Ngày 31 tháng Mười này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ qua Lund, Thụy Điển, để đồng chủ tọa lễ kỷ niệm 500 năm ngày ra đời của Phong Trào Cải Cách Thệ Phản. Với việc đồng chủ tọa này, Đức Phanxicô sẽ thêm vào bảng liệt kê những cái nhất của ngài một cái nhất nữa: vị giáo hoàng thứ nhất tham dự buổi cầu nguyện cùng với hậu duệ của người hiện vẫn còn chính thức bị vạ tuyệt thông, Martin Luther, người khai sáng ra Phong Trào Cải Cách Thệ Phản.

Tuy nhiên, cái nhất lần này của Đức Phanxicô không phải do một mình ngài khởi diễn. Nó là kết quả của 50 năm kiên nhẫn đối thoại giữa Giáo Hội Luthêrô và Giáo Hội Công Giáo. Thành quả lớn lao đầu tiên của cuộc đối thoại này là thỏa hiệp về công chính hóa, được cụ thể hóa trong văn kiện Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa công bố tại Augsburg năm 1999. Năm 2007, được thúc đẩy bởi văn kiện vừa nói, hai Giáo Hội nghĩ tới việc kỷ niệm chung biến cố 500 năm ngày ra đời của Phong Trào Cải Cách vào năm 2017, bằng cách cố gắng đưa ra các cơ sở chung cho việc kỷ niệm này. Cố gắng chung này đã được đúc kết vào năm 2013, trong một văn kiện không kém quan trọng tựa là “Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông”.

Văn kiện trên không những đề cập tới việc tổ chức lễ Kỷ Niệm 500 năm ngày khai sáng ra Phong Trào Cải Cách Thệ Phản, mà cốt yếu còn thuật lại diễn trình cùng nhau thuật lại câu truyện Cải Cách. Có thể nói, đây là lần đầu, người Công Giáo và người Luthêrô cùng kể câu truyện chung về Luther và di sản của ông cũng như các hậu duệ Thệ Phản của ông, để mọi người thấy câu truyện không hẳn đơn giản như nhiều người tưởng. Và do đó, việc kỷ niệm biến cố khai sinh ra Phong Trào Cải Cách quả có đủ các yếu tố của mừng vui lẫn buồn sầu, làm lý do cho cả tạ ơn, xám hối lẫn cam kết dấn thân. Chúng tôi cố gắng lần lượt chuyển trọn nội dung của văn kiện này từ bản tiếng Anh của trang mạng Tòa Thánh sang tiếng Việt. Thân mời qúy độc giả cùng đọc.


Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông

Cuộc Kỷ Niệm Chung Phong Trào Cải Cách năm 2017

của người Công Giáo và người Luthêrô



Lời Nói Đầu

Cuộc vật lộn của Martin Luther với Thiên Chúa đã thúc đẩy và xác định ra trọn cuộc sống của ông. Câu hỏi: làm thế nào tôi có thể tìm ra một Thiên Chúa nhân từ? đã ám ảnh ông khôn nguôi. Ông tìm ra vị Thiên Chúa nhân từ trong tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. “Thần học đích thực và việc hiểu biết Thiên Chúa ở trong Chúa Kitô chịu đóng đinh”.

Năm 2017, các Kitô hữu Công Giáo và Luthêrô sẽ nhìn trở lui một cách thích đáng nhất các biến cố đã diễn ra 500 năm trước đây bằng cách đặt tin mừng của Chúa Giêsu Kitô vào tâm điểm. Tin mừng nên được cử hành và thông truyền cho người thời nay để thế giới có thể tin rằng Thiên Chúa đã ban chính mình Người cho những con người phàm nhân và mời gọi chúng ta bước vào hiệp thông với chính Thiên Chúa và với Giáo Hội của Người. Chính đó là căn bản để chúng ta vui chung trong đức tin chung của mình.

Cũng thuộc niềm vui này là cái nhìn biện phân, tự phê chính chúng ta, không chỉ trong lịch sử mà cả ngày nay nữa. Kitô hữu chúng ta chắc chắn không luôn trung thành với tin mừng; quá nhiều khi chúng ta đồng hình đồng dạng với suy nghĩ và các mẫu tác phong của thế giới chung quanh. Chúng ta liên tiếp đứng án ngữ tin mừng của lòng thương xót Thiên Chúa.

Cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách cộng đồng tín hữu, tất cả chúng ta đều không ngừng cần sự thống hối và canh cải, dưới sự khuyến khích và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. “Khi Chúa và là Thầy chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô, nói ‘hãy thống hối’, Người muốn kêu gọi việc trọn cuộc sống của tín hữu phải là một cuộc sống ăn năn thống hối”. Câu tuyên bố khởi đầu trong 95 luận đề của Luther năm 1517, những luận đề làm nổ ra phong trào Cải Cách, đã viết như thế.

Mặc dù luận đề trên là điều hết sức hiển nhiên vào ngày hôm nay, các Kitô hữu Luthêrô và Công Giáo chúng ta muốn xem xét nó một cách cẩn trọng bằng cách hướng cái nhìn phê phán vào chính chúng ta trước nhất, chứ không phải vào nhau. Chúng ta lấy học lý công chính hóa làm qui luật hướng dẫn; học lý này vốn nói lên sứ điệp của tin mừng và do đó, “không ngừng phục vụ việc quy hướng mọi giáo huấn và thực hành của các Giáo Hội chúng ta vào Chúa Kitô” (Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa).

Sự hợp nhất chân thực của Giáo Hội chỉ có thể hiện hữu như là sự hợp nhất trong sự thật của tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Cuộc đấu tranh cho sự thật này trong thế kỷ 16 dẫn tới việc mất hợp nhất trong thế giới Kitô Giáo Tây Phương là sự kiện thuộc những trang đen tối của lịch sử Giáo Hội. Năm 2017, chúng ta phải công khai xưng thú rằng chúng ta có tội trước nhan Chúa Kitô vì đã phá hoại sự hợp nhất của Giáo Hội. Năm kỷ niệm này trình bầy với chúng ta hai thách đố: thanh tẩy và hàn gắn ký ức, và phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo phù hợp với sự thật của tin mừng Chúa Giêsu Kitô (Eh 4:4–6).

Bản văn sau đây mô tả con đường ‘từ tranh chấp tới hiệp thông’, một con đường mà chúng ta chưa đạt được mục tiêu của nó. Tuy nhiên, Ủy Ban Hợp Nhất Luthêrô-Công Giáo rất coi trọng những lời lẽ sau đây của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, “Những điều hợp nhất chúng ta lớn hơn những điều chia rẽ chúng ta”.

Chúng tôi kính mời mọi Kitô hữu nghiên cứu phúc trình này của Ủy Ban chúng tôi một cách vừa cởi mở vừa có tính phê phán, và cùng chúng tôi bước trên con đường tiến tới sự hiệp thông sâu xa hơn giữa các Kitô hữu.

Karlheinz Diez,

Giám mục phụ tá của Fulda (đồng chủ tịch Công Giáo)

Eero Huovinen

Giám Mục Hưu Trí của Helsinki (đồng chủ tịch Luthêrô)

Dẫn nhập

1. Năm 2017, các Kitô hữu Luthêrô và Công Giáo sẽ cùng nhau kỷ niệm năm thứ 500 ngày khởi đầu phong trào Cải Cách. Người Luthêrô và người Công Giáo ngày nay hưởng được một sự tăng trưởng về hiểu biết, hợp tác, và tôn trọng nhau. Họ đã tiến tới chỗ nhìn nhận rằng nhiều điều hợp nhất hơn là chia rẽ họ: trên hết, là đức tin chung vào Thiên Chúa Ba Ngôi và việc mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, cũng như việc thừa nhận các sự thật căn bản của học lý công chính hóa.



2. Lễ kỷ niệm năm thứ 450 Bản Tuyên Tín Augsburg vào năm 1980 đã cung ứng cho cả người Luthêrô lẫn người Công Giáo cơ hội khai triển cái hiểu chung đối với các sự thật nền tảng của đức tin bằng cách lấy Chúa Giêsu Kitô làm tâm điểm sống động của đức tin Kitô Giáo (1). Nhân lễ kỷ niệm năm thứ 500 ngày sinh của Martin Luther vào năm 1983, cuộc đối thoại quốc tế giữa người Công Giáo Rôma và người Luthêrô đã cùng nhau khẳng định một số quan tâm chủ yếu của Luther. Phúc trình của Ủy Ban đã gọi ông là “nhân chứng của Chúa Giêsu Kitô” và tuyên bố, “Các Kitô hữu, bất luận là Thệ Phản hay Công Giáo, không thể coi thường con người và sứ điệp của người này” (2).

3. Năm 2017 sắp tới thách thức người Công Giáo và người Luthêrô thảo luận trong đối thoại các vấn đề và hậu quả của cuộc Cải Cách Wittenberg, những vấn đề xoay quanh con người và tư tưởng của Martin Luther, và khai triển các viễn ảnh cho việc tưởng nhớ và thích ứng phong trào Cải Cách ngày nay. Nghị trình cải cách của Luther đặt ra một thách thức thiêng liêng và thần học cho cả người Công Giáo lẫn người Luthêrô ngày nay.

_____________________________________________________________________________

(1) Roman Catholic / Lutheran Joint Commission, "All Under One Christ: Statement on

the Augsburg Confession 1980" trong Harding Meyer and Lucas Visher (eds),

Growth in Agreement I: Reports and Agreed Statements of Ecumenical Conversations on a World Level,

1972–1982 (Geneva: World Council of Churches, 1984), 241–47.

(2) Roman Catholic / Lutheran Joint Commission, "Martin Luther: Witness to Jesus

Christ" I.1, trong Jeffrey Gros, FSC, Harding Meyer and William G. Rusch (eds), Growth in

Agreement II: Reports and Agreed Statements of Ecumenical Conversations on a World Level,

1982–1998 (Geneva: WCC Publications, 2000), 438.

________________________________________________________________________________

Chương I: Kỷ Niệm Phong Trào Cải Cách trong Thời Đại Kết và Hoàn Cầu

4. Mọi cuộc kỷ niệm đều có bối cảnh riêng của nó. Ngày nay, bối cảnh này bao gồm 3 thách đố chính cho thấy cả cơ may lẫn bổn phận: [1] Đây là việc kỷ niệm đầu tiên diễn ra trong thời đại kết. Do đó, việc kỷ niệm chung này là một dịp thâm hậu hóa sự hiệp thông giữa người Công Giáo và người Luthêrô. [2] Đây cũng là việc kỷ niệm lần đầu trong thời hoàn cầu hóa. Do đó, việc kỷ niệm chung này phải hội nhập các kinh nghiệm và viển ảnh của các Kitô hữu Nam, Bắc, Đông, Tây [3]. Cuộc kỷ niệm lần đầu này cũng phải xử lý sự cần thiết của việc tân phúc âm hóa vào một lúc có sự nổi bật của cả hiện tượng trăm hoa đua nở các phong trào tôn giáo mới lẫn hiện tượng lớn mạnh của thế tục hóa tại rất nhiều nơi. Bởi thế, cuộc kỷ niệm chung này có cơ may và nghĩa vụ phải là chứng tá chung cho đức tin.

Đặc điểm của các cuộc kỷ niệm trước đây

5. Tương đối rất sớm, ngày 31 tháng Mười năm 1517 đã trở thành một biểu tượng của phong trào Cải Cách Thệ Phản thế kỷ 16. Cho đến tận nay, nhiều Giáo Hội Luthêrô, vào ngày 31 tháng Mười, vẫn hàng năm kỷ niệm biến cố gọi là “Cải Cách”. Các cuộc cử hành mỗi trăm năm cuộc Cải Cách này rất hào phóng và đầy tính lễ hội. Các quan điểm chống chọi nhau giữa các nhóm tuyên tín khác nhau hết sức hiển hiện trong các biến cố này. Đối với người Luthêrô, các ngày và các trăm năm kỷ niệm này là những dịp để kể lại một lần nữa câu truyện của việc khởi đầu hình thức mới khá chuyên biệt, tức hình thức “tin lành”, của Giáo Hội họ nhằm biện minh cho sự hiện hữu khác biệt của họ. Việc này, lẽ đương nhiên, có liên hệ với việc phê phán Giáo Hội Công Giáo Rôma. Mặt khác, người Công Giáo dùng các biến cố kỷ niệm này như những cơ hội để tố cáo người Luthêrô đã phân rẽ ra khỏi Giáo Hội chân thật một cách không thể nào biện minh được, và bác bỏ tin mừng của Chúa Kitô.

6. Các nghị trình chính trị và các nghị trình Giáo Hội mang tính chính trị thường đã lên khuôn cho những cuộc kỷ niệm của các thế kỷ đầu. Năm 1617, chẳng hạn, việc tiến hành lễ kỷ niệm bách chu niên đã giúp ổn định hóa và tái lên sinh lực cho căn tính Cải Cách chung của người Luthêrô và người Cải Cách qua việc họ cùng cử hành biến cố này. Người Luthêrô và người Cải Cách đã chứng tỏ tình liên đới của họ bằng những cuộc luận chiến mạnh mẽ chống lại Giáo Hội Công Giáo Rôma. Họ cùng nhau tôn vinh Luther như người giải phóng khỏi ách Rôma. Nhiều năm sau, tức năm 1917, giữa lúc có Thế Chiến I, Luther được mô tả là anh hùng quốc gia của Đức.

Cuộc kỷ niệm đại kết đầu tiên

7. Năm 2017 sẽ được thấy cuộc kỷ niệm Phong Trào Cải Cách hàng trăm năm lần đầu tiên diễn ra trong thời đại kết. Nó cũng sẽ đánh dấu 50 năm cuộc đối thoại giữa người Luthêrô và người Công Giáo Rôma. Như một phần của phong trào đại kết, việc cầu nguyện chung với nhau, thờ phượng chung với nhau, và phục vụ các cộng đồng của họ chung với nhau vốn làm giầu cho người Công Giáo và người Luthêrô. Họ cũng đang đối đầu với các thách đố chính trị, xã hội và kinh tế chung với nhau. Tính thiêng liêng hiển hiện trong các cuộc hôn nhân liên phái đã mang tới nhiều cái nhìn thấu suốt và vấn đề mới mẻ. Người Luthêrô và người Công Giáo đã có thể tái giải thích các truyền thống thần học và các thực hành của họ, nhìn nhận các ảnh hưởng họ đã đem lại cho nhau. Bởi thế, họ rất mong được kỷ niệm năm 2017 chung với nhau.

8. Các thay đổi trên đòi một cách tiếp cận mới mẻ. Điều không còn thỏa đáng nữa là chỉ lặp lại các trình thuật xưa kia về thời Cải Cách, những trình thuật trình bầy các viễn ảnh Luthêrô và Công Giáo một cách tách biệt nhau và thường chống chọi nhau. Việc tưởng niệm trong lịch sử luôn chọn lựa giữa rất nhiều khoảnh khắc lịch sử khác nhau và biến hóa các yếu tố chọn lựa này thành một toàn bộ quan trọng. Vì các trình thuật của quá khứ này phần lớn có tính chống chọi nhau, nên chúng thường làm gia trọng sự tranh chấp giữa các tuyên tín và đôi khi dẫn tới sự thù nghịch công khai.

9. Việc tưởng niệm trong lịch sử đã gây ra nhiều hậu quả thực sự cho mối liên hệ giữa các tuyên tín với nhau. Vì lý do này, một cuộc tưởng niệm đại kết chung phong trào Cải Cách Luthêrô vừa rất quan trọng vừa cùng một lúc rất khó khăn. Ngay tận bây giờ, nhiều người Công Giáo vẫn liên tưởng chữ “Cải Cách” trước nhất với việc chia rẽ Giáo Hội, trong khi nhiều Kitô hữu Luthêrô liên tưởng chữ “Cải Cách” chủ yếu với việc tái khám phá tin mừng, tính chắc chắn của đức tin và tự do. Điều cần thiết là phải coi trọng cả hai khởi điểm này để nối kết hai viễn ảnh này với nhau và đem chúng vào một cuộc đối thoại.

Kỷ niệm trong bối cảnh hoàn cầu và thế tục mới mẻ

10. Trong thế kỷ 20, Kitô Giáo mỗi ngày mỗi trở nên có tính hoàn cầu hơn. Ngày nay, có những Kitô hữu thuộc nhiều tuyên tín khác nhau trên khắp thế giới; con số các Kitô hữu ở Nam Bán Cầu đang gia tăng, trong khi con số các Kitô hữu ở Bắc Bán Cầu đang suy giảm. Các Giáo Hội của Nam Bán Cầu đang liên tiếp đảm nhiệm vai trò quan trọng hơn bên trong Kitô Giáo hoàn cầu. Các Giáo Hội này không dễ dàng coi các tranh chấp tuyên tín của thế kỷ 16 như là các tranh chấp của chính họ, cho dù họ có liên hệ với các Giáo Hội Âu Châu và Bắc Mỹ qua nhiều hiệp thông Kitô Giáo thế giới và có chung với các Giáo Hội này một căn bản tín lý chung. Đối với năm 2017, điều rất quan trọng là phải coi trọng các đóng góp, các vấn đề, và viễn tượng của các Giáo Hội này.

11. Tại các lãnh thổ nơi Kitô Giáo đã hiện diện trong nhiều thế kỷ, gần đây, nhiều người đã rời bỏ Giáo Hội và quên mất các truyền thống Giáo Hội của họ. Trong các truyền thống này, các Giáo Hội từng chuyển giao, từ thế hệ này sang thế hệ nọ, điều họ đã nhận được nhờ cuộc gặp gỡ với Sách Thánh: sự hiểu biết về Thiên Chúa, nhân loại và thế giới trong khi đáp lại mạc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô; sự khôn ngoan khai triển được bởi nhiều thế hệ nối tiếp nhau từ kinh nghiệm giao tiếp suốt đời của các Kitô hữu với Thiên Chúa; và kho tàng phụng vụ gồm nhiều hình thức khác nhau, các thánh ca và kinh nguyện, các thực hành giáo lý, và các tác vụ phục dịch. Do việc quên mất này, phần lớn những gì chia rẽ Giáo Hội trong quá khứ đã gần như không được thời nay biết đến nữa.

12. Tuy nhiên, phong trào đại kết không thể đặt căn bản trên sự quên lãng truyền thống này. Nhưng như thế, lịch sử phong trào Cải Cách sẽ phải được tưởng niệm ra sao vào năm 2017? Điều gì trong số những điều mà hai tuyên tín từng tranh đấu trong thế kỷ 16 đáng được duy trì? Các bậc phụ mẫu của chúng ta trong đức tin vốn xác tín rằng có một điều gì đó đáng để tranh đấu cho, một điều gì đó cần thiết để ta sống với Thiên Chúa. Các truyền thống hay bị quên lãng có thể được lưu truyền ra sao cho người đương thời để chúng không mãi mãi chỉ là đối tượng của các quan tâm xưa cũ mà thôi, nhưng đúng hơn còn hỗ trợ việc hiện hữu đầy sinh động của Kitô Giáo nữa? Các truyền thống này có thể được lưu truyền cách nào để chúng không đào thêm những giao thông hào mới giữa các Kitô hữu của các tuyên tín khác nhau?

Các thách đố mới đối với việc kỷ niệm năm 2017

13. Trong nhiều thế kỷ qua, Giáo Hội và văn hóa thường hay quện vào nhau một cách hết sức mật thiết. Suốt trong các thế kỷ này, phần lớn những điều thuộc đời sống Giáo Hội cũng tìm được chỗ đứng trong các nền văn hóa của các nước và vẫn còn đóng một vai trò trong các nền văn hóa ấy tận cho tới ngày nay, thậm chí, đôi khi, một cách độc lập đối với các Giáo Hội. Các cuộc chuẩn bị cho năm 2017 cần phải nhận diện các yếu tố khác nhau nào của truyền thống đang hiện diện trong văn hóa, để giải thích chúng, và hướng dẫn cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và văn hóa dưới ánh sáng các khía cạnh khác nhau này.

14. Trong hơn một trăm năm nay, Phong Trào Ngũ Tuần và các phong trào đặc sủng khác đã được truyền bá hết sức rộng rãi ra khắp thế giới. Các phong trào mạnh mẽ này đã đặt ra nhiều nhấn mạnh mới từng làm cho các tranh cãi tuyên tín xưa xem ra lỗi thời. Phong trào Ngũ Tuần còn hiện diện trong nhiều Giáo Hội khác dưới hình thức phong trào đặc sủng, tạo nên nhiều lối sống chung (commonalities) và cộng đồng mới vượt quá các biên giới tuyên tín. Nhờ thế, phong trào này mở ra nhiều cơ may đại kết mới, nhưng, đồng thời, cũng tạo thêm nhiều thách đố phụ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc kỷ niệm phong trào Cải Cách năm 2017.

15. Trong khi các cuộc kỷ niệm phong trào Cải Cách trước đây diễn ra tại các lãnh thổ đồng nhất về tuyên tín, hay tại các lãnh thổ ít nhất đa số dân chúng là Kitô hữu, thì ngày nay, các Kitô hữu khắp thế giới đang sống trong các môi trường đa tôn giáo. Tính đa nguyên này đặt ra một thách đố mới cho phong trào đại kết, làm cho việc đại kết không phải dư thừa mà, trái lại, càng khẩn thiết hơn, vì sự hiềm thù do chống đối tuyên tín chỉ làm hại cho tính khả tín của Kitô Giáo. Việc các Kitô hữu xử lý ra sao các dị biệt của họ đối với nhau có thể cho các người thuộc các tôn giáo khác thấy một điều gì đó về đức tin của họ. Vì vấn đề phải xử lý ra sao cuộc tranh chấp nội bộ của Kitô Giáo là vấn đề cực kỳ sắc nét vào dịp tưởng nhớ việc khởi đầu phong trào Cải Cách, nên khía cạnh của tình huống thay đổi này đáng được sự chú ý đặc biệt trong các suy tư của chúng ta trong năm 2017.

Kỳ sau: Chương II: Các quan điểm mới đối với Martin Luther và phong trào Cải Cách