Sau khi nói tới 5 chủ trương hàng đầu của Đức Phanxicô trong 10 năm qua (xem https://vietcatholic.net/News/Html/281563.htm), Elise Ann Allen đề cập tới 5 tranh cãi hàng đầu của ngài trên tạp chí mạng CruxNow:



Với mười năm nắm quyền lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở thành một nhân vật được yêu mến và kính trọng khắp thế giới, nhưng ngài cũng tạo ra nhiều tranh cãi hơn mức bình thường –nhờ mạng xã hội, phần lớn những tranh cãi này đã diễn ra rõ ràng ngay lúc chúng diễn ra.

Sau “giai đoạn trăng mật” ban đầu tiếp theo cuộc bầu cử Đức Phanxicô, điều mà chính ngài dự đoán sẽ không kéo dài lâu, dần dần một loạt chỉ trích bắt đầu ập đến khi ngài bắt đầu đưa ra quyết định quan trọng, và rõ ràng là có một sự thay đổi lớn trong giọng điệu so với hai triều giáo hoàng trước đó.

Khi kỷ niệm 10 năm ngày bầu cử ngài đang đến gần, đây là cái nhìn về những quyết định được cho là gây tranh cãi nhất mà ngài đã đưa ra cho đến nay.

Vận động chính trị

Quyết định rõ ràng của Đức Phanxicô tham gia vào những gì thường được coi là các cuộc tranh luận chính trị, từ kinh tế học đến chính sách di dân – và, tất nhiên, ngài đứng về phía nào – đã gần như là một nguồn tranh luận ngay từ đầu.

Ban đầu, cuộc tranh luận này tập trung vào việc ngài ủng hộ người nghèo và những lời chỉ trích thường xuyên của ngài đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế “nhỏ giọt”, khiến ngài nổi tiếng nơi một số người như một người theo chủ nghĩa Mác. Sự chỉ trích của ngài đối với nền kinh tế thị trường tự do cũng dẫn đến sự phản đối ngày càng tăng, đặc biệt là trong số những người Công Giáo Mỹ cánh hữu; nổi tiếng hơn cả là nhân vật truyền thanh bảo thủ của Mỹ đã cáo buộc Đức Phanxicô tán thành “chủ nghĩa Mác thuần túy” vào năm 2013.

Những cáo buộc này càng được củng cố khi Đức Giáo Hoàng nhận được một cây thánh giá có hình búa liềm, biểu tượng cộng sản truyền thống, của Tổng thống Bolivia Evo Morales trong chuyến thăm Nam Mỹ năm 2015, và vài tháng sau, ngài gặp Fidel Castro trong một cuộc dừng chân ngắn tại Cuba vào tháng 9 năm đó.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã liên tục phủ nhận những lời buộc tội này, lập luận rằng ngài chỉ đang thúc đẩy học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo.

Các quan điểm của ngài về vấn đề nhập cư, biến đổi khí hậu và môi trường cũng là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Khi Đức Giáo Hoàng công bố thông điệp về môi trường Laudato Si vào năm 2015, nó đã ngay lập tức vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ những người chỉ trích ngài, những người cho rằng biến đổi khí hậu là một huyền thoại, chắc chắn không phải là điều do con người gây ra, như Đức Giáo Hoàng đã lập luận.

Những người chỉ trích Đức Giáo Hoàng cũng phản pháo lại tính khoa học của tài liệu, gọi đó là sự giả tạo, và một lần nữa phản đối sự chỉ trích của ngài đối với hệ thống thị trường hoàn cầu.

Sự ủng hộ lặp đi lặp lại của ngài đối với chính sách mở cửa cho người di cư và người tị nạn ở châu Âu và xa hơn nữa cũng tiếp tục vấp phải sự phản đối, không chỉ từ những công dân bình thường coi dòng di cư cao là một vấn đề, mà còn từ các chính trị gia dân túy cánh hữu nắm giữ nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Trong những năm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đối đầu với một số chính trị gia về vấn đề di cư, trong đó có chính trị gia người Ý Matteo Salvini, cựu bộ trưởng nội vụ Ý, người đã bị đưa ra tòa về tội bắt cóc vì từ chối cho phép một chiếc thuyền chở người di cư cập cảng ở Ý, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người mà Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ gặp trong chuyến viếng thăm Hungary vào tháng Tư tới.

Amoris Laetitia

Có lẽ không có thời điểm nào khác, không có quyết định nào khác, trong suốt 10 năm trị vì của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại gây ra nhiều phản ứng dữ dội như tông huấn hậu thượng hội đồng năm 2016 của ngài, Amoris Laetitia, hay “Niềm vui Yêu thương,” dựa trên những kết luận của một cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình năm 2014-2015.

Một cách chuyên biệt hơn, sự náo động không nhiều về chính tài liệu, mà tập trung nhiều hơn vào chú thích 351 của chương tám, trong đó Đức Giáo Hoàng mở một cánh cửa thận trọng cho các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn lãnh nhận các bí tích tùy theo từng trường hợp.

Chú thích ở đoạn 305 của tài liệu, trong phần nói về các gia đình bị tổn thương và các gia đình sống trong hoàn cảnh bất hợp lệ, nói rằng “một mục tử không thể cảm thấy chỉ cần áp dụng các luật luân lý cho những người sống trong hoàn cảnh 'bất hợp lệ' là đủ, như thể họ là những viên đá để ném vào cuộc sống người ta”.

Vì các yếu tố giảm khinh, Đức Giáo Hoàng nói rằng có thể những người sống trong “tình trạng khách quan của tội lỗi” vẫn có thể sống trong ân sủng của Thiên Chúa và có thể lớn lên trong ân sủng này với sự giúp đỡ của Giáo hội.

Tại thời điểm này, Đức Giáo Hoàng đưa vào chú thích 351 nổi tiếng hiện nay, trong đó ngài nói, liên quan đến sự giúp đỡ của Giáo Hội, “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự giúp đỡ của các bí tích.”

Đức Phanxicô tiếp tục trong phần chú thích khi nhắc nhở các linh mục rằng “tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa… Tôi cũng muốn chỉ ra rằng Bí tích Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho người hoàn hảo, nhưng là một loại thuốc mạnh mẽ và dinh dưỡng cho những người yếu đuối.”

Việc cho phép các cặp ly dị và tái hôn được rước lễ là một trong những vấn đề gây tranh cãi sôi nổi nhất trong các Thượng hội đồng Giám mục về Gia đình, với nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép điều này sẽ vi phạm giáo huấn chính thức của Giáo hội và mặc nhiên thay đổi quan điểm của Công Giáo về hôn nhân.

Tuy nhiên, quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là không phải mọi cặp vợ chồng đều giống nhau và không có hoàn cảnh nào là trắng và đen, vì vậy giáo huấn của Giáo Hội cho phép các mục tử có không gian gần gũi với những cặp vợ chồng này và tiến hành một cuộc biện phân đúng đắn với họ về việc liệu và khi nào quyền được rước lễ có thể được ban cấp.

Sau Amoris Laetitia, nhiều hội đồng giám mục quốc gia đã ban hành các hướng dẫn áp dụng nó bao gồm việc cho những người ly hôn tái hôn rước lễ trên cơ sở từng trường hợp, điều này lại gây ra phản ứng dữ dội hơn đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã mở cửa.

Cuộc tranh luận gay gắt đến mức bốn Hồng Y bảo thủ nổi tiếng, trong đó có Hồng Y người Mỹ Raymond Burke, đã viết năm dubia, hoặc nghi ngờ, cho Đức Thánh Cha Phanxicô về tính hợp lệ của chú thích 351 theo quan điểm giáo huấn của Giáo Hội, tuy nhiên, không nhận được phản hồi, họ đã công bố bản nghi ngờ đó, trên các phương tiện truyền thông Công Giáo bảo thủ, gây ra nhiều phản đối kịch liệt hơn nữa và trở thành tiêu điểm trong cuộc tranh luận kéo dài vài năm.

Theo nhiều cách, đây là bước đã vượt qua thì không thể trở lui của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thời điểm đã đánh dấu sự chia rẽ giữa Đức Giáo Hoàng và những người chỉ trích ngài.

Cho đến thời điểm đó, những người Công Giáo bảo thủ cảm thấy họ vẫn có thể bảo vệ Đức Giáo Hoàng và mặc dù không đồng ý với một số quyết định của ngài, họ vẫn có thể coi ngài là của họ. Sau Amoris Laeticia, nhiều người bảo thủ cảm thấy choáng váng, bị phản bội, và một cách cương định, họ phản đối đường lối của Đức Phanxicô.

Bên cạnh đó, Đức Phanxicô cũng đã sử dụng luận lý này khi nói đến cuộc tranh luận về việc cho phép các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ, lập luận rằng Thánh Thể không thể bị biến thành vũ khí chính trị, và thúc giục các giám mục có các chính trị gia ủng hộ phá thai trong giáo đoàn của họ tiếp cận vấn đề với tư cách là mục tử, thay vì cảnh sát.

Học Viện Gioan Phaolô II

Một điểm gây tranh cãi lớn khác đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là quyết định của ngài vào năm 2017 tái thành lập Viện Giáo hoàng về Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II, được thành lập bởi chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1981 để cổ vũ giáo huấn của Giáo hội về sự sống và hôn nhân, cung cấp một sự phản đối rõ ràng đối với việc phá thai, tránh thai và trợ tử.

Vào tháng 9 năm 2017, Đức Phanxicô đã ban hành sắc lệnh thành lập Viện Thần học Giáo hoàng về Khoa học Hôn nhân và Gia đình, thay thế viện trước đó và tập trung nhiều hơn vào khía cạnh liên ngành và sự tương tác với các thực thể khác, thậm chí không phải Công Giáo trong việc nghiên cứu thực tế hàng ngày của đời sống gia đình.

Vào thời điểm đó, nhiều người Công Giáo không hiểu luận lý của quyết định này, và một số nhà phê bình Đức Phanxicô cáo buộc ngài thực hiện việc tái thành lập để sa thải các giáo sư đã mãn nhiệm được tri nhận như thể nếu không thù địch, thì một cách nào đó cũng chống đối viễn kiến của ngài về viện mới.

Quyết định này khơi lại cuộc tranh luận về lập trường của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với Amoris Laetitia, và về hôn nhân và gia đình nói chung, kể cả từ một số người đặt câu hỏi liệu lập trường của ngài có phù hợp với giáo huấn của Giáo hội hay không, và liệu mục đích thực sự của ngài có phải là thay đổi hoàn toàn thần học luân lý của Giáo hội hay không.

Cuộc tranh luận về quyết định này cuối cùng đã lắng xuống, nhưng dư vị tồi tệ mà nó để lại trong miệng nhiều nhà phê bình thì vẫn còn đó.

Thượng hội đồng Amazon/ “Pachamama”

Một khoảnh khắc tranh cãi rõ ràng khác trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đã xảy ra trong Thượng hội đồng Giám mục về Amazon năm 2019 của ngài, với cuộc tranh luận bùng nổ về nền linh đạo bản địa và điều mà các nhà phê bình giáo hoàng tri nhận là việc Đức Giáo Hoàng công khai chấp nhận việc thờ phượng ngoại giáo.

Biểu tượng rõ ràng nhất của cuộc tranh luận này là bức tượng nổi tiếng hiện nay của Pachamama, một nữ thần sinh sản và mẹ trái đất của người bản địa, thường được mô tả như một phụ nữ bản địa khỏa thân đang quỳ và ôm lấy bụng bầu của mình.

Phần lớn cuộc tranh luận bắt đầu sau nghi thức cầu nguyện mang tính biểu tượng trong vườn Vatican để khai mạc thượng hội đồng, được cho là kết hợp các yếu tố của văn hóa Bản địa và thể hiện sự hội nhập văn hóa của nền linh đạo Bản địa vào phụng vụ Công Giáo.

Tuy nhiên, các nhà phê bình lập luận rằng nghi thức đó không phải là biểu hiện của việc thờ phượng Công Giáo đích thực, mà giống với một nghi lễ ngoại giáo và thờ ngẫu tượng hơn, vì nhiều đồ vật có ý nghĩa văn hóa và tâm linh đối với người bản địa Amazon, bao gồm cả các bức tượng của Pachamama, được trưng bày một cách nổi bật.

Vào dịp đó, Đức Phanxicô đã quyết định không đọc bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn của ngài, nhưng thay vào đó yêu cầu những người tham gia cùng với ngài đọc Kinh Lạy Cha. Vatican không đưa ra lời giải thích nào cho quyết định đó, nhưng chỉ đơn giản nói rằng ngài muốn có một phút cầu nguyện.

Tại một thời điểm trong thượng hội đồng, tranh cãi trở nên gay gắt đến mức một bức tượng Pachamama đã bị đánh cắp khỏi giáo xứ Rôma gần Vatican, nơi nó được trưng bày cùng với các đồ vật khác có liên quan đến thượng hội đồng và bị ném xuống sông Tiber, khiến Đức Phanxicô đưa ra lời xin lỗi và xin sự tha thứ từ bất cứ ai bị xúc phạm, nói rằng các bức tượng đã được trưng bày “không có ý định thờ ngẫu tượng”.

Hai điểm khác được tranh luận sôi nổi trong thượng hội đồng này là các vấn đề về nữ phó tế và việc truyền chức linh mục cho các viri probati, hoặc những người đàn ông đã kết hôn được chứng tỏ là tốt, lên chức linh mục như một giải pháp đối phó với tình trạng thiếu linh mục trong khu vực, nơi mà hầu hết các cộng đồng nông thôn tham dự Thánh lễ ít hơn một lần mỗi tháng.

Dấu hỏi lớn là liệu Đức Phanxicô có chấp thuận các đề xuất đã được đưa ra bởi một số giám mục từ Amazon hay không. Tuy nhiên, trong tông huấn hậu thượng hội đồng Querida Amazonia, công bố năm 2020, ngài hoàn toàn né tránh cả hai vấn đề.

Về các nữ phó tế, ngài thừa nhận cuộc tranh luận, nhưng nói rằng vấn đề này cần được nghiên cứu thêm, và cho biết điều này đang được thực hiện bởi ủy ban nghiên cứu chức nữ phó tế mà ngài đã thành lập năm 2016, và không đạt được sự đồng thuận. Ngài đã thành lập lại ủy ban này sau Querida Amazonia, nhưng cho đến nay, ủy ban đó cũng chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Khi nói đến viri probati, Đức Giáo Hoàng không đưa ra quyết định chính thức nào về việc cho phép họ thụ phong, nói rằng vấn đề ơn gọi có liên quan đến việc thiếu truyền giảng Tin Mừng, và nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập các chủng viện địa phương nhằm thúc đẩy nhiều ơn gọi địa phương hơn.

Nhìn chung, thượng hội đồng Amazon là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, làm sống lại các cuộc tranh luận không chỉ về việc thờ phượng ngoại giáo, phong chức cho phụ nữ và chức linh mục kết hôn, mà còn cả sự chia rẽ nội bộ về phụng vụ Công Giáo và cách giải thích đúng đắn về Công đồng Vatican II, căn cứ vào việc Thượng hội đồng nhấn mạnh đến việc hội nhập văn hóa đức tin.

Thánh lễ Latinh truyền thống

Cuộc tranh cãi gần đây nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn tiếp tục gây sóng gió trong đạo Công Giáo hoàn cầu, là quyết định của ngài vào năm 2021 hạn chế việc tham dự Thánh lễ Latinh Truyền thống.

Với tự sắc của mình về phụng vụ Traditionis Custodes, có nghĩa là “Những người bảo vệ truyền thống”, Đức Phanxicô đã đảo ngược việc vị tiền nhiệm của mình là Đức Bênêđictô XVI cho phép việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cải cách của Công đồng Vatican II với lý do rằng ngài muốn bảo vệ sự thống nhất của giáo hội.

Trong số những điều khác, các quy tắc mới quy định rằng các linh mục đã cử hành Thánh lễ Latinh phải xin phép giám mục của họ để tiếp tục được làm như vậy. Bất cứ linh mục nào thụ phong sau khi ban hành các quy tắc mới muốn cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống đều phải gửi yêu cầu chính thức lên giám mục của họ, còn giám mục thì được yêu cầu tham khảo ý kiến của Vatican trước khi cấp phép.

Đức Phanxicô cũng buộc các giám mục xác định thời gian và địa điểm cụ thể có thể cử hành Thánh lễ Latinh và cấm thành lập các giáo xứ mới dành riêng cho Thánh lễ Latinh truyền thống cũng như đưa phụng vụ truyền thống vào lịch trình Thánh lễ thông thường của giáo xứ.

Quyết định đó ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội, với những người chỉ trích gọi giáo hoàng là “tàn ác” và nói rằng họ cảm thấy bị hiểu lầm và bị ngược đãi, trong khi những người ủng hộ động thái này ca ngợi đây là một bước khó khăn nhưng cần thiết để ngăn chặn sự chia rẽ sâu xa hơn bắt nguồn từ các cộng đồng địa phương, và trong Giáo Hội nói chung.

Đức Phanxicô đã thổi bùng ngọn lửa hơn nữa khi vào cuối tháng trước, ngài đã ban hành một sắc lệnh mới hạn chế khả năng của các giám mục trong việc ban hành các miễn chuẩn Traditionis Custodes, bảo đảm rằng một giám mục không thể tự mình ban các miễn chuẩn đó, mà chỉ sau khi đã tham khảo ý kiến với Vatican.

Do tính phổ biến của Thánh lễ Latinh truyền thống trong một số nhóm nhà thờ nhất định và mối liên hệ của nó với việc một số người bác bỏ các cải cách của Công đồng Vatican II, chủ đề này đã trở thành một chủ đề nhạy cảm đối với Đức Phanxicô và mỗi vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài, và quyết định hạn chế quyền tiếp cận nghi lễ truyền thống của ngài có thể sẽ vẫn là một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất trong di sản của ngài.