Đó là tựa đề bài báo mới (https://www.laciviltacattolica.com/defy-the-apocalypse/) đăng ngày 20 tháng 1, 2020, của Chủ Nhiệm Tạp Chí nổi tiếng La Civiltà Cattolica, cha Sparado, Dòng Tên, người mặc nhiên được coi như thân tín của Đức Phanxicô ngay từ đầu triều đại của ngài. Đại cương bài báo nói đến lập trường lạc quan của Đức Phanxicô bất chấp mọi thách thức lớn lao hiện nay. Không rõ Đức Phanxicô chia sẻ đến mức nào bài viết của Cha Sparado, nhưng đọc Cha, có lúc người ta tưởng cha cũng mắc vào thứ bút chiến ý thức hệ khi cố gắng làm sáng tỏ đường lối của Đức Phanxicô trước nhiều tấn công hiện nay. Mời bạn đọc nhận định.

Bức tường Bálinh sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989. Từ ngày đó trở đi, người dân Bálinh bắt đầu tháo dỡ một biểu tượng đã giam giữ họ làm con tin trong gần 30 năm; đó là một khoảnh khắc biểu tượng trong hoàng hôn của chế độ toàn trị.

Nó đánh dấu sự khởi đầu của những gì hứa hẹn sẽ là một kỷ nguyên mới có đặc điểm ở việc tăng cường diễn trình hoàn cầu hóa. Tuy nhiên ngày nay, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói với chúng ta, kỷ nguyên mới này đã được đánh dấu bằng sự thờ ơ và xung đột.
Trước bối cảnh của một bức tường được tháo dỡ, nhiều rào cản khác đã xuất hiện trên thế giới [1]. Đức Giáo Hoàng, lúc gặp gỡ một nhóm Tu sĩ Dòng Tên, đã thẳng thắn nói: “Có những bức tường thậm chí phân cách con cái với cha mẹ. Tôi nghĩ tới Hêrốt. Tuy nhiên, đối với ma túy, không có bức tường nào để ngăn chặn họ”[2].



Khi Đức Phanxicô nói về Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến”, ngài không có ý định sử dụng một hình ảnh lôi cuốn, hùng biện, hữu hiệu. Trước mắt ngài là một “cuộc chiến tranh thế giới từng mảng”. Cuộc khủng hoảng hoàn cầu mang nhiều hình thức khác nhau và được phát biểu trong các tranh chấp, những tranh luận giao thương, các rào cản, các khủng hoảng di dân, các chế độ sụp đổ, các liên minh mới đầy thù địch, và những lộ giao thương tuy mở đường cho thịnh vượng nhưng cũng đe dọa sẽ có nhiều căng thẳng. Bạn có thể vẽ bản đồ, nhưng nó sẽ luôn không trọn vẹn” [3].

Kiềm chế đến cùng: Đế Quốc hay Giáo Hội?

Chúng ta đang sống trong thời điểm lịch sử nào? Vài năm trước, Massimo Cacciari đã đề nghị một con đường chúng ta phải xem xét trong tập La potere che frena (Sức mạnh kiềm chế) của ông. Ông đã suy tư về nền thần học chính trị dưới ánh sáng của Thư thứ hai gửi người Têsalônica (2: 6-7). Ông viết về nhân vật bí ẩn katechon, nghĩa là, một điều gì đó hoặc một người nào đó đã “giữ chân” hay “kiềm chế”, ngăn chặn hoặc đạp thắng chặn lại cuộc tấn công của Phản Kitô (Antichrist) [4]. Về mặt nào đó, chức năng của nó có thể so sánh với chức năng của anh trai Prometheus là Epimetheus: một khi giấc mơ tiến bộ mà Prometheus thực hiện được đã phai mờ, nó được giao lại cho anh trai mình để cai trị số phận của con người, ngăn chặn việc mở các bình chứa các điều ác xấu của thế giới.

Các Giáo phụ của Giáo Hội đã cố gắng xác định xem Thánh Phaolô đang nói về những ai và điều gì có thể ngăn chặn được ngày chung tận. Giải thích ưu thế cho katechon là Đế quốc La Mã, với quyền lực (potestas) hành chính của nó đã gắn kết xã hội với nhau. Nhưng chức năng này cũng đòi hỏi một thẩm quyền (auctoritas) tinh thần cho chính nó. Với sự sụp đổ của Đế quốc, Giáo hội đã kế thừa chức năng này.

Nhưng ngày nay chúng ta sống trong một chiều kích hoàn cầu mà Đế quốc La Mã chưa biết đến. Thành thử câu hỏi của chúng ta là: Nhiệm vụ của Giáo Hội trong khung cảnh phức tạp này là gì? Dường như không thể tránh một trong hai phương thức sau đây. Phương thức đầu tiên: công bố ngày tận thế sắp xảy ra và tìm cách đẩy nhanh tiến độ của nó. Phương thức thứ hai: trở thành một “bức tường ngăn”, một lực lượng thắng lại, phòng thủ cuối cùng chống lại một thảm họa áp đảo mà chúng ta đang bị lôi vào bởi các thế lực đang áp đặt hệ thống hoàn cầu hóa hoang dại, một hệ thống phát triển mạnh mẽ dựa trên việc hủy bỏ các tương quan, bảo đảm các miễn chước (immunity) và an toàn cho tiền bạc mà thôi, làm cho chiến tranh thành người quyết định. Chúng ta có chắc chắn không có lựa chọn thứ ba không? Đó là điều chúng ta sẽ tìm hiểu ở đây.

Nhiệm vụ của Giáo hội trước ngày chung tận

Giáo hội là một bệnh viện dã chiến theo nghĩa nó chữa lành các vết thương của một cuộc chiến đã mất, hay nó có ý định tái lên sinh lực cho những tứ chi yếu ớt của những người muốn tái chiến đấu? Có những người vận động cho nhu cầu phải nhấn máy gia tốc, họ có xu hướng xây dựng một khu biệt cư cho một số ít người “tinh trong” chống lại “những người khác”, tức là, đám đông vô kể những người làm điều xấu [5].

Còn Đức Phanxicô? Có phải nhiệm vụ của ngài trong tư cách Giám mục Rôma là phấn đấu cho điều không tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn? Hay ngài nên cố gắng tránh bằng bất cứ giá nào thảm kịch phá hủy thế giới? Có phải trái đất đối với ngài là một quả bóng nổ để đá để cái ác có thể bị nghiền nát bằng cách chỉ ra “các trời mới và đất mới”? Hay đó là một chiếc bình bằng đất vỡ tan phải được phục hồi từng mảnh bằng bất cứ giá nào, kể cả việc chậm chạp ghép lại từng mảnh?

Đối với Đức Phanxicô, nhiệm vụ của Giáo hội không phải là thích nghi với các động lực của thế giới, của chính trị hay xã hội để đưa chúng lên và làm cho chúng sống thoát các điều tồi tệ nhất: điều này vốn bị ngài đánh giá là “thuộc thế gian”. Ngài cũng không có ý định đứng về phía chống thế giới, chính trị hay xã hội. Đức Giáo Hoàng không bác bỏ thực tại để nhắm một ngày chung cuộc hằng mong đợi, về một kết thúc sẽ vượt qua các khổ nạn trên thế giới bằng cách phá hủy thế giới.

Đức Phanxicô không đẩy cuộc khủng hoảng của thế giới đến các hậu quả cực đoan của nó bằng cách rao giảng sự kết thúc sắp xảy ra của nó, và cũng không giữ cho các mảnh của một thế giới đang sụp đổ bằng cách tìm kiếm các liên minh hoặc hợp tác thoải mái. Hơn nữa, ngài không cố gắng loại bỏ cái ác, bởi vì ngài biết điều đó là việc không thể làm: nó chỉ đơn giản di chuyển và tự xuất hiện ở nơi khác, dưới các hình thức khác. Thay vào đó, ngài có ý định trung lập hóa cái ác. Đó là chỗ biện chứng hành động của Bergogliô đứng. Và đó là mấu chốt để hiểu ý nghĩa của ngài. Đó là suy nghĩ liên tục của ngài.

Vai trò hoàn cầu của Đạo Công Giáo trong bối cảnh ngày nay

Đây là lý do tại sao, do quan điểm ngoại giao, Đức Phanxicô có một lập trường đầy rủi ro. Thận trọng ngoại giao truyền thống được kết hợp với tính bạo dạn (parrhesia), nghĩa là lên tiếng rõ ràng và thẳng thắn, thậm chí cả tố cáo nữa: những lập trường chống lại chủ nghĩa tư bản tài chính đầu cơ; liên tục nhắc đến thảm kịch của di dân, vốn là “nút thắt chính trị hoàn cầu”thực sự [6]; nhắc nhớ “cuộc diệt chủng” người Armenia; và việc chính thứa hóa hơn nữa các liên hệ với Palestine.

Những lời tố cáo của ngài - giống như “tiếng kêu trong sa mạc”, theo lời tiên tri Isaia trong Kinh thánh - vang lên trong những tiếng vọng không ngớt. Và trong Thánh lễ tại Santa Marta, “Vị Giáo hoàng của Lòng Thương xót” đã không ngần ngại thốt lên lời “kết án” cho những kẻ chuyên khích các cuộc chiến tranh và kiếm lợi từ chúng.

Đức Phanxicô đang phải đối đầu với vai trò hoàn cầu mới của Đạo Công Giáo trong bối cảnh ngày nay. Trong hoàn cảnh đó, ngài cố tình trở thành một viễn kiến, trong yếu tính, vốn có tính tâm linh và truyền giảng tin mừng về các mối liên hệ quốc tế. Ngay cả khi ngài nói về ngoại giao, như ngài đã làm trong một cuộc gặp gỡ riêng vào ngày 3 tháng 5 năm 2018, tại Học viện Giáo hội, ngài đã khẳng định “một chính sách ngoại giao trên đầu gối”, tức là, bắt nguồn và dựa trên việc cầu nguyện.

Tất cả mọi điều hệ ở phương thức được mô tả trên đây. Nếu Đức Phanxicô muốn ngăn chặn sự sụp đổ, ngài chỉ cần dựa vào luật pháp, quyền lực đã thiết lập, làm trung gian giữa các quốc gia và Giáo hội, các quy luật cho phép hệ thống tự duy trì chính nó, đến chỗ hợp tác. Mặt khác, nếu ngài muốn tăng tốc sự xuất hiện của trời mới và đất mới, ngài sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công như bằng búa rìu, tố cáo, phê phán nặng nề những gì đang duy trì quyền lực, và do đó, thế giới như nó đang hiện hữu sẽ được cấu hình.

Từ đó, có xung đột về giải thích. Có những người tấn công Đức Phanxicô vì họ tố cáo ngài thỏa hiệp với thế giới. Tuy nhiên, ngài tấn công giới quyền lực (establishment) - cả trần thế lẫn trong giáo hội, tất cả đều như nhau - và ngài thậm chí còn phác thảo danh sách các khổ não nó phải chịu. Những người ca ngợi Đức Phanxicô làm như vậy vì họ cảm thấy ngài nhạy cảm một cách đầy thương xót đối với thực tại của thế giới, thậm chí đến chỗ đình chỉ mọi phán xét. Ấy thế nhưng, Đức Giáo Hoàng đã nói một cách kịch liệt, như ngài đã làm trong chuyến viếng thăm Napoli, rằng tham nhũng “hôi thối” và, trong các tố cáo của mình, ngài không bao giờ chỉ nửa vời cả.

Có một tiêu chuẩn hết sức tâm linh mà chúng ta không bao giờ nên làm ngơ. Đó là điều thúc đẩy Chúa Giêsu chào đón tội nhân và đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ. Tiêu chuẩn là chính Chúa Giêsu. Có những người, thấy hai cử chỉ này, coi chúng là mâu thuẫn bởi vì - do sự nghiêm khắc hoặc lỏng lẻo - họ đã không hiểu được Tin Mừng của Chúa Kitô.

Việc xử lý nền chính trị quốc tế của Đức Phanxicô có nghĩa là đắm mình vào một tầm nhìn tâm linh được nuôi dưỡng bằng một cảm thức sâu sắc về thảm họa có thể xảy ra và các lực lượng xấu xa đang hành động. Đồng thời, có một niềm tin độc đáo vào mầu nhiệm Thiên Chúa khiến người ta chấp nhận những bước tiến nhỏ, các diễn trình, thẩm quyền thế gian, các cuộc đàm phán, vai trò của thời gian, việc làm trung gian [7].

Phương thức này dựa trên ý thức cho rằng thế giới không bị phân chia giữa thiện và ác, giữa sai và đúng. Sự lựa chọn không phải là việc biện phân các lực lượng (phe phái, chính trị, quân sự...) để tự liên minh và hỗ trợ để điều thiện có thể chiến thắng. Phương thức đàm luận ngoại giao này dựa trên sự chắc chắn rằng đế quốc sự thiện không được trao vào tay thế giới này. Đó là lý do tại sao bạn phải nói chuyện với mọi người. Quyền lực thế gian chắc chắn đang bị tục hóa (desacralized). Tất nhiên, các chính trị gia đang được kêu gọi trở nên “thánh” chỉ vì là các chính trị gia và làm việc cho thiện ích chung. Nhưng ngay cả như thế, không một quyền lực chính trị nào là “thánh thiêng” cả.

Trong chiều hướng này, Đức Phanxicô tin tưởng hoàn toàn và duy nhất vào tương lai cánh chung; ngài tin vào một mình Chúa. Chính điều này đã thúc đẩy ngài nỗ lực hết sức có thể để tập trung vào việc “hoà nhập”, tập trung vào mọi điều - bỏ ra ngoài mọi ảo tưởng sai lầm về một “đế quốc thánh thiêng” – sẽ dẫn mọi người đi theo con đường sự thiện, dù giữa nhiều cám dỗ của thế giới này. Chính vì lý do này, không ai là “kẻ ác”, nghĩa là nhập thể chính ác quỷ. Và điều này gây tai tiếng vì nó để một cánh cửa mở (đôi khi là một cánh cửa rất hẹp, nhưng vẫn là cánh cửa mở) trong cả các tình huống có vấn đề về chính trị.

Chống lại cơn cám dỗ của thứ Công Giáo bộ lạc

Nghị lực khiến Đức Phanxicô làm việc để kiềm chế sự sụp đổ của thế giới xuống vực thẳm, do đó, không thúc đẩy ngài thỏa hiệp với các quyền lực hiện hữu. Đây là điểm tế nhị nhất trong lý luận của ngài, bởi vì đôi khi Giáo hội tin rằng cách duy nhất để kiềm chế sự suy đồi là liên minh với một đảng chính trị cho phép mình sống còn như một tác nhân của ý nghĩa. Điều này thường xảy ra ở Ý. Và nỗi tiếc nuối vẫn chưa chấm dứt. Nhưng Đức Bergoglio không tin vào sức mạnh của quyền lực này. Sự linh thiêng không bao giờ là chỗ dựa của quyền lực. Quyền lực không bao giờ là chỗ dựa cho thánh thiêng cả.

Ngôn từ cao qúy phù hợp với triều giáo hoàng, do đó, bao hàm các chủ đề về bình đẳng, sự cần thiết của “đất đai, nhà ở và việc làm”, cũng như những chủ đề liên quan đến tự do. “Chủ nghĩa duy tương đối” được tiết lộ rõ ràng hơn nữa trong các khía cạnh xã hội tàn phá của nó. Lời kêu gọi chống lại nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối đã đụng tới trái tim của nhân phẩm, là điều vốn không thể bảo vệ và bất lực nếu không có đất đai, nhà ở và việc làm. Và điều này không phải là vì Đức Phanxicô tưởng tượng ra một thiên đường trên trái đất: ngài không phải là một chủ nghĩa không tưởng trần tục. Điều này là bởi vì ngài có cái nhìn của đức tin, dựa trên Phán xét cuối cùng, như các Phúc âm của Tin mừng trình bày cho chúng ta.

Về phương diện này, một đại sứ nhận định rằng ngôn ngữ của Đức Bênêđíctô XVI là ngôn ngữ hiện đại phương Tây, một mặt công nhận tính đa nguyên của thế giới quan trong xã hội đương thời và mặt khác lên án 'nền độc tài của thuyết duy tương đối'. Ngôn ngữ của Đức Phanxicô, trong khi nhìn vào nhiều thách đố của nền văn hóa hiện đại, đồng thời cũng xem xét diễn trình phân cực kinh tế và xã hội đang chiếm ưu thế trên phạm vi hoàn cầu, với một tiến trình cấp bách và cường độ ngày càng gia tăng [8].

Đây là điểm thất bại trong sự tương phản giữa thế tục và Kitô giáo, một tương phản xuất hiện khi chúng được tri nhận như là phạm trù ý thức hệ, lãnh vực ngữ nghĩa và các tham chiếu trừu tượng. Thần Khí không thể bị giới hạn như vậy. Tư tưởng Kitô giáo tự nó chỉ đối lập với tư tưởng thế tục khi nó biến thành một ý thức hệ. Nhưng nếu tư tưởng Kitô giáo trở thành một ý thức hệ, thì nó không còn liên quan gì đến Chúa Kitô nữa.

Trong thực tế, Đức Giáo Hoàng nói ở Ai Cập, mọi đối lập bị bụi thời gian làm khô cứng sẽ sụp đổ. Sự khôn ngoan đích thực là bao giờ cũng “cởi mở và chuyển động”, vừa khiêm tốn vừa tìm hiểu[9]. Chỉ có một sự đối lập: hoặc là “lịch thiệp gặp gỡ” hai là “bất lịch thiệp đụng độ”. Thế còn các tôn giáo thì sao? “Ánh sáng muôn sắc của các tôn giáo tỏa sáng ở vùng đất này”. Đèn đuốc không tương phản màu sắc bằng cách đặt chúng trong phản đề, nhưng mặc lấy chúng trong một viễn kiến không đối đầu. Dù sao, đây là vấn đề lớn hiện nay: chúng ta trải nghiệm sự đa dạng trong các điều kiện mâu thuẫn.

Trong bài phát biểu của ngài nhân dịp phát hành số 4000 của La Civiltà Cattolica, Đức Phanxicô đã nói: “Hãy làm cho người ta biết ý nghĩa của ‘nền văn minh’ Công Giáo, nhưng cũng hãy làm cho người Công Giáo biết rằng Thiên Chúa làm việc cả ở bên ngoài ranh giới của Giáo hội, trong mọi nền 'văn minh' đích thực, bằng hơi thở của Thần Khí”. Và trước đó không xa, trong cùng một bài phát biểu, ngài đã nói rằng “nền văn hóa sống động luôn có xu hướng cởi mở, hòa nhập, nhân rộng, chia sẻ, đối thoại, cho đi và tiếp nhận bên trong một dân tộc và với những người khác mà với họ nó bước vào mối liên hệ”[10].

Đối với Đức Bergoglio, văn hóa có nhiều giá trị như một động từ hơn là một danh từ. Chỉ có các động từ mới diễn đạt nó tốt mà thôi. Nhất là các động từ: cởi mở, hòa nhập, nhân rộng, chia sẻ, đối thoại, cho đi và tiếp nhận. Bảy động từ linh hoạt đề cập đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Bảy động từ có thể chỉ ra hoặc mời gọi hoặc diễn tả một mệnh lệnh thúc đẩy ta hành động [11]. Đầu tiên là cởi mở.

Ý tưởng về một chủ nghĩa dân túy Công Giáo hay - thậm chí tệ hơn - một chủ nghĩa sắc tộc Công Giáo rất xa lạ đối với Đức Giáo Hoàng, bởi vì Thiên Chúa mà ngài tìm kiếm ở khắp mọi nơi. Ý tưởng về một “chủ nghĩa duy bộ lạc” tự chiếm đoạt cho mình các sách Tin Mừng hoặc biểu tượng của thập tự giá là điều rất xa lạ. Các khái niệm cội nguồn và bản sắc đối với người Công Giáo và người có bản sắc ngoại giáo không có cùng một nội dung như nhau. Các nguồn gốc sắc tộc, hiếu thắng, kiêu ngạo và thù hận chỉ đơn giản là đối nghịch với Kitô giáo.

Thế chiến III không phải là một định mệnh cố định. Để tránh điều đó đòi có lòng thương xót, và điều này có nghĩa là bác bỏ các trình thuật duy cực đoan và chung tận vốn khoác áo hào hoa và mặt nạ tôn giáo. Đức Phanxicô thách đố ngày chung tận và lối suy nghĩ của các mạng lưới chính trị chuyên hỗ trợ quan điểm chung tận địa chính trị về một cuộc đụng độ cuối cùng, đầy chết chóc và không thể tránh được. Cộng đồng đức tin, không bao giờ là cộng đồng gây chiến (fight).

Cần phải thoát khỏi cơn cám dỗ đường ngang muốn phóng chiếu thiên tính lên một quyền lực chính trị chuyên sử dụng nó cho các mục đích riêng của mình. Do đó, cỗ máy trình thuật của chủ nghĩa thiên niên kỷ bè phái chuyên chuẩn bị cho ngày chung tận và “cuộc đụng độ cuối cùng” bị làm rỗng ngay từ bên trong. Việc nhấn mạnh đến lòng thương xót như một thuộc tính căn bản của Thiên Chúa nói lên nhu cầu triệt để này của Kitô giáo.

Vì lý do này, Đức Phanxicô đang truyền bá một phản trình thuật có hệ thống chống lại thứ trình thuật sợ hãi. Chúng ta phải chống lại sự thao túng của cái mùa lo lắng và bất an này. Cũng vì lý do này, một cách can đảm, Đức Giáo Hoàng không dành bất cứ tính hợp pháp thần học - chính trị nào cho những kẻ khủng bố; thí dụ, ngài tránh bất cứ sự giảm thiểu nào của Hồi giáo đối với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Ngài cũng không dành cho những người muốn đặt thành định đề hoặc mong muốn một “cuộc chiến tranh thần thánh”, hay những người xây dựng hàng rào kẽm gai với cái cớ ngăn chặn ngày chung tận và dựng lên một hàng phòng thủ thể lý và tượng trưng để khôi phục lại “trật tự”. Kẽm gai duy nhât đối với Kitô hữu là kẽm gai trên mão gai mà Chúa Kitô đội trên đầu.

Kỳ tới: Thánh Phanxicô trên ngai tòa thánh Phêrô