Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 03/06: Quyền của Đức Giêsu – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:16 02/06/2023
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
Đó là lời Chúa
VietCatholic TV
Biến lớn: Xe tăng phe đảo chính Putin phá hủy kho đạn và hỏa tiễn. Tướng Tiệp: Nga sẽ tấn công NATO
VietCatholic Media
03:09 02/06/2023
1. Quân Nga kiệt quệ, thay bằng quân Chechnya. Giao tranh dữ dội tại Maryinka
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu mùng 2 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, giao tranh đã diễn ra tại Tavria và Maryinka.
Trong 24 giờ qua, đối phương đã chủ động tấn công các vị trí của Ukraine 13 lần theo hướng Tavria, và bốn cuộc giao tranh đã diễn ra gần Maryinka, nơi quân Ukraine đã bị tấn công bởi các đơn vị “Akhmat” của Kadyrov.
Theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, lý do chủ yếu khiến Putin yêu cầu Kadyrov đưa quân vào vùng Donetsk là vì Tập Đoàn Quân số 1 của Donetsk đã tử trận gần hết tại thành phố Bakhmut. Một lực lượng khác của Tập Đoàn Quân Cận Vệ Luhansk-Sievierodonetsk cũng không còn bao nhiêu người sau trận đánh kinh hoàng tại thành phố Vuhledar.
“Tình hình ở hướng Tavria không thay đổi đáng kể trong 24 giờ qua. Trong ngày qua, quân xâm lược đã 13 lần tấn công vào các vị trí của ta, đều bị đẩy lùi và phải rút lui. Đêm qua, bốn trận giao tranh đã diễn ra ở Maryinka. Tại đây, các đơn vị Chechnya gọi là 'Akhmat' đã tiến hành 4 cuộc tấn công không thành công, bỏ lại 191 xác đồng đội khi rút lui. Ngoài ra, theo truyền thống, đối phương tiến hành các cuộc không kích vào thị trấn Avdiyivka mỗi ngày”
Tưởng cũng nên nhắc lại là trước đó, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết ông đã nhận được lệnh tái triển khai lực lượng của mình tới Cộng hòa Nhân dân Donetsk do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
“Trong ngày qua, hơn 90 cuộc tấn công đã được ghi nhận khu vực Zaporizhzhia và 249 cuộc tấn công – ở khu vực Donetsk.”
“Trong ngày, máy bay của không quân Ukraine đã thực hiện 9 đợt tấn công vào các khu vực tập trung quân và thiết bị quân sự, cũng như 2 đợt tấn công nhằm vào hệ thống hỏa tiễn phòng không của quân xâm lược. Hôm nay, các đơn vị của lực lượng hỏa tiễn và pháo binh đã tấn công 1 sở chỉ huy của địch, 1 hệ thống hỏa tiễn phòng không, 5 đơn vị pháo binh tại vị trí khai hỏa, 9 cụm vũ khí và thiết bị quân sự”.
Trong 24 giờ qua, 460 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 2 xe tăng, 6 xe thiết giáp, 14 hệ thống pháo, một hệ thống phòng không, và 9 xe chuyển quân và nhiên liệu.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 1 Tháng Sáu, khoảng 208.370 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.804 xe tăng, 7.478 xe thiết giáp, 3.474 hệ thống pháo, 575 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 333 hệ thống phòng không, 313 máy bay, 298 máy bay trực thăng, 3.131 máy bay không người lái, 1.107 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.239 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 458 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Thị trưởng Kyiv yêu cầu bị đình chỉ công tác một quận trưởng và người đứng đầu một cơ sở y tế sau một biến cố thương tâm
Thị trưởng Kyiv đã yêu cầu đình chỉ công tác một quận trưởng và người đứng đầu một cơ sở y tế trong khi các cuộc điều tra tiếp tục được tiến hành về trường hợp ba người thiệt mạng trong cuộc tấn công mới nhất của Nga vào Kyiv.
Người ta cho rằng ba người, hai phụ nữ và một bé gái 9 tuổi, đang cố gắng vào bên trong một hầm trú ẩn tránh cuộc không kích của Nga. Tuy nhiên của đã bị khóa, và trong khi đang mắc kẹt bên ngoài, họ đã bị các mảnh vỡ rơi trúng và thiệt mạng.
Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết:
“Tôi đã khiếu nại lên văn phòng của tổng thống và chính phủ, những người chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm người đứng đầu các quận của thủ đô, về việc đình chỉ công tác người đứng đầu quận Desnyan, Dmytro Ratnikov, trong khi cuộc điều tra tiếp tục xem liệu nơi trú ẩn trong phòng khám đa khoa, gần nơi ba người chết, có mở cửa vào ban đêm hay không. Người đứng đầu cơ sở y tế do chính quyền quận Desnyan bổ nhiệm cũng nên bị đình chỉ công tác.”
3. Putin được thông báo về các cuộc giao tranh lớn ngay trên đất Nga giữa các lực lượng lật đổ Putin và quân Nga.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm thứ Năm cho biết Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng biên phòng, dịch vụ khẩn cấp và chính quyền địa phương liên tục báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về tình hình ở khu vực Belgorod, Reuters đưa tin, trích dẫn hãng thông tấn nhà nước Tass.
Khu vực Belgorod, giáp với khu vực Kharkiv của Ukraine, đã bị pháo kích dữ dội trong những ngày gần đây, với những tuyên bố đã có các cuộc xâm nhập trên quy mô lớn của những người Nga thuộc lực lượng lật đổ Putin.
4. Báo cáo cho thấy lực lượng nổi dậy tiến vào Nga khi quân đội của Putin chiến đấu để bảo vệ Belgorod
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Troops Cross Into Russia as Putin's Army Fights To Defend Belgorod—Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy các binh sĩ tiến vào Nga khi quân đội của Putin chiến đấu để bảo vệ Belgorod.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Ilya Ponomarev, một chính trị gia người Nga lưu vong - là đại diện chính trị cho nhóm các chiến binh - cho biết các chiến binh Nga phục vụ trong Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến vào thị trấn Shebekino ở vùng Belgorod của Nga, mang theo “thiết bị hạng nặng”.
Nhận xét của Ponomarev được đưa ra ngay sau tuyên bố của Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov, người cho biết vụ pháo kích ở thị trấn biên giới Shebekino trong đêm đã làm ít nhất 8 người bị thương. Gladkov phủ nhận không có “bất kỳ đối phương nào đang ở trên lãnh thổ của vùng Belgorod” ngay cả khi có các báo cáo cho rằng xe tăng do “những kẻ phá hoại” điều khiển đang bắn phá trạm kiểm soát của thị trấn.
Quân Đoàn Tự Do cho Nga —được thành lập vài tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, bao gồm những người đào tẩu khỏi lực lượng vũ trang Nga và các tình nguyện viên người Nga và Belarus—và Quân Đoàn Tình Nguyện Nga đã công bố các video trên các kênh truyền thông xã hội của họ tuyên bố là đang tiếp cận hoặc đã vào đến Shebekino vào sáng thứ Năm.
Quân Đoàn Tình Nguyện Nga, gọi tắt là RVC, đã bị Tòa án Tối cao Nga tuyên bố là một tổ chức khủng bố vào tháng Ba. RVC cho biết các thành viên của họ bao gồm những người Nga chiến đấu bên phía Ukraine và chống lại chế độ Cẩm Linh.
“Họ đã vượt qua trạm kiểm soát khá lâu rồi. Họ đang chiến đấu tại chính Shebekino,” Ponomarev, người đại diện cho Quân đoàn Tự do của Nga và là thành viên duy nhất của quốc hội Nga bỏ phiếu chống lại việc Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea vào năm 2014, nói với Newsweek.
Ponomarev cho biết cả hai nhóm đều có “thiết bị hạng nặng” bao gồm cả xe tăng.
Ponomarev nói: “Điện Cẩm Linh có thể đã chỉ thị cho Thống đốc Belgorod Gladkov phủ nhận việc chúng tôi đã vào lãnh thổ Nga vì “lần trước đó là một thảm họa đối với họ trên các phương tiện truyền thông”.
Vị cựu thành viên quốc hội Nga cũng đề cập đến những đột phá của cả Quân đoàn Tự do Nga và RVC vào ngày 22 tháng 5. Quân đoàn tuyên bố đã chiếm được làng Kozinka và nói rằng các đơn vị của họ đã tiến vào thị trấn nhỏ Graivoron.
Ponomarev cho biết vào thời điểm đó Quân đoàn đã chiếm được bốn xe bọc thép chở quân BTR-82A — là phương tiện bọc thép chính của Nga — và nhóm này hoạt động nhằm mục đích “giải phóng nước Nga khỏi chủ nghĩa Putin”.
Một chiến binh của RVC cho biết trong một video được đăng vào sáng thứ Năm rằng họ “một lần nữa chiến đấu trên lãnh thổ Nga”.
RVC cho biết: “Rất sớm, vùng ngoại ô Shebekino sẽ xuất hiện. Thật không may, chúng tôi không thể bảo đảm việc di tản thường dân khỏi các khu vực biên giới vì Quân đội Liên bang Nga đang pháo kích vào những khu vực này và do đó khiến việc di tản trở nên khó khăn”.
“Hãy ở trong nhà của bạn, đừng lo lắng. Những người lính của Quân đoàn tình nguyện Nga không gây chiến với dân thường”, đoạn video kết luận.
Quân Đoàn Tự Do cho Nga cho biết trong một tin nhắn video rằng họ đang “ở trên quê hương chúng ta”.
Quân Đoàn nói thêm: “Chúng tôi sẽ giải phóng toàn bộ nước Nga — từ Belgorod đến Vladivostok, để có một màu trắng-xanh -cờ của tự do tung bay ở Mạc Tư Khoa.”
Biểu tượng chính của Quân Đoàn là lá cờ màu xanh và trắng, trở thành nét đặc trưng trong các cuộc biểu tình phản chiến nổ ra sau ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Theo các hãng tin nhà nước Nga, thống đốc khu vực Belgorod đã phủ nhận rằng đã có một “cuộc đột phá của quân đội Ukraine” gần Shebekino. Tuy nhiên, họ cho biết có “đạn pháo” và “âm thanh chiến đấu” có thể được nghe thấy.
Các cơ quan truyền thông trong khu vực cho biết trên kênh Telegram hôm thứ Năm rằng đã xảy ra mất điện trong thị trấn và một tòa nhà hành chính đã bị hư hại.
Gladkov cho biết trong một video Telegram rằng việc di tản đang được tiến hành.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.
5. Các chiến binh Nga chống Putin tuyên bố phá hủy các bệ phóng hỏa tiễn và đạn dược của Nga ở Belgorod
Quân Đoàn Tự Do cho Nga hôm thứ Năm đã đăng hai video liên quan đến các vụ nổ được CNN định vị địa lý bên trong khu vực biên giới Belgorod của Nga, và tuyên bố rằng họ đã tấn công các mục tiêu quân sự.
Nhóm các chiến binh bất đồng chính kiến chống Putin đã công bố một video cho thấy “các kho đạn dược và súng cối của đối phương phát nổ sau khi trúng các quả đạn pháo.”
CNN đã định vị địa lý video vụ nổ ở Quận Shebekinsky ở Belgorod, nhưng không thể xác minh tuyên bố của Quân Đoàn về việc đã chiếm được Quận Shebekinsky.
Một video thứ hai được đăng bởi quân đoàn cho biết, “Chúng tôi tiếp tục chia sẻ công việc rõ ràng của pháo binh: một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt đã bị phá hủy trong cuộc hành quân.”
“Cùng với những người anh em từ Quân đoàn tình nguyện Nga, chúng tôi tiếp tục phi quân sự hóa quân đội của Putin,” tuyên bố cho biết, sử dụng thuật ngữ “phi quân sự hóa” mà Điện Cẩm Linh thường dùng và xem là một trong những mục tiêu của họ trong cuộc xâm lược Ukraine.
Có thể nhìn thấy khói lửa bốc lên rõ ràng trong video, nhưng không rõ liệu có thiết bị quân sự nào của Nga bị trúng đạn hay không.
Quân đoàn Tự do cho Nga cho biết trước đó vào thứ Năm rằng họ đang tập trung quân gần biên giới với Nga và Quân đoàn Tình nguyện Nga tuyên bố họ đang “chiến đấu trên lãnh thổ Nga”.
Hôm thứ Năm, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết quân Nga đã đẩy lùi ba cuộc tấn công của “các nhóm khủng bố Ukraine”.
6. Ukraine “không có bất kỳ trách nhiệm nào” đối với các nhóm tuyên bố chiến đấu bên trong Nga
Ukraine cho biết họ “không có bất kỳ trách nhiệm nào” đối với các nhóm bất đồng chính kiến Nga tuyên bố đang chiến đấu bên trong lãnh thổ Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Melnyk cho biết những nhóm đó đang “tự hành động và đó là lý do tại sao rất khó trả lời”.
Melnyk đưa ra bình luận sau tuyên bố hôm thứ Năm từ Quân đoàn Tình nguyện Nga, một nhóm quân sự gồm những công dân Nga chống Putin, rằng họ đã bắt đầu “giai đoạn thứ hai” của cuộc chiến bên trong lãnh thổ Nga. Quân đoàn Tự do cho Nga – một nhóm tương tự nhưng riêng biệt – cũng tuyên bố hôm thứ Năm là “gần biên giới” với Nga.
Mặc dù cả hai nhóm đều liên kết với lực lượng phòng vệ Ukraine, Kyiv trước đây đã tuyên bố họ hoạt động như “các thực thể độc lập” khi hoạt động ở Nga.
Melnyk cho biết Ukraine “có quyền hợp pháp để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga,” nhưng lưu ý rằng họ phải “tiến hành một cách thận trọng”.
Ông nói: “Chúng tôi không muốn tạo cơ hội cho Nga cáo buộc chúng tôi tấn công họ.”
“Các đối tác và đồng minh chủ chốt của chúng tôi đã yêu cầu Ukraine không sử dụng trên lãnh thổ Nga một số loại vũ khí mà chúng tôi đã tiếp nhận, và đó là một thỏa thuận mà chúng tôi thực sự phải trả giá đắt”, Thứ trưởng Ngoại giao nói.
7. “Cá voi do thám Nga” bị cáo buộc xâm nhập vùng biển Thụy Điển
Một con cá voi beluga được quốc tế gọi là “gián điệp” của Nga đã xâm nhập vào vùng biển của Thụy Điển, một tổ chức được thành lập để theo dõi cá voi công bố hôm thứ Hai.
Con cá voi có biệt danh Hvaldimir đã trở nên nổi tiếng quốc tế vào năm 2019 sau khi người ta phát hiện nó đeo một chiếc dây nịt được chế tạo đặc biệt có gắn máy ảnh, khiến các chuyên gia tin rằng nó có thể đã được quân đội Nga huấn luyện.
Tổ chức OneWhale cho biết trong một tuyên bố: “Sau bốn năm bơi về phía nam dọc theo bờ biển Na Uy, Hvaldimir - được cả thế giới gọi là cá voi beluga 'gián điệp Nga' - hiện đang ở vùng biển Thụy Điển.
Hvaldimir gần đây đã được phát hiện ở thủ đô Oslo của Na Uy, khiến người ta lo ngại về sự an toàn của con cá voi do giao thông bằng thuyền dày đặc trong khu vực.
“Tuy nhiên, con cá beluga nổi tiếng đã đi vòng quanh vùng biển nguy hiểm của Oslo của Thụy Điển,” tuyên bố của OneWhale cho biết. “Chúng tôi có ấn tượng mạnh trước sự quan tâm của Thụy Điển dành cho Hvaldimir. Họ ngay lập tức liên lạc với chúng tôi khi con cá voi đến, và thậm chí còn đóng một cây cầu để bảo vệ cho nó.”
Chủ tịch OneWhale, Rich German, cho biết: “Tình hình của Hvaldimir vẫn rất dễ bị tổn thương vì Thụy Điển là một quốc gia đông dân, nhưng chúng tôi rất biết ơn các nhà chức trách Thụy Điển đã nhanh chóng hành động để chăm sóc cho chú cá voi.”
8. Nga đưa các quan chức Anh vào danh sách các mục tiêu tấn công 'hợp pháp'
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “British Officials 'Legitimate' Russia Targets After Storm Shadow Strikes”, nghĩa là “Các quan chức Anh trở thành mục tiêu tấn công 'hợp pháp' Nga sau các cuộc tấn công Storm Shadow” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết hôm thứ Tư rằng các quan chức Anh hiện là “mục tiêu quân sự hợp pháp” đối với Mạc Tư Khoa. Medvedev đưa ra lập trường trên để đáp lại nhận xét của Ngoại trưởng Anh rằng Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho rằng Vương quốc Anh “trên thực tế đang dẫn đầu một cuộc chiến không tuyên bố chống lại Nga” bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ngày 11/5, Anh trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp hỏa tiễn hành trình tầm xa cho Ukraine. Vương quốc Anh đã cung cấp các hỏa tiễn Storm Shadow. Theo Fabian Hoffmann, một chuyên gia công nghệ hỏa tiễn, Storm Shadow có khả năng tấn công Cầu Eo biển Kerch – là liên kết duy nhất của Nga với Crimea đã sáp nhập, mà Ukraine hy vọng sẽ chiếm lại trong một cuộc phản công.
Ukraine cho biết cho đến nay, hỏa tiễn Storm Shadow đã tấn công tất cả các mục tiêu Nga của họ.
Medvedev đã trả lời vào thứ Tư về nhận xét của Ngoại trưởng Anh James Cleverly, người nói rằng Ukraine, như một phần của quyền tự vệ, “có quyền” triển khai lực lượng “vượt ra ngoài biên giới của chính mình”. Clerverly đưa ra nhận xét trên sau khi máy bay không người lái tấn công vào Mạc Tư Khoa vào sáng thứ Ba. Ukraine đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Tuy nhiên, Cleverly nói rằng vũ khí mà Anh trao cho Kyiv nên được sử dụng ở Ukraine.
“Các quan chức ngớ ngẩn của Vương quốc Anh, đối phương truyền kiếp của chúng ta, nên nhớ rằng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế được chấp nhận rộng rãi quy định chiến tranh hiện đại, bao gồm Công ước Hague và Geneva với các giao thức bổ sung, quốc gia của họ cũng có thể đủ tiêu chuẩn là đang có chiến tranh,” Medvedev nói.
Ông nói thêm: “Ngày nay, Vương quốc Anh đóng vai trò là đồng minh của Ukraine, cung cấp cho nước này viện trợ quân sự dưới dạng thiết bị và chuyên gia, tức là trên thực tế đang dẫn đầu một cuộc chiến không tuyên bố chống lại Nga”. “Trong trường hợp đó, bất kỳ quan chức nhà nước nào của nó (dù là quân đội hay dân sự, những người tạo điều kiện cho chiến tranh) đều có thể được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.”
Vào tháng 12, Medvedev nói rằng các thành viên của liên minh quân sự NATO cung cấp hỗ trợ cho Ukraine có thể là “các mục tiêu quân sự hợp pháp”.
Trong một tuyên bố trên kênh Telegram của mình, Medvedev đã đặt câu hỏi liệu việc các thành viên NATO chuyển giao vũ khí cho Ukraine có thể được coi là một cuộc tấn công vào Nga hay không.
Theo “các quy tắc chiến tranh được nêu,” lực lượng vũ trang của các quốc gia khác “đã chính thức tham chiến, là đồng minh của quốc gia đối phương và các vật thể nằm trên lãnh thổ của họ,” được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Medvedev cho biết các mục tiêu quân sự hợp pháp khác bao gồm giới lãnh đạo quân sự-chính trị của quốc gia đối phương và bất kỳ đối phương nào (chiến binh hợp pháp và chiến binh bất hợp pháp) chưa chính thức rút khỏi lực lượng vũ trang của mình.
9. Tại sao Putin lại hạ thấp các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Mạc Tư Khoa
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Putin is Downplaying Moscow Drone Strikes”, nghĩa là “Tại sao Putin lại hạ thấp các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Mạc Tư Khoa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng hạ thấp các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào Mạc Tư Khoa vì ông không có các lựa chọn trả đũa, trong khi phản ứng từ các lĩnh vực chính trị rộng lớn hơn của Nga rất “đa dạng”.
Trong bản tin tối thứ Ba, ISW cho biết phản ứng của Putin đối với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái - mà Mạc Tư Khoa đã đổ lỗi cho Kyiv nhưng các quan chức Ukraine đã phủ nhận - dường như được thiết kế để tăng cường sự ủng hộ của công chúng Nga đối với cuộc xâm lược Ukraine đang bị đình trệ thông qua các tường thuật sai lệch.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái xảy ra vào sáng sớm thứ Ba, làm hư hại ít nhất ba tòa nhà dân cư nhưng không gây thương vong. Điện Cẩm Linh cho biết 8 máy bay không người lái nhắm vào thủ đô, 5 trong số đó đã bị bắn hạ và 3 chiếc còn lại bị buộc phải đi chệch hướng bằng các biện pháp đối phó điện tử. Các blogger Nga cho rằng có tới 30 máy bay không người lái có liên quan nhưng điều này chưa được xác minh.
Putin cho rằng các cuộc tấn công được thiết kế để khiến người Nga sợ hãi và kích động sự trả đũa từ Mạc Tư Khoa, thừa nhận rằng có nhiều “công việc” phải được thực hiện để cải thiện chiếc ô phòng không của thủ đô. Tổng thống đã so sánh cuộc tấn công với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trước đó đã nhắm vào căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria.
ISW cho biết phản ứng của Putin có thể nói lên quan điểm chính trị đầy khó khăn của ông.
“Putin đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Mạc Tư Khoa để tránh làm lộ ra những lựa chọn hạn chế mà ông ta có trong tay nhằm trả đũa Ukraine,” báo cáo của ISW viết. ISW nhấn mạnh rằng Putin cho rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Mạc Tư Khoa là sự trả đũa cho các cuộc tấn công mà Putin tuyên bố đã được thực hiện ở Ukraine vào trụ sở tình báo quân đội trong những ngày gần đây.
ISW cho biết tuyên bố này không tương ứng với các báo cáo hành động của Bộ Quốc phòng Nga. Nếu có một cuộc tấn công thành công oanh liệt như thế, tại sao Bộ Quốc Phòng Nga đã không công bố trước đó, và cho đến nay vẫn im lặng. Newsweek đã liên hệ với Bộ qua email để yêu cầu bình luận.
ISW viết: “Putin tuyên bố rằng Ukraine đang cố gắng khiêu khích một phản ứng và khiến Nga 'làm theo' hành động của mình. “Việc ông Putin nhấn mạnh vào các cuộc tấn công hỏa tiễn trong quá khứ và đang diễn ra có thể là một nỗ lực nhằm báo hiệu rằng Nga đã chủ động trả đũa và không cần phải đáp trả các hành động khiêu khích tiếp theo của Ukraine.
“Putin đã liên tục trả đũa các hành động thực sự và có mục đích của Ukraine bằng cách ra lệnh cho các chiến dịch hỏa tiễn và máy bay không người lái quy mô lớn. Tuy nhiên, phần lớn có thể là do các lực lượng Nga không thể đạt được bất kỳ tác động quyết định nào trên chiến trường.”
“Putin cũng thúc đẩy nhiều câu chuyện soạn sẵn của Điện Cẩm Linh nhằm duy trì sự ủng hộ trong nước đối với nỗ lực chiến tranh của Nga và phỉ báng phương Tây. Putin cũng lưu ý rằng, trong khi các hệ thống phòng không ở Mạc Tư Khoa 'hoạt động bình thường', Nga vẫn cần 'làm việc' để cải thiện các hệ thống này - một nỗ lực đáng chú ý để ngăn chặn sự chỉ trích từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga, những người đã chỉ trích các hệ thống phòng không chẳng có mấy hiệu quả của Nga ở Mạc Tư Khoa, và dọc theo các khu vực biên giới của Nga với Ukraine.
“Putin cũng cáo buộc Ukraine đe dọa gây mất ổn định Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và sử dụng 'thiết bị bẩn'—cả hai đều là những tường thuật sai lầm mặc định của Nga mà Điện Cẩm Linh sử dụng trong các thất bại quân sự của Nga.”
'Sương mù chiến tranh'
Các blogger quân sự hiếu chiến của Nga đã chỉ trích phản ứng chính thức đối với các cuộc tấn công. Igor Girkin—cựu sĩ quan FSB, người đóng vai trò chủ chốt trong việc Nga chiếm giữ Crimea và một phần vùng Donbas của Ukraine năm 2014—đã chế giễu Putin vì đã duy trì quan điểm của Điện Cẩm Linh rằng cuộc xung đột ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” chứ không phải là một cuộc xung đột toàn diện.
Giám đốc Tập đoàn Wagner Yevgney Prigozhin và lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov - cả hai đều thúc giục Putin chuyển Nga sang tình trạng chiến tranh hoàn toàn để giành chiến thắng trong cuộc chiến - đã kêu gọi một phản ứng trừng phạt.
Prigozhin cho biết các quan chức Nga nên làm nhiều hơn để bảo vệ đất nước hơn là “ngồi im lặng”, trong khi Kadyrov đề nghị trả đũa các quốc gia Âu Châu đang cung cấp viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraine.
Trợ lý tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak phủ nhận sự liên quan của Ukraine trong vụ tấn công, mặc dù ông nói rằng Kyiv đang xem vụ tấn công “với sự thích thú” và dự đoán các cuộc tấn công tương tự trong tương lai. Các quan chức Ukraine thường phủ nhận các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Oleksandr Merezhko, một thành viên của quốc hội Ukraine và là chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội, nói với Newsweek rằng “sương mù chiến tranh” gây khó khăn cho việc xác định bản chất của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây nhất của Mạc Tư Khoa.
“Tôi không biết chắc chuyện gì đã xảy ra,” Merezhko nói, đồng thời cho rằng bản chất có vẻ đơn giản của máy bay không người lái có thể chỉ ra “một số hình thức hoạt động của lực lượng kháng chiến nội bộ ở Nga”.
Ngoài ra, ông nói, “đó có thể là hành động khiêu khích của các cơ quan đặc biệt của Nga nhằm khiến người Nga sợ hãi trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở Nga, sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy một năm nữa.”
“Chúng tôi cũng không thể loại trừ hoàn toàn rằng đó là một chiến dịch đặc biệt của quân đội chúng tôi,” Merezhko nói thêm. “Nhưng, tất nhiên, trong những trường hợp như vậy không có xác nhận hay từ chối.”
Ông nói: “Điều thú vị là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái này cho thấy lực lượng phòng không của Nga yếu kém,” đồng thời gợi ý rằng cuộc tấn công và các cuộc xâm nhập xuyên biên giới gần đây của các chiến binh Nga có liên hệ với Kyiv, chống Putin cho thấy những vấn đề nghiêm trọng trong lực lượng vũ trang Nga.
“Lenin đã từng nói rằng chế độ sa hoàng ở Nga chỉ có vẻ vững chắc; trong thực tế, nó đã mục nát bên trong,” Merezhko nói. “Nếu bạn chạm vào nó, nó sẽ bắt đầu sụp đổ.”
10. Tổng Tham Mưu Trưởng cho rằng Nga 'trên đường' tiến đến xung đột với NATO
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia 'On Course' for NATO Conflict, Commander Says”, nghĩa là “ Tổng Tham Mưu Trưởng cho rằng Nga 'trên đường' tiến đến xung đột với NATO” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Một cuộc chiến toàn diện của NATO với Nga là “kịch bản tồi tệ nhất” đối với phương Tây, nhưng có thể xảy ra, theo chỉ huy lực lượng vũ trang của Cộng hòa Tiệp. Ông đưa ra lập trường trên khi hố sâu ngăn cách giữa thế giới phương Tây và Mạc Tư Khoa ngày càng rộng hơn trong bối cảnh cuộc chiến của Điện Cẩm Linh với Ukraine.
Tướng Karel Rehka, tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Tiệp, cho biết tại một hội nghị ở quốc hội Tiệp rằng quân đội NATO phải thực hiện nhiệm vụ “thiết yếu” là chuẩn bị cho xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa, theo dịch vụ tin tức iROZHLAS của Tiệp..
“Chúng tôi coi chiến tranh giữa Nga và Liên minh Bắc Đại Tây Dương là trường hợp xấu nhất, nhưng không phải là không thể xảy ra,” Rehka nói. “Điều đó là có thể.” Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng nhấn mạnh rằng “Nga hiện đang trên đường hướng tới một cuộc xung đột với Liên minh.”
Rehka sau đó nói với Seznam Zprávy: “Tôi chắc chắn không muốn chiến tranh,” và mô tả khả năng xảy ra xung đột với Nga là “kịch bản đen tối nhất”.
“Không ai muốn điều đó cả, nhưng không phải là không thể,” anh nói thêm. “Cần ngừng nói rằng điều này là không thể, bởi vì nó đơn giản là có thể. Nó có thể xảy ra và cần phải chuẩn bị cho nó trong thời gian dài.”
“Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga muốn hay lên kế hoạch cho nó,” Rehka nói. “Chắc chắn là không phải bây giờ, chỉ là chúng ta không muốn thôi. Mọi người đều biết đó sẽ là một bi kịch.”
Ông nói thêm, sự ngăn chặn của NATO là giải pháp để cho Mạc Tư Khoa thấy rằng “điều đó không đáng vì nó không thể thành công” trong việc đánh bại các đối thủ phương Tây thông qua các biện pháp quân sự.
Mạc Tư Khoa đã coi cuộc xâm lược thảm khốc của mình vào Ukraine là một cuộc tấn công phủ đầu chống lại NATO, tổ chức từ lâu đã bị cáo buộc kích động “sự sợ hãi Nga” ở nước này, ngay cả khi Điện Cẩm Linh can thiệp vào chính trị ở Ukraine, sáp nhập Crimea và chiếm giữ các khu vực phía đông vùng Donbas.
Các quan chức Điện Cẩm Linh đã tuyên bố rằng NATO đang chuẩn bị Ukraine làm bệ phóng cho cuộc xâm lược chống lại Nga, mặc dù trên thực tế, liên minh này đã nhiều lần từ chối kết nạp quốc gia này bất chấp tham vọng gia nhập từ lâu của Kyiv. Trong khi đó, sự gây hấn lặp đi lặp lại của Nga đã giúp đẩy sự ủng hộ của người dân Ukraine đối với tư cách thành viên NATO lên mức cao kỷ lục.
Trong bài phát biểu trước toàn quốc hồi tháng Hai, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ trích phương Tây. “Người dân Ukraine đã trở thành con tin của chế độ Kyiv và các lãnh chúa phương Tây của họ, những người đã xâm lược đất nước này một cách hiệu quả về mặt chính trị, quân sự và kinh tế,” Putin nói.
“Họ có ý định biến một cuộc xung đột địa phương thành một giai đoạn đối đầu toàn cầu,” ông nói thêm, đề cập đến tranh chấp về Donbas mà Nga và các lực lượng ủy nhiệm địa phương của họ đã châm ngòi vào năm 2014. “Đây chính xác là cách chúng tôi hiểu tất cả, và chúng tôi sẽ phản ứng phù hợp bởi vì trong trường hợp này, chúng ta đang nói về sự tồn tại của đất nước chúng ta.”
“Giới tinh hoa phương Tây không che giấu mục tiêu của họ, đó là gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga,” Putin nói. “Có nghĩa là kết liễu chúng ta mãi mãi.”
Có vẻ như không có hy vọng hòa dịu. Pavel Luzin, một nhà phân tích chính trị người Nga và là học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, nói với Newsweek: “Đối thoại không chỉ khó có thể xảy ra, mà bất kỳ cuộc đối thoại nào với Mạc Tư Khoa ngày nay sẽ là một sai lầm chiến lược”.
“Đúng vậy, phương Tây phải sẵn sàng cho cuộc đụng độ trực tiếp với Nga và phải sẵn sàng đánh bại Nga, bao gồm cả việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Nga bằng vũ lực,” Luzin nói thêm.
Liên minh đang đầu tư mạnh vào chiến thắng của Ukraine. Tổng thư ký Jens Stoltenberg và hầu hết các nhà lãnh đạo quốc gia NATO - ngoại trừ Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - đã nhiều lần nhấn mạnh ý định ủng hộ Kyiv trong dài hạn, mặc dù liên minh này cũng bị chỉ trích vì sự đồng thuận lâu dài trong quá trình cung cấp vũ khí tiên tiến như hỏa tiễn tầm xa, xe tăng và máy bay chiến đấu.
Mối đe dọa do nước Nga theo chủ nghĩa phục thù của Putin gây ra đã kích động NATO trong khi phơi bày sự thiếu chuẩn bị của liên minh đối với các hoạt động chiến đấu lớn. Nhiều quốc gia đồng minh hiện đang tìm cách tăng chi tiêu quân sự, bảo đảm các năng lực mới, mở rộng kho dự trữ quân sự quan trọng bao gồm cả đạn dược và thiết lập hàng phòng thủ đa quốc gia mạnh mẽ hơn dọc biên giới với Nga.
Mạc Tư Khoa coi việc NATO ủng hộ Ukraine là một cuộc tấn công trực tiếp vào Nga và đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả đối với các nước liên minh vì viện trợ quân sự liên tục và mở rộng của họ.
Chẳng hạn, trong tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko cho biết quyết định tiềm năng của NATO gửi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất tới Kyiv “mang theo những rủi ro to lớn”.
Và vào Tháng Giêng, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết quyết định của NATO gửi xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại tới Ukraine “có nghĩa là đưa cuộc xung đột lên một cấp độ hoàn toàn mới, tất nhiên, sẽ không phải là điềm lành từ quan điểm toàn cầu và toàn thế giới. an ninh Âu Châu.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.
Nguy to: Vatican cảnh báo mạng xã hội đang gây nhiều vấn đề: bút chiến, chia rẽ, kích động, thù hận
VietCatholic Media
05:03 02/06/2023
1. Vatican cảnh cáo các giám mục gây chia rẽ trên mạng xã hội
Lời kêu gọi là một phần của tài liệu dài 20 trang do ban truyền thông của Vatican có tiêu đề “Hướng tới sự hiện diện đầy đủ. Một suy tư mục vụ về sự gắn kết với các phương tiện truyền thông xã hội.”
Vatican kêu gọi các giám mục và các nhà lãnh đạo Công Giáo cấp cao giảm bớt bình luận của họ trên phương tiện truyền thông xã hội, nói rằng một số người đang gây chia rẽ và kích động các cuộc bút chiến làm tổn hại đến toàn bộ Giáo hội.
Lời kêu gọi là một phần của tài liệu dài 20 trang do ban truyền thông của Vatican đưa ra có tiêu đề “Hướng tới sự hiện diện đầy đủ. Một suy tư mục vụ về sự gắn kết với các phương tiện truyền thông xã hội.”
Tài liệu, gửi đến tất cả người Công Giáo, cảnh báo về sự nguy hiểm của tin giả trên mạng xã hội và các hình thức lạm dụng khác đã biến con người thành món hàng mà dữ liệu của họ được bán, mà thường khi họ không hề hay biết hoặc đồng ý.
Tài liệu lên án sự phân cực và chủ nghĩa cực đoan đã dẫn đến “chủ nghĩa bộ lạc kỹ thuật số” trên mạng xã hội, nói rằng các cá nhân thường tự nhốt mình trong các hầm chứa quan điểm cản trở đối thoại và thường dẫn đến bạo lực, lạm dụng và thông tin sai lệch.
Tài liệu cho biết “Phong cách của Kitô hữu nên phản ánh, chứ đừng phản ứng, trên phương tiện truyền thông xã hội. Do đó, tất cả chúng ta nên cẩn thận để không rơi vào những cái bẫy kỹ thuật số ẩn trong nội dung được thiết kế có chủ ý nhằm gieo rắc xung đột giữa những người dùng bằng cách gây ra sự phẫn nộ hoặc phản ứng cảm xúc”.
Tài liệu nhấn mạnh rằng: “Vấn đề luận chiến và hời hợt, và do đó gây chia rẽ, trong không gian truyền thông đặc biệt đáng lo ngại khi nó đến từ giới lãnh đạo Giáo hội: các giám mục, mục tử và các nhà lãnh đạo giáo dân nổi tiếng”
Một số giám mục Công Giáo bảo thủ và các nhà bình luận nổi tiếng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, đã chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô trên Twitter.
“Thật không may, những mối quan hệ tan vỡ, xung đột và chia rẽ không phải là điều xa lạ đối với Giáo hội. Ví dụ, khi các nhóm tự xưng là 'Công Giáo' sử dụng sự hiện diện trên mạng xã hội của họ để thúc đẩy sự chia rẽ, thì họ không hành xử như một cộng đồng Kitô giáo nên làm,” tài liệu cho biết.
Tài liệu cũng nói rằng người Công Giáo phải đặc biệt chú ý đến những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo trong những năm tới, đồng thời kêu gọi người Công Giáo hãy cẩn thận với những cỗ máy đưa ra những quyết định thay cho chúng ta”.
Vào năm 2020, Vatican đã hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ Microsoft và IBM để thúc đẩy sự phát triển có đạo đức của trí tuệ nhân tạo và kêu gọi các quy định liên quan đến công nghệ xâm nhập như việc nhận dạng khuôn mặt.
Source:NBC News
2. Nhân vật thứ hai của Công Giáo Mông Cổ qua đời đột ngột
Nhân vật thứ hai của Giáo Hội Công Giáo nhỏ bé tại Mông Cổ, cha Stephano Kim Thành Hiền (Kim Seong Hyeon), đã qua đời đột ngột, sáng ngày 26 tháng Năm vừa qua vì bệnh tim, lúc mới 55 tuổi.
Cha Kim Thành Hiền (Kim Seong Hyeon) là một thừa sai nhiệt thành, linh mục thuộc Giáo phận Đại Điền (Deajeon), Hàn Quốc, nhưng tình nguyện đi phục vụ tại Mông Cổ cách đây hơn 20 năm (2002), theo diện Fidei Donum, Hồng ân Đức tin. Cha đã xả thân thành lập giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở Khan Uul, thuộc vùng thủ đô Ulanbator, nơi cha trải qua vài năm, trước khi tiến xa hơn vào các vùng xa xôi chia sẻ cuộc sống của những người du mục chăn súc vật. Cha sống trong một lều (ger) là nhà tiêu biểu của người Mông Cổ và di chuyển bằng ngựa.
Năm 2020, Đức Cha Giorgio Marengo, thừa sai Dòng Đức Mẹ An Ủi (Consolata), sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục Phủ doãn Tông tòa Ulanbator, đã bổ nhiệm cha Stephano Kim làm Tổng đại diện của Phủ doãn này. Đức Cha mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Hồng Y hồi tháng Tám năm ngoái và ngài sẽ đến Mông Cổ để viếng thăm vào tháng Chín năm nay. Từ đó, cha Stephano Kim chia thời giờ ra làm hai, giữa việc mục vụ 350 tín hữu Công Giáo thuộc giáo xứ chính tòa, và chăm sóc mục vụ cho cộng đoàn Công Giáo người Hàn Quốc, cũng như những công việc của Phủ doãn Tông tòa.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho hãng tin Công Giáo Asia News, cha Stephano Kim kể lại những năm đầu tiên phục vụ tại Ulanbator, khi nhà thờ còn là một căn lều tròn, tiêu biểu của người Mông Cổ.
Lễ cầu hồn cho cha Stephano Kim đã được Đức Hồng Y Marengo cử hành, chiều ngày 26 tháng Năm, tại nhà thờ chính tòa thánh Phêrô và Phaolô, trước sự hiện diện của nhiều tín hữu Mông Cổ, và các vị thừa sai khác. Đức Hồng Y cám ơn linh mục thừa sai quá cố đã hăng say phục vụ đoàn chiên bé nhỏ trong bao năm qua. Lễ an táng cha sẽ được cử hành vào những ngày tới đây và cha sẽ được an táng tại Ulanbator, gần mộ của Đức Cha Wenceslao Padilla, giám mục đầu tiên của Mông Cổ thuộc Dòng Thừa sai Khiết Tâm Đức Mẹ, quen gọi là các cha dòng Scheut.
Giáo Hội Công Giáo tại Mông Cổ được khai sinh hồi năm 1992, khi nước này được mở ra sau 70 năm dưới chế độ cộng sản, và hiện nay có 1.300 tín hữu. Trong số 77 thừa sai gồm linh mục, nữ tu và giáo dân, cũng có bốn vị người Việt Nam thuộc dòng Don Bosco. Phật giáo Tây Tạng, hay cũng gọi là Phật giáo Kim Cương thừa, là tôn giáo đa số tại nước này. Sau bảy thập niên dưới chế độ vô thần, hơn 30% dân Mông Cổ hiện nay tuyên bố không thuộc tôn giáo nào. Chính tại Giáo hội “vùng ngoại ô” này, Đức Thánh Cha muốn đến viếng thăm mục vụ, như ngài đã nhiều lần loan báo.
3. Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh công bố tài liệu hướng dẫn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội
Trong một tài liệu mới được công bố vào ngày 29 tháng 5, Bộ Truyền thông của Vatican đưa ra một suy tư thấu đáo và sâu sắc khác thường về “thách thức thúc đẩy các mối liên hệ hòa bình, có ý nghĩa và quan tâm trên mạng xã hội”.
Khi việc sử dụng internet trở nên phổ biến hơn và quan trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày, các viên chức Vatican thường bình luận về những nguy cơ và cơ hội do các phương tiện truyền thông xã hội mới mang lại. Nhưng hôm nay, Bộ Truyền thông nhận xét rằng “chúng ta đang sống trong một hệ sinh thái được định hình, trong cốt lõi của nó, bởi kinh nghiệm chia sẻ xã hội,” và giải quyết những thách thức của thực tại mới đó.
Tài liệu có chữ ký của Paolo Ruffini và Đức Ông Lucio Ruiz, lần lượt là bộ trưởng và thư ký của bộ—cho thấy một sự hiểu biết sâu sắc về các phương tiện truyền thông xã hội mới. Mặc dù nó không đề xuất các hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng internet, nhưng nó nhằm mục đích “thúc đẩy sự suy nghĩ chung về trải nghiệm kỹ thuật số của chúng ta, khuyến khích cả các cá nhân lẫn cộng đồng thực hiện một cách tiếp cận sáng tạo và mang tính xây dựng có thể thúc đẩy văn hóa tình láng giềng”.
Tiêu đề của tài liệu — “Hướng tới một Sự Hiện Diện Trọn Vẹn”—không hứa hẹn lắm. Nhưng phần lớn suy tư này được xây dựng dựa trên một dẫn chứng đáng lưu ý về dụ ngôn Người Chăn Chiên Nhân Lành. “Dụ ngôn có thể truyền cảm hứng cho các mối quan hệ trên mạng xã hội vì nó minh họa khả năng xảy ra một cuộc gặp gỡ có ý nghĩa sâu sắc giữa hai người hoàn toàn xa lạ. Người Samaritanô phá vỡ ‘sự phân chia xã hội’: anh vươn ra ngoài ranh giới của sự đồng tình và bất đồng.”
Các nguy hiểm kỹ thuật số
Tài liệu thừa nhận việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào, thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và phản ứng, cám dỗ những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hướng tới suy nghĩ hời hợt và kích thích kỹ thuật số quá mức.
Thay vì tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm, sự chú ý từng phần liên tục của chúng ta nhanh chóng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Trong tình trạng 'luôn mở lên' của chúng ta, chúng ta phải đối đầu với sự cám dỗ muốn ấn lên ấn xuống ngay lập tức vì chúng ta bị cuốn hút về mặt sinh lý vào sự kích thích kỹ thuật số, luôn muốn có nhiều nội dung hơn khi vô tận cuộn lên cuộn xuống và thất vọng vì thiếu thông tin cập nhật.
Ngoài những vấn đề ai cũng biết đó, Vatican cũng kêu gọi sự chú ý đến việc sử dụng các thuật toán mạnh mẽ thu thập dữ liệu về người dùng phương tiện truyền thông xã hội: dữ liệu có thể được thu thập cho mục đích thương mại. Vì lý do đó, Vatican cảnh cáo rằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội “không phải là miễn phí: chúng ta đang trả giá bằng số phút chú ý và số byte [tám chữ số nhị phân] dữ liệu của chúng ta”.
Tài liệu cảnh cáo chống lại việc thương mại hóa các tài khoản mạng xã hội, nhưng cũng nhận thấy rằng các thuật toán giống nhau sẽ tập hợp những người có quan điểm giống nhau lại với nhau và “khi mỗi người rút lui vào bong bóng đã được lọc riêng cho mình, mạng xã hội đang trở thành con đường dẫn nhiều người đến sự thờ ơ, phân cực và chủ nghĩa cực đoan.” Vì mỗi chúng ta tiếp xúc với những quan điểm phù hợp với quan điểm của chính mình—và vì những biểu thức sống động hơn của những quan điểm đó thu hút nhiều sự chú ý hơn và một lần nữa nhiều ảnh hưởng hơn, nên mạng xã hội đang “khuyến khích những tác phong cực đoan”.
Phong cách Kitô giáo: những người thợ dệt hiệp thông
Để đề phòng những mối nguy hiểm trên, tài liệu của Vatican khuyến khích các Kitô hữu áp dụng cách tiếp cận “lắng nghe” đối với các phương tiện truyền thông xã hội, tìm kiếm sự hiểu biết thực sự về những người mà họ tương tác. Tài liệu viết: “Phong cách của Kitô hữu nên có tính suy tư, chứ không phản ứng, trên mạng xã hội”.
Hơn nữa, Kitô hữu “có đầu óc kỹ thuật số tự nhiên” (digital native) nên làm việc với những người khác, xây dựng các mối tương quan trực tuyến để tạo ra cảm thức cộng đồng thực sự. “Điều cấp bách là phải học cách hành động với nhau, với tư cách là một cộng đồng chứ không phải với tư cách cá nhân. Không phải với tư cách là những người gây ảnh hưởng cá nhân, mà là những người dệt nên sự hiệp thông: tập hợp tài năng và kỹ năng của chúng ta, chia sẻ kiến thức và đóng góp.”
Bộ Truyền thông thậm chí còn đưa ra một cách để hiểu khái niệm “cộng đồng” vì nó có thể phát triển thông qua phương tiện truyền thông xã hội:
“Vượt xa sự gần gũi về địa lý-lãnh thổ hay dân tộc-văn hóa đơn thuần, những gì tạo nên một cộng đồng là sự chia sẻ chung về sự thật cùng với một cảm thức thuộc về, có đi có lại và liên đới, trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Thông điệp của Vatican cảnh cáo những người có tư chất kỹ thuật số chống lại các biện pháp hời hợt để đạt được thành công trực tuyến, nhắc nhở họ rằng “không hề có ‘người thích’ nào cả và hầu như không có ‘người theo’ nào cả vào lúc vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ vĩ đại nhất!” Tài liệu nhận xét rằng mọi Kitô hữu có sự hiện diện trực tuyến đều là một “người gây ảnh hưởng nhỏ”. Những người khai triển được nhiều người theo dõi hơn thì có nhiều trách nhiệm hơn, nhưng mọi người đều có nghĩa vụ đạo đức là sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho các mục đích tốt, lưu tâm đến khả năng của họ trong việc mang những người khác đến gần Chúa Kitô hơn.
Các vấn đề của chính Vatican
Tài liệu mới của Vatican để lại một số câu hỏi quan trọng chưa được trả lời. “Có một nhu cầu cấp thiết để hành động không chỉ với tư cách cá nhân, mà còn với tư cách là cộng đồng,” Bộ Truyền thông nói với độc giả như thế. Nhưng có rất ít gợi ý cụ thể để xây dựng những cộng đồng như vậy. Cũng vậy, tài liệu đưa ra thông điệp đầy hy vọng rằng “mạng xã hội không phải được đúc trong đá. Chúng ta có thể thay đổi nó.” Nhưng ngoài việc nói rằng chúng ta có thể gây áp lực lên các nhà cung cấp trực tuyến lớn để biến cương lĩnh của họ thành “môi trường nhân bản và lành mạnh hơn”, tài liệu không đưa ra hướng dẫn thực tế nào hơn.
Với 82 đoạn, tài liệu khá dài—đặc biệt là quá dài đối với thông điệp cảnh cáo về tình trạng giảm khả năng chú ý của người dùng internet.