Hôm 14 tháng 11, thế giới đã cử hành Ngày Bệnh Tiểu Đường Thế giới, để nâng cao nhận thức về căn bệnh kinh hoàng gây ra khoảng 4 triệu ca tử vong mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Giáo Hội Công Giáo coi Thánh Rafael Arnáiz Baron là vị thánh bảo trợ cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Thánh Rafael Arnáiz được coi là một trong những nhà thần bí vĩ đại của thế kỷ 20, và vì căn bệnh này, ngài không thể thực hiện ước nguyện trở thành một linh mục dòng Trappe mà chỉ được phục vụ như một tu sĩ tận hiến.

Sinh tại Burgos vào năm 1911, ngài được học tại các trường của Dòng Tên ở thành phố quê hương và ở Oviedo, nơi gia đình ngài chuyển đến sau này vì lý do công việc.

Khi còn nhỏ, ngài bị nhiều bệnh khác nhau. Năm 10 tuổi, sau khi khỏi bệnh viêm màng phổi, cha ngài đưa ngài đến Zaragoza để dâng mình cho Đức Trinh Nữ Pilar để tỏ lòng biết ơn vì đã chữa khỏi bệnh cho ngài.

Rafael được nhận vào Trường Kiến trúc Madrid năm 1930.

Nhận thức được kỹ năng vẽ của ngài, chú của ngài là Leopoldo Baron Torres, công tước xứ Maqueda, đã giao cho ngài thiết kế trang bìa của một cuốn sách có tựa đề “Từ Chiến trường đến dòng Trappe”.

Đó là bản dịch câu chuyện về một người lính Pháp đã đạt được danh tiếng và vinh dự trong nghệ thuật sử dụng vũ khí trong Chiến tranh Pháp-Phổ trong hai năm 1870 và 1871. Mặc dù người lính này có thể đạt được những danh hiệu và vị trí cao nhất mà từ lâu vẫn hằng khao khát, nhưng anh đã quyết định gia nhập Trappe.

Chàng trai trẻ Rafael đã bị ấn tượng bởi cuộc đời của người lính Pháp này, Gabriel Mossier, người đã kết thúc những ngày của mình với tư cách là thầy Gabriel, một thành viên của Dòng Xitô Nhặt Phép.

Do đó, Rafael đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Tu viện Xitô Nhặt Phép San Isidro de Dueñas ở Palencia ngay sau đó. Đó là những năm đầy biến động của thập niên 1930 ở Tây Ban Nha dẫn đến Nội chiến.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, vào năm 1934, anh bỏ dở việc học đại học và vào tu viện Palencia với tư cách là một tập sinh trong bốn tháng. Vì bị bệnh tiểu đường nặng nên cấp trên đã gửi ngài về nhà để tĩnh dưỡng.

Gần hai năm sau, vào năm 1936, anh lại vào San Isidro de Dueñas, không còn với tư cách là một người khao khát làm linh mục, mà với tư cách là một tu sĩ tận hiến. Anh ta ở đó cho đến tháng 9 khi anh ta bị gọi nhập ngũ.

Bất chấp quyết tâm chiến đấu chống lại những kẻ thù của Chúa và Giáo hội của anh, Rafael đã bị bắt buộc phải quay trở lại tu viện hai tháng sau đó, sau khi được tuyên bố là không thích hợp để chiến đấu vì bệnh tiểu đường.

Ngay từ năm 1937, do những khó khăn đặc biệt của đời sống đan tu trong thời chiến, các bề trên đã quyết định gửi anh về với gia đình. Nhưng trước khi năm đó kết thúc, Rafael lại trở lại tu viện vào tháng 12.

Chỉ bốn tháng sau, vào ngày 26 tháng 4 năm 1938, Anh Rafael qua đời trong phòng của mình ở tuổi 27. Tổng cộng tất cả các giai đoạn, anh chỉ sống trong dòng Trappe được khoảng 20 tháng.

Quá trình phong thánh lâu dài

Ngay từ những năm 1940, một số anh em của ngài, tin tưởng vào các nhân đức anh hùng của ngài, đã đề xuất đặt lăng mộ của ngài trong một cánh của tu viện nhưng không thành công.

Năm 1944, chú của ngài, công tước Maqueda, đã viết câu chuyện về cháu trai của mình, có tựa đề “Bí nhiệm của Dòng Trappe”, khiến nhiều người quan tâm.

Mãi cho đến những năm 1960, công việc phong chân phước mới bắt đầu và ngôi mộ của ngài đã được chuyển đến tu viện, như những người anh em của ngài đã mong muốn 20 năm trước đó.

Trong Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Santiago de Compostela vào tháng 8 năm 1989, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề xuất thầy Rafael như một hình mẫu để noi theo. Vài ngày sau, ngài được tuyên bố là “Bậc Đáng Kính”.

Chỉ một năm sau, một phép lạ nhờ lời cầu bầu của ngài bắt đầu được nghiên cứu. Năm 1992, Thánh Gioan Phaolô II tuyên bố ngài là Chân phước tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma.

Dưới thời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, phép lạ phong thánh cho Thánh Rafael Arnáiz đã được phê chuẩn, và ngài được phong thánh vào ngày 11 tháng 10 năm 2009.

Hai năm sau, ngài được tuyên bố là bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Madrid cùng với các vị thánh khác gốc Tây Ban Nha và thế giới, chẳng hạn như Chân phước Gioan Phaolô II.
Source:Catholic News Agency