Theo tờ The Pillar, sau nhiều năm mong đợi, hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành kế hoạch tái cấu trúc Giáo triều Rôma, tức các cơ quan và định chế hành chính trung ương chịu trách nhiệm hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong việc lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, và thường được gọi là Vatican.



Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết vào ngày 19 tháng 3 rằng các cải cách của ngài nhằm đảm bảo để các văn phòng của giáo triều phục vụ nhu cầu của các giám mục giáo phận và sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng, và nhấn mạnh “tính minh bạch và hành động phối hợp” – vốn là những câu trả lời sắc cạnh cho mối quan tâm lâu nay của Đức Giáo Hoàng đối với việc các văn phòng của Vatican xem ra có tính lãnh thổ, mờ đục và không linh hoạt.

Các qui tắc này, được công bố trong tông hiến Praedicate evangelium, giao nhiệm vụ cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh việc phối trí hành chính, đồng thời cải tổ lớn và kết hợp các văn phòng liên hệ nhưng vốn độc lập lâu nay. Chính Đức Thánh Cha đảm nhận trách nhiệm đối với các bộ phận truyền giáo và truyền giảng Tin mừng của Giáo triều Rôma, đồng thời nâng cao địa vị của vị phát chẩn, người phối hợp các công việc bác ái của Vatican.

Bản văn này cũng tuyên bố trực tiếp rằng giáo dân có thể giám sát một số văn phòng, hoặc bộ sở, của Giáo triều, trong khi giới hạn đặc quyền đó tùy theo thẩm quyền và trách nhiệm của chính văn phòng đó.

Nhưng trong khi báo chí cho rằng Praedicate evangelium làm nổi bật “tính bình đẳng pháp lý” của tất cả các cơ quan của Vatican, thì khái niệm này thực sự được vay mượn từ Pastor Bonus, tông hiến năm 1988 mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thay thế.

Việc công bố Praedicate evangelium vào ngày 19 tháng 3 của Đức Giáo Hoàng đã gây bất ngờ cho hầu hết những người theo dõi Vatican, dù việc ban hành bản văn này đã được mong đợi hầu suốt triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, bắt đầu từ năm 2013.

Các quy tắc được công bố hôm thứ Bảy được đưa ra sau khi các bản dự thảo lưu hành trước đó gợi ý một loạt các thay đổi mạnh mẽ hơn so với những thay đổi cuối cùng đã được Đức Phanxicô lựa chọn - các bản dự thảo trước đó cho thấy vai trò của Quốc vụ khanh cao hơn nhiều so với vai trò mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cuối cùng đã quyết định, cùng với nhiều thay đổi được đề nghị trước đây nhưng không có trong bản văn sau cùng này, như đề xuất trước đây dành nhiều thẩm quyền giảng dạy tín lý cho các hội đồng giám mục quốc gia hoặc khu vực chẳng hạn.

Về mặt cấu trúc, bản văn mô tả một Vatican trong đó Phủ Quốc Vụ Khanh, mà trong Bản văn cũng gọi là Văn Phòng Thư Ký Của Đức Giáo Hoàng (Papal Secretariat), được trao cho vai trò phối hợp các dự án và sáng kiến liên cơ quan của Vatican.

Đức Giáo Hoàng định nghĩa lại thuật ngữ “dicastery” [tổng bộ] - trong khi trước đây vốn là một thuật ngữ chung để chỉ một số loại văn phòng của Vatican, Praedicate evangelium đã tinh chỉnh thuật ngữ này, sử dụng nó theo nghĩa hạn chế để mô tả các văn phòng Vatican trước đây được gọi là “thánh bộ” [congregations] - các văn phòng hành chính trung ương với các nhiệm vụ quản trị các lĩnh vực đặc thù như giáo dục hoặc tín lý, và trong đó các Hồng Y tạo thành một loại hội đồng giám sát công việc của họ.

Chẳng hạn, Thánh Bộ Giáo lý Đức tin đã được đổi tên thành Tổng Bộ [Dicastery] Giáo lý Đức tin, và Bộ Giáo dục Công Giáo, nay được hợp nhất với Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, trở thành Tổng Bộ [Dicastery] Văn hóa và Giáo dục.

Vai trò của Tổng Bộ Giáo lý Đức tin hiện nay được sửa đổi theo các quy định mới của Vatican. Trong khi thánh bộ này trước đây có trách nhiệm phê duyệt các bản văn của Vatican, từ bất cứ bộ phận nào liên quan đến đức tin và đạo đức, Tổng bộ hiện nay phải được hỏi ý kiến về những vấn đề đó, và được giao nhiệm vụ thực hiện một quá trình hợp tác và thực hành hơn trong việc làm việc với các bộ phận khác của Vatican, khi các nhiệm vụ được phát triển.

Trong số những phát triển đáng kể là sự kết hợp của một số văn phòng Vatican tập trung vào việc phúc âm hóa thành một tổng bộ lớn mà về phương diện kỹ thuật sẽ do chính Đức Giáo Hoàng đứng đầu.

Tổng Bộ Phúc âm hóa kết hợp Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, cơ quan vốn quản lý việc điều hành của Giáo hội trong các lãnh thổ truyền giáo, với Hội đồng Giáo hoàng về việc Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, một văn phòng được phát động dưới thời Giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI. Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, được biết đến với cái tên “Truyền bá Đức Tin” (propaganda Fide), có phạm vi quản lý rộng rãi bao gồm nhiều vùng rộng lớn trên thế giới, và là một trong những thánh bộ giàu có và có ảnh hưởng nhất của Vatican.

Bản văn thiết lập Tổng Bộ mới cho Dịch vụ Bác ái không có song hành nào trong Pastor Bonus.

Văn phòng mới, một cơ sở sẽ do vị phát chẩn của Đức Giáo Hoàng là Đức Hồng Y Konrad Krajewski đứng đầu, “là một biểu hiện đặc biệt của lòng thương xót và, khởi đi từ chính sách ưu tiên chọn người nghèo, người dễ bị tổn thương và người bị loại trừ, thực hiện công việc hỗ trợ và giúp đỡ ở mọi nơi trên thế giới, đối với những người này nhân danh Giám Mục Rôma, vị trong những trường hợp nghèo đói đặc biệt hoặc cần thiết khác sẽ đích thân giàn xếp việc giúp đỡ để phân bổ đến họ".

Phương thức của Đức Giáo Hoàng đối với ủy ban bảo vệ trẻ em bị lạm dụng đã gây ra phản ứng gay gắt từ một số người ủng hộ việc bảo vệ trẻ em.

Thay vì hiện hữu với tư cách là một cơ quan độc lập của Vatican, Ủy ban Giáo hoàng về việc Bảo vệ Các Vị thành niên hiện nằm trong khuôn khổ của Tổng bộ Giáo lý Đức tin, mà bộ phận kỷ luật cũng có trách nhiệm xét xử các cáo buộc hành vi sai trái nghiêm trọng về tình dục.

Người Ái Nhĩ Lan ủng hộ những người sống sót và nạn nhân bị lạm dụng, là Marie Collins, người đã từ chức ủy ban vào năm 2017 vì thất vọng với tốc độ cải cách của Vatican, đã tweet vào ngày 19 tháng 3 rằng ủy ban “giờ đây đã chính thức mất đi vẻ ngoài độc lập”.

Không rõ mối liên hệ chức năng giữa Tổng Bộ Giáo lý Đức tin và ủy ban thực sự sẽ như thế nào, hay liệu sự thay đổi chỉ đơn giản là một phần trong cố gắng tổng thể nhằm định vị các ủy ban tư vấn vào các văn phòng tổng bộ liên hệ, dường như chỉ để lập ngân sách, lập kế hoạch và đơn giản hóa Sơ đồ tổ chức.

Đáng chú ý, các cơ cấu tài chính của Tòa thánh được liệt kê tách biệt với các bộ sở của Giáo triều Rôma, trong một sự công nhận rõ ràng đối với địa vị riêng biệt của chúng trong bộ máy hành chính của Vatican. Và, có điều đáng chú ý là, các văn phòng tài chính dường như không chia sẻ kế hoạch đặt lại tên chung được áp dụng cho hầu hết các cơ quan khác của Vatican.

Hội đồng Kinh tế, theo luật vẫn phải do một Hồng Y đứng đầu, giữ quyền giám sát gần như tất cả các chính sách và vấn đề tài chính của Vatican. Văn phòng Kinh tế, giống như Phủ Quốc Vụ Khanh, được mô tả là “Văn phòng Thư ký của Đức Giáo Hoàng” [Papal Secretariat] về các vấn đề kinh tế và tài chính, với “quyền kiểm soát và giám sát” trong các vấn đề hành chính và tài chính của giáo triều, và với “quyền kiểm soát đặc biệt” đối với Qũy Đồng Xu Thánh Phêrô (Peter's Pence) và các quỹ giáo hoàng khác.

Tuy nhiên, trong một điểm cải tổ đáng chú ý khác liên quan tới nhiệm vụ của văn phòng, nó nay đơn thuần “cộng tác” với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cơ quan có “năng quyền độc hữu” đối với các vấn đề liên quan đến chức năng ngoại giao và bất cứ điều gì liên quan đến luật pháp quốc tế.

Văn phòng và hội đồng kinh tế cũng không mở rộng tới bất cứ điều gì được duy trì bởi bí mật nhà nước, mà hiện đang nằm dưới sự giám sát của Ủy ban về Các Vấn đề dành riêng, hiện do Đức Hồng Y nhiếp chính, Kevin Farrell, đứng đầu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã coi việc cải cách tài chính của giáo triều Rôma là điều nền tảng trong triều đại giáo hoàng của ngài, nhưng nhiều nỗ lực cải cách ban đầu của ngài đã dẫn đến xung đột giữa Văn phòng Kinh tế, do Đức Hồng Y George Pell lãnh đạo đầu tiên, và Phủ Quốc Vụ Khanh.

Các cuộc đụng độ giữa hai bộ phận đó trong những năm gần đây bao gồm vụ mua bán tài sản ở London, một cuộc điều tra của Vatican dẫn đến việc buộc tội 10 cựu quan chức và cộng sự tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Những cải cách trước đây do Đức Phanxicô ban hành đã loại bỏ quyền kiểm soát tài sản và ngân quỹ của Giáo hội khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh, chuyển giao chúng cho APSA, tức cơ quan quản lý tài sản có chủ quyền của Tòa thánh hoặc đặt chúng dưới sự giám sát của Văn phòng Kinh tế. Chúng bao gồm các khoản tiền được sử dụng cho vụ nhà đất London năm 2018 hiện là tâm điểm của một phiên tòa hình sự ở Thành phố Vatican.

Tuy nhiên, phiên tòa hình sự ở Vatican cũng liên quan đến việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sử dụng ngân quỹ cho các hoạt động bí mật và các hành vi bị coi là gián điệp trong nội bộ Vatican, và các bị cáo trong những vụ này, Đức Hồng Y Angelo Becciu và Cecilia Marogna đã nại bí mật nhà nước để từ chối đưa ra bằng chứng trước tòa.

Praedicate evangelium khẳng định rằng giáo dân có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong một số cơ quan của Vatican - một thông lệ đã bắt đầu trong những năm gần đây – bản văn không chỉ ra bất cứ tiêu chuẩn nào về việc trả công cho các chuyên gia được mời giữa các vai trò hành chính của Vatican. Những giáo dân thực sự làm việc trong các cơ quan của Vatican trong những năm gần đây đã đưa ra lời phàn nàn rằng Tòa thánh - đang đối đầu với những rắc rối lớn về ngân sách - không có khả năng trả mức lương đủ sống, và thang lương của họ phản ảnh hầu hết chỉ là lương thư ký, và họ buộc phải nhận thu nhập bổ sung từ giáo phận của họ hoặc các dòng tu.

Trong ba tháng tới, Vatican sẽ bắt đầu dự án lớn chuyển đổi tổ chức từ cơ cấu của Pastor bonus sang cơ cấu mới do Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành - quá trình chuyển đổi này dường như sẽ đòi hỏi mọi thứ từ tập trung hóa ngân sách, đánh giá tình trạng dư thừa nhân sự và thậm chí đặt hàng văn phòng phẩm mới để phản ánh các thay đổi về tên. Tông hiến mới có hiệu lực từ ngày 5 tháng 6.