1. Đức Tổng Giám Mục Dublin nói rằng đức tin đã 'biến mất' ở Ái Nhĩ Lan
Bằng chứng về đức tin Kitô ở Ái Nhĩ Lan ngày nay “xem ra đã biến mất”, Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell của tổng giáo phận Dublin đã nhận xét như trên. Ngài nhấn mạnh rằng “cuộc khủng hoảng đức tin tiềm ẩn” này là “đặc biệt nghiêm trọng giữa các thế hệ trẻ”.
“Những lời bình luận công cộng trong giới truyền thông ở Ái Nhĩ Lan phản ảnh một thái độ tiêu cực trong cách hiểu của họ đối với Giáo hội và các ơn gọi của Giáo Hội, và gây ra tác động tiêu cực của công chúng trước những cố gắng rao giảng Tin Mừng”.
Đức Tổng Giám Mục Farrell đã đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản năm 2021 của tờ 'Síolta', tạp chí hàng năm của chủng viện quốc gia tại Đại học St Patrick, Maynooth.
“Những thách thức mà tôi phải đối mặt là khá rõ ràng. Chúng ta có một hàng giáo sĩ già nua và có rất ít ơn gọi vào chức linh mục triều hay dòng. Số người tích cực thực hành và sống đức tin đang bị giảm sút nghiêm trọng”.
“Đức tin cần có nghi thức, là sự hiện thân của đức tin. Người ta phải thấy nơi chúng ta đức tin được sống như thế nào. Ngày nay, khả năng hiển thị của đức tin xem ra đã biến mất. Tôi cũng đang đối phó với di sản của các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đã làm tổn hại đến uy tín của Giáo hội. Vì tài chính là một hàm số phụ thuộc vào nhiều tham số, các vấn đề tài chính sẽ phát sinh và sẽ được đẩy nhanh bởi đại dịch toàn cầu và hậu quả của nó,” ông nói.
Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng: “ Mô hình hiện tại của Giáo Hội là không bền vững. Tại Dublin, chúng ta cần một chương trình giáo lý viên hiệu quả trong toàn giáo phận để bổ sung và cuối cùng, thay thế việc giảng dạy đức tin hiện tại cho giới trẻ. Với sự suy giảm dần dần của tôn giáo trong gia đình, vai trò của các giáo lý viên có trình độ sẽ rất cần thiết. Theo tôi, việc trao truyền Đức Tin cho giới trẻ là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà Giáo hội chúng ta phải đối mặt ngày nay”.
Source:Irish Times
2. Các giáo phận Ái Nhĩ Lan đang hồi sinh truyền thống Thánh Lễ ở các tảng đá
Phản ứng lại trước các chính sách lợi dụng đại dịch coronavirus để hạn chế tự do tín ngưỡng của chính phủ Ái Nhĩ Lan, văn phòng Ái Nhĩ Lan của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, đã đưa ra một sáng kiến để nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh lễ bằng cách khuyến khích các linh mục cử hành Thánh Thể tại các bàn thờ bằng đá ngoài trời như trong thời kỳ bách hại. Những thánh lễ này được gọi là “ Mass Rocks”.
Sự can đảm của các linh mục, những người đã liều mình cử hành Thánh lễ tại những tảng đá này, là một yếu tố giúp giữ cho Ái Nhĩ Lan luôn trung thành với Đức tin Công Giáo. Một trong số các vị là Cha Nicholas Mayler, một linh mục quản xứ ở Giáo phận Ferns, phía đông nam Ái Nhĩ Lan. Trong thời gian người Công Giáo Ái Nhĩ Lan bị bách hại, ngài ở lại chăm sóc đàn chiên của mình. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1653, khi ngài đang cử hành thánh lễ Mass Rock gần làng Tomhaggard Co. Wexford, quân đội Anh đã giết chết ngài. Bà Lambert, một trong những tín hữu Công Giáo, đã tìm cách lấy được chiếc chén thánh và trao nó cho gia đình của vị linh mục. Vào thế kỷ 19, một người thân của vị linh mục tử đạo đã trả lại chén thánh cho Giáo Hội. Chén thánh này hiện được sử dụng thường xuyên trong Thánh lễ Ngày Giáng sinh được cử hành hàng năm tại cùng một Tảng đá.
Năm 1536, Vua Henry Thứ Tám lần đầu tiên cố gắng phá vỡ mối quan hệ giữa Giáo hội Ái Nhĩ Lan và giám mục Rôma. Ở những nơi như Dublin, các nỗ lực chiếm đất của các tu viện đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Nhiều người theo đạo, chẳng hạn như các tu sĩ dòng Xitô Nhặt Phép tại Tu viện Đức Maria ở Dublin, đã tử vì đạo vì từ chối tuân theo các yêu cầu của nhà vua.
Con trai của Henry, là Vua Edward thứ Sáu, đã cấm cử hành Thánh lễ. Các nhà thờ Công Giáo đã bị tịch thu, và các linh mục phải trốn tránh. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi Oliver Cromwell xâm lược Ireland vào năm 1649. Quân đội của Cromwell đã tiến hành các vụ giết người và thảm sát trên quy mô lớn. Các linh mục buộc phải rời Ái Nhĩ Lan hoặc đối mặt với án tử hình.
Một nhà thơ Gaelic từ thời đại được gọi là Éamonn an Dúna đã viết một bài thơ về những thời điểm đó ở Ireland. Éamonn nói tiếng Ailen liệt kê những cụm từ tiếng Anh mà anh ta nghe được, có lẽ là từ quân đội Anh: “ Một kẻ giết người (ngoài vòng pháp luật), hack anh ta, treo cổ anh ta, một kẻ nổi loạn, một kẻ lừa đảo, một tên trộm, một linh mục, một tay papist. “
Từ những năm 1790 trở đi, các luật hình sự chống lại người Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan dần dần bị bãi bỏ. Nhưng ngày nay, trước đà cấm cách của chính phủ Ái Nhĩ Lan, Thánh Lễ trên các tảng đá tiếp tục được quan tâm và truyền thống này đang có khuynh hướng tăng
Source:ACN
3. Ba Lan chuẩn bị cho việc phong chân phước cho Đức Hồng Y Stefan Wyszyński
Khi trở thành giáo hoàng, Thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng “Sẽ không có Giáo hoàng Ba Lan nếu không có Đức Hồng Y Giáo chủ”.
Vị Hồng Y Giáo chủ mà ngài nhắc đến là Đức Hồng Y người Ba Lan Stefan Wyszyński, người sẽ được phong chân phước vào ngày 12 tháng 9.
Đức Hồng Y Wyszyński, thường được gọi là “Vị Hồng Y Giáo chủ sắt” vì sự kháng cự của ngài trước chủ nghĩa cộng sản. Ngài sinh tại Zuzela, cách Warsaw 75 dặm về phía đông, vào ngày 3 tháng 8 năm 1901, khi Ba Lan vẫn còn nằm dưới ách đô hộ của Nga, Đức và Áo sau những phân chia cuối thế kỷ 18.
Ngài mới lên 9 tuổi khi mẹ ngài, bà Julianna qua đời. Khi mẹ cậu hấp hối, một giáo viên được người Nga gửi đến trong vùng bảo cậu hãy ở lại trong trường nội trú. Cậu bé Stefan nói rằng cậu không muốn đến học ở một ngôi trường như thế và vội vã về nhà để tạm biệt người mẹ yêu dấu của mình.
“Đó là một dấu hiệu rất sớm của lòng dũng cảm,” Ewa Czaczkowska, tác giả của một cuốn tiểu sử dầy 1000 trang của Wyszynski viết.
Bà Julianna qua đời cùng ngày.
Đức Hồng Y Wyszyński được ghi nhận là người đã giúp bảo tồn và củng cố Kitô Giáo ở Ba Lan bất chấp các cuộc đàn áp của chế độ cộng sản từ năm 1945 trở đi.
Ngài được gọi là “Giáo chủ của Thiên niên kỷ” bởi vì trong tư cách là Giáo chủ Ba Lan, ngài đã giám sát một chương trình chuẩn bị kéo dài 9 năm với đỉnh điểm là lễ kỷ niệm trên toàn quốc vào năm 1966 biến cố 1000 năm Ba Lan đón nhận ánh sáng Tin Mừng.
Năm 1953, Đức Hồng Y Wyszyński bị chính quyền Cộng sản quản thúc trong ba năm vì từ chối trừng phạt các linh mục hoạt động trong cuộc kháng chiến của Ba Lan chống lại chế độ Cộng sản.
Ngài cũng giúp bảo đảm sự chấp thuận Đức Cha Karol Wojtyła làm tổng giám mục Kraków vào năm 1964, mà cuối cùng điều này dẫn đến việc Đức Wojtyła được bầu làm Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1978.
Đức Hồng Y Wyszyński qua đời vào ngày 28 tháng 5 năm 1981, 15 ngày sau khi Đức Gioan Phaolô II bị bắn trong một vụ ám sát. Không thể tham dự tang lễ của vị Hồng Y, Đức Gioan Phaolô II đã viết trong một bức thư gửi người dân Ba Lan: “Chúng ta hãy đặc biệt suy niệm về hình bóng của vị Giáo Chủ khó quên, Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, về ký ức đáng kính, về con người của ngài, sự giảng dạy của ngài, và vai trò của ngài trong một thời kỳ lịch sử khó khăn như thế của chúng ta”.
Source:Crux