là cội nguồn của chúng ta: Kinh thánh, giáo lý, các bí tích, cộng đồng, tình bạn với Chúa, Mẹ Maria và các tông đồ… Liệu chúng ta có thể nói về những gốc rễ này theo cách có thể làm sống lại cảm giác kinh ngạc trước vẻ đẹp của chúng không?”

Khi chúng ta đồng hành cùng một người khác, đây là một số yếu tố có thể giúp hướng dẫn mối liên hệ:

* Ý hướng. Nếu bạn không có mục đích rõ ràng về lý do tại sao bạn lại ở trong mối liên hệ, thì bạn sẽ không bao giờ có thể đồng hành đúng nghĩa với bất cứ ai. Mục đích rõ ràng của việc đào tạo môn đệ của Chúa Giêsu cần được đặt lên hàng đầu trong mọi phần của mối liên hệ.

* Sẵn có đó cho người khác. Bạn không thể thực sự phát triển trong một mối liên hệ nếu bạn không sẵn sàng có đó cho nhau. Điều này có nghĩa là dành thời gian cho nhau và đặt ưu tiên cho thời gian cần thiết để xây dựng một mối liên hệ như vậy.

* Tính chân thực. Để cùng nhau phát triển việc gần gũi hơn với Thiên Chúa, bạn sẽ phải chân thực với nhau. Điều này có nghĩa là biểu lộ việc bạn đáng tin, đáng cậy và duyên dáng. Một cách khác để diễn đạt điều này - đừng kỳ quặc đến mức khiến người khác không tin tưởng vào Chúa Giêsu hoặc Giáo hội.

* Tính dễ bị tổn thương. Sau khi bạn bắt đầu xây dựng mối liên hệ, cần phải có một mức độ dễ bị tổn thương thích đáng. Điều này không có nghĩa là mang theo những bí mật sâu kín nhất của bạn, mà là cởi bỏ những chiếc mặt nạ mà đôi khi chúng ta ẩn ở đằng sau và cho thấy thực tại chúng ta là ai.

* Trách nhiệm giải trình với nhau. Một khi chúng ta dễ bị tổn thương, chúng ta có thể bắt đầu có trách nhiệm giải trình thực sự. Trách nhiệm giải trình không phải là vung vẩy ngón tay khi ai đó làm sai, mà là cùng nhau thực hiện các mục tiêu mà mỗi chúng ta đặt ra cho mình và nhờ người kia giúp giữ chúng ta kiên trì.

* Trách nhiệm đối với Tin Mừng. Làm môn đệ có nghĩa là có một sứ mệnh. Mỗi môn đệ Kitô hữu nên lấy Tin Mừng làm cốt lõi cho sứ mệnh của mình. Điều này có nghĩa là mỗi môn đệ cần đảm nhận trên vai mình một phần trách nhiệm mà chúng ta có trong việc chia sẻ Tin Mừng.

"Thầy ban cho các con một điều răn mới: hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con thể nào, thì các con cũng phải yêu nhau thể ấy. Nhờ đó mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con có lòng yêu thương nhau." (Ga 13:35)

Chúa Giêsu đã yêu các môn đệ như thế nào? Bằng cách sống cuộc sống với họ trong 3 năm. Bằng cách biết họ sâu sắc, bằng cách dạy dỗ họ, bằng cách làm gương cho họ về cách sống ơn gọi của họ. Bằng cách bắt họ có trách nhiệm giải trình. Bằng cách thách thức họ. Bằng cách đào tạo họ. Bằng cách tha thứ cho họ. Bằng cách đồng hành với họ. Bằng cách đi dự tiệc với họ. Bằng cách du hành với họ. Bằng cách trở thành người lãnh đạo cho họ và sau đó ủy quyền cho họ làm điều tương tự với những người khác. Bằng cách có mục đích rõ ràng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, “Mặc dù nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng việc đồng hành thiêng liêng phải dẫn người khác đến gần Thiên Chúa hơn, nơi Người chúng ta đạt được tự do đích thực. Một số người nghĩ rằng họ được tự do nếu họ có thể trốn tránh Thiên Chúa; họ không thấy rằng họ mãi mồ côi, không nơi nương tựa, vô gia cư về phương diện hiện sinh. Họ không còn là những người hành hương mà trở thành những kẻ trôi giạt, loanh quanh và không bao giờ đi đến đâu cả. Đồng hành với họ sẽ phản tác dụng nếu nó trở thành một loại trị liệu hỗ trợ việc họ chỉ quan tâm đến bản thân và không còn là cuộc hành hương với Chúa Kitô đến với Chúa Cha.”

Tội lỗi nhưng được cứu rỗi

Nhân loại bị đổ vỡ, bị thương, tội lỗi và hỗn loạn. Nó cũng đẹp đẽ, được cứu chuộc và được Thiên Chúa yêu thương. Điều này có nghĩa là mọi mối liên hệ của con người (phía bên này của thiên đàng) đều như nhau. Có cả những thất bại của con người lẫn ân sủng của Thiên Chúa. Điều này xuất hiện với cái tốt và cái xấu gắn liền, không cách nào làm khác đi được.

Vậy, đồng hành trông ra sao? Một mối liên hệ liên quan đến mục đích, tội lỗi, sự tha thứ, lòng thương xót, ân sủng, trách nhiệm giải trình, niềm vui, đau khổ và mọi thứ khác mà cuộc sống mang lại. Nói cách khác, một mớ hỗn độn với Chúa Giêsu làm mục tiêu.

Tại sao các giáo xứ, tổ chức, hoạt động tông đồ, v.v. của Công Giáo lại khó giúp đào tạo các môn đệ có khả năng đồng hành với người khác? Trước hết, chúng ta không có văn hóa đồng hành. Thứ hai, chúng ta là những kẻ có tội. Chúng ta nghĩ về bản thân mình. Chúng ta bị cô lập. Các định chế của chúng ta được thành lập để thực hiện các chương trình, các biến cố và lớp học - chúng không được thành lập nhằm đào tạo các môn đệ Công Giáo để truyền giáo cho thế giới, một việc cần đến Tin Mừng.

Nhưng, đó không phải là kết thúc của câu chuyện. Chúng ta không nên dừng lại ở việc rối loạn chức năng.

Đồng hành Công Giáo Đích Thực

Thực thế, việc đồng hành Công Giáo được coi là một mối liên hệ sâu sắc hơn là một dự án hay một câu lạc bộ. Nó không phải luôn luôn đồng ý hoặc hòa thuận với người khác. Không phải lúc nào cũng là bạn thân. Đó là yêu thương và quan tâm lẫn nhau.

Đây là hình ảnh của Giáo hội sơ khai. Họ đã dành thời gian cho nhau, thực tế là họ đã dành rất nhiều thời gian cho nhau. Chúng ta có thể không dành nhiều thời gian cho nhau, nhưng không có thời gian thì không có cộng đồng. Hãy xem cách các tín đồ nhóm lại với nhau trong chương 2 sách Công vụ. Hãy đọc các thư của Thánh Phaolô và tưởng nghĩ đến việc dành nhiều thời gian như vậy cho những người khác. Thánh Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài đã du hành cùng nhau, làm việc cùng nhau, ăn cùng nhau, ngủ cùng một chỗ, tranh luận, bị bỏ tù, nhưng vẫn phục vụ cùng nhau. Đôi khi họ chia tay nhau. Nhưng, họ vẫn ủng hộ sứ mệnh của Giáo hội. Họ sống trong một cộng đồng, nơi họ gặp nhau thường xuyên, cầu nguyện cùng nhau, phục vụ bên cạnh nhau, quy trách nhiệm cho nhau và biết nhau. Cuối cùng họ đã cùng nhau thực hiện sứ mệnh, để đồng hành với những người khác.

Các mối liên hệ của Giáo hội sơ khai nhìn chung không giống như các mối liên hệ Công Giáo của chúng ta hiện nay. Trước hết, việc đồng hành Công Giáo đích thực không chỉ được thực hiện trong chiếc bong bóng. Nó được giả thiết phải tiếp cận với những người khác. Nó được cho là để lôi kéo người khác đến với các Bí tích. Nó được giả thuyết là vì lợi ích của thế giới, chứ không chỉ những người đi lễ. Nó cũng cần có nhiều ý hướng hơn. Tín thác hơn, để chúng ta có thể giải trình trách nhiệm với nhau. Nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, cả các mối liên hệ lẫn sự đồng hành đều không phải là mục tiêu.

Chúa Giêsu mới là mục tiêu.
Thiên đàng mới là mục tiêu.
Sự thánh thiện mới là mục tiêu.

Tuy nhiên, chúng ta không thể hoàn toàn đạt được những mục tiêu này nếu không có sự đồng hành Kitô giáo đích thực. Khi chúng ta tập chú cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu, thiên đàng và sự thánh thiện, thì chúng ta có thể bước đi với những người khác một cách có ý hướng.

Đây là lý do tại sao chúng ta có rất ít cộng đồng trong giới Công Giáo ngày nay. Chúng ta tập chú vào “tình đồng đạo”, “cộng đồng”, “các mối liên hệ”, “nhóm nhỏ”, v.v. Chúng ta có các biến cố và chương trình, nhưng ít có đầu tư. Chúng ta thậm chí còn có ít ý hướng và sáng kiến trong các mối liên hệ. Chúng ta đơn giản không có đồng hành thực sự.

Như thế, chúng ta bỏ lỡ cộng đồng thực sự (vì có lẽ chúng ta chưa bao giờ thực sự trải nghiệm nó ra sao) VÀ chúng ta tập chú vào một thứ ít hơn mục tiêu thực sự của chúng ta phải là - Hiệp thông với Chúa Giêsu, cùng với nhau.

Chúng ta không hoàn chỉnh nếu không có những người khác. Chúng ta cần có nhau. Chúng ta là một phần của Giáo hội, vốn được Thánh Phaolô gọi là “thân thể của Chúa Kitô”.

Đồng hành có mục đích

Bạn không thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu khi bạn sống một cuộc sống tách biệt với Người như thế nào, thì bạn cũng không thể là một phần của cộng đồng Kitô giáo và sống tách biệt với những người khác như vậy. Chúng ta cần có một bức tranh toàn cảnh hơn và một phần của những gì Giáo hội (và thế giới) cần ngay bây giờ là các mô hình về việc đồng hành phải được giả thuyết như thế nào. Không chỉ có nhiều biến cố, lớp học và chương trình hơn. Các mối liên hệ không chỉ xảy ra bởi vì bạn tập hợp mọi người lại với nhau.

Chúng ta không cần sự mới lạ hoặc nhiều thứ khác đang diễn ra tại các giáo xứ của chúng ta.

Chúng ta cần tính chân thực, có ý hướng và chiều sâu trong các mối liên hệ - trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong tư cách các môn đệ.

Người Công Giáo hiểu nhu cầu của người khác. Chúng ta dựa vào các Thánh và các nhà lãnh đạo của Giáo hội để giúp chúng ta hiểu cầu nguyện, thần học, Kinh thánh, các Bí tích, v.v. Tương tự như vậy, chúng ta cần khai thác chiều sâu của những người Công Giáo vĩ đại đã đi trước chúng ta về mặt đồng hành. Họ đã sống, phục vụ, làm việc và cầu nguyện cùng nhau như thế nào? Thành quả và hoa trái của mối liên hệ của họ là gì? Chúng ta có thể học được gì từ cách họ đồng hành cùng nhau?

Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể thực sự lớn lên trong việc đồng hành cùng nhau hướng về thiên đàng. Không phải là một vỏ ngoài giả tạo của các mối liên hệ. Nhưng, những mối liên hệ có ý hướng thực sự, nơi chúng ta có thể cùng nhau học cách trở thành thánh. Nơi chúng ta có thể yêu mến Chúa Giêsu, được thử thách để trưởng thành, cùng nhau cầu nguyện, sống bên nhau và phục vụ nhau.

Đấy là đồng hành. Nó có vẻ lộn xộn nhưng cần thiết.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Âm Thầm Sống Trong Chúa
Maria Vũ Loan
09:56 24/03/2023
1. Âm Thầm Sống Trong Chúa

Ngày lễ thánh Giuse, giáo xứ Vinh Sơn 3 của chúng tôi cũng mừng kính thánh Giuse như nhiều nơi khác. Chúng tôi cũng đi rước kiệu và dự thánh lễ cách trang trọng. Bài giảng có tường thuật lại vài biến cố trong cuộc đời thánh Cả Giuse; nếu bài giảng nào xoáy sâu vào các biến cố ấy, trưng ra được thông điệp cho quí ông gia trưởng và nêu được kinh nghiệm đời thường giúp quí ông mạnh mẽ và bao dung trong các biến cố của đời sống thì...hay hơn nữa!

Sau thánh lễ, chúng tôi không dự tiệc mừng vì đang bị đau mà chỉ hiệp thông trong lời cầu nguyện. Song về đến nhà, chúng tôi bâng khâng vui vẻ về thánh Giuse thế này: Trong ba năm Đức Giêsu đi rao giảng, ông thánh có quan tâm nhóm của con mình đi đến đâu, làm những gì, có an toàn hay không, hiệu quả công việc mà nhóm của con mình đang làm hay không?

Xem Hình

Đó là những việc mà các ông bố đời thường hay chú ý! Lúc con thành công, những người cha hân hoan hạnh phúc, dẫu có được phần hay không! Khi con thất bại nặng nề, nỗi đau lan sang đấng sinh thành cũng đầm đìa, chan chứa. Bỏ qua lăng kính triết học và thần học của Kinh Thánh, trong tâm tư người giáo dân, chúng tôi nghĩ, khi Đức Giêsu trưởng thành thì người cha nuôi đã qua đời; ông đã sống bên cạnh chàng trai Giêsu nhiều năm, trong ân sủng và tương quan thiêng liêng; tư cách làm người và bản tính Thiên Chúa ẩn giấu trong người con Giêsu làm ông có được niềm hạnh phúc tuyệt vời trong đời thường và ông đã hoàn thành vai trò người cha, rõ ràng ông đã âm thầm sống trong Chúa. Mà cuộc sống như thế làm người ta không màng tới của cải bất chính, danh vọng hão huyền, tham vọng thống trị... Dường như Thiên Chúa muốn thánh Giuse xuất hiện với hình ảnh người cha mẫu mực, trong chương trình cứu độ, với nét riên là một hành trình âm thầm, là đủ!

Trong đời sống hiện nay, khi vật chất có vị trí đáng gờm, khi sự nhẫn tâm khá quen thuộc, mối tương quan giữa người với người rất thực dụng, giả trá... thì việc “âm thầm sống trong Chúa” thì thật khó biết bao!

2. TƯƠNG QUAN

“Vì cây dây cuốn”, chúng tôi quen với một tu sĩ còn trẻ, sống rất đơn sơ theo linh đạo của dòng. Một người trong chúng tôi đến cộng đoàn của thầy để xin lễ, thế nên mới biết và khám phá về một cộng đoàn qua một lời thổ lộ: “Cộng đoàn chúng con ở Sài gòn này có mấy chục người, đa số còn trẻ và đang tu tập; ai tặng thứ gì chúng con cũng nhận. Có khi là một sọt rau, thùng bánh, tép khô, bầu bí...”. Vốn chân tình, thế là chúng tôi thỉnh thoảng mang tặng quí thầy những món ăn rất dân giã... và một niềm vui trầm lắng cứ len vào lòng.

Cha phụ trách xúc động có ý muốn mời chúng tôi tham dự một bữa ăn chung trong cộng đoàn. Một ngày, chúng tôi mạo muội thưa rằng: “Chúng con đi đâu, gặp gỡ ai, tham dự sự kiện gì cũng ghi nhận sự việc, rồi viết thành bài, kèm hình ảnh, đăng trên Truyền Thông Công Giáo, cha có đồng ý không khi mời chúng con?”

Vị tu sĩ đã trưởng thành trong sứ vụ linh mục trả lời: “Chúng em sống đơn sơ, kín đáo lắm, không xuất hiện trên website như thế đâu ạ!” Chúng tôi trả lời: “Thưa vâng, chúng con xin trân trọng ý kiến của Cha”. Và từ đấy, mối tương quan giữa chúng tôi cũng “âm thầm trong Chúa” mà thôi.

Trường hợp khác, một thầy dòng mới quen, gửi lời mời qua Zalo cho chúng tôi, thầy mời tham gia Hội Bảo Trợ Ơn Gọi do dòng tu của thầy tổ chức. Chúng tôi đồng ý ngay vì số tiền bảo trợ tính ra một năm rất ít so với mức sống người Sài Gòn. Chúng tôi muốn giới thiệu Hội Bảo Trợ Ơn Gọi này trên Truyền Thông Công Giáo nhưng thầy cũng nhẹ nhàng thưa lại: “Hội dòng chúng con mới có mặt ở Việt Nam mười tám năm nay, chúng con nhỏ bé lắm, thôi để dịp khác, cô nhé!” Chúng tôi vẫn vui vẻ: “Quí cha, quí thầy cũng “âm thầm sống trong Chúa” hén!”

Ngược lại, chiêm niệm và hoạt động khác hẳn nhau, thế nên, có những dòng tu, phải "tung bước chân” mà rao giảng Tin Mừng, công khai đến với lương dân... Có một cha dòng, trên đường về quê thăm mẹ, ghé thăm nhà chúng tôi, cha nói: “Cô cứ đăng hình em thoải mái, chẳng sao cả!”. Tôi hỏi: “Cha có cần tủ sách không?”. Khi trả lời, khuôn mặt cha hơi tức tức: “Mẻ bà.... mua sách quá trời mà mấy đứa thiếu nhi có thèm đọc đâu, chỉ ham quẹt quẹt điện thoại không hà!”. Chúng tôi cười vang cả nhà. Cha là cộng tác viên của Nhóm chúng tôi, đi công tác được vài lần thì đã vào nhà dòng rồi.

Hội Thánh Chúa ở trần gian phát triển thật tốt đẹp, trăm hoa đua nở, ngàn mầm cây xanh tươi, hàng triệu việc làm tốt đẹp đang được thực thi từ Tin Mừng của Chúa Kitô; mặc kệ dòng đời ngoài kia, sạn sỏi có “sục sạo” bên dưới những bước chân đang hăng say rao giảng Tin Mừng.

3. BẺ VÀ CHIA

Sắp đến ngày kỷ niệm Chúa lập phép Thánh Thể, chúng tôi bồi hồi xúc động trở lại nhà tạm để tham dự giờ chầu hằng ngày. Khi dịch Covid bắt đầu bùng phát và nguy cơ lây lan trong cộng đồng, chúng tôi chỉ đọc kinh ở nhà. Thế mà đã ba năm trôi qua. Ngồi đối diện với Thánh Thể Chúa, đố ai dám để lòng mình cong queo, đố ai dám có những mưu toan hiểm ác, đó ai dám trí trá về cuộc đời mình? Trước Thánh Thể của Đức Kitô, chỉ có sự sám hối ẩn chứa hổ thẹn, chỉ có sự yếu đuối chứa đựng chút van xin, chỉ có sự trông mong và hy vọng! Từ những yếu tố này, lòng người Kitô hữu thường “bật lên” sự sẻ chia sau lời cầu nguyện, đúng với hành vi “bẻ ra” của Đức Giêsu trước khi tạm biệt trần thế trong sự lưu luyến người thân.

Vào Mùa Chay, chúng tôi thường đi bộ một quãng đường, từ nhà ra phố chợ. Trên quãng đường đó, bạn mới có thể gặp được người kiếm sống trên hè phố, người đang lang thang xin ăn, người trung niên ngồi chờ từng cuốc xe ôm, hay một cụ già bưng bê để rao bán món gì đó.... Ngày trước, khi cho người kiếm sống bên vỉa hè, tôi chỉ gọi lại và cho, đó là thao tác một chiều. Bây giờ, phải thao tác hai chiều, đó là tôi “xin phép” người cùng khổ ấy trước khi cho. Xin mời quan sát cách chúng tôi gặp gỡ người nghèo: “Chào anh, tôi muốn biếu anh bữa cơm trưa hôm nay được không? Đây là năm chục ngàn đồng?”. Đợi có sự đồng ý, chúng tôi mới trao và thường nhận lại câu này: “Dạ, cảm ơn cô!”. Lời xin phép của tôi có thể là: “Từ sáng đến giờ, anh chạy được mấy cuốc xe ôm rồi? Tôi muốn tặng anh hai lít xăng, được không?. “Dạ, sau Tết ế lắm, cô cho thì em cảm ơn nhiều!”. Cái “thao tác hai chiều” làm chúng tôi yên tâm giữa người cho và người nhận.

Mùa Chay, người người làm việc bác ái, nhà nhà làm việc sẻ chia trong cộng đoàn. Cho ít cho nhiều, âm thầm hay nêu gương thì đều tốt lành cả, miễn là có “bẻ ra” là được! Nhiều người làm những việc bác ái to lớn, chắc là sẽ được chỗ “ngon” trên Nước Trời, còn chúng tôi chỉ làm những việc nhỏ bé thôi, sau này được ở “vùng ngoại ô” của Thiên Đàng cũng quí lắm rồi!

Từ khi “có tuổi”, tôi ít đi công tác xã hội bằng xe, thế nên tôi mới tạo một “màng lưới mỏng”, nhờ những người đáng tin cậy (quí cha, quí thầy, quí sơ, quí ông bà trùm xứ đạo, thân hữu...) chia sẻ dùm chúng tôi những hoàn cảnh ngặt nghèo, đáng thương. Không ngờ, cách làm này cũng rất hiệu quả trong hơn năm qua. Chúng tôi hạnh phúc và bình an, một niềm bình an sâu thẳm làm bật lên niềm vui cho đi khi quỳ trước Thánh Thể.

4. TUỔI GIÀ

Càng đi sâu vào tuổi già, tôi càng thấy thương cha mẹ và cảm thông, trân quí các Đức Giám Mục. Vì sao ư? Tuổi già đến thì những giới hạn về thân xác càng rõ rệt: mắt mờ, chân yếu, răng đau, lưng mỏi... làm giảm đi một chút nhiệt thành, bớt nhiều sự năng nổ, dẫu lòng mến vẫn ngập tràn và kinh nghiệm đời có thẳm sâu.

Người sống bậc hôn nhân thì lúc còn trẻ nai lưng ra làm việc để nuôi con, vun quén gia đình; khi đời về chiều, có phước thì hạnh phúc viên mãn khi các con ổn định, thành đạt; chẳng may cuộc sống các thành viên trong gia đình không được như ý muốn hoặc đường đời đầy gian nan, chông gai thì cái sự già nua kia bị "thời gian nhuộm thêm một màu buồn”. Nhưng các bậc cha mẹ vẫn âm thầm chịu đựng. Người Kitô hữu, may mà có Chúa ở bên, để tựa đầu vào mà tìm một sự tựa nương, còn không thì chênh vênh biết bao! Đố ai mà không thấy chơi vơi khi nghĩ về cái chết?! Đức Giêsu mà còn xao xuyến, sợ hãi nữa là...

Còn các Đức Giám Mục, khi trẻ thì cứ học và học xanh cả mắt, bên cạnh đó phải rèn luyện nhân đức, phải vâng phục và giữ phẩm hạnh trong bổn phận của mình. Cho đến khi bề trên ngỏ ý đề cử, lựa chọn vào hàng lãnh đạo dân Chúa. Đa số các vị gần bước vào tuổi thọ mới “mở đầu” sứ vụ giám mục. Chưa hết, phải giữ sức khỏe để có sức dự những nghi lễ; có thánh lễ mừng dài hơn hai giờ đồng hồ; rồi bay cả mười mấy tiếng đồng hồ để tham dự sự kiện hay hội nghị gì đó bên Rôma... còn nhiều điều khác nữa. Nghĩ đến đó thôi, chúng tôi bỗng hiểu phần nào sự âm thầm chịu đựng của các đức cha.

Cách đây mười mấy năm, tôi dự một sự kiện ở Bình Phước; sau thánh lễ vô tình tôi được chụp hình cạnh Đức Cha, tôi khẽ nói: “Con xin phép thực hiện bài phỏng vấn Đức Cha có được không ạ? Ngài nhìn thẳng vào tôi trả lời: “Thôi, dịp khác đi nhé!” Thấy vẻ dịu dàng của Đức Cha, tôi không buồn mà buột miệng nói: “Sao Đức Cha đẹp quá nhỉ, trắng sáng ngời ngời, con nói thật đấy!”. Đức Cha im lặng. Thế rồi mới đây, dự lễ truyền chức linh mục, tôi đến gần bàn Ngài dự tiệc mừng, thưa vài câu chuyện liên quan đến truyền thông. Ngài ngồi bẻ miếng bánh tráng, ăn nhẹ nhàng. Nhìn Đức Cha đã ngăm đen, tôi nghĩ đến ý nghĩa câu hát: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không thối đi, không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi....”.

Hiện nay, với sự tiến bộ và dễ dãi của công nghệ (Youtube, tiktok, facebook...) người ta phô bày của cải, sắc đẹp, quyền hành, tâm tư, nhận định về sự viêc trên đó nhưng chắc chắn công nghệ ấy không thể trưng bày được sự hy sinh âm thầm trong Chúa, cho dù đó là trí tuệ nhân tạo AI, vốn đang ầm ĩ ở ngoài kia, trên toàn cầu.

Giáo Hội Chúa Kitô luôn mạnh mẽ xanh tươi vì có nhiều sự hy sinh thầm lặng. Từng con người, từng gia đình, từng cộng đoàn... luôn cố gắng trong bậc sống, âm thầm bước đi, đến cùng đích là “sự Phục Sinh của Đức Kitô”.
 
VietCatholic TV
Đòn trí mạng: Nhà máy Nga chế tạo động cơ hỏa tiễn hạt nhân nổ tung. Bakhmut: Wagner tử trận gần hết
VietCatholic Media
03:16 24/03/2023


1. Đòn trí mạng đối với Putin: Nhà máy Nga sản xuất động cơ hỏa tiễn hạt nhân bốc cháy

Quân đội Nga được tin là đang thiếu thốn đạn dược nghiêm trọng sau khi Ấn Độ hoảng hốt vì Nga không thể cung cấp đạn dược cho họ đúng thời hạn trong hợp đồng. Trong bối cảnh đó, lại có thêm một đòn trí mạng đánh vào guồng máy chiến tranh của Nga. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Factory That Makes Nuclear Missile Engines Catches Fire”, nghĩa là “Nhà máy Nga sản xuất động cơ hỏa tiễn hạt nhân bốc cháy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một vụ hỏa hoạn đã bùng phát trên lãnh thổ của một nhà máy Nga sản xuất thiết bị cho Quân đội của Putin, theo báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước.

Bảy người đã được giải cứu khỏi một tòa nhà đang bốc cháy dữ dội và lính cứu hỏa vẫn đang tìm kiếm nguồn gốc gây ra trận hỏa hoạn tai hại ở Nhà máy Động cơ Yaroslavl, ở thành phố Yaroslavl, nơi tự mô tả trên trang web của mình là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của Nga sản xuất động cơ diesel đa dụng, ly hợp, hộp số và phụ tùng thay thế.

Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết các sở cứu hỏa quanh vùng đã được thông báo về vụ cháy lúc 13h30 ngày thứ Năm 23 tháng Ba theo giờ địa phương. Những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những cột khói đen dày đặc bốc lên bầu trời.

Theo báo cáo phương tiện truyền thông địa phương, đã có một vụ nổ rất lớn trước khi xảy ra đám cháy.

“Bảy người đã được lính cứu hỏa giải cứu khỏi tòa nhà đang cháy, 218 người khác đã được ban quản lý cơ sở di tản. Bộ cho biết ngọn lửa hiện đang được khống chế.

Nhà máy xe hơi Yaroslavl cho biết trên trang web của mình rằng hơn 300 mẫu xe và sản phẩm chuyên dùng ở Nga và Belarus được trang bị động cơ do nhà máy này sản xuất.

Blogger và nhà phân tích người Nga Anatoly Nesmiyan cho biết trên kênh Telegram của mình rằng “có thứ gì đó khá nghiêm trọng đang bốc cháy” tại nhà máy, mặc dù không nói rõ đó có thể là gì. Nesmiyan mô tả nhà máy này là một trong những nhà sản xuất động cơ và hộp số lớn nhất cho các thiết bị của Quân đội Nga, bao gồm cả động cơ cho bệ phóng hỏa tiễn hạt nhân Topol-M.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, Topol-M là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn của Nga với tầm bắn 11.000 km hay 6.835 dặm.

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ hỏa hoạn bí ẩn ở Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Hôm thứ Hai, một phong trào đảng phái chống Putin của Nga có tên là Black Bridge hay Cầu Đen đã nhận trách nhiệm về vụ hỏa hoạn vào tuần trước tại một tòa nhà do Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, sử dụng ở thành phố miền nam Rostov-on-Don, gần biên giới Ukraine.

Black Bridge, một trong số các phong trào đảng phái ở Nga, đã gọi FSB là “thành trì của đạo đức giả, bạo lực và bất công” trong một bài đăng trên Telegram về vụ nổ và hỏa hoạn ngày 16 tháng 3.

Vụ hỏa hoạn tại Nhà máy Động cơ Yaroslavl có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào Putin, người đang thúc đẩy tăng cường sản xuất hỏa tiễn trong năm nay. Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã ra lệnh tăng gấp đôi sản lượng vũ khí dẫn đường chính xác.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

2. Các quan chức Ukraine nói rằng người Nga chịu tổn thất nặng nề ở ba điểm nóng dọc theo chiến tuyến. Cứ đánh tiếp kiểu này Wagner sẽ sớm hết quân.

Các quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã tiếp tục bắn phá khắp khu vực Donetsk, với hơn 200 cuộc tấn công vào khu vực Bakhmut chỉ trong 24 giờ qua - nhưng họ cho rằng người Nga đang mất hàng trăm người mỗi ngày trên chiến tuyến.

Theo Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của Nhóm phía Đông của các lực lượng vũ trang, thành phố Bakhmut phía đông vẫn là “trọng điểm tấn công chính của đối phương”.

Cherevatyi cho biết rất khó để biết liệu cường độ các cuộc tấn công của Nga xung quanh Bakhmut có giảm đi hay không vì các yếu tố như thời tiết, sự luân chuyển của các đơn vị hoặc lực lượng dự bị do người Nga đưa ra.

Tuy nhiên, ông cho biết chiến thuật của Nga vẫn giữ nguyên với các nhóm chiến thuật nhỏ “cố gắng làm suy yếu hệ thống phòng thủ của chúng tôi”. Ông cho biết các binh sĩ từ nhóm lính đánh thuê Wagner đang ở gần Bakhmut, và quân đội Nga sẽ tiếp viện khi cần thiết.

“Chúng ta hạ gục chúng. Trên thực tế, sẽ không còn chiến binh Wagner nào nữa nếu họ tiếp tục động lực như cũ,” Cherevatyi nói.

Cherevatyi đã phân biệt giữa trận chiến giành Bakhmut và trận chiến ở những nơi khác. Ông cho biết xa hơn về phía bắc, Wagner ít có bằng chứng xung quanh Lyman và Kupyansk, nơi các lực lượng chính quy của Nga, được hỗ trợ bởi lực lượng dân quân Luhansk, đã thực hiện hơn 400 cuộc tấn công trong ngày qua.

“Nhiệm vụ chính bây giờ là chống cự, tiêu diệt lực lượng của đối phương, trong khi các đơn vị đang được huấn luyện ở cả Ukraine và nước ngoài, được trang bị các thiết bị phòng thủ mới và phối hợp với nhau,” Cherevatyi nói.

Trong và xung quanh thị trấn Avdiivka, thuộc vùng Donetsk, các cuộc oanh tạc và không kích dữ dội của Nga tiếp tục nhằm vào các tuyến phòng thủ của Ukraine.

“Suốt thời gian chúng tôi ở trong thành phố, đã có những vụ nổ. Chúng tôi không thấy một tòa nhà nào không bị hư hại. Thật không may, vẫn còn thường dân ở Avdiivka. Mọi người sống trong các tầng hầm”.

Tuy nhiên, ông cho biết nhiều người dân không muốn rời đi, đặc biệt là người già, bất kể thành phố đã không có điện kể từ tháng 5 năm ngoái.

Ông nói rằng quân Nga đang cố vượt qua thị trấn “và những cuộc tấn công này liên tục đi kèm với pháo kích. Hôm qua, địch đã thực hiện 26 cuộc tấn công và bị tổn thất khá đáng kể. Hơn 100 người thiệt mạng và hơn 240 người bị thương,” ông tuyên bố. “Vào ban ngày, chúng tấn công với sự trợ giúp của máy bay, pháo binh và nhân lực. Họ đang chịu tổn thất nặng nề về nhân lực và thiết bị.”

3. Phó chủ tịch Duma quốc gia Nga kêu gọi xóa sổ Vương quốc Anh khỏi bề mặt trái đất, và khi đó, toàn thể thế giới sẽ răm rắp lắng nghe Putin và Tập Cận Bình, chiến tranh sẽ kết thúc.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Lawmaker Calls for Wiping U.K. off the Face of the Earth”, nghĩa là “Dân biểu Nga kêu gọi xóa sổ Vương quốc Anh khỏi bề mặt trái đất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Andrey Gurulyov, phó Duma Quốc gia Nga, vừa kêu gọi xóa sổ Vương quốc Anh khỏi mặt đất, cho rằng Anh là “kẻ chủ mưu chính” trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

Nhận xét của ông được đưa ra như một phần của phân đoạn truyền hình được đăng lên Twitter với phụ đề tiếng Anh của Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine.

“Chú ý, Vương quốc Anh! Các nhà tuyên truyền của Nga coi Vương quốc Anh là 'kẻ chủ mưu chính' và muốn kết thúc chiến tranh bằng cách 'gây thất bại nặng nề cho Anh'“, Gerashchenko đã tweet hôm thứ Năm khi ông chia sẻ một phần của phân đoạn truyền hình chiếu Gurulyov, người cũng là một nhà lãnh đạo quân sự Nga đã nghỉ hưu..

Gurulyov đã thẳng thắn về cuộc chiến, vì ông thường chỉ trích các đồng minh của Ukraine. Gần đây, ông cũng dự đoán rằng cuộc chiến sẽ không kết thúc trước năm 2027.

“... Điều đầu tiên cần làm là xé nát nước Anh, quét sạch nó khỏi mặt đất. Và trên thực tế, sau đó, mọi thứ sẽ kết thúc. Nó sẽ kết thúc, bởi vì chính nước Anh mới là kẻ khốn nạn chính. Và đó đất nước đứng đằng sau cái tên Mỹ, chính là chủ nhân của nó,” Gurulyov nói trong đoạn clip do Gerashchenko đăng tải.

Cựu chỉ huy Nga nói tiếp: “Kẻ xúi giục chính ở Âu Châu là Anh. Bằng cách gây ra một thất bại nghiêm trọng cho nước Anh, về cơ bản, toàn bộ cuộc chiến sẽ kết thúc. Và sau đó họ sẽ bắt đầu lắng nghe những gì tổng thống của chúng ta nói. Ngay lập tức, chấm dứt mọi chống đối. Họ sẽ bắt đầu lắng nghe những gì chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang nói. Sớm muộn gì điều đó cũng sẽ đến, và có lẽ đó là cách mọi sự sẽ kết thúc.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này tại Mạc Tư Khoa, thể hiện tinh thần đoàn kết Nga-Trung trước sức ép của phương Tây. Các nhà lãnh đạo đã đồng ý trong cuộc họp của họ để hợp tác trên một số mặt trận kinh doanh và kinh tế.

Cuộc chiến giữa các lực lượng Ukraine và Nga đã kéo dài qua các thành phố lớn, bao gồm Kyiv, Odesa và Kherson. Gần đây nhất, các trận chiến đã gia tăng ở Bakhmut, thuộc vùng Donetsk của Ukraine, nơi từng diễn ra trận chiến kéo dài nhiều tháng giữa lực lượng Nga và lực lượng bán quân sự chống lại quân đội Ukraine.

Mặc dù cuộc chiến của Putin vẫn chưa có hồi kết, Ukraine vẫn đang nhận được viện trợ nhân đạo và quân sự từ các quốc gia phương Tây. Vương quốc Anh là một trong những đồng minh hàng đầu của Ukraine, cung cấp cho quốc gia Đông Âu xe tăng và hệ thống pháo bổ sung vào đầu năm nay. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh đã cung cấp các đánh giá tình báo hàng ngày về cuộc chiến, những đánh giá này thường tiết lộ những thiếu sót của quân đội Nga.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin trong tháng này với cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh. Lệnh này là cáo buộc quốc tế chính thức đầu tiên kể từ khi ông xâm lược Ukraine.

ICC, cơ quan mà Nga không công nhận, đã buộc tội Putin bắt cóc và vận chuyển trái phép trẻ em Ukraine đến Nga, nơi nhiều em được các gia đình Nga nhận nuôi.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.

4. Ukraine đánh chặn hai hỏa tiễn hành trình của Nga bắn vào Odesa, các quan chức cho biết

Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng phòng không của họ đã đánh chặn hai hỏa tiễn hành trình bắn vào khu vực Odesa.

Bộ Tư lệnh Không quân miền Nam của Ukraine cho biết vào tối thứ Năm rằng “lực lượng phòng không đã bắn hạ hai hỏa tiễn dẫn đường không đối đất Kh-59 do các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga bắn từ Hắc Hải ở khu vực Odesa”.

Đây là lần thứ hai trong tuần này hỏa tiễn Kh-59 được bắn vào khu vực Odesa. Loại hỏa tiễn này được cho là dễ bị bắn hạ hơn hỏa tiễn hành trình Kalibr của Nga. Khuya thứ Hai rạng sáng thứ Ba, một vụ tấn công bằng máy bay không người lái đã làm nổ tung hàng trăm hỏa tiễn hành trình Kalibr của Nga đang được vận chuyển bằng đường sắt tại thị trấn Dzhankoy ở phía bắc bán đảo Crimea.

5. Zelenskiy nói rằng có thể giành chiến thắng trong năm nay nhưng cảnh báo các đồng minh về sự hợp tác không đầy đủ trong một số lĩnh vực

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có quan điểm lạc quan về việc kết thúc chiến tranh đối với các đồng minh Âu Châu của mình, đồng thời cảnh báo về một số lĩnh vực mà ông tin rằng cần phải cải thiện.

Ông nói, “nếu những nỗ lực chung của chúng ta kiên quyết tập trung vào chiến thắng của Ukraine, chiến thắng sẽ đạt được ngay trong năm nay.”

“Không ai biết chắc cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu và trận chiến nào sẽ mang lại thành công nhanh hơn cho chúng ta và trận chiến nào sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Nhưng điều rõ ràng là nếu không có sự chậm trễ hoặc đình trệ trong sự hợp tác của chúng ta, rằng nếu những nỗ lực chung của chúng ta kiên quyết tập trung vào chiến thắng của Ukraine, thì chiến thắng sẽ đạt được ngay trong năm nay”, ông Zelenskiy phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Âu Châu.

Tổng thống Ukraine cho biết ông đánh giá cao sự hỗ trợ của Âu Châu đối với công việc của Tòa án Hình sự Quốc tế và nỗ lực khởi động một kế hoạch bồi thường sẽ sử dụng hàng tỷ đô la tài sản bị tịch thu của Nga để phục hồi Ukraine.

Tuy nhiên, ông cho biết có một số lĩnh vực vẫn còn thiếu sự hợp tác:

Sự chậm trễ trong việc cung cấp hỏa tiễn tầm xa. Zelenskiy đề cập đến cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào thứ Tư chống lại Zaporizhzhia.

Ukraine cần máy bay chiến đấu hiện đại Zelenskiy cho biết ông rất biết ơn Ba Lan và Slovakia vì đã gửi những chiếc MiG 29 tới Ukraine – “nhưng chúng tôi cần máy bay hiện đại”.

Trì hoãn gói trừng phạt mới. Zelenskiy cho biết “những nỗ lực toàn cầu vẫn chưa đủ để ngăn Nga thích ứng với các lệnh trừng phạt và lách chúng thông qua các nước thứ ba.”

Hỗ trợ quốc tế cho công thức hòa bình của Ukraine. Zelenskiy cho biết ông đã sẵn sàng cho một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về điều mà ông gọi là “kế hoạch toàn diện và thực tế duy nhất để khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và bảo đảm an ninh cho người dân của chúng ta và cho toàn bộ Âu Châu”.

Zelenskiy cho biết Ukraine đang tiến triển trong việc phát triển các thể chế của mình theo tiêu chuẩn Âu Châu và “chuyển đổi thành một quốc gia hiện đại, chịu trách nhiệm hoàn toàn trước xã hội, không có tham nhũng và ổn định về mặt thể chế”. Điều quan trọng là con đường gia nhập Liên minh Âu Châu của họ không bị cản trở.

“Ukraine đã sẵn sàng cho quyết định bắt đầu đàm phán gia nhập tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu ngay trong năm nay.”

Zelenskiy kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách cảnh báo rằng “Nếu Âu Châu do dự, cái ác có thể có thời gian để tập hợp lại và chuẩn bị cho nhiều năm chiến tranh.”

6. Medvedev tấn công các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu là có sự sụt giảm nghiêm trọng về năng lực và chỉ có trình độ tiểu học

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng. Ông ta còn điên hơn nữa sau lệnh bắt giữ Putin của ICC. Hôm thứ Hai, ông ta táo tợn tuyên bố sẽ tấn công hạt nhân vào trụ sở của ICC ở Hà Lan, một quốc gia NATO.

Trong cuộc phỏng vấn với thông tấn xã TASS của Nga hôm thứ Năm, 23 tháng Ba, Medvedev đã bác bỏ mọi đề xuất đàm phán với các cường quốc Tây Âu, gọi đó là chuyện “vô ích” và tỏ ra khinh thường các chính trị gia phương Tây, cho rằng có “sự sụt giảm nghiêm trọng về năng lực và trình độ hiểu biết cơ bản của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu”. Ông ta đi xa đến mức cho rằng họ chỉ có trình độ tiểu học.

Tôi không ảo tưởng rằng chúng ta có thể sớm liên lạc lại với họ. Thật vô nghĩa khi đàm phán với một số quốc gia và các khối nhất định – họ chỉ hiểu ngôn ngữ của vũ lực.

Medvedev, người đứng đầu một ủy ban điều phối sản xuất vũ khí, đã chế giễu tuyên bố của phương Tây rằng Mạc Tư Khoa đang cạn kiệt vũ khí và cho biết các ngành công nghiệp vũ khí của Nga đã tăng sản lượng. Ông cho biết Nga sẽ sản xuất 1.500 xe tăng chiến đấu trong năm nay và đẩy mạnh sản xuất các loại vũ khí khác để đáp ứng nhu cầu của quân đội. Tuyên bố của ông không thể được xác minh độc lập.

“Điều quan trọng nhất bây giờ là sản xuất tất cả khối lượng cần thiết và chúng ta đang khai trương các nhà máy mới để thực hiện điều đó,” ông ta nói.

Medvedev cũng khoa trương rằng quân đội Nga đã có máy bay không người lái tình báo tốt nhưng thừa nhận rằng Nga vẫn chưa triển khai máy bay không người lái tấn công tầm xa.

7. Mạc Tư Khoa lên án nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan khi nước này tiến gần hơn đến việc gia nhập liên minh

Bộ Ngoại giao Nga một lần nữa lên án nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan, gọi đó là “không cân bằng” và “phản tác dụng” trong các bình luận được hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin hôm thứ Năm.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết trong một cuộc họp báo ở Mạc Tư Khoa: “Đối với quyết định gia nhập NATO của Phần Lan, quyết định này khó có thể được coi là cân bằng. Bà ta tuyên bố rằng quyết định này được đưa ra “dưới ảnh hưởng của một chiến dịch truyền thông chống Nga chưa từng có” và không có tranh luận công khai thích đáng.

“Chúng ta hiểu rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và một số đồng minh đứng sau chiến dịch chính trị này,” bà nói thêm mà không cung cấp bằng chứng.

Bà Zakharova cho rằng động thái này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình quân sự và chính trị ở Âu Châu. Nga đã nhiều lần khẳng định quyết định của Helsinki sẽ phản tác dụng và nó đã tác động tiêu cực đến quan hệ Nga-Phần Lan.

Một số bối cảnh: Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố ý định gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022, sau khi Nga xâm lược Ukraine khiến các nước Bắc Âu từ bỏ quy chế không liên kết đã có từ lâu.

Động thái này là một bước thụt lùi đối với Mạc Tư Khoa. Putin tuyên bố rằng một trong những lý do tấn công Ukraine là để ngăn chặn việc mở rộng của NATO. Tuy nhiên, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã xin gia nhập vào liên minh này.

Các đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển đã được hầu hết các nhà lãnh đạo NATO hoan nghênh, nhưng theo các quy tắc của liên minh, mọi quốc gia thành viên phải tán thành tư cách thành viên mới của quốc gia ứng viên.

Nỗ lực của Phần Lan đã có một bước tiến quan trọng khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi đã đồng ý bắt đầu quá trình phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan vào tuần trước.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã ký đạo luật phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO của nước này.

Quốc hội Thụy Điển đã thông qua đề nghị gia nhập NATO vào thứ Tư, nhưng chính phủ Thụy Điển vẫn phải chờ sự đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi.

8. Slovakia bàn giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine

Slovakia đã bàn giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Jaro Nad cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Năm.

Điều này diễn ra vài ngày sau khi nước này cam kết cung cấp 13 máy bay chiến đấu Mig-29 cho Ukraine, cùng với Ba Lan cam kết cung cấp 4 chiếc. Trong video này, do thông tấn xã UkrInform cung cấp, quý vị và anh chị em có thể thấy không quân Ukraine đang lái các máy bay rời khỏi Slovakia về Ukraine.

Về vấn đề lợi thế quân sự, Nga đã bác bỏ, tuyên bố việc tặng thêm các máy bay MiG thời Liên Xô cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tiến trình của cuộc xung đột. Đó có thể là lý do tại sao chính những chiếc F-16 - chứ không phải MiG - thực tế lại nằm ở vị trí hàng đầu trong danh sách mong muốn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

MiG-29 là máy bay tương tự, sử dụng công nghệ bay cũ hơn. Những chiếc F-16 được tìm kiếm của Zelenskiy là kỹ thuật số. MiG có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ chiến đấu ngắn, chúng có thể triển khai vũ khí và bắn hạ máy bay Nga với khả năng cơ động tốt ở cự ly ngắn. Nhưng F-16 có thể bay lâu hơn, linh hoạt hơn, sở hữu các hệ thống vũ khí tích hợp và có khả năng radar tầm xa tốt hơn đáng kể, do đó cung cấp khả năng cảnh báo sớm khi bị đối phương tấn công.

9. Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết 6 xe tăng chiến đấu hiện đại đầu tiên sẽ tới Ukraine vào cuối tuần tới

Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng Tây Ban Nha dự kiến sẽ gửi chuyến hàng xe tăng chiến đấu hiện đại đầu tiên tới Ukraine vào cuối tuần tới, sau khi các quan chức nước này hoàn thành các cuộc thử nghiệm bắn lần cuối trên thực địa.

Tuyên bố cho biết 6 xe tăng Leopard 2A4 đã được kiểm tra lần cuối tại một nhà máy sản xuất vũ khí gần Seville, miền nam Tây Ban Nha.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles đã đến thăm nhà máy hôm thứ Năm và cho biết thêm 4 xe tăng Leopard cung cấp cho Ukraine sẽ sớm đến đó để kiểm tra và thử nghiệm.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo nhóm quân nhân Ukraine đầu tiên học cách vận hành xe tăng Tây Ban Nha đang kết thúc khóa huấn luyện tại một căn cứ quân sự ở miền bắc Tây Ban Nha.

Một số thông tin cơ bản: Robles ban đầu nói với quốc hội Tây Ban Nha vào tháng trước rằng nước này sẽ gửi sáu xe tăng Leopard tới Ukraine.

Một ngày sau, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv nhân kỷ niệm ngày Nga xâm lược. Ông đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và tuyên bố Tây Ban Nha sẽ thực hiện cam kết chuyển giao 10 xe tăng Leopard.

Tây Ban Nha dự kiến sẽ gởi thêm các xe tăng Leopard đời cũ hơn.

10. Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ tiêu tốn 411 tỷ đô la để tái thiết từ cuộc chiến ở Ukraine

Theo đánh giá cập nhật của Ngân hàng Thế giới, chi phí ước tính cho các nỗ lực tái thiết ở Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga đã lên tới 411 tỷ USD.

Theo ngân hàng, con số này gấp 2,6 lần GDP ước tính của đất nước vào năm 2022. Nó bao gồm thiệt hại trực tiếp ước tính khoảng 135 tỷ đô la – chủ yếu đối với các lĩnh vực nhà ở, giao thông, năng lượng, thương mại và công nghiệp. Phần lớn thiệt hại tập trung ở các khu vực tiền tuyến phía đông, bao gồm Donetsk, Kharkiv và Luhansk.

Ước tính chi phí cập nhật bao gồm thiệt hại phát sinh trong khoảng thời gian một năm sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Nó đánh dấu mức tăng so với ước tính 349 tỷ đô la của ngân hàng vào tháng 6 năm 2022.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết: “Số lượng thiệt hại và nhu cầu phục hồi hiện không bao gồm dữ liệu về thiệt hại cơ sở hạ tầng, nhà ở và cơ sở kinh doanh tại các vùng lãnh thổ bị xâm lược”. “Khi lực lượng phòng vệ giải phóng chúng, chúng ta hy vọng rằng dữ liệu sẽ được bổ sung và Chính phủ sẽ ngay lập tức bắt đầu công việc khôi phục ở những vùng lãnh thổ này.”

Chi phí tái thiết là đánh giá chung của chính phủ Ukraine, Nhóm Ngân hàng Thế giới, Ủy ban Âu Châu và Liên Hiệp Quốc.
 
Nhà trừ tà: Bàn cầu cơ bán trên Amazon để xưng tội và nói chuyện với Chúa Thánh Thần là trò ma quỷ
VietCatholic Media
05:05 24/03/2023


1. Nhà trừ tà cảnh báo hết sức nguy hiểm về bàn cầu cơ nói chuyện với Chúa Giêsu bán trên Amazon

Đó là một trò chơi nguy hiểm và lừa đảo. Một nhà trừ tà đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng về trò chơi được gọi là “board game” được bán trên Amazon. Bất kể vẻ bề ngoài trông thanh nhã, nó cực kỳ nguy hiểm.

Cha Ernesto María Caro đã chia sẻ một video trên kênh YouTube “Truyền giáo kỹ thuật số”, trong đó cha cảnh báo về “Holy Spirit Board” hay bàn cầu cơ Chúa Thánh Thần.

Đó là một trò chơi tự xưng là giao tiếp với Chúa, nhưng “nó là một trò cầu cơ trá hình”.

“Đây là bói toán, và nó bị cấm bởi Kinh thánh. Chiếc bàn này được coi là một trò chơi mà người ta có thể giao tiếp trực tiếp với Chúa Giêsu Kitô,” vị linh mục giải thích.

Người ta quảng cáo rằng, những người sử dụng thực hành này có thể xưng tội trực tiếp với Chúa thay vì phải xếp hàng ở các tòa giải tội. Họ cũng có thể tìm kiếm câu trả lời từ Chúa. Cha Caro khẳng định rằng Chúa không trả lời theo cách này.

Cha Caro nói: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm và trả lời một cách bí nhiệm”.

“Không phải là Chúa không nghe thấy chúng ta. Ngài không thể nào mà lại không nghe chúng ta, bởi vì Thánh Tông đồ Phaolô nói rằng trong Ngài chúng ta hiện hữu, chúng ta hiện hữu và trong Ngài chúng ta di chuyển. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng Thiên Chúa hiện diện hơn chính chúng ta. Vì vậy, Ngài luôn lắng nghe chúng ta, nhưng điều chúng ta cầu xin không phải lúc nào cũng phù hợp với thánh ý Chúa.”

“Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được câu trả lời mình thích,” vị linh mục nói. “Chúng ta muốn biết liệu cha mẹ của chúng tôi có ở trên thiên đường hay không, tôi sẽ làm gì ở hội chợ, v.v. Và đó là những gì mọi người làm khi họ đến gặp thầy phù thủy, khi họ sử dụng ouija hay bàn cầu cơ, nó không gì khác hơn như thế – nó là một ouija trá hình “.

Sau đó, vị linh mục cảnh báo: “Chúa không trả lời như thế này. Nếu cái bàn tự di chuyển, kẻ di chuyển nó là ma quỷ. Làm ơn hãy hiểu điều đó.”

“Thiên Chúa muốn chúng ta sống trong mầu nhiệm của Ngài: đó là chúng ta sống bằng đức tin vào Ngài. Hãy tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Ngài trong lời cầu nguyện của anh chị em, tìm kiếm Ngài trong các bí tích, tìm kiếm Ngài trong Lạy Chúa; đừng tìm kiếm Chúa bằng bảng cầu cơ. Đừng nghĩ rằng một sản phẩm thương mại… sẽ giúp anh chị em và giải quyết khó khăn trong cuộc sống của anh chị em”.

“Điều tệ hại nhất là nếu chiếc bàn tự di chuyển, bởi vì kẻ di chuyển nó là ma quỷ. Tôi nói với anh chị em, với tư cách là nhà trừ quỷ của Giáo phận Monterrey, chính ma quỷ làm ra điều đó”.

“Ma quỷ không ngủ – ma quỷ luôn tìm kiếm những chiến thuật mới – những cách thức mới để đưa chúng ta vào mạng lưới của chúng, và cái bảng này là một trong số đó.”

2. Thư chung của Hội đồng Giám mục Ba Lan về những vụ tấn công thánh Gioan Phaolô II

Trong khóa họp toàn thể Lần thứ 394 vừa qua, Hội đồng Giám mục Ba Lan đã thông qua một Thư chung, để đọc trong tất cả các thánh đường toàn quốc, chống lại những cuộc tấn công của báo chí và dư luận trong thời gian gần đây đối với thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng.

Hồi thượng tuần tháng Ba này, một phim tài liệu mới của ông Gutowski mang tựa đề: “Franciszkanska 3” (địa chỉ Tòa Tổng Giám mục ở Karkow) đã được trình chiếu trên một đài truyền hình thương mại ở Ba Lan, trong đó ông cáo buộc Đức Hồng Y Wojtyla là đã thuyên chuyển các linh mục lạm dụng từ Karkow sang các giáo phận khác, và sang cả nước Áo, trong thời kỳ ngài cai quản giáo phận từ năm 1964 đến khi được bầu làm Giáo hoàng, năm 1978. Những tài liệu tác giả cuốn phim sử dụng để cáo buộc Đức Hồng Y Wojtyla là những hồ sơ của cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan.

Ngoài cuốn phim trên đây, có một cuốn sách cũng nhắm cáo buộc Đức Hồng Y Wojtyla theo chiều hướng tương tự. Sách mang tựa đề: “Lỗi tại tôi mọi đàng. Gioan Phaolô II đã biết”, do ký giả Ekke Overbeek người Hòa Lan biên soạn. Trong sách, ông cáo buộc Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi còn làm Hồng Y đã ém nhẹm và không giải quyết đúng những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Tác giả những cuộc tấn công này cũng bày tỏ nghi ngờ về việc phong thánh cho Đức Giáo hoàng Ba Lan.

Các chuyên gia Ba Lan đã bác bỏ lập luận tấn công trên đây. Cả Tổng thống, Thủ tướng và Quốc hội Ba Lan và Hội đồng Giám mục nước này đã lên tiếng bênh vực thánh Giáo hoàng. Nay Hội đồng Giám mục công bố Thư chung, trong đó các giám mục đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta đang cho phép mình bị tước mất kho tàng quý báu [là thánh Gioan Phaolô II], dựa trên căn bản một cuộc thảo luận về những tài liệu, hồ sơ, do cơ quan mật vụ cộng sản tạo ra?”

Trong thư, các giám mục Ba Lan cũng nhắc lại lời tuyên bố của Thị trưởng Roma, nhân dịp lễ phong chân phước cho vị Giáo hoàng Ba Lan. Ông nói: “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã để lại một dấu tích không thể xóa nhòa trong lịch sử Kitô giáo và trong lịch sử các dân tộc Âu châu và toàn thế giới. Đức Thánh Cha Wojtyla đã trở thành biểu tượng, một vị hướng dẫn cho các tín hữu cũng như những người không tin. Ngài là vị Giáo hoàng đã góp phần quyết định vào việc lật đổ chế độ cộng sản và mọi thứ lý thuyết nhắm làm tiêu hao phẩm giá và tự do của con người”.

Sau khi liệt kê những đức tính chính yếu của Đức Gioan Phaolô II, Hội đồng Giám mục Ba Lan viết: “Đứng trước những toan tính rộng lớn làm mất uy tín của thánh Gioan Phaolô II và sự nghiệp của ngài, một lần nữa, chúng ta kêu gọi mọi người hãy tôn trọng ký ức về một trong những người đồng hương trổi vượt nhất của chúng ta. Tiến trình phong thánh được tiến hành với sự phân tích sâu rộng về lịch sử và khoa học, không để chỗ cho sự nghi ngờ về sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II. Cả những tài liệu của cơ quan mật vụ SB cộng sản Ba Lan cũng cho thấy mức độ rộng lớn của các biện pháp canh chừng Đức Hồng Y Karol Wojtyla”.

Các giám mục Ba Lan cũng khẳng định rằng phán đoán của Giáo hội về sự thánh thiện của một người không dựa trên những quyết định cá nhân hoặc thiếu những quyết định ấy. Toàn thể cuộc sống và hoạt động của một người được cứu xét và những thành quả từ đó mà ra. Trong tư cách là Giáo hoàng, thánh Gioan Phaolô II đã liệt kê sự thiệt hại gây ra cho một trẻ em trong lãnh vực tính dục vào số những tội ác nặng nhất. Ngài buộc mọi Hội đồng Giám mục trên thế giới thiết lập những quy luật chuyên biệt để giải quyết những vụ lạm dụng ấy. Trung thành với huấn thị của ngài, ngày nay chúng ta quan tâm đối với sự an toàn của người trẻ trong các tổ chức của Giáo hội. Chúng ta cảm thấy phải lắng nghe và trợ giúp cụ thể cho những người bị thương tổn vì những người của Giáo hội. Chúng ta cám ơn tất cả những người đã can đảm và cương quyết bảo vệ thanh danh của thánh Gioan Phaolô II.

Sau cùng, Hội đồng Giám mục Ba Lan kêu gọi đừng lạm dụng con người của Đức Giáo hoàng Ba Lan vào những mục tiêu chính trị hiện nay, đồng thời các vị khuyến khích các tín hữu cầu xin thánh Gioan Phaolô II chuyển cầu cho Giáo hội và cộng đồng quốc gia Ba Lan.

3. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc tố giác bách hại Kitô hữu

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Đức Tổng giám mục Fortunatus Nwachukwu tố giác rằng “trong những năm gần đây có sự gia tăng bạo lực và các biện pháp đàn áp. Các tín hữu thường không được quyền biểu lộ và thực hành tín ngưỡng của họ, khi điều này không đe dọa an ninh công cộng hoặc vi phạm các quyền của người khác”.

Đức Tổng giám mục Nwachukwu người Nigeria bày tỏ lập trường trên đây, hôm 21 tháng Ba vừa qua, tại Khóa họp thứ 52 của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Ngài mới được Đức Thánh Cha chỉ định làm Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin mừng và sẽ về Vatican nhận nhiệm sở trong thời gian tới đây.

Trong bài tham luận, Đức Tổng giám mục cũng nói rằng: “Ngày nay, cứ bảy người dân thì có một tín hữu Kitô bị bách hại”. Ngài trưng dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hòa bình cũng đòi phải nhìn nhận phổ quát quyền tự do tôn giáo. Thật là điều đáng lo âu vì có những người bị bách hại chỉ vì họ công khai tuyên xưng niềm tin của họ, và tại nhiều nước tự do tôn giáo bị giới hạn. Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong những hoàn cảnh như thế”.

Đức Tổng giám mục Nwachukwu tố giác sự gia tăng các biện pháp đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số từ phía một số chính quyền quốc gia. Ngoài ra, có những vụ xúc phạm và phá hoại các nơi thờ phượng, các địa điểm tôn giáo, cũng như các cuộc tấn công các vị lãnh đạo tôn giáo. Những vụ đó ngày càng trở nên thường xuyên”.

Theo vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, một điều gây lo âu không kém, đó là “tại một nước, dưới chiêu bài bao dung và bao gồm mọi người, sự kỳ thị được thực hiện một cách tinh vi và xảo quyệt hơn. Ngày càng có những quốc gia áp đặt những hình thức kiểm duyệt khác nhau, thu hẹp khả thể biểu lộ xác tín của tín hữu, hoặc công khai hoặc về mặt chính trị, viện cớ là để ngăn chặn việc làm tổn thương sự nhạy cảm của người khác”. Làm như thế là “đánh mất những cơ hội đối thoại lành mạnh và cả những lời phát biểu công khai. Khi không gian ấy bị thu hẹp, thì cũng giảm bớt quyền căn bản về tự do tôn giáo của chúng ta, kể cả tự do tư tưởng và tự do lương tâm, vốn là một tiền đề không thể thiếu được để đạt tới hòa bình và xây dựng một xã hội công bằng”.
 

Liên Hệ: Contact Us: bbt@vietcatholicint.com
© 2023 - VietCatholic News - Designed by J.B. Đặng Minh An