Hannah Brockhaus của CNA vừa có cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Marc Ouellet, Bộ trưởng sắp mãn nhiệm của Bộ Giám Mục, sau 13 năm tại chức. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:



Đức Hồng Y Marc Ouellet, người đã lãnh đạo văn phòng Vatican cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc bổ nhiệm giám mục trong hơn chục năm, đã có một cái nhìn cận cảnh về 10 năm đầu tiên của Đức Phanxicô trên cương vị giáo hoàng.

Vị Hồng Y 78 tuổi đã nói chuyện với CNA về di sản của Đức Giáo Hoàng, ảnh hưởng Mỹ Latinh đối với phong cách mục vụ của ngài, và cách tiếp cận của ngài trong việc chọn giám mục trước ngày kỷ niệm 13 tháng Ba lên ngôi giáo hoàng của Đức Phanxicô.

“Thế giới cần một nhà lãnh đạo tinh thần, một người cha theo một cách nào đó. Và ngài có khuôn mặt của một người cha: gần gũi với mọi người, xót thương, cảm thương,” Đức Hồng Y Ouellet nói như thế trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp tại Bộ Giám mục ngày 23 tháng Hai.

Ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngày thứ hai của mật nghị, các Hồng Y cử tri đã chọn Hồng Y Jorge Mario Bergoglio làm giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo và là giám mục của Rôma.

Đức Hồng Y Ouellet nói, “Sau một vị tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội như Đức Bênêđíctô và một nhà truyền giáo vĩ đại – Đức Gioan Phaolô II – cô cần một người gần gũi với người ta và giúp người ta bước đi trên con đường theo Chúa Kitô, để được đồng hành và được hiểu bằng một trái tim nhân hậu. Đó là những gì Giáo hội cần vào thời điểm đó”.

Một trong những trách nhiệm của vị giáo hoàng là chọn những người sẽ lãnh đạo các giáo phận trên thế giới trong tư cách giám mục.

Đức Hồng Y Ouellet, phát xuất từ Québec, Canada, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô hàng tuần trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài để giúp đỡ tiến trình này.

Đức Hồng Y khẳng định, “Phong cách của vị giáo hoàng đã tác động đến cách chúng ta chọn giám mục”.

Theo Đức Hồng Y Ouellet, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, 86 tuổi, tìm kiếm những người “là nhân chứng của Đấng Phục sinh, chứ không phải chỉ là những người có thể trở thành nhà quản trị tốt”.

Ngài nói, Đức Phanxicô muốn các giám mục là những người “tràn đầy sức sống, có khả năng rao giảng Tin Mừng, và cũng là những người của sự hiệp thông - không phải chỉ của kỷ luật, mà còn của hiệp thông nữa - có thể lắng nghe người dân, các linh mục của các ngài, các anh em của các ngài trong hội đồng giám mục."

Bộ Giám mục có nhiệm vụ thu thập thông tin về các ứng viên có tiềm năng làm giám mục trên khắp thế giới.

Đức Hồng Y Ouellet đã lãnh đạo văn phòng đó trong tư cách bộ trưởng kể từ tháng Sáu năm 2010. Ngài sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng Tư, khi Giám mục Robert Francis Prevost, 67 tuổi, sẽ đảm nhận vai trò này sau khi được bổ nhiệm vào cuối tháng Giêng.

Đức Hồng Y người Québec cho biết bộ của ngài chủ yếu chọn “các giám mục mục vụ”, nhưng tùy thuộc vào nhu cầu của Giáo hội địa phương, nó cũng tìm kiếm những người “có sự chuẩn bị tốt về giáo luật, với một nền thần học tốt”.

Đức Hồng Y Ouellet nói: “Đó là một sự biện phân được thực hiện rất chính xác, sau khi nghiên cứu địa điểm”.

Đức Hồng Y có trách nhiệm trình “terna”, tức bản báo cáo về ba ứng viên cho chức vụ tổng giám mục, giám mục hoặc Giám Mục Phụ Tá của một giáo phận, để Đức Giáo Hoàng lựa chọn.

Đức Hồng Y Ouellet, sau đó, trình bày ý kiến của thánh bộ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đưa ra lựa chọn cuối cùng.

Đức Hồng Y nói, “Mỗi tuần, một giờ với ngài, chúng tôi đã giải quyết rất nhiều câu hỏi. Tôi thấy ngài phản ứng như một người của Chúa đang lắng nghe Chúa Thánh Thần, có những dấu hiệu để ngài biện phân chính xác chuyển động của Chúa Thánh Thần.”

Một phẩm chất quan trọng khác mà Đức Hồng Y Ouellet nhận thấy nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô là khả năng “rút lui khi ngài nghĩ rằng ‘Tôi đã đi quá xa. Tôi đã có một hành động bốc đồng.’”

“Ngài có thể tự sửa sai. Tôi có một số thí dụ mà tôi sẽ không trình bầy với cô,” vị Hồng Y nói thế với một tiếng cười khúc khích. “Nhưng [ngài] thực sự là một người của Thiên Chúa, một người tuân theo Chúa Thánh Thần. Đó là trải nghiệm của tôi về ngài.”

Theo Đức Hồng Y Ouellet, phong cách mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng tác động đến triều đại giáo hoàng của ngài theo những cách khác - bao gồm cả phong cách giao tiếp của ngài.

Đức Hồng Y nói, “ngài đã trả lời phỏng vấn của các nhà báo - cô chưa từng thấy điều đó trước đây... và theo một cách rất tự phát. Ngài đã thực hiện các cuộc phỏng vấn cho các cuốn sách, và tìm mọi cơ hội để nói chuyện với người ta, và để hiện diện giữa mọi người. Đó là phong cách mục vụ của ngài.”

Đức Hồng Y cũng chỉ ra các sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đối thoại liên tôn, bao gồm Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình và Chung sống Thế giới, mà ngài đã ký với Sheikh Ahmed el-Tayeb, đại giáo sĩ của Al-Azhar, tại Abu Dhabi, năm 2019.

Đức Hồng Y Ouellet nói: “Tuyên bố Abu Dhabi rất quan trọng đối với hòa bình thế giới. Không dễ gì đối phó với người Hồi giáo, cộng đồng Hồi giáo. Nói tóm lại, thật khó, và thực sự cần phải gặp gỡ, để hiểu rõ hơn về đối thoại. Ngài đã [thực hiện] nhiều nỗ lực theo hướng đó”.

Đức Hồng Y Ouellet cũng là chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh từ năm 2010.

Ngài nói Nam Mỹ là lục địa “nơi có sự phân hóa giàu nghèo lớn nhất.”

Ngài giải thích, “Đức Giáo Hoàng đã lên Tòa Phêrô với người nghèo trong trái tim ngài. Và ngài đã đặt người nghèo ở trung tâm của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Ouellet nói thêm: “Tôi nghĩ đây là sự đóng góp chính của Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất thân từ Châu Mỹ Latinh, sự nhạy cảm đối với người nghèo. Đó là một bài học cho toàn thế giới: Khi cô đặt [người nghèo ở trung tâm] thì cô đã đặt mọi người vào sứ mệnh, bởi vì sứ mệnh bắt đầu bằng tình yêu, bằng lòng bác ái, ngược lại, lời nói của cô chẳng có tác dụng gì, nếu nó không đi kèm với cử chỉ của cô. Và đó là một đặc tính của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Đức Hồng Y Ouellet cũng lưu ý tới nền văn hóa giáo sĩ của Giáo Hội Công Giáo và sự nhấn mạnh đến thừa tác vụ thụ phong. Ngài tin rằng Giáo hội cần nâng cao nhận thức về chức linh mục của những người đã được rửa tội, mà mọi người Công Giáo đều thuộc về.

Ngài nhấn mạnh, “Đối với tôi, đây là một đóng góp phải được thêm vào tiến trình của tính đồng nghị.

“Tôi nghĩ trong di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tính đồng nghị có lẽ sẽ vẫn là đóng góp quan trọng nhất của ngài.”