L. Sẽ là điều mê tín, khi đặt hy vọng vào các thể thức và nghi lễ; nhưng sẽ là điều tuyệt vời, khi không tùng phục chúng.

LI. Tất cả các tôn giáo và tất cả các giáo phái trên thế giới đều lấy lý lẽ tự nhiên làm kim chỉ nam. Chỉ riêng các Kitô hữu buộc phải lấy các quy tắc của họ từ bên ngoài chính họ, và tự thông tri cho mình những quy tắc mà Chúa Giêsu Kitô đã để lại cho người xưa để họ truyền lại cho chúng ta. Có những người cảm thấy chán ngán với sự ràng buộc này. Giống các dân tộc khác, họ muốn được tự do làm theo trí tưởng tượng của họ. Chúng ta kêu to vào tai họ cũng vô ích, như các tiên tri đã từng làm với dân Do Thái ngày xưa: Hãy vào giữa lòng Giáo Hội; học hỏi các luật lệ mà các vị ngày xưa đã để lại cho Giáo Hội, và đi theo các nẻo đường của Giáo Hội. Họ trả lời như những người Do Thái: Chúng tôi sẽ không bước đến đó: chúng tôi muốn làm theo suy nghĩ của trái tim mình, và sống như các dân tộc khác.



LII. Có ba cách để tin: lý lẽ, phong tục và linh hứng. Kitô giáo, tôn giáo duy nhất có lý lẽ, không nhận làm con cái đích thực của mình những người tin mà không có linh hứng: không phải là nó loại trừ lý lẽ và phong tục; ngược lại, phải mở rộng tinh thần của mình đón nhận các chứng cớ của lý trí, và củng cố chúng bằng phong tục; nhưng tôn giáo này muốn chúng ta khiêm hạ tuân theo sự linh hứng, là điều duy nhất có thể mang lại hiệu quả đích thực và có tính cứu rỗi: Ut non evacuetur crux Christi [để thập giá Chúa Kitô khỏi trở nên vô hiệu] (1Cr 1:17).

LIII. Không bao giờ chúng ta làm điều ác một cách trọn vẹn và vui vẻ như khi chúng ta làm điều đó do một nguyên tắc sai lầm của lương tâm.

LIV. Người Do Thái, tức những người được kêu gọi khuất phục các quốc gia và các vua chúa, đã từng là nô lệ của tội lỗi; còn các Kitô hữu, mà ơn gọi là phục vụ và trở thành thần dân, là con cái tự do.

LV. Có phải là can đảm không khi một người sắp chết, trong sự yếu đuối và đau đớn, lại đi đối đầu với một Thiên Chúa toàn năng và vĩnh cửu?

LVI. Tôi sẵn lòng tin những câu chuyện mà nhân chứng của chúng sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho chúng.

LVII. Sự kính sợ tốt lành phát xuất từ đức tin; sự kính sợ giả tạo phát xuất từ sự nghi ngờ. Sự kính sợ tốt lành dẫn đến hy vọng, bởi vì nó phát sinh từ đức tin, và vì chúng ta hy vọng vào Thiên Chúa nên chúng ta tin: Sự kính sợ xấu dẫn đến tuyệt vọng, vì người ta sợ vị Thiên Chúa mà họ không tin. Kẻ thì sợ mất Người, kẻ thì sợ tìm thấy Người.

LVIII. Salômôn và Gióp biết rõ nhất nỗi khốn cùng của con người, và đã nói về nó tốt nhất: người thì hạnh phúc nhất loài người, người thì bất hạnh nhất; người thì biết sự phù phiếm của các thú vui bằng kinh nghiệm, người thì biết thực tại của các điều xấu.

LIX. Kẻ ngoại đạo nói xấu Israel, và vị Tiên tri cũng thế; và vì dân Israel không có quyền nói với vị tiên tri rằng: Ông nói như kẻ ngoại đạo; nên ông tạo sức mạnh lớn lao nhất từ điều kẻ ngoại đạo nói như ông (Êdêkien).

LX. Thiên Chúa không có ý định để chúng ta phải phục tùng niềm tin của chúng ta vào Người mà không có lý lẽ, cũng như không muốn chúng ta chịu khuất bạo quyền; nhưng Người cũng không có ý giải thích cho chúng ta lý lẽ của mọi sự; và, để hòa hợp các mâu tuẫn này, Người có ý định làm cho chúng ta thấy rõ các dấu ấn thần thiêng nơi Người, các dấu ấn thuyết phục chúng ta về bản tính của Người, và thiết lập thẩm quyền của Người bằng các điều kỳ diệu và chứng cớ mà chúng ta không thể bác bỏ; và sau đó chúng ta tin tưởng không do dự những điều Người dạy dỗ chúng ta, khi chúng ta thấy không còn lý do nào khác để bác bỏ chúng, ngoại trừ, tự chúng ta, chúng ta không thể biết chúng có thật hay không.

LXI. Chỉ có ba loại người: một số phụng sự Thiên Chúa, sau khi tìm thấy Người; số khác đang cố gắng tìm kiếm Người, vì vẫn chưa tìm thấy Người; và cuối cùng số người khác nữa sống mà không tìm kiếm Người, cũng không tìm thấy Người. Những người đầu tiên hợp lý và hạnh phúc; những người cuối cùng khờ dại và bất hạnh; những người ở giữa thì bất hạnh nhưng hợp lý.

LXII. Con người thường lẫn lộn trí tưởng tượng của họ với trái tim; và họ tin rằng họ đã trở lại ngay khi họ nghĩ đến việc trở lại.

Lý trí hoạt động chậm chạp, và nó cần rất nhiều quan điểm và nguyên tắc khác nhau phải hiện diện trước nó, đến nỗi lúc nào nó cũng thiếp ngủ hay lạc đường, không thấy chúng cùng một lúc. Tâm tư thì không phải như vậy; nó hành động ngay lập tức, và luôn sẵn sàng hành động. Vì vậy, sau khi biết sự thật nhờ lý lẽ, cần phải cố gắng cảm nhận được nó, và đặt đức tin của chúng ta vào tâm tình của trái tim; nếu không, nó sẽ luôn không chắc chắn và lung lay. Trái tim có lý lẽ của nó, mà lý trí không biết được: người ta cảm nhận nó trong cả ngàn sự vật. Chính trái tim cảm nhận được Thiên Chúa, chứ không phải lý trí. Thiên Chúa nhạy cảm đối với trái tim, đó là đức tin hoàn hảo.

LXIII. Điều chủ yếu đối với bản tính Thiên Chúa là đức công chính của Người cũng vô hạn như lòng thương xót của Người: tuy nhiên đức công chính và sự nghiêm khắc của Người đối với kẻ bị ruồng bỏ thậm chí còn ít đáng kinh ngạc hơn lòng thương xót của Người đối với người được chọn.

LXIV. Con người rõ ràng được tạo ra để suy nghĩ; đó là tất cả phẩm giá và tất cả công lao của họ. Toàn bộ nhiệm vụ của họ là suy nghĩ đúng đắn; và trật tự của tư tưởng là bắt đầu với chính nó, với tác giả của nó và cùng đích của nó. Tuy nhiên, chúng ta nghĩ gì khi sống trên đời? Không bao giờ có điều gì khác mà chỉ để giải khuây, để trở nên giàu có, để có được danh tiếng, để trở thành vua, mà không nghĩ đến việc làm vua và làm người có nghĩa gì.

Tư tưởng của con người là một điều đáng ngưỡng mộ bởi chính bản chất của nó. Cần phải có một số khuyết điểm kỳ lạ nó mới đáng khinh. Nhưng nó có những khuyết điểm lớn đến nỗi không có gì đáng chê cười hơn. Do bản chất, nó cao cả xiết bao, nhưng do khuyết điểm, nó thấp hèn biết chừng nào!

LXV. Nếu có một Thiên Chúa, chỉ phải yêu một mình Người, chứ không phải các tạo vật. Lý luận của kẻ vô đạo, trong sách Khôn ngoan, chỉ dựa trên những gì họ tự xác tín là không hề có Thiên Chúa. Họ nói rằng, giả định như thế, thì ta hãy tận hưởng các tạo vật. Nhưng nếu họ biết rằng có một vị Thiên Chúa, họ sẽ kết luận ngược lại. Và đây là kết luận của người khôn ngoan: Có một Thiên Chúa, vì vậy chúng ta đừng tận hưởng các tạo vật. Vì vậy, bất cứ điều gì khiến chúng ta gắn bó với tạo vật đều xấu, vì nó ngăn cản chúng ta, một là phụng sự Thiên Chúa, nếu chúng ta biết Người, hai là tìm kiếm Người, nếu chúng ta không biết Người. Bây giờ chúng ta đầy tư dục: do đó chúng ta đầy rẫy điều ác; vì vậy chúng ta phải ghét chính mình, và tất cả những điều gắn bó chúng ta vào bất cứ thứ gì khác ngoài một mình Thiên Chúa.

LXVI. Khi muốn nghĩ về Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy có bao nhiêu điều khiến chúng ta quay lưng lại với Người, và cám dỗ chúng ta suy nghĩ đi nơi khác? Tất cả những điều này đều xấu xa, và thậm chí vốn bẩm sinh với chúng ta.

LXVII. Thật sai lầm khi chúng ta chỉ xứng đáng được người khác yêu thương chúng ta: thật bất chính khi chúng ta muốn như thế. Nếu chúng ta sinh ra là người hữu lý, và với một số hiểu biết về bản thân và những người khác, chúng ta sẽ không có khuynh hướng này.

Tuy nhiên, chúng ta được sinh ra với nó: do đó chúng ta được sinh ra là người bất chính, vì ai cũng hướng về bản thân mình. Điều này chống lại mọi trật tự: phải hướng tới cái chung; và việc hướng vào bản thân là khởi đầu của mọi rối loạn, chiến tranh, cảnh sát, kinh tế, v.v. Nếu các thành viên của các cộng đồng tự nhiên và dân sự hướng về lợi ích của tập thể, thì bản thân các cộng đồng phải phấn đấu cho một tập thể khác tổng quát hơn. Bất cứ ai không ghét nơi mình lòng tự ái và bản năng khiến họ đặt mình lên trên tất cả, đều là kẻ rất mù quáng, vì không còn gì đối lập với công lý và sự thật đến thế. Vì thật sai lầm khi chúng ta đáng được sự đối xử ấy; vả lại, vừa bất chính vừa không thể đạt được điều đó, vì nó là đối tượng được mọi người theo đuổi. Do đó, rõ ràng chúng ta được sinh ra trong một sự bất chính, điều mà chúng ta không thể loại bỏ, nhưng chúng ta phải loại bỏ. Tuy nhiên, không tôn giáo nào khác ngoài Kitô giáo nhận thấy rằng đó là một tội lỗi, chúng ta cũng sinh ra trong đó, chúng ta cũng buộc phải chống lại nó, chúng ta cũng nghĩ đến việc chúng ta được ban cho các phương thuốc chữa trị.

LXVIII. Có một cuộc chiến nội bộ trong con người giữa lý trí và các đam mê. Họ có thể được hưởng một chút an bình, nếu họ chỉ có lý trí mà không có đam mê, hoặc nếu họ chỉ có đam mê mà không có lý trí. Nhưng vì có cả hai, nên họ không thể không có chiến tranh, không thể có hòa bình với bên này mà không có chiến tranh với bên kia. Vì vậy, họ luôn chia rẽ và mâu thuẫn với chính mình.

Nếu sống mà không tìm xem người ta là gì là một sự mù quáng không tự nhiên, thì càng kinh khủng hơn khi sống tồi tệ trong lúc tin Thiên Chúa. Tất cả mọi người hầu như đều nằm ở một trong hai sự mù quáng này.

LXIX. Điều không thể nghi ngờ là linh hồn có thể chết hay bất tử. Điều này hẳn phải tạo ra sự khác biệt hoàn toàn về luân lý; tuy nhiên, các triết gia đã tiến hành luân lý một cách độc lập với điều này. Thật là một sự mù quáng kỳ lạ!

Màn cuối cùng luôn đẫm máu, bất chấp phần còn lại của vở kịch có tính giải trí ra sao. Cuối cùng chúng ta chỉ còn biết phủ xác chết và mọi chuyện kết thúc.

LXX. Thiên Chúa, sau khi đã tạo dựng trời và đất, những vật thể vốn không cảm thấy hạnh phúc của hữu thể mình, muốn tạo ra những sinh vật nhận biết Người và tạo ra một tập thể gồm các thành phần biết suy nghĩ. Mọi con người đều là thành viên của tập thể này; và để được hạnh phúc, họ phải bắt ý chí đặc thù của họ phù hợp với ý chí phổ quát vốn điều khiển toàn bộ tập thể. Tuy nhiên, thường xảy ra việc chúng ta tin rằng chúng ta là một chỉnh thể, và không thấy mình thuộc một tập thể mà chúng ta vốn phụ thuộc, chúng ta tin rằng chúng ta chỉ phụ thuộc chính mình, và chúng ta muốn trở thành trung tâm và là chính tập thể. Nhưng thực ra, chúng ta thấy mình trong trạng thái giống như một thành viên bị tách khỏi tập thể của mình, và vì không có nguyên tắc sống nơi chính mình, nên đã lạc lõng và bỡ ngỡ trước sự không chắc chắn của hữu thể mình. Cuối cùng, khi bắt đầu tự biết mình, chúng ta như trở về nhà mình; chúng ta cảm thấy chúng ta không phải là tập thể; chúng ta hiểu chúng ta chỉ là một thành viên của tập thể vũ trụ; là thành viên nghĩa là chỉ có hữu thể, sự sống, chỉ có chuyển động nhờ tinh thần của tập thể và vì tập thể; một thành viên bị tách khỏi tập thể mà nó thuộc về chỉ còn là một sinh vật bị diệt vong và đang chết; như thế, chúng ta chỉ nên yêu mình vì tập thể, hay đúng hơn chúng ta chỉ nên yêu tập thể, bởi vì khi yêu tập thể, là yêu chính mình, vì chúng ta chỉ hiện hữu trong nó, thông qua nó và vì nó.

Để điều chỉnh tình yêu mà chúng ta có với chính mình, chúng ta phải tưởng tượng ra một tập thể được tạo thành từ các thành viên có suy nghĩ, bởi vì chúng ta là thành viên của một toàn thể; và phải xét xem mỗi thành viên nên yêu thương nhau như thế nào. Cơ thể yêu bàn tay, và bàn tay, nếu nó có ý chí, nên yêu chính nó như cơ thể yêu nó. Tình yêu nào vượt quá điều đó đều là bất chính. Nếu bàn chân và bàn tay có một ý chí đặc thù, chúng sẽ không bao giờ có trật tự ngoại trừ bắt ý chí đó phục tùng ý chí của cơ thể: ngoài điều đó, chúng sẽ rối loạn và bất hạnh; nhưng, khi chỉ muốn điều tốt của cơ thể, chúng tạo điều tốt cho riêng chúng.

Các thành viên trong tập thể của chúng ta không cảm nhận được hạnh phúc của sự kết hợp của họ, của trí thông minh tuyệt diệu của họ, của sự chăm sóc mà thiên nhiên dành để ảnh hưởng đến các tinh thần trong đó, để làm cho họ lớn lên và trường tồn. Nếu họ có khả năng biết điều đó, và lợi dụng sự hiểu biết này để duy trì nơi họ của nuôi dưỡng họ nhận được, không để nó chuyền sang các thành viên khác, họ sẽ không những bất chính mà còn đáng thương nữa; và sẽ ghét mình hơn là yêu mình: hạnh phúc của họ cũng như bổn phận của họ, hệ ở việc phục tùng sự hướng dẫn của linh hồn phổ quát mà họ thuộc về, linh hồn yêu họ hơn họ yêu chính họ. Qui adhæret Domino, Spiritus est [Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người] (1 Cr 6:17). Chúng ta yêu mình vì chúng ta là thành viên của Chúa Giêsu Kitô vì Ngườii là đầu của thân thể mà chúng ta là chi thể: tất cả là một, người này ở trong người kia. Tư dục và sức mạnh là nguồn gốc của tất cả các hành động thuần túy nhân bản của chúng ta: tư dục phát sinh ra các hành động tự nguyện; sức mạnh phát sinh ra các hành động không tự nguyện.

LXXI. Những người theo thuyết Platon, và thậm chí cả Épictète và những người theo ông ta, tin rằng chỉ một mình Chúa mới đáng được yêu mến và ngưỡng mộ; nhưng họ vẫn muốn được người ta yêu mến và ngưỡng mộ. Họ không biết sự đồi trụy của họ. Nếu họ cảm thấy được thúc đẩy yêu mến và tôn thờ Người, và tìm thấy niềm vui chính trong đó, họ có thể đã nghĩ tốt về chính họ, với lý do tốt đẹp. Nhưng nếu họ cảm thấy ác cảm với Thiên Chúa, nếu họ không có khuynh hướng nào khác mà chỉ muốn được người ta quý trọng, và nếu họ coi là hoàn hảo khi họ chỉ biết làm sao, tuy không áp đảo người ta, nhưng khiến người ta lấy làm hạnh phúc được yêu mến họ, thì tôi sẽ cho rằng sự hoàn hảo này đáng kinh tởm. Bạn nói gì! họ đã biết Thiên Chúa, thế mà lại không muốn người ta chỉ yêu mến Người; họ muốn người ta dừng lại ở họ; họ muốn trở thành đối tượng hạnh phúc tự nguyện của người ta!

LXXII. Đúng là có đau đớn khi thực hành lòng đạo đức. Nhưng nỗi đau này không phát xuất từ lòng đạo đức nhen nhóm trong chúng ta, mà từ lòng vô đạo đức vẫn còn tại đó. Nếu các giác quan của chúng ta không chống lại sự thống hối, và sự đồi trụy của chúng ta không chống lại sự trong sạch của Thiên Chúa, thì sẽ không có gì đau đớn trong việc này đối với chúng ta. Chúng ta chỉ chịu đau đớn tương ứng với việc thói hư, một điều rất tự nhiên đối với chúng ta, chống lại ơn thánh siêu nhiên. Trái tim chúng ta cảm thấy bị giằng xé giữa các cố gắng mâu thuẫn nhau này. Nhưng sẽ rất bất chính nếu qui bạo lực này cho Thiên Chúa, Đấng lôi kéo chúng ta, thay vì qui nó cho thế giới đang kìm hãm chúng ta. Giống như đứa trẻ được mẹ mình giật khỏi vòng tay của những tên cướp, và trong nỗi đau nó phải chịu, nó phải yêu sức mạnh đầy âu yếm và chính đáng đã đem lại tự do cho nó, và chỉ ghét thứ bạo lực tàn ác và chuyên chế của những kẻ giam giữ em cách bất chính. Cuộc chiến dữ dằn nhất mà Thiên Chúa có thể gây ra cho con người ở đời này là để họ không có cuộc chiến mà Người đã đến để mang tới. Người từng nói, Thầy đến để mang lại chiến tranh; và, để dạy về cuộc chiến này, Thầy đã đến để mang theo sắt và lửa (Mt 10:34; Lc 12:49). Trước Người, thế giới sống trong hòa bình giả tạo.

LXXIII. Thiên Chúa chỉ nhìn bên trong: Giáo hội chỉ xét đoán từ bên ngoài. Thiên Chúa tha thứ ngay khi Người thấy sự thống hối ở trong lòng; Giáo hội tha thứ, khi thấy sự thống hối trong các việc làm. Thiên Chúa sẽ làm ra một Giáo hội tinh khiết ở bên trong, điều này, do sự thánh thiện bên trong và hoàn toàn thiêng liêng của Giáo hội, làm bối rối sự vô đạo đức bên ngoài của các nhà hiền triết siêu việt và của những người Pharisiêu; và Giáo hội sẽ tạo ra một cộng đoàn gồm những người có các phong hóa bên ngoài thuần khiết đến mức họ làm bối rối các phong hóa của người ngoại đạo. Nếu có những kẻ đạo đức giả ngụy trang khéo đến mức Giáo Hội không biết nọc độc của họ, Giáo Hội sẽ chịu đựng họ; vì dù họ bị Thiên Chúa bác bỏ, Đấng mà họ không thể lừa dối, nhưng họ được tiếp nhận bởi con người, là những người họ có thể lừa dối. Vì vậy, Giáo Hội không bị sỉ nhục bởi tác phong của họ, ít nhất cũng có bề ngoài thánh thiện.

LXXIV. Luật pháp không phá hủy bản nhiên; nhưng nó hướng dẫn bản nhiên: ơn thánh không phá hủy luật pháp; nhưng nó làm cho luật pháp thực thi. Chúng ta tự làm cho mình trở thành thần tượng của chính sự thật: vì sự thật mà không có đức ái không phải là Thiên Chúa; nó là hình ảnh của Người, và là một thần tượng không nên được yêu thích hoặc tôn thờ; và càng không nên yêu mến và tôn thờ điều ngược lại của nó, đó là việc nói dối.