1. Không tin cũng xảy ra: Người Công Giáo Ái Nhĩ Lan bị đấm vào mặt vì đọc kinh Mân Côi
Nhóm vận động Công Giáo Văn minh Kitô Giáo Ái Nhĩ Lan gần đây đã tổ chức một buổi đọc kinh Mân Côi trong một cuộc diễu hành tự hào đồng tính ở Cookstown, County Tyrone, Bắc Ái Nhĩ Lan.
Nhóm cho biết họ đã tổ chức buổi đọc kinh Mân Côi để “cầu nguyện phạt tạ” cho những xúc phạm đến Chúa trong cuộc diễu hành tự hào đồng tính. Trong cuộc diễu hành này, người ta nhận thấy có những trò công khai chống báng đức tin và Giáo Hội Công Giáo. Nhiều người đã mặc quần áo như các linh mục trong khi giơ cao các khẩu hiệu tục tĩu, cổ vũ cho những hành vi dâm đãng.
Đoạn video ngày 20 tháng 9 cho thấy một số người đàn ông đứng trên vỉa hè mang tượng Đức Mẹ Fatima và đang lần hạt Mân Côi.
Một người đàn bà tham gia cuộc diễu hành tự hào hùng hổ tiến đến người tổ chức buổi lần chuỗi Mân Côi là ông Gerry McGeough. Y thị đấm mạnh vào mặt của ông. Cảnh sát đã ngay lập tức tạm giữ người đàn bà hung hăng này.
McGeough giải thích những gì đã xảy ra trong video dưới đây:
“Chúng tôi đã có mặt để cầu nguyện một chuỗi tràng hạt Mân Côi đền tạ một cách ôn hòa
Như bạn đã thấy, những người thuộc đoàn diễu hành đó rất hậm hực với chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn duy trì sự nhã nhặn của mình. Chúng tôi tiếp tục lần chuỗi Mân Côi. Chúng tôi đã lần chuỗi trong lặng lẽ.
Cá nhân tôi đã bị hành hung. Một người đầy căm ghét và thù hận đã đến và đấm vào mặt tôi.
Người dân đã bị đầu độc bởi toàn bộ chương trình nghị sự đồng tính luyến ái, vấn đề phá thai và ngừa thai. Mọi thứ về cơ bản đều chống Công Giáo. Đã đến lúc những người Công Giáo chúng ta phải đứng lên và đừng sợ hãi. Ra ngoài và cầu nguyện! Và có mặt ở đó. Hãy tiến về phía trước!
Tổ tiên của chúng ta đã phải chịu đựng ngục tối, lửa và gươm giáo để giữ cho đức tin tồn tại ở đất nước này. Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu anh chị em làm là đi ra ngoài và cầu nguyện một chuỗi hạt. Đôi khi anh chị em có thể bị đấm vào mặt, nhưng điều đó chẳng là gì so với việc bị ném vào lửa như tổ tiên chúng ta.”
“Nhưng ai biết được? Điều đó có thể xảy đến trong tương lai, và nếu nó xảy ra, chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó”.
Ông McGeough kết luận với lời cầu nguyện sau:
“Lạy Đức Mẹ Fatima, xin hãy cầu cho chúng con!”
Source:Church POP
2. Người Công Giáo vội vã cứu nhà thờ khi núi lửa phun trào, đe dọa nhấn chìm giáo xứ Tây Ban Nha
Những ngày gần đây, núi lửa Cumbre Vieja của Tây Ban Nha phun trào trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary đã khiến nhiều người trên thế giới xúc động trước thảm cảnh này.
Dung nham tiến qua một số thị trấn trên đảo, tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó. Lần cuối cùng núi lửa phun trào như thế này là vào năm 1971. Các chuyên gia cho rằng dung nham có thể tồn tại trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng.
Dung nham đang “tiến rất chậm” về phía Đại Tây Dương. Nó đã phá hủy hơn 150 ngôi nhà và gần 200 tòa nhà. Hiện tại, những khối đá nóng chảy đang tiến đến Todoque, Tây Ban Nha và cộng đồng Công Giáo ở đây đang chiến đấu để cứu nhà thờ và trường học.
Nhà thờ Thánh Piô 10 nằm trên con đường dung nham của núi lửa tiến ra đại dương. Các giáo dân của nhà thờ đã vội vã cứu những gì họ có thể mang theo, bao gồm cả các băng ghế, thánh giá và các vật dụng khác.
Cha Alberto Hernández đã cùng với anh chị em di tản ra thành phố, nơi có lẽ an toàn hơn. Tại đây, ngài dành hết thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ cho anh chị em giáo dân bị mất nhà cửa.
“Họ là những người đơn sơ, giản dị và chăm chỉ. Đa số là các nông dân và một số nhân viên làm việc cho chính phủ”, vị linh mục nói. “Họ là những người đã xây dựng nhà cửa của mình và sống ở nông thôn, không quen với đời sống thành thị. Chúng ta hãy tin tưởng rằng các nhà chức trách sẽ đáp ứng và viện trợ sẽ đến”.
Một mối quan tâm khác của cộng đồng là ngăn chặn dung nham núi lửa phá hủy cấu trúc của giáo xứ. Những người hàng xóm và nhân viên cứu hỏa làm việc không mệt mỏi để đặt các rào cản nhằm chuyển hướng dòng chảy của dung nham.
Source:Church POP
3. Đức Hồng Y Kasper bày tỏ âu lo về Tiến Trình Công Nghị Đức: 'Nhiều người thắc mắc liệu tất cả điều này có còn hoàn toàn là Công Giáo hay không'
Đức Hồng Y Walter Kasper một lần nữa bày tỏ mối quan tâm của ngài về “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo hội tại Đức. Lần này, ngài nồng nhiệt bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của ngài đối với đề xuất mà một giám mục Đức trình bày hồi đầu tháng này nhằm chống lại xu hướng Tin lành hóa Giáo Hội của một số Giám Mục Đức.
Hôm 17 tháng 9, Đức Hồng Y Kasper đã chỉ trích văn bản chính thức của một trong những chủ đề của Tiến Trình Công Nghị - về việc thực thi quyền lực và thẩm quyền trong Giáo hội. Ngài cho rằng nghị trình này đang cố gắng “tái tạo lại Giáo hội, có thể nói như thế, với sự trợ giúp của một khung lý thuyết và thần học cấp tiến”.
Ngài nói: “Có nhiều điều chính xác trong đó”, nhưng bên cạnh đó cũng có “nhiều điều là giả thuyết” và “cuối cùng, nhiều người tự hỏi liệu tất cả những điều này có còn hoàn toàn là Công Giáo hay không”.
“Một số tuyên bố, rõ ràng là đi chệch khỏi những mối quan tâm cơ bản của Công đồng Vatican II, chẳng hạn, sự hiểu biết bí tích về Giáo hội và giám mục”.
Vị Hồng Y người Đức cho biết một văn bản thay thế cho văn bản chính thức, có tựa đề “Quyền hạn và trách nhiệm” đã được Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg công bố ngày 3 tháng 9 trên một trang web mới, phân tích rõ ràng các vấn đề hiện có, phù hợp với Công đồng Vatican II, và đề xuất các bước cải cách hiệu quả và khả thi.
“Tài liệu này đặt rõ ràng trên cơ sở của Công Đồng, là những điều phổ biến đối với tất cả chúng ta. Tài liệu ghi nhận những vấn đề vẫn mở ngỏ mà Công Đồng để lại và tìm cách tiếp tục trên con đường của Công Đồng, trên nền tảng an toàn của Công Đồng”.
Ngài nói thêm rằng khi làm như vậy, chúng ta “không cần thiết phải đảo lộn mọi thứ”, và “người ta có thể vươn xa hơn Công Đồng, theo tinh thần của Công Đồng, mà không mâu thuẫn với các giáo huấn của Giáo hội”.
“Đây là cách thức của truyền thống sống động, cách thức của Giáo Hội”, Đức Hồng Y Kasper nói thêm. “Nó hiểu truyền thống không phải như một pháo đài ngăn cấm, nhưng như một lời mời gọi lên đường của Giáo hội và ngạc nhiên trước những hiểu biết mới”.
Văn bản thay thế dài 45 trang do Đức Cha Voderholzer công bố được đồng tác giả bởi một nhóm bốn người gồm giáo dân và giáo sĩ: Cha Wolfgang Picken, Tổng Đại Diện thành phố Bonn; Marianne Schlosser, một giáo sư thần học ở Vienna, Áo; nhà báo Alina Oehler; và Đức Cha Florian Wörner, Giám Mục Phụ Tá của Augsburg.
Mục đích đã nêu của họ là “vạch ra các bước cụ thể để cải cách có thể được thực hiện trong sự trung thành với đức tin và phù hợp với cơ cấu luật pháp của Giáo Hội, nhưng cũng cho thấy rằng các câu hỏi mà xã hội đặt ra cho Giáo hội được xem xét một cách nghiêm túc”.
Nhưng một đề nghị thảo luận về sự đóng góp của họ trong tiến trình thượng hội đồng đã bị thẳng thừng từ chối bởi lãnh đạo của Diễn đàn Thượng hội đồng là Claudia Lücking-Michel và Giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen.
Diễn đàn “về việc thực thi quyền lực và thẩm quyền trong Giáo hội” là một trong bốn diễn đàn tạo nên “Tiến Trình Công Nghị”. Đó là một quá trình kéo dài trong 2 năm, dự kiến kết thúc vào tháng Hai, năm 2022; được cho là nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Ba diễn đàn khác liên quan đến đạo đức tình dục, luật độc thân linh mục và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.
Cha Picken cho biết ngài thấy những phát biểu của Đức Hồng Y Kasper xác nhận quan điểm “rằng văn bản diễn đàn chính thức một phần dựa trên những giả thuyết thần học không thể giải thích được và do đó có khả năng bị thất bại trong điều kiện của Giáo hội trên thế giới”.
“Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh tầm quan trọng là Tiến Trình Công Nghị phải làm sao cho các giải pháp mà họ đưa ra là khả thi đối với mọi người”, Cha Picken nói. “Do đó, ngài ủng hộ yêu cầu của chúng tôi về một cuộc tranh luận cởi mở và sôi nổi. Thật không may, những người phụ trách Tiến Trình Công Nghị đã từ chối làm điều đó”.
“Trước sự thất vọng của chúng tôi, các chủ tọa của Diễn đàn Tiến Trình Công Nghị đã từ chối yêu cầu của một thành viên muốn thảo luận về văn bản thay thế trong diễn đàn. Do đó, họ đang ngăn chặn đối thoại cởi mở và loại trừ toàn bộ nhóm chúng tôi. Tôi xem đây là một bản cáo trạng cho diễn đàn liên quan đến quyền lực, sự phân chia quyền lực và sự tham gia”.
“Hết lần này đến lần khác, chúng tôi đã phải kinh qua tình trạng bị gạt ra bên lề và bị buộc phải im lặng. Điều này một cách công khai và trực tiếp mâu thuẫn với ý nghĩa của tính đồng đoàn và tất cả những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề xuất về Thượng Hội Đồng 2021-2023 sắp tới về tính đồng đoàn cho Giáo hội hoàn vũ.”
Source:National Catholic Register