Sơ truyền giáo Colombia được thả tự do sau hơn 4 năm bị các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan giam giữ

Sơ Gloria Cecilia, một nhà truyền giáo ở Mali, đã sẵn sàng tư nguyện làm con tin thay cho một nữ tu trẻ.

Sau hơn bốn năm rưỡi bị cầm giữ dưới bàn tay tàn bạo của thánh chiến quân Hồi giáo Malian, Sơ Gloria Cecilia Narváez Argoti, một nhà truyền giáo từ Colombia, đã được trả tự do.

Hãng TTX AFP ngày 9 tháng 10 cho hay Sơ Gloria được trả tự do, dù chi tiết về việc trao trả tự do vẫn chưa được công bố, nhưng trong những bình luận ngắn gọn của đài truyền hình Malian, sơ bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà nước Mali vì đã giải cứu sơ, cũng như Giáo hội địa phương và Hoàn vũ đã không ngừng cầu nguyện cho sơ trong suốt thời gian sơ bị giam giữ.

Trong một thông điệp được gửi tới cho Tổ chức “Giáo Hội hầm trú” (ACN), Giám mục Jonas Dembele, chủ tịch Hội đồng Giám mục Malian cho hay “đây là một ngày tuyệt vời cho Giáo hội Mali và Giáo hội hoàn vũ, những người đã và đang cầu nguyện cho sơ. Bất chấp những khó khăn, Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài, Ngài ban phước lành và nhận lời cầu nguyện của Giáo hội khấn xin cho sơ Gloria. Chúng tôi đoan chắc sơ đã trải qua những khó khăn và trước mắt nhân loại hầu như hoàn cảnh không thể cứu vãn, nhưng với Chúa thì không có gì là không có thể”.

Đức cha Dembele cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức thánh lễ tạ ơn tại các giáo xứ và giáo phận, tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho người dân Mali và hòa bình cho đất nước Mali.”

Trong một tin ngắn được gửi đi từ Colombia cho ACN, tin từ Édgar, người anh trai của sơ Gloria, nói về phản ứng trước tin vui này tại đất nước Colombia quê quán của sơ. Anh Edgar viết: “Tôi đã được cảnh sát loan báo, họ nhận được những bức hình của sơ Gloria. Tòa giám mục ở Mali đã vận động và sơ được thả tự do. Xin cám ơn tất cả các ký giả và mọi người trên toàn thế giới đã cầu nguyện cho việc phóng thích người em gái của chúng tôi. Toàn đất nước Colombia đều vui mừng cảm tạ…”

Tương tự thế, Giám mục Mario Álvarez Gomez, người đứng đầu Ủy ban Truyền giáo của Hội Đồng Giám mục Colombia cũng bày tỏ: “Chúng tôi cám ơn và cùng với Giáo hội hoàn vũ, chúng tôi đặc biệt cảm ơn Tòa thánh, Sứ thần Tòa thánh tại Colombia và Hội đồng Giám mục để tạ ơn Chúa về hồng ân này.”

Thomas Heine-Geldern, chủ tịch điều hành ACN, cũng bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những ai, trong những năm qua, đã không ngừng cầu nguyện cho sơ. “Tại ACN, chúng tôi hằng cầu nguyện đặc biệt cho những người bị bắt, bị giam cầm cách bất công. Nữ tu Gloria luôn ở trong tâm trí và trái tim của rất nhiều ân nhân và thành viên của chúng tôi trong những năm qua, nhưng đặc biệt là năm vừa qua, trong Mùa Chay, và cả trong Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu bị đàn áp cũng như bị bắt bớ giam cầm. Việc sơ Gloria được thả, sau hơn bốn năm kiên tâm và bền bỉ chịu đựng, khiến chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho tất cả những người bị bắt bớ vì niềm tin yêu hy vọng vào Tin Mừng Chúa”.

Giám mục Dembele nói với ACN rằng: “Sự giải thoát của Sơ Gloria rơi vào thời điểm chúng ta đang cầu nguyện cho hòa bình thế giới, khiến chúng ta vui mừng và không ngừng cầu nguyện cho những ai đang bị giam giữ như sơ, cho sự an nguy của họ, và chúng ta muốn nói cho mọi người, mọi phe phái rằng chúng ta mong muốn hòa bình, không gì khác hơn là hòa bình và phát triển.”

Và Đức cha kết luận: “Có rất nhiều khó khăn trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở vùng Sahel và chúng tôi biết rằng mùa mưa sắp đến, sẽ mang lại nhiều phiền lụy cho tất cả mọi người và chúng tôi sằn sàng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau”.

Nữ tu Gloria Cecilia đã bị bắt cóc vào ngày 7 tháng 2 năm 2017, khi sơ đang gặp gỡ ba sơ khác cùng dòng với sơ, các Nữ tu dòng Phanxicô của Mẹ Maria Vô nhiễm… thì một nhóm khủng bố Hồi giáo bao vây họ và muốn bắt đi một sơ trẻ nhất trong số các sơ làm con tin. Trước hoàn cảnh đó, sơ Gloria, người Colombia, người lớn tuổi nhất, đã xin được thay thế!... Sau một thời gian, người ta nghĩ là sơ đã bị giết, nhưng đột nhiên một đoạn video được phát sóng vào năm 2019 nói lên sơ Gloria vẫn còn sống.

Các báo cáo về Tự do Tôn giáo của ACN năm 2021 cho biết "vụ bắt cóc nữ tu, cùng với một số cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự, nói lên bản chất của các nhóm khủng bố Hồi giáo quốc tế ở Sahel ngày càng hung hãn..."

Mali là một quốc gia có đông người Hồi giáo, với số người theo đạo Thiên chúa chưa đến 3% dân số. Mali đã rơi vào các cuộc xung đột trong nhiều năm qua. Các cuộc khủng bố ngày càn trở nên trầm trọng hơn do những căng thẳng giữa các sắc tộc trên toàn quốc, nhưng đặc biệt gay gắt nhất giữa miền bắc và miền nam.

Nguồn: ACN có thể truy cập tại: www.churchinneed.org