Theo tin CNA ngày 21 tháng 3 năm 2022, Vatican đã tổ chức một cuộc họp báo của trình bày Tông hiến mới Praedicate evangelium.



Trong cuôc họp báo trên, một vị Hồng Y của Vatican cho biết hôm thứ Hai rằng việc đưa các chữ “hình thức đặc biệt” vào trong tông hiến mới Praedicate evangelium là “một lỗi chính tả cần được sửa chữa”.

Phát biểu trong cuộc họp báo được trực tiếp truyền hình từ Vatican vào ngày 21 tháng 3, Đức Cha Marco Mellino, thư ký Hội đồng Hồng Y của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho biết phần liên quan của tông hiến đã được viết trước khi công bố Tự sắc Traditionis custodes, văn kiện năm 2021 của Đức Giáo Hoàng hạn chế Thánh lễ truyền thống bằng tiếng Latinh.

Tông hiến mới, được soạn thảo trong chín năm, tại điều 93 nói rằng Bộ mới có tên là Bộ Phụng thờ Thiên Chúa và Kỷ luật Bí tích “xử lý việc ra quy định và kỷ luật cho Phụng vụ Thánh liên quan đến hình thức đặc biệt của Nghi lễ Rôma”.

Đức Cha Mellino nói với các nhà báo, “Quy tắc này… đã được phát biểu theo cách này trước khi công bố tự sắc và là một lỗi chính tả cần được sửa chữa. Đức Thánh Cha đã được thông báo về điều này”.

Trong cuộc họp báo kéo dài hơn hai giờ, các diễn giả nhấn mạnh rằng tông hiến mới cho phép giáo dân và nữ giáo dân lãnh đạo một số bộ của Vatican, mà từ nay sẽ được gọi là các “dicasteries” sau khi văn kiện có hiệu lực vào ngày 5 tháng Sáu, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

Họ cũng thảo luận về việc liệu văn kiện có thay đổi mối liên hệ giữa Giáo triều Rôma và các hội đồng giám mục địa phương hay không và tác động của việc giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với những người đứng đầu các bộ.

Nói đến việc sử dụng thuật ngữ “hình thức đặc biệt”, Đức Cha Mellino nói rằng điều 93 lẽ ra phải được sửa đổi lại trước khi cho công bố.

Ngài nhận xét “Theo nghĩa này, tôi muốn nói rõ rằng đó chỉ là vấn đề từ ngữ”.

Ngài nói thêm, “Nhưng quí vị sẽ nhận được công thức đúng khi tôi có thời gian đệ trình công thức mới cho Đức Thánh Cha”.

Trong Traditionis custodes và trong “các câu trả lời” sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhần mạnh rằng Thánh lễ Cũ không còn được coi là “hình thức đặc biệt” của Nghi thức Rôma nữa; đây là một thuật ngữ được vị tiền nhiệm là Đức Bênêđíctô XVI đưa ra trong tự sắc Summorum Pontificum, văn kiện năm 2007 của ngài về việc nới lỏng việc cử hành các Thánh lễ Latinh Truyền thống.

Đức Cha Mellino nói thêm rằng công thức mới cũng cần phải tính đến vấn đề “Cộng đồng Thánh Phêrô” (chắc ngài có ý nói đến Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô [FSSP]), một cộng đồng từng cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một sắc lệnh vào tháng Hai cho phép họ sử dụng các sách phụng vụ có hiệu lực vào năm 1962.

Tại cuộc họp báo diễn ra hai ngày sau khi tông hiến bất ngờ được công bố chỉ bằng tiếng Ý, Loup Besmond de Senneville, người đứng đầu hiệp hội các nhà báo của Vatican, đã đọc một tuyên bố bày tỏ sự “kinh ngạc” rằng Vatican đã công bố tông hiến vào ngày 19 tháng Ba, kỷ niệm chín năm ngày nhậm chức giáo hoàng của Đức Phanxicô, mà không có bất cứ thông báo trước nào về một tài liệu quan trọng như vậy đối với Giáo hội hoàn vũ.

Cha Gianfranco Ghirlanda, một linh mục Dòng Tên và luật sư giáo luật, người từng là viện trưởng viện Đại học Giáo hoàng Gregorian, đã gọi vai trò của giáo dân trong Giáo triều Rôma được nêu trong tông hiến mới là “canh tân”.

Cha nói rằng quyền lực để thực hiện một chức vụ “giống y như nhau cho dù nó phát xuất từ một giám mục, một linh mục, một người thánh hiến nam hay nữ, hoặc một giáo dân nam hay nữ”.

Cha Ghirlanda nói, “Quyền cai trị trong Giáo hội không phát xuất từ bí tích Truyền Chức Thánh, mà là từ sứ mệnh theo giáo luật”.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng của cơ quan mà nay sẽ được gọi là Bộ Phong Thánh, cho biết tại cuộc họp báo rằng “dicastery” là một thuật ngữ thế tục, trong khi “congregation” (thánh bộ) là một thuật ngữ giáo hội”.

Đức Hồng Y nói: “Một giáo dân nam hoặc nữ có thể chủ trì một bộ, theo các tiêu chuẩn được xác định”.

Cha Ghirlanda nói rằng tông hiến mới tìm cách tăng cường các hội đồng giám mục địa phương, cũng như các cơ quan giám mục lục địa. Các hội đồng giám mục được đề cập đến hơn 50 lần trong văn kiện mới, so với chỉ hai lần trong tông hiến trước đây, tức tông hiến Pastor bonus năm 1988.

Nhưng vị linh mục Dòng Tên này lưu ý: “Những gì được thiết lập bởi một hội đồng giám mục không thể mâu thuẫn với Huấn Quyền phổ quát, nếu không chúng ta đang ở bên ngoài sự hiệp thông của Giáo Hội”.

Khi được hỏi liệu nhiệm kỳ 5 năm đối với những người đứng đầu các bộ có thể tạo ra các vấn đề cho tính liên tục hay không, Cha Ghirlanda nói rằng những nhà lãnh đạo chứng tỏ được năng lực sẽ được bổ nhiệm thêm 5 năm nữa.

Ngài nói rằng “những người ở lại quá lâu trong các vị trí cai trị có thể tạo ra các trung tâm quyền lực. Và trong Giáo hội điều đó không bao giờ thích đáng. Thay đổi người mang lại những ý tưởng mới, kỹ năng mới, sự cởi mở. ”