Ngày 12-10-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ 28 Mùa Quanh Năm 13/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:19 12/10/2024

BÀI ĐỌC 1  Kn 7:7-11

Bài trích sách Khôn ngoan.

Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.

Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.

Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.

Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan.

Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.

Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.

Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.

Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Hr 4:12-13

Bài trích thư gởi tín hữu Híp-ri.

Thưa anh em, lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.

Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Alleluia, Alleluia!
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Alleluia

TIN MỪNG  Mc 10:17-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”

Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”

Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”

Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Đó là Lời Chúa.
 
Chui qua lỗ kim
Lm. Minh Anh
13:45 12/10/2024
CHUI QUA LỖ KIM
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”.

“Lỗ kim” ám chỉ một trong những cánh cổng ở các bức tường bao quanh thành thánh Giêrusalem. Sau khi trời tối, cánh cổng sẽ đóng lại và cách duy nhất để vào thành là đi qua một cánh cửa nhỏ ở giữa cánh cổng đó. Một người có thể đi qua nó bằng cách cúi xuống, nhưng một con lạc đà thì không thể trừ khi nó quỳ gối và bò qua. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực và chỉ dẫn từ người chủ của nó, nhưng đó là điều có thể!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật một câu chuyện không vui về một thanh niên giàu có; trước lời đề nghị của Chúa Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi. Và Ngài kết luận, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”. Điều này khiến các môn đệ kinh ngạc. Nhưng kinh ngạc hơn - và cũng thú vị hơn - Lời Chúa mời gọi các môn đệ, mời gọi bạn và tôi ‘chui qua lỗ kim!’.

Câu chuyện muốn nhấn mạnh rằng, vào Nước Thiên Chúa, chẳng dễ chút nào! Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đang nói về một người giàu dễ trở nên gắn bó với của cải đến mức người ấy không đạt được sự giàu có thiên đàng như thế nào. Ngài mời anh từ bỏ sự giàu có dưới đất để đạt được sự trù phú trên trời. Đầy yêu thương, Ngài nói với anh, “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi!”. Nghe vậy, anh ủ rũ bỏ đi.

Lòng tham của và sự gắn bó với vật chất rõ ràng có khả năng huỷ hoại một tâm hồn. Đó là một sự thật! Nhưng lời dạy này cũng áp dụng cho mọi hình thức gắn bó khác. Khi chúng ta dính mắc vào bất kỳ tội lỗi nào ở mức độ nghiêm trọng và từ chối tách mình khỏi tội lỗi đó, chúng ta sẽ không vào được Vương Quốc.

Chứng kiến sự gắn bó tiền bạc của người bạn trẻ; và sau đó, nghe Chúa Giêsu nói đến sự khó khăn để vào Nước Trời, các môn đệ kinh ngạc, và điều này sẽ thách thức họ. Điều đó là tốt! Tốt vì nó cho thấy họ cũng phải xét mình về những ràng buộc không mấy thánh thiện của mình. Thấy chàng bỏ đi, họ nghĩ đến những gì họ đang vướng mắc. Sự kinh ngạc trong trường hợp này là sự nhận thức thánh thiện rằng, họ phải thay đổi! Tuy nhiên, khi một người thực sự muốn thay đổi và được giải thoát khỏi những ràng buộc thì sẽ không còn bất kỳ trói buộc nào khiến họ tần ngần trước những đòi hỏi của Chúa nữa. Mục tiêu cuối cùng là ‘chui qua lỗ kim’ để trở nên một môn đệ đích thực và việc trở nên này mời gọi họ ‘quỳ gối, bò qua’ để bắt đầu một lối sống mới.

Anh Chị em,

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn”. Vậy ‘lỗ kim’ của bạn mang dáng dấp và thuộc loại hình nào? Nếu bạn muốn ‘chui qua lỗ kim’, bạn phải toàn tâm toàn ý cam kết. Chúa Giêsu không ngần ngại đòi hỏi bạn phải hoàn toàn đầu phục cuộc sống mình cho Ngài. Hãy suy gẫm về những ràng buộc bạn đang vướng mắc và biết rằng, Ngài đang nói với bạn về những ràng buộc này. Hãy vượt qua mọi kinh ngạc và biến sự phục tùng không lay chuyển theo ý muốn của Chúa thành lối sống của bạn. Đây là cách duy nhất để bạn bước vào cánh cổng Vương Quốc.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con tháo cởi những gì cồng kềnh vướng bận, hầu con có thể quỳ gối và bò qua ‘lỗ kim’ Chúa muốn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Những ánh nhìn của Chúa Giêsu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
13:49 12/10/2024
NHỮNG ÁNH NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cung cấp cho ta về BA ÁNH NHÌN của Chúa Giêsu:

1. ÁNH MẮT TRÌU MẾN.

Một người (Tin Mừng theo thánh Matthêô, đó là một "thanh niên") chạy đến quỳ xuống và gọi Chúa là "Thầy nhân lành" rồi hỏi: "Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?".

Chúa nhắc lại những nguyên tắc và luật luân lý để trả lời. Người thanh niên thật tốt, anh hết sức chu toàn và không có gì đáng trách. Điều đáng quý là, anh còn muốn vượt lên trên những gì anh đã từng sống. Anh muốn sống một lối sống trọn vẹn, một lối sống cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn trong tinh thần của một người vượt lên trên khả năng con người để tiến sâu vào tình yêu của Thiên Chúa, để gần hơn với sự hoàn hảo trong ơn gọi thánh thiện.

Chúa quý mến anh. Chúa nhìn anh bằng cái nhìn nồng nhiệt, dịu dàng, trìu mến, yêu thương: "Chúa chăm chú nhìn anh ta, Ngài yêu mến anh".

Trong chính cái nhìn đầy thiện cảm ấy, Chúa tiếp tục mời gọi anh đi xa hơn trên con đường hoàn hảo: Hãy cho người nghèo tài sản. Hãy cho người nghèo tất cả những gì anh đang sở hữu.

Thật phũ phàng. Chúa chỉ có thể trao cho anh ánh nhìn và dừng lại bằng một ánh nhìn, dù thiện cảm. Anh thất bại trong cuộc chiến giữa theo Chúa và từ bỏ vật chất. Anh không thể trở thành người nghèo với Chúa. Anh không thể là người nghèo trong số những người nghèo. Anh không thể đứng chung hàng ngũ đoàn môn đệ, những người phải thực sự giữ vững tinh thần nghèo khó.

2. ÁNH MẮT CẢNH BÁO VÀ ĐÁNH THỨC.

Sau khi người thanh niên bỏ đi, "CHÚA ĐƯA MẮT NHÌN CHUNG QUANH" và đúc kết: "Người giàu vào nước Thiên Chúa khó biết bao!". Đó là CÁI NHÌN CẢNH BÁO VÀ ĐÁNH THỨC.

Chúa muốn cảnh báo người nghe, nguy cơ lớn của sự giàu, sự tích trữ của cải. Kẻ có nhiều của cải thì để tâm vào của cải: "Kho tàng ở đâu thì lòng trí ở đó" (Lc 12,34), cho nên phải chọn: một là Thiên Chúa, hai là tiền của.

Lời Chúa "sắc như gươm hai lưỡi". Người thanh niên có thiện chí muốn nên thánh thiện và hoàn hảo hơn, nhưng bị vật chất cản bước. Anh tiếc của, còn Chúa, chắc chắn cũng tiếc khi phải để một người thiện chí ra đi.

Từ câu chuyện với người thanh niên, Chúa cảnh báo chúng ta, và dạy người giàu phải cảnh giác. Họ cần cắt đứt những ràng buộc vật chất thì mới có cơ hội vươn cao lên, mới có cơ hội theo Chúa đúng nghĩa nhất.

Bằng mối liên hệ thực tế từ chính người giàu mất cơ hội theo Chúa, Chúa đánh thức niềm tín thác của khán giả. Họ phải chọn Chúa, đừng chọn của cải. Họ phải đặt cuộc đời họ trong tay Chúa, đừng xem của cải là bảo đảm của đời sống. Đừng đặt sự giàu có thành vận mệnh chính thức của đời mình. Chúa đánh thức người tín hữu khả năng chọn Chúa và ly thoát sự giàu có. Chúa đánh thức mỗi người khả năng chọn Chúa làm chủ thay cho mọi thứ đam mê.

3. ÁNH MẮT BAO DUNG.

Trong khi môn đệ hết sức chưng hửng, hết sức kinh ngạc trước lời phán: "Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa";

Trong khi môn đệ đang chuyền tai nhau: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?", thì Chúa Giêsu lại trao cho các ông một ÁNH NHÌN mới.
Thánh Marcô viết tiếp: "Chúa Giêsu chăm chú NHÌN các ông". Cùng lúc Chúa khẳng định: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".

Dù quả quyết người giàu khó vào Nước trời, Chúa vẫn bày tỏ tình yêu bằng ánh nhìn bao dung, ánh nhìn của lòng thương xót, của sự cứu rỗi.

Đáng tiếc, người thanh niên khước từ ngay ánh nhìn đầu tiên của Chúa, anh không còn cơ hội lãnh nhận bất cứ ánh nhìn nào khác mà Chúa dành cho.

Nếu trước đây anh vui mừng, hy vọng đi tìm con đường trọn lành bao nhiêu, giờ đây anh càng giập tắt niềm vui và hy vọng bấy nhiêu.
Trước đây anh phấn khởi bao nhiêu để tìm gặp Chúa, giờ đây anh trở về với sự lạnh giá của con tim bấy nhiêu.

Ai dám từ bỏ sở hữu để giải phóng mình khỏi mọi ràng buộc của bất cứ sự giàu có nào ở đời, người đó thực sự rảo bước trên con đường tự do để đến với Chúa, chiếm hữu Chúa và dễ dàng trải rộng trái tim cho tình yêu, cho lòng nhân ái. Có như vậy, họ mới thực sự thừa hưởng niềm vui của sự trao ban.

Chúng ta hãy để ánh nhìn của Chúa soi rọi trên cuộc đời và lý tưởng của mình, để không bị mù quáng trước bất cứ cám dỗ nào của thế gian.

Chúng ta hãy từng bước và luôn hướng về phía Chúa để nhận ra ánh mắt của Chúa, nhờ đó, thường xuyên khám phá những ánh nhìn mà Chúa trao để ngày càng tiến xa hơn, sâu hơn vào chính Chúa, Đấng là cả một vũ trụ của lòng yêu thương, của những ân tình và của ơn cứu rỗi vĩnh cửu.
 
CN 28B. BA THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TIỀN BẠC
Anphong Nguyễn Công Minh ofm
15:28 12/10/2024
CN 28B. BA THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TIỀN BẠC

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành, nhưng đã bỏ qua lời khuyên của Chúa để nên trọn lành, là hãy về bán hết của cải, phân phát cho người nghèo, rồi đến theo Chúa. Chàng đã buồn rầu bỏ đi vì chàng rất giàu có tiền bạc. Ta hãy mượn bài gợi ý của Đgm Bùi Tuần để suy gẫm về tiền.

Tiền không biết nói, nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về đồng tiền. Tuy nhiên nói chưa nhiều bằng nghĩ. Mấy gia đình không có những người nghĩ đến tiền, dù chỉ trong một buổi.

Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền. Cần mà không dễ có. Muốn có phải lo tìm. Tìm hoài vẫn thường không đủ. Không đủ nên mới lại cần; cái vòng lẩn quẩn đó dắt con người làm quen với tiền. Từ quen tới quen thuộc. Từ quen thuộc tới quen thân, cứ thế đồng tiền ung dung đi vào cuộc đời con người bằng đủ mọi đường mọi ngả.

Đồng tiền là vật chất nhưng nó không như sự vật khác. Dù rách, dù hôi nó vẫn được quí. Dù đẹp dù xấu nó vẫn được yêu. Dù mới tinh còn thơm mùi mực in hay cũ kỹ nhầu nát, nó vẫn được cất giữ. Phải chăng tương quan giữa người và tiền có gì đặc biệt?

Ta có thể kể ra 3 tương quan :

1- CON NGƯỜI CẦN TIỀN.

Con người cần tiền không phải vì tiền. Mà con người cần tiền vì tiền cho những trị giá : cho những trị giá vật chất và cho cả trị giá tinh thần. Trị giá vật chất là tôi cần ăn, tiền cho tôi những ký gạo. Tôi cần uống, tiền cho tôi chai nước cam. Tôi cần mặc, tiền cho tôi quần áo. Tôi cần nơi ở, tiền cho tôi mái nhà… Trị giá tinh thần là khi tôi cầm tiền trao cho một người túng thiếu, tôi không mua được cái gì vật chất, nhưng tôi có niềm vui vì đã giúp đỡ. Trị giá tinh thần là khi tôi mua một cuốn sách: sách kiến thức mở mang tâm trí tôi, sách thiêng liêng, dạy tôi kết hợp với Chúa hơn. Sách nhân bản giúp tôi sống xứng đáng là người nhất. Một con người hơn con vật nhờ tinh thần. Linh ư vạn vật

Trị giá tinh thần cũng có thể là những ngày nghỉ ngơi, những giờ giải trí, những phút vui chơi, tạo thảnh thơi tâm hồn. Phải có tiền mới có những giá trị đó. Dùng tiền để mua những nhu cầu, những cái cần thiết cho cuộc sống: đó là thái độ thông thường nhất của những con người trong tương quan với tiền. Con người cần tiền.

Nhưng người ta cũng thường nói: 'Được voi đòi tiên', Muốn được tiên, phải có tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Vì thế, từ “cần tiền”, con người khi thấy mãnh lực hấp dẫn của nó sẽ dễ dàng chuyển sang mê tiền.

2- CON NGƯỜI MÊ TIỀN.

Khi thấy đồng tiền không chỉ mua được những trị giá vật chất và tinh thần cần thiết, mà còn có thể mua được nhiều cái hơn thế nữa, nhất là trong xã hội tư bản, chuộng đồng tiền, thì người ta mê tiền, khi mê thì ca tụng nó:

Đồng tiền là tiên là phật – Là sức bật của tuổi trẻ, Là sức khoẻ cuả tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý. Ôi đồng tiền, hết ý.

Rồi nhìn vào xã hội, thấy người có nhiều tiền được kính nể. Nghề có nhiều tiền được coi là nghề quí. Người khéo làm ra tiền được coi là người giỏi… vì thế mà đồng tiền lôi cuốn người ta theo nó. Con người trở thành kẻ mê tiền, để, có tiền thì được kính nể, được khen là người giỏi, nhanh nhẹn tháo vát thành công. Để được gọi là ông : “Còn tiền còn bạc còn đệ tử – Hết cơm hết gạo hết ông tôi” (N.B.Khiêm)…

Con người cần tiền để giải quyết các nhu cầu. Mà nhu cầu thì diễn ra hàng ngày. Do đó con người có thói quen dùng tiền. Mà thói quen nào cũng có thể chuyển thành đam mê. Quen chơi bài thành mê bài bạc. Quen chọi gà thành mê đá gà. Quen dùng tiền, thấy tiền tiện lợi, bỏ túi được, đưa cho ai họ cũng nhận không trả giá kỳ kèo như khi trao đổi đồ vật – thì mê tiền. Mê đến cực độ thì mù quáng. Ta gọi đó là tương quan thứ ba:

3- CON NGƯỜI THỜ TIỀN.

Đam mê cái gì quá mức thì tôn thờ cái đó: trở thành mù với tất cả mà chỉ sáng thấy với cái mình thờ. Người ta nói đâm mê sắc dục thì mù quáng nhất. Nhưng thiết tưởng tính mê tiền cũng mù quáng không kém. Người đam mê sắc dục tới độ nào đó sẽ biết mình lỗi lầm, hối hận. Còn người mê tiền thì có thể mơ đến nó suốt đêm, bàn đến nó suốt ngày, vơ vét nó suốt tháng và tích trữ nó cả năm mà vẫn không thấy (mù quáng) vấn đề ít ra thỉnh thoảng cần xét lại. Họ tự phụ trong cái mê đó. nhiều khi còn mặc cho nó chiếc áo đạo đức: tôi kiếm tiền như thế mới giúp đỡ kẻ khó, mới mở rộng Nước Chúa được, mới đủ điều kiện giáo dục con cháu.

Bây giờ thử hỏi chúng ta có phải là kẻ mê tiền không thì chắc gần như 99% ta sẽ trả lời là không, huống hồ là câu hỏi ta có thờ tiền không – thì càng trăm phần trăm “no way”. Vì trên bàn thờ của ta trong gia đình vẫn là Trái Tim Chúa chứ đâu có đồng bạc nào. Ta đâu có thờ nó.

Nhưng ta không để tiền trên bàn thờ mà để trong lòng trong trí ta hầu lúc nào cũng nhớ đến nó, –thì còn thờ nó hơn 100 lần ta để trên bàn thờ. Mà có cái lạ là càng giàu càng nghĩ tới nó. Thử làm một quan sát nhỏ : Mỗi tuần có một thánh lễ Chủ nhật, tạm gọi là giờ thờ phượng Chúa đúng nghĩa. Nhưng thử xem ai là kẻ đến trễ, ai là kẻ về sớm, ai là kẻ không đi? Hình như xã hội, lớp người càng khá giả ra, càng làm ra tiền thì càng xa Chúa hơn. Ấy là chưa nói thánh lễ giờ kinh ngày thường.

Đồng tiền là khúc ruột. Đụng tới tiền bạc là đụng tới khúc ruột của nhiều người. Muốn đụng tới mà không đau, cần phải có nhiều giờ để rào trước đón sau, diễn giải dẫn dụ, nhưng điều đó lại không làm được trong giờ phút ngắn ngủi chia sẻ Lời Chúa này vì cũng còn phải kết thúc sớm đặng về lo làm ăn kiếm tiền –dù hôm nay là CN nữa chứ !

Nhưng ta nhớ rằng Chúa Giêsu nói không ai có thể thờ hai chủ : vừa thờ Thiên Chúa vừa thờ Tiền ! Cái nguy cơ là ta thờ tiền mà ta không biết. Xin cho lời kinh Tin Kính mà ta sắp tuyên xưng trong đó ta tuyên xưng chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất, chỉ tin kính mình Ngài, luôn ở mãi trong tâm trí ta, để dù bận rộn làm ăn, ta vẫn không đặt Chúa bên lề, đặt tiền trên cao. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh

(lấy gần như toàn bài của Đgm Bùi Tuần)

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha chào đón Tổng thống Ukraine Zelensky tại Vatican lần thứ ba
Thanh Quảng sdb
03:18 12/10/2024
Đức Thánh Cha chào đón Tổng thống Ukraine Zelensky tại Vatican lần thứ ba

Đức Thánh Cha chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Vatican lần thứ ba và tiếc thương rằng nhiều trẻ em Ukraine đã bị cướp mất đi những nụ cười!...

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục cướp đi vô số sinh mạng, Đức Thánh Cha đã làm một cuộc gặp lần thứ ba tại Vatican với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với Tổng thống Zelensky về nỗi đau của trẻ em Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều em đã mất đi những nụ cười.

Cuộc gặp kéo dài 35 phút diễn ra tại Cung điện Tông tòa Vatican vào sáng thứ Sáu (13/10/2024). Đây là cuộc gặp thứ tư của hai vị nguyên thủ, sau cuộc gặp song phương vào ngày 14 tháng 6 bên lề hội nghị G7 tại vùng Puglia nước Ý và sau các cuộc gặp tại Vatican vào ngày 13 tháng 5 năm 2023 và trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, vào ngày 8 tháng 2 năm 2020.

Kêu gọi hòa bình và kêu gọi chấm dứt đau khổ

Theo một tuyên bố khác do Văn phòng Báo chí Tòa thánh ban hành, các cuộc đàm phán tại Phủ Quốc vụ khanh đã bàn "về tình hình chiến tranh và tình hình nhân đạo ở Ukraine", cũng như "những cách thức có thể chấm dứt chiến tranh, hướng đến một nền hòa bình công bằng và ổn định cho đất nước".

Ngoài ra, tuyên bố còn lưu ý "một số vấn đề liên quan đến đời sống tôn giáo trong nước cũng đã được xem xét".

Sau đó, Tổng thống Ukraine đã gặp Đức Hồng Y quốc trưởng, Hồng Y Pietro Parolin và ĐHY Chủ tịch Thánh bộ Quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế của Vatican, Tổng giám mục Paul Richard Gallagher.

Trong bài đăng trên X sau cuộc họp, Đức Thánh Cha cho biết: "Tất cả các quốc gia đều có quyền tồn tại trong hòa bình và an ninh. Lãnh thổ của họ không được phép bị tấn công, và chủ quyền của họ phải được tôn trọng và đảm bảo thông qua hòa bình và đối thoại. Chiến tranh và hận thù chỉ mang lại chết chóc và sự hủy diệt con người."

Trao đổi kỷ vật

Theo thông lệ, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quà tặng, và Đức Thánh Cha đã chào hỏi phái đoàn tháp tùng Tổng thống Zelensky. Tổng thống Ukraine đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh sơn dầu có tựa đề "Thảm sát Bucha - Câu chuyện về Marichka".

Trong khi đó, Đức Thánh Cha trao tặng Tổng thống Zelensky một bức tượng đồng đúc hình một bông hoa với dòng chữ "Hòa bình là một bông hoa mong manh".

Đức Thánh Cha cũng đã tặng Tổng thống Thông điệp hòa bình năm nay, một số văn kiện của Thánh Cha, cuốn sách về Statio Orbis ngày 27 tháng 3 năm 2020, do Nhà xuất bản Vatican biên soạn, cũng như tập sách "Bị bách hại vì sự thật, những người Công Giáo Hy Lạp Ukraine đằng sau bức màn sắt".

Luôn gần gũi với Ukraine

Đức Thánh Cha đề ra vô số lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh và đau khổ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, và những đề nghị Tòa thánh sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách để hướng tới hòa bình.

Đức Thánh Cha cũng đã cử các đại biểu và phái viên cung cấp xe cứu thương, vật tư y tế và viện trợ cho quốc gia đang đau khổ này.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết thư cho các tân Hồng Y: anh em phát biểu sự hiệp nhất của Giáo hội
Vũ Văn An
13:02 12/10/2024

Hannah Brockhaus của CNA, ngày 12 tháng 10 năm 2024, tường trình rằng Trong một lá thư hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ mong muốn rằng mỗi vị trong số 21 tân Hồng Y được bổ nhiệm vào tháng 12 sẽ là một “người phục vụ” hơn là một “người cao trọng”.



Lá thư ngắn của Đức Giáo Hoàng, được công bố vào ngày 12 tháng 10, cũng hoan nghênh các Hồng Y được chỉ định làm thành viên của “hàng giáo sĩ Rôma”, mà Đức Phanxicô gọi là “một biểu thức của sự hiệp nhất của Giáo hội và của mối liên kết gắn kết tất cả các Giáo hội với Giáo hội Rôma này”.

Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố sau Kinh Truyền tin ngày 6 tháng 10 rằng ngài sẽ bổ sung 21 vị — 18 giám mục và ba linh mục — vào Hồng Y đoàn trong một công nghị vào cuối năm nay.

Các Hồng Y tương lai đến từ các quốc gia trên mọi châu lục và bao gồm các tổng giám mục từ các quốc gia Iraq, Brazil và Ý. Họ sẽ được nâng lên hàng Hồng Y trong một buổi lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 7 tháng 12.

Đức Giáo Hoàng cũng sẽ cử hành Thánh lễ tạ ơn với các Hồng Y vào ngày 8 tháng 12, ngày lễ trọng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Trong bức thư của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích các vị cầu nguyện thường xuyên, yêu thương mọi người và thương xót những người đau khổ.

“Tôi cảm ơn lòng quảng đại của anh em và tôi đảm bảo với anh em rằng danh hiệu ‘người đầy tớ’ (phó tế) sẽ ngày càng làm lu mờ danh hiệu ‘người cao trọng’”, giáo hoàng nói với các Hồng Y tương lai.

Ngài cũng yêu cầu các vị hiện thân ba thái độ mà nhà thơ người Argentina Francisco Luis Bernárdez từng dùng để mô tả Thánh Gioan Thánh giá: “mắt hướng lên, tay chắp lại, chân trần”.

“Mắt hướng lên, vì công việc phục vụ của anh em sẽ đòi hỏi anh em phải mở rộng tầm nhìn và mở rộng trái tim, để nhìn xa hơn và yêu thương rộng mở hơn và với lòng nhiệt thành lớn hơn”, ngài nói.

Ngài trích dẫn lời của vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, người đã nói rằng Thánh Gioan Thánh Giá ngồi "ở trường học của ánh mắt ngài", tức là "cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Kitô".

Đức Phanxicô cho biết một thái độ quan trọng khác là chắp tay cầu nguyện để có thể phân định, "bởi vì điều mà Giáo hội cần nhất - cùng với việc rao giảng Tin Mừng- là lời cầu nguyện của anh em để có thể chăn dắt tốt đàn chiên của Chúa Kitô".

Ngài nói thêm rằng để chân trần có nghĩa là gần gũi với những thực tại khó khăn mà mọi người trên khắp thế giới phải đối đầu, bao gồm "nỗi đau và sự đau khổ do chiến tranh, phân biệt đối xử, đàn áp, đói khát và nhiều hình thức nghèo đói".

"Những điều này sẽ đòi hỏi ở anh em lòng trắc ẩn và thương xót lớn lao", Đức Giáo Hoàng nói.

Một trong những Hồng Y được chỉ định, cựu sứ thần tòa thánh, Tổng giám mục Angelo Acerbi, đã ngoài 80 tuổi và không còn đủ điều kiện để bỏ phiếu trong một mật nghị bầu giáo hoàngtrong tương lai.

Hồng Y được chỉ định, Cha Timothy Radcliffe, OP, sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 22 tháng 8 năm sau. Radcliffe là một trong hai nhà linh hướng của Thượng hội đồng về tính đồng nghị đang diễn ra vào tháng này tại Rôma.

Trong số 21 tân Hồng Y, tổng cộng chín vị hiện đang ở Rôma để tham dự phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng từ ngày 2 đến 27 tháng 10.
 
Tổng giám mục Úc kêu gọi bác bỏ Dự luật bình đẳng ở New South Wales
Vũ Văn An
13:23 12/10/2024

Charles Collins của tạp chí CruxNow, ngày 12 tháng 10 năm 2024, tường trình việc Đức Tổng Giám Mục người Úc Anthony Fisher của Sydney cho biết một dự luật được đề xuất tại tiểu bang New South Wales “sẽ có tác động trực tiếp đến những người có đức tin, cũng như phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương”.



Dự luật Bình đẳng được dân biểu đợc lập Alex Greenwich đưa ra vào tháng 8 năm 2023 và sẽ chấm dứt các quy tắc hiện hành cho phép các trường học và tổ chức tôn giáo sử dụng đức tin của họ trong các chính sách tuyển dụng.

Dự luật được đề xuất này được các tổ chức ủng hộ người đồng tính và người chuyển giới ủng hộ mạnh mẽ.

“Đảng Lao động [đảng cầm quyền tại New South Wales] đã cam kết thực hiện các cải cách này trước khi lên nắm quyền nhưng tình trạng phân biệt đối xử với học sinh và nhân viên vẫn đang diễn ra trên khắp cả nước do những lỗ hổng trong luật pháp của chúng ta cho phép các trường học tôn giáo hoạt động theo các quy tắc riêng của họ”, Anna Brown, Tổng giám đốc điều hành của Equality Australia CEO, cho biết.

Tuy nhiên, ĐC Fisher – người hiện đang ở Rome để tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị – cho biết trong khi Giáo hội thông cảm với mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn hoặc cấm phân biệt đối xử bất công đối với những người LGBT, thì “có một luồng phản đối tôn giáo tiềm ẩn đáng lo ngại trong dự luật”.

“Ví dụ, dự luật đề xuất xóa bỏ một số biện pháp bảo vệ hiện có đối với các tổ chức tôn giáo khỏi cuộc chiến pháp lý chống phân biệt đối xử, bao gồm trường học, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người già, phúc lợi và dịch vụ mục vụ, trong khi không đưa ra bất cứ biện pháp bảo vệ nào cho những cá nhân có đức tin”, vị tổng giám mục cho biết vào đầu năm nay.

Sydney là thủ phủ của tiểu bang, với dân số khoảng 8.3 triệu người, trở thành tiểu bang đông dân nhất của Úc.

Viết từ Rome vào tuần này, Đc Fisher lưu ý rằng nếu dự luật được thông qua, thì “sẽ có một số thay đổi đáng kể đối với luật pháp của chúng ta, có tác động trực tiếp đến những người có đức tin, cũng như phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương”.

“Hơn 13,000 người đã trả lời cuộc điều tra của quốc hội NSW về dự luật. Trong số đó, hơn 85 phần trăm yêu cầu các đại biểu quốc hội của chúng ta bác bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, bản kiến nghị trực tuyến lớn nhất từng được trình lên Hội đồng Lập pháp cũng yêu cầu bỏ phiếu bác bỏ dự luật này", ngài viết.

"Thật không may, sau khi nghe thấy tiếng 'không' áp đảo từ các cử tri của mình nhiều hơn một lần, một cuộc điều tra toàn quốc và hơn một năm để có thể xem xét những tác động gây tổn hại của nó, chính phủ bác bỏ việc phản đối dự luật", vị giám mục nói thêm.

Ngài tuyên bố, "trong những trường hợp bình thường", một dự luật của các thành viên tư nhân tại quốc hội sẽ hết hạn từ nhiều tháng trước "nhưng, đáng chú ý là nó vẫn nằm trên bàn và bây giờ có vẻ như nó sẽ được tranh luận sớm nhất là vào tuần tới".

Trong những bình luận trước đó của ngài, ĐC Fisher lưu ý rằng New South Wales và Nam Úc là hai tiểu bang duy nhất ở Úc "mà việc phân biệt đối xử với một người trên cơ sở tín ngưỡng hoặc hoạt động tôn giáo của họ vẫn hoàn toàn hợp pháp".

"Khi đề xuất xóa bỏ các biện pháp bảo vệ tôn giáo duy nhất, dự luật sẽ chỉ mở rộng phạm vi phân biệt đối xử với những người có đức tin", vị tổng giám mục cho biết.

Ngài cũng cho biết mặc dù mại dâm từ lâu đã được coi là hợp pháp ở tiểu bang này, nhưng vẫn có một số hạn chế nhất định để "bảo vệ sự đàng hoàng nơi công cộng", nhưng dự luật được đề xuất sẽ cho phép một người tham gia vào hoạt động chào mời ngay cả bên ngoài nhà thờ hoặc trường học tôn giáo.

ĐC Fisher cũng lưu ý rằng dự luật cho phép "tự xác định giới tính" trên các tài liệu chính thức như giấy khai sinh.

"Điều này không chỉ khiến những không gian 'chỉ dành cho phụ nữ' gặp rủi ro mà còn khiến các cộng đồng tôn giáo gần như không thể duy trì các phong tục liên quan đến việc tách biệt giới tính trong khi cầu nguyện, chỉ kết hôn với những người khác giới, chỉ thụ phong cho nam giới hoặc dạy riêng con gái với con trai", vị tổng giám mục cho biết.

"Một chuyện là không đồng tình với các tôn giáo trên thế giới về những vấn đề như vậy, nhưng lại là chuyện khác khi bác bỏ quyền thực hành đức tin của họ bằng cách làm cho các tài liệu chính thức có nội dung lừa dối về giới tính sinh học hoặc giới tính khi sinh của mọi người", ngài cho biết.

Đc Fisher cho biết dự luật cũng đặt những nhóm dễ bị tổn thương vào tình thế nguy hiểm.

"Những đề xuất của dự luật xung quanh việc mang thai hộ có tính thương mại có nguy cơ khai thác phụ nữ, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo hơn; trong khi các đề xuất của nó xung quanh sự đồng ý y tế cho phép trẻ em trải qua các phương pháp điều trị y tế thay đổi cuộc sống mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, khiến trẻ em phải tiếp xúc với các biện pháp can thiệp mà sau này chúng có thể hối hận. Đúng lúc một số khu vực pháp lý ở nước ngoài và các chuyên gia địa phương đang khuyến cáo thận trọng về việc đối xử có sự khẳng định giới tính đối với trẻ vị thành niên và thậm chí là lệnh cấm hoàn toàn, thì tiểu bang này lại bật đèn xanh cho điều đó", ngài nói.

"Thực tế của dự luật này là, nhân danh sự bình đẳng cho một số ít người, nó đề xuất giảm quyền của rất nhiều người một cách có đức tin và gây nguy hiểm cho một số người dễ bị tổn thương nhất", ĐC Fisher nói.
 
Thượng Hội đồng, ngày 10 tháng 10: Các hướng dẫn mới của Thượng Hội đồng được công bố, nhưng không công khai, khi cuộc thảo luận về tính minh bạch bắt đầu
Vũ Văn An
13:54 12/10/2024


Hãng tin Catholic World News, ngày 11 tháng 10 năm 2024, cho hay: Vào ngày 10 tháng 10, 342 trong số 365 người tham gia phiên họp thứ hai và cũng là phiên họp cuối cùng của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đã tập trung tại hội trường yết kiến Phaolô VI để kết thúc việc xem xét mô-đun thứ hai của phiên họp về “Quan hệ” và bắt đầu xem xét mô-đun thứ ba về “Đường hướng” (chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng).



“Quan hệ” là tiêu đề của phần đầu tiên trong tài liệu làm việc của phiên họp (trang 11-22); “Đường hướng” là tiêu đề của phần thứ hai (trang 23-34). Nó có bốn phần:

• Một việc đào tạo chung và toàn diện

• Sự phân định của Giáo hội đối với sứ mệnh

• Các quy trình ra quyết định

• Minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá

“Trong thời đại của chúng ta, nhu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong và bởi Giáo hội đã nảy sinh do mất uy tín bởi các vụ tai tiếng tài chính và thậm chí còn hơn thế nữa là lạm dụng tình dục và các hành vi lạm dụng khác đối với trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương.” theo phần cuối. “Việc thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình thúc đẩy chủ nghĩa giáo sĩ trị, dựa trên giả định ngầm cho rằng các thừa tác viên được thụ phong là

không chịu trách nhiệm với bất cứ ai về việc thực hiện thẩm quyền được trao cho họ” (số 75). Những người tham gia Thượng hội đồng đang xem xét tính minh bạch về lạm dụng tình dục trong bối cảnh xung đột công khai hiếm hoi giữa các viên chức của Bộ Giáo lý Đức tin và Phủ Quốc vụ khanh về việc hoàn tục một linh mục người Argentina. Tổng giám mục Edgar Peña Parra, Sostituto đầy quyền lực, đã viện dẫn một “thủ tục phi thường” không được nêu tên trong nỗ lực lật ngược bản án giáo luật đối với Ariel Príncipi (được Phil Lawler, Ed Condon bình luận).

Hồng Y Hollerich: các mối quan hệ độc hại

Hồng Y Jean-Claude Hollerich, SJ, tổng tường trình viên của phiên họp Thượng hội đồng, đã giới thiệu mô-đun thứ ba trong một bài phát biểu bằng tiếng Ý.

“Sự phong phú của mạng lưới các mối quan hệ cấu thành nên Giáo hội, mà chúng ta đã suy gẫm trong những ngày gần đây, vừa mạnh mẽ vừa mong manh; đó là một hồng ân tuyệt vời mà chúng ta nhận được, nhưng là hồng ân cần được chăm sóc”, ngài nói. “Nếu không có sự quan tâm, các mối quan hệ sẽ nhanh chóng tàn lụi và trên hết trở nên độc hại đối với những người liên quan, như nhiều trường hợp thất bại trong mối quan hệ trong xã hội của chúng ta và cả trong cộng đồng của chúng ta đã cho chúng ta thấy.”

Đức Hồng Y Hollerich nói tiếp, “Do đó, sự quan tâm là trọng tâm đầu tiên của Mô-đun của chúng ta: chúng ta có thể hỗ trợ và nuôi dưỡng mối quan hệ mà mọi người và cộng đồng cần bằng những công cụ nào? Điều gì có thể làm cho chúng mạnh mẽ hơn và thay vào đó, điều gì sẽ giết chết và dập tắt các mối quan hệ?” Nhấn mạnh “sự nhất quán giữa lời nói và hành động”, ngài hỏi: Sự diễn đạt nào của các quy trình ra quyết định trong Giáo hội phù hợp với những gì chúng ta nói về mối quan hệ giữa các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ, về tính tương hỗ và bổ sung của chúng? Và với các tuyên bố về phẩm giá của mọi người đã chịu phép rửa tội? Do đó, sự quan tâm và sự nhất quán là chìa khóa mà với chúng, chúng ta được mời gọi giải quyết vấn đề này.

Hồng Y được chỉ định Radcliffe: ‘Hãy tiếp tục đặt câu hỏi’

Hồng Y được chỉ định Timothy Radcliffe, OP, một trong hai linh hướng của phiên họp thượng hội đồng, đã đưa ra một bài suy niệm. Nhắc đến tấm gương của người phụ nữ Syrophoenician trong Tin Mừng, Cha Radcliffe nói rằng “nhiệm vụ của chúng ta trong Thượng hội đồng là sống với những câu hỏi khó chứ không phải loại bỏ chúng như các tông đồ,”. Ngài giải thích: Ngoài ra còn có những câu hỏi sâu sắc ẩn chứa trong rất nhiều cuộc thảo luận của chúng ta. Làm thế nào đàn ông và đàn bà, được tạo ra theo hình ảnh và giống như Chúa, có thể bình đẳng nhưng vẫn khác biệt? Chúng ta không được tránh né câu hỏi, giống như các tông đồ, bằng cách phủ nhận sự bình đẳng hoặc sự khác biệt. Và làm thế nào Giáo hội có thể là cộng đồng của những người đã chịu phép rửa tội, tất cả đều bình đẳng, nhưng vẫn là Thân thể của Chúa Kitô, với các vai trò và hệ thống cấp bậc khác nhau? Đây là những câu hỏi sâu sắc. Chúng ta tiến vào mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa bằng cách sống với những câu hỏi này, cầu nguyện về chúng, lắng nghe nhau, suy gẫm về chúng ngày đêm. Ngài nói thêm: Nhiều người muốn Thượng hội đồng này đưa ra câu trả lời Có hoặc Không ngay lập tức về nhiều vấn đề khác nhau! Nhưng đó không phải là cách Giáo hội tiến vào mầu nhiệm sâu sắc của Tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta không được chạy trốn những câu hỏi khó, giống như các tông đồ, những người nói rằng Hãy im lặng! Chúng ta cùng nhau suy gẫm về những câu hỏi này trong sự im lặng của lời cầu nguyện và lắng nghe lẫn nhau. Chúng ta lắng nghe, như ai đó đã nói, không phải để trả lời mà để học hỏi. Chúng ta mở rộng trí tưởng tượng của mình để tìm ra những cách mới để trở thành gia đình của Chúa, nơi có đủ chỗ cho mọi người. Nếu không, như chúng ta vẫn nói ở Anh, chúng ta sẽ chỉ sắp xếp lại những chiếc ghế trên tàu Titanic. Bất chấp sự tiếp đón thù địch của các môn đệ, người phụ nữ vẫn ở lại. Cô ấy không bỏ cuộc và bỏ đi. Xin hãy ở lại, bất kể bạn thất vọng với Giáo hội như thế nào. Hãy tiếp tục đặt câu hỏi! Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá ra ý muốn của Chúa.

Buổi họp báo: những hướng dẫn mới để khuyến khích sự sáng tạo

Ngoại trừ các văn bản của các linh hướng và các viên chức lãnh đạo của Thượng hội đồng, Ban thư ký chung của Thượng hội đồng giám mục, do Hồng Y Mario Grech đứng đầu, đã áp đặt chế độ bảo mật chặt chẽ đối với những người tham gia Thượng hội đồng (Quy định, Điều 24), ràng buộc họ phải giữ bí mật, ngay cả đối với những đóng góp của chính họ, và thậm chí sau khi phiên họp kết thúc. Các quy định này trái ngược hẳn với tính minh bạch tương đối của Thượng hội đồng giám mục dưới thời Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, trong đó Vatican thường xuyên công bố các bài phát biểu của các nghị phụ. Do đó, cuộc họp báo hàng ngày cung cấp cái nhìn ấn tượng, nếu được lọc, về các diễn biến của Thượng hội đồng.

Những người trình bày chính tại cuộc họp báo trong ngày là • Paolo Ruffini, tổng trưởng Bộ Truyền thông và chủ tịch Ủy ban Thông tin của Thượng hội đồng • Sheila Leocádia Pires, viên chức truyền thông của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Phi và là thư ký của Ủy ban Thông tin của Thượng hội đồng.

Tiến sĩ Ruffini thông báo rằng Văn Phòng Tổng Thư Ký của Thượng hội đồng giám mục, do Hồng Y Mario Grech đứng đầu, đã ban hành "hướng dẫn phương pháp luận" mới để khuyến khích sự sáng tạo hơn—nhưng phù hợp với sự thiếu minh bạch của Thượng hội đồng, các hướng dẫn mới vẫn chưa được công bố. Vatican News, cơ quan của Bộ Truyền thông, tường trình rằng:

Theo hướng dẫn từ Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng, báo cáo viên đặc biệt Cha Giacomo Costa đã khuyến khích những người tham dự Thượng hội đồng sáng tạo, đừng sợ “desborde”—từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “tràn bờ”... Ngoài ra, Ruffini lưu ý, một số “hướng dẫn về phương pháp luận” đã được cung cấp, bao gồm “khuyến khích sáng tạo và ‘tràn bờ’”. Ruffini nhắc lại, từ này được sử dụng trong tiếng Tây Ban Nha là “desborde”, một từ cũng đã được Đức Giáo Hoàng sử dụng trong Querida Amazonia và trong Thượng hội đồng Amazon năm 2019. Ruffini nói thêm rằng hy vọng “là sẽ có một sự ‘tràn bờ’ ngày càng tăng”, bắt nguồn từ sự bồn chồn và mong muốn tiến về phía trước.

Những người thuyết trình khác tại buổi họp báo sau đó đã suy gẫm về phiên họp của Thượng hội đồng và chủ nghĩa đại kết.

Chiều kích đại kết là “một trong những khía cạnh có liên quan nhất của Thượng hội đồng này”, Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo, người đã đề cập đến “việc trao đổi các hồng ân, trong đó chúng ta học hỏi lẫn nhau, với niềm tin rằng không có Giáo hội nào giàu có đến mức không cần sự đóng góp của các Giáo hội khác, và không có Giáo hội nào nghèo đến mức không có gì để cống hiến”.

Ba quan sát viên không phải là người Công Giáo—Giám mục Chính thống giáo Job của Pisidia, Giám mục Anh giáo Martin Warner và Mục sư Mennonite Anne-Cathy Graber, cũng đã đưa ra những suy tư của họ.

“Mặc dù chúng tôi không có quyền bỏ phiếu với tư cách là đại biểu anh em, nhưng tiếng nói và sự hiện diện của chúng tôi được chào đón giống như mọi người khác”, Graber cho biết. “Phẩm giá bình đẳng của phép rửa tội là điều có thể nhìn thấy được. Không có Giáo hội hùng mạnh nào thống trị từ trên cao. Tất cả chúng ta đều là một dân tộc cùng nhau bước đi và tìm kiếm”.
 
Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ các Hồng Y tân cử: Hãy ngước mắt lên, chắp tay cầu nguyện và bước đi với đôi chân trần.
Thanh Quảng sdb
17:23 12/10/2024
Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ các Hồng Y tân cử: Hãy ngước mắt lên, chắp tay cầu nguyện và bước đi với đôi chân trần.

Trong Công nghị ĐTC tấn phong 21 tân Hồng Y, gia nhập vào Hồng Y đoàn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ các Hồng Y tân cử, mời họ thể hiện ba thái độ đặc trưng của Thánh Gioan Thánh Giá: ngước mắt lên, chắp tay lại và đi chân trần.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết một lá thư cá nhân gửi đến 21 tân Hồng Y – các Giám mục và linh mục trên khắp thế giới – những người mà ngài sẽ nâng lên hàng Hồng Y đoàn tại một công nghị được tổ chức vào ngày 8 tháng 12, Lễ trọng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

ĐTC lưu ý rằng việc nâng lên Hồng Y đoàn sẽ gắn kết họ với Giám mục Rôma, nhắc nhở họ rằng là thành viên trong Hồng Y đoàn “là biểu hiện của sự hiệp nhất của Giáo hội và của mối dây liên kết tất cả các Giáo hội với Giáo hội Rôma này”.

'Mắt hướng lên, tay chắp và đôi chân trần'

Trong bức thư của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời các tân Hồng Y "thể hiện ba thái độ mà một nhà thơ người Argentina (Francisco Luis Bernárdez) từng mô tả về Thánh Gioan Thánh Giá, và cũng áp dụng cho chúng ta: 'mắt hướng lên, tay chắp lại, và bước đi với đôi chân trần.'"

Giải thích về ba thái độ này, Đức Thánh Cha nói với các Hồng Y sắp nhậm chức rằng công việc mới của họ trong Giáo hội sẽ đòi hỏi họ phải "mở rộng tầm nhìn và mở rộng trái tim" để nhìn xa hơn và yêu thương nồng nhiệt hơn.

Họ phải luôn chắp tay cầu nguyện để có thể "chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô", Đức Giáo Hoàng nói, đồng thời nói thêm rằng cầu nguyện là "lãnh địa của sự phân định" giúp phân định ý muốn của Chúa và tuân theo.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói, họ phải giữ đôi chân trần "vì họ chạm đến thực tế khắc nghiệt của tất cả những nơi trên thế giới đang bị nhấn chìm bởi nỗi niềm đau khổ", điều này đòi hỏi các Hồng Y mới phải có "lòng trắc ẩn và lòng thương xót lớn lao".

Kết thúc bức thư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảm ơn các Hồng Y tân cử vì lòng quảng đại và ngài cam kết cầu nguyện cho họ trở nên đúng theo “tước hiệu là ‘người phục vụ’, một danh hiệu mà ngày càng ngày càng bị lu mờ đi trước tước hiệu ‘người cao trọng’”.
 
Nhà thờ Công Giáo Los Angeles liên tục bị phá hoại có thể là do tội ác thù hận
Đặng Tự Do
19:18 12/10/2024


Một nhà thờ Công Giáo ở Los Angeles đã bị phá hoại bốn lần trong hai tháng qua.

Cha Michael Wakefield, cha xứ của Nhà thờ St. Francis de Sales ở Sherman Oaks, cho biết ngôi thánh đường đã bị hư hại do các cuộc tấn công bằng graffiti và đốt phá bốn lần, bắt đầu từ tháng 8 và kéo dài đến tháng 9.

Vào ngày 7 tháng 8, bức tượng Thánh Phanxicô de Sales được giáo xứ yêu quý — vị thánh bảo trợ của giáo xứ — đã bị phá hoại bằng sơn màu vàng. Bức tượng đứng trước cửa chính của nhà thờ ở Thung lũng San Fernando.

Chỉ hơn một tuần sau đó, vào ngày 16 tháng 8, một cửa sổ tại nhà xứ nơi Cha Wakefield sống đã bị đốt cháy. Góc dưới bên phải của cửa sổ đã bị đốt cháy, và ngọn lửa đã thiêu rụi bên trong, làm cháy xém các tấm rèm venetian bên trong. Cha Wakefield kể lại rằng:

“May mắn thay, đám cháy đã được dập tắt trước khi có thêm thiệt hại nào xảy ra”

Chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 20 tháng 9, bức tượng Thánh Phanxicô de Sales đã bị phá hoại lần thứ hai. Cha Wakefield giải thích rằng “Các chữ cái 'chomo' là tiếng lóng có nghĩa là 'kẻ xâm hại trẻ em'“. Ông cho biết hành động phá hoại này đang được cảnh sát địa phương coi là “tội ác thù hận”.

Một tuần sau, vào ngày 8 tháng 9, bức tượng lại bị phá hoại lần thứ ba bằng sơn phun màu đen, mặc dù không có chữ viết nào được khắc trên đó.

Cha Wakefield cho biết: “Nhân viên bảo trì của chúng tôi đã lau chùi bức tượng hai lần và đang trong quá trình lau chùi lần thứ ba”.

Cha Wakefield đã thông báo cho Sở Cảnh sát Los Angeles Van Nuys mỗi lần và cho biết giáo xứ có kế hoạch lắp đặt thêm camera an ninh trong tuần này.

“Các cảnh sát đã đến và lấy lời khai của tôi và hoàn thành một báo cáo để lại cho chúng tôi số vụ việc,” ngài nói. “Vụ cháy ở cửa sổ nhà xứ đã khiến cảnh sát cũng như các điều tra viên đốt phá phải đến.”

“Thật nản lòng và khó chịu,” Cha Wakefield nói khi được hỏi về phản ứng của ngài đối với các sự kiện. “Các nhà thờ của chúng tôi là nơi bình yên, nơi tình yêu của Chúa được công bố.”

“ Tôi cảm thấy buồn cho những người đang phải chịu sự dày vò như vậy khi thực hiện những hành động như thế này. Những hình ảnh tôn giáo của chúng tôi, dù bằng đá cẩm thạch, thạch cao hay gỗ, đều hướng đến vị thánh mà mỗi người đại diện. Do đó, một cuộc tấn công vào một hình ảnh tôn giáo là một hành động báng bổ.”

“Nhưng chúng ta tiến bước với lòng tin tưởng vào sự chuyển cầu của Đức Mẹ Thiên Chúa và Thánh Phanxicô de Sales. Tình yêu của Thiên Chúa luôn mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì con người có thể tạo ra.”

Một báo cáo địa phương ghi nhận rằng đã có nhiều vụ phá hoại xảy ra trong khu vực trong những tháng gần đây, bao gồm đốt phá, đập vỡ cửa sổ và đột nhập vào các doanh nghiệp địa phương, theo KTLA 5.


Source:Catholic News Agency
 
Hơn 2 triệu người Á Căn Đình hành hương đến Đền Đức Mẹ Lujan
Đặng Tự Do
19:20 12/10/2024


“Mẹ ơi, dưới ánh mắt của Mẹ, chúng con tìm kiếm sự hiệp nhất” là chủ đề đã quy tụ hơn 2,3 triệu tín hữu vào cuối tuần qua tại Đền thánh Đức Mẹ Lujan ở Á Căn Đình trong khuôn khổ Cuộc hành hương của giới trẻ lần thứ 50.

Đến từ Tổng giáo phận Buenos Aires, nơi tổ chức cuộc hành hương thông qua Ủy ban Đạo đức Bình dân, những người hành hương bắt đầu đến Luján vào sáng ngày thứ Bảy dưới ánh nắng rực rỡ sau khi đi bộ hơn 60 km đến đền thờ và tiếp tục đổ về vào Chúa Nhật.

Trên đường đi, họ nhận được sự chúc lành của các linh mục, sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và nguồn cảm hứng từ các nhóm nhạc đến từ nhiều giáo phận khác nhau ở phía tây Buenos Aires.

Khi đến Vương cung thánh đường ở Luján, họ có thể tham dự nhiều Thánh lễ khác nhau. Thánh lễ chính trong ngày dành cho đám đông hành hương khổng lồ được tổ chức lúc 7 giờ sáng và do Đức Tổng Giám Mục Buenos Aires, Jorge García Cuerva, cử hành. Đức Tổng Giám Mục cũng đã đi bộ đến từ Đền thánh Cajetan nằm ở khu phố Liniers của Buenos Aires.

Trong bài giảng của mình, vị Tổng Giám Mục đã nói vài lời với Đức Mẹ Luján: “Hãy nói với Mẹ 'mẹ' sẽ đoàn kết chúng ta; đó là nền tảng để bắt đầu xây dựng sự thống nhất dân tộc mà chúng ta hằng mong đợi,” ngài nói.

“Hãy nói với Mẹ ‘mẹ,’ ‘mẹ,’ làm cho chúng con trở thành con cái và anh chị em. Đó là cách chúng con đến hành hương. Là một dân tộc, tất cả đều khác biệt, tất cả đều bình đẳng. Chúng con đã đi nhiều cây số, chúng con đã mang ý định của mình đến với Đức Maria” trong một trải nghiệm “với những người khác” và với “sự đoàn kết và niềm vui”.

Trích dẫn “tuổi trẻ năm 1975”, những người tổ chức Cuộc hành hương đầu tiên của Thanh niên đến Luján, ngài nói: “Trong mỗi bước chúng ta đã thực hiện cho đến thời điểm này, chúng ta đã trải nghiệm được thế nào là một dân tộc cùng nhau tiến tới lý tưởng tự do và công lý. Và đó là lý do tại sao chúng ta đến đây. Đó là vì chúng ta, những người trẻ, ngày càng hiểu rằng chúng ta là một phần của một dân tộc, dân tộc của Chúa ở Mỹ Latinh, những người có trái tim khiêm nhường và lao động”.

'Mẹ ơi, hãy nhìn những người dân mệt mỏi của mẹ'

Dưới chân Đức Mẹ, Đức Tổng Giám Mục nhắc đến tình hình ở Á Căn Đình, với rất nhiều trẻ em “bị mắc kẹt trong ma túy”, những trẻ khác bị bệnh, những người trẻ “đau khổ vì không thể thực hiện được các dự án cuộc đời của mình”, và những người “không thể kiếm đủ tiền nuôi gia đình”.

“Lạy Mẹ, xin hãy nhìn đến dân tộc mệt mỏi của Mẹ, hãy nhìn đến dân tộc của Mẹ đang nỗ lực hết sức để giữ vững hy vọng, để gánh vác đất nước và vượt qua cuộc khủng hoảng mà chúng con đã trải qua trong nhiều năm,” ngài cầu nguyện. “Hãy nhìn đến dân tộc hành hương của Mẹ, những người đến với tất cả các ý định của họ, với các vết thương và hy vọng của họ.”

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục nhắc đến chỉ số đói nghèo trong nửa đầu năm 2024 tại Á Căn Đình: “Trước những cuộc khủng hoảng, người khôn ngoan tìm kiếm giải pháp, người tầm thường tìm kiếm những người đáng trách. Có rất nhiều người tầm thường, khi đối mặt với chỉ số đói nghèo khủng khiếp và đau đớn là 52,9%, đã bắt đầu tìm kiếm những người đáng trách”, ngài nói.

“Từ ngôi nhà của Đức Maria, chúng tôi yêu cầu anh chị em: Xin hãy đoàn kết đằng sau hai hoặc ba vấn đề quan trọng cho tất cả người Á Căn Đình. Chúng ta hãy cầu xin sự khiêm nhường để làm việc với những người khác, để tạo ra sự đồng thuận và thỏa thuận, và để xây dựng những cây cầu, bởi vì điều dũng cảm nhất chúng ta có thể làm là yêu cầu giúp đỡ,” ông thúc giục.

“Chúng ta đừng từ bỏ việc trở thành anh chị em, cùng nhau tìm kiếm giải pháp, xây dựng quê hương công bằng và huynh đệ hơn, giải thoát bản thân khỏi những định kiến, hận thù và những cuộc đối đầu vô ích, tiếp tục phó thác cuộc sống của chúng ta cho Đức Trinh Nữ Luján,” ngài thúc giục, bảo đảm rằng Mẹ “khuyến khích chúng ta tiếp tục bước đi trong cuộc sống, mệt mỏi nhưng không chán nản, gục ngã, nhưng với hy vọng và không bỏ cuộc.”


Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục Công Giáo từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan đối thoại tại Thượng Hội đồng về tính Thượng Hội đồng
Đặng Tự Do
19:21 12/10/2024


Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, được coi là thời điểm gặp gỡ và đối thoại cho Giáo hội toàn cầu, đã tạo ra một địa điểm để các giám mục Công Giáo từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan gặp gỡ nhau.

Đức Cha Nobertô Phổ Anh Hùng (Norbert Pu Ying-hsiung, 浦英雄), Giám Mục giáo phận Gia Nghĩa (Chiayi, 嘉義), là giám mục bản địa đầu tiên của Đài Loan. Ngài là thành viên của cộng đồng người Chu và đã dịch các văn bản phụng vụ sang tiếng Chu. Vị Giám mục 66 tuổi của Gia Nghĩa là đại biểu trong hội đồng kéo dài gần một tháng với tư cách là đại diện của Hội đồng Giám mục khu vực Đài Loan.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, Đức Cha Phổ Anh Hùng cho biết điều ngài mong muốn nhất là được làm quen với các giám mục, Hồng Y và đại biểu thượng hội đồng từ các nơi khác trên thế giới tụ họp tại Vatican trong phiên họp thứ hai của Đại hội đồng giám mục lần thứ 16.

Đức Cha Phổ Anh Hùng lưu ý rằng ngài đã gặp hai giám mục từ Trung Quốc đại lục tham gia Thượng hội đồng và có kế hoạch gặp lại họ một lần nữa.

“Điều rất quan trọng là phải đối thoại với họ, tôn trọng lẫn nhau. Tôi nghĩ điều đó tốt… không chỉ cho người Trung Quốc, mà cho toàn thể Giáo hội,” vị giám mục Đài Loan nói.

Giám mục Antonio Nghiêu Thuấn (Yao Shun, 尧舜) của Tế Ninh, là giám mục đầu tiên được tấn phong tại Trung Quốc theo các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc -Vatican, đã đại diện cho Giáo hội tại Trung Quốc tại hội nghị thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2023 cùng với Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) của Chu Thôn trước khi hai người đột ngột về sớm mà không có lời giải thích.

Giám mục Antonio Nghiêu Thuấn cho biết nhiều người tham dự hội nghị thượng hội đồng năm ngoái “đã thể hiện sự quan tâm đến sự phát triển của Giáo hội tại Trung Quốc, mong muốn tìm hiểu thêm và cầu nguyện cho chúng tôi”.

Thượng hội đồng cũng tạo cơ hội cho các giám mục từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dành thời gian với Hồng Y Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳), giám mục Hương Cảng.

Trong hội nghị thượng hội đồng năm ngoái, Đức Hồng Y và hai giám mục thậm chí còn có chuyến đi ngắn cùng nhau đến Naples, nơi họ cử hành Thánh lễ tại Chiesa della Sacra Famiglia dei Cinesi hay Nhà thờ Thánh gia Trung Quốc, một nhà thờ được xây dựng vào năm 1732 như một phần của học viện do Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII thành lập để đào tạo các chủng sinh Trung Quốc và dạy tiếng Trung cho các nhà truyền giáo để hỗ trợ công cuộc truyền giáo tại Trung Quốc.

Trong đại hội năm nay, Đức Cha Nghiêu Thuấn đã được thay thế bởi Đức Cha Ignatiô Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu) của giáo phận Mân Đông ở tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc.

Giám Mục Chiêm Tư Lộc, 63 tuổi, trước đây đã bị vạ tuyệt thông vì được tấn phong giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng tại Bắc Kinh vào năm 2000. Vạ tuyệt thông của ông đã được dỡ bỏ vào năm 2018 khi Vatican ký một thỏa thuận tạm thời mang tính lịch sử với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục.

Khi được hỏi tại sao Đức Cha Nghiêu Thuấn lại bị thay thế bởi Đức Cha Chiêm Tư Lộc, Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng hội đồng đã trả lời: “Phủ Quốc vụ khanh đã thông báo tên cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không có thông tin nào khác về vấn đề này”, theo Asia News.

Không có Đức Cha Nghiêu Thuấn, Tổng Giám Mục Dương Vĩnh Cường, 54 tuổi, là cựu chiến binh của Thượng hội đồng trong số hai giám mục Trung Quốc. Kể từ khi tham gia hội đồng năm ngoái, Giám Mục Dương Vĩnh Cường đã được chuyển đến Tổng giáo phận Hàng Châu, một động thái diễn ra “trong khuôn khổ đối thoại” của thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc, theo Vatican. Sự thay đổi này đã nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục.

Đức Cha Dương được thụ phong giám mục với sự chấp thuận của Vatican vào năm 2010 và đảm nhiệm vai trò giám mục của Chu Thôn, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đại lục từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2024.

Ngài đã tham gia Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc năm 2023, một cơ quan cố vấn chính trị thuộc hệ thống mặt trận tổ quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi đã quyết định rằng Giáo Hội Công Giáo nên thống nhất tư tưởng với đảng và đoàn kết chặt chẽ hơn với Tập Cận Bình, theo trang web chính thức của Hiệp hội Công Giáo yêu nước.

Đức Cha Chiêm Tư Lộc và Tổng Giám Mục Dương Vĩnh Cường nằm trong số 368 đại biểu bỏ phiếu tham dự phiên họp thượng hội đồng lần thứ hai tại Vatican từ ngày 2 đến 27 tháng 10.

Thượng hội đồng đang diễn ra trong bối cảnh cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Rôma về việc bổ nhiệm giám mục. Vatican vẫn chưa công bố liệu họ có gia hạn thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc hay không, dự kiến sẽ được gia hạn vào mùa thu năm nay lần thứ ba kể từ lần đầu tiên được ký vào năm 2018.

Thượng Hội Đồng cũng diễn ra trong bối cảnh Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF vừa công bố báo cáo hôm 01 Tháng Mười, khẳng định rằng chính sách “Hán hóa tôn giáo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn vi phạm quyền tự do tôn giáo được quốc tế bảo vệ. Thuật ngữ Hán hóa có nghĩa là tuân theo văn hóa Trung Quốc, nhưng về cơ bản, chính sách này đặt các tín ngưỡng phụ thuộc vào “chương trình nghị sự chính trị và tầm nhìn Marxist của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tôn giáo”, theo báo cáo.

Theo báo cáo, các quan chức Trung Quốc đã ra lệnh gỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ và thay thế hình ảnh Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Trinh bằng hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình. Họ cũng kiểm duyệt các văn bản tôn giáo, buộc các thành viên giáo sĩ rao giảng ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ra lệnh trưng bày các khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các nhà thờ.

Một số du khách đến dự lễ tại nhà thờ Nam Đường ở Thủ đô cho biết họ ngạc nhiên thấy bài ca nhập lễ ở ngôi thánh đường này có tiết tấu rất lạ hoàn toàn không giống một bài thánh ca. Hỏi ra mới biết đó là một bài hùng ca của cộng sản. Nhà thờ Nam Đường được coi là nhà thờ chính tòa của Giám Mục Lý Sơn. Có lẽ ông ấy muốn bảo đảm rằng giáo dân hướng về đảng và Tập Cận Bình hơn là hướng về Chúa khi bắt đầu thánh lễ.

Quan hệ Vatican-Đài Loan

Trong tuần đầu tiên của hội nghị, một số đại biểu thượng hội đồng đã tạm nghỉ các cuộc họp trong ngày để tham gia lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 113 của Đài Loan tại một buổi tiệc chiêu đãi do Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc tại Tòa thánh tổ chức ngay bên cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô.

Thành quốc Vatican là quốc gia duy nhất còn lại ở Âu Châu công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Tòa thánh đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, trước đây gọi là Trung Hoa Dân Quốc, gọi tắt là ROC, kể từ năm 1922, trong khi Giáo hội không có sự hiện diện ngoại giao chính thức tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gọi tắt là PRC kể từ khi bị Bắc Kinh chính thức trục xuất vào năm 1951.

Đảo Đài Loan, cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 177 km và là nơi sinh sống của hơn 23 triệu người, vẫn duy trì nền dân chủ năng động với các quyền tự do dân sự mạnh mẽ bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh về tình trạng của hòn đảo này.

Không giống như Trung Quốc đại lục — nơi hình ảnh Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Trinh đã được thay thế bằng hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo một báo cáo được công bố tuần trước — người Công Giáo ở Đài Loan được hưởng quyền tự do tôn giáo, điều này được ghi nhận trong hiến pháp của nước này.

Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, hơn 10.000 người đã tham dự Đại hội Thánh Thể toàn quốc tại Đài Loan vào cuối tuần trước.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp tới đại hội, viết rằng ngài hy vọng đại hội sẽ “gợi lên trong lòng các tín hữu Kitô giáo lòng tôn thờ và tình yêu đích thực dành cho Bí tích Thánh Thể”. Đại hội tại Giáo phận Cao Hùng là đại hội Thánh Thể thứ năm được tổ chức tại Đài Loan kể từ năm 2011.

Đức Cha Nobertô Phổ Anh Hùng nói với CNA rằng đại hội này là cơ hội để nhiều người dân Đài Loan biết đến Bí tích Thánh Thể và tầm quan trọng cốt lõi của bí tích này đối với đức tin Công Giáo.

“Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể luôn duy trì mối quan hệ chính thức và tốt đẹp này với Vatican. Bởi vì đối với Đài Loan, điều này rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng rằng thế giới sẽ thấy điều này vì Đài Loan là một quốc gia dân chủ và tự do, được các quốc gia khác tôn trọng”


Source:Catholic News Agency
 
VietCatholic TV
Đánh lớn ở phi trường Kavkaz, máy bay rớt. Hung thần Chechnya: Âm mưu ám sát bại lộ. Nga hạ Patriot?
VietCatholic Media
02:48 12/10/2024


1. Lãnh chúa Chechnya tuyên bố ‘mối thù đẫm máu’ với các nghị sĩ Nga âm mưu ám sát ông ta

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đã cáo buộc các nhà lập pháp Nga từ các khu vực lân cận Dagestan và Ingushetia âm mưu giết ông ta và đe dọa sẽ trả thù nếu họ không chứng minh được sự vô tội.

“Có những nhân chứng, những người mà họ ra lệnh giết tôi, những người đã hỏi họ muốn bao nhiêu cho một lệnh như vậy,” Kadyrov nói trong một cuộc họp với lực lượng an ninh Chechnya.

Kadyrov đã gắn mác cho thượng nghị sĩ Dagestan Suleiman Kerimov và hai đại biểu Duma Quốc gia, Bekkhan Barakhoev từ Ingushetia và Rizvan Kurbanov từ Dagestan, là những người chịu trách nhiệm cho âm mưu bị cáo buộc này.

“ Nếu họ không chứng minh được điều ngược lại, tôi sẽ chính thức tuyên bố một cuộc đấu máu”, ông nói. Đấu máu ở Chechnya ám chỉ hành động trả thù một sự xúc phạm nghiêm trọng từ đối phương bằng cách giết họ hoặc người thân của họ.

Trong cùng cuộc họp, Kadyrov cũng cáo buộc ba người này chịu trách nhiệm cho vụ xả súng vào tháng 9 tại văn phòng Wildberries ở Mạc Tư Khoa, là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Nga.

Đây là lần đầu tiên thủ lĩnh quân phiệt Chechnya, đồng minh thân cận của Putin, bình luận về vụ nổ súng khiến hai nhân viên an ninh người Ingush thiệt mạng.

Vụ án xảy ra hai tháng sau khi Wildberries sáp nhập và một công ty tư nhân khác là Russ (được cho là thuộc sở hữu của thượng nghị sĩ Dagestan và tỷ phú Kerimov) trong một thỏa thuận mà truyền thông Nga cho biết được văn phòng tổng thống tại Mạc Tư Khoa hậu thuẫn.

Vladimir Bakalchuk, chồng cũ của Giám đốc Wildberries Tatyana Bakalchuk, đã phản đối thỏa thuận này. Với sự hậu thuẫn của vợ mình là Putin, Bakalchuk đã hợp tác với Kadyrov để ngăn chặn vụ sáp nhập, và bị cáo buộc đã xông vào văn phòng cùng với những người đàn ông khác, bao gồm một số người Chechnya. Sau đó, ông bị buộc tội giết người, một cáo buộc mà ông phủ nhận.

Kadyrov chưa bao giờ công khai thừa nhận rằng những người đàn ông của mình có liên quan đến vụ đấu súng. Thay vào đó, ông mô tả những tuyên bố như vậy là nỗ lực “khiến toàn bộ các quốc gia chống lại nhau trong các cuộc xung đột trong nước”.

[Politico: Chechen warlord declares ‘blood feud’ on Russian MPs for supposed assassination plot]

2. Bộ trưởng quốc phòng Thụy Điển cho biết ‘không thể loại trừ khả năng Nga tấn công’

Bộ trưởng Quốc phòng Stockholm Pål Jonson cho biết Nga có thể tấn công Thụy Điển để giành quyền kiểm soát Biển Baltic.

“Nga gây ra mối đe dọa cho Thụy Điển, cũng như đối với phần còn lại của NATO. Chúng tôi không thể loại trừ khả năng Nga tấn công đất nước chúng tôi”, Jonson nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ba Lan Rzeczpospolita.

Mặc dù lực lượng của Điện Cẩm Linh “đang bị trói buộc ở Ukraine”, Mạc Tư Khoa đã cho thấy họ “sẵn sàng chấp nhận những rủi ro quân sự và chính trị nghiêm trọng”, ông nói thêm, khi các hạm đội hải quân Nga vẫn neo đậu tại St. Petersburg và Kaliningrad.

Jonson cho biết, do mối đe dọa từ Nga, Thụy Điển đã “thực hiện một chương trình đầy tham vọng nhằm mở rộng” lực lượng hải quân nổi tiếng của mình.

Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO ngay sau cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine vào đầu năm 2022 và trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương vào tháng 3.

Nga đã nhiều lần đe dọa NATO và các đồng minh của khối này trong những năm gần đây. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mạc Tư Khoa Sergey Lavrov đã nói vào tháng trước rằng Điện Cẩm Linh “hoàn toàn sẵn sàng” cho chiến tranh với các thành viên Bắc Cực của liên minh, trong đó có Thụy Điển.

Điện Cẩm Linh cũng khiến các nước Baltic và Bắc Âu tức giận vào tháng 5 khi đề xuất đơn phương vẽ lại đường biên giới của mình ở Biển Baltic trước khi xóa dự thảo nghị định mà không giải thích lý do.

“Sau khi Nga xâm lược Ukraine, tầm quan trọng về quân sự và thương mại của Biển Baltic đối với Điện Cẩm Linh thậm chí còn tăng cao hơn nữa”, Jonson nói. “Do đó, chúng ta phải tính đến ý định hung hăng của Nga trong các kế hoạch quân sự của mình”.

Lời cảnh báo của ông tương tự như lời của Michael Claesson, tổng tư lệnh Quân đội Thụy Điển, người tháng trước đã gọi các chiến lược quân sự của Nga là “thất thường” và cho biết thời thế hiện nay còn nguy hiểm hơn cả Chiến tranh Lạnh.

Người tiền nhiệm của Claesson, Micael Bydén, đã phát biểu vào tháng 5 rằng Putin “để mắt” đến đảo Gotland của Thụy Điển.

“Nếu Nga nắm quyền kiểm soát và phong tỏa Biển Baltic, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng tôi — ở Thụy Điển và tất cả các quốc gia khác giáp Biển Baltic. Chúng tôi không thể cho phép điều đó xảy ra”, Bydén nói.

[Politico: Sweden ‘cannot rule out Russian attack,’ defense minister says]

3. Ukraine xác nhận cuộc tấn công vào căn cứ không quân của Nga ở Bắc Kavkaz, nơi có máy bay phản lực Su-34, Su-27

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, xác nhận rằng lực lượng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công thành công vào phi trường quân sự Khanskaya của Nga tại Cộng hòa Adygea.

Xác nhận này được đưa ra ngay sau khi chính quyền Cộng hòa Adygea báo cáo về một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào khu vực này vào sáng sớm ngày 10 tháng 10. Kênh tin tức Astra của Nga trên Telegram đã đưa tin về các vụ nổ gần phi trường vào sáng cùng ngày.

“ Trong cuộc tấn công, 57 chiến đấu cơ, máy bay huấn luyện và trực thăng đã có mặt tại phi trường. Trong đó có máy bay phản lực Su-34 và Su-35 và trực thăng Mi-8”, một nguồn tin trong Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU nói với tờ Kyiv Independent. Bộ Tổng tham mưu cũng báo cáo rằng chiến đấu cơ Su-27 cũng đang có mặt tại phi trường.

Mức độ thiệt hại gây ra cho máy bay ở Adygea đang được xác định. Theo Bộ Tổng tham mưu, cuộc tấn công đã làm hư hại một kho đạn dược, dẫn đến hỏa hoạn, cũng có thể nhìn thấy trong đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội.

Sân bay này nằm gần làng Khanskaya, gần thủ phủ Maykop của khu vực và cách tiền tuyến khoảng 430 km. Sân bay Khanskaya là nơi đóng quân của Trung đoàn Không quân Huấn luyện 272 của Nga.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Nga sử dụng căn cứ không quân này để tiếp nhiên liệu và hỗ trợ các cuộc không kích vào các vị trí quân sự và trung tâm dân cư của Ukraine. Ông nói thêm rằng hoạt động này được thực hiện với sự hợp tác giữa SBU, cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR và Lực lượng tác chiến đặc biệt.

Cũng trong ngày 10 tháng 10, máy bay điều khiển từ xa do SBU, HUR, quân đội và Lực lượng tác chiến đặc biệt điều hành đã tấn công một cơ sở lưu trữ máy bay điều khiển từ xa Shahed gần thành phố Yeysk của Nga, nguồn tin cho biết thêm, gây ra vụ nổ và hỏa hoạn lớn.

[Kyiv Independent: Ukraine confirms strike on Russian airbase in North Caucasus housing Su-34, Su-27 jets]

4. Máy bay phản lực quân sự Nga rơi ở Bắc Kavkaz

Theo truyền thông quốc gia và các báo cáo quân sự không chính thức, một trong những máy bay huấn luyện của Mạc Tư Khoa đã bị rơi ở miền nam nước Nga.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, rằng một máy bay huấn luyện Yak-130 đã bị rơi giữa khu vực Kalmykia và Volgograd ở phía nam, theo nguồn tin từ các cơ quan cấp cứu.

Các bài viết từ cộng đồng blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga đưa tin rằng một chiếc Yak-130 đã bị rơi, mặc dù các báo cáo không thống nhất liệu nó rơi ở Kalmykia hay Volgograd.

Hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin, máy bay đã rơi xuống Volgograd, theo thông tin từ văn phòng công tố.

Kênh Telegram ủng hộ Cẩm Linh Shot cho biết máy bay đang trong chuyến bay huấn luyện, bay về phía một phi trường ở Volgograd. Kênh Telegram 112 của Nga cho biết máy bay đã rơi cách thủ phủ Elista của vùng Kalmykia khoảng 40 km, hay 25 dặm.

Phi công đã được đưa vào bệnh viện, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin. Ông được trực thăng đưa đến một cơ sở y tế ở Volgograd, theo kênh 112 Telegram.

Một số nguồn tin của Nga liệt kê nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi thiết bị chưa xác định.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để xin bình luận.

Máy bay của Mạc Tư Khoa ở xa tiền tuyến đã gặp phải một số tổn thất không liên quan đến chiến đấu, trong đó nhiều tổn thất được chính quyền và phương tiện truyền thông cho là do lỗi kỹ thuật.

Các chuyên gia trước đây đã nói với Newsweek rằng số lượng lớn các vụ tai nạn máy bay của Nga được báo cáo có thể là do thời gian đào tạo hạn chế, thiếu phi công có kinh nghiệm, nhu cầu chiến đấu ở Ukraine và việc hạ thấp các tiêu chuẩn an toàn.

Vào cuối tháng 7, một chiếc Su-34 đã bị rơi ở khu vực Volgograd trong chuyến bay huấn luyện theo lịch trình mà chính phủ Nga mô tả.

Vào giữa tháng 6, một chiếc Su-34 khác đã đâm vào một ngọn núi ở một “khu vực hoang vắng” trong chuyến bay huấn luyện ở Bắc Ossetia-Alania, một nước cộng hòa nhỏ nằm trên biên giới với Georgia, các phương tiện truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn đưa tin vào thời điểm đó.

Theo RIA Novosti, hai thành viên phi hành đoàn trên máy bay đã thiệt mạng sau một “trục trặc kỹ thuật”.

Vào tháng 9 năm 2023, một chiếc Su-34 đã bị rơi trong chuyến bay huấn luyện ở vùng Voronezh của Nga, giáp ranh với quận Luhansk phía đông của Ukraine. Mạc Tư Khoa khi đó cho biết hai thành viên phi hành đoàn trên máy bay đã kịp phóng ra ngoài trước khi máy bay rơi, đồng thời cho rằng vụ tai nạn là do “trục trặc kỹ thuật”.

Vào tháng 10 năm 2022, chính quyền Nga cho biết 15 người đã thiệt mạng khi một chiếc Su-34 đâm vào một tòa nhà dân cư ở Yeysk, một thị trấn ở phía nam vùng Krasnodar bên kia Biển Azov, giáp với Ukraine do Nga kiểm soát.

[Newsweek: Russian Military Jet Crashes in North Caucasus]

5. Nga giành được lãnh thổ ở Ukraine nhưng phải trả giá đắt

Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, các quan chức Hoa Kỳ cho biết Nga đã đạt được những bước tiến chậm nhưng ổn định trong những tuần gần đây trước Ukraine nhưng phải trả giá đắt - người Nga đang trải qua những tháng đẫm máu nhất trong cuộc chiến kéo dài gần ba năm.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết thương vong từ các cuộc tấn công ở Donbas đã nâng tổng số người chết và bị thương của Nga lên hơn 600.000 người.

Ước tính về thương vong - gấp hơn 40 lần tổn thất của Nga trong suốt cuộc xâm lược Afghanistan kéo dài một thập niên vào những năm 1990 - phù hợp với ước tính trước đây của Ukraine, nhưng chỉ kể một phần câu chuyện.

Trong nhiều tháng qua, quân đội Nga đã chiếm giữ nhiều vùng đất ở miền Đông Ukraine, chiếm được một số thị trấn quan trọng mà quân đội Ukraine vẫn kiên trì giữ vững trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga.

Những thắng lợi chậm chạp và đẫm máu đang tiến gần đến thị trấn Pokrovsk ở Donbas, một trung tâm vận chuyển chính cho lực lượng tiền tuyến của Ukraine. Việc mất thị trấn này sẽ là một đòn giáng mạnh vào lực lượng Ukraine đang chiến đấu dọc theo hàng trăm dặm tiền tuyến đang tranh chấp.

Các cuộc tấn công của Nga kể từ mùa hè bao gồm các cuộc tấn công bằng pháo binh lớn tiếp theo là các cuộc di chuyển quân lớn lao về phía các vị trí cố thủ của Ukraine, gây ra hàng ngàn thương vong vì các chỉ huy của Mạc Tư Khoa dường như đã quyết định áp dụng chiến lược trao đổi mạng sống của sĩ quan và binh lính Nga để lấy lãnh thổ Ukraine.

Những thành quả của Nga là bền vững và đáng kể nhất kể từ cuộc xâm lược đầu tiên vào tháng 2 năm 2022, và Mạc Tư Khoa dường như đang đặt cược rằng thương vong sẽ có thể chịu đựng được, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tướng Kirby nhận định: “Người Nga đã cố gắng chế ngự hỏa lực của Ukraine bằng các cuộc tấn công biển người lớn. Nếu các bạn nhìn vào khu vực xung quanh Pokrovsk, số lượng quân đội Nga ở đó thật đáng kinh ngạc. Họ đã đưa hàng chục ngàn quân vào khu vực rất nhỏ đó. Như các bạn biết đấy, khi các bạn có nhiều quân như vậy trong một khu vực rất nhỏ… đó là một môi trường giàu mục tiêu” đối với người Ukraine.

Chính phủ Ukraine đã nhanh chóng điều động quân đội để lấp đầy khoảng trống ở tiền tuyến, nhưng vẫn tiếp tục rút lui kể từ mùa hè, không thể chống lại hoàn toàn các cuộc tấn công biển người của Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đề cao “kế hoạch chiến thắng” của mình cho các nhà lãnh đạo ở Washington và Âu Châu, hô hào cung cấp nhiều vũ khí hơn và dỡ bỏ các hạn chế của Hoa Kỳ, Anh và Đức để cho phép sử dụng vũ khí tầm xa của họ sâu bên trong nước Nga, nơi Kyiv thấy phù hợp.

Nhưng tại cuộc họp báo, Tướng Kirby cho biết không có thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ về việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Vấn đề này dự kiến sẽ được nêu ra vào cuối tuần này tại hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia NATO dự kiến diễn ra tại Đức. Nhưng cuộc họp đã bị hủy sau khi Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin rút lui vì phải chuẩn bị ứng phó với Bão Milton.

Các bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến sẽ họp tại Bỉ vào tuần tới.

Có một số lo ngại rằng hàng ngàn quân lính Ukraine đổ vào khu vực Kursk của Nga kể từ tháng 8 đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt ở các khu vực khác. Nhưng các nhà phân tích tin rằng Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu bên trong nước Nga trong nhiều tháng trước khi người Nga có thể tổ chức phản ứng đầy đủ.

Theo Tướng Kirby, người Ukraine đã có thể tiếp tế cho quân đội bên trong nước Nga, nhưng người Nga, do sự phối hợp và lập kế hoạch kém, “gặp vấn đề hậu cần đáng kể về phía họ trong việc tái bố trí quân đội và tổ chức” phản công.

“Với tôi, không có gì cho thấy họ đã sẵn sàng thực hiện một động thái lớn để giành lại Kursk, và tôi không nghĩ họ có thể làm được điều đó trong thời gian sớm.”

[Politico: Russia gains ground in Ukraine, but at steep cost]

6. Nga tấn công bệ phóng Patriot của Ukraine bằng hỏa tiễn đạn đạo

Nga dường như đã làm hỏng một phần hệ thống phòng không Patriot của Ukraine được triển khai ở miền trung Ukraine bằng hỏa tiễn đạn đạo, mặc dù lực lượng không quân Kyiv khẳng định rằng hệ thống phòng thủ đắt tiền này vẫn đang hoạt động.

Hôm thứ Tư, Nga cho biết họ đã tấn công vào một tiểu đoàn hỏa tiễn phòng không Patriot của Ukraine ở khu vực Dnipropetrovsk của Ukraine, giáp với Donetsk, bằng hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn Iskander-M.

Cuộc tấn công đã phá hủy một trạm radar AN/MPQ-65, một cabin điều khiển, hai bệ phóng và giết chết một số lượng không xác định các chiến binh Ukraine gần thị trấn Pashena Balka, phía tây nam thành phố Dnipro, Mạc Tư Khoa cho biết. Họ đã chia sẻ đoạn phim mà họ cho là ghi lại các cuộc tấn công, mà Newsweek không thể xác minh độc lập.

Chính trị gia Ukraine và là nhà phê bình nổi tiếng của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Mariana Bezuhla, dường như đã xác nhận cuộc tấn công, nói vào thứ năm rằng cuộc tấn công đánh dấu “một 'Patriot' bị tổn hại nữa, và đây không phải là lần đầu tiên.”

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Kyiv, Đại tá Yuriy Ignat, đã nhắc đến tuyên bố của Bezuhla trong một bài đăng riêng trên Facebook vào thứ năm, mô tả những bình luận của chính trị gia này là “không có tác dụng làm giảm động lực nào đối với một người lính Ukraine hoặc tân binh tiềm năng”.

Nga “chỉ làm hư hại một vài thiết bị, chứ không phá hủy chúng” trong cuộc tấn công hôm thứ Tư, Ignat nói, nhưng không giải thích thêm. “Đơn vị Patriot tương tự vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong khu vực”.

Hệ thống Patriot đã “tham gia vào một trận chiến chống máy bay chống lại một nhóm hỏa tiễn đạn đạo của Nga” vào thời điểm đó, Ignat cho biết. “Họ đã đánh chặn được một số hỏa tiễn trong số đó”.

Nhà báo quân sự Ukraine Andriy Tsaplienko đã trích dẫn một nguồn tin từ lực lượng không quân cho biết hệ thống Patriot không bị hư hại “nghiêm trọng” và vẫn đang hoạt động.

Nga thường xuyên tuyên bố đã phá hủy hoặc làm hư hại các thành phần thuộc một số hệ thống Patriot mà Ukraine nhận được từ các nước hậu thuẫn phương Tây.

Vào tháng 7, Nga cho biết họ đã tấn công hai bệ phóng Patriot bằng hỏa tiễn Iskander-M, mà Ukraine cho biết là mồi nhử được thiết kế để lãng phí kho hỏa tiễn của Nga.

Có giá trị và tương đối hiếm trên khắp Ukraine, Patriot do Hoa Kỳ sản xuất được coi là tiêu chuẩn vàng của hệ thống phòng không. Đây là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Mạc Tư Khoa.

Người ta cho rằng Ukraine có khoảng năm hệ thống Patriot, mặc dù thông tin chi tiết vẫn chưa rõ ràng và không rõ có bao nhiêu hệ thống Patriot đã được cam kết chuyển đến quốc gia đang xảy ra chiến tranh này.

Các quan chức Kyiv từ lâu đã cầu xin các đồng minh của Ukraine tăng cường phòng không quan trọng của đất nước trước các cuộc tấn công hỏa tiễn liên tục và phá hoại của Nga vào các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Phòng không đã được đưa lên hàng đầu trong các gói viện trợ được công bố trong những tháng gần đây.

[Newsweek: Russia Hits Ukrainian Patriot Launchers in Ballistic Missile Strike]

7. 5 câu hỏi của Zelenskiy trong chuyến công du Âu Châu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy không để cơn bão ngăn cản ông trình bày kế hoạch chiến thắng của mình với các nhà lãnh đạo ở Luân Đôn, Paris, Rôma và Berlin.

Bắt đầu từ hôm Thứ Năm, 10 Tháng Mười, Tổng thống Zelenskiy sẽ thực hiện chuyến công du kéo dài 36 giờ tới các thủ đô lớn của Âu Châu, nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh, Pháp, Ý và Đức, cùng với tổng thư ký mới của NATO, cung cấp thêm viện trợ quân sự.

Trong bối cảnh quân đội Ukraine chịu áp lực từ phía Nga đang tiến quân bất chấp thương vong lớn, Zelenskiy muốn giành được sự ủng hộ cho đất nước trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng tới,;à sự kiện có thể làm đảo lộn mối quan hệ của Kyiv với đồng minh quan trọng của mình.

Chuyến đi dừng chân chớp nhoáng này là sự thay thế vào phút chót do cơn bão Milton gây ra, khiến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phải hủy chuyến đi đến Đức trong tuần này. Ông được cho là sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Căn cứ không quân Ramstein vào hôm thứ Bảy nhằm mục đích điều phối viện trợ quân sự cho Kyiv — đây sẽ là cơ hội để Zelenskiy cùng nhau giải quyết các đồng minh chủ chốt của mình.

Tổng thống Ukraine bắt đầu chuyến đi ở Luân Đôn, nơi ông trình bày kế hoạch của mình với Thủ tướng Keir Starmer và nhà lãnh đạo NATO Mark Rutte.

Ông cho biết mục đích của nó là “tạo ra các điều kiện phù hợp cho một kết thúc công bằng cho chiến tranh... Ukraine chỉ có thể đàm phán từ một vị thế vững chắc”.

Ông cũng một lần nữa yêu cầu Kyiv được phép sử dụng vũ khí được tài trợ để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga, điều mà Hoa Kỳ đã ngăn chặn.

Rutte cho biết: “Về mặt pháp lý, điều đó là có thể vì về mặt pháp lý, Ukraine được phép sử dụng vũ khí của mình, nếu họ có thể tấn công các mục tiêu ở Nga, nếu những mục tiêu này gây ra mối đe dọa cho Ukraine”, đồng thời nói thêm: “Nhưng liệu các đồng minh riêng lẻ có làm như vậy hay không, thì cuối cùng vẫn tùy thuộc vào các đồng minh riêng lẻ”.

Zelenskiy đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự tới Tổng thống Emmanuel Macron tại Paris vào chiều thứ năm trước khi kết thúc một ngày tại Rôma với Thủ tướng Giorgia Meloni, người ủng hộ mạnh mẽ Kyiv nhưng kiên quyết rằng vũ khí của Ý không thể được sử dụng bên trong nước Nga.

Sau bữa sáng với Đức Giáo Hoàng vào thứ sáu, Zelenskiy tới Berlin, nơi ông gặp Thủ tướng Olaf Scholz - người ủng hộ quân sự lớn nhất của Ukraine sau Hoa Kỳ, nhưng cũng là người từ chối tài trợ hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus vì sợ khiêu khích Nga.

Khi chuyến đi chỉ mới diễn ra vài giờ, các quan chức Ukraine đã nhanh chóng dập tắt tin đồn rằng Zelenskiy đang rao bán lệnh ngừng bắn.

“Chúng tôi có một công thức hòa bình, chúng tôi có một kế hoạch chiến thắng nhằm thúc đẩy việc thực hiện công thức hòa bình”, phó giám đốc văn phòng của Zelenskiy, Dmytro Lytvyn, nói với POLITICO. “Đó là những gì chúng tôi đang nói đến ở đây. Không ai nói về bất cứ điều gì khác”.

Một số hình thức cam kết trên con đường trở thành thành viên NATO là một phần quan trọng trong kế hoạch chấm dứt chiến tranh của Kyiv, vì đây được coi là cách duy nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công khác của Nga.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng của Zelenskiy, gần đây cho biết lời mời Ukraine tham gia liên minh quốc phòng là một phần của kế hoạch chiến thắng và ông đã khuyến khích các đồng minh bỏ qua các mối đe dọa leo thang của Nga.

Nhưng việc sớm nhận được lời mời rõ ràng sẽ là một yêu cầu lớn.

Trong khi NATO tuyên bố Ukraine đang trên đà gia nhập vào một ngày nào đó, thì vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể — với Hoa Kỳ và Đức dẫn đầu nhóm những người hoài nghi lo lắng về việc kết nạp Kyiv.

Thay vào đó, Kyiv đã bắt đầu ký 20 thỏa thuận an ninh song phương với nhiều đồng minh khác nhau nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn, nhưng chúng không cung cấp bất kỳ sự bảo đảm an ninh nào giống như tư cách thành viên NATO.

Một động thái thực tế là đưa các đồng minh phương Tây đến gần tiền tuyến — chủ yếu là Ba Lan và Rumani — để sử dụng thiết bị phòng không của họ nhằm bắn hạ máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga bay qua miền tây Ukraine.

Hiện tại, điều đó hoàn toàn không khả thi vì các đồng minh lo ngại sẽ xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.

Điều đó đã gây ra một số sự bối rối ở Kyiv, với các nhà ngoại giao chỉ ra rằng Hoa Kỳ sử dụng hệ thống phòng không của mình kết hợp với Israel để bắn hạ hỏa tiễn Iran đang bay tới. Kyiv đang kêu gọi “quyết tâm tương tự” trong việc bảo vệ Ukraine “khỏi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga”.

Một câu hỏi liên quan là thuyết phục các thủ đô gửi thêm hệ thống phòng không để quân đội Ukraine có thể tự triển khai, với cam kết cung cấp hệ thống Patriot mới và các đơn vị SAMP/T của Pháp-Ý là mục tiêu chính.

Bất chấp những tuyên bố đầy hứa hẹn trong suốt mùa hè, việc giao hàng đã chững lại, nhưng những lời cam kết vẫn tiếp tục.

Như đã nói rõ trong cuộc gặp với Starmer và Rutte, Zelenskiy đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xem xét lại các hạn chế ngăn cản Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga bằng vũ khí được tài trợ.

Bất chấp sự ủng hộ của Rutte, các nước lo ngại việc cho phép tấn công sâu có thể gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn hoặc thậm chí là phản ứng hạt nhân của Nga.

Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Ý đã vận chuyển một lượng hỏa tiễn tầm xa hạn chế tới Ukraine — mặc dù họ không muốn chúng được sử dụng bên trong nước Nga.

Đức vẫn kiên quyết từ chối triển khai hỏa tiễn hành trình Taurus mạnh mẽ của mình.

Bất chấp áp lực từ các đối tác liên minh đòi thay đổi lập trường, phản ứng của Scholz vẫn nhất quán và dứt khoát là “không”.

Trong khi Berlin có khoảng 1,4 tỷ euro trong khoản tiền mà họ tuyên bố là nguồn tài trợ mới dành cho gói hỗ trợ vũ khí, thì khả năng Zelenskiy sẽ không động đến hỏa tiễn Taurus tại Berlin vào thứ Sáu là rất thấp.

Chính phủ Ukraine cũng muốn thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp vũ khí của nước này, điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể chống lại Nga mà không cần phải làm phiền các đồng minh yếu đuối.

Các công ty quốc phòng như Rheinmetall, Nammo và Saab đã đồng ý về một số hình thức chương trình sản xuất tại địa phương cho pháo binh và xe thiết giáp. Đan Mạch, Canada và Lithuania cũng đang đặt hàng trực tiếp với các công ty Ukraine.

Zelenskiy cho biết hôm thứ Hai rằng kế hoạch là sẽ thúc đẩy vấn đề này trong cuộc họp Ramstein vào thứ Bảy.

[Politico: Zelenskyy’s 5 asks on his Europe tour (and the odds he’ll get them)]

8. Kho dầu ở Feodosia thuộc Crimea bị tạm chiếm đã cháy trong ngày thứ 4 sau cuộc không kích của Ukraine

Các lực lượng khẩn cấp của Nga đã không thể dập tắt đám cháy trong ngày thứ tư sau khi nó bùng phát tại một kho dầu ở Feodosia bị Nga tạm chiếm sau một cuộc không kích, Đài phát thanh Âu Châu Tự do/Đài phát thanh Tự do (RFE/RL) tại Crimea đưa tin hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười.

Lực lượng hỏa tiễn Ukraine đã nhắm vào kho dầu lớn nhất ở Crimea bị tạm chiếm vào sáng sớm ngày 7 tháng 10, gây ra một vụ hỏa hoạn lớn.

Cảng dầu này là cơ sở giải quyết sản phẩm dầu mỏ lớn nhất ở Crimea; một cảng khác cùng loại trên bán đảo này nằm ở Sevastopol.

Igor Tkachenko, nhà lãnh đạo ủy nhiệm của Feodosia do Nga bổ nhiệm, cho biết tính đến ngày 10 tháng 10, 1.137 người đã được di tản khỏi khu vực.

Chính quyền cảnh báo rằng lượng nước cần thiết để dập tắt đám cháy cũng có thể ảnh hưởng đến phẩm chất và số lượng nguồn cung cấp nước cho người dân.

Trong những tháng gần đây, quân đội Ukraine đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm mục đích gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, ngành mang lại lợi nhuận cho các nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa.

Gần đây, một vụ hỏa hoạn xảy ra sau cuộc không kích của Ukraine vào cơ sở lưu trữ dầu mỏ và xăng dầu Kavkaz ngay bên ngoài Proletarsk, một thị trấn ở Tỉnh Rostov của Nga, đã được dập tắt sau 11 ngày và làm 49 lính cứu hỏa Nga bị thương.

[Kyiv Independent: Oil depot in occupied Crimea's Feodosia burning for 4th day after Ukraine's strike]

9. NATO sẽ bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn vào thứ Hai

NATO khởi động cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn mang tên Steadfast Noon vào thứ Hai ngày 14 tháng 10, với sự tham gia của hàng chục máy bay và 2.000 quân nhân.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelenskiy và Thủ tướng Anh Starmer, cho biết “Trong một thế giới bất ổn, điều quan trọng là chúng ta phải kiểm tra khả năng phòng thủ của mình và tăng cường khả năng phòng thủ để đối thủ biết rằng NATO đã sẵn sàng và có khả năng ứng phó với mọi mối đe dọa.”

Theo Tổng Thư Ký Rutte, cuộc tập trận sẽ không bao gồm việc sử dụng vũ khí quân sự; tuy nhiên, khoảng 2.000 quân nhân sẽ mô phỏng các hoạt động trong đó máy bay phản lực quân sự vận chuyển bom hạt nhân của Mỹ.

Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của khoảng 60 máy bay từ 13 quốc gia, bao gồm chiến đấu cơ F-35A và máy bay ném bom B-52.

Tổng thư ký NATO mới đắc cử, Mark Rutte, nhấn mạnh rằng các nước Đồng minh hiện không thấy rủi ro trực tiếp nào liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân và khuyên họ không nên chú ý đến các mối đe dọa hạt nhân từ Nga.

Liên Hiệp Âu Châu tuyên bố rằng lời đe dọa mới nhất của lãnh đạo Điện Cẩm Linh Vladimir Putin về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với các quốc gia không có vũ khí hạt nhân là một ví dụ nữa về hành vi vô trách nhiệm của ông ta và sẽ không ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục hỗ trợ Ukraine của Liên minh Âu Châu.

Vào tháng 9, Vladimir Putin đã thực hiện những thay đổi đối với học thuyết răn đe hạt nhân của Nga.

[Ukrainska Pravda: NATO to begin large-scale nuclear exercises on Monday]

10. Nga tuyển dụng phụ nữ trẻ Phi Châu để chế tạo máy bay điều khiển từ xa phục vụ chiến tranh ở Ukraine

Khoảng 200 phụ nữ Phi Châu, tuổi từ 18 đến 22, đã được tuyển dụng để làm việc tại một nhà máy lắp ráp máy bay điều khiển từ xa do Iran thiết kế để phóng vào Ukraine tại Đặc khu kinh tế Alabuga của Nga.

“Alabuga Start” đang sử dụng mạng xã hội để tuyển người vào nhà máy bằng cách đăng video và quảng cáo việc làm, tất cả đều không đề cập đến vai trò của nhà máy trong việc sản xuất máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Một số phụ nữ đã bị lừa rằng họ sẽ tham gia vào một chương trình làm việc-học tập. Họ mô tả những giờ làm việc dài, bị giám sát liên tục, làm việc với hóa chất ăn da và những lời hứa không được thực hiện về tiền lương.

Khu kinh tế đặc biệt Alabuga là một khu vực sản xuất công nghiệp ở Quận Yelabuzhsky của Tatarstan. Associated Press đã phân tích hình ảnh vệ tinh của khu phức hợp và các tài liệu nội bộ bị rò rỉ. Các phóng viên của AP cũng đã nói chuyện với những người phụ nữ Phi Châu đã đến khu phức hợp và theo dõi các cảnh quay video về chương trình tuyển dụng trực tuyến. Các báo cáo của họ đã ghép lại với nhau những gì diễn ra tại nhà máy.

Trang Instagram có tên “Alabuga Start” tràn ngập các bài đăng quảng cáo việc làm trong khu phức hợp và các bài đăng đều có chú thích trích dẫn lời các quan chức.

Những quan chức này bao gồm Lãnh sự Kyrgyzstan, người mô tả Alabuga Start là nơi có “điều kiện lý tưởng cho cuộc sống và công việc”, và Nursultan Kubanov, Trưởng phòng Cải cách, Phát triển số và Kinh tế sáng tạo, cho biết Alabuga Start là “Cơ hội tốt để những người trẻ tuổi di cư hợp pháp và có được một công việc chính thức tại Nga”.

Alabuga đã tuyển dụng từ các nước Phi Châu bao gồm Uganda, Rwanda, Kenya, Nam Sudan, Sierra Leone và Nigeria, cũng như Sri Lanka.

Theo David Albright, người làm việc tại Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, khoảng 90 phần trăm phụ nữ được tuyển dụng là những người sản xuất máy bay điều khiển từ xa.

Ban quản lý nhà máy không khuyến khích phụ nữ rời khỏi nhà máy, nhưng một số vẫn bỏ việc.

Những người phụ nữ được báo cáo là đang lắp ráp những chiếc máy bay điều khiển từ xa này đang làm việc với các chất ăn da, và nhiều công nhân không có đồ bảo hộ. Một công nhân lắp ráp máy bay điều khiển từ xa đã nói với cơ quan truyền thông rằng công nhân đi bằng xe buýt từ nơi ở của họ đến nhà máy, và đi qua nhiều trạm kiểm soát an ninh trên đường đi.

Những công nhân này cùng chia sẻ ký túc xá và nhà bếp, được giám sát liên tục.

Có rất nhiều tranh chấp về mức lương tại chương trình này. Các bài đăng trên mạng xã hội mô tả mức lương là “trên 500 đô la” một tháng. Hầu hết những người mà AP phỏng vấn đều nói rằng mức lương và cuộc sống tại nhà máy không đáp ứng được kỳ vọng của họ.

Alabuga là nhà máy chính của Nga sản xuất máy bay điều khiển từ xa nổ một chiều. Theo các tài liệu nội bộ và Viện Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Washington, có kế hoạch sản xuất 6.000 máy bay mỗi năm vào năm 2025

Năm 2022, Nga và Iran đã ký một thỏa thuận trị giá 1,7 tỷ đô la sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, và cuối năm đó, Mạc Tư Khoa bắt đầu nhập khẩu máy bay điều khiển từ xa từ Iran.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh qua email để xin bình luận.

[Newsweek: Russia Recruits Young African Women to Make Drones for War in Ukraine]
 
Đức công bố gói viện trợ đến 1,53 tỷ. Zelensky: Putin sẽ thảm bại năm 2025. Nga cạn kiệt nghĩa trang
VietCatholic Media
16:14 12/10/2024


1. Thủ tướng Scholz của Đức đề nghị viện trợ quân sự mới trị giá 1,4 tỷ euro cho Ukraine trong chuyến thăm của Zelenskiy

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine cùng với việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại nặng nề của nước này trong chuyến thăm Berlin của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào thứ Sáu.

“Đức là nước ủng hộ quân sự mạnh mẽ nhất của Ukraine ở Âu Châu”, Scholz nói, khi tiếp Zelenskiy vào cuối chuyến công du của nhà lãnh đạo Ukraine tới các thủ đô Âu Châu trong tuần này. “Nó sẽ vẫn như vậy”, Scholz nói thêm. “Tôi có thể bảo đảm với bạn về điều đó”.

Viện trợ quân sự trị giá 1,4 tỷ euro được gom lại từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm tiền mặt liên bang chưa sử dụng và các sáng kiến gây quỹ quốc tế. Scholz cho biết hôm thứ Sáu rằng Bỉ, Đan Mạch và Na Uy cũng đã giúp cung cấp khoản viện trợ mới.

Scholz cho biết gói này sẽ bao gồm hệ thống phòng không Skynex, pháo phòng không Gepard, xe tăng và pháo tự hành cùng với xe thiết giáp, máy bay điều khiển từ xa, hệ thống radar và đạn pháo.

Scholz cho biết khoảng 170 triệu euro tiền tài trợ cho hệ thống năng lượng của Ukraine cũng đã được cam kết.

Zelenskiy đã có mặt tại Berlin để trình bày kế hoạch chiến thắng của mình với Scholz và thuyết phục ông này cung cấp thêm viện trợ quân sự, mà nhà lãnh đạo Ukraine cho biết là cần thiết để giúp buộc Điện Cẩm Linh tham gia đàm phán hòa bình. Trong 24 giờ trước đó, Zelenskiy cũng đã gặp các nhà lãnh đạo của Vương quốc Anh, Pháp và Ý, cũng như tổng thư ký mới của NATO.

Quân đội Ukraine đang chịu áp lực từ lực lượng Nga đang tiến về phía trước mặc dù có thương vong lớn.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ban đầu cũng có kế hoạch đến thăm Berlin vào tuần này và tham dự hội nghị thượng đỉnh đã lên kế hoạch của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Căn cứ không quân Ramstein. Nhưng Tòa Bạch Ốc đã hoãn chuyến đi do Bão Milton.

[Kyiv Independent: Germany’s Scholz offers €1.4B in fresh military aid for Ukraine during Zelenskyy visit]

2. Đưa tương lai quay ngược về quá khứ: Nga sẽ khánh thành bức tượng Stalin mới

Joseph Stalin, nhà độc tài Liên Xô gây ra cái chết của hàng triệu người ở Trung và Đông Âu, sẽ được tưởng niệm bằng một bức tượng có kích thước bằng người thật sắp được khánh thành tại Nga.

“Quyết định này được đưa ra dựa trên yêu cầu của công chúng. Có một nhu cầu”, thống đốc vùng Vologda phía tây bắc, Georgy Filimonov, đã cho biết như trên hôm Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười.

Bức tượng sẽ được lắp đặt gần một bảo tàng ở Vologda, nơi Stalin sống lưu vong từ tháng 12 năm 1911 đến tháng 2 năm 1912.

Chế độ toàn trị của Stalin từ năm 1924 cho đến khi ông qua đời vào năm 1953 là thời kỳ đàn áp chính trị hàng loạt, thanh trừng sắc tộc và nạn đói ở Liên Xô khiến hàng triệu công dân Liên Xô thiệt mạng.

Tuy nhiên, thống đốc cho biết rằng “với tất cả sự hiểu biết về cách giải thích mơ hồ về vai trò” của Stalin, người Nga phải công nhận “những thành tựu to lớn” của ông và không chỉ biết đến lịch sử đất nước mình mà còn “tôn trọng và tự hào về điều đó”.

Ông cho biết, lịch sử Nga là “một chuỗi liên kết không thể tách rời, đan xen của tiến trình lịch sử, mỗi liên kết đã hình thành nên sức mạnh, tinh thần và ý chí của dân tộc vĩ đại của chúng ta”.

Thống đốc cũng công bố kế hoạch tưởng niệm một nhà lãnh đạo biểu tượng khác của Nga bằng một tượng đài mới: đó là tượng đài của Bạo chúa Ivan.

[Politico: Back to the future: Russia to unveil new Stalin statue]

3. ISW cho rằng lệnh cấm Discord của Nga ‘có khả năng làm suy yếu’ hoạt động truyền thông tiền tuyến

Theo một đánh giá mới, lệnh cấm mới của Nga đối với quân đội nước này sử dụng nền tảng nhắn tin tức thời Discord ở Ukraine có thể đã tác động đến lực lượng của Mạc Tư Khoa đang chiến đấu trên tiền tuyến.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin rằng Roskomnadzor, cơ quan giám sát truyền thông của Điện Cẩm Linh chịu trách nhiệm kiểm duyệt tại nước này, đã chặn nền tảng truyền thông Discord, có 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, vì vi phạm luật pháp Nga.

Tháng tới, Jack Teixeira, nhà lãnh đạo nhóm trò chuyện Discord trước đây thuộc Lực lượng Phòng không Quốc gia Massachusetts, sẽ bị kết án sau khi nhận tội rò rỉ trực tuyến hàng loạt tài liệu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW cho biết hôm thứ Tư rằng Discord là một công cụ quan trọng trong kho vũ khí quân sự của Nga để phối hợp các chiến binh dọc theo tiền tuyến của Ukraine, bao gồm cả việc thực hiện các hoạt động máy bay điều khiển từ xa.

Theo một tuyên bố từ cơ quan giám sát, được hãng thông tấn Tass công bố, quyền truy cập vào Discord sẽ bị “hạn chế do vi phạm các yêu cầu của luật pháp Nga, việc tuân thủ luật pháp là cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng ứng dụng nhắn tin cho các dịch vụ khủng bố và cực đoan, tuyển dụng công dân để thực hiện các hoạt động này, để bán ma túy và liên quan đến việc đăng tải thông tin bất hợp pháp”.

Công ty có trụ sở tại San Francisco này đã bị phạt hơn 36.000 đô la, Tass đưa tin. Newsweek đã gửi email cho Discord để xin bình luận.

“ Lệnh cấm này có thể sẽ cản trở một số hoạt động liên lạc quân sự của Nga ở tuyến đầu trong tương lai gần”, nhóm nghiên cứu ISW cho biết. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email.

Lệnh cấm này xuất phát từ chiến dịch trấn áp của Mạc Tư Khoa đối với các thiết bị mà quân đội ở Ukraine sử dụng, trao quyền cho chỉ huy trừng phạt những người lính sử dụng điện thoại di động hoặc thiết bị định vị trên chiến trường.

Dự luật được Quốc hội Nga thông qua được thiết kế nhằm bảo đảm “an toàn cho quân nhân và các đơn vị quân đội”, Andrei Kartapolov, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, phát biểu với giới truyền thông Nga vào thời điểm đó.

Dmitry Rogozin, quan chức do Nga bổ nhiệm tại vùng Zaporizhzhia do Ukraine sáp nhập, cho biết vào tháng 7: “Trước khi cấm một thứ gì đó, bạn cần phải tạo ra một thứ khác”.

ISW cho biết hôm thứ Tư rằng Mạc Tư Khoa đã “không thiết lập được một hệ thống liên lạc chính thức an toàn và hiệu quả để lực lượng Nga sử dụng”, thay vì những ứng dụng như Discord.

Bộ Quốc phòng Nga “không cố gắng cung cấp bất kỳ giải pháp thay thế nào cho quân đội”, một trong những blogger quân sự nổi tiếng của Nga cho biết hôm thứ Ba.

Tuy nhiên, quân đội Mạc Tư Khoa vẫn “phải chiến đấu bằng cách nào đó”, Mikhail Zvinchuk, người điều hành kênh truyền hình Rybar có ảnh hưởng, cho biết.

“Trong trường hợp không có nhu liệu chuyên dụng được cung cấp tập trung, bộ chỉ huy sẽ sử dụng các dịch vụ thương mại phương Tây có sẵn để tổ chức kiểm soát chiến đấu vì họ phải chiến đấu bằng cách nào đó”, Zvinchuk nói. Tuy nhiên, dữ liệu sau đó “trực tuyến đến nơi không nên đến”, bao gồm cả các máy chủ có trụ sở tại NATO, blogger quân sự này nói thêm.

“Và sau đó, cơ quan có thẩm quyền được lệnh cắt đứt mọi thứ cùng một lúc.”

[Newsweek: Russia's Discord Ban 'Likely Degrading' Front-Line Communications: ISW]

4. Nga đang cạn kiệt nghĩa trang

Trong một diễn biến chưa từng có, hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã khuyến khích các tín hữu chôn cất bằng cách hỏa táng. Trước đây, đó là một điều cấm kỵ. Điều này được cho phép để đồng điệu hóa với chính quyền của nhà độc tài Putin trước tình cảnh ngày nay Nga đang thiếu các nghĩa trang.

Tuy nhiên, một Phó Chủ tịch Duma Quốc gia cho biết Nga không chỉ đang cạn kiệt nghĩa trang, mà cả các lò hỏa táng cũng thiếu. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Ngũ Giác Đài ước tính rằng Mạc Tư Khoa đã phải chịu hơn 600.000 ca tử vong trong cuộc chiến với Ukraine.

Bà Svetlana Razvorotneva, Phó chủ tịch Ủy ban Xây dựng, Nhà ở và Tiện ích của Quốc hội thuộc Duma Quốc gia Nga, cho biết đất nước đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu về nghĩa trang và lò hỏa táng.

Bà cho biết vấn đề chính là luật liên bang chỉ cho phép “các tổ chức thành phố” tham gia vào việc chôn cất.

“Không thể xây dựng bất kỳ nghĩa trang tư nhân, lò hỏa táng hay các cơ sở nghi lễ nào khác; không thể thu hút vốn và đầu tư vào khu vực này từ bên ngoài, ngoài các nguồn vốn của nhà nước”, bà nói, “Mặc dù vậy, chúng lại rất cần thiết”.

Razvorotneva cho biết luật được thông qua năm 1996 đã lỗi thời và không còn đáp ứng được nhu cầu của Nga.

Bà cho biết: “Nhu cầu về lò hỏa táng hiện nay rất cao”, đồng thời nói thêm rằng đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Mạc Tư Khoa, St. Petersburg và Yekaterinburg, có nghĩa là đôi khi mọi người buộc phải đi ra khỏi những thành phố này để sử dụng dịch vụ hỏa táng ở nơi khác.

Theo tờ Parlamentskaya Gazeta đưa tin, hiện nay chỉ có một lò hỏa táng cho mỗi năm triệu người dân Nga.

Bình luận của Razvorotneva được đưa ra sau khi một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết người ta tin rằng Ukraine đã gây ra hơn 600.000 thương vong cho lực lượng Nga.

“ Một lần nữa, tổn thất của Nga, cả về người chết và bị thương trong chiến đấu chỉ trong năm đầu tiên của cuộc chiến đã vượt quá tổng số tổn thất của Nga hoặc tổn thất của Liên Xô trong bất kỳ cuộc xung đột nào kể từ Thế chiến II cộng lại”, vị quan chức này cho biết hôm thứ Tư.

“Đây là cách chiến tranh của Nga khi họ tiếp tục dồn lực lượng vào cuộc chiến, và tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến tổn thất lớn.”

Bộ Quốc phòng Anh cho biết tuần này rằng tháng 9 chứng kiến số thương vong của Nga được báo cáo cao nhất trong một tháng kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Putin có thể sớm phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về nhân lực, vì Mạc Tư Khoa đã tiến hành các cuộc tấn công biển người tiêu hao nhân lực với số thương vong cao trong quá trình tiến quân chậm nhưng chắc ở miền Đông Ukraine.

Nga tập hợp quân đội của mình từ nhiều nguồn, phần lớn là lính nghĩa vụ và thường phục vụ trong khoảng một năm.

Tuy nhiên, một số lượng lớn nhân sự đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng.

Các nguồn khác bao gồm lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, lực lượng từ nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga, do Ramzan Kadyrov, đồng minh thân cận của Putin, lãnh đạo, các lính đánh thuê như những người thuộc Nhóm Wagner và thậm chí cả những người bị kết án.

[Newsweek: Russia Is Running Out of Cemeteries]

5. Liệu cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể được ngăn chặn không? Cựu Tổng thư ký NATO nghĩ là có.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí POLITICO, cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chia sẻ một điều hối tiếc lớn: phương Tây đã không can thiệp mạnh mẽ hơn vào Ukraine sau khi Nga bắt đầu xâm lược lãnh thổ nước này vào năm 2014.

Tuyên bố của cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phù hợp với cáo buộc của Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Trump, là những người đã quy trách nhiệm cho cựu Tổng thống Barrack Obama vì đã không giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Vladimir Putin vào năm 2014.

Ông Jens Stoltenberg nhận định rằng: “Nếu chúng ta chỉ chuyển giao một phần nhỏ số vũ khí mà chúng ta đã chuyển giao sau năm 2022, chúng ta thực sự có thể ngăn chặn được chiến tranh”.

Stoltenberg không chia sẻ bất kỳ sự bất bình nào và tránh chỉ trích bất kỳ thành viên nào của liên minh, mặc dù ông tin chắc rằng có thể làm được nhiều hơn nữa để giúp Ukraine.

Đây là đường lối khiến chính trị gia Na Uy 65 tuổi này được hầu hết đồng minh yêu mến. Ông hiếm khi vượt quá giới hạn, điều này rất quan trọng đối với một liên minh quân sự được điều hành trên cơ sở đồng thuận, không phải trên các cuộc đấu công khai giữa những người đối lập.

Ông cũng đã làm việc để củng cố di sản của mình với tư cách là nhà lãnh đạo lâu thứ hai trong lịch sử NATO, đảm nhiệm vai trò quyết đoán hơn trong vài tháng cuối cùng của mình trong kế hoạch cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine vào năm tới. Ông cũng bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ chuyển một phần cơ chế chuyển giao vũ khí cho Ukraine sang quyền kiểm soát của NATO, bảo đảm một mức độ ổn định để những thay đổi ở Tòa Bạch Ốc không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ở Ukraine.

Cựu Tổng thư ký NATO cho biết trước khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine nổ ra, Putin đã gửi cho ông một lá thư vào năm 2021, yêu cầu không chấp nhận bất kỳ thành viên NATO mới nào và không được đóng quân ở sườn phía đông. Tuy nhiên, đó không phải là một bất ngờ lớn. Những yêu cầu trong bức thư phù hợp với những gì Nga đã đưa ra trước đó trong các cuộc họp khác nhau. Tất nhiên, NATO không thể nói rằng chúng tôi đóng cửa NATO — không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với Phần Lan và Thụy Điển. Putin muốn chúng tôi ngừng bất kỳ sự mở rộng nào nữa. Bảo đảm không có sự hiện diện quân sự nào của NATO ở phía đông của liên minh sẽ là đưa ra một số loại tư cách thành viên NATO hạng nhất và hạng hai.

Mặc dù vậy, chúng tôi thực sự sẵn sàng ngồi lại và tổ chức một cuộc họp tại Hội đồng NATO-Nga vào Tháng Giêng năm 2022, vì chúng tôi cho rằng điều quan trọng là phải làm mọi cách có thể để có một tiến trình chính trị, ngoại giao nhằm cố gắng ngăn chặn chiến tranh.

Và khi tôi nhậm chức vào năm 2014, một trong những nhiệm vụ chính của tôi là cố gắng tăng cường đối thoại chính trị với Nga. Nhưng tất nhiên, những gì chúng ta thấy trong những năm qua, và đặc biệt là vào mùa thu năm 2021 và đầu năm 2022, là không gian cho đối thoại chính trị cực kỳ nhỏ.

Cuộc thảo luận khó khăn nhất, theo một cách nào đó, là ngay trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Cuộc chiến không bắt đầu vào năm 2022, mà bắt đầu vào năm 2014, khi Crimea bị sáp nhập bất hợp pháp vào Nga.

Chúng ta đã không trợ giúp người Ukraine đúng mức, và vì thế chúng ta đã vô tình khích lệ người Nga tiến vào miền đông Donbas vào mùa hè năm 2014.

Từ đó, các đồng minh NATO mới cung cấp một số hỗ trợ cho Ukraine. Tôi nhớ một trong những chuyến thăm đầu tiên của tôi thực sự là đến Yavoriv, một cơ sở huấn luyện của NATO dành cho Ukraine vào năm 2015. Tôi đã nỗ lực hết sức để cố gắng thuyết phục các đồng minh NATO làm nhiều hơn, cung cấp nhiều hỗ trợ quân sự hơn, nhiều đào tạo hơn. Một số đồng minh đã làm vậy, nhưng tương đối hạn chế, và điều đó rất khó khăn trong nhiều năm vì chính sách của NATO là NATO không được cung cấp hỗ trợ sát thương cho Ukraine.

Đó là sự nhìn lại và giả thuyết, vì vậy không ai có thể nói chắc chắn, nhưng tôi vẫn tin rằng nếu chúng ta vũ trang cho Ukraine nhiều hơn sau năm 2014, chúng ta có thể ngăn chặn Nga xâm lược. Chúng tôi đã thảo luận về vũ khí chống tăng Javelin mà một số đồng minh cho là khiêu khích. Tôi nghĩ thực ra chúng ta có thể làm nhiều hơn trước cuộc xâm lược toàn diện. Nếu chúng ta chỉ cung cấp một phần nhỏ vũ khí mà chúng ta đã cung cấp sau năm 2022, chúng ta có thể thực sự ngăn chặn được chiến tranh, thay vì phải hỗ trợ nỗ lực tự vệ của Ukraine trong một cuộc xâm lược toàn diện.

“Tôi vẫn tin rằng nếu chúng ta trang bị vũ khí nhiều hơn cho Ukraine sau năm 2014, chúng ta có thể ngăn chặn được Nga xâm lược.”

Tôi nghĩ chúng ta cần phải thừa nhận rằng các đồng minh NATO đã cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có, hỗ trợ nhiều hơn nhiều so với bất kỳ ai có thể hy vọng vào năm 2022 hoặc trước cuộc xâm lược: HIMARS, hỏa tiễn hành trình, xe tăng chiến đấu tiên tiến, Leopard và Abrams và F16 — một lượng đạn dược và pháo khổng lồ. Nhưng tất nhiên, hiện đang có một cuộc thảo luận đang diễn ra về các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do NATO cung cấp hoặc vũ khí từ các đồng minh NATO trên lãnh thổ Nga.

Quan điểm của tôi là đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine. Đó là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Theo luật pháp quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ, và quyền tự vệ ấy bao gồm quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ của kẻ xâm lược, là Nga. Tôi hoan nghênh việc một số đồng minh không có hạn chế nào, ngoại trừ việc phải nằm trong giới hạn của luật pháp quốc tế. Và những nước khác thực sự đã nới lỏng các hạn chế của họ đối với việc sử dụng vũ khí.

Điều tôi muốn nói là bất kỳ ai được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11, điều quan trọng là các đồng minh Âu Châu phải hợp tác với Hoa Kỳ để bảo đảm rằng họ tiếp tục ủng hộ Ukraine, vì lợi ích an ninh của tất cả chúng ta, Ukraine phải thắng thế như một quốc gia có chủ quyền, độc lập ở Âu Châu.

Tất cả chúng ta đều muốn cuộc chiến này kết thúc, nhưng chúng ta cũng biết rằng cách nhanh nhất để kết thúc một cuộc chiến là đầu hàng. Nhưng điều đó sẽ không mang lại hòa bình. Nó sẽ làm bùng lên các cuộc xâm lược khác ở Ukraine, và trên toàn thế giới.

Do đó, thách thức ở đây là phải chấm dứt chiến tranh theo cách mà Ukraine vẫn là một quốc gia có chủ quyền, độc lập, và cách duy nhất để đạt được điều đó là bảo đảm rằng Nga hiểu rằng họ không thể đạt được mục tiêu của mình trên chiến trường.

Tôi không tin rằng chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của Putin, nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể thay đổi phép tính của ông ta, rằng ông ấy nhận ra rằng chi phí để tiếp tục chiến tranh là quá cao. Đây là thông điệp của tôi gửi đến Hoa Kỳ, và đây cũng là điều mà chúng ta, tất cả chúng ta, nên truyền đạt rất rõ ràng đến Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử.

[Politico: Could Russia’s Invasion of Ukraine Been Prevented? NATO’s Outgoing Chief Thinks So.]

6. Mạc Tư Khoa và Tehran chia sẻ thế giới quan ‘rất gần gũi’, Putin nói khi ông gặp tổng thống Iran

Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, Putin cho biết khi ông gặp Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại Turkmenistan rằng Nga và Iran có quan điểm tương tự về các sự kiện quốc tế.

“Chúng tôi đang tích cực hợp tác trên trường quốc tế và đánh giá của chúng tôi về các sự kiện diễn ra trên thế giới thường rất gần gũi”, Putin cho biết, theo phương tiện truyền thông nhà nước Nga. Putin và Pezeshkian đã gặp nhau bên lề một diễn đàn của các nhà lãnh đạo khu vực tại thủ đô Ashgabat của Turkmenistan.

Pezeshkian gọi mối quan hệ giữa Iran và Nga là “chiến lược và chân thành”.

Cả Nga và Iran đều có thành tích bất hảo là xâm lược các quốc gia lân bang. Cả hai quốc gia đều có các ý thức hệ bành trướng và coi các dân tộc khác là hạ đẳng so với mình.

“Về mặt kinh tế và văn hóa, sự hợp tác của chúng ta đang ngày càng mạnh mẽ hơn”, Pezeshkian cho biết. Tháng trước, nhà lãnh đạo Iran đã cam kết sẽ tăng cường quan hệ với Mạc Tư Khoa để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine của Putin.

Cuộc họp diễn ra sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Iran vào Israel và mối lo ngại ngày càng tăng về hợp tác quân sự giữa hai chính phủ, bao gồm cả việc liệu Tehran có cung cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa để tiến hành cuộc chiến của Putin ở Ukraine hay không.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết vào tháng trước rằng Nga đã mua hỏa tiễn đạn đạo từ Iran và có khả năng triển khai chúng ở Ukraine trong vòng vài tuần. Tehran đã phủ nhận việc gửi hỏa tiễn cho Nga.

Putin đã mời Pezeshkian, người được bầu làm tổng thống vào tháng 7, đến thăm chính thức Nga, và lời mời này đã được tổng thống Iran chấp nhận.

Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp lại nhau tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24 tháng 10 tại thành phố Kazan của Nga.

Pezeshkian cho biết Mạc Tư Khoa và Tehran sắp ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược, có thể diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này.

[Politico: Moscow and Tehran share ‘very close’ worldview, says Putin as he meets Iran’s president]

7. Zelenskiy nhắc lại tại Berlin rằng ông muốn chiến tranh kết thúc chậm nhất là vào năm 2025

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tái khẳng định tại Berlin rằng ông muốn chiến tranh kết thúc chậm nhất là năm 2025 và cho biết ông sẽ trình lên Thủ tướng Đức Olaf Scholz một kế hoạch giúp đạt được mục tiêu này.

Tổng thống Zelenskiy cảm ơn Scholz đã ủng hộ Công thức hòa bình và hợp tác với Ukraine để làm cho các hội nghị thượng đỉnh hòa bình có hiệu quả. Ông lưu ý đến việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh đầu tiên và thông báo cho ông về công tác chuẩn bị cho hội nghị thứ hai.

Đồng thời, Zelenskiy nhấn mạnh rằng thế giới thấy Nga đang né tránh biện pháp ngoại giao trung thực để chấm dứt cuộc chiến này một cách công bằng và trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Ông nói: “Đây chính xác là điều chúng tôi cần – khôi phục nền hòa bình công bằng cho Ukraine, và đây là chiến thắng của chúng tôi, và đây là điều chúng tôi đang nỗ lực đạt được.”

Zelenskiy cho biết vào chiều Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, rằng ông sẽ trình bày với Scholz một kế hoạch mà Ukraine tin rằng có thể giúp chấm dứt chiến tranh chậm nhất là vào năm 2025.

“Hôm nay tôi sẽ trình bày với Olaf một kế hoạch về cách thức mà theo chúng tôi, chúng tôi sẽ buộc Nga phải hòa bình, tức là cách thức chấm dứt cuộc chiến này, theo tôi, chậm nhất là vào năm 2025”, ông nói.

Zelenskiy lưu ý rằng kế hoạch này là cầu nối dẫn đến Hội nghị thượng đỉnh hòa bình hiệu quả nhằm chấm dứt chiến tranh.

“Tức là, kế hoạch này không phải nhằm thay thế sáng kiến hòa bình của chúng tôi, mà là nhằm củng cố vị thế của Ukraine vì mục tiêu tiến gần hơn tới hòa bình”, Zelenskiy kết luận.

Vào ngày 9 tháng 10, Zelenskiy đã đến thăm Croatia, nơi ông cho biết ông thấy cơ hội để đặt ra các điều kiện tiên quyết để chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc vào năm 2025 theo các điều khoản có thể chấp nhận được đối với Ukraine trong những tháng tới.

Zelenskiy đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại đây ông tiết lộ Kế hoạch Chiến thắng của mình với nhà lãnh đạo Pháp, nêu vấn đề đạn dược và dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây, cũng như huy động tài trợ để cho phép Ukraine sản xuất thêm máy bay điều khiển từ xa tấn công của riêng mình.

Ngoài ra, Zelenskiy đã thảo luận về Kế hoạch Chiến thắng với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy reiterates in Berlin that he would like war to end no later than 2025]

8. Boris Johnson bảo vệ Ông Donald Trump về cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng

Boris Johnson khẳng định Ông Donald Trump không cố gắng “lật đổ hiến pháp” sau cuộc bạo loạn của những người ủng hộ ông phản đối kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 vào ngày 6 Tháng Giêng năm 2021.

Cựu thủ tướng Anh, khi quảng bá cuốn hồi ký mới của mình, cho biết cựu tổng thống Hoa Kỳ đã chuyển giao quyền lực thành công cho Tổng thống Joe Biden — mặc dù phản đối kết quả và khinh thường lễ nhậm chức.

“Cá nhân tôi không nghĩ ông ấy có ý định lật đổ hiến pháp và điều thực sự xảy ra là sự chuyển giao quyền lực dân chủ một cách hòa bình từ chính quyền này sang chính quyền khác”, Johnson nói với Times Radio, đồng thời nói thêm rằng điều đó “phải xảy ra vào tháng 11” trong cuộc chiến giữa Ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris.

Johnson nhấn mạnh rằng việc Ông Trump từ chối thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử và tuyên bố gian lận bầu cử tràn lan “không” khiến ông không đủ tư cách để bước vào Tòa Bạch Ốc một lần nữa.

Khi Johnson vẫn còn tại nhiệm, đảng viên Bảo thủ cao cấp đã lên án Ông Trump là “hoàn toàn sai” vì nghi ngờ kết quả và khuyến khích hành vi “đáng xấu hổ” của những người ủng hộ ông đã xông vào Điện Capitol Hoa Kỳ.

Hai vị này là đồng minh thân thiết trong nhiệm kỳ, cựu Thủ tướng đã gặp Ông Trump ít nhất hai lần kể từ khi rời nhiệm sở để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine. Johnson đã đi khắp nơi để bảo đảm sự ủng hộ liên tục của Hoa Kỳ đối với Kyiv nếu cựu tổng thống trở lại nắm quyền.

Mặc dù Ông Trump chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vì từ chối nhượng bộ Mạc Tư Khoa, Johnson cho rằng cựu tổng thống có thể ủng hộ nhiều hơn mong đợi.

“Ông ấy đã trao những ngọn lao cho người Ukraine trong khi đảng Dân chủ không làm, đúng không? Khi tôi còn là ngoại trưởng, ông ấy đã đuổi những điệp viên Nga đó ra. Sáu mươi người trong số họ. Vì vậy, ông ấy có thể gây bất ngờ rất nhiều ở phía tích cực.”

[Politico: Boris Johnson defends Donald Trump over Jan. 6 riots]

9. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine bổ nhiệm hai thứ trưởng và công bố thành lập ban giám sát cho hai cơ quan mua sắm

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine bổ nhiệm hai thứ trưởng và công bố thành lập ban giám sát cho hai cơ quan mua sắm.

Hôm Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov cho biết ông đã bổ nhiệm Serhii Melnyk và Serhii Boiev làm thứ trưởng và tuyên bố các hội đồng giám sát Cơ quan mua sắm quốc phòng và Cơ quan điều hành hậu cần nhà nước Ukraine bắt đầu hoạt động.

Serhii Boiev đã được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Hội nhập Âu Châu. Trước đó, Boiev, 41 tuổi, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược của Ukraine.

Thứ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm thứ hai là Chuẩn tướng Serhii Melnyk. Ông sẽ chịu trách nhiệm về các định hướng giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cũng như hỗ trợ nhân đạo và chính sách nguồn nhân lực.

Ban giám sát của Cơ quan mua sắm quốc phòng và Cơ quan điều hành hậu cần nhà nước đã hoàn thành.

Bộ Trưởng Umierov nói: “Ban giám sát là một yếu tố quan trọng để quản lý mua sắm hiệu quả và minh bạch. Việc bổ nhiệm họ là một bước quan trọng hướng tới việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Nó bảo đảm kiểm soát độc lập đối với các quy trình, giảm thiểu rủi ro tham nhũng và tăng cường lòng tin vào hệ thống cả trong nước và đối tác quốc tế của chúng tôi.

Các hội đồng sẽ bao gồm các chuyên gia Ukraine và quốc tế, cho phép chúng tôi tích hợp những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất vào quá trình cải cách ngành quốc phòng của mình.”

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022, Serhii Boiev giữ các vị trí cao cấp tại các công ty nhà nước Naftogaz của Ukraine, công ty dầu khí quốc gia do nhà nước Ukraine điều hành và Ukrgasvydobuvannia, công ty sản xuất khí đốt lớn nhất Ukraine.

Trước đây, Boiev từng làm việc cho các tổ chức ngân hàng quốc tế hàng đầu và Boston Consulting Group, nhờ đó có được kinh nghiệm sâu rộng về tài chính và quản lý.

Boiev có bằng Cử nhân Kinh tế Quốc tế của Đại học Kinh tế Quốc gia Vadym Hetman Kyiv và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ).

Serhii Melnyk sinh ngày 12 tháng 7 năm 1977 tại Vinnytsia. Từ năm 1999, ông đã phục vụ ở nhiều vị trí khác nhau trong các lữ đoàn phòng không Ukraine.

Từ tháng 11 năm 2019, ông là Viện trưởng Viện Luật Quân sự thuộc Đại học Luật Quốc gia Yaroslav Mudryi.

Năm 2022, Melnyk đã hoàn thành xuất sắc Khóa học Lãnh đạo Chiến lược L-4 tại Đại học Quốc phòng Ukraine.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu, ông đã phụ trách phòng thủ Kharkiv.

Melnyk là Tiến sĩ Luật, Giáo sư Luật Quân sự, Nhà giáo dục danh dự của Ukraine và là người đoạt Giải thưởng Nhà nước Ukraine về Giáo dục.

Phái bộ NATO tại Ukraine hoan nghênh việc thành lập các ban giám sát cho Cơ quan mua sắm quốc phòng và Cơ quan điều hành hậu cần nhà nước.

Vào ngày 1 tháng 10, Umierov cho biết quá trình cải cách Cơ quan mua sắm quốc phòng và Cơ quan điều hành hậu cần nhà nước vẫn đang được tiếp tục, đưa các quy trình này tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn của NATO.

Vào ngày 25 tháng 9, Umierov cho biết Bộ Quốc phòng đã quyết định sáp nhập các cơ quan mua sắm thành một công ty.

[Ukrainska Pravda: Ukrainian Defence Minister appoints two deputies and announces creation of supervisory boards for two procurement agencies]

10. Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Odessa đã đánh trúng tàu chở hàng viện trợ nhân đạo cho Palestine, Kyiv cho biết

Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết vào ngày 10 tháng 10, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Tỉnh Odessa vào ngày 9 tháng 10 đã bắn trúng một tàu chở hàng dân sự chở 45 container dầu hướng dương đóng gói để gửi viện trợ nhân đạo tới Palestine.

Cuộc tấn công khiến tám người thiệt mạng và 11 người khác bị thương, đã đánh trúng một tàu dân sự treo cờ Panama và làm hư hại hàng viện trợ của tàu. Đây là cuộc tấn công thứ ba của Nga vào một tàu dân sự trong bốn ngày.

Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh gửi viện trợ tới Palestine.

Bộ trưởng Nông nghiệp Vitalii Koval cho biết: “Bất chấp chiến tranh, Ukraine vẫn cung cấp sản phẩm cho 400 triệu người trên khắp thế giới”.

Koval nhấn mạnh rằng Ukraine cần nhiều hệ thống phòng không hơn để bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công của Nga, đồng thời nói thêm rằng “ngày nay, an ninh lương thực của Ukraine cũng chính là an ninh lương thực của thế giới”.

Thống đốc tỉnh Odessa Oleh Kiper cáo buộc Nga cố gắng phá vỡ hành lang lương thực trên biển của Ukraine, được Kyiv thiết lập vào tháng 8 năm 2023 sau khi Mạc Tư Khoa rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải vào tháng 7.

Ukraine trước đây đã gửi viện trợ nhân đạo tới Palestine trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas.

[Kyiv Independent: Russian missile strike on Odesa Oblast hit ship with humanitarian aid for Palestine, Kyiv says]
 
Hơn 2 triệu người hành hương đến Đền Đức Mẹ Lujan. Nhà thờ Los Angeles liên tục bị phá hoại
VietCatholic Media
19:17 12/10/2024


1. Nhà thờ Công Giáo Los Angeles liên tục bị phá hoại có thể là do 'tội ác thù hận'

Một nhà thờ Công Giáo ở Los Angeles đã bị phá hoại bốn lần trong hai tháng qua.

Cha Michael Wakefield, cha xứ của Nhà thờ St. Francis de Sales ở Sherman Oaks, cho biết ngôi thánh đường đã bị hư hại do các cuộc tấn công bằng graffiti và đốt phá bốn lần, bắt đầu từ tháng 8 và kéo dài đến tháng 9.

Vào ngày 7 tháng 8, bức tượng Thánh Phanxicô de Sales được giáo xứ yêu quý — vị thánh bảo trợ của giáo xứ — đã bị phá hoại bằng sơn màu vàng. Bức tượng đứng trước cửa chính của nhà thờ ở Thung lũng San Fernando.

Chỉ hơn một tuần sau đó, vào ngày 16 tháng 8, một cửa sổ tại nhà xứ nơi Cha Wakefield sống đã bị đốt cháy. Góc dưới bên phải của cửa sổ đã bị đốt cháy, và ngọn lửa đã thiêu rụi bên trong, làm cháy xém các tấm rèm venetian bên trong. Cha Wakefield kể lại rằng:

“May mắn thay, đám cháy đã được dập tắt trước khi có thêm thiệt hại nào xảy ra”

Chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 20 tháng 9, bức tượng Thánh Phanxicô de Sales đã bị phá hoại lần thứ hai. Cha Wakefield giải thích rằng “Các chữ cái 'chomo' là tiếng lóng có nghĩa là 'kẻ xâm hại trẻ em'“. Ông cho biết hành động phá hoại này đang được cảnh sát địa phương coi là “tội ác thù hận”.

Một tuần sau, vào ngày 8 tháng 9, bức tượng lại bị phá hoại lần thứ ba bằng sơn phun màu đen, mặc dù không có chữ viết nào được khắc trên đó.

Cha Wakefield cho biết: “Nhân viên bảo trì của chúng tôi đã lau chùi bức tượng hai lần và đang trong quá trình lau chùi lần thứ ba”.

Cha Wakefield đã thông báo cho Sở Cảnh sát Los Angeles Van Nuys mỗi lần và cho biết giáo xứ có kế hoạch lắp đặt thêm camera an ninh trong tuần này.

“Các cảnh sát đã đến và lấy lời khai của tôi và hoàn thành một báo cáo để lại cho chúng tôi số vụ việc,” ngài nói. “Vụ cháy ở cửa sổ nhà xứ đã khiến cảnh sát cũng như các điều tra viên đốt phá phải đến.”

“Thật nản lòng và khó chịu,” Cha Wakefield nói khi được hỏi về phản ứng của ngài đối với các sự kiện. “Các nhà thờ của chúng tôi là nơi bình yên, nơi tình yêu của Chúa được công bố.”

“ Tôi cảm thấy buồn cho những người đang phải chịu sự dày vò như vậy khi thực hiện những hành động như thế này. Những hình ảnh tôn giáo của chúng tôi, dù bằng đá cẩm thạch, thạch cao hay gỗ, đều hướng đến vị thánh mà mỗi người đại diện. Do đó, một cuộc tấn công vào một hình ảnh tôn giáo là một hành động báng bổ.”

“Nhưng chúng ta tiến bước với lòng tin tưởng vào sự chuyển cầu của Đức Mẹ Thiên Chúa và Thánh Phanxicô de Sales. Tình yêu của Thiên Chúa luôn mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì con người có thể tạo ra.”

Một báo cáo địa phương ghi nhận rằng đã có nhiều vụ phá hoại xảy ra trong khu vực trong những tháng gần đây, bao gồm đốt phá, đập vỡ cửa sổ và đột nhập vào các doanh nghiệp địa phương, theo KTLA 5.


Source:Catholic News Agency

2. Hơn 2 triệu người Á Căn Đình hành hương đến Đền Đức Mẹ Lujan

“Mẹ ơi, dưới ánh mắt của Mẹ, chúng con tìm kiếm sự hiệp nhất” là chủ đề đã quy tụ hơn 2,3 triệu tín hữu vào cuối tuần qua tại Đền thánh Đức Mẹ Lujan ở Á Căn Đình trong khuôn khổ Cuộc hành hương của giới trẻ lần thứ 50.

Đến từ Tổng giáo phận Buenos Aires, nơi tổ chức cuộc hành hương thông qua Ủy ban Đạo đức Bình dân, những người hành hương bắt đầu đến Luján vào sáng ngày thứ Bảy dưới ánh nắng rực rỡ sau khi đi bộ hơn 60 km đến đền thờ và tiếp tục đổ về vào Chúa Nhật.

Trên đường đi, họ nhận được sự chúc lành của các linh mục, sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và nguồn cảm hứng từ các nhóm nhạc đến từ nhiều giáo phận khác nhau ở phía tây Buenos Aires.

Khi đến Vương cung thánh đường ở Luján, họ có thể tham dự nhiều Thánh lễ khác nhau. Thánh lễ chính trong ngày dành cho đám đông hành hương khổng lồ được tổ chức lúc 7 giờ sáng và do Đức Tổng Giám Mục Buenos Aires, Jorge García Cuerva, cử hành. Đức Tổng Giám Mục cũng đã đi bộ đến từ Đền thánh Cajetan nằm ở khu phố Liniers của Buenos Aires.

Trong bài giảng của mình, vị Tổng Giám Mục đã nói vài lời với Đức Mẹ Luján: “Hãy nói với Mẹ 'mẹ' sẽ đoàn kết chúng ta; đó là nền tảng để bắt đầu xây dựng sự thống nhất dân tộc mà chúng ta hằng mong đợi,” ngài nói.

“Hãy nói với Mẹ ‘mẹ,’ ‘mẹ,’ làm cho chúng con trở thành con cái và anh chị em. Đó là cách chúng con đến hành hương. Là một dân tộc, tất cả đều khác biệt, tất cả đều bình đẳng. Chúng con đã đi nhiều cây số, chúng con đã mang ý định của mình đến với Đức Maria” trong một trải nghiệm “với những người khác” và với “sự đoàn kết và niềm vui”.

Trích dẫn “tuổi trẻ năm 1975”, những người tổ chức Cuộc hành hương đầu tiên của Thanh niên đến Luján, ngài nói: “Trong mỗi bước chúng ta đã thực hiện cho đến thời điểm này, chúng ta đã trải nghiệm được thế nào là một dân tộc cùng nhau tiến tới lý tưởng tự do và công lý. Và đó là lý do tại sao chúng ta đến đây. Đó là vì chúng ta, những người trẻ, ngày càng hiểu rằng chúng ta là một phần của một dân tộc, dân tộc của Chúa ở Mỹ Latinh, những người có trái tim khiêm nhường và lao động”.

'Mẹ ơi, hãy nhìn những người dân mệt mỏi của mẹ'

Dưới chân Đức Mẹ, Đức Tổng Giám Mục nhắc đến tình hình ở Á Căn Đình, với rất nhiều trẻ em “bị mắc kẹt trong ma túy”, những trẻ khác bị bệnh, những người trẻ “đau khổ vì không thể thực hiện được các dự án cuộc đời của mình”, và những người “không thể kiếm đủ tiền nuôi gia đình”.

“Lạy Mẹ, xin hãy nhìn đến dân tộc mệt mỏi của Mẹ, hãy nhìn đến dân tộc của Mẹ đang nỗ lực hết sức để giữ vững hy vọng, để gánh vác đất nước và vượt qua cuộc khủng hoảng mà chúng con đã trải qua trong nhiều năm,” ngài cầu nguyện. “Hãy nhìn đến dân tộc hành hương của Mẹ, những người đến với tất cả các ý định của họ, với các vết thương và hy vọng của họ.”

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục nhắc đến chỉ số đói nghèo trong nửa đầu năm 2024 tại Á Căn Đình: “Trước những cuộc khủng hoảng, người khôn ngoan tìm kiếm giải pháp, người tầm thường tìm kiếm những người đáng trách. Có rất nhiều người tầm thường, khi đối mặt với chỉ số đói nghèo khủng khiếp và đau đớn là 52,9%, đã bắt đầu tìm kiếm những người đáng trách”, ngài nói.

“Từ ngôi nhà của Đức Maria, chúng tôi yêu cầu anh chị em: Xin hãy đoàn kết đằng sau hai hoặc ba vấn đề quan trọng cho tất cả người Á Căn Đình. Chúng ta hãy cầu xin sự khiêm nhường để làm việc với những người khác, để tạo ra sự đồng thuận và thỏa thuận, và để xây dựng những cây cầu, bởi vì điều dũng cảm nhất chúng ta có thể làm là yêu cầu giúp đỡ,” ông thúc giục.

“Chúng ta đừng từ bỏ việc trở thành anh chị em, cùng nhau tìm kiếm giải pháp, xây dựng quê hương công bằng và huynh đệ hơn, giải thoát bản thân khỏi những định kiến, hận thù và những cuộc đối đầu vô ích, tiếp tục phó thác cuộc sống của chúng ta cho Đức Trinh Nữ Luján,” ngài thúc giục, bảo đảm rằng Mẹ “khuyến khích chúng ta tiếp tục bước đi trong cuộc sống, mệt mỏi nhưng không chán nản, gục ngã, nhưng với hy vọng và không bỏ cuộc.”


Source:Catholic News Agency

3. Các giám mục Công Giáo từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan đối thoại tại Thượng Hội đồng về tính Thượng Hội đồng

Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, được coi là thời điểm gặp gỡ và đối thoại cho Giáo hội toàn cầu, đã tạo ra một địa điểm để các giám mục Công Giáo từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan gặp gỡ nhau.

Đức Cha Nobertô Phổ Anh Hùng (Norbert Pu Ying-hsiung, 浦英雄), Giám Mục giáo phận Gia Nghĩa (Chiayi, 嘉義), là giám mục bản địa đầu tiên của Đài Loan. Ngài là thành viên của cộng đồng người Chu và đã dịch các văn bản phụng vụ sang tiếng Chu. Vị Giám mục 66 tuổi của Gia Nghĩa là đại biểu trong hội đồng kéo dài gần một tháng với tư cách là đại diện của Hội đồng Giám mục khu vực Đài Loan.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, Đức Cha Phổ Anh Hùng cho biết điều ngài mong muốn nhất là được làm quen với các giám mục, Hồng Y và đại biểu thượng hội đồng từ các nơi khác trên thế giới tụ họp tại Vatican trong phiên họp thứ hai của Đại hội đồng giám mục lần thứ 16.

Đức Cha Phổ Anh Hùng lưu ý rằng ngài đã gặp hai giám mục từ Trung Quốc đại lục tham gia Thượng hội đồng và có kế hoạch gặp lại họ một lần nữa.

“Điều rất quan trọng là phải đối thoại với họ, tôn trọng lẫn nhau. Tôi nghĩ điều đó tốt… không chỉ cho người Trung Quốc, mà cho toàn thể Giáo hội,” vị giám mục Đài Loan nói.

Giám mục Antonio Nghiêu Thuấn (Yao Shun, 尧舜) của Tế Ninh, là giám mục đầu tiên được tấn phong tại Trung Quốc theo các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc -Vatican, đã đại diện cho Giáo hội tại Trung Quốc tại hội nghị thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2023 cùng với Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) của Chu Thôn trước khi hai người đột ngột về sớm mà không có lời giải thích.

Giám mục Antonio Nghiêu Thuấn cho biết nhiều người tham dự hội nghị thượng hội đồng năm ngoái “đã thể hiện sự quan tâm đến sự phát triển của Giáo hội tại Trung Quốc, mong muốn tìm hiểu thêm và cầu nguyện cho chúng tôi”.

Thượng hội đồng cũng tạo cơ hội cho các giám mục từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dành thời gian với Hồng Y Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳), giám mục Hương Cảng.

Trong hội nghị thượng hội đồng năm ngoái, Đức Hồng Y và hai giám mục thậm chí còn có chuyến đi ngắn cùng nhau đến Naples, nơi họ cử hành Thánh lễ tại Chiesa della Sacra Famiglia dei Cinesi hay Nhà thờ Thánh gia Trung Quốc, một nhà thờ được xây dựng vào năm 1732 như một phần của học viện do Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII thành lập để đào tạo các chủng sinh Trung Quốc và dạy tiếng Trung cho các nhà truyền giáo để hỗ trợ công cuộc truyền giáo tại Trung Quốc.

Trong đại hội năm nay, Đức Cha Nghiêu Thuấn đã được thay thế bởi Đức Cha Ignatiô Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu) của giáo phận Mân Đông ở tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc.

Giám Mục Chiêm Tư Lộc, 63 tuổi, trước đây đã bị vạ tuyệt thông vì được tấn phong giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng tại Bắc Kinh vào năm 2000. Vạ tuyệt thông của ông đã được dỡ bỏ vào năm 2018 khi Vatican ký một thỏa thuận tạm thời mang tính lịch sử với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục.

Khi được hỏi tại sao Đức Cha Nghiêu Thuấn lại bị thay thế bởi Đức Cha Chiêm Tư Lộc, Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng hội đồng đã trả lời: “Phủ Quốc vụ khanh đã thông báo tên cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không có thông tin nào khác về vấn đề này”, theo Asia News.

Không có Đức Cha Nghiêu Thuấn, Tổng Giám Mục Dương Vĩnh Cường, 54 tuổi, là cựu chiến binh của Thượng hội đồng trong số hai giám mục Trung Quốc. Kể từ khi tham gia hội đồng năm ngoái, Giám Mục Dương Vĩnh Cường đã được chuyển đến Tổng giáo phận Hàng Châu, một động thái diễn ra “trong khuôn khổ đối thoại” của thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc, theo Vatican. Sự thay đổi này đã nâng ngài lên hàng Tổng Giám Mục.

Đức Cha Dương được thụ phong giám mục với sự chấp thuận của Vatican vào năm 2010 và đảm nhiệm vai trò giám mục của Chu Thôn, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đại lục từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2024.

Ngài đã tham gia Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc năm 2023, một cơ quan cố vấn chính trị thuộc hệ thống mặt trận tổ quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi đã quyết định rằng Giáo Hội Công Giáo nên thống nhất tư tưởng với đảng và đoàn kết chặt chẽ hơn với Tập Cận Bình, theo trang web chính thức của Hiệp hội Công Giáo yêu nước.

Đức Cha Chiêm Tư Lộc và Tổng Giám Mục Dương Vĩnh Cường nằm trong số 368 đại biểu bỏ phiếu tham dự phiên họp thượng hội đồng lần thứ hai tại Vatican từ ngày 2 đến 27 tháng 10.

Thượng hội đồng đang diễn ra trong bối cảnh cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Rôma về việc bổ nhiệm giám mục. Vatican vẫn chưa công bố liệu họ có gia hạn thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc hay không, dự kiến sẽ được gia hạn vào mùa thu năm nay lần thứ ba kể từ lần đầu tiên được ký vào năm 2018.

Thượng Hội Đồng cũng diễn ra trong bối cảnh Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF vừa công bố báo cáo hôm 01 Tháng Mười, khẳng định rằng chính sách “Hán hóa tôn giáo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn vi phạm quyền tự do tôn giáo được quốc tế bảo vệ. Thuật ngữ Hán hóa có nghĩa là tuân theo văn hóa Trung Quốc, nhưng về cơ bản, chính sách này đặt các tín ngưỡng phụ thuộc vào “chương trình nghị sự chính trị và tầm nhìn Marxist của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tôn giáo”, theo báo cáo.

Theo báo cáo, các quan chức Trung Quốc đã ra lệnh gỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ và thay thế hình ảnh Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Trinh bằng hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình. Họ cũng kiểm duyệt các văn bản tôn giáo, buộc các thành viên giáo sĩ rao giảng ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ra lệnh trưng bày các khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các nhà thờ.

Một số du khách đến dự lễ tại nhà thờ Nam Đường ở Thủ đô cho biết họ ngạc nhiên thấy bài ca nhập lễ ở ngôi thánh đường này có tiết tấu rất lạ hoàn toàn không giống một bài thánh ca. Hỏi ra mới biết đó là một bài hùng ca của cộng sản. Nhà thờ Nam Đường được coi là nhà thờ chính tòa của Giám Mục Lý Sơn. Có lẽ ông ấy muốn bảo đảm rằng giáo dân hướng về đảng và Tập Cận Bình hơn là hướng về Chúa khi bắt đầu thánh lễ.

Quan hệ Vatican-Đài Loan

Trong tuần đầu tiên của hội nghị, một số đại biểu thượng hội đồng đã tạm nghỉ các cuộc họp trong ngày để tham gia lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 113 của Đài Loan tại một buổi tiệc chiêu đãi do Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc tại Tòa thánh tổ chức ngay bên cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô.

Thành quốc Vatican là quốc gia duy nhất còn lại ở Âu Châu công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Tòa thánh đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, trước đây gọi là Trung Hoa Dân Quốc, gọi tắt là ROC, kể từ năm 1922, trong khi Giáo hội không có sự hiện diện ngoại giao chính thức tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gọi tắt là PRC kể từ khi bị Bắc Kinh chính thức trục xuất vào năm 1951.

Đảo Đài Loan, cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 177 km và là nơi sinh sống của hơn 23 triệu người, vẫn duy trì nền dân chủ năng động với các quyền tự do dân sự mạnh mẽ bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh về tình trạng của hòn đảo này.

Không giống như Trung Quốc đại lục — nơi hình ảnh Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Trinh đã được thay thế bằng hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo một báo cáo được công bố tuần trước — người Công Giáo ở Đài Loan được hưởng quyền tự do tôn giáo, điều này được ghi nhận trong hiến pháp của nước này.

Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, hơn 10.000 người đã tham dự Đại hội Thánh Thể toàn quốc tại Đài Loan vào cuối tuần trước.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp tới đại hội, viết rằng ngài hy vọng đại hội sẽ “gợi lên trong lòng các tín hữu Kitô giáo lòng tôn thờ và tình yêu đích thực dành cho Bí tích Thánh Thể”. Đại hội tại Giáo phận Cao Hùng là đại hội Thánh Thể thứ năm được tổ chức tại Đài Loan kể từ năm 2011.

Đức Cha Nobertô Phổ Anh Hùng nói với CNA rằng đại hội này là cơ hội để nhiều người dân Đài Loan biết đến Bí tích Thánh Thể và tầm quan trọng cốt lõi của bí tích này đối với đức tin Công Giáo.

“Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể luôn duy trì mối quan hệ chính thức và tốt đẹp này với Vatican. Bởi vì đối với Đài Loan, điều này rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng rằng thế giới sẽ thấy điều này vì Đài Loan là một quốc gia dân chủ và tự do, được các quốc gia khác tôn trọng”


Source:Catholic News Agency